Trang

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

Dẫn nhập sách Bảy căn bệnh thiêng liêng (1/2)


 
Trích sách Bảy căn bệnh thiêng liêng, Sept maladies spirituelles, Sơ Catherine Aubin.
Sự mặc khải kitô giáo cho chúng ta biết chúng ta là ai trong chiều sâu thẳm nhất của cuộc sống. Bernard Sesboué


Sơ Catherine Aubin, nữ tu Dòng Đa Minh thần học gia, tác giả quyển “Bảy căn bệnh tâm linh” nói về bảy mối tội đầu.

Tác phẩm này là một tiểu luận ngắn về căn vườn nội tâm cần được chăm sóc, cắt tỉa hoặc nhổ cỏ dại ngăn không cho hạt giống tốt mọc lên và tăng trưởng. Vì thế chúng ta cần có dụng cụ làm vườn để tìm, để cắt tỉa cỏ dại, để cày xới đất giúp cho cây cối sinh hoa kết trái trong tâm hồn chúng ta. Thường thường khi cây lớn lên, qua năm tháng đến ngày nó sẽ cho hoa trái. Sự cứu rỗi là giải thoát  những gì cản trở sự tăng trưởng của con người. Chúa Giêsu giảng dạy điều này trong từng đoạn Tin Mừng: Ngài chạm đến, Ngài cầm tay và nói: “Hãy đứng dậy và bước đi!” Đời sống thiêng liêng chúng ta phải giống sự tăng trưởng này. Chúng ta biết trong quá trình này sẽ có các trở ngại, ngăn chận, các bệnh tật làm chúng ta mất phương hướng, mất quân bình và thất bại. Đôi khi nhận ra và chúng ta sửa được, đôi khi chúng ta bị mù quáng hoặc bị mù. Chúng ta không triển khai. Chúng ta vô ơn, khép kín, vô cảm, khó tính hoặc thờ ơ.
Tập sách này vừa là bản đồ vừa là cẩm nang để khám phá thế giới nội tâm giúp chúng ta tiến về chính mình và về với Chúa, Đấng ở trong lòng chúng ta. Đây là một kiểu để bắt đầu hoặc để tiếp tục một cuộc hành hương đi sâu nhất vào tâm hồn chúng ta, đi và tìm lại phương hướng, mà Ánh sáng đã ở trong lòng chúng ta. Nói cách khác, chúng ta sẽ phải xác định những con đường không lối thoát, những con đường không được đánh dấu đầy cả hiểm nguy và có hại, những con đường không thể đi được. Khi đó chúng ta sẽ bắt đầu hiểu các động thái bên trong là gốc rễ của các hành vi lệch lạc và chúng ta có thể bắt lại, nhận định lại cái gì đã làm cản trở, ngăn sự hợp tác và hành động của Thần Khí trong con người chúng ta. Vì thế tập sách này đưa ra các con đường để khám phá nội tâm, không phải để sống khổ sở dưới ách của tội lỗi và làm cho chúng ta bị mặc cảm đến mức tê liệt, nhưng là để có một nhận biết mới, sinh ra và tái sinh, đó là Chúa ở trong tâm hồn chúng ta.
Tập sách này không tư biện cũng không uyên thâm. Đúng hơn là một kinh nghiệm sống: gần như tất cả các bệnh thiêng liêng tôi đều sống qua và vẫn còn sống với! Tôi may mắn được dạy các bệnh này trong lớp thần học thiêng liêng và nhận ra tác động của bài dạy này trên sinh viên (giáo dân độc thân hay lập gia đình, nam nữ tu sĩ, các chủng sinh và linh mục, tất cả ở đủ mọi lứa tuổi). Gần như tất cả đã trải nghiệm một hình thức giải phóng khi nghe nêu ra các lệch lạc thiêng liêng này; họ ý thức được chiều hướng xấu của mình; họ thấy được các ham muốn sâu xa của mình. Các phản ứng này có tác dụng dạy dỗ và làm cho họ lên tinh thần.
Sự định hướng “bản đồ” này nhằm tìm trong nội tâm mình một nơi thuận lợi cho lòng biết ơn, cho sự kinh ngạc, cho ngợi khen, cho niềm vui, vì nói lên lời cám ơn là có được sức khỏe, là bước vào ơn cứu rỗi. Không có gì tốt trong chúng ta hoặc bởi chúng ta mà không có niềm vui. Niềm vui giúp chúng ta tiếp xúc với căn tính thật của mình và căn tính của Chúa. Chính qua niềm vui và hân hoan nội tâm mà chúng ta thực sự tồn tại và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn để yêu thương và để phục vụ. Vậy mà niềm vui này thường xuyên bị ẩn giấu, bị quên, thậm chí còn bị cho là “chết”. Sự khai phá nội tâm này có cùng đích là để đi, đi xuống, cùng tiến bước và ở trong niềm vui sáng chói này, để xây dựng chúng ta, để làm cho chúng ta lớn lên, tăng trưởng; nói cách khác là để càng ngày càng đi sâu hơn đến sự giải thoát, giải phóng và tự do. Đây là lý do vì sao chúng ta “tin” để “phát triển”, để đi tới, để sống như con cái của Ánh sáng (1Th 5, 5).
Cuộc khai phá nội tâm này cũng là một cuộc gặp gỡ, một đối thoại, một bước đi với Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần, mở lòng chúng ta ra với Tình yêu không điều kiện, để chúng ta có thể nhìn vào các khiếm khuyết, các tật bệnh để được cứu, để được giải thoát. Đời sống thiêng liêng là một bước đi, một đời sống trong ánh sáng và trong tình yêu, một loại buông bỏ để chúng ta đến với Đấng ”là đường, là sự thật, là ánh sáng và là sự sống”. Chính vì vậy quan trọng là được sống trong chính ngôi nhà mình, vì “phải xa Chúa là chết; trở về với Chúa là sống lại; và ở trong Chúa là sống”.
Chúng ta bệnh gì?
Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. (Lc 5, 31)
Các mất định hướng hay nghiêng về tội này làm chúng ta xa nội tâm, xa nguồn sống mà các Giáo phụ ngày xưa gọi là “quyến luyến” hay các “căn bệnh thiêng liêng”. Giáo phụ Evagre le Pontique phân loại chúng thành tám suy nghĩ chung bao gồm tất cả các suy nghĩ khác: tham ăn, tham dục, hà tiện, buồn bã, giận dữ, biếng nhác, hư danh hảo và kiêu ngạo. Học thuyết này được Giáo phụ Évagre le Pontique (345-399), đan sĩ đông phương xây dựng đầu tiên, sau đó được Giáo phụ Jean Cassien (360-435) mang qua tây phương và được Giáo phụ Grégoire le Grand (540-604) sửa lại. Và cuối cùng các suy nghĩ này được Tây phương biết đến dưới hình thức bảy mối tội đầu, gọi là “tội đầu vì chúng gây ra các tất xấu khác, các tội khác. Đó là kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, giận dữ, tham ăn, tham lam, lười biếng”.
Các Giáo phụ đưa ra định nghĩa về tội và bệnh: là tội bất cứ hành vi nào làm con người quay lưng với Chúa và với con người thánh thiện của mình. Giáo phụ Denys l’Aréopagite viết, “hành động xấu là đi ra khỏi con đường tốt, đi ngược với bản chất, với nguyên tắc, với cùng đích, với ý chí của mình, cuối cùng là với chính cốt tủy của mình.”
Các Giáo phụ thường dùng danh từ y khoa để nói về tội và hệ quả của nó: họ cho rằng, tội là một bệnh rất nặng ảnh hưởng đến toàn con người và làm cho con người mất đi sức khỏe ban đầu. Căn bệnh và sự thoái hóa đụng đến tất cả khả năng con người, một khả năng để con người quay về với Chúa và kết hiệp với Ngài, họ quay lưng với mục đích này, mục đích cơ bản và hiệu năng bây giờ lại chống lại bản chất, đi lạc hướng, đi ngược hướng, hành động mất trật tự, mất lý lẽ, phi lý, vô nghĩa, điên cuồng. Và đó là lý do vì sao các bệnh thiêng liêng đè bẹp, che khuất Ánh sáng bên trong, Ánh sáng có ở trong chúng ta từ ban đầu.
Các chương của quyển sách này sẽ không chính xác theo danh sách của Giáo phụ Evagre le Pontique. Chúng tôi bắt đầu bằng phương thuốc chữa căn bệnh toàn năng kiêu ngạo (vinh danh hảo được xem xét trong chương này), đó là lòng khiêm nhường. Chúng ta có thể giải thích chọn lựa này bằng nhiều cách, đơn giản nhất là để nhấn mạnh đức khiêm nhường là nền tảng và cơ bản của mọi đời sống thiêng liêng, là tương hợp với Chúa, và theo nghĩa này, đức khiêm nhường chắc chắn là “viên thuốc” thích ứng nhất cho tất cả các căn bệnh thiêng liêng. Mặt khác, để sống với nó, chúng ta cần hiểu khiêm nhường là gì và làm sao để được khiêm nhường. Chính vì tất cả các lý do này và các lý do khác, chúng tôi đưa ra trong chương này, chúng tôi quyết định bắt đầu bằng đức tính này.
Rồi đến tham ăn, hà tiện và dâm dục, chúng tôi muốn đề cập đến hà tiện trước dâm dục, rồi đến giận dữ, buồn bã và biếng nhác.
Marta An Nguyễn dịch
(Còn tiếp) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét