Chúa kiện toàn luật như thế nào?
Chúa Nhật thứ VI Thường Niên năm A
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Vậy Chúa kiện toàn lề luật như thế nào?
1. Chúa Giêsu nâng cao lề luật của Cựu Ước.
Từ khi ban luật Tân Ước, Chúa Giêsu mặc cho lề luật giá trị cao siêu:
- Không cần đợi đến sát nhân thì mới phải ra tòa. Từ nay chỉ cần ai giận ghét anh chị em, chửi mắng, rủa xả, thóa mạ họ, đã đáng trầm luân nơi hỏa ngục.
- Luật mà Chúa Giêsu dạy nhằm bảo vệ và cổ võ thực thi bác ái giữa đồng loại với nhau. Giữ luật mà không nhắm đức bác ái là sai tinh thần luật.
- Luật mà Chúa Giêsu dạy đòi người giữ nó phải luôn khiêm tốn. Bởi nếu không khiêm tốn, người giữ luật sẽ cho rằng mình trọn hảo, mình tốt lành và dễ đánh giá người khác theo cái nhìn chủ quan của bản thân.
2. Luật là phương tiện chứ không phải mục đích.
Đã là phương tiện, phải nhằm phục vụ mục đích. Để đạt một mục đích, có nhiều phương tiện. Phương tiện mà không thể đạt mục đích hay lệch mục đích thì phương tiện không còn cần thiết.
Mục đích của Kitô hữu là tìm kiếm và đạt tới hạnh phúc. Giữ luật mà như gánh nặng, việc giữ luật ấy thất bại. Do đó, ta cần tinh thần tự do để giữ luật.
Ví dụ: Hai người đàn ông cuốc đất để trồng cây trên hai mãnh đất có diện tích như nhau. Nhưng một người là tù binh, người kia không hề bị giam cầm.
Chắc chắn cây trái trên mãnh đất của người tự do sẽ tốt hơn nhiều, xanh tươi hơn nhiều, cho ra kết quả lớn hơn nhiều.
Người bị tù không trông mong quyền lợi bản thân trên mãnh đất mà anh trồng tỉa. Hơn nữa, anh chỉ trồng vì ép buộc, kỹ luật, hoàn toàn thiếu tự do, chắc chắn vườn cây của người bị cầm tù không sánh nổi vườn cây của người tự do.
Cũng vậy, giữ luật trong đức tin vì mục đích yêu mến Chúa, muốn thăng tiến bản thân trên đường nhân đức, việc giữ luật ấy tốt đẹp, hạnh phúc. Trường hợp này, luật là phương tiện đưa người gắn bó với nó tiến xa trên đường đạo đức.
Nhưng ai không có lòng mến, chỉ giữ luật như bị buộc, suốt đời Kitô hữu sẽ không có niềm vui. Ngày qua ngày, luật chỉ là gánh nặng, chỉ là sự cồng kềnh...
3. Giữ luật phải đưa tới ơn nên thánh.
Chúa muốn ai sống lề luật là phải nên thánh. Giữ luật là phải đạt tới mục đích nên thánh. Giữ luật mà không đưa tới ơn nên thánh, việc giữ luật ấy sai, phải chỉnh đốn lại.
Vì thế, người tín hữu cần xem lề luật như là đường lối dẫn mình đi về phía Chúa, đi về cõi đời đời trong ơn nghĩa Chúa.
Người tín hữu cần có luật để bảo đảm con đường mình đi là con đường của đức tin, củng lòng mến Chúa.
Luật mà mình mang theo suốt đời là ánh sáng soi tâm hồn, là cách để mình nhắm đúng hướng, khi phải sống giữa cuộc đời trần thế còn nhiều khó khăn, dễ làm chúng ta trật đường.
4. Đặt luật vào đúng vị trí của nó: Có hai thứ: Thiên luật và nhân luật.
Thiên luật là luật do Thiên Chúa ấn định và trao ban. Thiên luật thì trên hết, bất di bất dịch, mọi người đều phải tuân giữ và ưu tiên trên mọi ưu tiên.
Còn nhân luật là luật do con người làm ra, có tính tương đối. Luật của con người có thể thay đổi và cần được thay đổi.
Ví dụ: Bảo vệ sự sống con người là Thiên luật. Do đó, không ai có quyền sát hại hay cho phép sát hại con người từ khi bắt đầu thành thai đến khi chết bằng một cái chết tự nhiên.
Trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta khẳng định rằng, luật của con người phải nhắm phục vụ luật của Thiên Chúa. Do đó, luật của con người cần phải lấy luật của Thiên Chúa để quy chiếu và không được trái với luật của Thiên Chúa.
Vì thế, giữ luật phải đưa tới tình yêu. Tình yêu là luật bất di bất dịch đến từ Thiên Chúa. Giữ luật mà làm cho tình yêu, sự cảm thông, lòng bác ái bị chèn ép, thì đó là giữ luật sai, cần chỉnh đốn lại.
5. Luật yêu thương là luật tối thượng.
Chúa Giêsu đã nhiều lần minh định: Phải kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn, đồng thời yêu thương tha nhân như chính mình (x. Mt 22, 34-40; Mc 12, 28-34; Lc 10, 25-28).
Dù xác định mến Chúa yêu người là giới răn trọng nhất, nhưng chúa Giêsu đã phân thành hai điều trên dưới khác nhau: mến Chúa và yêu người.
Chính nhờ biết kính mến Thiên Chúa nên chúng ta mới có thể yêu thương tha nhân vượt quá cảm tính thường tình để rồi có thể yêu thương cả kẻ thù, yêu thương người bắt bớ, làm hại mình (x. Mt 5, 43-48).
Trong Giáo huấn của Chúa Giêsu, yêu thương không dừng lại ở những cấm đoán (không được: ngoại tình, trộm cắp, rẫy vợ, giết người...), nhưng tiến xa hơn bằng thực thi việc tốt cho tha nhân, đến mức yêu tha nhân như bản thân.
Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về việc Người hy sinh chính bản thân của Người để chết cho ta.
Ước mong từng người Kitô hữu luôn biết thanh tẩy tâm trí mình để sống đúng tinh thần luật mà Chúa Giêsu đã dạy và nêu gương.
Ước mong mỗi Kitô hữu luôn ý thức, giữ luật không là thể hiện bên ngoài, mà là đào tạo cõi tâm theo tinh thần luật. Nếu tinh thần luật có được thể hiện ra bên ngoài, thì nó đã thật đầy trong tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét