Trang

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2024

Thăng Thiên - R. Gutzwiller

  Suy niệm của R. Gutzwiller

Ý nghĩa Phục sinh

‘Đức Kitô phải chịu khổ nạn và ngày thứ ba sống lại từ cõi chết, rồi phải nhân danh Ngài rao giảng cho mọi dân tộc việc hối cải để được tha thứ tội lỗi –khởi từ Giêrusalem’. Đấng chịu đóng đinh và Phục sinh sẽ là Đấng mà lề luật, các tiên tri và thánh vịnh đã hứa. Biến cố daỳ vò các tông đồ không phải là cái gì khác hơn là sự thực hiện chương trình vĩ đại về việc cứu độ của Thiên Chúa. Được phác hoạ trong Cựu ước và hoàn thành trong Tân ước. Đường dây nối mọi sách thánh lại là Đấng Messia đến, hành động, hy sinh. Và kết quả riêng tức ý nghĩa sâu xa nhất là sự thứ tha tội lỗi cho mọi dân moị nước. Phổ quát tính của ơn cứu độ, ý nghĩa bao quát của hy sinh thập giá được diễn tả qua những lời đó. Hy sinh thập giá là hy tế đem lại ơn cứu chuộc. Và Đấng Thiên Sai khi hoàn tất hy tế ấy đã trở nên ơn cứu độ cho Israel cũng như cho cả nhân loại.

Loan báo Phục sinh

‘Các anh em là những chứng nhân về điều đó’. Sứ điệp Kitô giáo không phải là một ý tưởng sáng tạo một sáng kiến độc đáo chi phối những khám phá mới, cũng không phải là việc tìm kiếm các chân lý, nhưng chính là xác quyết sự kiện: Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Kitô giáo trước hết là một biến cố, rồi từ biến cố ấy thành lịch sử. Và lịch sử đó không tường thuật lại những hoạt động của loài người nhưng là những hoạt động của Thiên Chúa, nhất là sự hy sinh, của một vị Thiên Chúa nhập thể, đem ơn cứu chuộc đến cho mọi dân tộc. Loan truyền sứ điệp ấy có nghĩa là chứng thực biến cố ấy, vững lập trường về sự kiện ấy. Đó là làm chứng bằng lời nói, bằng đời sống và có khi phải bằng máu nữa. Đã làm chứng được như vậy, con người phải đón nhận sức mạnh Thánh Thần Thiên Chúa ‘Ta sắp sai đến trên anh em, điều Cha Ta đã hứa’. Chính Chúa Thánh Linh là chứng tá đích thực. Ngài sẽ làm chứng trong các tâm hồn bằng đức tin bên trong, còn con người làm chứng bên ngoài bằng việc rao giảng. Bởi thế, sự Phục sinh của Chúa Kitô là nội dung chính cốt của sứ điệp Kitô giáo qua các lời giảng dạy của các tông đồ cũng như qua sách công vụ và các thơ, đứng trước biến cố trọng đại ấy, tất cả đều phai nhoà đi hết. Việc rao giảng Kitô giáo không phải là trình bày các qui luật luân lý, giảng giải các chân lý giáo điều hoặc trình bày cuộc đời Chúa Giêsu, nhưng sự rao giảng ấy trước hết là một khẳng định rõ về cái chết và sự Phục sinh của Chúa, vì đó là những yếu tố trung tâm của lịch sử ơn cứu độ.

TỪ BIỆT

Đây là lần cuối cùng Chúa Giêsu ở giữa các tông đồ. Ngài ở giữa họ để nói lên lời từ biệt. Sự việc xảy ra gần Bêtania ở cửa thành thánh. Thánh Luca trình bày sự kiện này hết sức ngắn gọn, nhưng Ngài sẽ trở lại vấn đề trong chương Tin mừng sách Công Vụ với nhiều chi tiết hơn là ở đây, khi nói đến việc Chúa về Trời. Theo Tin mừng ta thâý việc kết thúc sứ vụ loan báo Tin mừng

1. Đức Kitô

Chúng ta được biết Đức Kitô từ biệt các tông đồ đang khi các Ngài chúc lành cho họ. Ngài không còn giảng dạy và ra lệnh gì nữa. Mọi cái mờ ám đều biến dạng. Cho dầu cuộc khổ nạn, việc Phêrô chối Chúa, sự nghi ngờ Chúa sống lại và sự phập phồng sau lần hiện ra cuối cùng. Mọi sự đều được sáng tỏ. Tất cả đều kết thúc tốt đẹp bằng phúc lành của Chúa, Đấng sẽ ban cho họ sinh lực để sống dù Ngài không còn hiện diện trước mắt nữa, và để họ hành động và tiếp tục sự nghiệp, họ sẽ giữ kỷ niệm sống động, việc Thày chúc lành.

Chúa lên trời chẳng qua là sự Người trở về cùng Chúa Cha và được biến hình cả thể xác lẫn tình thần, việc Chúa lên trời đó đối với các môn đệ cũng là một dấu chỉ tối cao về việc Ngài trở lại và nhờ đó, các ông cũng được lên trời. Từ giờ đó, họ biết rằng đời họ là một cuộc hành trình tiến về ánh sáng và bất chấp mọi trở ngại của cuộc sống trần gian cũng như quân thù bách hại, mọi chuyện sẽ hoàn tất trong ánh sáng của sự biến hình.

2. Các tông đồ

Họ quì gối xuống và thờ lạy. Họ không còn u tối, sợ sệt, phập phồng, hồ nghi gì nữa. Vì thế họ tin kính thờ lạy. Việc Ngài Phục sinh và lên trời chứng minh rõ ràng cho họ biết nguồn gốc cũng như bản tính Thiên Chúa của Ngài và Ngài được cất nhắc lên ngự bên hữu Chúa Cha. Thờ lạy, thán phục chỉ là cách thức nói lên sự hân hoan của họ. ‘Rồi họ trở lại Giêrusalem, vui mừng khôn xiết, và hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa’. Tin mừng kết thúc trong niềm hoan lạc, việc Chúa trở lại ‘uy nghi’ cho các tông đồ có cơ hội tôn vinh Ngài. Khi nhìn lại, khi nhớ đến lời truyền tin cho Giacaria và Đức Maria, khi nhớ lại các sứ điệp các thiên thần gởi cho các mục tử, nhớ đến việc dâng Chúa trong Đền thờ, rồi ơn kêu gọi riêng họ, việc họ thông dự vào quyền giảng dạy và làm các phép lạ của Chúa, từ đây họ hiểu rằng mọi sức đối kháng của thù địch đều không làm gì được và qua cuộc khổ nạn và thập giá Chúa, sự đối kháng ấy cũng góp phần vào việc đặt nền cho hoạt động cứu thế đúng nghĩa, cho hy tế cứu chuộc để cứu rỗi thế giới, sau cùng họ thấy rằng Chúa biến hình, từ đây không còn khổ đau nữa, thì họ chỉ còn biết tạ ơn Thiên Chúa với lòng thành tín khôn tả. Kế hoạch Ngài đã thực hiện, sự nghiệp Ngài đã hoàn thành, vinh quang Ngài đã tỏ hiện cho loài người. chính Thánh Luca đã kết thúc Tin mừng của ông bằng thánh thi ngợi khen vậy.

14. Chúa lên trời

Cách đây mấy ngàn năm, khi khoa học về vũ trụ chưa được phát triển, dân Do Thái cũng như những dân tộc vùng cận đông thường có một cái nhìn đơn sơ về vũ trụ. Họ coi trái đất là như một chiếc mâm, chung quanh đất là biển, dưới lòng đất là âm phủ, nơi ở của những người đã khuất. Còn bầu trời là như cái lồng bàn úp lên trên đất và biển. Trên chiếc lồng bàn này có nhiều thứ kho: kho nước, kho mây, kho gió, kho tuyết, kho sương mù. Mỗi khi Thiên Chúa mở cửa những kho này là chúng ta lập tức sẽ có những hiện tượng thiên nhiên tương ứng.

Vòm trời cũng là nơi Ngài treo các vì tinh tú để soi sáng cho mặt đất. Thiên Chúa ngự trên chốn trời cao cùng với các thiên thần. Vậy khi nói Chúa Giêsu được đưa lên trời, thì có nghiã là Ngài được đưa vào thế giới của Thiên Chúa. Ngài được tôn vinh bên Chúa Cha, sau khi đã hoàn tất công trình cứu độ nhân loại.

Đối với chúng ta thì hơi khác một chút. Điều cốt lõi của biến cố Chúa về trời không phải là chuyện Chúa đã bay lên, thoát khỏi sức hút của trái đất, mà là mầu nhiệm Ngài được Chúa Cha nâng dậy từ cõi chết và đưa vào chung hưởng vinh quang bên Chúa Cha. Nơi ở của Thiên Chúa là thiên đàng. Nhưng thiên đàng ở đây, chúng ta không được rõ. Toan tính đi tìm thiên đàng bằng một con tàu vũ trụ điều đó chỉ đưa đến thất vọng và chứng tỏ một thái độ ấu trĩ, vì thiên đàng nằm ngoài khả năng cảm nhận của giác quan, như lời thánh Phaolô: Tai chưa hề nghe, mũi chưa hề ngửi và trái tim chưa một lần cảm nghiệm được những điều Thiên Chúa dành cho những người trung thành phụng sự Ngài. Chúng ta không thấy thiên đàng nhưng thiên đàng còn có thực hơn cả vũ trụ hữu hình này, bởi vì thế giới của con người sống nhờ vào thế giới của Thiên Chúa.

Mặc dù Chúa đã về trời nhưng Ngài vẫn còn ở lại với chúng ta luôn mãi; bởi vì lên trời không phải là đi vào một thế giới xa lạ với thế giới loài người và cắt đứt mọi liên hệ với trần thế… Tuy chúng ta không còn thấy Ngài một cách hữu hình nhưng Ngài vẫn tiếp tục hiện diện giữa chúng ta dưới những hình thức khác.

Chúng ta có thể gặp Ngài qua những kỳ công trong vũ trụ. Chúng ta có thể gặp Ngài qua những lời giảng dạy. Chúng ta có thể gặp Ngài qua Bí tích Thánh Thể. Chúng ta có thể gặp Ngài qua Giáo Hội. Chúng ta có thể gặp Ngài nơi những người anh em, nhất là những kẻ khổ đau và bất hạnh. Như thế Ngài được tôn vinh lên trời không phải là làm một cuộc đi xa, nhưng trái lại là một cuộc đến gần. Phục sinh và Lên Trời là để làm tròn sứ vụ giữa lòng thế giới. Chính vì thế mà Ngài đã truyền cho các môn đệ cũng như cho chúng ta phải tiếp tay với Ngài: Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Bởi đó, hãy chu toàn bổn phận của chúng ta, bằng cách sống đức tin và đem đức tin đến cho những người chung quanh, để rồi trong ngày sau hết, chúng ta sẽ được chia sẻ niềm hạnh phúc thiên đàng với Ngài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét