Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser
- Cái chết của các giấc mơ của chúng ta…
Một trong những cái chết mà Chúa Giêsu nói tới là cái chết của các giấc mơ, không phải giấc mơ lúc chúng ta ngủ, nhưng là những giấc mơ đặc biệt, giấc mơ tuyệt đích chúng ta ấp ủ trong tâm hồn. Tôi xin kể câu chuyện minh họa như sau.
Cách đây vài năm, tôi hướng dẫn một khóa tĩnh tâm, một người đàn ông đến kể cho tôi nghe câu chuyện của ông. Ông, bốn mươi bảy tuổi, dư 45 cân vòng bụng, ông ở một thị trấn miền Bắc Canada, làm việc trong cửa hàng tạp hóa Safeway. Câu chuyện chủ yếu như sau:
“Thưa cha, con đi tĩnh tâm vì con cần cái gì đó mới mẻ cho cuộc sống. Con đau khổ và rồi con sa sút dần! Con bốn mươi bảy tuổi và đây là lúc con phải sống với thực tế, con phải chấm dứt mơ mộng hão.
“Giấc mơ của con bắt đầu khi con là một cậu bé, con lớn lên ở một nông trại miền bắc Alberta. Con còn nhớ lúc đó con nghe trên đài phát thanh, bình luận viên trận đánh băng cầu hockey, la lên: “Anh ta ném, anh ta ghi bàn”. Và đó là con. Trong giấc mơ, con mơ sẽ trở thành siêu sao băng cầu. Và mọi chuyện có vẻ như vậy. Con là một cầu thủ băng cầu cừ khôi, và trong ba năm con chơi ở đội nghiệp dư, sau đó vào đội băng cầu trẻ của trường. Đó là đội giỏi nhất ngoài giải Băng cầu Vô địch Quốc gia. Và con cũng thành ngôi sao, chơi khá hay đến nỗi vài đội chuyên nghiệp chú ý đến con. Vì thế năm mười chín tuổi, con cố gắng chơi băng cầu chuyên nghiệp. Nhưng tiếc là con không có sức vóc thể hình tốt. Giấc mơ ở tuổi hai mươi tan vỡ. Họ nói con sẽ không bao giờ thực hiện được giấc mơ này. Nhưng lúc đó con còn trẻ, và là ngôi sao lớn của cái thị trấn nhỏ này. Vì thế con đi về và vì thiếu công việc khác, con làm việc cho cửa hàng Safeway địa phương.
“Vậy là hai mươi lăm năm trôi qua, con vẫn còn làm ở đó. Sau đó, con lấy vợ (căn bản là một cuộc hôn nhân hạnh phúc) và chúng con có bốn đứa con, tất cả khỏe mạnh và dễ thương. Nhưng cũng có một phần buồn ở đây. Đáng lẽ con hạnh phúc. Có vợ đẹp, con khôn, hôn nhân hạnh phúc, có nhà riêng, công việc nhàm nhưng ổn định. Con khỏe mạnh, và có lẽ có nhiều người trên thế giới muốn đổi địa vị của con, nhưng như con kể, hai mươi lăm năm qua con chưa chấp nhận cuộc sống thực tế. Con quá ham hố, vẫn còn sống trong giấc mơ hão huyền đó, con chỉ nghĩ đến con. Cái gì sẽ xảy ra nếu con được chơi ở đội Băng Cầu Quốc Gia? Cái gì sẽ xảy ra nếu con không bỏ học sớm? Sẽ ra sao nếu con không lấy vợ quá sớm? Cái gì xảy ra nếu con không gắn bó với cái thị trấn ảm đạm buồn chán này? Cha biết không, cả đời con chỉ mơ thành siêu sao, sống ở thành phố lớn, có lương cao, được nổi tiếng. Vậy mà cha coi, con chẳng có thời…, tiền lương ít ỏi, ở thị trấn nhỏ, mọi thứ đều nhỏ, trừ cái vòng bụng của con!
Có gì sai lầm với con khi để mọi chuyện trong một chuyện. Còn chuyên sưu tập chữ ký. Cha xem, chữ ký của các vận động viên, các ca sĩ nổi tiếng! Thật là đau lòng khi mình không còn nghĩ đến những chuyện đó. Con, bốn mươi bảy tuổi đầu, chỉ biết hãnh diện khoe bạn bè mấy cái chữ ký gom được trong các trận đấu băng cầu!
Năm vừa rồi, khi đi xem lễ, con mới ý thức chuyện này. Con không biết ngày Chúa nhật đó là gì, nhưng con chăm chỉ nghe các bài đọc vì hôm đó con gái con là người đọc. Sau khi con gái con đọc xong, linh mục bắt đầu đọc đoạn Tin Mừng về việc Chúa Giêsu lên trời như thế nào. Một ý nghĩ chợt đến với con: Đó là điều phải xảy ra với giấc mơ của con – con phải để nó lên trời, giống như thân xác Chúa Giêsu vậy. Đó là giấc mơ tuyệt vời, nhưng nó phải qua đi! Con phải ngưng giấc mơ đó để con khỏi bức rứt, để con sống thật với chính con người của con. Con có đủ điều kiện để hạnh phúc mà con không làm. Cũng có những người giống con, bốn mươi bảy tuổi và dư bốn mươi lăm cân, họ sống ở thị trấn nhỏ, làm việc ở tiệm tạp hóa Safeway, họ hạnh phúc, con muốn là một trong số người đó! Thật là tủi nhục cho vợ con của con, họ rất tốt và rốt cùng chỉ có một chuyện quan trọng đáng lý con phải làm đó là sự hiện diện của con. Theo lẽ con tự hỏi xem mình là ai, và đã làm gì cho đời mình, thay vì chỉ sống theo cuộc sống của người khác, hay chỉ cố gắng đeo đuổi giấc mơ đã qua lâu rồi.”
Người đàn ông này đã sẵn sàng cho một tinh thần thăng thiên. Ông đã có “bốn mươi ngày”, hai mươi lăm năm để tang và sửa mình. Bây giờ ông sẵn sàng bỏ tinh thần cũ để đón nhận thần khí dành cho một người bốn mươi bảy tuổi, dư kí-lô, sống và làm việc ở một thị trấn nhỏ miền bắc Canađa. Có một vài người hạnh phúc nhất thế giới này giống ông, và cũng có vài người đau khổ nhất thế giới này giống ông. Hạnh phúc và đau khổ không hệ tại ở chỗ những người đó có thời hay sống ở thị trấn nhỏ. Hạnh phúc hay bất hạnh tùy thuộc tinh thần thăng thiên hay tinh thần đón nhận thần khí mới, tinh thần hiện xuống, mặc cho các chuyện kia có xảy ra hay không.
Dưới hình thức này hay hình thức khác, chúng ta đều sống câu chuyện của người đàn ông này. Cũng như bà Judith Hearne, tất cả chúng ta đều nuôi dưỡng giấc mơ về cuộc sống tốt đẹp và trọn vẹn. Và đương nhiên cuối cùng, mỗi người chúng ta phải để tang cho giấc mơ này để đón nhận thần khí dành cho người sống độc thân và không có quan hệ tình dục. Kinh Thánh cho chúng ta thấy điều này qua câu chuyện cảm động và điển hình sau. Câu chuyện vừa gây sốc lại vừa hấp dẫn vì nó mang tính trần tục hoàn toàn.
Vua Jephthah đang chiến đấu ngoài mặt trận, cuộc chiến đang bất lợi cho ông và quân đội. Trong thất vọng ông cầu nguyện với Thiên Chúa, hứa rằng nếu chiến thắng, thì khi về, ông sẽ tế lễ cho Thiên Chúa người đầu tiên ông gặp. Thiên Chúa nhận lời và ông thắng trận. Khi về nhà, ông kinh hãi vì người đầu tiên ông gặp, người mà ông phải giết để tế lễ, lại chính là con gái duy nhất yêu quý của ông đang tuổi trăng tròn. Ông nói với con gái về lời hứa và tỏ ý muốn hủy lời hứa đó hơn là hy sinh con. Tuy nhiên cô nằng nặc cha giữ lời hứa nhưng với một điều kiện: Trước khi chết cô cần có một thời gian vào sống trong hoang mạc để thương tiếc việc cô chết khi còn trinh nữ, khi chưa biết yêu. Cô xin cha cho cô hai tháng để vào hoang mạc với các bạn chưa lập gia đình như cô để cùng than khóc cuộc đời dang dở. Sau đó cô quay về và chịu hiến tế.
Dù cho tính chất phụ hệ bất hạnh của câu chuyện này, nhưng nó vẫn là một ví dụ mà qua đó cách xử thế có tính trần tục như thế lại dạy chúng ta điều gì đó sâu xa về mầu nhiệm phục sinh, nghĩa là, việc chúng ta phải qua bốn mươi ngày than khóc những gì còn dang dở và không hoàn tựu trong cuộc sống chúng ta. Như Karl Rahner đã nói, trong nỗi dằn vặt về những kết quả không đạt được mà theo lẽ chúng ta làm được, chúng ta bắt đầu nhận ra trong cuộc sống này, tất cả các bản giao hưởng vẫn còn dở dang. Ông đúng. Cuối cùng tất cả chúng ta đều chết, cũng như con gái của Jephthah, những cô trinh nữ, cuộc đời dang dở của chúng ta, các giấc mơ sâu thẳm nhất bị hụt hẫng, luôn luôn đi tìm một tình mật thiết không bao giờ có, theo nghĩa của một quan hệ trọn vẹn, một ban giao hưởng hoàn tất trọn vẹn – mà trong vô thức chúng ta còn thương tiếc cho sự trinh trắng của mình. Điều này đúng cho cả người đã lập gia đình cũng như người độc thân. Rốt cùng, tất cả chúng ta đều sống đơn chiếc.
Và điều này phải được than khóc. Bất cứ dưới hình thức nào, đến một lúc nào đó, mỗi người chúng ta phải đi vào hoang địa và thương tiếc cho sự trong trắng của mình. Khi chúng ta không làm được điều này bởi, và vì chúng ta không làm được, nên chúng ta thường sống trong đòi hỏi, giận dữ, cay đắng, thất vọng, thích lên án người khác, lên án đời mình cho những hụt hẫng này. Khi chúng ta không thể khóc cho cuộc sống dang dở của mình, thì sự dang dở này trở thành mối lo gặm nhắm, một trọng tâm cay đắng làm chúng ta không hưởng được hương vị dịu ngọt của cuộc sống. Bởi vì chúng ta không than khóc cho sự trinh trắng của mình, nên chúng ta muốn một người, một việc gì – người phối ngẫu, người bạn tình, gia đình lý tưởng, con cái, một hoàn tựu, một mục đích, hay công ăn việc làm – cất hết cho chúng ta khỏi sự đơn độc đó. Dĩ nhiên đây là mong chờ vô vọng, chúng chỉ dẫn đến cay đắng và thất vọng. Trong cuộc sống này, không có bản giao hưởng hoàn tất. Chúng ta được tạo dựng cho vô tận, như vực Grand Canyon không đáy. Vì khía cạnh bất tận này, chúng ta sẽ luôn cô đơn, lo lắng, dở dang và vẫn còn trinh trắng – sống trong dằn vặt về những chuyện không đạt được mà lẽ ra có thể đạt được.
Giấc mơ đạt được ước nguyện, như ước mơ thành siêu sao, đến một điểm nào đó, phải được than khóc và để nó thăng hoa. Nếu không, như trường hợp người đàn ông trong câu chuyện trên, mơ ước đó sẽ vĩnh viễn ngăn chúng ta không hưởng hạnh phúc đơn giản của cuộc sống.
Nguyễn Kim Long dịch
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét