Trang

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

Những nguyên nhân đưa tới bất hạnh

 

Những nguyên nhân đưa tới bất hạnh

 
  •  
  •  


Những nguyên nhân đưa tới bất hạnh

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
Trích sách: Tiếng gọi yêu thương

“Nếu ai đến với Tôi mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em mình, và ngay cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Tôi” (Lc 14,26).

1. Hãy nhìn ra thế giới và xem những sự bất hạnh chung quanh bạn và cả ở nơi bạn. Bạn có biết do đâu mà người ta bất hạnh như thế?

Có thể bạn cho rằng do cô đơn, do bị đàn áp, do chiến tranh, do hận thù hay do vô thần. Nhưng như thế là bạn đã lầm.

Chỉ có một nguyên nhân duy nhất đưa tới bất hạnh: đó là do bạn đã có những tin tưởng sai lầm trong đầu mình, những sự tin tưởng phổ biến và được nhiều người tin nhận tới mức bạn chưa bao giờ đặt vấn đề về chúng. Chính vì những tin tưởng sai lầm này mà bạn nhìn thế giới và cả bản thân mình một cách lệch lạc.

Bạn đã sắp xếp mọi sự quá kỹ và xã hội áp lực bạn quá mạnh, nên bạn đã bị lừa để nhìn thế giới một cách lệch lạc.

Cũng chẳng có lối thoát nào cho bạn vì ngay cả chút hồ nghi rằng bạn đã nhận thức lệch lạc, đã suy nghĩ sai, đã tin bậy, bạn cũng không có.

2. Hãy nhìn quanh để xem có người nào đang thực sự hạnh phúc không – nghĩa là không sợ hãi, không lo lắng, không bất ổn, không căng thẳng, không ưu tư.

Bạn sẽ may mắn nếu tìm được một người như thế trong một trăm ngàn người. Có thể nhờ đó bạn đâm ra nghi ngờ mọi sự sắp xếp tính toán của mình và những điều mà bạn có chung với trăm ngàn người ấy. Nhưng cũng có thể bạn đã được sắp xếp tính toán để chẳng nghi ngờ bao giờ, mà lúc nào cũng tin vào những quan niệm do truyền thống, văn hoá, xã hội và tôn giáo của bạn đã đưa vào tâm trí bạn. Nếu không thấy mình hạnh phúc, bạn sẽ đổ lỗi cho mình như đã được đào tạo quen làm như thế, chứ không bao giờ qui trách điều ấy cho những sự sắp xếp tính toán, những ý kiến và tin tưởng đã kế thừa từ nền văn hoá của mình.

3. Tệ hơn nữa là rất nhiều người đã bị tẩy não tới mức mình đang bất hạnh mà cũng không biết, không khác gì người đang mơ mà không hề biết mình đang mơ.

Đâu là những niềm tin sai lạc đã khiến bạn không hạnh phúc? Sau đây là một số:

a. Mê lầm thứ nhất là cho rằng bạn không thể nào hạnh phúc nếu không có những điều mình thường gắn bó và không có những điều mình cho là quí giá. Thật sai lầm. Vì không có một giây phút nào trong đời bạn mà bạn không có mọi sự cần cho bạn được hạnh phúc. Hãy thử suy nghĩ xem. Lý do khiến bạn bất hạnh là vì bạn chú ý tới những gì mình không có nhiều hơn là những gì mình đang có.

b. Một mê lầm nữa: hạnh phúc chỉ có trong tương lai. Không đúng. Ngay lúc này và ngay tại đây bạn đang hạnh phúc, nhưng lại không biết vì những tin tưởng sai lạc và những nhận thức lệch lạc của bạn đã khiến bạn lúc nào cũng lo sợ, ưu tư, quyến luyến, xung đột, mặc cảm tội lỗi, và vướng vào vô số trò chơi mà người ta đã sắp xếp tính toán cho bạn tham gia. Nếu biết nhìn xuyên qua tất cả những điều ấy, bạn sẽ thấy mình đang hạnh phúc mà không biết.

c. Một mê lầm khác là nghĩ rằng chỉ khi nào thay đổi được tình cảm của mình và của những người chung quanh mình thì mới được hạnh phúc. Không đúng, bạn đang dại dột phung phí biết bao sức lực để đòi sắp xếp lại thế giới. Nếu ơn gọi của bạn là làm thay đổi thế giới  thì hãy tiến lên và thay đổi đi, nhưng đừng nuôi ảo tưởng rằng có như thế mình mới hạnh phúc. Điều làm mình hạnh phúc hay không hạnh phúc không phải là thế giới và những người chung quanh bạn, mà chính là suy nghĩ đang ở trong đầu bạn. Cứ loay hoay tìm kiếm hạnh phúc trong thế giới bên ngoài mình cũng chẳng khác gì mò kim đáy biển. Vì thế, nếu đó là thứ hạnh phúc bạn đang tìm thì hãy thôi phung phí sức lực tìm cách chữa bệnh hói đầu của mình, luyện tập cho có thân thể đẹp, dời chỗ ở, đổi việc làm, thay cộng đoàn, đổi lối sống hay thậm chí đổi tính cách của mình. Bạn có ý thức rằng mình có thể thay đổi mọi sự trên đây; có thể có dáng dấp đẹp, tính cách duyên dáng, nhà cửa thích thú mà vẫn bất hạnh không? Tận đáy lòng mình, bạn biết những điều ấy là đúng, nhưng vẫn phung phí nỗ lực và sức lực để có cho bằng được những cái mà bạn biết là sẽ không đem lại hạnh phúc cho mình.

d. Một mê lầm nữa: khi nào mọi ước muốn của mình được thoả mãn, mình sẽ được hạnh phúc. Không đúng. Thật ra, chính những ước muốn và thiết tha ấy lại làm cho bạn thêm căng thẳng, vỡ mộng, bực mình, bất ổn và lo sợ. Hãy lập danh sách các điều mình thiết tha và mong muốn, rồi nói với từng điều ấy rằng: ‘Tận đáy lòng, ta biết rằng cả sau khi có được ngươi, ta vẫn không hạnh phúc’. Hãy cân nhắc từng lời này. Các ước muốn được thoả mãn cùng lắm chỉ đem lại cho ta những giây phút khoan khoái và hào hứng tưng bừng. Nhưng đừng lẫn lộn những cảm giác ấy với hạnh phúc. Nếu vậy, thế nào là hạnh phúc? Rất ít người biết và chẳng ai dám trả lời cho bạn, vì hạnh phúc là điều không thể định nghĩa. Bạn có thể mô tả ánh sáng cho những người cả đời chỉ ngồi trong bóng tối không? Bạn có thể định nghĩa thế nào là thực tại cho người lúc nào cũng sống trong mộng mị không? Khi nào hiểu ra bóng tối thì bóng tối không còn nữa, và lúc ấy bạn mới tỉnh ngộ để hiểu thế nào là thực tại. Khi nào hiểu ra những tin tưởng sai lầm của mình thì những tin tưởng sai lầm ấy không còn nữa; và lúc ấy bạn mới biết thế nào là hạnh phúc.

Nhưng nếu người ta tha thiết với hạnh phúc như thế thì tại sao người ta không cố gắng nhận thức những niềm tin sai lầm của mình?

a. Trước hết, vì người ta không bao giờ thấy đó là những điều sai hay những điều mê lầm. Họ còn coi đó là những sự kiện và sự thật, vì họ đã bị sắp xếp tính toán thật sâu để nghĩ như thế.

b. Thứ đến, vì người ta sợ đánh mất cái thế giới duy nhất mà lâu nay họ đã quen: thế giới của những ước muốn, những quyến luyến, những lo sợ, những áp lực xã hội, những căng thẳng, những tham vọng, những ưu tư, những tội lỗi, với những giây phút khoái lạc, thư giãn và hào hứng chớp nhoáng kèm theo.

Thử nghĩ tới một người sợ ra khỏi giấc mộng vì dù sao đó cũng là thế giới duy nhất mà người ấy biết. Bạn sẽ hiểu được mình và người khác.

Nếu muốn có được hạnh phúc bền lâu, bạn phải sẵn sàng ghét bỏ cha mẹ, thậm chí mạng sống của mình, và phải từ giã tất cả những gì mình có.

Bằng cách nào? Không phải bằng cách từ chối hay dẹp bỏ chúng, vì cái gì bạn càng dẹp bỏ quyết liệt bạn càng bị dính vào đó. Nhưng đúng hơn, coi chúng như mộng mị; lúc ấy, dù có giữ chúng hay không, chúng cũng không còn hấp lực trên bạn, chúng không còn sức mạnh để làm bạn bị thương tổn, và sau cùng bạn sẽ thoát khỏi giấc mơ ấy của mình, thoát khỏi bóng tối, thoát khỏi nỗi sợ hãi, thoát khỏi sự bất hạnh.

Hãy để giờ nhìn lại từng điều bạn đang bám víu đúng như chúng thực sự là: chỉ là giấc mơ vừa làm bạn hào hứng và khoan khoái vừa làm bạn lo lắng bất an, căng thẳng, ưu tư, sợ hãi, bất hạnh.

Cha mẹ chỉ là giấc mơ. Vợ con , anh chị em; chỉ là giấc mơ. Cuộc sống của bạn hiện giờ: chỉ là giấc mơ. Mỗi một cái bạn bám víu từng làm bạn nghĩ rằng mình không thể hạnh phúc nếu thiếu chúng: chỉ là giấc mơ. Sau đó, bạn sẽ ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả cuộc sống của mình. Rồi bạn sẽ thấy mình dễ dàng từ bỏ tất cả những gì đang có, nghĩa là bạn sẽ thấy mình thôi bám víu chúng và chúng không còn khả năng làm bạn bị thương tổn nữa.

Cuối cùng, bạn sẽ trải nghiệm một tình trạng thật huyền bí, không thể mô tả cũng chẳng thể diễn giải được: đó là tình trạng hạnh phúc và bình an vĩnh hằng. Lúc ấy, bạn sẽ hiểu ra thật chí lí: ai không bám víu anh chị em, cha mẹ, vợ con hay nhà cửa nữa… sẽ được đền bù lại gấp trăm lần tất cả những điều đó và được sự sống đời đời.

Nguồn: dongten.net (4.8.2020)

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhung-nguyen-nhan-dua-toi-bat-hanh-40400

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét