Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2022

Nghề in ở Việt Nam và vai trò của ấn phẩm trong công cuộc truyền giáo

 

Nghề in ở Việt Nam và vai trò của ấn phẩm trong công cuộc truyền giáo

      
  •  

NGHỀ IN Ở VIỆT NAM VÀ VAI TRÒ CỦA ẤN PHẨM TRONG CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

WGPQN (05.11.2022) - Lịch sử in ấn ở Việt Nam rất ít được biết đến, mà có biết được điều gì thì cũng không có nghiên cứu nào chuyên sâu về đề tài này để lần tìm về một khởi điểm khả tín dựa vào các tài liệu và những chứng cứ xác thực. “Thư mục của Việt Nam ngày xưa mà trong đó lịch sử và nguồn gốc in ấn liên kết chặt chẽ với nhau dường như không có nhiều. Chiến tranh, những biến động nội bộ, những cuộc xâm lăng ở xứ sở này có khí hậu nhiệt đới ẩm thấp chắc chắn đã giải thích phần nào sự biến mất của những cuốn sách đã được nhất trí ghi nhận từ lâu, kèm theo sự tiếc nuối. Tuy nhiên, sự hiện hữu và đôi khi nội dung của những cuốn sách bị mất đã được nhìn nhận qua nội dung của những tác phẩm được soạn thảo sau này. Đó có phải là sách in hay không? Ta hiếm biết được điều đó.[...] Các yếu tố cho phép lần tìm sự tiến triển của ngành in lên đến tận những chứng cứ đầu tiên quả thật không có gì chắc chắn”.[1]

1. Nghề in mộc bản

Dù rằng nghề in ấn ở Việt Nam được đề cập đến từ năm 1299 trong các thư tịch,[2] vài tác giả chắc chắn dựa vào truyền thuyết để cho rằng nó có trước thời điểm này. Một đoạn ngắn nói về cuộc đời thiền sư Trí Học, được trích dẫn trong tác phẩm cổ nhất của Phật giáo là Thiền uyển tập anh ngữ lục (có lẽ vào khoảng năm 1134), theo đó vị thiền sư này có nghề in khắc gỗ hay mộc bản gia truyền đến ông là đời thứ ba. Dựa vào thông tin này, nhiều người cho rằng nghề in ở Việt Nam đã có từ một thời điểm sớm hơn. Tuy nhiên, dù chưa xác định được thời điểm nào thì cũng có thể nói được rằng kỹ thuật in lúc này là in mộc bản. “Nghề in ở Việt Nam không biết bắt đầu chính xác từ lúc nào, song các ấn bản mộc bản (xylograph) được đề cập đến vào năm 1255 và 1299, và truyền thống gán công lao phổ biến việc in ấn cho nỗ lực của một danh sĩ tên là Lương Như Hộc. Nghề làm giấy cũng không biết từ lúc nào. Lịch sử đầy biến động của Việt Nam và khí hậu nhiệt đới ở đây đã góp phần làm hỏng và phá hủy những cuốn sách khiến cho rất ít tác phẩm thưở ban đầu còn lưu giữ được ấn bản nguyên thủy cho đến ngày nay. Vì tình trạng thiếu may mắn này, dường như phần lớn những ấn bản đầu tiên không xuất hiện sớm hơn hậu bán thế kỷ XVII. Thật vậy, tác phẩm có niên đại xác định là ấn bản năm 1697 của bộ đại chính sử: Đại Việt sử ký toàn thư. Mãi cho đến thế kỷ XIX, kỹ thuật in ở Việt Nam là mộc bản; các con chữ rời mặc dù được biết đến nhưng không sử dụng. In mộc bản là một nghệ thuật hạn chế, phần lớn giới hạn trong vài chùa chiền hay làng mạc ở phía Bắc Việt Nam chuyên làm giấy, mực và nghệ thuật khắc gỗ. Vì thế, những sách in rất hiếm và phương tiện chính để phổ biến các bản văn vẫn là các bản chép tay. Những ấn bản khắc gỗ cổ xưa chỉ mang một dòng chữ như “do thợ khắc gỗ của làng (làng này hay làng kia)”, không có tên người xuất bản.”[3]

Khi các nhà truyền giáo đến Việt Nam, các ngài đứng trước một dân tộc có hai hệ thống chữ viết: chữ Hán của những người học thức mà họ phải dành đến cả nửa đời để học và chữ Nôm của ngôn ngữ phổ thông hằng ngày nhưng xem ra còn phức tạp hơn.[4] Và đại đa số người dân đều không biết viết ngôn ngữ của mình. Vì thế, các nhà truyền giáo mới nảy sinh ý tưởng dùng mẫu tự Latinh để ghi lại âm tiếng Việt: chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ trước hết được các nhà truyền giáo dùng để phục vụ cho công cuộc rao giảng và sau đó dần dần được các ngài dạy cho giáo dân Việt Nam. Hẳn nhiên, khi học và dần tìm cách sáng tạo chữ Quốc ngữ, các ngài vẫn cần có sự giúp đỡ của cư dân bản địa, nhất là những người thường có học thức cao như các thầy dạy học hay thầy giảng. Riêng cha Francisco de Pina lựa chọn các cộng tác viên của mình một cách khá độc đáo và có mục đích. Ngài chọn những người trẻ tuổi bình thường ở chung quanh mình. Lý do là vì những người trẻ tuổi sẵn sàng chấp nhận sự mới lạ của chữ viết mới khác với chữ Hán và không sùng bái hệ thống giáo dục theo khuôn mẫu Trung Hoa như các bậc trí thức thời bấy giờ, và như thế sẽ dễ dàng tách rời khỏi nền văn hóa Trung Hoa. “Trong khi các nhà truyền giáo khác đi tìm những giáo viên có học và có kinh nghiệm để giúp mình, cha Pina quyết định mời những người trẻ xung quanh mình. Lý do sâu xa là như thế này: để cho phép nền văn hóa Việt Nam tiến bộ một cách độc lập, tách khỏi nền văn hóa Trung Hoa, và để có năng lực sáng tạo, cần có những người trẻ, dám cởi mở để chấp nhận sự mới lạ này. Các bạn trẻ này sẽ hoàn toàn thoải mái với cả hai hệ thống chữ viết; như cha Pina viết: “với chữ của họ lẫn chữ của chúng ta”. Ngài còn sợ rằng tâm lý của các bậc thầy hoàn toàn khác: sau khi đã dành nhiều năm nhiều tháng ôn thi để làm quan, họ đã đánh giá quá cao, một cách cứng nhắc, vào sự vượt trội của chế độ giáo dục truyền thống ấy”.[5]

Dù sao, các cộng tác viên giáo dân người Việt vẫn là yếu tố không thể thiếu trong việc hình thành những văn bản đặt nền tảng cho chữ Quốc ngữ và đóng góp tích cực cho công cuộc Phúc âm hóa. “Các văn bản gốc Majorica là dự án tập thể có sự đóng góp của giáo dân người Việt. Hầu như chắc chắn những cộng tác viên của các văn bản này là các thầy giảng, như Peter Phan đã viết trong nghiên cứu của mình về cuốn giáo lý của cha Alexandre de Rhodes. Thầy giảng là những người có học thức, thường có vị trí cao trong cộng đồng trước khi cải đạo. Họ có trách nhiệm dạy giáo lý, thăm bệnh nhân, hướng dẫn các nghi thức phụng tự khi không có linh mục. Trong khi có vài thầy giảng có thể tham gia cộng tác trong các văn bản Majorica thì chỉ có một người được ghi lại tên tuổi là thầy Phanxicô”[6]. Nhưng đây không phải là công việc duy nhất mà ta có thể ghi nhận về thầy giảng Phanxicô. Trong trường hợp này, ngoài việc dạy các thừa sai học tiếng, thầy Phanxicô còn dùng nghề tay trái của mình để giúp các thừa sai soạn thảo và in ấn các sách giáo lý. “Phanxicô, chỉ được biết bằng tên thánh, đã cải đạo vào cuối thập niên 1620 và tiếp tục phụ tá cho Majorica trong công việc mục vụ, sống và cộng tác với ngài trong công việc ghi chép các bản văn.[7] Phanxicô là tu sĩ Phật giáo cấp cao tại Chùa Thành Phao trong vòng 17 năm,[8] và theo vài truyền thống, ông cũng là quan văn trong triều.[9] Ông chính thức được phong làm một trong ba thầy giảng đầu tiên của Đàng Ngoài vào năm 1630 và phục vụ miền truyền giáo ít nhất là một thập niên sau đó.[10] Hầu như chắc chắn rằng ông cũng là thầy giảng mà Gaspar d’Amaral đề cập đến trong tường trình thường niên về Đàng Ngoài năm 1632, khi ngài nói rằng một thầy giảng người Việt tên là Phanxicô chịu trách nhiệm “in ấn (empressão) những cuốn sách thông dụng và sách giáo lý cho những người quan tâm tìm hiểu luật thánh của chúng ta”. Theo d’Amaral[11] thì Phanxicô là người “hay chữ” và thành thạo kỹ thuật in mộc bản”.[12]

2. Vai trò của ấn phẩm trong việc truyền giáo

Trong giai đoạn tiền hình thành chữ Quốc ngữ, chữ “Hán” vẫn được xem là chữ “thánh hiền”, đặc biệt được coi trọng ở Đàng Ngoài. Những tờ sớ được viết bằng chữ Hán dù rằng ít người đọc được thứ chữ này. Những người không viết được đôi câu đối trong nhà ngày tư ngày tết phải đi “xin” chữ. Rõ ràng chữ Hán được sùng bái cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. “Các nhà truyền giáo Dòng Tên rõ ràng đã ý thức được sự thần kỳ của các tác phẩm được viết bằng chữ “Hán”, chữ viết này được đặc biệt sùng bái ở Đàng Ngoài. Vào năm 1632, cha Majorica và Bernardino Reggio đã lập một nhà in ở Đàng Ngoài để in sách giáo lý của cha Matteo Ricci và cuốn hộ giáo của cha Francesco Buzomi.[13] Năm 1630, Antonio Cardim thuật lại rằng các thầy giảng Phanxicô và Inhaxiô đã chinh phục một tu sĩ Phật giáo khi đưa cho ông cuốn giáo lý của cha Ricci. Cardim mô tả “thẩm quyền” của các sách chữ Hán ở Đàng Ngoài và đề nghị in thêm các cuốn giáo lý của cha  Ricci và João Soeiro.[14] Ông giải thích rằng: “Đôi khi những người ngoại giáo nói với các giáo dân rằng họ không có sách vở gì để chứng minh cho luận thuyết và lề luật mà họ tuyên xưng, nhưng khi đưa cho họ sách vở từ Trung Hoa thì họ không nói gì nữa. Nhiều trí thức đã trở thành Kitô hữu chỉ vì xem sách vở từ Trung Hoa”.[15] Đôi khi, dường như những bản văn như thế lại có tầm quan trọng như bùa chú hay biểu tượng cho thẩm quyền tâm linh hơn là những chữ nghĩa chứa đựng trong đó. Chẳng hạn, cha Alexandre de Rhodes thuật lại chuyện một tu sĩ Phật giáo ở Đàng Ngoài đã có một cuốn sách Kitô giáo. Cha của ông đã có được nó khi tháp tùng một quan sứ đến triều đình Trung Hoa.[16] Và cuốn sách này đã được để lại cho ông sau khi người cha qua đời. Mặc dù không hiểu nội dung cuốn sách, nhưng cả hai đều giữ nó cẩn thận trong “hòm””.[17] Cha Peter Phan còn xác định thêm rằng: “Mặc dù cha de Rhodes không nói tên tác giả cũng như tựa đề cuốn sách, nhưng không nghi ngờ gì đó là cuốn Thiên Chủ Thực Nghĩa (T’ien-chu Shih-i) của cha Ricci.[18] Vị tu sĩ Phật giáo này đã giữ cuốn sách trong ba mươi năm trước khi đưa nó cho cha de Rhodes xem vào khoảng năm 1629/1630, điều này cho phép xác định rằng cha của ông ấy đã nhận được cuốn sách vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XVII. Cuốn giáo lý của cha Ricci[19] được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1603 ở Bắc Kinh, sẽ là quà tặng quý giá cho thành viên của đoàn sứ Việt Nam”.[20] 

Soạn thảo những bản văn để dạy giáo lý là một nhiệm vụ tế nhị đối với các nhà truyền giáo vì dù có tài năng về ngôn ngữ đi nữa thì họ cũng không diễn tả trọn vẹn tư tưởng phương Tây bằng ngôn ngữ phương Đông. Vì thế các nhà truyền giáo thường dựa vào các tác phẩm viết bằng tiếng Trung Hoa trước đó, dịch hoặc sửa đổi lại để thích ứng. Thật dễ dàng hơn khi chuyển từ một ngôn ngữ phương Đông này sang một ngôn ngữ phương Đông khác hơn là chuyển từ tiếng Pháp hay tiếng Latinh sang một tiếng phương Đông khác. Đó là điều đã xảy ra ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Người ta cũng cho rằng cuốn “Phép giảng tám ngày” của cha Đắc Lộ được viết dựa theo cuốn Thiên Chủ Thực Nghĩa     của cha Matteo Ricci, xuất bản năm 1603.

Trong công cuộc truyền giáo, các thừa sai đã chú trọng rất nhiều vào vai trò của những văn bản hay đơn giản là sách, từ các sách giáo lý, Phúc âm, Hạnh các thánh cho đến Gương Chúa Giêsu.... Sách có tầm quan trọng trong cuộc canh tân Công giáo vào thế kỷ XIX và khẳng định vai trò của mình trong việc truyền giáo của các thừa sai đầu tiên ở Trung Hoa và Nhật Bản. Một phần quan trọng không nhỏ được dành cho các sách hộ giáo để tự biện minh trước các tôn giáo của phương Đông, chẳng hạn như cuốn Biện phân tà chánh hay Hội đồng tứ giáo .... Nhiều phương pháp hộ giáo đã được sử dụng: phương pháp của cha Ricci là tìm xem Công giáo có điểm gì chung với Đạo Khổng và như thế làm cho cuộc đối thoại trở nên dễ dàng, nhưng nó có nguy cơ làm lu mờ đi các tín điều Kitô giáo và dễ dẫn đến khuynh hướng tổng hợp tôn giáo (syncrétisme). Một phương pháp khác là tự chứng minh bằng những lý thuyết Kitô giáo. Phương pháp thứ ba có tính tấn công và phản bác những niềm tin sai lạc. Tuy nhiên, một thừa sai và một bản văn có thể sử dụng cả ba luận chứng chứ không hẳn chỉ một phương pháp bài bác. Ngoài ra, “Sách là một phương thế hữu hiệu đáp ứng được ba mục đích của Hội truyền giáo hải ngoại Paris: thành lập hàng giáo sĩ bản xứ, chăm sóc các tân tòng và cải đạo lương dân. Nó cung cấp cho các chủng sinh miền truyền giáo nền tảng đào tạo cần thiết. Nó được dùng để dạy giáo lý và nuôi sống đời sống thiêng liêng cho giáo dân. Cuối cùng, nó cho phép quảng bá giáo lý ở những nơi mà các thừa sai không thể đến được. Tầm quan trọng của nó càng lớn lao hơn khi mà người phương Đông tôn thờ chữ nghĩa. Như vậy, sách là phần chính yếu trong công việc tông đồ và truyền giáo, có một vai trò quan trọng.”[21]

Để xuất bản các tác phẩm, ban đầu các thừa sai gởi in ở những nơi khác khi chưa tổ chức được những cơ sở in riêng của địa phận. Đối với các cơ sở in mộc bản thì hệ thống tổ chức đơn giản hơn nhiều, chỉ cần những tay thợ khắc lành nghề, còn nguyên vật liệu thì có thể tìm kiếm được ở bất kỳ nơi đâu. Hệ thống này rất hiệu quả và uyển chuyển nên dễ dàng xoay xở trong những cơn bách hại và có thể tái lập được ngay sau bách hại.

Mặc dù rất bận rộn với công việc mục vụ, mối bận tâm ưu tiên của các chủ chăn là giáo huấn những chân lý cứu rỗi bằng sách vở, nhất là sách giáo lý dành cho giáo dân. Thời Đức cha Jacques-Benjamin Longer Gia (1752-1833), ở Tây Đàng Ngoài, sách giáo lý chỉ là những bản viết tay đầy những lỗi do bất cẩn của người sao chép. Đức cha de Gortyne, nhờ sự giúp đỡ và ý kiến của các thừa sai khác, đã soạn thảo một cuốn giáo lý. “Ở Đàng Ngoài lúc này chỉ có một nhà in của lương dân, và tất cả ấn phẩm từ nhà in này chất lượng rất kém. Đức cha de Gortyne sai các thầy giảng in sách của mình. Thay vì những tấm mộc bản mà trên đó người Hoa và người Đàng Ngoài khắc những gì họ muốn, ngài bảo các thầy giảng đẽo và khắc những con chữ rời và di động, có thể dùng lại để in những tác phẩm khác. Công việc này gặp khó khăn trong ngôn ngữ không được viết bằng mẫu tự alphabet. Các con chữ khắc trên gỗ cứng như hoàng dương (bluis). Thế nên ấn phẩm rõ ràng sắc nét hơn nhà in của lương dân. Từ đó, với phương pháp in ấn này, Đức cha de Gortyne đã cho in nhiều sách khác.”[22]

Nhà in hiện đại chỉ được lập tại Việt Nam thời Pháp thuộc. “In typo kiểu phương Tây được đưa vào Đàng Trong năm 1862 và Đàng Ngoài năm 1883 với các công báo (Bulletin officiel de l’Expédition de la Cochinchine, Bulletin du Comité d’Etude Agricole, Industrielle et Commerciale de l’Annam et du Tonkin …). Nhưng chính sự cất cánh của chữ Quốc ngữ mới đưa đến sự phát triển của kỹ nghệ in ấn phát hành sách báo. Một trong những nhà xuất bản đầu tiên của Việt Nam dường như là ông Đinh Thái Sơn, một cựu nhân viên của Nhà in Tân Định (Saigon). Cuối thế kỷ XIX, người ta mở nhà sách Phát Toàn rồi đến ông Lê Phát An mở Imprimerie de l’Union để cạnh tranh với các nhà xuất bản Pháp ở Saigon như Rey et Curiol, Claude, etc… Nhà xuất bản đầu tiên ở miền Bắc là Schneider, hoạt động từ năm 1883, và sau này nhận được sự cộng tác của ông Nguyễn Văn Vĩnh…. Về lãnh vực xuất bản báo chí, con số 428 tờ báo xuất hiện từ năm 1932 đến 1945, so với 97 tờ trong khoảng từ 1865-1930, đủ đã nói lên rất nhiều.”[23] 

 Nguồn: gpquinhon.org



[1] Christiane Pasquel-Rageau, “L’imprimerie au Vietnam: de l’impression xylographique traditionnelle à la révolution du quôc-ngu (XIIIe–XIXe siècle)”, Revue Française D’histoire Du livre, n°43, 1984

[2] “Năm 1299, vua Trần Nhân Tông truyền in các tài liệu Phật giáo pháp sựĐạo trường tân văn và Công văn cách thức”, Annales Complètes du Vietnam, tome II, éd. Académie vietnamienne des Sciences sociales, Hanoï 1998, tr. 78.

[3] Nguyễn Thế Anh, “Vietnam”, trong Patricia Herbert, Anthony Crothers Milner, South-East Asia: Languages and Literatures: a Select Guide, University of Hawaii Press, tr. 82

[4] Vài nhà nghiên cứu cho rằng người Việt đã có chữ viết trước thời kỳ xâm lược của Trung Hoa. Những hình ảnh trên trống, trên rìu đồng, trên mu rùa, văn bia ….  Đây có thể là những ký hiệu quy ước mà người Việt cổ dùng để viết ngôn ngữ của mình. Loại chữ tượng ý giống hình con nòng nọc này gọi là “Khoa đẩu tự”. Tuy nhiên, giả thiết này thiếu chứng cứ lịch sử nên ít nhận được sự đồng tình của các nhà nghiên cứu. Xem thêm Lê Trọng Khánh, Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ, Viện văn hóa, 1986.

[5] Roland Jacques, “Vài suy niệm về Francisco de Pina và những bước đầu tiên trong việc hình thành chữ Quốc ngữ”, Bài tham luận  tại Hội thảo  “Di sản do (những giáo sĩ) Dòng Tên Bồ Đào Nha để lại ở Việt Nam”, Museu São Roque – Lisboa, 24.10.2019, (Bản tiếng Việt của chính tác giả).

[6] Brian Ostrowski, “The rise of Christian Nôm literature in seventeenth-century Vietnam: Fusing European content and local expression”, trong Wynn Wilcox, Vietnam and the West: New Approaches, Ithaca, New York: Cornell University, Southeast Asia Program, 2010. tr. 27-28

[7] Có sự bất đồng ý kiến trong các nguồn nói về việc Phanxicô cải đạo ra sao và khi nào. Theo Philiphê Bỉnh, “Truyện Nước Annam Đàng Ngoài chí Đàng Trong, Quyển thứ I, Nói sự Đàng Ngoài”, tr. 28-30, thì Majorica đóng vai trò quan trọng trong việc cải đạo của Phanxicô. Philiphê Bỉnh viết rằng Majorica khi còn ở Hà Nội, ngài được Chúa Trịnh gọi đến triều đình để tham gia tranh luận với 10 nhà sư Phật giáo của vương quốc. Phanxicô, “Sư hòa thượng thứ nhất”, được cho là đã bị các lý luận của Majorica thuyết phục nên đã học đạo và được rửa tội. Tuy nhiên, Alexandre de Rhodes, trong Histoire du Royaume de Tunquin (Lyon: Jean Baptiste Devenet, 1651), tr. 188-89, nói rằng Phanxicô đã cải đạo sau khi dự một trong các khóa giảng thuyết của ngài ở Đàng Ngoài khoảng từ năm 1628 đến 1630, trước khi Majorica đến. Nhìn câu chuyện này dưới truyền thống văn chương Kitô giáo Việt Nam, dường như câu chuyện tranh luận ở triều đình chúa Trịnh có lẽ là một ngụy tạo. Vào thế kỷ XVII, nhiều truyền thuyết về tài năng của các nhà giảng thuyết Kitô giáo phản bác được sự công kích của các đối thủ Phật giáo và Khổng giáo đã trở nên phổ biến trong giới văn nhân Kitô giáo. Tác phẩm phổ biến nhất trong mạch này là cuốn “Hội đồng tứ giáo” thuật lại cuộc tranh luận giữa các thủ lãnh Phật giáo, Kitô giáo, Khổng giáo và Đạo giáo. Tuy nhiên, câu chuyện này trước hết có tính bút chiến và dường như không có nền tảng trong sự kiện lịch sử. Câu chuyện cuộc tranh luận của các cha Dòng Tên ở cung chúa Trịnh vào đầu thập niên 1630 có lẽ chỉ là dị bản sơ thời của câu chuyện này. (chú thích của Brian Ostrowski)

[8] Alexandre de Rhodes, Histoire du Royaume de Tunquin, tr. 189.

[9] Chi tiết này chỉ có trong Philiphê Bỉnh, “Truyện Nước Annam Đàng Ngoài chí Đàng Trong, Quyển thứ I, Nói sự Đàng Ngoài”, tr. 28-30, trong khi cha Alexandre de Rhodes không nói ông phục vụ trong bộ máy quan lại Đàng Ngoài. 

[10] Alexandre de Rhodes, Histoire du Royaume de Tunquin, tr. 255-56; Trương Bá Cần, “Lịch sử phát triển Công giáo Việt Nam”, chương IX, Công giáo và Dân tộc 56 (8/1999): 116.

[11] Gaspar d’Amaral, bản thảo chưa xuất bản của Biblioteca da Ajuda, bộ sưu tập Jesuítas na Ásia, vol. 49/V/31, fol. 219v, được trích dẫn trong Roland Jacques, Portugese Pioneers of Vietnamese Linguistics (Bangkok: Orchid Press, 2002), tr. 78-79.

[12] Brian Ostrowski, “The rise of Christian Nôm literature in seventeenth-century Vietnam: Fusing European content and local expression”, trong Wynn Wilcox, Vietnam and the West: New Approaches, Ithaca, New York: Cornell University, Southeast Asia Program, 2010. tr. 27-28

[13] Ruiz-de-Medina, “Vietnam” trong Diccionario Historico de la Compania de Jesus, 4:3957, Rome: Institutum Historicum Societas Jesu, 2001. Tuy nhiên, cơ sở in này đã bị phá hủy ngay trong năm đó.

[14] Antonio Cardim, “Annua de Tunkim do anno de 1630,” May, 1630, Biblioteca da Ajuda, Lisbon (BA), Jesuítas na Ásia (JnÁ), 49-V-31, ff. 31r

[15] Antonio Cardim, Sđd.

[16] Matteo Ricci đã nói đến món quà là cuốn sách giáo lý bằng tiếng Hán tặng cho quan sứ Đại Việt đi sứ Trung Hoa vào năm 1585. Xem Ricci,  Storia dell’Introduzione dell Cristianesimo in Cina, ed. Pasquale M. D’Elia  (Rome, 1942-9), 1:262

[17] Tara Alberts, “Catholic Written and Oral Cultures in Seventeenth-Century Vietnam”, trong Journal of Early Modern History, 16 (2012) 383-402, tr. 391

[18] Tác giả Nguyễn Hồng cho rằng đó là cuốn giáo lý của Michel Ruggieri. Xem Nguyễn Chí Thiết, Le Catéchisme du Père Alexandre de Rhodes et l’âme Vietnamienne. Nhưng tôi (Peter Phan) cho rằng đó là cuốn của Matteo Ricci.

[19] Một khó khăn khi đồng hóa cuốn sách của vị tu sĩ Phật giáo với tác phẩm của cha Ricci là lời dẫn “tên thánh Giêsu viết bằng đại tự trên trang đầu tiên (không phải trên trang bìa) của cuốn sách”. Tựa đề cuốn sách của Ricci là T’ien-chu Shih-i  và không có chữ Giêsu. De Rhodes không nói rằng từ Giêsu được in (printed) trên trang đầu nhưng được “ghi dấu” và vẽ bằng đại tự trên đó. Có thể là người tặng sách của Ricci cho cha của vị tu sĩ kia đã “ghi dấu” hay “vẽ” từ Giêsu lên trang đầu cuốn sách như là một phần của lời đề tặng. Dù sao, tôi không biết được có cuốn sách giáo lý nào bằng tiếng Trung Hoa xuất bản trước năm 1600 mà có từ “Giêsu” trong tựa đề. Pietro Braido ghi chú rằng cuốn T’ien-chu Shih-i  không phải là cuốn giáo lý đúng nghĩa, cuốn giáo lý được sử dụng ở Trung Hoa là bản dịch cuốn Doutrina, do Joao da Rocha, S.J. dịch, nhưng không cho thông tin về tựa đề đầy đủ của nó bằng tiếng Trung có chứa từ Giêsu (xem Lineamenti di storia della catechesi e dei catechismi, 129). Thật ra, da Rocha truyền giáo ở Nam Kinh vào năm 1600, và dịch sang tiếng Trung cuốn giáo lý của Marco Jorge, S.J., và xuất bản năm 1619. Trong trường hợp này thì cuốn sách xuất hiện khoảng 20 năm sau khi đoàn sứ Việt Nam đến Bắc Kinh. (chú thích của cha Peter Phan)

[20] Phan, Peter C., Mission and Catechesis: Alexandre de Rhodes & Inculturation in Seventeenth-Century Vietnam, Orbis Books,  2015

[21] Véronique Delcourt, L’apostolat par le livre dans l’Extrême-Orient des missions-étrangères au XIXe siècle, d’après la correspondance, thèse de doctorat, École national des chartes, Université PSL (Paris Sciences & Lettres), 2003.

[22] Annales de la propagation de la foi, tập 6, 1833, tr. 38-39.

[23] Nguyễn Thế Anh, “Introduction à la connaissance de la Pénisule Indochinoise: Le Vietnam”, trong tạp chí Dòng Việt, California, 1993, tr. 128.


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nghe-in-o-viet-nam-va-vai-tro-cua-an-pham-trong-cong-cuoc-truyen-giao-46758

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét