Việc phong thánh cho các giáo hoàng có phải là một việc làm chính trị?
Cách đây 10 năm, ngày 27 tháng 4 năm 2014, Đức Phanxicô đã phong thánh cho Đức Gioan-Phaolô II và Đức Gioan XXIII. Nhân dịp kỷ niệm lễ phong thánh này, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử của các “thánh giáo hoàng”.
lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, ở Rome, 2024-04-26
Hình ảnh ALESSANDRA BENEDETTI/CORBIS/GETTY
“Phong thánh ngay, Santo Subito!” Ngày 8 tháng 4 năm 2005, hồng y Ratzinger, niên trưởng Hồng y đoàn, người bảo vệ giáo lý cử hành thánh lễ an táng Đức Gioan-Phaolô II, một tiếng hô vang đã xé tung bầu trời Quảng trường Thánh Phêrô. Chưa đầy một tuần sau khi giáo hoàng Gioan-Phaolô II qua đời, giáo dân đòi “phong thánh” ngay cho ngài.
Không phải là không thành công! Chưa đầy 10 năm sau, ngày 27 tháng 4 năm 2014, Đức Phanxicô đã phong thánh cho Đức Gioan-Phaolô II (triều giáo hoàng từ 1978 đến 2005), một thời gian kỷ lục cùng lúc với Đức Gioan XXIII (từ 1858 đến 1963).
Theo cách nói của Vatican, đây được gọi là “ticket” (vé). Phương pháp tập hợp hai giáo hoàng để không bị thiên vị, nhạy cảm này hơn nhạy cảm kia, Đức Gioan XXIII được đánh giá là “nhà cải cách” vì đã mở Công đồng Vatican II (1962-1965) và Đức Gioan-Phaolô II bị cho là “bảo thủ” vì đã tìm cách sửa chữa “những lỗi diễn giải”. Việc phong thánh cho một giáo hoàng luôn có chiều hướng cụ thể và qua “các giáo hoàng thánh thiện”, Giáo hội gởi thông điệp chính trị-thiêng liêng vượt xa ý nghĩa của việc phong thánh thông thường. Điều này đã bắt đầu từ nguồn gốc.
Trong sáu thế kỷ đầu tiên có 73 giáo hoàng được phong thánh
Với bốn giáo hoàng “thánh” từ giữa thế kỷ 20 (Piô X, Phaolô VI, Gioan XXIII, Gioan-Phaolô II) và một chân phước (Gioan-Phaolô I), đôi khi chúng ta có ấn tượng đây là một hiện tượng gần đây. Thật ra việc công nhận sự thánh thiện của các giáo hoàng đã có từ xưa. Trong 2000 năm, gần một phần ba giám mục của Rôma (83 trên 266) được phong thánh. Các vụ phong thánh này ít được biết đến vì đại đa số các giáo hoàng được phong thánh, 73 trong số 83, sống trong sáu thế kỷ đầu tiên, cho đến Đức Gregory I Cả.
Đúng là các giáo hoàng kế vị Thánh Phêrô đều được xem là thánh. Sử gia Roberto Rusconi, tác giả quyển sách tiếng Ý Đức Thánh Cha: sự thánh thiện từ Thánh Phêrô đến Thánh Gioan-Phaolô II (Santo Padre: La santità del papa da san Pietro a Giovanni Paolo II) viết: “Trong ba thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên kitô giáo, các giáo hoàng tử đạo dưới bàn tay của chính quyền la-mã là điều hiển nhiên, dù trên thực tế chỉ có một số trường hợp có thể gọi là tử đạo thực sự và có một độ tin cậy hợp lý.”
Các giáo hoàng đầu tiên được đưa ra để tôn kính là từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 12, một thời kỳ quan trọng với Giáo hội Rôma, sử gia Rusconi viết, “đấu tranh để khẳng định quyền tự chủ của mình trong mối quan hệ với các cường quốc khác, và tính ưu việt của họ với Đế chế Đức”. Tóm lại các giáo hoàng đã đối đầu với các hoàng đế của Đế chế la-mã để biết ai là người đại diện thực sự của Chúa trên trái đất, việc phong thánh cho những người tiền nhiệm của họ bị các hoàng đế la-mã đàn áp là một cách để bảo vệ tự do và quyền tự chủ của Giáo hội.
Ý tưởng về mối liên hệ giữa thánh thiện và chức vụ giáo hoàng
Vì vậy, dần dần trong bối cảnh các cựu giám mục Rôma tử đạo, ý tưởng chung về mối liên hệ giữa sự thánh thiện và thừa tác vụ của giáo hoàng đã được phát triển. Trong thời kỳ cải cách Gregorian này, Giáo hội khẳng định vai trò của giáo hoàng, áp đặt chế độ độc thân của các linh mục – đồng thời với sự độc lập của hàng giáo sĩ cho đến lúc đó vẫn còn phụ thuộc vào quyền lực của “đại giáo dân” giàu có, những người làm mưa làm gió trong các bổ nhiệm – việc xưng “giáo hoàng thánh” là một vấn đề của sự uy tín.
Và đó là bước ngoặt quan trọng mỗi lần có chỉ trích Giáo hội công giáo: chúng ta đã nhìn lại lịch sử các giám mục tử đạo ở Rôma trong những thế kỷ đầu tiên, khuyến khích việc sùng bái các “thánh giáo hoàng”để bảo đảm cho sự vững chắc của thể chế. Tại Công đồng Trent (1545-1563), tập hợp để phản đối cuộc Cải cách Tin lành, lòng sùng kính này đã được khuyến khích. Khi Giáo triều được tổ chức lại, một bộ phong thánh được thành lập, có nhiệm vụ đặc biệt là kiểm tra một số trường hợp của các giáo hoàng.
Trong số các “vụ phong thánh” này chỉ có vụ phong thánh Đức Piô V dòng Đa Minh được ca ngợi vì vai trò của ngài trong Trận Lepanto của hạm đội kitô giáo chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện năm 1712. Tác giả Rusconi lưu ý: “Việc mở ra các thủ tục khác có lợi cho các giáo hoàng, vào thời điểm mà những căng thẳng nghiêm trọng đầu tiên đang xuất hiện giữa các tổ chức giáo hội và xã hội hiện đại.” Chúng ta đang ở thế kỷ 18, và Cách mạng Pháp làm sống lại mô típ giáo hoàng bị đàn áp. Câu chuyện Đức Piô VI bị lưu đày ở tuổi 81 năm 1798 sau chiến dịch Ý của Bonaparte, ngài xin được chết ở Rôma nhưng vô vọng làm mọi người đau lòng rơi nước mắt, cũng như chuyện Đức Piô VII bị hoàng đế Pháp bắt làm tù binh.
Thiêng liêng hóa vai trò của giáo hoàng ở thế kỷ 19
Tác giả Rusconi lưu ý: “Những thử thách cá nhân của họ đã đặt nền móng cho uy tín của các giáo hoàng tử đạo gắn liền với con người của các giáo hoàng, điều này không chuyển qua thờ phượng và sùng kính một cách cụ thể, đặc biệt vì những người kế vị họ chỉ quan tâm đến mục tiêu trước mắt là khôi phục quyền lực tạm thời của các giáo hoàng. Nhưng các sự kiện này cũng tạo điều kiện cho người công giáo có một cái nhìn mới về nhân vật giáo hoàng, khi có một cuộc bách hại mới với Giáo hội.”
Cuộc đàn áp mới này đã dẫn đến sự sụp đổ các Quốc gia giáo hoàng năm 1870, sau phong trào Risorgimento, một phong trào dẫn tới sự thống nhất nước Ý và tuyên bố thành lập nền cộng hòa.
Đức Piô IX đã cố gắng chống cự đến cùng, ngài sợ với các lãnh thổ của mình, Giáo hội sẽ mất quyền tự chủ, thấy mình bị giam cầm ở Vatican. Đặc quyền của Giáo hội chỉ còn ở các lãnh vực thiêng liêng và đạo đức. Nhưng số phận của “vị vua” bại trận đã khơi dậy một làn sóng thương xót vô bờ bến trong thế giới công giáo. Hình ảnh của ngài đã đi vào các gia đình.
Sự hội nhập của chiều kích thánh thiện cá nhân
Cho đến lúc đó giáo hoàng chỉ là một nhân vật xa xôi, một chức năng, nhưng giờ đây chúng ta quan tâm đến con người của ngài, sự thánh thiện của giáo hoàng mang chiều kích cá nhân hơn. Nhiều chứng từ cho rằng ngài đã làm phép lành, đến mức sau khi ngài qua đời năm 1878, một số muốn phong thánh cho ngài ngay lập tức. Không thể được, vì vết thương vẫn còn hở giữa nền cộng hòa non trẻ và Giáo hội. Nó chỉ bắt đầu lành khi Hiệp định Lateran được ký kết năm 1929.
Giáo hoàng không còn thực thi quyền lực chính trị của ngài trên lãnh thổ nhưng ngài lại có đôi tay tự do hơn để khẳng định ảnh hưởng ngoại giao mới, không liên quan đến lợi ích quốc gia trước mắt. Trên hết, uy quyền đạo đức và thiêng liêng của ngài được củng cố. Việc thiêng liêng hóa vai trò này bị ép buộc và sau đó được chấp nhận trong giai đoạn căng thẳng mới với quyền lực chính trị và rộng hơn là với tính hiện đại, chuẩn bị cho việc phong thánh các giáo hoàng thánh thiện vào hậu bán thế kỷ 20.
Đức Piô X tập trung vào phụng vụ – thánh lễ la-tinh, đấu tranh chống chủ nghĩa hiện đại, bảo vệ người bản địa Nam Mỹ, được Đức Piô XII phong thánh năm 1954. Một cách tượng trưng, đây là một trong những hành động của ngài, bỏ độc quyền đã từng dành cho các nước Áo, Pháp và Tây Ban Nha để có thể chận một hồng y được bầu lên ngai Thánh Phêrô, tàn tích của cuộc đấu tranh kéo dài hàng thế kỷ của Giáo hội và Đế quốc…
Có nguy cơ đi quá nhanh…
Nhưng trong hậu bán thế kỷ 20, khi một lần nữa, Giáo hội bị rung chuyển bởi sự toàn cầu hóa và hiện đại hóa, thì chính Đức Gioan Phaolô II, thấm nhuần lòng mộ đạo bình dân của người Ba Lan, ngài mang hào quang lại trong việc phong thánh với danh hiệu “người phong thánh nhiều nhất” (1341 chân phước, 482 thánh). Năm 2000, ngài phong chân phước cho Đức Piô IX, cha đẻ của tín điều bất khả ngộ của giáo hoàng tại Công đồng Vatican I (1869-1870), cùng lúc với Đức Gioan XXIII, cha đẻ của Công đồng Vatican II.
Một “ticket” khác rất chính trị. Như tác giả Rusconi viết, 14 năm sau, việc phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II đánh dấu “sự kết thúc của một hành trình đã bắt đầu gần một ngàn năm trước và không chỉ dẫn đến việc thánh hóa chức giáo hoàng trong Giáo hội và trong lịch sử, mà còn với sự thánh thiện cá nhân của giáo hoàng trong việc thực hiện và vì sứ vụ giáo hoàng của ngài là một trùng hợp hoàn toàn.”
Có nguy cơ hành động quá nhanh, được thấy qua những tranh cãi nảy sinh vài năm sau khi phong thánh cho ngài, ngài bị nghi ngờ trong việc quản lý các linh mục lạm dụng ở Ba Lan khi ngài là tổng giám mục Krakow. Đức Phanxicô luôn nhận mình là “người phạm tội nặng” và không muốn gọi ngài là “Đức Thánh Cha”, ngài đã vượt Đức Gioan Phaolô II về việc phong thánh (1522 chân phước, 912 thánh), tiến tới con số kỷ lục là ba lần phong thánh (phong thánh Đức Phaolô VI năm 2018) và một lần phong chân phước cho các giáo hoàng. Một nghịch lý thực sự, dấu hiệu của những nghi ngờ xuyên suốt một thể chế ý thức mình đã đạt đến một bước ngoặt trong mối quan hệ với thế giới và phương thức hoạt động của nó.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
https://phanxico.vn/2024/05/05/viec-phong-thanh-cho-cac-giao-hoang-co-phai-la-mot-viec-lam-chinh-tri/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét