Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Thời phong cùi: Lây nhiễm và chữa lành trong Kinh Thánh

 

Thời phong cùi: Lây nhiễm và chữa lành trong Kinh Thánh

 
  •  
  •  


THỜI PHONG CÙI: LÂY NHIỄM VÀ CHỮA LÀNH TRONG KINH THÁNH

Tác giả: Pino Stancari, SJ
Nguồn: laciviltacattolica.com
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Bị ô uế

Giống như mọi bệnh tật khác, phong cùi là dấu hiệu khiến người bệnh rơi vào vòng ô uế. “Ô uế” là hình thức sơ đẳng nhất của điều mà dân Israel xem như là ghê tởm đối với Thiên Chúa, vì nó đi ngược lại với sự sống. Với niềm hy vọng trong khi chờ đợi “sự thánh thiện” của Thiên Chúa cuối cùng cũng sẽ đến để bao lấy mọi ô uế thế trần trong vinh quang của Thiên Chúa hiện diện, dân Israel vẫn sợ áp lực đe dọa của sự dữ xâm chiếm thế gian và thấm nhập vào trong những ngõ ngách của công trình tạo dựng.

Vì thế, sự dữ thể lý, tội lỗi và ô uế là những hạn từ có thể thay thế cho nhau khi chúng ám chỉ đến cùng một quyền năng mà dân Israel cảm thấy bất an trừ phi được Thiên Chúa ra tay giúp đỡ. Phụng tự là dụng cụ để bảo đảm ngăn chặn tốt được “sự ô uế”, dù tạm thời, vì ích lợi của sự tinh sạch mà sự sống đòi hỏi. Tất cả những mạch thần học của Cựu Ước được nhìn dưới nhãn quan này, nhưng đặc biệt trong một thần học tư tế.

Nói thật ra, thậm chí ta không biết được đích xác căn bệnh đặc biệt mà một từ tiếng Hípri thường được dịch ra là “phong cùi”. Chắc chắn, nó không có nghĩa – hay chỉ có nghĩa – nói về một điều dữ mà các y sĩ hay các nhà khoa học ngày nay thường mô tả với từ đặc biệt trong từ vựng lâm sàng của họ. Trong Kinh Thánh, “phong cùi” là từ chung chung dùng để chỉ những căn bệnh ngoài da, đôi khi có lây nhiễm, nhưng hầu hết đều đáng tởm và khó chịu như có thể xảy ra trong các trường hợp như vậy (xem Lv 13,1-44). Dù sao, hầu hết đây là những bệnh tật mà triệu chứng của chúng được cho là có thể chữa được trong một thời gian nào đó.

Thật sự, điều khiến cho phong cùi được xem như là căn bệnh chính vì hình thức ô uế tệ hại nhất của nó. Như một người bạn của ông Gióp nói, phong cùi là “trưởng tử của sự chết” (G 18,13), theo nghĩa là nó, sự ô uế nhất đối với người sống, là những người chưa rơi vào tình trạng không chịu đựng được nữa là sự chết và tiếp xúc với người chết (xem Ds 9,6; 19,11.16.18; Lv 21,1-4; Tv 88,11-13). Vì thế, để quyết định xem tình trạng có phải là vấn đề “phong cùi” hay không hay xét xem nó đã được chữa lành hay không, thì điều này thích hợp với một “tư tế’ chứ không phải một y sĩ (toàn bộ nghi thức được tìm thấy trong Lv 13-14; xem Mc 1,44;  Mt 8,4;  Lc 17,14). Các tư tế như là người giải thích lề luật và vì thế họ là chuyên viên để phân định giữa ô uế và tinh sạch. Theo nghĩa này, Kinh Thánh nói về “phong cùi” không chỉ nói về con người: mốc meo trên áo quần, vết xanh rêu bẩn trên tường nhà, mà còn nói về “bệnh phong cùi” cần được thanh tẩy; những trường hợp như thế này thì cũng thích hợp với một tư tế để quyết định xem phải làm gì (xem Lv 13,47-59; 14,33-53).

Tác động xã hội và cộng đồng

Nếu yếu tố dùng để xác định bệnh phong cùi là tính chất “ô uế” của nó, thì biểu hiện khách quan cụ thể hơn của sự ô uế này không được tìm thấy nhiều trên bình diện điều trị y khoa cho bằng trên bình diện cộng đồng và xã hội. Phong cùi cắt đứt những tương quan sống. Thật sự nó là khởi đầu của sự chết, khiến cho nó không thể có được những cuộc gặp mặt, những tiếp xúc bạn bè, những hình thức thân tình và chia sẻ cũng như cuộc trò chuyện giữa người với người. Người phong cùi bị tuyến bố là “ô uế” và vì thế bị loại ra khỏi cộng đồng: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: "Ô uế! Ô uế! " Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45-46).

Dựa trên một nhận thức nhân học làm phân cực sự sống con người, trong tất cả phương diện và biểu hiện của nó, giữa sự lành và sự dữ, giữa tinh sạch và ô uế, giữa thánh thiêng và trần tục, giữa chúc lành và chúc dữ, thì bệnh tật thể lý gần như được gắn liền với tội lỗi; vì thế, phong cùi không gì khác hơn là dấu hiệu thuộc về thân xác của một tội lỗi bị Thiên Chúa phạt (xem trường hợp vua Útdigiahu trong 2 Sbn 26,19-23; người Ai Cập bị phạt với bệnh phong cùi: xem Xh 9,8-12; Đnl 28,27.35; không kể trường hợp bà Maria, chị của ông Môisê trong Ds 12,9-15). Thật vậy phong cùi chính xác nằm trong loại “dịch bệnh” mà Thiên Chúa đánh vào thân xác của người tội lỗi. Còn hơn là bệnh tật của thân xác, nó trở nên dấu hiệu đáng tởm mà Thiên Chúa đặt trên người tội lỗi “như cha nó phỉ nhổ vào mặt nó” (Ds 12,14).

Sự kết án chính thức đến từ cộng đồng, cảm thức tội lỗi phát xuất từ sâu thẳm của lương tâm buộc người phong cùi phải cách ly. Vì thế, anh phải sống bên ngoài thành phố. Chính trong bối cảnh “bên ngoài cổng thành” mà sách Các Vua quyển thứ hai cho chúng ta biết về bốn người phong cùi bị kẹt giữa đội quân vây hãm và cánh cổng thành Samaria sát ngay bên họ. Họ đóng một vai trò vinh quang và hữu ích trong sự kiện đặc biệt này (xem 2 V 7,3-11)
[1]. Bản án của các văn bản rabbi, ít nhiều gần với thời Đức Giêsu, đã nói như thế này: “người phong cùi nào vào trong thành Giêrusalem sẽ bị đánh 40 roi…” (TosephtaKelim I,8).

Như vậy, trong Kinh Thánh, người phong cùi mang lấy trong chính mình một kinh nghiệm mạnh nhất và dễ thấy nhất của việc con người bị gạt bên lề. Điều này có nghĩa rằng trong các trình thuật chữa lành người phong cùi trong Tin Mừng, yếu tố quyết định của các biến cố này không phải chỉ là sự kiện thực tiễn của một biến cố kỳ lạ mà còn là sự gặp gỡ với chính Đức Giêsu. Khi mở ra những mối tương quan này, vượt qua sự loại bỏ và cách ly của người bị loại trừ, Đức Giêsu đã loan báo sự hiện thực của một trong các dấu hiệu cứu thế: “Các anh cứ về thuật lại những điều mắt thấy tai nghe  […] người cùi được sạch” (Mt 11,4-5). Đây là nguyên tắc và nền tảng của mọi can thiệp điều trị.

Thất vọng, bối rối của lời cầu xin

Trong Kinh Thánh, người phong cùi không chỉ là những nhân vật được nhìn từ xa, thường là với sự nghi ngờ và đôi khi với lòng thương cảm, nhưng họ là những nhân vật nói ở ngôi thứ nhất, những nhân vật mà các bản văn Kinh Thánh thường tặng cơ hội nói để họ có thể thông tri cho chúng ta về nỗi đau dằn vặt của họ, thực tại thất vọng của họ, sự bối rối trong lời cầu nguyện của họ. Tiếng nói của họ trở thành lời của Thiên Chúa.

Một số “thánh vịnh than vãn” có lẽ thuật lại lời cầu khẩn của các bệnh nhân mà bệnh của họ có những triệu chứng rơi vào khung bệnh phong cùi (xem Tv 6; 22; 38; 102). Hiển nhiên, đây không phải là những bản văn dùng để minh họa hiện tượng bệnh như thế. Thực tế, chúng là những lời cầu nguyện sống động, đầy nước mắt và khiêm hạ, mà sức mạnh bên trong của chúng là sự tín thác của bệnh nhân mở chính mình ra với Thiên Chúa.

Nếu người phong cùi là những người ở ngoài xã hội, mỗi ngày đều gặp thấy những thù địch và kẻ áp bức trên đường đi của mình, thì không đời nào họ bị Thiên Chúa xa lánh và ruồng rẫy: “Lạy Chúa, nơi Ngài con trông cậy; lạy Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa sẽ đáp lời” (Tv 38,15). Dầu cho sự cô đơn của một cuộc sống ở bên lề, những suy tư cay đắng của lời cầu dần đưa đến một sự quyết chắc ngọt ngào thấm nhập vào trong ý thức của người phong cùi rằng Thiên Chúa đang chuẩn bị một thời gian thương xót cho toàn thể cộng đồng dân Chúa: “Ngày tháng đời con: chiều tà bóng ngả, tấm thân này: cỏ úa vàng khô. Nhưng lạy Chúa, muôn đời Ngài ngự trị, trải bao thế hệ, thiên hạ nhắc đến Ngài. Chính Ngài sẽ đứng dậy và thương xót Sion, vì nay đã đến thời thi ân giáng phúc” (Tv 102,12-14).

Những khuôn mặt vô danh của nhiều người phong cùi trong lời kinh nguyện cuối cùng cũng sẽ tìm thấy một danh tính vào ngày mà suy tư khôn ngoan của dân Israel làm cho ông Gióp trở thành đại biểu của một nhân loại mà Thiên Chúa để lại sự buồn sầu và đau bệnh cũng như chính những câu hỏi về ý nghĩa của sự kết án lớn lao dường như đang đè nặng trên gia đình của người sống.

Chính ông Gióp được mô tả với những đặc điểm của người cùi. Thế giới cần những người phong cùi giống như ông, người biết cách ở lại trong vòng tay của Thiên Chúa mặc cho những cuộc chiến đấu, biến động, do dự và phản loạn: “Rồi Satan rút lui khỏi nhan Đức Chúa. Ông ngồi giữa đống tro, lấy mảnh sành mà gãi. Bấy giờ, vợ ông bảo: "Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!" Nhưng ông Gióp đáp lại: "Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?" Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không để cho môi miệng thốt ra lời tội lỗi’” (G 2,7-10).

Ơn cứu rỗi và chữa lành

Từ cốt lõi của kinh nghiệm tôn giáo dân Israel toát lên nhận thức rằng chỉ mình Thiên Chúa mới có thể chữa lành; và kinh nghiệm cứu rỗi cũng được làm sống dậy với hạn từ “chữa lành”. Chính Thiên Chúa cũng đã nói: “Vì Ta là Đức Chúa, Đấng chữa lành ngươi!”  (Xh 15, 26). Cũng thế, lời tuyên xưng đức tin chính thức của dân Israel đã tuyên bố: “Đức Chúa đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập” (Đnl 26,8). Những khẳng định tương tự cũng đã xuất hiện khắp Cựu Ước như trình thuật nói về cô mụ can thiệp để đưa một thụ tạo ra khỏi bụng dạ (xem Tv 136,10-12). Vì thế, ta có thể nói về Thiên Chúa như một “y sĩ” và “người giải phóng”. Với Ngài, ngay cả người phong cùi cũng có thể kêu lên: “Hãy chữa lành con!” (Tv 6,3; Gr 17,14). Như Êlisê biết rõ, chỉ Thiên Chúa mới có thể chữa người phong cùi (xem 2 V  5,7-8). Trong những bài ca tạ ơn, mọi người cùi được chữa lành đều ghi nhớ rằng: “Chính Ngài đã cứu chữa con!” (Tv 30,3; 103,3).

Người phong cùi nổi lên trong các trang sách Kinh Thánh như là những hình tượng mẫu của diễn từ cứu rỗi mà Thiên Chúa gởi đến nhân loại. Sự chữa lành thế giới cũng thông qua sự sống, bệnh tật và cái chết của người phong cùi. Gần như chết, họ là những người kinh nghiệm được cực điểm của những bất thường sự sống, sự mới mẻ của gặp gỡ và sự trọn vẹn của Lời hòa giải.

Vì thế, ta sẽ không ngạc nhiên khi trong Isaia đệ nhị  nhân vật bí ẩn được đồng hóa với Người tôi tớ đau khổ được mô tả với những điểm đặc trưng của một người phong cùi, người sống đau khổ vì mọi người: “Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53,3; cũng đáng đọc Bài ca thứ tư của Người tôi tớ: Is 52,13-53,12).

Đọc và suy tư lâu dài về bản văn ngôn sứ này, Đức Giêsu khám phá ra rằng nhiệm vụ cứu thế của mình được mô tả trong Người tôi tớ này. Ơn gọi của Ngài đáp ứng trọn vẹn với ơn gọi này. Trong Ngài, Đức Giêsu Cứu thế của chúng ta, Đấng đã trở nên phong cùi vì chúng ta, nhân loại sẽ lại một lần nữa tìm thấy sự chúc lành và sự sống: “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,4-5). Nếu chúng ta che mặt lại, chính vì ta biết rằng mình không được phản chiếu trong gương mặt của Ngài. Chính gương mặt của Thiên Chúa làm người đã cúi xuống nhìn vào cơn tuyệt vọng của người phong cùi cầu xin Ngài, và Ngài đã thương xót họ cũng như làm cho họ trở nên tinh sạch (xem Mt 8,2-4; Mc 1,40-44; Lc 5,12-14; 17,11-19).

* * *

Trong hiện trạng đầy nguy kịch về sức khỏe đang làm đảo lộn hiện trạng lịch sử của chúng ta, những suy tư về chủ đề phong cùi trong Kinh Thánh có thể giúp chúng ta đối phó với sự lây nhiễm đang đe dọa của Covid-19 từ nhãn quan điều trị của lịch sử cứu rỗi.

 


[1] Có bốn người phung hủi đang ở lối vào cửa thành. Họ nói với nhau: "Sao chúng ta cứ ở lại đây mà chờ chết?4 Nếu chúng ta quyết định vào thành, thì chúng ta sẽ chết trong thành, vì ở đó đang có nạn đói; nếu chúng ta ở lại đây, thì chúng ta cũng sẽ chết. Vậy bây giờ, đến đây, chúng ta cùng trốn sang trại quân A-ram. Nếu chúng để chúng ta sống, thì chúng ta sẽ sống; mà nếu chúng giết chúng ta, thì chúng ta sẽ chết."5 Lúc chập tối, những người phung hủi lên đường đi đến trại quân A-ram. Nhưng khi tới đầu trại quân A-ram, thì họ chẳng thấy có ai!6 Vì ĐỨC CHÚA đã cho tiếng xe, tiếng ngựa, tiếng một đạo binh lớn vang lên trong trại quân A-ram. Chúng bảo nhau: "Này vua Ít-ra-en đã thuê các vua Khết và các vua Ai-cập vào đánh chúng ta."7 Vậy chúng đã lên đường, chạy trốn lúc chập tối, bỏ lại lều, ngựa, lừa; tóm lại, chúng để cả trại y nguyên mà chạy thục mạng.8 Khi tới đầu trại, những người phung hủi kia vào một lều; họ ăn uống, rồi mang bạc, vàng và quần áo đi giấu. Họ trở lại, vào một lều khác, rồi mang đồ vật trong đó đi giấu.9 Bấy giờ, họ nói với nhau: "Chúng ta làm thế thì không phải. Hôm nay là ngày mang lại tin vui. Nếu chúng ta làm thinh và chần chừ mãi cho tới khi trời sáng, thì chúng ta sẽ mắc tội. Bây giờ, đến đây, chúng ta cùng đi báo tin cho đền vua."10 Họ vào gọi những người canh cửa thành và báo tin: "Chúng tôi đã vào trại quân A-ram. Chúng tôi chẳng thấy có ai, cũng không nghe tiếng người; chỉ có ngựa còn cột đó, lừa còn cột đó; các lều còn y nguyên."11 Những người canh cửa thành hô lên và báo tin cho đền vua ở bên trong.

Nguồn: gpquinhon.org 

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/thoi-phong-cui-lay-nhiem-va-chua-lanh-trong-kinh-thanh-40498

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét