Trang

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

Về việc thánh hóa các giới hạn của chúng ta

Ronald Rolheiser, 2020-02-10
Cách đây ba mươi năm, cố tác giả John Jungblut viết một quyển sách nhỏ có tựa đề Về việc thánh hóa các giới hạn của chúng ta (On Hallowing Our Diminishments”). Đây là một khảo luận gợi ý các phương tiện để đóng khung các sỉ nhục và các hạn chế bao vây chúng ta qua hoàn cảnh, tuổi tác, tai nạn, để mặc dù bị sỉ nhục, chúng ta có thể đặt chúng dưới một phong chắn nào đó, để tránh đi sự xấu hổ và phục hồi cho chúng ta một số nhân phẩm đã bị mất. 
Và chúng ta tất cả đều bị đau khổ về các giới hạn này. Một vài chuyện làm chúng ta đau khổ vì do di truyền, vì lịch sử, vì hoàn cảnh, vì xã hội chúng ta sống hoặc các tàn phá do lão hóa, hoặc bị tai nạn, nhìn dưới mọi khía cạnh, không những chúng bất công một cách cay đắng nhưng có thể làm chúng ta không còn nhân phẩm và chúng ta bị sỉ nhục. Chẳng hạn làm sao chúng ta chịu đựng được việc thể hình không đúng tiêu chuẩn thẩm mỹ của xã hội? Làm sao chịu được kỳ thị? Làm sao đương đầu với một tai nạn làm chúng ta bị liệt một phần hay hoàn toàn? Làm sao chịu đựng được các suy yếu của tuổi già? Làm sao chịu được khi người thân bị hiếp hay bị giết chỉ vì màu da của mình? Làm sao đỡ nổi khi người thân tự tử? Làm sao để có phẩm cách và có một ý nghĩa để những gì gọi là bất công khủng khiếp không làm chúng ta luôn phẫn nộ và xấu hổ? Làm sao có ai thánh hóa được các giới hạn của mình?
Triết gia Soren Kierkegaard có lời khuyên. Ông, trong khi còn sống đôi khi bị chế giễu, báo chí biếm họa về ngoại hình của ông (chân khẹo), ông khuyên như sau: đối diện với những chuyện như vậy, đây không phải là vấn đề phủ nhận hay che đậy, hoặc cố gắng tìm các giải trí lành mạnh khác nhau để đỡ buồn hay giữ một khoảng cách rõ rệt với nó. Thay vì vậy, chúng ta phải ý thức rõ chuyện này bằng cách “làm chúng sáng tỏ một cách hoàn toàn.” Làm như vậy chúng ta thánh hóa chúng. Chúng ta đưa chúng ra khỏi mặc cảm sỉ nhục và mang đến cho chúng một phẩm cách nào đó. Làm sao chúng ta có thể làm được?
Chúng ta tưởng tượng một cảnh như sau: một phụ nữ trẻ đi bộ một mình trên con đường vắng bị một nhóm các ông say rượu hiếp và giết, xong họ vứt xác người phụ nữ xuống hố. Gia đình và cộng đoàn đau khổ của cô làm theo lời khuyên của triết gia Kierkegaard. Họ không phủ nhận chuyện đã xảy ra, họ không che giấu, họ không thử để có các giải trí lành mạnh để vơi buồn. Thay vào họ làm “sáng tỏ hoàn toàn”.
Họ nhặt xác cô, tắm rửa, mặc quần áo đẹp nhất và ba ngày sau là một đám tang khổng lồ có hàng trăm người tham dự. Nghi thức tôn vinh không dừng ở đó. Sau tang lễ họ họp nhau ở một công viên gần nơi cô ở và sau vài giờ làm lễ tưởng niệm, họ đổi tên công viên thành tên cô.
Dĩ nhiên những gì họ làm không làm cho cô sống lại, không xóa đi một chút gì trong cái chết bất công khủng khiếp của cô, không đưa các tên sát nhân ra công lý, cũng không thay đổi nền tảng các điều kiện xã hội đã làm cho xã hội trở nên hung bạo, chết chóc. Nhưng một cách rất quan trọng, hành vi này khôi phục lại cho cô một số phẩm giá đã bị vụ giết người này lấy đi một cách hung bạo ra khỏi cô. Cả cô và cái chết của cô được thánh hóa. Bây giờ tên của cô và đời sống của cô sẽ mãi mãi nói lên một điều gì đó vượt quá sự bất công và thảm kịch về cái chết của cô.
Chúng ta thấy ví dụ về điều này ở tầm vĩ mô theo cách mà thế giới đã xử lý cái chết của những nhân vật như mục sư Martin Luther King, tổng thống John F.Kennedy, nghị sĩ Bobby Kennedy, giảng sư Malcolm X, nhà báo Jamal Khashoggi và những người khác bị giết vì hận thù. Chúng ta tìm cách để thánh hóa họ để con người và cuộc sống của họ bây giờ được ghi nhớ một cách nào đó, để làm lu mờ cái chết của họ. Và chúng ta thấy điều này trong cách một vài cộng đồng đã xử lý cái chết của những người thân yêu bị các phe đảng hay cảnh sát bắn một cách vô lý, cái chết của họ phủ nhận tất cả những gì là tốt. Và cũng tương tự như vậy với một số gia đình đã đã xử lý các giới hạn của họ khi người thân chết vì quá liều ma túy, vì tự tử hay mất trí nhớ. Sự mất phẩm cách về cái chết này bị lu mờ qua việc làm rõ ràng đúng đắn xung quanh sự hạn chế thậm chí đôi khi hạn chế này gây ra cái chết của họ. Ký ức của họ được chuộc lại. Ngắn gọn, đó là chức năng của bất kỳ sự thức tỉnh phù hợp và mọi chôn cất phù hợp nào. Khi làm rõ sự phẫn nộ ngay cả khi đụng chạm đến ai, chúng ta cũng khôi phục lại nhân phẩm cho họ.
Điều này đúng không chỉ với những người chết bất công hoặc để cho người thân phải đi tìm cách mang lại cho họ một chút phẩm giá nào đó. Nó cũng đúng với mọi sự sỉ nhục và phẫn nộ mà chính chúng ta, phải chịu đựng trong cuộc sống, từ những vết thương thời thơ ấu luon ám ảnh chúng ta, đến vô số sỉ nhục mà chúng ta phải chịu ở tuổi trưởng thành. Chúng ta không thể thay đổi những gì đã xảy ra, nhưng chúng ta có thể thánh hóa nó bằng cách “mang lại sự rõ ràng”, để sự phẫn nộ bị lu mờ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét