Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (16.05.2021) - Chúa thăng thiên là niềm vui của chúng ta

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (13.05.2018) - Khởi đầu sứ mệnh của Giáo Hội

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (20.05.2012) - Đất được nối liền với Trời

Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (24.05.2009) - Ý nghĩa cuộc thăng thiên của Chúa Giêsu


Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (16.05.2021) - Chúa thăng thiên là niềm vui của chúng ta

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tại Ý và các quốc gia khác, chúng ta cử hành Lễ Chúa Thăng Thiên. Đoạn Tin Mừng (Mc 16,15-20) - phần kết của Tin Mừng thánh Marcô - trình bày cho chúng ta cuộc gặp gỡ cuối cùng của Đấng Phục sinh với các môn đệ trước khi lên ngự bên hữu Chúa Cha. Thông thường, như chúng ta biết, những cảnh chia tay thường rất buồn. Chúng làm cho người ở lại cảm giác hoang mang, bị bỏ rơi; nhưng tất cả điều này đã không xảy ra với các môn đệ. Mặc dù phải xa Chúa, các môn đệ không tỏ ra chán nản, trái lại, các môn đệ vui vẻ và sẵn sàng ra đi rao giảng Tin Mừng cho thế giới.

Tại sao các môn đệ không buồn? Tại sao chúng ta cũng phải vui mừng khi Chúa Giêsu về trời? Vì sự thăng thiên hoàn thành sứ mạng của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta. Thật ra, nếu vì chúng ta mà Chúa từ trời xuống, thì cũng vậy vì chúng ta, Người lên trời. Sau khi xuống với nhân loại và cứu chuộc chúng ta, giờ đây Chúa lên trời mang theo thân xác của chúng ta. Chúa Giêsu là người đầu tiên bước vào thiên đàng, vì Chúa là người thật, là Thiên Chúa thật. Thân xác chúng ta ở trên trời và điều này mang lại cho chúng ta niềm vui. Bên hữu Chúa Cha hiện đang có một thân xác con người, thân xác Chúa Giêsu, và trong mầu nhiệm này, mỗi người chúng ta suy ngẫm về đích đến tương lai của chính mình. Ở đây không phải là sự bỏ rơi, bởi vì Chúa Giêsu vẫn ở với các môn đệ, với chúng ta. Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện với Chúa Cha trong tư cách là con người và là Thiên Chúa. Chúa Giêsu tỏ cho Chúa Cha thấy những vết thương, mà nhờ đó Người cứu chuộc chúng ta. Chúa Giêsu ở đó đang cầu nguyện. Người là một trong chúng ta, cầu nguyện cho chúng ta. Và điều này đem lại cho chúng ta niềm vui.

Và lý do thứ hai để vui mừng là lời hứa của Chúa Giêsu. Người nói với chúng ta: “Thầy sẽ ban Thánh Thần cho anh em”. Và ở đó, với Chúa Thánh Thần, lệnh truyền được Người đưa ra khi từ biệt: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng”. Và chính quyền năng của Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta vào thế giới để rao giảng Tin Mừng. Đó là Chúa Thánh Thần của ngày hôm đó, Đấng mà Chúa Giêsu đã hứa, và 9 ngày sau, Ngài sẽ đến vào Lễ Ngũ Tuần. Chính Chúa Thánh Thần đã làm cho chúng ta ngày hôm nay có thể có được thực hiện con đường loan báo Tin Mừng. Một niềm vui lớn lao! Chúa Giêsu lên trời: con người đầu tiên trước mặt Chúa Cha.

Trong ngày lễ Thăng Thiên này, khi chúng ta chiêm ngắm Thiên đàng, nơi Chúa Kitô đã thăng thiên ngự bên hữu Chúa Cha, chúng ta xin Mẹ Maria, Nữ Vương Thiên Đàng, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân can đảm của Chúa Phục Sinh trong thế giới trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống.

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (13.05.2018) - Khởi đầu sứ mệnh của Giáo Hội

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tại Italia cũng như mọi nước khác là lễ trọng mừng Chúa lên Trời. Lễ này bao gồm hai yếu tố. Một đàng nó hướng cái nhìn của chúng ta về Trời, nơi Chúa Giêsu vinh hiển ngự bên hữu Thiên Chúa Cha (x. Mc 16,19). Đàng khác, nó nhắc nhớ chúng ta việc khởi đầu sứ mệnh của Giáo Hội. Tại sao? Bởi vì Chúa Giêsu phục sinh và lên Trời gửi các môn đệ ra đi phổ biến Tin Mừng trên toàn thế giới. Vì thế lễ Thăng Thiên khích lệ chúng ta hướng nhìn về Trời để rồi lập tức nhìn vào trái đất và thực thi các nhiệm vụ Chúa phục sinh tín thác cho chúng ta.

Đó là điều trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta, trong đó biến cố Thăng Thiên đến ngay sau sứ mệnh Chúa Giêsu trao phó cho các môn đệ. Đây là một sứ mệnh vô biên giới – nghĩa là không có giới hạn – vượt quá sức lực con người. Thật thế, Chúa Giêsu nói: “Các con hãy đi khắp thế gian và loan báo Tin Mừng cho mọi thụ tạo” (Mc 16,15). Xem ra thật quá táo bạo nhiệm vụ Chúa Giêsu trao phó cho một nhóm ít người đơn sơ và không có các  khả năng trí thức lớn lao! Thế nhưng nhóm người yếu đuối, vô nghĩa trước các quyền lực lớn của thế giới này, lại được mời gọi đem sứ điệp tình yêu và lòng thương xót của Chúa Giê su tới mọi xó xỉnh của trái đất này.

Nhưng chương trình này của Thiên Chúa chỉ có thể được thực hiện với sức mạnh mà chính Thiên Chúa ban cho các Tông Đồ. Trong nghĩa đó Chúa Giêsu bảo đảm rằng sứ mệnh của họ sẽ được Chúa Thánh Thần nâng đỡ. Chúa nói: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần xuống trên các con và các con sẽ là chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong toàn vùng Giuđêa và Samaria cho tới tận cùng trái đất “ (Cv 1,8). Như thế, sứ mệnh này đã có thể được thực hiện,  và các Tông Đồ đã bắt đầu công trình này sẽ được các người kế vị tiếp tục. Sứ mệnh Chúa Giêsu trao phó cho các Tông Đồ được tiếp nối qua các thế kỷ và còn được tiếp tục ngày nay: nó đòi hỏi sự cộng tác của tất cả mọi người. Thật vậy, mỗi người trong chúng ta, nhờ sức mạnh của bí tích Rửa Tội đã nhận lãnh, được phép loan báo Tin Mừng. Nghĩa là chính bí tích Rửa Tội cho phép và thúc đẩy chúng ta trở thành các thừa sai loan báo Tin Mừng.

Lễ Chúa Thăng Thiên trong khi khai mào một hình thức hiện diện mới của Chúa Giêsu giữa chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải có đôi mắt và con tim để gặp gỡ Ngài, phục vụ Ngài và làm chứng cho Ngài trước các người khác. Đây là việc trở thành các người nam nữ của sự Thăng Thiên, nghĩa là những người kiếm tìm Chúa Kitô dọc dài các nẻo đường của thời đại chúng ta, đem lời cứu rỗi của Ngài cho tới tận cùng bờ cõi trái đất. Trong lộ trình này chúng ta gặp gỡ chính Chúa Kitô nơi các anh chị em khác, nhất là nơi các anh chị em nghèo túng nhất, nơi những người đau khổ trên thân xác, sống  kinh nghiệm khó khăn và đớn đau của các tình trạng nghèo túng cũ và mới. Như thuở ban đầu Chúa Kitô phục sinh đã gửi các tông đồ của Ngài ra đi với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, ngày nay cũng thế Ngài gửi tất cả chúng ta ra đi với cùng sức mạnh ấy để là các dấu chỉ cụ thể hữu hình của niềm hy vọng. Bởi vì Chúa Giêsu Đấng trao ban cho chúng ta niềm hy vọng đã về Trời, và mở cửa trời ra cho chúng ta và niềm hy vọng rằng chúng ta sẽ về Trời.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Chúa đã chết và sống lại đã linh hoạt đức tin của cộng đoàn các môn đệ tiên khởi, giúp chúng ta nâng tâm lòng lên như phụng vụ hôm nay khuyến khích chúng ta. Đồng thời xin Mẹ giúp chúng ta có đôi chân “đứng trên mặt đất” và can đảm gieo vãi Tin Mừng trong các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống và của lịch sử.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

 

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (20.05.2012) - Đất được nối liền với Trời

Anh chị em thân mến,

Theo sách Tông Đồ Công vụ, 40 ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu lên trời, nghĩa là trở về cùng Chúa Cha, Đấng đã sai Người xuống trần thế. Tại nhiều nước, mầu nhiệm này được cử hành không phải vào ngày thứ năm vừa qua, nhưng là hôm nay, là chúa nhật sau đó. Lễ Chúa Thăng Thiên đánh dấu sự hoàn thành công trình cứu độ đã được khởi sự với việc nhập thể. Sau khi đã dặn dò các môn đệ lần cuối cùng, Chúa Giêsu lên trời (Xc Mc 16,19). Nhưng Người “không xa lìa thân phận chúng ta” (Xc Kinh Tiền Tụng); thực vậy, trong nhân tính của Người, Người đã đón nhận nhận loại với Người vào trong vòng thân mật với Chúa Cha và qua đó Người tỏ lộ đích điểm sau cùng của cuộc lữ hành trần thế của chúng ta. Cũng như Chúa Giêsu đã từ trời xuống và vì chúng ta Người đã chịu đau khổ, và chịu chết trên thập giá, Người cũng vì chúng ta mà sống lại và lên cùng Chúa Cha, vì thế, Người không còn xa lạ nữa, nhưng là “Thiên Chúa chúng ta”, là “Cha chúng ta” (Xc Ga 20,17).

Lễ Thăng Thiên là hành vi cuối cùng trong cuộc giải thoát chúng ta khỏi ách tội lỗi, như thánh Phaolô Tông Đồ đã viết: “Khi lên trời, Chúa đã mang theo Người các tù nhân” (Ep 4,8). Thánh Lêô Cả giải thích rằng với mầu nhiệm này “không những sự bất tử của linh hồn được công bố, nhưng cả sự bất tử của thân xác nữa. Thực vậy, ngày hôm nay, không những chúng ta được xác nhận là người sở hữu thiên đàng, nhưng còn được đi sâu vào Chúa Kitô nơi trời cao” (De Ascensione Domini, Tractatus 73, 2.4: CCCL 138 A, 451.453). Vì thế, các môn đệ, khi thấy Thầy mình nâng bổng khỏi mặt đất và đi lên trời cao, họ không buồn bã, nhưng cảm thấy một niềm vui lớn lao và được thúc đẩy công bố chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết (Xc Mc 16,20). Và Chúa phục sinh hoạt động trong họ, ban cho mỗi người một đoàn sủng riêng, để cộng đoàn Kitô, trong toàn bộ, phản ánh sự phong phú hài hòa của Trời Cao. Thánh Phaolô cũng viết: “Ngài đã ban ơn cho loài người.. người này làm tông đồ, người kia làm ngôn sứ, người khác làm thánh sử tin mừng, và người khác làm mục tử và thầy dạy.. với mục đích xây dựng thân mình Chúa Kitô.. cho đến mức độ viên mãn trong Chúa Kitô” (Ep 4,8.11-13).

Các bạn thân mến, Lễ Thăng Thiên nói với chúng ta rằng trong Chúa Kitô nhân tính của chúng ta được nâng lên cùng Thiên Chúa; vì thế mỗi lần chúng ta cầu nguyện, đất được nối liền với Trời. Và như trầm hương, khi được đốt lên, tỏa lên cao khói hương dịu dàng, cũng vậy khi chúng ta cầu nguyện với Chúa, kinh nguyện sốt sắng và tín thác của chúng ta trong Chúa Kitô, cũng vượt qua trời cao và bay đến trước ngai Thiên Chúa, được Ngài lắng nghe và chấp nhận. Trong tác phẩm nổi tiếng của thánh Gioan Thánh Giá, Lên núi Camêlô, chúng ta đọc thấy rằng “để thấy những ước muốn của tâm hồn chúng ta được thực hiện, thì không có cách nào tốt hơn là đặt sức mạnh của kinh nguyện chúng ta trong điều làm cho Chúa đẹp lòng nhất. Như thế, Ngài không chỉ ban cho chúng ta điều chúng ta xin, nghĩa là ơn cứu độ, nhưng cả điều mà Ngài thấy là thích hợp và tốt lành cho chúng ta, dù chúng ta không xin Ngài” (Libro III, cap. 44, 2, Roma 1991, 335).

Vậy chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm những hồng ân trời cao, mà Chúa hứa cho chúng ta, và trở thành những chứng nhân ngày càng đáng tin cậy về đời sống thần linh.

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (24.05.2009) - Ý nghĩa cuộc thăng thiên của Chúa Giêsu

Chúa nhật 24.05.2009, trong chuyến viếng thăm mục vụ đến Cassino và Monte Cassino, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dâng thánh lễ tại Tu viện Thánh Bênêđictô (Biển Đức). Sau đây là toàn văn bài giảng của ngài:

Anh chị em thân mến,

“Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8). Với những lời này, Chúa Giêsu từ biệt các Tông đồ, như chúng ta đã nghe trong Bài đọc thứ nhất. Ngay sau đó, thánh Luca nói thêm rằng “Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1: 9). Đây là mầu nhiệm Thăng Thiên mà chúng ta cử hành hôm nay. Nhưng Kinh thánh và Phụng vụ muốn nói với chúng ta điều gì khi nói rằng Chúa Giêsu “được cất lên”? Chúng ta không thể hiểu ý nghĩa của những lời này chỉ từ một bản văn hay một cuốn sách Tân Ước mà đúng hơn là bằng cách chăm chú lắng nghe toàn bộ Sách Thánh. Trên thực tế, động từ “cất lên” ban đầu được sử dụng trong Cựu Ước và ám chỉ sự đăng quang của hoàng gia. Như vậy, việc Thăng Thiên của Chúa Kitô trước hết có nghĩa là việc đăng quang của Con Người bị đóng đinh và phục sinh, biểu hiện vương quyền của Thiên Chúa trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, còn có một ý nghĩa sâu sắc hơn mà chúng ta không thể nhận ra ngay được. Trong đoạn sách Công vụ Tông đồ, trước tiên người ta nói rằng Chúa Giêsu đã được “cất lên” (c. 9) và sau đó là “lìa bỏ” (c. 11). Sự kiện này không được mô tả như một cuộc hành trình lên cao mà là một hành động của quyền năng Thiên Chúa, Đấng đưa Chúa Giêsu vào không gian gần gũi với Thiên Chúa. Sự hiện diện của đám mây “khiến các ông không còn thấy Người nữa” (c. 9), gợi lại một hình ảnh rất cổ xưa của thần học Cựu Ước và tích hợp trình thuật Thăng Thiên vào lịch sử của Thiên Chúa với dân Israel, từ đám mây ở Sinai và phía trên lều Giao Ước trong sa mạc, tới đám mây sáng ngời trên núi Biến Hình.

Việc trình bày Chúa được bao phủ trong mây gợi nhớ đến cùng một mầu nhiệm được diễn tả qua biểu tượng của câu “ngự bên hữu Thiên Chúa”. Trong việc Chúa Kitô thăng thiên, con người đã bước vào sự thân mật với Thiên Chúa một cách mới mẻ và chưa từng có; từ nay trở đi con người sẽ tìm được chỗ trong Thiên Chúa mãi mãi. “Trời”: từ này Trời không chỉ một vị trí trên các vì sao mà là một điều gì đó táo bạo và cao cả hơn nhiều: nó biểu thị chính Chúa Kitô, Ngôi vị thần linh đón nhận nhân loại một cách trọn vẹn và mãi mãi, Đấng trong đó Thiên Chúa và con người hiệp nhất không thể tách rời. bao giờ. Con người ở trong Chúa, đây là Thiên đàng. Và chúng ta đến gần Thiên đàng, thực vậy, chúng ta vào Thiên đàng theo mức độ chúng ta đến gần Chúa Giêsu và hiệp thông với Người. Vì lý do này, Lễ Trọng Chúa Thăng Thiên hôm nay mời gọi chúng ta hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu đã chết và Phục sinh, Đấng hiện diện cách vô hình trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Trong viễn cảnh này, chúng ta hiểu tại sao Thánh sử Luca nói rằng sau khi thăng thiên, các môn đệ trở về Giêrusalem “với niềm vui lớn lao” (24:52). Niềm vui của họ bắt nguồn từ sự kiện rằng những gì đã xảy ra không thực sự là một cuộc chia ly, sự vắng mặt vĩnh viễn của Chúa: trái lại, khi đó họ tin chắc rằng Đấng Chịu Đóng Đinh Phục Sinh vẫn sống và rằng qua Người, các cửa của Thiên Chúa, các cửa dẫn đến sự sống đời đời, đã được mở ra cho nhân loại mãi mãi. Nói cách khác, việc Thăng Thiên của Người không hàm ý một sự vắng mặt tạm thời khỏi thế giới nhưng đúng hơn là khai mở hình thức hiện diện mới, chung cuộc và không thể hạn chế của Người, nhờ vào việc Người tham dự vào quyền năng vương giả của Thiên Chúa. Điều đó tùy thuộc vào các môn đệ, những người được quyền năng Chúa Thánh Thần thúc đẩy, để làm cho sự hiện diện của Người trở nên hữu hình bằng đời sống chứng tá, lời rao giảng và lòng nhiệt thành truyền giáo của họ. Lễ Chúa Thăng Thiên cũng phải làm cho chúng ta tràn ngập sự thanh thản và nhiệt tâm, giống như các Tông Đồ đã lên đường từ Núi Cây Dầu “với niềm vui lớn lao”. Giống như họ, chúng ta cũng vậy, khi chấp nhận lời mời gọi của “hai người mặc áo trắng”, chúng ta không được ngước mắt lên trời, nhưng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, phải đi khắp nơi và loan báo sứ điệp cứu độ về cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô. Những lời của Chúa Giêsu, mà Tin Mừng theo Thánh Matthêu kết thúc với những lời này, đồng hành và an ủi chúng ta: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).

Anh chị em thân mến, đặc điểm lịch sử của mầu nhiệm Phục Sinh và Thăng Thiên của Chúa Kitô giúp chúng ta nhận ra và hiểu được tình trạng siêu việt của Giáo Hội vốn không được sinh ra và không sống để bù đắp cho sự vắng mặt của Chúa, Đấng đã “lìa bỏ” nhưng trái lại tìm thấy lý do cho sự tồn tại và sứ mệnh của mình trong sự hiện diện vô hình của Chúa Giêsu, một sự hiện diện hoạt động nhờ quyền năng của Thánh Thần của Người. Nói cách khác, chúng ta có thể nói rằng Giáo hội không thực hiện vai trò chuẩn bị cho sự trở lại của một Chúa Giêsu “vắng mặt”, nhưng trái lại, Giáo hội sống và làm việc để loan báo “sự hiện diện vinh quang” của Người một cách lịch sử và hiện sinh. Kể từ ngày Thăng Thiên, mọi cộng đồng Kitô hữu đều tiến hành cuộc lữ hành trần thế hướng tới việc hoàn thành những lời hứa về Đấng Thiên Sai, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa. Đây là tình trạng của Giáo hội, Công đồng Vatican II nhắc lại, khi Giáo hội “Tiến bước trên đường lữ hành giữa những bách hại của thế gian và những an ủi của Thiên Chúa”, Giáo Hội loan báo Thập Giá và cái chết của Chúa cho đến khi Người đến " (Lumen Gentium, n . số 8).

Thưa anh chị em của cộng đồng giáo phận thân yêu này, Lễ Trọng hôm nay thúc giục chúng ta củng cố niềm tin vào Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu trong lịch sử: không có Người, chúng ta không thể làm được điều gì hữu hiệu trong cuộc sống hoặc trong hoạt động tông đồ của chúng ta. Chính Người, như Thánh Tông đồ Phaolô nhắc lại trong Bài đọc thứ hai, là “chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô” (Ep 4,11-12), tức là Giáo Hội. Và điều này là để chúng ta “đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa” (Ep 4:13), vì ơn gọi chung của mọi người là hình thành “một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng” (Eph 4:4). Cuộc viếng thăm của tôi hôm nay phù hợp với quan điểm này. Như vị chủ chăn của anh chị em đã lưu ý, mục đích của chuyến viếng thăm này là khuyến khích anh chị em “xây dựng, thành lập và xây dựng lại” cộng đồng giáo phận của mình không ngừng trên Chúa Kitô. Làm như thế nào? Chính Thánh Biển Đức đã vạch ra con đường cho chúng ta trong Luật lệ của ngài khi ngài khuyên chúng ta không ưa thích điều gì hơn Chúa Kitô: “Christo nihil omnino praeponere” (LXII, 11).

Vì vậy, tôi tạ ơn Chúa vì những điều tốt lành mà cộng đoàn của anh chị em đang thực hiện dưới sự hướng dẫn của Cha Tu viện trưởng Dom Pietro Vittorelli, Chủ chăn của cộng đoàn, người mà tôi thân ái chào đón và cảm ơn vì những lời trang trọng của ngài dành cho tôi thay mặt cho tất cả mọi người. Cùng với ngài, tôi chào cộng đoàn đan viện, các Giám mục, linh mục và các tu sĩ nam nữ hiện diện. Tôi xin chào các nhà chức trách dân sự và quân sự và trước hết là Thị trưởng, người mà tôi biết ơn về bài diễn văn chào mừng khi tôi đến Quảng trường Miranda này, nơi từ ngày này trở đi sẽ được gọi theo tên tôi, mặc dù tôi không xứng với điều đó. Tôi chào các giáo lý viên, các nhân viên mục vụ, giới trẻ và tất cả những người bằng nhiều cách khác nhau tìm cách truyền bá Tin Mừng trong khu vực đầy lịch sử này, nơi đã trải qua những thời kỳ đau khổ lớn lao trong Thế chiến thứ hai. Những nhân chứng thầm lặng của điều đó là vô số nghĩa trang bao quanh thị trấn của anh chị em được xây dựng lại: trong số đó tôi đặc biệt nhớ đến những người Ba Lan, Đức và Khối thịnh vượng chung. Cuối cùng, tôi gửi lời chào đến tất cả cư dân Cassino và các thị trấn lân cận: Gửi lời chào của tôi đến với từng người, đặc biệt là những người bệnh tật và đau khổ, trong sự bảo đảm bằng tình yêu và lời cầu nguyện của tôi.

Anh chị em thân mến, trong buổi cử hành này, chúng ta nghe thấy lời kêu gọi vang dội của Thánh Biển Đức hãy giữ tâm hồn chúng ta hướng về Chúa Kitô, không ưa thích điều gì hơn Người. Điều này không làm chúng ta xao lãng, trái lại nó còn là một động lực lớn hơn để xây dựng một xã hội trong đó tình liên đới có thể được thể hiện bằng những dấu chỉ cụ thể. Nhưng bằng cách nào? Linh đạo Biển Đức, được các bạn biết đến nhiều, đề xuất một chương trình Tin Mừng được tóm tắt trong phương châm: ora et labora et lege (cầu nguyện, lao động và văn hóa). Trước hết, lời cầu nguyện là di sản đẹp nhất mà Thánh Biển Đức đã để lại cho các tu sĩ, cũng như cho Giáo hội địa phương của các bạn: cho các giáo sĩ của các bạn, phần lớn trong số họ đã được đào tạo tại Chủng viện Giáo phận, trong nhiều thế kỷ tọa lạc tại Tu viện Monte Cassino này, cho các chủng sinh, cho rất  nhiều người được giáo dục tại các trường học Biển Đức và các trung tâm “cải tạo” cũng như trong các giáo xứ của anh chị em, tới tất cả anh chị em đang sống trong khu vực này. Khi ngước mắt lên từ mọi ngôi làng và một phần của giáo phận, anh chị em có thể chiêm ngưỡng Tu viện Monte Cassino, nơi nhắc nhở liên tục về Thiên đàng, nơi anh chị em leo lên hàng năm trong cuộc rước kiệu vào đêm trước Lễ Hiện Xuống. Lời cầu nguyện, với tiếng chuông vang vang của Thánh Biển Đức triệu tập các tu sĩ vào mỗi buổi sáng, là con đường thầm lặng dẫn chúng ta thẳng đến Trái Tim Chúa; chính hơi thở của tâm hồn mang lại sự bình yên cho chúng ta trước giông bão cuộc đời. Hơn nữa, tại trường của Thánh Biển Đức, các tu sĩ luôn vun trồng một tình yêu đặc biệt đối với lời Chúa trong lectio divina, một điều mà ngày nay đã trở thành di sản chung của nhiều người. Tôi biết rằng Giáo phận của anh chị em, khi tuân theo những hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Ý, đã nỗ lực rất nhiều để có được kiến thức sâu sắc hơn về Kinh thánh và thực sự đã bắt đầu một chương trình nghiên cứu Kinh thánh, năm nay dành riêng cho Thánh sử Marcô, và sẽ tiếp tục trong bốn năm tời, và anh chị em làm vui lòng Chúa bằng cuộc hành hương mang tính giáo phận đến Thánh Địa. Cầu mong việc chăm chú lắng nghe lời Chúa nuôi dưỡng lời cầu nguyện của anh chị em và biến anh chị em thành những ngôn sứ của chân lý và tình yêu trong một sự dấn thân đồng tâm nhất trí cho việc truyền giáo và thăng tiến con người.

Một điểm mấu chốt khác của linh đạo Biển Đức là công việc. Nhân bản hóa thế giới việc làm là đặc điểm của linh hồn tu viện và đây cũng là nỗ lực của cộng đồng anh chị em nhằm tìm cách sát cánh cùng đông đảo công nhân trong ngành công nghiệp lớn có mặt tại Cassino và trong các doanh nghiệp liên kết với nó.

Tôi biết hoàn cảnh của nhiều công nhân nguy kịch đến mức nào. Tôi bày tỏ tình liên đới với tất cả những người đang sống trong hoàn cảnh đáng lo ngại và bấp bênh, với những người lao động đang ở trong tình trạng trợ cấp mất việc hoặc những người đã thoát khỏi tình trạng này. Xin cho vết thương thất nghiệp đang hoành hành trên lãnh thổ này thúc đẩy các cơ quan công quyền, các doanh nhân và tất cả những ai có phương tiện, với sự giúp đỡ của mọi người, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng việc làm, tạo việc làm để bảo vệ các gia đình. Về vấn đề này, làm sao chúng ta có thể quên rằng gia đình cần được bảo vệ khẩn cấp tốt hơn vì các tổ ấm này đang bị đe dọa nguy hiểm tận gốc rễ? Rồi tôi nghĩ đến những người trẻ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc xứng đáng để giúp họ xây dựng gia đình. Tôi muốn nói với họ: các bạn thân mến, đừng nản lòng, Giáo hội không bỏ rơi các bạn! Tôi biết rằng ít nhất 25 bạn trẻ trong Giáo phận của các bạn đã tham gia Đại hội Giới trẻ Thế giới vừa qua ở Sydney. Khi quý trọng kinh nghiệm thiêng liêng phi thường đó, ước gì các bạn là men Phúc Âm giữa các bạn bè và đồng nghiệp của mình; với quyền năng của Chúa Thánh Thần, hãy trở thành những nhà truyền giáo mới ở vùng đất này của Thánh Biển Đức!

Cuối cùng, việc quan tâm đến thế giới văn hóa và giáo dục là một phần truyền thống của anh chị em. Kho lưu trữ và thư viện nổi tiếng của Monte Cassino chứa đựng vô số bằng chứng về sự dấn thân của những người nam nữ đã suy ngẫm và tìm cách cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của con người. Trong Tu viện của anh chị em, “quaerere Deum” là hữu hình, nghĩa là có thể cảm thấy rằng văn hóa Châu Âu cốt ở việc tìm kiếm Thiên Chúa và sẵn sàng lắng nghe Ngài và điều này cũng được áp dụng trong thời đại chúng ta. Tôi biết rằng các bạn làm việc với tinh thần tương tự trong các đại học và trường học để chúng có thể trở thành những trung tâm kiến thức, nghiên cứu và truyền lòng nhiệt tình cho tương lai của các thế hệ mai sau. Tôi cũng biết rằng để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này, gần đây anh em đã tổ chức một đại hội về chủ đề giáo dục, để khơi dậy nơi mọi người một quyết tâm sâu sắc truyền lại cho giới trẻ những giá trị không thể thiếu của di sản nhân bản và Kitô giáo của chúng ta. Trong nỗ lực văn hóa ngày nay mong muốn tạo ra một chủ nghĩa nhân văn mới, trung thành với truyền thống Biển Đức, các bạn có ý định đúng đắn là chú ý đến những người yếu đuối, những người khuyết tật và những người nhập cư. Và tôi biết ơn các bạn vì các bạn đã cho tôi cơ hội để khánh thành “Ngôi nhà bác ái” ngay ngày hôm nay, nơi một nền văn hóa quan tâm đến cuộc sống đang được xây dựng bằng những việc làm.

Anh chị em thân mến, không khó để nhận thấy rằng cộng đồng của anh chị em, những người thuộc về Giáo hội sống quanh Monte Cassino, là những người thừa kế và lưu giữ sứ mệnh thấm nhuần tinh thần của Thánh Biển Đức để tuyên bố rằng trong cuộc sống của chúng ta không ai và không điều gì được ưu tiên hơn Chúa Giêsu; sứ mệnh xây dựng, nhân danh Chúa Kitô, một nhân loại mới dưới ngọn cờ chấp nhận và giúp đỡ những người yếu đuối nhất. Xin Thánh Giáo Phụ thánh thiện của các bạn giúp đỡ anh chị em và đồng hành cùng anh chị em, cùng với Thánh Scholastica, em gái ngài; và xin các Thánh Bổn mạng và đặc biệt là Đức Maria, Mẹ Giáo hội và Ngôi sao Hy vọng của chúng ta bảo vệ anh chị em. Amen!

WHĐ (25.05.2009)