Quyền năng của Thiên Chúa dưới hình hài Vô lực
Linh mục Ron Rolheiser, OMI
30-01-2017
Tiểu thuyết gia và khảo luận gia người Pháp, Leon Bloy, từng nói thế này về quyền năng Thiên Chúa trong thế giới chúng ta: “Thiên Chúa dường như đã kết án chính mình là cho đến ngày tận thế, không được thực hiện bất kỳ quyền trực tiếp nào của một ông chủ trên nô bộc hay của một đức vua trên thần dân. Chúng ta có thể làm điều gì chúng ta muốn. Ngài sẽ chỉ biện hộ cho mình bằng sự kiên nhẫn và vẻ đẹp của Ngài.”
Thiên Chúa biện hộ cho mình chỉ bằng sự kiên nhẫn và vẻ đẹp! Thật quá đúng! Và chúng ta rất cần hiểu rõ về quyền năng!
Cách chúng ta hiểu về quyền năng luôn đi kèm với cách chúng ta nhìn nhận về quyền lực trong thế giới này. Thế giới chúng ta hiểu quyền lực là một uy lực có thể làm chủ trên người khác, một uy lực có thể bắt người khác vâng lời. Trong thế giới chúng ta, chỉ thật sự có quyền lực khi nó có thể khẳng định bản thân cách uy thế để khiến người khác vâng lời. Với chúng ta, kẻ mạnh thì có quyền lực, người nắm chính trị thì có quyền lực, hệ thống kinh tế có quyền lực, các tỷ phú có quyền lực, người giàu và người nổi tiếng có quyền lực, những người vạm vỡ thì có quyền lực, và những kẻ hay bắt nạt thì có quyền lực. Quyền lực có thể khiến bạn cúi mình, dù bằng cách này hay cách khác.
Nhưng một khái niệm như thế về quyền lực thật ấu trĩ và thiển cận. Quyền lực có thể khiến bạn cúi mình chỉ là một dạng quyền lực mà thôi, và xét tận cùng, nó không phải là dạng quyền lực mang tính biến đổi nhất. Quyền lực thực sự là về tinh thần. Quyền lực thực sự là quyền lực của chân lý, vẻ đẹp, và kiên nhẫn. Nghịch lý thay, quyền lực thực sự thường có vẻ thật vô lực. Chẳng hạn như: Nếu bạn cho một vận động viên vạm vỡ, một CEO của một công ty lớn, một kẻ hay bắt nạt, một ngôi sao điện ảnh đoạt giải Oscar, và một đứa trẻ, tất cả vào cùng một phòng, thì ai là người quyền lực nhất? Xét tận cùng, đấy chính là đứa trẻ. Đến tận cùng, sự vô lực của đứa trẻ thắng cả cơ bắp, tài năng kinh tế, và tầm ảnh hưởng. Những đứa trẻ làm cho không gian trở nên trong sạch về mặt tinh thần, và những người nhẫn tâm nhất cũng phải chùn tay trước một đứa trẻ.
Đấy là kiểu quyền lực mà Thiên Chúa biểu lộ trong sự nhập thể. Đi ngược lại hầu hết dự tính của con người, Thiên Chúa sinh ra trong thế gian, không phải với hình hài Siêu nhân hay Siêu sao, nhưng là một đứa trẻ vô lực không thể tự lo cho mình. Và đấy là cách Thiên Chúa vẫn hiện diện trong cuộc đời chúng ta. Nhà văn đoạt giải Pulitzer, Annie Dillard, cho rằng chúng ta luôn mãi tìm thấy Chúa trong cuộc đời mình dưới hình hài một trẻ bé vô lực nằm trong máng cỏ, một trẻ bé mà chúng ta phải bồng ẵm, nuôi dưỡng, và ủ ấm.
Bà nói đúng, và thấu suốt của bà cũng như của Leon Bloy, là một chỉ hướng về cách chúng ta hiểu quyền năng Thiên Chúa trong đời mình và hiểu vì sao Thiên Chúa có vẻ thinh lặng trong cuộc đời chúng ta.
Trước hết, quyền năng Thiên Chúa ở trong cuộc đời chúng ta. Khi chúng ta xem đoạn kinh thánh kể về ông Adam bà Eva và tội nguyên tổ, tôi thấy rằng động cơ tiên quyết để ăn trái cấm là một khá vọng muốn nắm lấy sự thần thánh, muốn trở nên như Chúa. Họ muốn quyền năng như Chúa. Nhưng như chúng ta, họ hiểu lầm tai hại về điều gì tạo nên quyền lực thực sự. Thánh Phaolô cho chúng ta thấy phản đề của chuyện này, khi ngài mô tả Chúa Giêsu trong thư gởi tín hữu Philip. Thánh Phaolô viết rằng Chúa Giêsu không cho rằng địa vị ngang hàng với Thiên Chúa là điều phải giữ lấy, nhưng thay vào đó, Ngài đã bỏ đi quyền năng đó để trở nên vô lực, tin tưởng rằng sự trống rỗng và vô lực này đến tận cùng sẽ là sức mạnh mang tính biến đổi nhất. Chúa Giêsu đã để mình trở nên vô lực để thực sự quyền lực.
Thấu suốt này có thể soi sáng cho cách chúng ta hiểu vì sao Thiên Chúa dường như vắng mặt trong thế giới chúng ta. Làm sao chúng ta hiểu được một sự thường được gọi là “sự thinh lặng của Thiên Chúa”? Thiên Chúa ở đâu trong thảm họa diệt chủng thời Đức quốc xã? Thiên Chúa ở đâu trong những thiên tai cướp đi sinh mạng hàng ngàn người? Thiên Chúa ở đâu khi những vụ tai nạn và bệnh tật cướp đi sinh mạng vô số người? Tại sao Thiên Chúa không can thiệp mạnh mẽ?
Thiên Chúa hiện diện và can thiệp trong mọi tình huống đó, nhưng không phải theo cách chúng ta hiểu về sự hiện diện, quyền năng, và sự can thiệp. Thiên Chúa hiện diện theo cách của vẻ đẹp, theo cách của một trẻ bé sơ sinh ngây thơ vô lực, và theo cách sự thật luôn luôn hiện diện. Thiên Chúa không bao giờ thinh lặng, bởi vẻ đẹp, sự ngây thơ, vô lực và sự thật không bao giờ thinh lặng. Chúng luôn luôn hiện diện và can thiệp, nhưng không như quyền lực của con người, chúng hiện diện theo một cách hoàn toàn không thể thao túng và tôn trọng tuyệt đối sự tự do của chúng ta. Quyền năng của Thiên Chúa như quyền lực của một trẻ bé, như quyền lực của vẻ đẹp, tuyệt đối tôn trọng con người của bạn.
Khi chúng ta nhìn vào những nỗ lực đấu tranh trong thế giới và cuộc đời của mình, thường chúng ta thấy dường như quyền năng Thiên Chúa cứ luôn mãi bị quyền lực con người thắng vượt. Ziggy, một nhân vật trong phim hoạt hình thích nói: Người nghèo vẫn đang bị đè nén trong thế giới chúng ta. Nhưng như vua Đavid, một cậu bé trước mặt Goliath, một gã khổng lồ mạnh hơn về cơ bắp và vũ khí, như các tông đồ hỏi xin năm chiếc bánh và hai con cá cho cả đoàn 5000 người, Thiên Chúa luôn luôn có vẻ chẳng ấn tượng gì với thế giới chúng ta.
Nhưng chúng ta phải biết, câu chuyện không bao giờ dừng ở đấy.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
http://phanxico.vn/2017/04/08/quyen-nang-cua-thien-chua-duoi-hinh-hai-vo-luc/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét