Trang

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2020

Đức Giêsu, một người Do Thái quấy rầy


Đức Giêsu, một người Do Thái quấy rầy
Tác giả: Christiane Cloutier Dupuis, Ph. D., Chuyên viên Kinh Thánh và phó chủ tịch Hội Kinh Thánh Công Giáo Canada (SOCABI)
Giáo huấn của Đức Giêsu đã gây phiền hà cho tổ chức tôn giáo vào thời Ngài, được các Tin Mừng Nhất Lãm trình bày qua những người Pharisiêu, các kinh sư và các tiến sĩ luật. Những tương quan sóng gió giữa Đức Giêsu và các thành viên của những phong trào Do Thái giáo này là kết quả của những khác biệt nền tảng vấn đề nhận thức về Thiên Chúa cũng như sự cấp thiết phải thay đổi não trạng ngay và sâu. Khi lướt nhìn qua những khác biệt này, nó làm nổi bật lên tính đặc thù và tận căn của giáo huấn Đức Giêsu. 

Cách nói và làm của Đức Giêsu đã gây phiền nhiễu cho những người đạo đức thời Ngài. Nhận thức của Ngài về một Thiên Chúa quan tâm đến con người, sự khẳng định của Ngài rằng mọi người đang ở cuối thời gian và bắt đầu một kỷ nguyên mới khiến Ngài đặt lại vấn đề về nhiều nghi thức, quy định và luật lệ. Từ đó nảy sinh nhiều bất đồng hay khác quan điểm với các thành viên thuộc những nhóm tôn giáo được nêu tên trong các Tin Mừng Nhất Lãm. Để hiểu nhiều hơn về thế giới của Đức Giêsu, nghĩa là môi trường tôn giáo của xứ Palestin vào thế kỷ I, các bản văn giao thời giữa hai giao ước  (écrits intertestamentaires) và của sử gia Flavius Josèphe đã mô tả những nhóm này và hiện tình xã hội tôn giáo chính trị của thời ấy rất rõ ràng. Trước hết, ta nên nhớ rằng tất cả những nhóm này hoàn toàn gắn bó với Do Thái giáo và Lề Luật (Torah). Họ thuộc về tôn giáo và nền văn hóa Do Thái, bao gồm cả Đức Giêsu mà chúng ta rất hay nhìn Ngài cứ như là một Kitô hữu phương Tây. Họ chia sẻ cùng những niềm tin chính yếu và cùng một sách thánh. Các nhóm Pharisiêu, Sađucêô và Essênêô đã hiện diện từ hai thế kỷ trước thời Đức Giêsu. Vì thế, Ngài không phải là người đề xướng duy nhất một nhóm tôn giáo và là người cuối cùng [1] trong số những người cạnh tranh với họ trong một thế giới nảy sinh rầm rộ nhiều phong trào. Điều đánh dấu những nhóm này hay làm cho họ trở nên đối thủ của nhau, chính là quan niệm về Thiên Chúa và cách chú giải phát sinh từ mối tương quan giữa Giao ước thứ nhất [2] và Torah truyền khẩu. Từ đó phát sinh mối căng thẳng giữa Đức Giêsu và những người Pharisiêu, những tiến sĩ luật (hay luật sĩ) và các kinh sư. Các nhà chuyên môn đã nhận thấy nơi Tin mừng Luca và Matthêô một sự bài bác khuếch đại người Pharisiêu vì bối cảnh lịch sử. Vì thế, thận trọng hơn cả là chúng ta nên theo Tin mừng Marcô, được soạn thảo sớm nhất.
Đồng nhất và khác biệt
Chỉ mình Đức Giêsu và Gioan Làm phép rửa là có những điểm đồng nhất: cả hai đều tin rằng đã đến cuối thời gian và quả quyết sự cấp thiết của metanoia (hoán cải) để đón nhận một thời đại mới, thời của Nước Trời. Chính giữa Đức Giêsu và nhóm Pharisiêu, nhóm xuất phát ra các kinh sư và tiến sĩ luật, thì sự khác biệt mới nổi lên. Về những người Sađucêô, Marcô nhắc đến họ chỉ một lần trong tình huống họ muốn gài bẫy Đức Giêsu về vấn đề kẻ chết sống lại mà họ không tin, ít ra là theo niềm tin của thế kỷ thứ I.
Lần theo các trình thuật chữa bệnh, tranh luận, những giáo huấn hay những thái độ bị cho là bất tôn mà Marcô trình bày cho chúng ta một Đức Giêsu đương đầu với các kinh sư và người Pharisiêu. Chúng ta lựa chọn những mâu thuẫn chính liên quan đến ly dị, ngày sabát, những vấn đề về nghi thức tinh sạch, những mối liên hệ của Đức Giêsu với những người tội lỗi công khai và thu thuế cùng những giảng huấn đặt lại vấn đề một vài quy định của Torah. 
Ly dị
Quan điểm của Đức Giêsu về ly dị đã làm hao tốn khá nhiều giấy mực từ xưa đến nay. Giải thích làm sao về một tuyên bố như vậy? Marcô giải thích cho chúng ra rằng chính người Pharisiêu muốn gài bẫy Đức Giêsu khi hỏi về vấn đề ly dị: “Có mấy người Pharisiêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? " Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: "Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?" Họ trả lời: "Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ." Đức Giêsu nói với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông … sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10, 2-5).
Trong câu trả lời, Đức Giêsu hoàn toàn bác bỏ ly dị, nói ngược lại với tất cả các nhóm tôn giáo khác trung thành với Lề Luật, vì ly dị là một thể chế được Torah cho phép và quy định. Thế tại sao lại phát ngôn những lời trái với giáo huấn của truyền thống như thế? Các nghiên cứu hiện nay có khuynh hướng chứng minh rằng Đức Giêsu lịch sử xem mình như là vị ngôn sứ của của thời gian cuối cùng khai mở cho thời đại mới của Nước Chúa “đã ở đấy và chưa hiện diện” (déjà là et pas encore), từ đó mới có đòi hỏi tận căn là không được phân ly điều Thiên Chúa đã nối kết.
Ngày sabát
Có hàng loạt những điều răn trong Giao ước thứ nhất có liên quan đến ngày sabát (Stk 2, 2-3; Xh 20, 8-11; Ds 15, 32-36; Đnl 5, 12-15, etc.). Luật lệ này được xem như là trực tiếp đến từ Thiên Chúa, và mọi tín hữu đều xác tín điều đó. Vì thế, cứ mỗi bảy ngày, người ta phải ngưng tất cả mọi công việc. Vì thế, những người Pharisiêu và các kinh sư xem hành động chữa lành của Đức Giêsu như là một hình thức làm việc; “Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày sabát không, để tố cáo Người” (Mc 3, 2); “Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisiêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người … Có được phép chữa bệnh ngày sabát hay không? Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. Rồi Người nói với họ: "Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sabát” (Lc 14, 1.3-5) và “Ai trong các ông có một con chiên độc nhất bị sa hố ngày sabát, lại không nắm lấy nó và kéo lên sao? Mà người thì quý hơn chiên biết mấy!” (Mt 12, 11). Đức Giêsu dành ưu tiên tuyệt đối cho con người trên Lề Luật. Một đoạn khác còn nhấn mạnh hơn nữa. Thật vậy, khi các môn đệ vừa bứt những bông lúa và như vậy là vi phạm điều cấm trong ngày sabát theo những người Pharisiêu thì Đức Giêsu đã bênh vực họ rằng: “Ngày sabát vì con người chứ không phải con người vì ngày sabát” (Mc 2, 1-27).
Đặt lại vấn đề một vài luật lệ
“Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: ‘Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?’  [...] Đức Giêsu đáp: ‘Trong Luật đã viết gì?’ … Đức Giêsu nói … Cứ làm như vậy là sẽ được sống’” (Lc 10, 25-28). Khi thấy cú chơi của mình chẳng mấy thành công, ông luật sĩ lại tiếp tục làm phiền: “Vậy ai là người thân cận của tôi?”. Theo sách Lêvi 19, 17 thì người thân cận chính là người anh em cùng chủng tộc, là đồng bào. Ông luật sĩ hẳn biết rõ điều đó vì ông là chuyên viên về Lề Luật. Thay vì trả lời, Đức Giêsu kể dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu mà trong nhãn quan của Luca đã hủy bỏ quy định trong Lv 19, 17-18 cũng như những luật lệ về sự tinh sạch của Lv 22, 4 và Ds 19, 16 liên hệ đến cách hành xử của người tư tế và ông Lêvi.
Những luật tinh sạch theo nghi thức
Đức Giêsu đã gây gương xấu cho người Pharisiêu và kinh sư khi ăn uống và đi lại với những người tội lỗi công khai và người thu thuế bị xem như người ô uế theo luật Torah. Những con người của Lề Luật này không hiểu tại sao Ngài lại làm như thế: “Những kinh sư thuộc nhóm Pharisiêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” (Mc 2, 16). Khi Đức Giêsu thực hiện những cuộc chữa lành, họ buộc phải nhìn nhận rằng Thiên Chúa ở với Ngài, điều này làm gia tăng sự hoang mang của họ vì hình ảnh duy lề luật của họ về Thiên Chúa. Lúc ấy Đức Giêsu mới tự biện minh khi giải thích rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2, 17). Trong Lc 15, 2 sự ngạc nhiên của các kinh sư và người Pharisiêu cũng được lập lại: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Trong bối cảnh này, Đức Giêsu kể cho họ các dụ ngôn về con chiên lạc, đồng bạc mất và đứa con được tìm lại (Lc 15,1-32). Ngài muốn chứng minh rằng Thiên Chúa gần gũi với những kẻ lầm đường lạc lối trong cuộc sống, họ cũng là con cái của Ngài.
Đức Giêsu đặt lại vấn đề truyền thống
Marcô thuật lại: “Có những người Pharisiêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pharisiêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pharisiêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: "Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?" Người trả lời họ rằng… Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm … các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa…” (Mc 7, 1-11). Ở đây, Đức Giêsu cảnh báo những người đã đặt những quy định và truyền thống lên trước con người. Vì đối với ngài, điều răn của Thiên Chúa, đó là quan tâm đến những nhu cầu của người khác, của con người ở bên cạnh mình. Là người Do Thái trung tín, Ngài biết rằng quan tâm đến Thiên Chúa đó là quan tâm đến người khác (Xh 3, 7).
Cãi … nhưng cãi đúng
Với tư cách là thủ lãnh phong trào tôn giáo, [3] Đức Giêsu đã gây tranh cãi vì đã đặt lại vấn đề về những giáo huấn ức hiếp những kẻ “bé mọn”, những người ít học, người yếu thế, thấp cổ bé miệng, và như vậy là ngăn cản họ đến với Thiên Chúa. Chính với tư cách này mà Ngài đã phát đi lời cảnh báo: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường … nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” (Mc 12, 38-40). Lời cảnh báo này vẫn còn hiệu nghiệm cho những người đạo đức giả trong thời đại chúng ta. Hãy coi chừng đừng biến mình thành những người ấy và hãy để tâm bảo vệ những kẻ “bé mọn” chung quanh mình.
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữNguồn: gpquinhon.org


[1] Xem John P. Meier, Un certain Juif Jésus, Les donnés de l’Histoire, tập III, Paris, Cerf, 2005, tr. 196.
[2] Cựu Ước
[3] Hiện nay, các chuyên gia về Đức Giêsu lịch sử nói về “phong trào Giêsu”(mouvement Jésus).

TIN LIÊN QUAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét