Hôn nhân khác đạo: Một thách đố chính cho Giáo hội tại Nam Á Châu
Hôn nhân khác đạo:
Một thách đố chính cho Giáo hội tại Nam Á Châu
Lm. Giuse Vương Sĩ Tuấn
WHĐ (19.8.2020) – Khóa họp Toàn thể Thường lệ lần thứ 14 của Thượng Hội đồng Giám mục diễn ra từ ngày 04 đến ngày 25 tháng Mười tại Vatican (năm 2015). Có hơn 360 tham dự viên, trong đó có 18 đôi vợ chồng từ khắp nơi trên thế giới, tham dự và thảo luận về “Ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay”. Trong một loạt chương trình, trang tin Công giáo, ucanews.com giới thiệu những vấn đề mục vụ và những thách đố của các gia đình ngày nay ở khắp các khu vực mà chúng tôi phụ trách đưa tin. Bài hôm nay đề cập đến những gia đình hôn nhân khác đạo tại khu vực Nam Á Châu. Các nghị phụ cho biết chủ điểm của các cuộc thảo luận tại Thượng Hội đồng là vấn đề gia tăng các cuộc hôn nhân khác đạo trong khu vực Nam Á và những thách đố mục vụ do vấn đề này đem lại.
“Ngày càng có nhiều người trẻ nam và nữ của chúng ta học tập và làm việc với những người ngoài Kitô giáo, phát triển những tương quan, quyết định tiến đến hôn nhân,” cha Mintu Lawrence Palma, phụ trách Ủy ban Gia đình thuộc Tổng giáo phận Dhaka nói. Tình trạng ở quốc gia Bangladesh của cha Palma với đa số người Hồi giáo cũng là tình trạng của Ấn Độ có đa số theo Ấn giáo, Pakistan Hồi giáo và Sri Lanka chủ yếu theo Phật giáo. Người Công giáo trong khu vực là một thiểu số rất nhỏ - chỉ 1,5% trong tổng số 1,6 tỉ người của khu vực này.
“Chúng tôi không khuyến khích hoặc ngăn cản những cuộc hôn nhân khác đạo,” cha Palma đã cho biết, còn cha Stephan Alathara, phó tổng thư ký Hội đồng Giám mục theo nghi lễ Latinh của Ấn Độ nhấn mạnh rằng điều này diễn ra bởi những cuộc di dân trong nước, nhu cầu về việc làm, nhu cầu học tập thúc ép hàng ngàn người trẻ Công giáo rời bỏ làng quê và gia đình của họ đến sống và làm việc trong những cộng đoàn đậm chất thành thị hơn, là nơi mà tôn giáo không phải là một yếu tố của cộng đoàn.
Astird Lobo Gajiwala là một người Công giáo sống tại thành phố Mumbai, đã kết hôn với người Ấn giáo cách nay 25 năm, nói rằng thách đố thật sự của những cuộc hôn nhân khác đạo xảy ra khi người phối ngẫu ngoài Kitô giáo vẫn giữ niềm tin của họ và con cái không được rửa tội.
Trong những tình huống như thế, “những người Công giáo đứng bên lề những cộng đoàn đức tin của chúng ta, cùng với những gia đình không lãnh nhận phép rửa và những đôi hôn phối không hợp luật, và làm cho họ cảm thấy không được các giám mục, linh mục và giáo dân đón nhận”, Gajiwala nói.
Những người lãnh đạo Giáo hội như cha Joseph Chinnayan, phó tổng thư ký Hội đồng Giám mục Quốc gia Ấn Độ, trong khi khẳng định những cuộc hôn nhân khác đạo ngày càng phổ biến hơn trong những thành phố và đô thị, nhấn mạnh rằng, “khá thường xuyên chúng tôi không nhìn thấy đời sống gia đình trên nền tảng đức tin trong những cuộc hôn nhân như thế” bởi vì cha mẹ “thất bại trong việc nuôi dạy con cái sống đời sống bí tích, trong một cộng đoàn đức tin.”
Cha nói thêm: “Hơn nữa, những khác biệt đức tin của hai người phối ngẫu cũng ảnh hưởng đến đời sống gia đình của họ.”
Một xu hướng gia tăng, một thách đố lớn
Tại Bangladesh, những cuộc hôn nhân khác đạo giữa những người Công giáo, hiện nay khoảng 10 – 12 %, là một xu hướng đang gia tăng, và là “một thách đố lớn” đối với Giáo hội, cha Palma nhận xét.
Tương tự, cha Alathara chỉ ra rằng Giáo hội tại Ấn Độ không có con số rõ ràng nào về các cuộc hôn nhân khác đạo nhưng “theo kinh nghiệm mục vụ chúng tôi biết con số này đang gia tăng”.
Sự kiện gia tăng những cuộc hôn nhân khác đạo là một mối quan tâm của Giáo hội tại Pakistan, Đức cha Joseph Coutts của Giáo phận Karachi cho biết; ngài là chủ tịch Hội đồng Giám mục Quốc gia và là đại diện duy nhất của Pakistan tham dự Thượng Hội Đồng.
Những cuộc hôn nhân khác đạo giữa phụ nữ Công giáo và người Hồi giáo đang gia tăng, điều này có thể hiểu được vì Pakistan là quốc gia đa số người Hồi giáo, Đức cha cho biết.
Tuy nhiên, “tôi cũng buồn mà nói rằng hầu hết những cuộc hôn nhân ấy không hạnh phúc,” ngài nói, nhấn mạnh rằng trong hầu hết các trường hợp, người phụ nữ Công giáo kết hôn với người Hồi giáo sẽ phải theo Hồi giáo, mặc dù khi cử hành hôn phối, “có đủ thứ cam kết và hứa hẹn”.
“Một thiếu nữ Hồi giáo kết hôn với một thanh niên Công giáo là điều hoàn toàn không thể xảy ra và nếu xảy ra, đôi vợ chồng phải sống trong sự che giấu mãi mãi. Đối với một người Hồi giáo, việc cưới người vợ thứ hai là hoàn toàn hợp pháp. Vì thế có thể lại nảy sinh thêm vấn đề, nếu một người đàn ông Hồi giáo lựa chọn kết hôn thêm một lần nữa sau khi đã cưới người vợ Kitô giáo,” ngài nói.
Xu hướng này cao nhất ở Sri Lanka, nơi đa số dân theo Phật giáo. Chẳng hạn tại Giáo phận Galle, hơn 70 % các cuộc hôn nhân diễn ra giữa người Phật giáo và Công giáo, cha Stephen Perera, giám đốc Văn phòng Gia đình của Giáo phận, cho biết. Cha nói thêm “Tỷ lệ ly dị của những cuộc hôn nhân khác đạo cũng trên 60 %.”
Cha nói tiếp: “Những đôi hôn nhân khác đạo có những vấn đề nghiêm trọng và gây ra những khủng hoảng giữa họ với cha mẹ của họ,” bởi vì những Phật tử lớn tuổi tin rằng kết hôn với một người khác đạo cũng giống như từ bỏ di sản và truyền thống gia đình của mình vậy.
Cha Chinnayan, người Ấn Độ, tin rằng Thượng Hội đồng sắp tới sẽ đưa ra một số hướng dẫn mục vụ cụ thể để giúp các mục tử trong vùng, còn cha Palma cho rằng Giáo hội không có “bất cứ cách tiếp cận mục vụ thích hợp nào để cung cấp động lực và trợ giúp” cho các gia đình khác đạo đang gặp khó khăn.
“Giáo hội ném tôi ra ngoài”
Sanju Thomas, một người Công giáo kết hôn với bạn trai của cô là người Ấn giáo cách nay 15 năm và hiện đang sống tại New Delhi, nói rằng cuộc hôn nhân của cô không được cử hành long trọng tại nhà thờ và cha mẹ cô phải đưa ra lời xin lỗi cha xứ vì quyết định của cô trong cuộc hôn nhân này.
“Tôi chẳng bao giờ xin, cũng chẳng bao giờ lãnh một bí tích nào” sau khi kết hôn vì “tôi không bao giờ cảm thấy cần đến các bí tích”, cô đã nói với ucanews.com như vậy. Sanju, nay đã có hai con, nói rằng “đức tin của cô không đi qua Giáo hội” và cô tin rằng giữa đời sống thiêng liêng và những quy định của Giáo hội có sự đối kháng.
Cô nói: “Không phải tôi rời khỏi Giáo hội. Giáo hội đã ném tôi ra ngoài,” và thêm rằng “cô chẳng màng bận tâm” tìm hiểu xem luật của Giáo hội nói gì khi cô quyết định kết hôn với người chồng theo Ấn giáo.
Giáo hội coi hôn nhân của một người Công giáo với một người không Kitô giáo là vô hiệu theo giáo luật, nếu việc cử hành không có phép chuẩn của giám mục địa phương, cha Chinnayan, nguyên chủ tịch hội giáo luật của Ấn Độ, cho biết.
Phép chuẩn được ban với điều kiện người phối ngẫu ngoài Kitô giáo không từ chối đức tin của người phối ngẫu Công giáo và con cái của họ sẽ được nuôi dạy trong đức tin Công giáo. Ngay cả khi có phép chuẩn, hôn phối được tổ chức đơn giản và không có thánh lễ, theo như luật định, cha cho biết.
Ngay cả khi người Công giáo kết hôn ngoài Giáo hội, họ không bị từ chối các bí tích hoặc bị vạ tuyệt thông, cha Arthur Charles, nguyên Tổng đại diện Tổng giáo phận Karachi, khẳng định.
Cha nói thêm: “Chừng nào họ không từ bỏ đức tin và vẫn sống đời sống Công giáo, họ không bị từ chối sự hiệp thông và con cái họ cũng được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy”.
Tuy nhiên, vượt trên những lý thuyết và luật lệ, “Giáo hội cần học biết từ cuộc sống của những gia đình như thế đâu là những vấn đề của họ và họ muốn gì ở nơi Giáo hội,” Gajiwala, một thần học gia hàng đầu và cũng là bác sĩ y khoa có những đóng góp thường xuyên cho các tạp chí Công giáo, đã đưa ra nhận xét này.
“Vấn đề là thế này: Bạn có muốn chấp nhận những cuộc hôn nhân khác đạo không, hay bạn muốn ngăn chặn chúng?” cô đặt câu hỏi, và thêm rằng nếu Giáo hội chấp nhận điều này như một thực tế sẽ tiếp tục diễn ra, “Giáo hội phải xét lại nền thần học của mình.”
“Thần học về hôn nhân và toàn bộ thần học về các bí tích phải được duyệt xét lại để làm cho Giáo hội mở ra với thực tại hôn nhân khác đạo,” cô nói.
Ghi chép của Stephan Uttom tại Dhaka,
Quintus Colombage tại Colombo,
Zahid Hussain tại Karachi
và Christopher Joseph tại Kochi
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 115 (tháng 11 & 12 năm 2019)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét