Trang

Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

Ý nghĩa của ngày mừng lễ các thánh

 

Ý nghĩa của ngày mừng lễ các thánh

Chỉ có Thiên Chúa là Đấng Thánh. Chỉ một mình Thiên Chúa xứng đáng với danh hiệu “Thánh-Thánh-Chí Thánh”. Sự thánh thiện xuất phát từ Thiên Chúa, nguồn mạch của mọi sự tốt lành và thiện hảo. Nhưng vì lòng thương xót bao la, Ngài đã rộng rãi thông ban sự thánh thiện của mình cho con người, để những ai, sau khi đã trải qua một thời gian dài thanh luyện với đủ những thử thách cũng có thể thông phần vào sự thánh thiện đó và được gọi là “thánh”.

 

Trong hành trình cuộc sống, chúng ta gặp không ít các hạng người khác nhau. Có những người mang đến cho chúng ta biết bao rắc rối khiến chúng ta mệt mỏi; có những người xuất hiện trong cuộc hiện hữu của chúng ta mà chẳng để lại một chút ký ức gì; nhưng cũng có những người thật sự đã in đậm trong trái tim của chúng ta một ấn tượng không phai bởi cung cách sống tốt đẹp và lối hành xử phi thường. Nơi họ toát lên một nét siêu thoát đến lạ lùng. Họ an nhiên, tự tại, thảnh thơi. Vẫn mang trên mình thân xác đầy yếu đuối và mỏng dòn, nhưng họ làm ta có cảm giác như thể họ đang sống giữa Thiên Đàng đầy hạnh phúc. Không một khó khăn nào làm họ nản chí. Không một đau khổ nào có thể lấy đi khỏi họ sự thanh tao, lạc quan và yêu đời. Những người như thế, chúng ta gọi là “thánh”. Họ đích thực đã sống sự sống của Thiên Chúa, họ được Ngài cho thông dự vào sự thánh thiện của Ngài.

 

Trong suốt năm phụng vụ, hầu như ngày nào chúng ta cũng mừng một vị thánh nào đó. Có những vị thánh rất nổi tiếng. Cũng có những vị thánh xa lạ hơn với chúng ta. Ấy vậy mà cũng không thể mừng hết số lượng đông đảo các ngài. Đó là chưa kể đến những vị mà nhân đức anh hùng của họ chưa được Giáo Hội biết đến và tôn vinh. Vì thế, Giáo Hội đã dành ngày 1.11 hàng năm để kính nhớ toàn thể các thánh trên trời, chúc mừng họ, vì họ đã khải hoàn chiến thắng một cách oanh liệt trong cuộc chiến với ma quỷ, đã chà đạp chúng bằng niềm tin vào Đức Kitô. Trong số đó, biết đâu có cả ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè, người thân của chúng ta mà chúng ta không hề biết.

 

Sách Khải Huyền cho chúng ta biết rằng, họ là “đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế” (Kh 7,9). Quả vậy, không sao có thể kể hết sự phong phú trong cộng đoàn các thánh. Sự phong phú này về giới tính, trình độ học vấn, quốc gia, nghề nghiệp, vai trò trong xã hội, bậc sống… cho chúng ta một ấn tượng rằng lời mời gọi nên thánh là dành cho tất cả mọi người (như công đồng Vaticano II khẳng định). Thiên Chúa thông ban sự thánh thiện của mình cho tất cả mọi người và bất cứ ai cũng có thể được tham dự vào sự thánh thiện đó bằng những nỗ lực và dấn thân của mình.

 

Chúng ta biết đến các thánh được gọi là tiến sĩ Hội Thánh, họ có những tư tưởng thần học xuất sắc, giúp bảo vệ, khai sáng và truyền bá đức tin tinh huyền. Cũng có những vị thánh được gọi là tử đạo, những người đã dùng mạng sống của mình để chứng minh tình yêu của mình dành cho Chúa Kitô. Có các thánh là những giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, những người đã hiến thân cuộc đời mình như của lễ tinh tuyền dâng lên Chúa, được diễn tả qua việc sống đời chiêm niệm hoặc dấn thân phục vụ cộng đoàn dân Chúa như dấu chỉ của Nước Trời. Có các thánh đã cao niên và cũng có các thánh vẫn còn rất trẻ. Có những vị thánh xuất thân thấp hèn, thuộc giới nô lệ hay lao động chân tay, cũng có những vị vốn là dòng dõi vua chúa, có trong tay mọi của cải và quyền lực nhưng sẵn sàng coi chúng như là “rác so với mối lợi tuyệt vời là biết Đức Kitô” (x.Pl 3,8). Có những vị thánh suốt ngày bôn ba trên khắp các nẻo đường gian khổ để rao giảng Tin Mừng, và cũng có những người là bố, là mẹ trong gia đình với mối bận tâm là giáo dục con cái và biến gia đình nhỏ bé của mình thành một tổ ấm yêu thương…

 

Dù đông đảo và phong phú như thế, nhưng tất cả các thánh đều có một điểm chung: họ đã sống các mối phúc mà Chúa Giêsu đã dạy một cách phi thường. Một tài liệu cổ xưa gọi họ là những người “sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian; chân còn chạm đất, nhưng lòng luôn hướng về trời”. Họ là những người “sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng (Tv 14), “những cô trinh nữ khôn ngoan” (Mt 25,1-13), là những người đã luôn làm lời những nén bạc Chúa trao (x.Mt 25,14-30), những người đứng bên phải Nhà Vua trong ngày phán xét vì đã thực thi lòng bác ái với những người đói rách, bệnh tật, bị bỏ rơi (x.Mt 25,31-46)… Họ là những người luôn tín thác vào Chúa, dành cho Chúa chỗ nhất trong trái tim, đi theo Chúa trên chặng đường thập giá đến phút cuối cùng. Trong số các vị thánh, có rất nhiều vị đã từng chối Chúa, theo lạc giáo, phạm nhiều tội nặng, nhưng nhờ tin vào lòng thương xót của Chúa, họ quay lại, đứng lên và làm lại cuộc đời. Những vị này thật đáng cho chúng ta kính ngưỡng.

 

Nhiều người cho rằng một vị thánh nhân thường có lối sống lạ đời, rằng họ chẳng có trải nghiệm gì về những điều trần thế, họ phải bỏ đi hết mọi thú vui và cuộc sống của họ thật nhàm chán; cung cách sống của họ, do khác với người khác, nên biến họ trở thành những người lạc lõng giữa thế gian. Nghĩ đến một sự buông bỏ triệt để, người ta sợ và không muốn làm thánh; họ hài lòng với một cuộc sống “lưng chừng”, không làm hại ai để mang tiếng xấu, nhưng cũng không cần phải quá tốt để làm thiệt hại cho bản thân. Đối với họ, cuộc sống cứ trôi qua nhẹ nhàng, không tai ương, không bệnh tật… vậy là đủ rồi. Cái danh hiệu “thánh nhân”, họ không dám mơ tới và cũng không phải là mục tiêu của cuộc đời họ.

 

Có lẽ, ở một phương diện nào đó, các thánh cũng có một sự “lẻ loi” trong cuộc sống khi họ không sống và hành xử theo thói đời. Họ thậm chí có thể bị người khác dè bĩu vì sự “quá tốt bụng” của mình. Tại sao phải “dành phần hơn cho người khác” (Pl 2,3)? Tại sao phải tha thứ, chứ không phải trả thù? Tại sao không dùng “miếng trả miếng” cho hả cơn giận và trút bỏ những ấm ức, mà lại chọn nhẫn nhịn và bỏ qua? Tại sao không tranh giành để thủ đắc thật nhiều của cải cho bản thân mà lại sẵn sàng cho đi? Tại sao phải lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình? Tại sao phải cảm thấy nhói lòng và thấy mình phải làm cái gì đó khi người khác không có cái ăn, cái mặc, chịu những giá lạnh trời đông?…

 

Các thánh khác chúng ta vì họ nhìn thực tại sâu hơn và xa hơn, với lòng trắc ẩn và bác ái chứ không phải vì thước đo lợi ích. Họ đụng chạm được đến chiều kích thần thánh nằm ngay tận cốt lõi của ơn gọi làm người, đó là lòng thương xót, tình yêu thương. Họ nghiệm được giá trị cao quý của nó và họ hiện thực hoá nó trong cuộc sống của mình. Họ không chê bỏ những niềm vui chính đáng của đời này, nhưng họ chọn và tìm kiếm niềm vui mang tính vĩnh hằng hơn. Hành trình tiến đến sự vĩnh hằng đó, là hành trình đi vào trong sự thánh thiện của Chúa và hệ quả tất yếu của nó chính là sự lạc quan, niềm hạnh phúc, sự bình an sâu thẳm. Chúng thấm vào trong các vị thánh và toả ra bên ngoài như cành hoa thơm. Một vị thánh chính là một con người đúng nghĩa, loài được dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa” (St 1,26).

 

Các vị thánh đã thật sự gạt bỏ được mọi dính bén hồng trần, nên chẳng quan tâm đến chuyện mình được tôn vinh hay không. Chẳng một vị thánh đích thực nào lại đi tìm kiếm sự thừa nhận từ người khác. Việc Giáo hội tôn vinh một vị thánh hay mời gọi chúng ta kính nhớ các ngài trong suốt năm phụng vụ, hay trong thánh lễ ngày 1.11, một mặt, để chúng ta cùng với các ngài tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho phép và tạo điều kiện để con người chúng ta được thông dự vào sự thánh thiện của ngài; mặt khác, để chúng ta biết rằng việc nên thánh là điều có thể (mà các thánh là những chứng nhân rõ ràng nhất), đồng thời, để nhắc nhớ chúng ta rằng giữa trăm ngàn thử thách của cuộc sống và những cạm bẫy mà kẻ thù gây ra, chúng ta có hằng hà sa số các thánh thường xuyên và sẵn sàng chuyển cầu cho chúng ta. Chúng ta như thể được bao bọc bởi ân sủng của Chúa nhờ các ngài. Mỗi một người chúng ta, tuỳ theo bối cảnh gia đình, xã hội, tính cách… đều có thể tìm thấy cho mình một mẫu gương để noi theo nơi một hay một vài vị thánh nào đó mà Chúa ban cho Giáo hội.

 

Như một truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội, mỗi chúng ta đều có một vị thánh bổn mạng, người mà chúng ta nhận là đấng bảo trợ trong suốt hành trình dương gian của mình. Vị thánh ấy hằng theo bước chúng ta, nâng đỡ chúng ta, chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta và đang chờ đợi chúng ta cùng gia nhập cộng đoàn của những người chiến thắng trên Thiên Đàng. Hãy nhớ đến vị thánh ấy, cầu nguyện với ngài và cố gắng noi gương nhân đức của ngài. Như thế, việc mừng lễ các thánh hôm nay, như lời thánh Bernardo nói, không phải vì các ngài mà là vì chúng ta, vì khi nhớ đến các ngài, chúng ta như được thêm sức mạnh và hy vọng để tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hầu mai sau cũng sẽ được dự phần Thiên Quốc như các ngài.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

https://dongten.net/y-nghia-cua-ngay-mung-le-cac-thanh/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét