GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI - BÀI 19: ĐỨC GIÊSU VÀ VIỆC CẦU NGUYỆN
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 30 tháng 11 năm 2011
Anh chị em thân mến,
Trong các chương trước chúng ta đã suy tư về vài ví dụ của lời cầu nguyện trong Cựu Ước, giờ đây tôi muốn bắt đầu hướng nhìn về Đức Giêsu, về lời cầu nguyện của Người như một con kênh bí mật chảy qua suốt cuộc sống, các tương quan, các cử chỉ và lời nói của Người, và nó hướng dẫn Người một cách từ từ nhưng mạnh mẽ tới chỗ tận hiến hoàn toàn theo chương trình của Chúa Cha. Đức Giêsu là Thầy dạy cả trong việc cầu nguyện của chúng ta. Còn hơn thế nữa, Người là sự đỡ nâng tích cực và huynh đệ trong mọi hành vi của chúng ta hướng tới Chúa Cha, như khẳng định trong Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo: “Lời cầu nguyện được mặc khải tràn đầy và hiện thực nơi Chúa Kitô” (Giáo lý Hội thánh Công giáo, các số 541-547).
Có một lúc đặc biệt ý nghĩa trên hành trình đời sống của Đức Giêsu, đó là lời cầu nguyện theo sau phép rửa tại sông Giođan. Thánh sử Luca ghi nhận rằng, sau khi cùng toàn dân lãnh nhận phép rửa từ tay Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu đã bước vào một lời cầu nguyện rất riêng tư và kéo dài (Lc 3,21-22). Chính việc “ở trong lời cầu nguyện”, trong cuộc đối thoại với Chúa Cha soi sáng hành động, mà Người đã thực hiện, cùng với biết bao nhiêu người trong dân, đó là chạy đến sông Giođan để lãnh nhận phép rửa thống hối. Khi cầu nguyện, Đức Giêsu trao ban cho cử chỉ lãnh phép rửa của Người một nét tuyệt đối và cá biệt.
Khi mạnh mẽ kêu gọi mọi con cái Tổ phụ Ápraham hoán cải, quay về với sự thiện, và làm các việc xứng đáng với sự thay đổi ấy, Gioan Tẩy Giả đã đem lại một cái gì mới mẻ: việc chấp nhận phép rửa phải ghi dấu một khúc rẽ định đoạt, bỏ lại đàng sau cung cách hành xử gắn liền với tội lỗi, và bắt đầu một cuộc sống mới. Đức Giêsu cũng tiếp nhận lời kêu mời ấy và bước vào trong đám đông các người tội lỗi đợi chờ bên sông Giođan. Cũng như các kitô hữu tiên khởi, chúng ta tự hỏi tại sao là Đấng đã không phạm tội mà Đức Giêsu lại chấp nhận phép rửa thống hối và hoán cải đó? Thánh sử Mátthêu cũng ghi nhận sự kinh ngạc của ông Gioan Tẩy Giả, khi ghi lại lời ông nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Nhưng Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,14-15). Trong thế giới kinh thánh từ “công chính” có nghĩa là hoàn toàn chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa. Đức Giêsu cho thấy sự gần gũi của Người với phần dân chúng thừa nhận rằng sự kiện đơn thuần là con cháu của Tổ phụ Ápraham không đủ, mà muốn thực thi ý muốn của Thiên Chúa, dấn thân để cung cách sống của mình trung thành đáp trả lại giao ước, mà Thiên Chúa cống hiến cho Ápraham. Khi bước xuống sông Giođan, Đức Giêsu vô tội, cho thấy sự liên đới của Người với những kẻ thừa nhận tội lỗi của họ, lựa chọn sám hối, và thay đổi cuộc sống. Người làm cho chúng ta hiểu rằng là thành phần dân Chúa có nghĩa là bước vào trong một quan niệm mới về cuộc sống: cuộc sống theo Thiên Chúa.
Trong cử chỉ đó, Đức Giêsu đã sống trước Thập giá, Người bắt đầu hoạt động của mình bằng cách nhận lấy chỗ của người tội lỗi, mang trên vai gánh nặng tội lỗi của toàn thể nhân loại, bằng cách chu toàn thánh ý Chúa Cha. Khi cầm trí cầu nguyện, Đức Giêsu cho thấy mối dây thân tình với Chúa Cha trên trời, sống kinh nghiệm tình phụ tử, tiếp nhận vẻ đẹp đòi hỏi tình yêu của Người và trong cuộc đối thoại với Chúa Cha, Người đã được xác nhận sứ vụ của mình. Những tiếng vang lên từ trời (Lc 3,22) hướng tới mầu nhiệm vượt qua, thập giá và phục sinh. Tiếng nói của Chúa Cha định nghĩa Người là “Con Ta yêu dấu”, nhắc lại Isaác, người con rất yêu dấu, mà cha là Ápraham sẵn sàng sát tế theo lệnh của Thiên Chúa (St 22,1-14).
Đức Giêsu không chỉ là con vua Đavít thuộc dòng dõi vương giả cứu thế, hay Người Tôi Tớ mà Chúa Cha hài lòng, mà cũng còn là Con Một yêu dấu, giống như Isaác, mà Chúa Cha ban ơn cứu độ cho nhân loại. Qua lời cầu nguyện, trong lúc Đức Giêsu sống thẳm sâu thiên chức làm con và kinh nghiệm tình cha nơi Thiên Chúa, thì Chúa Thánh Thần ngự xuống (x. Lc 3,22a), Đấng hướng dẫn Đức Giêsu trong sứ vụ của Người, Đấng Người sẽ đổ xuống, sau khi bị nâng lên cao trên Thập giá (x. Ga 1,32-34; 7,37-39), để Chúa Thánh Thần soi sáng công trình của Giáo hội.
Trong khi cầu nguyện, Đức Giêsu sống sự kết hiệp mật thiết với Chúa Cha để thực hiện công trình yêu thương đối với loài người cho tới kỳ cùng.
Bối cảnh của lời cầu nguyện ngoại thường này là toàn cuộc sống của Đức Giêsu trong gia đình gắn liền một cách sâu sắc đối với truyền thống tôn giáo của Israel. Các quy chiếu trong Tin Mừng cho thấy điều đó: sự kiện Người được cắt bì (x. Lc 2,21), được dâng trong Đền thờ (x. Lc 2,22-24), cũng như nền giáo dục đào tạo nơi thánh gia thất tại Nadarét (x. Lc 2,39-40; 2,51-52). Tất cả khoảng “30 năm” (Lc 2,23), một thời gian ẩn dật nghỉ ngơi dài, cả khi đã có các tham dự vào những sự kiện tôn giáo, như hành hương lên Giêrusalem. Trong trình thuật Đức Giêsu năm lên 12 tuổi, ngồi đối thoại với các luật sĩ trong Đền thờ, thánh sử Luca cho thấy một thói quen cầu nguyện lâu giờ và thân tình của Đức Giêsu đối với Chúa Cha, đâm rễ sâu trong các truyền thống, nơi cách sống trong gia đình, trong các kinh nghiệm định đoạt mà Người đã sống. Sau khi lên khỏi mặt nước sông Giođan, Đức Giêsu tiếp tục tương quan thân tình với Chúa Cha, và chính trong sự kết hiệp sâu xa ấy với Chúa Cha, Người chu toàn bước chuyển tiếp từ cuộc sống ẩn dật bước vào sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng.
Các trình thuật Tin Mừng cho thấy những khung cảnh cầu nguyện của Đức Giêsu giao thoa giữa truyền thống Do Thái và sự mới mẻ của tương quan thân tình duy nhất với Chúa Cha. Đức Giêsu thường lên nơi vắng vẻ (Mc 1,35; Lc 5,16), hay lên núi để cầu nguyện (Lc 6,12; 9,28), vào lúc đêm khuya thanh vắng (Mc 1,35; 6,46-47; Lc 6,12).
Trong lời cầu nguyện của chúng ta chúng ta cũng phải học ngày càng bước vào trong lịch sử cứu độ, mà Đức Giêsu là chóp đỉnh, để canh tân trước Thiên Chúa quyết định riêng tư của chúng ta, rộng mở cho ý muốn của Người, xin Người ban sức mạnh cho ta phù hợp ý muốn của chúng ta với ý muốn của Chúa trong suốt cuộc đời, và vâng theo chương trình tình yêu thương của Người đối với chúng ta.
Lời cầu nguyện của Đức Giêsu đã chạm tới mọi giai đoạn sứ vụ và suốt những ngày sống của Người. Cho dù những sự mệt mỏi cũng không ngăn cản được. Trái lại, các Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu thường xuyên cầu nguyện ban đêm. Chẳng hạn sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, Người truyền cho các môn đệ lên thuyền qua bờ bên kia. Sau khi giải tán dân chúng, Người lên núi cầu nguyện: “Lập tức, Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bếtxaiđa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất” (Mc 6,45-47). Khi phải quyết định những gì khẩn cấp và phức tạp, Đức Giêsu cầu nguyện sâu sắc, tha thiết và lâu giờ hơn. Chẳng hạn như trước khi chọn 12 Tông đồ, Người đã cầu nguyện suốt đêm: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông đồ” (Lc 6,12-13).
Nhìn vào việc cầu nguyện của Chúa Giêsu, vấn đề được đặt ra rằng, làm sao để tôi có thể cầu nguyện? Làm sao để chúng ta có thể cầu nguyện được? Thời giờ nào chúng ta dành cho mối liên hệ của mình với Thiên Chúa? Ngày nay có còn một thứ giáo dục và huấn luyện đầy đủ về cầu nguyện hay chăng? Ai là thầy dạy cầu nguyện? Trong Tông huấn Verbum Domini, tôi đã đề cập tới tầm quan trọng của việc đọc và cầu nguyện bằng Lời Chúa, trong đó có hình thức đặc biệt đó là Lectio Divina: đọc Sách Thánh, tìm hiểu, phân tích, cầu nguyện và áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Lắng nghe, suy niệm, thinh lặng trước mặt Chúa, Đấng đang nói với chúng ta là cả một nghệ thuật, phải học bằng cách kiên trì thực hành.
Dĩ nhiên, cầu nguyện là một ơn, nhưng nó đòi hỏi phải được lắng nghe. Nó là việc của Thiên Chúa, nhưng đòi hỏi nơi chúng ta sự dấn thân và kiên trì, đó là hai điều kiện hết sức quan trọng. Mẫu gương về kinh nghiệm của Đức Giêsu cho thấy rằng, việc cầu nguyện của Người, được tác động qua tình cha nơi Thiên Chúa, và qua mối hiệp thông của Chúa Thánh Thần, trở nên sâu sắc nhờ việc thực hành lâu dài và bền bỉ, cho đến Vườn Cây Dầu và đến bên Thập giá.
Ngày nay, Kitô hữu được mời gọi trở thành những chứng nhân cầu nguyện liên lỉ, bởi vì thế giới của chúng ta thường bị che khuất trước những chân trời thần linh, cũng như trước niềm hy vọng dẫn tới việc gặp gỡ Thiên Chúa. Chính trong tình bạn hữu sâu sắc với Đức Kitô, trong Đức Kitô và với Đức Kitô, và qua việc sống mối liên hệ tình con thảo với Chúa Cha, qua việc trung thành và kiên trì cầu nguyện, chúng ta có thể mở những cánh cửa hướng về bầu trời của Thiên Chúa. Thật vậy, khi bước theo con đường cầu nguyện, không còn phải dính bén quá mức tới những sự phù phiếm thế gian, chúng ta cũng có thể giúp tha nhân tiến bước trong cuộc hành trình: bởi vì lời cầu nguyện Kitô giáo chứng thực rằng, luôn có những con đường mới mẻ được mở ra trên cuộc lữ hành trần gian.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự đào luyện mình sống tương quan thẳm sâu với Thiên Chúa, biết cầu nguyện liên lỉ và tràn đầy tin tưởng, một lời cầu nguyện có khả năng soi sáng hành trình đời sống chúng ta như Đức Giêsu dạy. Và chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta có thể thông truyền cho những ai đang sống gần bên chúng ta, cũng như cho những ai mà chúng ta gặp trên đường đời, niềm vui được gặp gỡ Chúa, Đấng là Ánh Sáng cho đời sống chúng ta.
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét