Trang

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2020

Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (4/8)

Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (4/8) 

  

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser 
  1. Cái chết của tính toàn vẹn của chúng ta…
Một cái chết khác mà ai trong chúng ta cũng trải qua đó là cái chết của tính toàn vẹn, cái chết khi hậu quả một phần con người chúng ta bị phân đoạn và chết đi. Ở đây chúng ta cần tinh thần phục sinh chuyển hóa để có thể đón nhận thần khí cho ai đã từ lâu không còn giữ tính toàn vẹn. Tôi xin kể một câu chuyện để minh chứng.
Cách đây vài năm, trong một lớp thần học của tôi có một bà, vì nhiều lý do khác nhau, bà không có hạnh phúc. Tuy nhiên, nhìn bề ngoài thì ai cũng tưởng bà có đủ điều kiện để hạnh phúc. Bốn mươi chín tuổi, khỏe mạnh, quyến rũ, rất thông minh, một nghệ sĩ có sự nghiệp, có tiền, đã lập gia đình, mẹ của hai thanh niên khỏe mạnh. Nhưng bà không hạnh phúc. Trong lòng bà là cả một sự giận dữ dai dẳng làm khổ bà, phá đi mọi tiềm năng mang đến hạnh phúc. Sự có mặt của bà trong lớp học làm chúng tôi như cụt hứng, phải thật ý tứ để không làm cho bà giận. Ở  tuổi này, bà vẫn còn giận dữ với các vấn đề nữ quyền.
Sau khi lớp học đặc biệt này kết thúc, bà đến tâm sự với tôi. Đây đúng là câu chuyện bi thương. Cha bà là người nghiện rượu, một đêm kia, lúc bà lên chín, ông hãm hiếp bà. Giờ đây, đã bốn mươi năm trôi qua, cảnh tượng ấy vẫn còn ám ảnh bà và giờ đây bà cảm thấy:
“Một cái gì đó trong tôi như đã chết. Đã bốn mươi năm rồi, tôi vẫn còn bị sốc vì cảnh tượng ấy. Cả cuộc đời tôi xem như đã kết thúc. Tôi nhớ có lần tôi đọc một quyển sách của nữ văn sĩ Joyce Carol Oates trong đó bà có nói: “và thần khí ra khỏi người đàn ông.” Điều đó đã xảy ra cho tôi. Thần khí đã ra khỏi tôi lúc tôi lên chín. Quả thực, từ đó, tôi không còn hứng thú để sống.
“Đôi khi tôi nghĩ tôi đã có thể chôn vùi nó, bỏ nó đằng sau, và tôi nghĩ, tôi có thể sống như người khác. Đúng, tôi vượt qua xúc cảm, tôi yêu, lập gia đình, có hai con, tôi nghĩ tôi đã bỏ lại cảnh tượng đó đằng sau. Thậm chí tôi có thể tha thứ cho cha tôi. Tôi nhớ lúc về nhà dự đám tang và nhìn khuôn mặt ông trong quan tài. Khuôn mặt thanh thản, thanh thản hơn bao giờ hết trong đời ông. Sự căng thẳng và giận dữ lâu nay như tan biến theo cuộc đời ông. Ông trông thật bình an, tôi hôn ông – tôi buộc phải cố gắng, tôi cảm thấy bình an. Ông chết và tôi muốn để ông cùng quá khứ ấy trôi đi! Nhưng nó không chết, nó không chịu qua đi. Tôi càng lớn tuổi thì tình trạng này càng nặng hơn. Cuối cùng tôi càng giận, càng giận hơn trước.
“Tôi bắt đầu đọc những cuốn sách về phong trào phụ nữ, nhưng tôi biết lý do không phải là nữ quyền. Dù sao nó cũng giải thoát, nhưng một cách khác. Đọc những quyển sách này giúp tôi hiểu nỗi khổ tâm của tôi. Tôi đã hiểu ra nhiều điều. Và tôi càng giận dữ hơn: Giá mà, giá mà!… Giá mà cha tôi không bệnh nặng như thế, giá mà xã hội công bằng hơn, giá mà phụ nữ được bình đẳng, giá mà đàn ông không ma-sô và trì độn như thế! Giá mà! Đúng, càng ngày tôi càng giận hơn. Tôi khép kín như tảng băng. Tôi khó khăn với gia đình mình – chồng con, rồi với những người chung quanh, giáo xứ, bạn bè, mọi người.
Tôi bắt đầu chống lại mọi người… tôi có lý hết! Thật bất công. Đó là nhục nhã cho cuộc sống, đặc biệt là đời sống phụ nữ, làm sao lại có thể bị phá vỡ dễ dàng như vậy. Thật bất công khi sống trong một thế giới bất công như thế. Tôi muốn những người lãnh đạo, những người đàn ông từ Giáo Hoàng trở đi, phải nếm trải cái chết mà tôi đã nếm. Họ nói tôi là người bênh vực nữ quyền giận dữ. Đúng, tôi như vậy. Sự giận dữ đe dọa hôn nhân, phá vỡ quan hệ với Giáo Hội mà tôi từng yêu mến, phá vỡ hạnh phúc của tôi… nhưng có cái gì đó đã phá vỡ đời tôi trước rồi. Tôi ước có ai đó hiểu được điều này.
“Tôi ngay thẳng, nhưng lòng tôi đã ung hoại. Tôi muốn hét lên vì sao thế giới bất công như thế với tôi, nhưng tôi hiểu, chẳng ai nghe, chẳng ai quan tâm đến tôi! Tôi muốn đi trở lại! Tôi không muốn sinh ra trong cái giận dữ này, tôi không muốn chết mà lòng còn giận. Tôi không muốn cái chết bi thảm này, vì không phải lỗi của tôi! ”
Chúng ta suy nghĩ câu chuyện này trong tinh thần mầu nhiệm Phục Sinh. Bà ấy đúng. Trong giây phút bà bị lạm dụng đó, cái gì đó trong bà, trọn con người bà đã chết, chết không cứu vãn được. Không trị liệu, không thái độ lạc quan hay ý chí nào có thể làm cho bà trở lại con người lúc trước được, trước ngày thứ sáu Tuần Thánh. Cũng như Chúa Giêsu, bà cũng bị đóng đinh.
Nhưng bà không chết. Bà là một phụ nữ tràn đầy sức sống, đặc biệt là đàng khác. Bà đã làm rất nhiều chuyện cho con người của bà, sức khỏe tốt, nghệ sĩ tài năng, thông minh xuất sắc, quyến rũ, được chồng con yêu thương kính trọng, và bên dưới cơn giận này là một tinh thần rất chân thành và nhân hậu. Nhưng bà vẫn sống cuộc đời của một người từng bị làm nhục, chứ không phải cuộc đời của một người chưa bị nhục.
Nhiệm vụ của bà là vươn lên. Bà phải để tang cho cái chết này, và khi thời gian đến, buông bỏ nó, để nó thăng hoa, như thế bà mới đón nhận được thần khí dành cho người bị nhục, khác với thần khí của những người không bị làm nhục. Có một số người hạnh phúc nhất thế giới này đã từng bị làm nhục, cũng như có một số người bất hạnh nhất trên thế giới này đã bị làm nhục. Khác biệt không phải ở chỗ chấn thương nguyên thủy hay cách chữa trị, khác biệt là ở tinh thần vươn lên và tinh thần đón nhận thần khí mới, tinh thần hiện xuống.
Và đó là điều xảy ra với bà trong câu chuyện chúng ta vừa nghe. Cuộc thăng thiên và hiện xuống đã xảy đến. Qua lời khuyến khích của một bà khác cũng bị cưỡng bách tình dục như bà, rốt cuộc bà chịu điều trị để rồi tinh thần hiện xuống được thể hiện nơi bà. Trị liệu chấn thương làm giảm cú sốc tâm lý, xoa bóp thể lý làm giảm cú sốc thân thể, và linh hướng phục sinh giúp làm giảm cú sốc tâm hồn. Ở  mỗi giai đoạn trị liệu có các chuyên gia trị liệu khác nhau: bác sĩ, bác sĩ tâm thần, y tá, linh mục – có người nói với bà: “Chúa Giêsu cho các tông đồ bốn mươi ngày đau buồn và chỉnh sửa mình. Chúa Giêsu đã cho bà bốn mươi năm! Đây là lúc phải dứt bỏ.”
Giống như người đàn ông bị ung thư nằm chờ chết, ông được người con nói: “Cha tin vào Chúa và cha ra đi nhé”, cuối cùng bà cũng ra đi được. Hiện tại bà hạnh phúc, đang theo đuổi một ngành nghệ thuật, hài lòng về gia đình và dùng thì giờ rảnh rỗi đi giúp những người bị cưỡng bức tình dục khác. Bà sống hạnh phúc, dù trước kia đã đã từng bị cưỡng bức như vậy. Bà đã có thể kết hợp với sự sống và thần khí.
Cách đây vài năm, trong khi làm linh hướng, một phụ nữ chia sẻ với tôi: “Chồng tôi và tôi chưa bao giờ hiểu rõ ý nghĩa của tinh thần thăng thiên và hiện xuống, phải đến khi tôi trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ ngực, chúng tôi mới hiểu. Ban đầu, là giận dữ, đau đớn vì bị mất mát. Thế nhưng, cuối cùng chúng tôi buông bỏ những gì chúng tôi có. Bây giờ, chúng tôi gắn bó với nhau.. trong mọi mặt..  chồng tôi đã học để nhìn tôi một cách khác, tôi cũng phải học để nhìn mình một cách khác! Bây giờ chúng tôi hiểu buông bỏ thân xác để có thể thăng hoa đón nhận thần khí mới là gì rồi.
(Còn tiếp)
Nguyễn Kim Long dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét