Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

: Cách thay đổi bài đọc trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Nói thêm về lễ nhớ Mẹ Hội Thánh. Nguyễn Trọng Đa

Giải đáp phụng vụ: Cách thay đổi bài đọc trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Nói thêm về lễ nhớ Mẹ Hội Thánh.
Nguyễn Trọng Đa
 

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong chủng viện chúng con, có thói quen cho các chủng sinh giảng trong giờ Kinh chiều thứ bảy. Việc này diễn ra sau bài đọc và trước khi đọc Xướng đáp. Tuy nhiên, linh mục huấn luyện yêu cầu rằng thay vì đọc các bài đọc trong sách nhật tụng, chúng con đọc Tin Mừng Chúa Nhật, bởi vì đó là cơ sở cho việc giảng của chúng con và suy niệm Chúa Nhật. Thưa cha, liệu sự thay các bài đọc của Kinh chiều 1 của Chúa Nhật bằng Tin Mừng Chúa Nhật là được phép không? - R. S., Manila, Philippines.


Đáp: Câu trả lời ngắn gọn là không. Bài đọc vắn trong giờ Kinh Chiều (hoặc bất kỳ giờ kinh nào) không thể được thay thế bằng bất kỳ văn bản Tin Mừng nào.

“Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh Phụng Vụ” mô tả bản chất của các bài đọc nói chung như sau:

“Đọc Kinh Thánh nói chung

“140. Theo truyền thống từ xưa, vẫn đọc Kinh Thánh công khai trong phụng vụ, không phải chỉ trong thánh lễ, mà còn khi đọc kinh nhật tụng nữa. Bởi thế mọi Kitô hữu hãy hết lòng quý chuộng, vì chính Hội Thánh đã đề nghị như vậy, không phải theo sự lựa chọn hay khuynh hướng riêng của mỗi người, nhưng là do mối liên hệ với mầu nhiệm mà Hội Thánh trình bày cho ta trong suốt năm phụng vụ, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, tới Thăng Thiên, Hiện Xuống, và cho đến lúc mong chờ hạnh phúc Chúa đã hứa và ngày quang lâm của Đức Giêsu. Hơn nữa, khi cử hành phụng vụ bao giờ sau khi đọc Sách Thánh cũng có lời nguyện, để tăng hiệu lực cho bài đọc và nhờ bài đọc mà ta hiểu lời nguyện rõ hơn và giúp ta cầu nguyện sốt sắng hơn, nhất là khi cầu nguyện bằng thánh vịnh.

“141. Trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, có một bài đọc Kinh Thánh dài hay vắn.

“142. Giờ Kinh Sáng, Kinh Chiều có thể đọc bài dài tùy ý, như nói ở trên, số 46.

“Đọc Kinh Thánh theo chu kỳ trong Giờ Kinh Sách

“143. Trong chu kỳ các bài đọc Kinh Thánh váo giờ Kinh Sách, cần lưu ý đến thời gian phải đọc một số sách, như truyền thống cổ kính vẫn làm. Lại cũng phải để ý đến chu kỳ các bài đọc trong thánh lễ nữa. Vì Các Giờ Kinh Phụng Vụ liên lạc chặt chẽ với thánh lễ nên các bài Sách Thánh trong kinh nhật tụng bổ túc cho các bài đọc trong thánh lễ và làm cho ta có một cái nhìn đầy đủ về toàn bộ lịch sử cứu độ.

“144. Trừ trường hợp ngoại lệ nói ở số 73, thì trong giờ Kinh Sách, không đọc Tin Mừng, vì năm nào cũng đọc trọn bộ Tin Mừng trong thánh lễ rồi” (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ).

Trường hợp ngoại lệ trong số 73 về không đọc các bản văn Tin Mừng liên quan đến vọng lễ chứ không giờ kinh hàng ngày.

“Các ngày vọng lễ

“70. Toàn thể Hội Thánh cử hành đêm Canh Thức Vượt Qua theo những chỉ dẫn trong các sách phụng vụ; thánh Âu-tinh nói: “Đêm vọng lễ này trọng đại đến nỗi chỉ mình nó cũng đáng tên là vọng lễ, tuy cũng dùng tiếng này chung cho các lễ khác”. “Đêm hôm nay chúng ta thức, vì là đêm Chúa sống lại và làm cho chúng ta được sống trong thân xác Người, một thân xác không còn chết hay ngủ nữa. Vậy chúng ta thức lâu hơn để mừng Chúa sống lại: Người sẽ ban cho chúng ta được hiển trị với Người trong cuộc đời vĩnh cửu”.

“71. Nhiều nhà thờ có thói quen tổ chức canh thức để mừng một số lễ trọng, nhất là lễ Giáng Sinh và Ngũ Tuần, như trong đêm Canh Thức Vượt Qua, phải duy trì và khuyến khích thói quen tốt này, theo cách thức riêng của mỗi nơi. Ở đâu có thói quen vọng lễ để mừng cho thêm long trọng một số lễ, hay tổ chức những cuộc hành hương phải giữ những quy luật chung về việc cử hành Lời Chúa.

“72. Các giáo phụ và các nhà tu đức đã rất năng khuyên các tín hữu và nhất là những ai sống đời chiêm niệm nên cầu nguyện vào lúc đêm khuya, vì đây là lúc rất thích hợp để thôi thúc chúng ta mong chờ Chúa trở lại, như lời Tin Mừng: “Nửa đêm có tiếng hô to: “Kìa Tân Lang đã tới, hãy tiến ra đón Người” (Mt 25, 6): “Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến. Biết đâu là chập tối hay nửa đêm, biết đâu là lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần bắt gặp anh em đang ngủ” (Mc, 13, 35). Vậy, những ai đọc Kinh Sách vào lúc ban đêm thật đáng khen.

“73. Vả lại, theo nghi thức Rôma, vì phải đặc biệt lưu ý đến nhu cầu của những người tận tâm lo việc tông đồ, nên giờ Kinh Sách bao giờ cũng khá vắn. Những ai muốn theo truyền thống cử hành lâu hơn, buổi vọng lễ Chúa Nhật, lễ trọng và lễ kính, phãi giữ như sau:

“Tiên vàn, phải đọc Kinh Sách như đã chỉ trong sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ cho đến hết các bài đọc. Sau hai bài đọc và trước thánh thi “Lạy Thiên Chúa”, thêm các thánh ca có nội dung chúc tụng chỉ trong phần phụ lục. Rồi đọc Tin Mừng, đoạn tùy nghi thêm bài giảng vắn. Cuối cùng hát thánh thi “Lạy Thiên Chúa” và đọc lời nguyện.

“Các ngày lễ trọng và lễ kính, lấy Tin Mừng trong sách lễ. Các ngày Chúa Nhật, lấy trong các bài đọc về mầu nhiệm Phục Sinh, có chỉ trong phần phụ lục sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ” (Bản dịch, như trên).

Khả năng mở rộng các bài đọc trong giờ Kinh Sáng và giờ Kinh Chiều, như được nhắc đến trong số 142, được mô tả như sau:

“46. Tuy nhiên tùy ý chủ tọa và nhất là khi có giáo dân tham dự, có thể chọn một bài Sách Thánh dài hơn, lấy trong Kinh Sách hay các bài đọc trong lễ, đặc biệt các bài vì lý do riêng không đọc được hôm đó. Cũng được phép thỉnh thoảng chọn một bài đọc khác thích hợp hơn, nhưng phải lưu ý điều nói trong các số 249-250, 251.

“47. Khi cử hành có giáo dân tham dự, có thể tùy nghi thêm một bài giảng vắn, để giúp cử tọa hiểu ý nghĩa bài đọc hơn”.

“248. Giờ Kinh Sách bao giờ cũng phải đọc bài Kinh Thánh theo tuần lễ chỉ định. Khi đọc kinh nhật tụng cũng phải nhớ lời của Hội Thánh là “trong khoảng thời gian mấy năm nhất định phải đọc cho giáo dân phần Kinh Thánh quan trọng hơn cả”.

“Vì thế Mùa Vọng, Múa Giáng Sinh, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, không được bỏ đứt quãng các bài Kinh Thánh dành cho giờ Kinh Sách. Mùa Thường Niên, khi có lý do chính đáng như tĩnh tâm, hội học về mục vụ, cầu nguyện cho Hội Thánh được hiệp nhất và những trường hợp tương tự, thì một ngày nào đó, hay nhiều ngày liên tiếp, có thể chọn những bài Kinh Thánh trong số những bài khác hay dành cho các ngày khác.

“249. Nếu gặp lễ trọng, lễ kính hay lễ nào đặc biệt mà phải gián đoạn các bài đọc liên tiếp, thì trong tuần lễ đó được phép đọc thêm các phần đã bỏ, hay tùy ý lựa chọn.

“251. Lời Chúa, lời nguyện, các câu hát (thánh thi, điệp ca) và các lời chuyển cầu những ngày thường trong một mùa đặc biệt, thì có thể đọc vào những ngày khác cùng một mùa” (Bản dịch, như trên).

Do đó, trong khi Phụng vụ Các Giờ Kinh có một mức độ linh hoạt nhất định đối với việc lựa chọn bài đọc, điều này không bao hàm việc sử dụng các bản văn Tin Mừng.

Ngoại trừ các vọng lễ được đề cập ở trên, các bản văn Tin Mừng duy nhất trong Phụng Vụ Giờ Kinh là ba thánh ca Benedictus (Chúc tụng Đức Chúa), Magnificat (Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa) và Nunc Dimittis (Trong tay Ngài, Lạy Chúa).

Sau bài trả lời của tôi ngày 12-6-2018 về sự không có xung đột giữa lễ nhớ Đức Maria Mẹ Hội Thánh với các lễ nhớ khác, một bạn đọc Nigeria hỏi: “Chúng ta đã có các tước hiệu của Đức Mẹ, như Đức Trinh Nữ, Hoa Hồng Mầu Nhiệm, Mẹ Hội Thánh. Lễ mới của ngày thứ hai sau lễ Hiện Xuống ảnh hưởng như thế nào đến lễ cũ?”.

Đáp: Không có sự xung đột vì tước hiệu của Đức Maria như là Hoa Hồng Mầu Nhiệm, Mẹ Hội Thánh, không hiện diện trong lịch phổ quát. Tước hiệu Mẹ Hội Thánh được gắn liền với một lần Đức Mẹ hiện ra năm 1941 gần Brescia, nước Ý. Lần hiện ra này và đền thờ Đức Mẹ có sự nhìn nhận của giáo quyền địa phương, và tước hiệu được mừng lễ vào ngày 13-7.

Tòa Thánh đã không có tuyên bố nào về sự hiện ra này của Đức Mẹ, nhưng đã cho phép sự chấp thuận của Giám mục địa phương đứng vững. Đó là một ngôi đền hành hương Đức Mẹ nổi tiếng với nhiều sáng kiến mục vụ khác nhau.

Đức Thánh Cha Phaolô VI, sẽ sớm được tuyên thánh, lần đầu tiên tuyên bố Đức Maria là Mẹ Hội Thánh vào cuối Công đồng chung Vatican II. Mặc dù Đức Thánh Cha thánh thiện là một người gốc Brescia, có rất ít điều để chỉ ra rằng sự hiện ra của Đức Mẹ có ảnh hưởng đến quyết định của Ngài. Thay vào đó, dường như đây là một cách để vượt qua một bế tắc trong Công đồng, mà trong đó các Giám mục đã tranh luận về tước hiệu, nhưng đã chọn không lấy sáng kiến mới với một tước hiệu mới của Đức Mẹ. Sự tung hô Đức Mẹ của Đức Thánh Cha Phaolô VI đã có giá trị phổ quát, và Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực thi điều này, bằng cách thiết lập một lễ nhớ phụng vụ mới. (Zenit.org 11-9-2018)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét