1.Thánh Síprianô viết về thân phận phải chết của con người

Thánh Síprianô (c. 210 – 14 tháng 9, năm 258 AD) là Giám Mục Carthage và là một văn sĩ Kitô giáo tiên khởi. Phần lớn các trước tác của ngài vẫn còn cho đến nay. Và ngài là vị thánh được cả Đông Tây tôn kính. Ngài sinh khoảng đầu thế kỷ thứ ba ở Bắc Phi, nơi ngài nhận được nền giáo dục cổ điển. Không lâu sau khi trở lại Kitô giáo, ngài trở thành Giám Mục năm 249. Là một nhân vật gây tranh cãi lúc sinh thời, các kỹ năng mục vụ mạnh mẽ, tác phong cương quyết của ngài trong thời lạc giáo Nôvatianô († 257, cấm tha tội trọng) và nạn dịch Síprianô (đặt tên theo ngài vì ngài mô tả nó), và cuối cùng phúc tử đạo tại Carthage đã tạo nên danh tiếng ngài và chứng tỏ sự thánh thiện của ngài trước mặt Giáo Hội.

Trước khi trở lại, ngài là một thành viên lãnh đạo của hiệp hội luật gia Carthage, một nhà hùng biện, một luật sư tại tòa án, và một giáo sư tu từ học. Sau một “tuổi trẻ phóng đãng”, ngài lãnh nhận Phép Rửa lúc 35 tuổi. Ngài mô tả việc ngài trở lại và lãnh nhận Phép Rửa như sau: “Khi còn nằm trong tối tăm và đêm đen ảm đạm, tôi thường coi như cực kỳ khó khăn và đòi hỏi việc làm điều lòng thương xót của Thiên Chúa gợi ý cho tôi... Tôi bị trói chặt bởi vô vàn sai lầm của đời sống cũ, đời sống mà tôi không tin là mình có thể thoát khỏi, cho nên tôi có xu hướng làm an lòng bằng cách bám vào các thói hư tật xấu và thả giàn trong tội lỗi... Nhưng sau đó, nhờ sự giúp đỡ của nước tái sinh, vết nhơ của đời sống cũ của tôi đã được rửa sạch, và một ánh sáng từ trên cao, thanh thản và tinh ròng, đã thẳm chiếu vào cõi lòng đã được hòa giải của tôi... Việc sinh lần thứ hai này phục hồi tôi thành con người mới. Rồi, một cách diệu kỳ, mọi nghi ngờ bắt đầu tan biến... Tôi hiểu rõ điều trước đây sống trong tôi, bị nô dịch bởi thói hư tật xấu của xác thịt, thuộc trần gian và, thay vào đó, điều Chúa Thánh Thần thực hiện nơi tôi là thần linh vả thiên giới” (Cyprian, Ad Donatum, 3-4)

Giờ “Kinh Sách” của Phụng vụ hôm nay, 25 tháng 11, có đoạn trích sau đây từ khảo luận của thánh Síp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo, về thân phận phải chết của con người:




Phải luôn nhớ rằng chúng ta không được sống theo ý riêng, nhưng phải thi hành thánh ý Thiên Chúa. Đó là điều Chúa đã truyền dạy chúng ta phải cầu xin mỗi ngày. Thật là ngược đời và mâu thuẫn, trong khi cầu xin cho thánh ý Thiên Chúa được thể hiện, chúng ta lại không mau mắn tuân theo thánh ý Người, khi Người gọi chúng ta ra khỏi thế gian. Chúng ta ra đi vì bó buộc chứ không do lòng vâng phục. Chúng ta được dẫn đến trước nhan Chúa, nhưng tâm hồn lại ủ rũ buồn phiền. Chúng ta kháng cự và chống đối tựa những tên đầy tớ ương ngạnh. Chúng ta mong muốn được Thiên Chúa ban thưởng trên trời, thế mà ta lại đến với Người cách miễn cưỡng! Tại sao chúng ta lại cầu xin cho Nước Trời mau đến, trong khi vẫn cứ thích bám lấy cảnh lưu đày trần gian? Tại sao chúng ta cứ xin đi xin lại cho triều đại Chúa mau đến, trong khi chúng ta những thiết tha mong muốn làm tôi ma quỷ ở đời này hơn là cùng hiển trị với Đức Kitô?

Thế gian thù ghét người Kitô hữu, thế thì tại sao bạn lại yêu quý kẻ thù ghét bạn, mà lại không đi theo Đức Kitô, Đấng cứu chuộc và yêu thương bạn? Thánh Gioan kêu gọi và khuyến khích chúng ta đừng chạy theo đam mê xác thịt mà yêu quý thế gian. Thánh nhân viết trong thư : Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của; mà thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi. Anh em thân mến, tốt hơn chúng ta hãy sẵn sàng thực thi trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa, với tinh thần trung thực, đức tin vững vàng và chí khí cương nghị. Chúng ta hãy xua tan nỗi sợ chết và nghĩ đến ơn bất tử đã bắt đầu. Chúng ta hãy tỏ cho người ta thấy điều chúng ta tin.

Anh em thân mến, chúng ta phải suy và phải luôn tâm niệm rằng mình đã từ bỏ thế gian và đang sống ở đời này như khách lữ hành và người tạm trú. Chúng ta hãy ấp ủ trong lòng cái ngày mỗi người được trở về nơi mình cư ngụ, ngày chúng ta được giải thoát khỏi đời này, được thoát khỏi cạm bẫy thế gian mà vào lại thiên đàng, vào vương quốc. Có lữ khách nào lại không muốn mau được trở về quê hương? Hãy nhớ quê hương chúng ta là thiên đàng. Ở đó đông đảo những người thân yêu đang mong đợi chúng ta : cha mẹ, anh em, con cái và biết bao người đang mong gặp chúng ta. Họ đang được hạnh phúc hưởng ơn cứu độ, nhưng vẫn còn lo cho ơn cứu độ của chúng ta. Được đến gần họ và ôm lấy họ, thì cả họ lẫn chúng ta sẽ vui mừng biết mấy. Ôi, hạnh phúc biết bao khi được vào thiên quốc, nơi không còn sợ chết nữa ! Ôi, được sống muôn đời ở đó quả là niềm sung sướng tuyệt vời và vô tận !

Ở đó có đoàn Tông Đồ vinh hiển. Ở đó có hàng ngôn sứ hân hoan. Ở đó có vô vàn vô số chứng nhân tử đạo được ban thưởng triều thiên chiến thắng vì đã anh dũng chiến đấu và chịu cực hình. Ở đó có các trinh nữ khải hoàn vì đã nhờ tiết độ mà khuất phục đam mê và chế ngự thân xác. Ở đó, những người có lòng thương xót được ân thưởng: họ đã thực hành đức công chính khi nuôi dưỡng người nghèo và rộng tay làm phúc; họ đã vâng lệnh Chúa truyền mà chuyển gia sản trần gian vào kho tàng thiên quốc.

Anh em thân mến, chúng ta hãy khát khao sớm được gặp họ. Ước chi Thiên Chúa thấy chúng ta có tư tưởng ấy. Ước gì Đức Kitô nhìn thấy lòng chúng ta tin và quyết định như vậy. Những ai càng khao khát Đức Kitô thì càng được Người thương yêu và ân thưởng.
 
Vietcatholic News