Chúa Nhật VII Thường Niên A
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật VII Thường Niên Năm A mời gọi con cái Thiên Chúa phải nên thánh thiện như Cha của họ, là Đấng Thánh ngự trên trời. Sự hoàn thiện gặp thấy đỉnh cao của nó ở nơi luật yêu thương.
Lv 19: 1-2, 17-18
Bài Đọc I được trích từ sách Lê-vi, chính xác hơn từ phần được gọi “Luật Thánh Thiện” ở đó Đức Chúa đòi hỏi dân Ngài: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” và “Ngươi hãy yêu đồng loại như yêu chính mình”.
1Cr 3: 16-23
Thánh Phao-lô nhắc các tín hữu Cô-rin-tô nhớ rằng mọi người Ki-tô hữu là “Đền Thờ Thiên Chúa” vì họ được Chúa Thánh Thần ở cùng; họ không thuộc về sự khôn ngoan đời này nhưng sự khôn ngoan Thiên Chúa, vì họ thuộc về Đức Ki-tô và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa.
Mt 5: 38-48
Bản văn Tin Mừng Mát-thêu là phần tiếp theo diễn từ của Đức Giê-su về luật mới: “Anh em đã nghe Luật dạy… Còn Thầy, Thầy bảo anh em…”.
BÀI ĐỌC I (Lv 19: 1-2, 17-18)
Sách Lê-vi là quyển sách thứ ba trong năm quyển sách của bộ “Ngũ Thư”: sách Sáng Thế, sách Xuất Hành, sách Lê-vi, sách Dân Số và sách Đệ Nhị Luật. Năm sách này hình thành nên Lề Luật và nguồn cảm hứng của chúng, theo truyền thống, lên đến tận ông Mô-sê, nhà lập pháp vĩ đại của dân Ít-ra-en.
Sách này là cẩm nang chủ yếu dành cho các thầy tư tế hay các thầy Lê-vi, vì thế sách được gọi là sách Lê-vi vì những người này đều thuộc về chi tộc Lê-vi. Chi tộc này có một quy chế đặc biệt; họ không sở hữu đất đai và được dành riêng để phục vụ nơi thánh thay cho dân Ít-ra-en, vì thế Đức Chúa là gia nghiệp của họ. Xưa kia, tư tế và lê-vi là một. Sau này, danh xưng tư tế được dành cho những ai thực hiện những chức năng chính thức trong Đền Thánh Giê-ru-sa-lem, trong khi các thầy Lê-vi đảm nhận những công việc thứ yếu.
Sách Lê-vi được trình bày như một bộ sưu tập các huấn thị nghi thức và các nguyên tắc luân lý thuộc nguồn gốc và niên biểu khác nhau, thường rất xa xưa, với một ý tưởng chủ đạo: hình thành nên lương tâm luân lý của một dân tộc kề cận với sự thánh thiện của Thiên Chúa của mình. Công trình biên soạn chung cuộc thì rất muộn thời: đầu thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên, tức là sau thời kỳ hồi hương trở về và công việc tái thiết Đền Thờ thứ hai, tuy nhiên công việc sưu tập các bản văn và các truyền thống đã là một công trình dài lâu, khởi sự rất sớm, chắc hẳn ngay từ cuối thời quân chủ (đầu thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên).
Bản văn của chúng ta được trích từ chương 19, chương này góp phần hình thành nên một tổng thể được gọi “Luật về sự Thánh Thiện” (ch 17-26).
1.Đức Chúa phán với ông Mô-sê:
Phần lớn các chương của sách Lê-vi đều bắt đầu: “Đức Chúa phán với ông Mô-sê”. Đối với dân Ít-ra-en, Lề Luật là cách diễn tả thánh ý của Thiên Chúa mà ông Mô-sê là người trung gian. Nhà biên soạn sách Lê-vi xây dựng hoạt cảnh, không chỉ trên núi Xi-nai, nhưng còn ở dưới chân núi, trước “Lều Hội Ngộ” nơi đặt Hòm Giao Ước. Đây không là hư cấu văn chương nhưng là ý hướng thần học: tất cả những khai triển Lề Luật chỉ là nối dài pháp luật đầu tiên và được định vị vào trong cùng một tinh thần, một sự liên tục không bao giờ bị gián đoạn.
2.Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en:
Thật ra, Ít-ra-en là một cộng đồng trước khi là một quốc gia; họ là “dân Thiên Chúa” và căn tính của họ chỉ được diễn tả tròn đầy ở nơi cộng đoàn phụng vụ.
Mệnh lệnh này được ban cho ông Mô-sê để ông nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en chỉ được gặp thấy một lần trong sách Lê-vi: vào lúc tấn phong các tư tế. Xem ra nhà biên soạn đã muốn đối chiếu giữa hai cách thế đi vào trong mối hiệp thông với Thiên Chúa:
Đối với sách Lê-vi, các tư tế là những người trung gian giữa con người và Thiên Chúa. Các sách Cựu Ước khác còn xem ngôn sứ hay vua là những người trung gian. Theo “sách Lê-vi”, phụng tự và chức tư tế cấu thành nên sự trung gian cốt yếu. Vào thời kỳ biên soạn sách Lê-vi chung cuộc, dân Ít-ra-en đã không còn vua và truyền thống ngôn sứ đang trên đường biến mất. Qua đức tin của mình và việc thực hành các quy tắc thánh thiện, các tín hữu cũng có thể đi vào trong mối thân tình của Thiên Chúa.
3. “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh”:
Điều răn này được lập lại nhiều lần trong sách Lê-vi, và lời dạy của Chúa Giê-su cũng âm vang điều răn này: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5: 48).
Sự thánh thiện của Thiên Chúa là ý tưởng chủ đạo của sách Lê-vi. Thiên Chúa được gọi là “thánh” không chỉ vì Ngài được ban cho phẩm chất luân lý cao nhất, nhưng để nhấm mạnh khoảng cách vô tận của Ngài với phàm nhân tội lỗi, tính cách bất khả đạt của Ngài, mầu nhiệm cao vời khôn ví của Ngài. Noi theo Thiên Chúa của mình, dân Ít-ra-en được mời gọi tách riêng ra khỏi các dân ngoại, tránh xa tội lỗi, thánh hóa chính mình. Những chỉ thị của Luật Thánh Thiện chỉ cho họ con đường.
Phần thứ hai của bản văn trích dẫn vài lời khuyên bảo luân lý, mà một trong số đó cấu thành một trong những đỉnh cao Cựu Ước: “Ngươi phải yêu thương đồng loại như yêu chính mình”.
4. “Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình”:
Nguyên tắc này, được đặt lại vào trong mạch văn của nó, không có tầm mức quy mô như Tân Ước sẽ ban cho nó.
“Đồng loại” là tất cả thành viên của dân Ít-ra-en. Toàn bộ đoạn văn liên quan đến những mối liên hệ xã hội ở bên trong cộng đồng. Chúng ta cũng gặp thấy những xưng hô khác như “người anh em”, “người đồng hương”. “Người anh em” trong câu: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em”, chỉ một thành viên thuộc cùng giòng dõi, cùng bộ tộc. “Người đồng hương” trong câu “Ngươi phải mạnh dạn quở trách người đồng hương”, tức là một người Ít-ra-en. Vì thế, viễn cảnh bị thu hẹp lại ở nơi câu: “Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình”.
Tuy nhiên, khi tiếp tục đọc chương này, chúng ta gặp thấy ở câu 34: “Các ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi; các ngươi phải yêu nó như chính mình”. Câu này triển khai luật yêu thương, chắc chắn còn trong những giới hạn của việc đồng hóa người ngoại kiều với một người Ít-ra-en, tuy nhiên luật yêu thương được mở rộng rồi. Chỉ thêm một bước nữa đạt đến tầm mức của tình yêu dành cho hết mọi người mà Chúa Giê-su sẽ dạy và Ngài còn đi xa hơn nữa cho đến huấn lệnh “Phải yêu kẻ thù”.
Đức Giê-su sẽ kết hợp điều răn yêu người này với điều răn mến Chúa. Điều răn mến Chúa này được gặp thấy trong một quyển sách khác của bộ “Ngũ Thư”, sách “Đệ Nhị Luật” (Đnl 6: 5). Đức Giê-su ban cho hai điều răn này một tầm quan trọng như nhau và tóm gọn mọi Lề Luật vào trong hai điều răn này (Mt 22: 37-40; Mc 12: 29; Lc 10: 25-28). Ngài sẽ chứng mình hai điều răn này tương tự nhau khi đồng hóa mình với người đồng loại: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25: 40).
Cựu Ước đã không hiệp nhất hai điều răn này và cũng không đồng hóa Thiên Chúa với người đồng loại. Chính Đức Ki-tô, vừa Thiên Chúa vừa con người, thực hiện sự ngang bằng này.
BÀI ĐỌC II (1Cr 3: 16-23)
Bản văn này mang đến một câu kết luận cho ba lập luận của thánh Phao-lô, chứng minh cho các tín hữu Cô-rin-tô thấy rằng việc họ phân chia thành những bè phái dựa trên một ý tưởng sai lầm về Giáo Hội, một quan niệm lầm lạc về sự khôn ngoan Ki-tô giáo, một sự ngộ nhận về vai trò của các vị rao giảng.
Thánh Phao-lô vừa mới khai triển điểm thứ ba này. Thánh nhân đã so sánh công việc của các nhà rao giảng với công việc của những người kiến trúc sư: “Theo ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi đặt nền móng như một kiến trúc sư lành nghề, còn người khác thì xây trên nền móng đó…”. Như vậy mỗi người góp phần theo cách của mình vào việc xây dựng tòa nhà, tức là Đền Thờ Thiên Chúa, vì cộng đồng Ki-tô hữu không gì khác hơn một Đền Thánh ở đó Thiên Chúa ngự.
1.“Anh em là Đền Thờ Thiên Chúa:
Thánh Phao-lô dùng từ “naos”, từ này chỉ nơi cực thánh nhất, nơi Thiên Chúa ngự, nơi “ba lần thánh” của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Hình ảnh này rất gần với hình ảnh “Thân Thể Đức Ki-tô”. Thánh nhân sử dụng cả hai hình ảnh này, lúc thì luân phiên, lúc thì liên kết với nhau. Khái niệm “Đền Thờ tinh thần” cắm rễ sâu trong lịch sử của dân Ít-ra-en. Đức Chúa đã hứa với dân Ngài “Ngài sẽ ở giữa họ nếu họ tuân giữ các lề luật của Ngài” (Lv 26: 3-11). Kinh nghiệm về thời lưu đày ở Ba-by-lon, xa Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, vả lại bị phá hủy, đã khích lệ tâm tình của các tín hữu rằng sự kiện Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài là một thực tại tinh thần. Trước đó, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã loan báo rằng thời sẽ đến, vào thời đó tôn giáo sẽ được trở nên nội tâm hơn, thời Lề Luật sẽ được ghi khắc trong tâm khảm. Sau cùng, Đức Giê-su công bố rằng “thân thể của Ngài” là Đền Thờ mới, mà giờ đã đến, “giờ những người thờ phượng đích thật sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật” (Ga 4: 23).
Lời khẳng định: “đền thờ ấy chính là anh em” được giải thích ngay liền sau đó: người Ki-tô hữu là “đền thờ của Thiên Chúa” vì “Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em”. Đây là chủ đề chính yếu của thần học thánh Phao-lô, đó là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần ở nơi mỗi người Ki-tô hữu: thần học này phù hợp với những lời hứa của Đức Giê-su và ơn thần khải của lễ Ngũ Tuần. Thánh nhân lập lại thần học này ở dưới một chút: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em” (1Cr 6: 19).
Đó là sự thánh thiện của cộng đồng Ki-tô hữu vừa trong toàn thể vừa trong mỗi một thành viên. Làm nứt rạn tòa nhà do tinh thần phe phái và những chia rẽ nội bộ, chính là phạm thánh.
2. Sự khôn ngoan đích thật:
Thánh Phao-lô nhắc lại sự đối lập giữa sự khôn ngoan thế gian và sự khôn ngoan Thiên Chúa, mà thánh nhân đã khai triển ở trên: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì có lời chép rằng: Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái” (1Cr 1: 18-19). Thánh nhân một lần nữa viện dẫn Kinh Thánh khi trích dẫn rất tự do sách Gióp tiếp đó một câu của Thánh Vịnh 94.
Trong nỗi chán chường thất vọng, đối mặt với những quyền lực sự ác, ông Gióp diễn tả niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa, Đấng cất nhắc kẻ hèn mọn, đem lại niềm hy vọng cho người phiền muộn, phá vỡ mưu đồ của hạng tinh khôn, bắt kẻ khôn ngoan bằng chính những xảo kế của chúng và đi trước mưu toan của phường xảo quyệt (G 5: 11-13), mà thánh Phao-lô tóm tắt khi nói rằng “Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của nó”. Lời phê-phán thật nghiêm khắc: rõ ràng nhắm đến những tín hữu Cô-rin-tô tự cao tự đại.
Tv 94 cũng là lời kêu gọi cứu giúp của những người công chính chống lại phường vô đạo:
“Tư tưởng phàm nhân, Chúa đều biết cả:
thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài!” (Tv 94: 11)
3.Những vị rao giảng của anh em là những người phục vụ mọi người:
Những chia rẽ của các tín hữu Cô-rin-tô đối với những vị rao giảng của họ làm chứng rằng họ không là những người khôn ngoan. Không ai được phép nói: “tôi thuộc về Phao-lô, hay A-pô-lô, hay Kê-pha”, vì có một sự đảo lộn: dù Phao-lô, A-pô-lô hay Kê-pha đều thuộc về anh em, họ là những người phục vụ cộng đồng Ki-tô hữu, họ hiến dâng bản thân mình cho mỗi người và cho mọi người.
4.Tất cả đều thuộc về anh em:
Thánh Phao-lô chuyển đổi ngạn ngữ Hy-lạp: “Tất cả đều thuộc hiền triết”, thường được các triết gia Khắc Kỷ lập lại. Hiền triết là người biết, hiểu, gắn bó với trật tự vũ trụ, vừa lý tính vừa thần linh. Người Ki-tô hữu cũng là người biết và còn biết hơn nữa, vì Đức Ki-tô đã mặc khải ý định của Thiên Chúa về nhân loại: người Ki-tô hữu cũng nắm giữ ý nghĩa “sự sống và sự chết, hiện tại hay tương lai”. Thánh Phao-lô thường ca ngợi sự hiểu biết cao cả này của người Ki-tô hữu: người Ki-tô hữu không phải cậy dựa vào con người nhưng phải đặt trọng tâm cuộc đời mình vào Đức Ki-tô.
TIN MỪNG (Mt 5: 38-48)
Bản văn Mát-thêu này tiếp nối bản văn Chúa Nhật trước. Đức Giê-su tiếp tục đối chiếu giữa những huấn lệnh Mô-sê và luật yêu thương mà Ngài thiết lập. Hai ví dụ mới được đưa ra để đối chiếu: luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” và luật “Yêu thương đồng loại của mình”.
1.Luật “mắt đền mắt, răng đền răng”:
Chúa Giê-su trích dẫn luật Cựu Ước: “Anh em đã nghe Luật dạy: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng’”, được phát biểu trong sách Xuất Hành (21: 24) và được lập lại trong sách Lê-vi (24: 19-20). Vào thời Đức Ki-tô, luật này chỉ được áp dụng vào những trường hợp sát nhân: “mạng đền mạng”.
Vào thời đó, luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” này đã giới hạn bạo lực. Chúng ta thử đọc lại bài ca thù hận ngút ngàn được trích trong sách Sáng Thế:
“Vì một vết thương, ta đã giết một người,
vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ.
Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy,
nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy!” (St 4: 23-24).
Luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” đưa ra những giới hạn chặt chẻ giữa sự xúc phạm và sự trả thù. Luật này chỉ có thể áp dụng vào những tấn công về phương diện thể lý; nhưng trong việc thực hành, luật này thường tỏ ra khó áp dụng. Vì thế, những đền bù thiệt hại bằng tiền bạc dần dần được thay thế, ngoại trừ trường hợp sát nhân.
Khi trích dẫn luật xưa, Đức Giê-su muốn nói rằng không còn “ăn miếng trả miếng” nữa. Dù biết rằng ước muốn trả thù vẫn sống động trong tâm trí con người, Đức Giê-su đòi hỏi người ta không được buông theo ước muốn này, đừng tìm cách trả thù. Thái độ từ chối trả thù trực tiếp này đã được các hiền nhân Cựu Ước phác họa rồi. Hiền nhân Si-rác khuyên:
“Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa,
tội lỗi nó, Người xem xét từng ly.
…..
Hãy nhớ đến các điều răn
mà đừng oán hờn kẻ khác,
nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao
mà không chấp nhất điều lầm lỗi” (Hc 28: 1-7).
Sách Châm Ngôn khuyên:
“Bạn đừng nói: ‘Tôi sẽ báo thù!’
Hãy cậy trông Đức Chúa, Người sẽ cứu bạn” (Cn 20: 22).
Đức Giê-su còn đi xa hơn các hiền nhân này, khi dạy rằng “lấy thiện báo ác”, “lấy tình yêu đáp lại hận thù”. Ngài dùng những kiểu nói rất bắt mắt và mâu thuẫn để nhấn mạnh: “Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để cướp lấy áo trong, thì hãy cho nó lấy cả áo ngoài”. Áo trong và áo ngoài là y phục chính yếu miền Cận Đông. Áo ngoài còn cần thiết hơn áo trong: đây là chăn mền mà người nghèo dùng để đắp trong đêm, vì thế luật cấm giữ lại áo ngoài qua đêm. Ở đây, Đức Giê-su đòi hỏi một hành vi đặc biệt có ý nghĩa.
Động từ được dùng trong câu: “Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm”, mang nét nghĩa đầu tiên là “trưng dụng phương tiện chuyên chở”, tiếp đó được mở rộng đến mọi công việc phục dịch. Xem ra chính nghĩa này phải giữ lại, bởi vì cốt là dặm đường phải đi. Người có quyền “trưng dụng” chắc hẳn là một binh lính hay quan chức Rô-ma. Quả thật, động từ này lại xuất hiện trong Tin Mừng Mát-thêu khi những người lính Rô-ma “trưng dụng” ông Si-mon thành Si-rê-nê vác đỡ thập giá với Đức Giê-su.
Luật truyền thống muốn rằng của bố thí và việc cho vay không lãi chỉ được dành cho những thành viên của đại gia đình Ít-ra-en, chứ không người ngoại kiều. Hơn nữa, năm sa-bát – cứ bảy năm một lần – bao gồm việc tha nợ nần. Những quy luật được thông qua ở bên trong cộng đồng. Khi công bố rằng “Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi”, Đức Giê-su muốn rằng những cử chỉ này phải ban cho hết mọi người, không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo. Luật bác ái mà Đức Giê-su dạy không có giới hạn.
2.Yêu thương kẻ thù:
Lệnh truyền “Hãy yêu đồng loại” được gặp thấy trong sách Lê-vi, nhưng lệnh truyền “Hãy ghét kẻ thù” không được gặp thấy ở đâu trong sách Luật cả. Động từ “ghét” này chỉ cốt làm tương phản động từ “yêu thương”, theo một cặp đối lập rất đặc thù của ngôn ngữ sê-mít. Sự đối lập này được gặp thấy trong Luật Cộng Đồng Qum-ran: “Ngươi phải yêu thương con cái Ánh Sáng, nhưng ghét con cái Bóng Tối”. Dù sao đi nữa, cặp động từ đối lập này trình bày một tâm thức nào đó. Chúng ta đọc thấy trong sách Huấn Ca:
“Hãy cho người đạo hạnh, nhưng đừng giúp kẻ tội lỗi.
Hãy xử tốt với người khiêm tốn,
và đừng ủng hộ quân vô đạo,
hãy khước từ, đừng cung cấp bánh ăn cho nó…
Đừng bao giờ tin vào thù địch;
vì đồng tiền ten sét thế nào,
thì sự độc ác của nó cũng vậy” (Hc 12: 4-5, 10).
Quả thật, người Do thái ghét cay ghét đắng người Sa-ma-ri, khinh miệt người thu thuế, anh em đồng bào mặt dày mày dạn của mình cộng tác với quân chiếm đóng. Người Do thái chẳng bao giờ có những mối quan hệ bạn hữu với người ngoại giáo. Sách Lê-vi dạy yêu thương đồng loại của mình, nhưng quan niệm đồng loại bị hạn chế chỉ đóng khung vào đồng bào của mình. Đức Giê-su mở rộng cho đến hết mọi người. Luật đức ái phải lật đổ những phân biệt đối xử như thế. Khuôn mẫu của tình yêu này là mẫu gương của Cha trên trời, Đấng ban cho hết mọi người, kẻ xấu cũng như người tốt, ơn mưa mốc chan hòa.
Vào thời thánh Mát-thêu ghi lại những lời này: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”, chúng có một âm vang bi thảm. Đây là thời kỳ Hội Đường bách hại Giáo Hội tiên khởi không chút xót thương. Những Ki-tô hữu gốc Do thái mà thánh Mát-thêu ngỏ lời, phải chịu những phiền nhiễu thậm tệ về phía những đồng đạo trước đây của mình.
Nhưng những môn đệ Đức Ki-tô phải mở rộng lòng mình, không so đo tính toán hơn thiệt. Đức Giê-su đòi hỏi họ đức tính anh hùng này và kêu gọi họ hãy nên hoàn thiện, thuật ngữ này nhắc nhớ “Luật Thánh Thiện” của sách Lê-vi, trong đó Đức Chúa phán: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh”; còn ở đây, Đức Giê-su truyền: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, là Đấng hoàn thiện”.
http://www.kinhthanhvn.net/chu-giai-loi-chua-cn-vii-thuong-nien-a-lm-inhaxio-ho-thong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét