Trang

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

Bài họp báo của Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Bahrain về Rôma ngày chúa nhật 6 tháng 11-2022

 Bài họp báo của Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Bahrain về Rôma ngày chúa nhật 6 tháng 11-2022

Đức Phanxicô: Ba chiến tranh thế giới trong một thế kỷ, lời kêu hòa bình

vaticannews.va, 2022-11-06

Trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Bahrain về Rôma ngày chúa nhật 6 tháng 11-2022, Đức Phanxicô đã nói về Ukraine và nhiều cuộc xung đột trên thế giới, về tình bạn giữa ngài với thượng giáo sĩ Ahmed Al Tayeb, về tầm quan trọng của việc trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng phụ nữ, về người di cư, về lạm dụng trẻ em. Ngài cũng đề cập đến thượng hội đồng Đức, ngài không muốn một “giáo phái phúc âm” được thành lập ở đây.

Sau đây là cuộc họp báo trên máy bay.


Trước khi đặt câu hỏi, tôi muốn nói với cha một chuyện, cha có một vị trí rất đặc biệt trong trái tim tôi, không chỉ vì cha đến thăm đất nước tôi, nhưng ngày cha được bầu làm giáo hoàng, đó là ngày  sinh nhật của tôi. Tôi xin hỏi cha, cha đánh giá như thế nào về kết quả chuyến đi này và về những nỗ lực của Bahrain nhằm củng cố và thúc đẩy cuộc sống chung, trong mọi lĩnh vực xã hội, tôn giáo, mọi giới tính và với các chủng tộc?

Đức Phanxicô: Đây là hành trình gặp gỡ trong mục đích tìm thấy chính mình trong đối thoại giữa các tôn giáo, với hồi giáo, với thượng phụ Bartholomew. Những ý tưởng của thượng giáo sĩ Ahmed Al Tayeb chính xác đi theo hướng này, hợp nhất trong hồi giáo bằng cách tôn trọng các sắc thái, sự khác biệt nhưng trong tinh thần đoàn kết, hiệp nhất người tín hữu kitô với các tôn giáo khác, với đối thoại liên tôn hoặc đại kết, nhưng phải giữ bản sắc riêng của mình. Chúng ta không bắt đầu bằng một bản sắc chung chung. Tôi là người hồi giáo, tôi là người kitô giáo, tôi có bản sắc này và tôi nói chuyện với bản sắc này.

Khi mình không có bản sắc riêng thì sẽ khó đối thoại, hai vị khách của chúng tôi là thượng giáo sĩ Ahmed Al Tayeb và thượng phụ

Bartholomew là những người có bản sắc mạnh. Và như thế là tốt.

Về quan điểm liên quan đến hồi giáo, tôi đã nghe kỹ ba bài phát biểu của thượng giáo sĩ và tôi ấn tượng cách ngài nhấn mạnh nhiều đến đối thoại nội bộ hồi giáo, để không phải xóa bỏ khác biệt nhưng hiểu nhau, cùng làm việc với nhau và không chống lại nhau.



Đức Phanxicô và thượng giáo sĩ Ahmed Al Tayeb

Tín hữu kitô chúng ta, chúng ta có một lịch sử về sự khác biệt khá xấu đã dẫn đến những cuộc chiến tôn giáo: người công giáo chống người chính thống giáo, người công giáo chống giáo phái Luther. Tạ ơn Chúa, bây giờ sau Công đồng đã có một sự thống nhất và chúng ta có thể đối thoại và cùng làm việc với nhau, điều này rất quan trọng, bằng chứng là trong những chuyện tốt đẹp chúng ta đã làm cho người khác.

“Đó là một hành trình gặp gỡ. Với tôi đó là điều mới lạ khi tìm hiểu một nền văn hóa mở cửa cho tất cả mọi người. Ở đất nước của quý vị có chỗ cho tất cả mọi người.”

 

Sau đó, các chuyên gia, các nhà thần học thảo luận về các vấn đề thần học nhưng chúng ta phải đi cùng nhau như người tín hữu, như bạn bè, như anh em để làm điều tốt. Tôi cũng ấn tượng khi nghe buổi nói chuyện của Hội đồng Các nhà hiền triết về tạo dựng và bảo vệ Tạo dựng, đó là mối quan tâm chung của mọi người không phân biệt tôn giáo. à đây là mối quan tâm chung của tất cả mọi người, hồi giáo cũng như kitô giáo. Bây giờ hồng y ngoại trưởng Vatican và thượng giáo sĩ Ahmed Al Tayeb đang đi cùng chuyến máy bay từ Bahrain đến Cairo, họ đi như người anh em và đó là một cái gì rất xúc động. Sự hiện diện của Thượng phụ Bartholomew – người có thẩm quyền trong lĩnh vực đại kết – cũng là một điều tốt. Chúng tôi đã thấy công việc đại kết chúng tôi đã làm và cả trong những lời ngài tuyên bố trước đó. Ngoài ra tôi rất ấn tượng trước đông đảo tín hữu người Philippine, người Ấn Độ từ Kerala đến đây làm việc và sinh sống.

Bà Carol Glatz (CNS)

Trong chuyến đi Bahrain, cha nói về các quyền cơ bản, đặc biệt là quyền của phụ nữ, phẩm giá của họ, quyền có vị trí của họ trong lĩnh vực xã hội và công cộng, và cha khuyến khích người trẻ can đảm, năng động để hướng tới một thế giới công bằng hơn. Trước tình hình đang diễn ra gần đây ở Iran với các cuộc biểu tình của phụ nữ và người trẻ muốn có thêm tự do, cha có ủng hộ cam kết này của phụ nữ và nhiều người trẻ, những người đòi hỏi các quyền cơ bản cũng được tìm thấy trong tài liệu về tình huynh đệ của con người không?

Đức Phanxicô: Nhưng chúng ta phải tự nói sự thật. Đấu tranh cho quyền phụ nữ là một đấu tranh liên tục. Ở một số nơi, phụ nữ bình đẳng với nam giới, nhưng ở những nơi khác không được như vậy. Tôi còn nhớ trong những năm 1950 ở đất nước tôi, có cuộc đấu tranh cho quyền công dân của phụ nữ: để phụ nữ có quyền bầu cử. Vì cho đến năm 1950, chỉ có đàn ông mới được đi bầu. Và tôi nghĩ đến cuộc chiến tương tự ở Mỹ để đòi quyền đi bầu cho phụ nữ. Tôi tự hỏi vì sao phụ nữ phải đấu tranh hết mình để có quyền của mình? Tôi không biết có phải truyền thuyết hay không, nhưng có những truyền thuyết giải thích sự tàn bạo đối với phụ nữ. Họ nói sở dĩ phụ nữ mang nhiều nữ trang vì ở một số nước, khi người chồng bỏ vợ, họ nói “đi đi” và người vợ phải đi ngay, thậm chí không được về nhà lấy đồ đạc, chỉ ra đi với những gì có trên người. Đó là lý do vì sao họ phải mang nữ trang để khi ra đi còn có một cái gì. Tôi không biết nó có đúng hay không, nhưng đó là hình ảnh giúp chúng ta suy nghĩ.

Đấu tranh cho quyền phụ nữ là một đấu tranh liên tục. Ở một số nơi, phụ nữ bình đẳng với nam giới, nhưng ở những nơi khác không được như vậy.

Quyền là cơ bản: nhưng làm sao ở thế giới ngày nay chúng ta có thể ngăn chặn việc cắt xẻo âm hộ của các em bé gái? Thật là kinh khủng. Làm những việc này là tội ác. Tôi nghe nói có hai khuynh hướng, hoặc xem phụ nữ là “thứ bỏ đi” hoặc là “phải bảo vệ”. Nhưng bình đẳng giữa nam-nữ vẫn chưa được phổ biến, chúng ta phải phải tiếp tục đấu tranh vì phụ nữ là món quà của Thượng đế. Chúa tạo ra con người bình đẳng với nhau. Trong các thư của ngài, Thánh Phaolô đã viết về mối quan hệ giữa nam và nữ, đối với chúng ta bây giờ nghe như lỗi thời, nhưng vào thời của ngài, đó là cả một cách mạng đến nỗi đã làm chướng tai khi ngài nói về sự trung tín giữa người nam và người nữ, người đàn ông chăm sóc người phụ nữ như chính da thịt mình. Vào thời đó, là cả một cách mạng. Tất cả các quyền phụ nữ đều bắt nguồn từ sự bình đẳng này. Một xã hội không đặt phụ nữ vào đúng vị trí của họ thì sẽ không tiến lên được. Chúng tôi có kinh nghiệm về chuyện này. Tôi nhận thấy khi có một phụ nữ vào Vatican làm việc, mọi thứ đều được cải thiện. Ví dụ, phụ tá thống đốc Vatican là một phụ nữ, mọi thứ đã thay đổi nhiều khi bà làm. Trong Hội đồng Kinh tế, có sáu hồng y và sáu giáo dân, tất cả đều là nam giới. Tôi thay đổi và đưa một người đàn ông và năm phụ nữ vào nhóm giáo dân. Và đó là một cách mạng, phụ nữ biết cách tìm ra con đường đúng đắn, họ biết cách tiến về phía trước. Bây giờ tôi bổ nhiệm bà Marianna Mazzuccato vào Giáo hoàng Học viện về Sự sống. Bà là nhà kinh tế học vĩ đại đến từ Hoa Kỳ, để mang lại một chút nhân văn hơn cho tất cả những điều này.

Họ không cần phải giống đàn ông, họ là phụ nữ và chúng ta cần họ. Và một xã hội xóa bỏ phụ nữ ra khỏi đời sống công cộng là một xã hội làm cho chính mình bị nghèo đi. Quyền bình đẳng, có. Nhưng cũng có bình đẳng cho mọi cơ hội. Bình đẳng về cơ hội và bình đẳng về khả năng để tiến lên, nếu không chúng ta sẽ nghèo đi. Tôi nghĩ với điều này, tôi đã nói những gì cần phải làm trên toàn cầu.

Nhưng vẫn còn một chặng đường dài để đi. Tôi đến từ một dân tộc cho rằng đàn ông có giá trị hơn phụ nữ. Tôi xuất thân từ dân tộc đó. Người đàn ông Argentina luôn cho mình cao hơn phụ nữ. Điều này không vinh dự gì, khi chúng tôi có vấn đề, chúng tôi đến xin các bà mẹ giải quyết. Tính ‘ma-sô’ này giết chết nhân loại. Tôi xin cám ơn bà đã cho tôi cơ hội để nói điều này, đó là một điều gì đó rất gần gũi với trái tim tôi. Chúng ta không chỉ đấu tranh cho quyền mà còn vì chúng ta cần phụ nữ trong xã hội giúp chúng ta thay đổi.

Với Đức Phanxicô, thử thách thực sự là yêu kẻ thù của mình

 

Ông Antonio Pelayo (Vida Nueva)

Lần duy nhất cha ứng biến trong chuyến đi này là khi cha nói “Ukraine tử vì đạo” và “các cuộc thương thuyết cho hòa bình”. Xin cha cho biết Vatican đã có cách cho các cuộc thương thuyết này không và gần đây cha có nói chuyện với Putin hay trong tương lai cha có ý định nói chuyện với ông không?

Đức Phanxicô: Trước hết Vatican thường xuyên lo lắng và Phủ Quốc vụ khanh làm việc chu đáo. Tôi biết giám mục Gallagher rất nhiệt tâm. Tôi xin nhắc lại một chút câu chuyện: một ngày sau khi cuộc chiến bắt đầu, tôi đã đến đại sứ quán Nga, để nói chuyện với đại sứ. Tôi biết ông đã sáu năm kể từ khi ông đến, ông là một nhà nhân văn. Tôi nhớ một nhận xét ông nói với tôi hồi đó: “Chúng ta đã rơi vào chế độ độc tài tiền bạc” khi ông nói về văn minh. Một nhà nhân văn, một người chiến đấu cho bình đẳng. Tôi nói với ông tôi sẵn sàng đi Matxcova để nói chuyện với Putin nếu cần. Ông Lavrov, bộ trưởng Ngoại giao lịch sự trả lời, xin cám ơn nhưng chưa cần thiết lúc này. Tôi cũng đã nói chuyện với tổng thống Zelensky hai lần, sau đó  với đại sứ một vài lần nữa. Và những nỗ lực đang được thực hiện để gắn kết mọi thứ lại với nhau, để tìm ra giải pháp. Vatican cũng đã can thiệp cho tù nhân.

Điều làm cho tôi kinh ngạc là sự tàn ác – đó là lý do vì sao tôi dùng từ “tử đạo” cho Ukraine – tàn ác không phải từ người dân Nga, có lẽ, vì người dân Nga là một dân tộc vĩ đại – tàn ác của những người lính đánh thuê, những người đi vào chiến tranh như đi phiêu lưu, như lính đánh thuê… Tôi thích nhìn mọi việc như vậy vì tôi rất quý trọng nhân dân Nga, chủ nghĩa nhân văn Nga. Chỉ cần nghĩ về Dostoyevsky, văn hào đã truyền cảm hứng cho chúng ta, cho tín hữu kitô khi họ nghĩ về kitô giáo. Tôi có tình cảm rất lớn với người dân Nga và người dân Ukraine. Khi tôi mười một tuổi, có một linh mục gần nhà tôi làm lễ bằng tiếng Ukraine và không có em bé nào giúp lễ, cha đã dạy tôi giúp lễ bằng tiếng Ukraine và tất cả những bài hát tiếng Ukraine, tôi học khi còn nhỏ vì thế tôi có một tình cảm sâu đậm với phụng vụ Ukraine. Tôi đang ở giữa hai dân tộc mà tôi yêu mến. Nhưng không phải chỉ có tôi. Tòa Thánh đã có nhiều cuộc họp mật, nhiều cuộc họp có kết quả tốt. Bởi vì chúng ta không thể phủ nhận một cuộc chiến tranh, lúc đầu, có thể làm cho chúng ta dũng cảm, nhưng sau đó sẽ làm chúng ta mệt mỏi, tổn thương, thấy tác hại của chiến tranh để thấy khía cạnh con người hơn, gần gũi hơn.

“Bởi vì ngày nay, tôi tin rằng tai họa lớn nhất trên thế giới là ngành công nghiệp vũ khí.”

 

Nhân câu hỏi này, tôi muốn nói: trong một thế kỷ mà chúng ta có ba thế chiến, năm 1914-1918, năm 1939-1945 và cái này! Đây là chiến tranh thế giới, vì khi các đế chế, dù bên này hay bên kia, khi họ suy yếu, họ cần tiến hành chiến tranh để cảm thấy mạnh, nhưng cũng phải bán vũ khí! Vì ngày nay, tôi tin rằng tai họa lớn nhất của  thế giới là ngành công nghiệp vũ khí. Tôi nghe nói, nếu chúng ta  không chế tạo vũ khí trong một năm, nạn đói trên thế giới sẽ chấm dứt. Ngành công nghiệp vũ khí thật khủng khiếp.

Cách đây vài năm, một chiếc thuyền chở đầy vũ khí từ một nước khác đến hải cảng Gênes, nước Ý để chuyển sang một thuyền lớn hơn chở đến Yemen. Những người làm việc ở Gênes không muốn làm việc này. Mười năm chiến tranh, Yemen không có thức ăn cho trẻ con. Người Rohingya bị trục xuất liên tục, họ vẫn còn chiến tranh. Thật khủng khiếp cho những gì xảy ra ở Miến Điện. Bây giờ đến lượt Ethiopia, tôi hy vọng sẽ có một cái gì tốt cho Ethiopia với hiệp ưóc được hai bên ký ngày 2 tháng 11 tại Nam Phi. Nhưng chúng ta đang có chiến tranh ở khắp nơi và chúng ta không hiểu điều đó. Hôm nay Âu châu bị chiến tranh Nga-Ukraine tác động mạnh. Và còn ở Syria, Liban, những nước luôn có chiến tranh từ nhiều năm nay.

Tôi đã nói với quý vị nhiều lần, mỗi lần tôi đến thăm các nghĩa trang quân nhân tôi đều khóc, biết bao nhiêu gia đình tan nát, trẻ em mồ côi. Chiến tranh gieo rắc thảm kịch. Đó là lý do vì sao nhà báo các bạn, các bạn hãy là những người bảo vệ hòa bình, xin các bạn lên tiếng chống chiến tranh, đấu tranh chống chiến tranh. Tôi xin các bạn như người anh em. Xin cám ơn.

Ông Hugues Lefevre (I.Mdia)

Sáng nay trong bài phát biểu với các tu sĩ ở Bahrain, cha đã nói về tầm quan trọng của niềm vui kitô giáo, nhưng trong những ngày này, giáo dân Pháp đã mất niềm vui khi họ biết vụ Giáo hội đã giữ bí mật trong việc loan báo kỷ luật trừng phạt một giám mục năm 2021, ông đã phạm tội lạm dụng tình dục trong năm 1990 khi còn là linh mục. Khi câu chuyện được báo chí tiết lộ, đã có thêm 5 nạn nhân mới được đưa ra. Ngày nay, nhiều người công giáo muốn biết có nên thay đổi văn hóa giữ bí mật của công lý giáo luật và trở nên minh bạch hay không, cha có nghĩ các biện pháp trừng phạt giáo luật nên được công khai hay không.

Đức Phanxicô: Xin cám ơn câu hỏi của ông. Tôi muốn bắt đầu với một chút lịch sử về chủ đề này. Vấn nạn lạm dụng luôn tồn tại, không chỉ trong Giáo hội mà ở khắp nơi. Có từ 42 đến 46% trường hợp lạm dụng tình dục xảy ra trong gia đình hoặc với người lân cận. Nó rất nghiêm trọng, nhưng thói quen luôn là che đậy. Gia đình che đậy, người lân cận che đậy. Thói quen xấu này trong Giáo hội đã bắt đầu thay đổi từ vụ tai tiếng ở Boston dưới thời hồng y Law, vì vụ tai tiếng này mà ngài đã từ chức. Đây là lần đầu tiên một vụ lạm dụng được cho là một vụ tai tiếng. Kể từ đó, Giáo hội ý thức và bắt đầu hoạt động, trong khi trong xã hội và các thể chế khác thường che giấu. Trong các cuộc họp của các chủ tịch hội đồng giám mục về vấn đề này, tôi đã hỏi Unicef, Liên hợp quốc về con số thống kê trong các gia đình, khu phố, trường học, trong môi trường thể thao… Một nghiên cứu nghiêm túc thực hiện cho cả Giáo hội, và họ cho biết chúng ta là một thiểu số nhỏ, nhưng theo tôi, dù chỉ có một trường hợp duy nhất, thì nó cũng đã là thảm kịch, bởi vì với tư cách linh mục, người có ơn gọi làm cho người khác lớn lên thì với hành động này, họ đã hủy hoại người khác. Với linh mục, lạm dụng là đi ngược bản chất linh mục và chống lại bản chất xã hội của mình.

Trong sự thức tỉnh này, tiến hành các cuộc điều tra và đưa ra các cáo buộc, tất cả không phải lúc nào và ở mọi nơi đều giống nhau. Một số vụ bị che giấu, trước vụ tai tiếng ở Boston, các linh mục phạm tội lại được thuyên chuyển đi chỗ khác. Bây giờ mọi chuyện đã rõ ràng và chúng tôi đang đi tới trên vấn đề này. Vì thế chúng ta không nên ngạc nhiên khi có những trường hợp này lại tái xuất hiện. Nhân đây tôi xin cám ơn công việc can đảm của hồng y O’Malley, ngài đã hiểu cần thiết phải thể chế hóa điều này với ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên mà ngài điều hành. Chúng tôi làm việc với tất cả những gì chúng tôi có thể, nhưng quý vị cũng nên biết, trong Giáo hội vẫn còn có những người chưa rõ ràng, chưa chia sẻ… đây là một tiến trình liên tục và chúng tôi can đảm đi tới, không phải ai cũng có can đảm này. Đôi khi có bị cám dỗ để thỏa hiệp, và tất cả chúng ta ai cũng là nô lệ cho tội lỗi của mình, nhưng ý muốn của Giáo hội là làm sáng tỏ mọi thứ. Ví dụ, tôi đã nhận được hai khiếu nại trong những tháng gần đây về các vụ lạm dụng Giáo hội đã che đậy và đánh giá sai: ngay lập tức tôi yêu cầu một cuộc xem xét mới cho cả hai trường hợp và bây giờ một phiên tòa mới đang được thực hiện. Ngoài ra còn có điều này: việc sửa đổi các thử nghiệm cũ, xem lại các vụ án cũ, đã làm không đúng, đã không tiến hành một cách đúng đắn.

“Giáo hội nên xấu hổ về những điều xấu đã làm và tạ ơn Chúa cho những điều tốt đã được thực hiện”

Chúng tôi làm những gì chúng tôi có thể, chúng tôi đều là những kẻ có tội, các bạn đã biết. Và điều đầu tiên chúng ta làm là phải cảm thấy xấu hổ, xấu hổ sâu xa vì điều này. Tôi nghĩ biết xấu hổ là một ơn. Chúng ta có thể chiến đấu chống lại mọi tính xấu, nhưng không biết xấu hổ là… vô ích. Đó là lý do vì sao tôi rất ngạc nhiên khi trong Bài tập Linh thao, Thánh I-Nhã xin tha thứ cho các tội lỗi đã phạm, ngài bắt linh thao viên phải biết xấu hổ, và nếu chúng ta không có ơn xấu hổ thì chúng ta không thể đi tiếp. Ở đất nước tôi, một trong những câu thóa mạ năng là “bạn thật xấu hổ!” và tôi nghĩ Giáo hội không thể không xấu hổ. Giáo hội nên xấu hổ về những điều xấu xa đã làm. Tôi có thể nói với ông, chúng tôi có tất cả thiện chí để tiếp tục, cũng là nhờ sự giúp đỡ của các bạn.

Nhà báo Ludwig Ring-Eifel (Centrum Informationis Catholicum)

Tôi xin nói một chuyện cá nhân trước vì tôi rất xúc động. Sau 8 năm gián đoạn, tôi trở lại chuyến bay với giáo hoàng. Tôi rất biết ơn khi được ở đây một lần nữa…

Chào mừng ông trở lại!

Ông Ludwig:  Xin cám ơn cha. Chúng tôi là nhóm người Đức thiểu số, chỉ có ba người trong chuyến bay này, chúng tôi nghĩ: làm thế nào để tạo mối liên hệ giữa những gì chúng tôi đã thấy ở Bahrain và tình hình ở Đức. Bởi vì ở Bahrain, chúng tôi thấy một Giáo hội nhỏ bé, một đoàn chiên nhỏ bé, một Giáo hội nghèo với nhiều hạn chế, v.v., nhưng là một Giáo hội sống động, tràn đầy hy vọng, đang phát triển toàn diện. Mặt khác, ở Đức, chúng tôi có một Giáo hội tuyệt vời, với những truyền thống tuyệt vời; phong phú, với thần học, tiền bạc và mọi thứ, nhưng mỗi năm chúng tôi mất 300,000 trăm ngàn giáo dân, những người ra đi, những người đang rơi vào khủng hoảng sâu đậm. Có điều gì để học hỏi từ đàn chiên nhỏ chúng ta đã thấy ở Bahrain cho nước Đức to lớn này không?

Đức Phanxicô: Nước Đức có một lịch sử tôn giáo lâu đời. Trích dẫn triết gia Hoelderlin, tôi sẽ nói: “Rất nhiều thứ đã được sống, rất nhiều.” Lịch sử tôn giáo của nước Đức rất dài và phức tạp, đầy rẫy những đấu tranh. Tôi nói với người công giáo Đức: Nước Đức có một Nhà thờ Phúc âm cao cả và tuyệt đẹp, tôi không muốn một cái khác, sẽ không bao giờ tốt bằng cái này; nhưng tôi muốn nó là công giáo, trong tình huynh đệ với người tin lành. Đôi khi chúng ta đánh mất ý thức tôn giáo của dân tộc, một dân tộc thánh thiện và trung thành với Chúa, chúng ta rơi vào những cuộc thảo luận về luân lý, về kết hợp, những cuộc thảo luận là hệ quả thần học, nhưng không phải là trọng tâm thần học. Dân thánh và trung thành với Chúa nghĩ gì? Làm thế nào để dân thánh của Chúa lắng nghe? Hãy tiếp tục và tìm hiểu cách lắng nghe, đó là lòng mộ đạo đơn sơ mà quý vị sẽ tìm thấy nơi ông bà.

Tôi không nói là phải đi lui, không, nhưng phải quay về nguồn cảm hứng, về cội nguồn. Tất cả chúng ta đều có một câu chuyện về cội nguồn của đức tin; dân tộc nào cũng có: hãy đi tìm! Tôi nhớ câu này của Hoelderlin cho thời đại chúng ta: “Người già phải giữ những gì họ đã hứa khi còn nhỏ”. Chúng ta, trong thời thơ ấu, chúng ta đã hứa rất nhiều điều, rất nhiều. Bây giờ chúng ta đi vào các cuộc thảo luận luân lý, thảo luận tình huống, nhưng gốc rễ tôn giáo là dấu ấn Tin Mừng cho bạn, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô hằng sống: và từ đó là hệ quả, tất cả hệ quả; từ đó là có sự can đảm làm tông đồ, đi ra các vùng ngoại vi, ngay cả đến vùng ngoại vi luân lý của con người để giúp đỡ họ; nhưng xuất phát từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Nếu không có cuộc gặp gỡ này, chúng ta sẽ có một thứ đạo đức giả, giả dạng kitô giáo. Đó là những gì tôi muốn nói từ đáy lòng tôi. Xin cám ơn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

http://phanxico.vn/2022/11/07/bai-hop-bao-cua-duc-phanxico-tren-chuyen-bay-tu-bahrain-ve-roma-ngay-chua-nhat-6-thang-11-2022/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét