Trang

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2020

Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (6/8)

Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (6/8)




Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser


  1. Cái chết của các tuần trăng mật…
Chúng ta tưởng tượng câu chuyện tiêu biểu sau: một người đàn ông và một người đàn bà gặp nhau và yêu nhau. Họ lấy nhau và đi tuần trăng mật kiểu Romeo và Juliet. Họ yêu nhau như hàng triệu người yêu nhau, tình cảm họ dành cho nhau sâu nặng vượt lên trên mọi cảm nhận họ có trước đây.
Bây giờ sau mười lăm năm trăng mật, mỗi người già thêm mười lăm tuổi và nặng thêm mười lăm cân,  sau mười lăm năm chung sống, họ chỉ còn gặp nhau vào giờ ăn sáng. Cả hai đều biết và cảm thấy thời gian trăng mật ấy đã trôi qua. Tình cảm mặn nồng trước kia  nay đã chết. Một vài tương quan gia đình được đặt ra. Họ ở đâu trong tương quan của họ với chu kỳ phục sinh?
Thời gian tương quan trăng mật của họ đã chết, nhưng tương quan của họ, hôn nhân của họ thì không chết; đúng ra bây giờ họ gắn bó mạnh và sâu đậm hơn thời trăng mật. Nhưng họ đang sống cuộc sống của một người đã lấy nhau mười lăm năm, chứ không phải mười lăm ngày, mười lăm phút. Như thế, bây giờ họ đứng trước chọn lựa, một cách vô thức có thể là:
Họ có thể bám vào những gì họ đã có trước đây, đam mê sâu đậm, đóng chặt nó vào những gì họ có trong hiện tại bằng tình yêu lãng mạn đó. Người này có thể kết tội người kia đã đánh mất đam mê (“Anh không tặng hoa cho em nữa!”) và mỗi người có thể bị cám dỗ để đi tìm kiếm một mối tình lãng mạn khác. Hoặc, họ có thể than khóc cho thời kỳ trăng mật và đón nhận thần khí của một cặp vợ chồng đã lấy nhau mười lăm năm – một thần khí khác với thần khí của người lấy nhau mười lăm phút. Nếu họ làm được như thế thì hôn nhân của họ sẽ sâu đậm hơn thời gian trăng mật. Đôi vợ chồng chia sẻ với nhau mười lăm năm sẽ yêu nhau sâu đậm hơn và gắn bó với nhau hơn đôi vợ chồng đang hưởng tuần trăng mật (ngoại trừ trong một vài trường hợp bị bệnh nặng, rối loạn chức năng hay không chung thủy).
Có một vài cặp hạnh phúc nhất thế giới đã sống với nhau mười lăm năm và cũng có một vài cặp bất hạnh nhất thế giới cũng sống với nhau chừng ấy thời gian. Tuy nhiên, ở điểm này, hạnh phúc hay bất hạnh trong hôn nhân không tùy thuộc ở thời gian sống với nhau, nhưng tùy vào trải nghiệm Mầu nhiệm Phục sinh, nghĩa là tùy chúng ta trải nghiệm như thế nào với những mất mát để đón nhận một tương quan mới được ban tặng cho chúng ta, than khóc những cái đã mất, buông bỏ nó, để nhận lãnh tinh thần mới cho tương quan thực tế chúng ta đang sống. Cặp vợ chồng đã sống với nhau mười lăm năm phải nhận lãnh tinh thần mới dành cho những người đã sống với nhau mười lăm năm – không ráng sống với tinh thần của cặp vợ chồng mới lấy nhau mười lăm phút.
Điều này không những chỉ đúng khi chúng ta hưởng tuần trăng mật nhưng cũng đúng và quan trọng trong tương quan với bạn bè, hàng xóm, ơn gọi hay việc làm của chúng ta. Tất cả những tuần trăng mật đều chết. Để duy trì bất cứ gì trong cuộc sống, chúng ta phải thường xuyên nhận thức rằng say mê ban đầu, xung điện đặc biệt mà chúng ta muốn chết cho nó, sẽ không bao giờ kéo dài, và chúng ta phải mở lòng ra để đón nhận một tinh thần mới trong tương quan đó. Khuyết điểm của việc này, là tất cả các tuần trăng mật đều chết, nhưng ưu điểm là Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta một cuộc sống phong phú, sâu đậm và một tinh thần trọn vẹn hơn.
Nguyễn Kim Long dịch
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét