Tác động của chủ nghĩa tương đối trên giới trẻ
TÁC ĐỘNG CỦA CHỦ NGHĨA TƯƠNG ĐỐI TRÊN GIỚI TRẺ
Thiên Triệu
WHĐ (2.8.2020) - “Sự độc tài của chủ nghĩa tương đối” là cụm từ gắn liền với Đức Bênêđictô XVI, vị giáo hoàng kêu gọi Giáo Hội phải cảnh giác và chống lại chủ nghĩa tương đối vì những tác động tai hại của nó trên mọi lãnh vực của đời sống con người và xã hội. Cùng một nhận định, trong tông huấn Evangelii Gaudium, Đức giáo hoàng Phanxicô viết: “Tiến trình tục hóa đã đẩy đức tin và Giáo Hội vào lãnh vực cá nhân riêng tư và thầm kín. Hơn nữa, với việc phủ nhận tất cả chiều kích siêu việt, nó tạo ra những sai lệch về mặt đạo đức, làm suy yếu ý nghĩa về tội cá nhân và xã hội, âm thầm đẩy mạnh chủ nghĩa tương đối, đưa đến việc mất định hướng nói chung, đặc biệt là trong giai đoạn vị thành niên và tuổi trẻ, là nhóm người rất dễ bị chao đảo trước những thay đổi như thế” (số 64).
Vậy, chủ nghĩa tương đối là gì? Tại sao nó gây tác hại cho đời sống con người, cách riêng là giới trẻ? Giáo Hội có thể làm gì trước những tác hại này? Đây là những câu hỏi mà bài viết này quan tâm nghiên cứu và gợi ý suy nghĩ.
1. TỪ NGỮ VÀ LỊCH SỬ
Theo Từ điển Webster, “chủ nghĩa tương đối” có hai nghĩa.
Một là “lý thuyết cho rằng nhận thức có tính tương đối do bản chất giới hạn của tâm trí và do những điều kiện nhận thức”. Hai là quan điểm cho rằng “những chân lý về mặt đạo đức tùy thuộc vào các cá nhân và các nhóm tuân giữ”. Nói cách khác, không có chân lý phổ quát, chỉ có những chân lý khác nhau. Thế nên Simon Blackburn, giáo sư Triết học tại đại học Cambridge, giải thích chủ nghĩa tương đối là “những ý kiến khác nhau, không có quyền bính độc nhất, có bao nhiêu dân tộc, xã hội, văn hóa, thì có bấy nhiêu ‘chân lý’.
Chủ nghĩa tương đối không phải là điều tự nhiên từ trời rơi xuống, nhưng có thể tìm về gốc gác trong triết học Hi Lạp từ thế kỷ V trước Công nguyên. Protagoras (490–420 B.C.) được coi như tiếng nói chính thức đầu tiên về chủ nghĩa tương đối khi ông tuyên bố, “Con người là thước đo mọi sự”. Trước Protagoras còn có Heraclites với chủ trương “mọi sự đều thay đổi”, không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông, do đó chẳng có gì là tuyệt đối.
Đến thời Trung Cổ, William Ockham (thế kỷ 14) đặt nền móng cho chủ thuyết Duy danh (Nomenalism), không nhìn nhận các phổ hữu, chỉ nhìn nhận sự hiện hữu của cái đặc thù, những cá thể sự vật. Sự tương tự giữa các sự vật không còn được coi như đặc tính chung về bản tính, do đó những ý niệm, luật lệ, ý tưởng trừu tượng và phổ quát chỉ là “tên gọi” hoặc những hình ảnh trong tâm trí.
Trong thời đại ngày nay, có thể thấy phản ánh của chủ thuyết duy danh nơi lý thuyết được gọi là Đạo đức hoàn cảnh (Situation Ethics). Người ta cho rằng tình yêu là nguyên lý chính yếu trong mọi quyết định luân lý. Có thể xem đây là một nỗ lực giữ thế trung dung giữa một bên là nền luân lý xây dựng trên những mệnh lệnh tuyệt đối (và bị coi là duy lề luật), còn một bên là lối sống phóng túng, chẳng có lề luật hay nguyên tắc nào hướng dẫn cả. Thế nhưng vấn đề ở đây là “nguyên lý tình yêu” cũng dễ trở thành nguyên lý thực dụng, nghĩa là nhằm đem lại những điều tốt nhất cho nhiều người nhất. Nghe thì rất hay, nhưng liệu có nguy cơ “lấy mục đích để biện minh cho phương tiện” không? Đề cao tình yêu mà không có nội dung đạo đức cụ thể sẽ dẫn đến những chọn lựa luân lý tùy theo sở thích mỗi cá nhân.
2. NHỮNG LOẠI HÌNH CỦA CHỦ NGHĨA TƯƠNG ĐỐI
Chủ nghĩa tương đối xuất hiện dưới nhiều hình thức:
a) Tương đối về thẩm mỹ: Quan điểm triết học cho rằng phán đoán về cái đẹp tùy thuộc vào các cá nhân, nền văn hóa, thời đại, bối cảnh, do đó không có những tiêu chuẩn phổ quát cho cái đẹp. Một tác phẩm nghệ thuật hoặc điêu khắc có thể được người này cho là đẹp nhưng người khác thì không.
b) Tương đối về nhận thức: Mọi chân lý đều là tương đối. Không có hệ thống chân lý nào vững chắc hơn hệ thống kia, cũng chẳng có những chuẩn mực khách quan về chân lý. Hệ quả là chẳng có Thiên Chúa của chân lý tuyệt đối, cũng không chấp nhận niềm tin cho rằng lý trí có thể khám phá chân lý tuyệt đối.
c) Tương đối và duy chủ thể (Subjectivism): Mỗi cá nhân hoặc chủ thể (cùng với cảm giác, ý tưởng, thái độ, cảm xúc, niềm tin của họ) chiếm vị thế ưu tiên trong trật tự thế giới cũng như trong nhận thức về thế giới.
Các học giả ngày nay thường nói đến bốn trường phái tư tưởng liên quan đến chủ nghĩa tương đối: tương đối văn hóa, tương đối nhận thức, tương đối về cấu trúc xã hội, và tương đối hậu hiện đại.
a) Tương đối văn hóa: Các nhóm ngôn ngữ và văn hóa khác nhau có thể có những quan điểm nền tảng khác nhau, dẫn đến vũ trụ quan khác nhau. Không có nền văn hóa nào cao hơn, mọi nền văn hóa đều bình đẳng.
b) Tương đối nhận thức: Quan điểm về hữu thể luận tùy thuộc vào những khung nhận thức và những phạm trù khác nhau.
c) Tương đối về cấu trúc xã hội: Những lực khác nhau trong cấu trúc xã hội dẫn đến việc hình thành những từ ngữ và quan điểm khác nhau.
d) Tương đối hậu hiện đại: Không chấp nhận khách thể tính, khước từ những ý niệm phổ quát cũng như chân lý phổ quát. Có lẽ đây là lãnh vực mà Giáo Hội phải quan tâm nhiều nhất.
3. ĐẶT VẤN ĐỀ VỚI CHỦ NGHĨA TƯƠNG ĐỐI
Ngay từ đầu, bài viết này đã nhắc tới cụm từ “sự độc tài của chủ nghĩa tương đối”. Để diễn tả đầy đủ hơn, cần đọc lại nguyên văn bài giảng của Hồng y Joseph Ratzinger trong Thánh Lễ khai mạc Mật nghị bầu giáo hoàng: “Ngày nay, việc có một đức tin rõ ràng dựa trên Kinh Tin Kính của Hội Thánh lại thường bị dán nhãn hiệu là bảo thủ. Đang khi đó, chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để mình “bị sóng đánh trôi dạt theo mọi chiều gió đạo lý” (x. Ep 4,14) xem ra lại được coi là thái độ phù hợp nhất với thời đại. Người ta đang xây dựng thứ độc tài của chủ nghĩa tương đối vốn không nhìn nhận bất cứ điều gì là vững vàng, và mục đích tối hậu của nó chỉ là cái tôi và ước muốn ích kỷ của bản thân”.
Trong một dịp khác, khi bàn đến “Nền tảng nhân học của gia đình”, Đức Bênêđictô XVI nói rõ hơn: “Ngày nay, có một lực cản đặc biệt đáng ngại trong việc giáo dục, đó là sự hiện diện rộng khắp của chủ nghĩa tương đối trong xã hội và văn hóa. Chủ nghĩa này không nhìn nhận điều gì là vững vàng, cuối cùng tiêu chuẩn tối thượng duy nhất là cái tôi và những ước muốn của nó. Và ẩn dưới dáng vẻ của tự do, nó lại biến thành ngục thất cho mỗi người vì nó ngăn cách con người với nhau, khóa chặt mỗi người trong cái tôi ích kỷ của mình”.
Như thế, chủ nghĩa tương đối không chỉ là vấn nạn riêng cho Giáo Hội Công giáo nhưng còn là vấn nạn chung cho cả xã hội và văn hóa. Bản chất độc tài của chủ nghĩa tương đối là ở chỗ nó chỉ chấp nhận quan điểm cho rằng mọi chọn lựa chủ quan của mỗi người đều có giá trị như nhau; do đó kẻ nào chủ trương có những chân lý và thiện hảo khách quan... thì bị coi là thiếu khoan dung!
Quan điểm này chắc chắn sẽ gây tác hại khôn lường về mặt đạo đức. Một người chủ trương tương đối về mặt luân lý sẽ định nghĩa luân lý là cái gì mang tính cá nhân, chủ quan, có thể thay đổi. Luân lý mang tính chủ quan và phải tôn trọng tự do của mỗi cá nhân. Do đó, cái được gọi là những chuẩn mực khách quan trong đời sống luân lý sẽ bị coi là sự áp đặt từ trên xuống mỗi cá nhân, gây ra mặc cảm tội lỗi cho người ta... và như thế, đương nhiên là sai và không thể chấp nhận.
Thế nhưng, khẳng định “Mọi chân lý đều là tương đối” có hợp lý không? Nếu khẳng định mọi chân lý đều tương đối, thì ngay cả khẳng định đó “Mọi chân lý đều tương đối” cũng không thể là tuyệt đối, nhưng chỉ có tính tương đối! Nếu cho rằng chúng ta chỉ có thể thấy những khía cạnh khác nhau của cùng một thực tại (chứ không phải chính thực tại), vậy giả như những cái nhìn đó mâu thuẫn nhau thì liệu chúng ta có thể tin vào nhận thức của mình không? Hai tác giả Francis J. Beckwith và Gregory Koukl, trong cuốn Relativism: Feet Firmly Planted in Mid–Air (1998) đưa ra bảy sai lầm lớn của chủ nghĩa tương đối:
a) ”Người chủ trương tương đối không thể kết tội người khác làm sai”. Vì không có điều được nhìn nhận là chân lý khách quan, nên bạn không thể kết luận người khác làm sai, bởi lẽ không có chuyện làm sai, mỗi người đều làm đúng theo chuẩn mực cá nhân của họ. Phải có một chuẩn mực luân lý chung thì mới có thể nói người này làm sai, người kia làm đúng. Còn nếu chỉ là chân lý chủ quan thì chúng ta không thể nói người khác là sai.
b) ”Người chủ trương tương đối không thể than phiền về vấn đề sự dữ”. Vì không có chân lý khách quan nên sự dữ cũng không hiện hữu. Tại sao? Trong một thế giới theo chủ nghĩa tương đối, ý niệm về “sai, trái” không hiện hữu, do đó cũng không thể coi sự dữ là “sai, trái”. Người chủ trương tương đối đơn giản là phải chấp nhận sự dữ như là chân lý chủ quan của người khác, chứ không phải là cái gì sai trái.
c) ”Người chủ trương tương đối không thể nguyền rủa, cũng không thể ca tụng ai”. Vì không có chuẩn mực khách quan cho cái đúng và cái sai, nên cũng không có chuẩn mực để đánh giá tốt hay xấu, ca tụng hay nguyền rủa.
d) ”Người chủ trương tương đối không thể nói đến bất công hay bất toàn”. Vì không có chuẩn mực cho cái đúng hay sai, nên cũng không có chuyện bất công hay bất toàn. Trong một nền văn hóa chủ trương mọi sự là tương đối, cái gọi là “bất công” đơn giản chỉ là người khác hành động theo chân lý chủ quan của họ. Hành động đó có thể gây ra “bất công” cho người khác, nhưng lại là điều đúng và tốt theo chân lý chủ quan của họ.
e) ”Người chủ trương tương đối không thể tiến triển về mặt đạo đức”. Vì không có chuẩn mực cho cái đúng và cái sai, tốt và xấu, nên làm sao có sự tiến triển từ cái sai đến cái đúng, từ cái xấu đến cái tốt? Phải có chuẩn mực khách quan để đánh giá thì mới có thăng tiến.
f) ”Người chủ trương tương đối không thể bàn chuyện luân lý cách nghiêm túc”. Vì cho rằng luân lý tính là chủ quan, tùy vào mỗi cá nhân, nên không thể nào bàn đến chuyện đạo đức vì mỗi người chủ trương khác nhau. Điều được cho là đúng với người này không hẳn đã là đúng với người kia.
g) ”Người chủ trương tương đối cũng không thể nói đến sự khoan dung”. Không có chuẩn mực cho cái đúng, sai, nên không ai đúng và cũng chẳng sai sai. Như thế, làm gì có cái gọi là khoan dung.
4. TÁC ĐỘNG CỦA CHỦ NGHĨA TƯƠNG ĐỐI TRÊN GIỚI TRẺ
Thật khó để đo lường tác động của chủ nghĩa tương đối trên giới trẻ. Không có thống kê hoặc dữ liệu để có thể khẳng định những tác động tiêu cực hoặc tích cực của chủ nghĩa tương đối trên giới trẻ. Chỉ có thể dựa vào những tiếp cận thường ngày và kinh nghiệm mục vụ để nói rằng tác động này rất tinh tế và điều đáng quan tâm hơn cả là tác động của chủ trương tương đối về đạo đức. Một số người nghĩ rằng chủ trương tương đối về mặt đạo đức đem lại ích lợi là giúp phát triển sự đa dạng văn hóa và thực hành đạo đức, đồng thời làm cho người ta thích nghi tốt hơn khi nhận thức và kỹ thuật thay đổi trong xã hội. Dù có một vài mặt tích cực thì trong thực tế, nền văn hóa với chủ trương tương đối đang đặt ra cho Giáo Hội nhiều thách đố đáng quan ngại. Ở đây xin nói đến năm lãnh vực liên quan đến tác động của chủ trương tương đối về mặt đạo đức.
a) Kiếm tìm sự độc lập
Chủ trương tương đối tác động trên cách nghĩ và cách sống của người trẻ rất tinh tế khiến chính họ cũng không ý thức. Cách tổng quát, có những nghiên cứu cho thấy nền văn hóa trong thời đại chúng ta cho rằng chân lý chỉ có tính tương đối. Ai cũng có lập trường của mình và điều buồn cười là ai cũng cho rằng chỉ có mình là đúng. Đối với người trẻ, tìm kiếm sự độc lập là thành phần trong tiến trình tăng trưởng. Từ tuổi thiếu niên phải sống lệ thuộc bước sang tuổi teen muốn sống độc lập, người trẻ luôn đi tìm căn tính của mình. Sự tìm kiếm này song hành với nhu cầu khẳng định bản thân trong xã hội. Do đó, sự khẳng định tính độc lập này dẫn người trẻ đến chủ trương tương đối. Chẳng hạn một bạn trẻ có thể cảm thấy cách để khẳng định bản thân là nhấn mạnh lập trường của mình. Cho dù lập trường của bạn đó có phần hợp lý, nhưng thái độ này có thể dẫn người trẻ đến chỗ không dễ dàng đón nhận chân lý khách quan.
b) Sự khoan dung
Một vài tác giả cho rằng “khoan dung” cũng có thể là một trong những nguyên cớ góp phần củng cố chủ nghĩa tương đối. Đôi khi sự khoan dung có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của chân lý. Chúng ta dạy người trẻ phải tôn trọng, đón nhận, không đối đầu...là đúng, nhưng điều này cũng có thể làm giảm nhẹ tính khách quan và những đòi hỏi của chân lý. Những người chủ trương tương đối thường bảo vệ lập trường của họ bằng cách khẳng định rằng họ khoan dung hơn những người khác, bởi lẽ đối với họ, mọi sự là tương đối và không có niềm tin nào là duy nhất tốt lành và đúng đắn. Trong bối cảnh thời đại đa văn hóa, đa chủng tộc, dĩ nhiên khoan dung là một đức tính cần trân trọng, tuy nhiên nó cũng có thể mang lại hậu quả tiêu cực do ảnh hưởng của chủ nghĩa tương đối.
c) Tục hóa
Không thể phủ nhận rằng làn sóng tục hóa đang lan rộng khắp thế giới, len lỏi vào mọi lãnh vực của đời sống. Giữa tục hóa và chủ nghĩa tương đối có mối liên hệ mật thiết đến nỗi có người cho rằng tục hóa là một trong những hệ quả của chủ nghĩa tương đối. Người chủ trương tương đối không chấp nhận chân lý tuyệt đối, do đó một trong những điều phải vứt bỏ ngay là các tôn giáo với hệ thống tín điều và cơ cấu tổ chức. Đây chính là dấu hiệu cụ thể của tục hóa như Charles Taylor nói, “Tục hóa hệ tại ở việc rời bỏ niềm tin và thực hành tôn giáo, và việc người ta xa rời Thiên Chúa, không đến nhà thờ nữa”.
Sự khước từ tôn giáo dẫn đến một xã hội tục hóa, ở đó mỗi cá nhân tự quyền quyết định tốt, xấu. Không ai có quyền đưa ra lề luật hoặc quy tắc ứng xử vì mỗi người đều cho mình là đúng nhất. Hơn ai hết, người trẻ ngày nay chịu ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ này. Không có lề luật luân lý khách quan nào cả, mỗi người thoải mái làm những gì mình cho là đúng. Thực tế của châu Á cho thấy đang gia tăng số người trẻ rời bỏ Giáo Hội, cụ thể là tại Hàn quốc, nơi vẫn được đánh giá cao về đời sống đức tin và nhiệt tình truyền giáo.
d) Toàn cầu hóa
Người trẻ thường chịu ảnh hưởng của các nhóm bạn. Trong thời đại toàn cầu hóa, nhóm bạn không chỉ là những người mà họ gặp gỡ trực tiếp nhưng còn là số đông họ gặp trong thế giới ảo (mà tác động lại rất thật): Facebook, Twitter, những mạng xã hội khác. Khi chủ nghĩa tương đối thấm vào văn hóa hiện đại thì qua những phương tiện truyền thông này, nó tác động rất nhanh trên người trẻ. Hãy thử đọc những comments của người trẻ về nhiều vấn đề cuộc sống, hãy thử theo dõi những chương trình truyền hình thực tế, sẽ thấy ảnh hưởng của chủ nghĩa tương đối lớn ra sao. Câu nói quen thuộc của người trẻ ngày nay là: Nếu người khác làm được, tại sao tôi lại không được? Và cứ thế, những giá trị đạo đức khách quan dần dần bị xói mòn.
Thêm vào đó, lượng thông tin khổng lồ qua các phương tiện truyền thông làm cho con người nói chung, người trẻ nói riêng, bị chìm ngập, không còn giờ để suy nghĩ về ý nghĩa và mục đích sâu xa hơn của đời sống, chỉ mong tìm những gì thỏa mãn thị hiếu và khao khát nhất thời.
e) Mất căn tính văn hóa
So với những thế hệ trước, người trẻ ngày nay có quá nhiều phương tiện để tiếp cận thông tin và các nền văn hóa trên thế giới: internet, du lịch, di dân... Sự tiếp cận này dẫn đến những so sánh và loại trừ những giá trị đạo đức truyền thống vì bị coi là cổ hủ. Chẳng hạn tại châu Á, hôn nhân thử và quan hệ tình dục trước hôn nhân đang trở thành một trào lưu được cho là tự nhiên và hợp lý. Với nhiều người trẻ, đức khiết tịnh chỉ còn là món đồ xa xỉ. Mỗi người có quyền chọn và sống theo những gì mình cho là đúng, có như thế cuộc sống mới đúng nghĩa tự do và hạnh phúc. Rõ ràng là chủ nghĩa tương đối đã thấm vào cách nghĩ và cách sống của họ.
Có thể tóm lại bằng nhận định của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ: “Giáo Hội nhấn mạnh các nguyên tắc luân lý khách quan, có giá trị đối với tất cả mọi người, nhưng có nhiều người lại cho rằng các giáo huấn này thật bất công, nghịch với những quyền căn bản của con người. Các lý luận này cách chung phát xuất từ một hình thức của chủ nghĩa tương đối về luân lý, nối kết với sự tin tưởng vào quyền tuyệt đối của mỗi cá nhân. Dựa theo đó, người ta cho rằng Giáo Hội xem ra đã có thiên kiến và can thiệp vào sự tự do của các cá nhân...Do đó phải có sự giáo dục giúp suy nghĩ chín chắn và đưa ra một đường hướng trưởng thành về các giá trị” (Persons with a Homosexual Inclination: Guidelines for Pastoral Care).
5. ĐỒNG HÀNH MỤC VỤ
Dưới tác động của chủ nghĩa tương đối về luân lý, xem ra chúng ta đang tuột dốc rất nhanh và không biết phải làm gì để thắng lại. Đức Bênêđictô XVI mô tả chủ nghĩa tương đối như mối đe dọa lớn nhất cho đức tin Kitô giáo ngày nay. Đây không chỉ là một vấn đề đòi hỏi phải có suy tư ở chiều sâu, nhưng còn là vấn đề mục vụ, nghĩa là làm sao để tìm ra cách thế đồng hành với các tín hữu, để họ đứng vững trước sự đe dọa của chủ nghĩa tương đối và không đánh mất cảm thức về Thiên Chúa là chính Chân Lư.
Đòi hỏi này càng khẩn thiết hơn với mục vụ giới trẻ. Một đàng, Giáo Hội đánh giá cao về giới trẻ: “Nhiều vấn đề phức tạp mà giới trẻ phải đối diện ngày nay trong thế giới đang thay đổi tại châu Á thúc đẩy Giáo Hội nhắc nhớ người trẻ về trách nhiệm của họ với xã hội và Giáo Hội, đồng thời nâng đỡ, khuyến khích họ sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm này” (Ecclesia in Asia, số 47). Đàng khác, chúng ta lại đối diện với thực tế phũ phàng là nhiều người trẻ đang rời bỏ Giáo Hội như linh mục người Hàn quốc John JunYang Park nhận định: “Gần đây tại châu Á, chúng ta chứng kiến hiện tượng nhiều người trẻ rời bỏ Giáo Hội, và điều này được coi như tín hiệu thật sự nguy hiểm trong một vài quốc gia, đặc biệt những nước Đông Á như Hàn quốc”. Thực tế đó đặt ra cho Giáo Hội những câu hỏi cụ thể phải suy tư: Tại sao người trẻ rời bỏ Giáo Hội? Đâu là những nguyên nhân chính? Có thể làm gì trước tình hình này?
Trong Gioan 18,38, Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Sự thật là chi?” Đây cũng là câu hỏi then chốt mà chủ nghĩa tương đối đặt ra. Theo thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp Veritatis Spendor, “Sự thật soi sáng trí khôn và định hình tự do của con người, dẫn họ đến chỗ nhận biết và yêu mến Chúa”. Sự thật là đối tượng chính yếu nhất của lý trí, cũng là mục đích tối hậu của hiện hữu nhân sinh, xét như là những hữu thể có lý tính. Sự thật được thể hiện trọn vẹn, sống động và cụ thể nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng là Đường, Sự Thật, Sự Sống. Vấn đề là làm sao giúp người trẻ chạm đến Sự Thật đó và để họ thấy tầm quan trọng của sự thật trong cuộc đời họ. Đây chính là thách đố mục vụ rất lớn mà mỗi thừa tác viên trong Giáo Hội, trong bối cảnh xã hội cụ thể mình đang sống, phải suy nghĩ và tìm ra phương thế thích hợp.
Cách tổng quát, mục vụ giới trẻ và việc dạy giáo lý cần phải “đem đức tin vào đời sống và đem đời sống vào đức tin”.
a) Đem đức tin vào đời sống
Tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, số người trẻ Công giáo đi lễ Chúa nhật vẫn còn khá đông, mặc dù đã giảm sút. Sau Thánh Lễ, họ kéo nhau đi uống café hay đi chơi, nói với nhau nhiều chuyện nhưng hầu chắc là không nói gì đến tôn giáo! Liệu đức tin có ý nghĩa gì trong đời sống và những chọn lựa của các bạn trẻ không? Có lẽ các bạn vẫn tin vào Chúa và những điều Giáo Hội dạy nhưng không cảm thấy Chúa có liên hệ gì đến đời sống thường ngày của mình. Về mặt thần học, tác giả Clarence Devadass cho rằng “Chủ nghĩa tương đối cũng thách đố Giáo Hội nhìn lại chính mình, nhìn lại những ý niệm và thực hành đã giữ từ nhiều thế kỷ. Lời than phiền thường xuyên nghe từ giới trẻ ngày nay là giáo huấn của Giáo Hội đã lỗi thời rồi. Tại nhiều nơi ở châu Á, người dân, cách riêng giới trẻ, không thấy được sự liên hệ của đức tin với đời sống thường ngày của họ. Sự tách ly giữa đức tin cử hành với kinh nghiệm sống cụ thể xem ra ngày càng gia tăng”. Trong tình hình đó, mục vụ giới trẻ nên quan tâm đến những sinh hoạt ngoài Thánh Lễ, ví dụ những nhóm nhỏ cùng cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa, ở đó các bạn biết nhau cách thân tình hơn và cùng nhau tạo nên gạch nối giữa đức tin và những vấn đề thực tiễn mà họ đang đối diện trong cuộc sống. Chắc chắn những sinh hoạt này không mang tính đại chúng như việc dự lễ, nhưng chỉ với những nhóm nhỏ. Tuy nhiên chính những nhóm nhỏ này, nếu được thấm nhuần Lời Chúa và kinh nghiệm sống đức tin, lại là hạt mầm và nòng cốt cho sứ vụ Phúc–Âm–hóa. Chính người trẻ là tông đồ cho người trẻ.
b) Đem cuộc sống vào đức tin
Ở đây trách nhiệm của các linh mục được quan tâm đặc biệt, nhất là trong việc giảng Lời Chúa, dạy giáo lý và đồng hành thiêng liêng. Hơn ai hết, Đức giáo hoàng Phanxicô thấy rơ điều này nên trong tông huấn Evangelii Gaudium, ngài đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho các linh mục:
– Lắng nghe: “Vị giảng thuyết phải chú tâm lắng nghe dân chúng để khám phá điều gì họ cần được nghe. Vị giảng thuyết vừa là người chiêm niệm Lời Chúa, vừa chăm chú vào giáo dân”. Nhờ đó, vị giảng thuyết mới có thể “nối kết sứ điệp của bản văn Kinh Thánh với hoàn cảnh cụ thể của con người, với những gì họ sống, với kinh nghiệm họ cần đến ánh sáng của Lời Chúa” (số 154).
– Đơn sơ và rõ ràng: Đức Phanxicô nhận xét, “Điều thường xảy ra là các vị giảng thuyết dùng những ngôn từ trong thời học hành và ở những môi trường học thuật, nhưng lại không phải là ngôn từ thông dụng của người nghe. Đó là những thuật ngữ đặc thù thần học hay giáo lý, nhưng phần đông tín hữu không hiểu được”. Vì thế, ngài khuyên các linh mục phải sử dụng thứ ngôn ngữ đơn sơ và rõ ràng, đơn sơ trong ngôn từ và rõ ràng trong cách trình bày (số 159).
– Tích cực: “Đừng nói nhiều về những điều không nên làm, nhưng hãy đề nghị điều người ta có thể làm tốt hơn”. Như thế, bài giảng định hướng tương lai hơn là than trách và lên án quá khứ, bài giảng mang đến hy vọng hơn là gieo rắc sợ hãi: “Thật đáng mừng nếu người ta không nhìn chúng ta như những nhà chuyên môn dự báo thảm họa hay những thẩm phán đen tối, nhưng như các sứ giả hân hoan đề nghị những giải pháp cao cả, những người trân trọng điều thiện hảo và vẻ đẹp chiếu tỏa trong một cuộc sống trung tín với Tin Mừng” (số 168).
Tổng hợp từ các bài viết trong FABC Papers no. 135:
– Fr. Clarence Devadass, STD., Relativism: A Deeper Understanding and Its Impact on the Youth in Asia.
– Dominic Veliath, SDB., Fundamentalism and Relativism.
– Fr. John JunYang Park, Fundamentalism and Relativism: Why Young People Are Leaving the Church?
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 84 (tháng 9 & 10 năm 2014)
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tac-dong-cua-chu-nghia-tuong-doi-tren-gioi-tre-40391
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét