Còn Chăng Một Lương Tâm Công Giáo?
Lm. Phaolô Nguyễn Văn Tùng
Hán Việt Từ Ðiển của ông Nguyễn văn Khôn, định nghĩa LƯƠNG TÂM là “lòng thiện mà người ta sẵn có"(trg. 567). Nhưng nhân loại ngày nay lại có một cá tính chung là người ta không muốn bất cứ ai có quyền trên mình. Người ta chỉ muốn hoàn toàn được tự do quyết định mọi việc; người ta ghét bỏ thẩm quyền (authority) và mệnh lệnh, đặc biệt nhất là người ta đã có một ý niệm lạ lùng về lương tâm cá nhân và tạo cho nó vai trò của một vị thần, thần tự do.
Trong thâm tâm của con người, vấn đề tự do của lương tâm mang một huyền thoại là nó luôn luôn tốt đẹp; còn thẩm quyền luôn luôn phải mang một ấn tượng là đàn áp và đè nén. Trong giáo hội, nhất là ở phương Tây, nhiều người không còn muốn vâng lời Linh Mục, Giám Mục, hay cả Ðức Giáo Hoàng. Người ta cãi lại: “Nhưng chúng tôi vâng lời Chúa.” Nhưng Chúa không trực tiếp nói chuyện với chúng ta. Người ta có thể tưởng tượng Chúa nói chuyện với mình qua ý niệm sai sai lầm về “lương tâm.” Nhưng “lương tâm” trong trường hợp này thường mang ý nghĩa là cảm giác chủ quan của con người, tách biệt khỏi bất cứ sự tìm kiếm chân lý nào.
Trong khi đó, Chúa mời gọi chúng ta nghe theo những giáo huấn của Ngài và những giảng dạy của giáo hội, nhất là người ta phải HÌNH THÀNH LƯƠNG TÂM CỦA MÌNH THEO NHỮNG GIÁO HUẤN ĐÓ.
Trong sách Nhị Luật (Deuteronomy 18:15-20), Chúa đã sai một tiên tri có giáo huấn nhiều thẩm quyền như Mô-sê (Moses) đến với dân chúng. Lời của Chúa được thể hiện qua miệng lưỡi của tiên tri ấy bởi vì dân chúng Do Thái lúc bấy giờ đã sợ sự “hiện hình” (Theophany) ở núi Sinai. Họ “không thích” nghe những tiếng sấm vang, sét dậy, và thấy lửa rực lên như thế nữa. Họ đã sợ “tiếng của Chúa” qua những hiện tượng thiên nhiên như vậy, họ nài xin ông Mô-sê cầu cùng Chúa ngưng những hiện tượng “đáng sợ” ấy lại và họ chỉ muốn Chúa nói chuyện với họ qua ông Mô-sê mà thôi. Từ đó, lời của Chúa đã được dân chúng đón nhận qua miệng lưỡi của những “đấng làm thày” (Rabbis).
Chính Chúa Giêsu, trong Phúc Âm thánh Mát-thêu (23:1-3), cũng dạy dân chúng về những Kinh Sĩ (Scribes - có người còn dịch là luật sĩ, thày thông luật, tiến sĩ luật, ký lục, hay thậm chí là kinh sư), đây là những người chuyên sao chép lại bộ Cựu Ước (thuở ấy nhân loại chưa có máy in) và họ còn được được phép giảng dạy về những lề luật của Chúa. Thứ hai là các Biệt Phái (Pharisees, có người còn phiên âm qua tiếng Việt là Pha-ri-siêu), những “chuyên gia” về kinh Torah (tiếng Hi Lạp là Pentateuch, dịch qua tiếng Việt là Ngũ Kinh. Gồm 5 quyển sách đầu tiên của bộ Cựu Ước), đồng thời họ cũng được phép diễn giải lề luật của Chúa. Những người này rất được dân chúng trọng vọng, họ “ngồi trên ngai của Mô-sê”, nhưng đa số có cuộc sống giả hình (hypocrites), nên Chúa đã dạy: “Hãy nghe những gì họ giảng dạy, nhưng đừng theo những việc họ đã làm.” (Mát-thêu 23:3)
Trong thời của Chúa Giêsu, dân chúng vẫn tiếp tục chấp nhận thẩm quyền. Thẩm quyền đem đến cho họ sự bình an trong tâm hồn vì qua đó họ biết chắc được Thánh Ý của Chúa. Ngày nay, người ta đã cho thẩm quyền một ý nghĩa sai lầm cũng như người ta đã cho sự tự do của lương tâm một ý nghĩa sai lầm. Lương tâm không phải là một cảm giác hay tình cảm; nó không phải là ước muốn chủ quan của con người để làm chuyện này hay không làm chuyện khác; lương tâm không phải là “điều mà mọi người đều làm”; lương tâm cũng không phải là tiếng nói nho nhỏ trong thâm tâm bảo chúng ta về điều này hay điều khác.
LƯƠNG TÂM LÀ MỘT PHÁN ÐOÁN THỰC DỤNG VỀ ÐIỀU LÀNH HAY ÐIỀU DỮ
Ðể có được một phán đoán chính đáng, người ta phải tìm cho được sự thật khách quan của vấn đề, độc lập hẳn với cảm giác và sự xúc động của mình. LƯƠNG TÂM, trước tiên, là TÌM KIẾM SỰ THẬT LUÂN LÝ. Mọi người đều được sinh ra với ước muốn làm điều lành tránh điều dữ (ai cũng biết câu “Nhân chi sơ tính bổn thiện”). Ðiều đáng khao khát nhất về đời sống luân lý của con người là tìm và biết được sự lành, chẳng hạn như biết được sự thật.
Trước khi quyết định về một vấn đề, người ta phải trải qua một tiến trình tự thấu hiểu về chân lý đạo đức. Chân lý hay sự thật đạo đức không phải được cấu tạo bởi những gì người ta nói, hay ảnh hưởng bởi xã hội, hoặc áp lực của số đông, nhưng bởi LUẬT TỰ NHIÊN VÀ LỀ LUẬT CỦA THIÊN CHÚA. Giáo hội đã được ủy thác diễn giải cách chân chính về cả hai lề luật đó. Sứ mạng về thẩm quyền giáo huấn của giáo hội là minh chứng chân lý của Chúa để mọi người theo và có những quyết định luân lý chính đáng.
Con người trong xã hội ngày nay đang có một quan niệm lạ lùng đến phạm thánh là nếu người ta nghe theo “tiếng lương tâm” thì người ta chắc chắn sẽ lên thiên đàng. Nói cách khác, người ta không cần phải tìm kiếm điều đúng và thật mà vẫn có thể lên thiên đàng.
Ðó là một lỗi lầm vô cùng quan trọng, đưa đến quan niệm sai lầm về sự tội. Cùng một ý niệm đó, người ta có thể giải thích rằng Hitler và bọn tội phạm của Ðệ Tam Quốc Xã Ðức trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến đều đã lên thiên đàng, vì họ đã đi theo “tiếng lương tâm” của họ. Phạm sự thánh! Hitler và đồng bọn có thể có niềm tin vào những việc họ đã làm, nhưng họ đã có thể và nên biết sự thật luân lý của những việc đó, thí dụ như việc tàn sát dân Do Thái vô tội là sai. Vì vậy họ đã có tội.
Trước khi có một quyết định, người ta bắt buộc phải tìm kiếm sự thật luân lý khách quan. Chỉ sau đó người ta mới có tự do và bình an nghe theo tiếng lương tâm của mình. Một người chỉ có thể lên thiên đàng nếu người ấy chân thành và cố gắng nghe theo một lương tâm đã chỉ bảo cho anh/chị ta cách rõ ràng về điều đúng và thật. Như vậy, “thẩm quyền” ở đây có thể được xem như một điều hữu ích và cụ thể. Thẩm quyền giáo huấn của giáo hội giúp chúng ta đạt được những quyết định luân lý chính xác. Ðó là một điều cao quí và là sự giải thoát.
Trong thập niên 1960's, người ta đã nói nhiều đến tự do chủ nghĩa (libertinism), và người ta bảo nhau rằng mỗi người là một giáo hoàng cho chính mình, không ai có quyền bảo họ điều nào là đúng, điều nào là sai. Nhưng trong thâm tâm của mỗi người, ai cũng khao khát một “hướng dẫn viên” có thẩm quyền giúp mình quyết định trong những trường hợp khó khăn.
Ðức Kitô vẫn luôn giảng dạy với thẩm quyền. Chúng ta cần lắng nghe tiếng của Ngài trong giáo hội. Cũng không nên quên rằng Chúa không những rao giảng điều chính đáng, Ngài còn ban ơn sức mạnh cho chúng ta thực hiện được điều chính đáng ấy. Chúa kêu mời chúng ta theo Ngài qua đời sống luân lý, Ngài muốn chúng ta đi ngược lại những điều sai quấy mà xã hội đã cho là chấp nhận được, thí dụ như việc phá thai. Ðiều này có nghĩa mặc dù xã hội “cho phép” nhưng nếu điều đó không phù hợp với lề luật của Thiên Chúa thì các Kitô hữu chân chính vẫn phải khước từ. Dù sao, Chúa vẫn luôn luôn tăng sức mạnh và trợ giúp chúng ta nếu chúng ta chạy đến với Ngài.
Thánh Tôma Aquinô (Thomas Aquinas) đã viết rằng bên cạnh lề luật do sự suy tư của con người, đã có nền tảng của “lề luật muôn đời” trong tư tưởng của Chúa. Tất cả những gì đã được Chúa tạo dựng trên thế gian này đã là sự mô phỏng của những gì của chính Chúa. Bởi vì Chúa là Ðấng bất biến, nên mọi sự do Chúa dựng nên cũng bất biến. Lề luật muôn đời trong tư tưởng của Chúa đặt căn bản trên sự tự nhiên của vạn vật khi chúng phản ảnh sự hoàn hảo của Ngài. Lề luật muôn đời dành cho những hành động của nhân loại, đặt căn bản trên sự tự nhiên của hành động của con người, được phản ánh bởi sự hoàn hảo của Thiên Chúa, nhận ra trong con người. Sự phán đoán của suy tư nhân loại về sự luân lý của hành động con người chỉ là sự phản ánh hay sự tham dự của tâm trí con người trong tâm trí bất biến và muôn đời của Thiên Chúa. (Cf. Phần IIa, Chương III: Hạnh Phúc và Luân Lý, trong bộ Summa Theologica).
Sự khác biệt giữa lương tâm “thế tục” và lương tâm luân lý hay lương tâm Công Giáo được ghi nhận rõ ràng qua Phúc Âm theo thánh Gioan (12:1-11). Một môn đệ của Chúa, ông Giu-đa, đã cho việc cô Maria dùng thuốc thơm quí giá mà lau chân cho Chúa Giêsu là phí phạm. Bất cứ hành động hay lời nói nào biểu dương tình yêu Thiên Chúa sẽ luôn luôn bị chống đối bởi những người mà lương tâm của họ đã đặt trên việc phải làm giàu về vật chất thế gian hay tạo dựng vinh quang cá nhân đến tự kiêu của họ. Họ sẽ cho những lời nói hay hành động đó là thách đố hoặc khinh chê họ. Giu-đa đã tỏ ra, một cách giả hình, là ông ta biết lo lắng cho những người cần được giúp đỡ bằng cách trách cứ Maria không biết nghĩ đến người nghèo.
Trong xã hội ngày nay, người ta vẫn có thể tìm thấy những người hoàn toàn “đồng ý” với Giu-đa. Tư tưởng bỏ đi tất cả mọi sự, ngay cả những gì quí giá nhất của một người, để theo Ðức Kitô đã trở thành điều cuồng tín đối với họ. Ngược lại, Maria đã hy sinh món qùa quí giá nhất của cô cho Chúa. Qua sự mặc khải (khai sáng) của Thánh Linh, cô đã nhận ra và theo Chúa. Ðối với Maria, Ngài không chỉ là một thày dạy tốt, một nhà thuyết pháp hùng hồn, hay một nhà đạo đức gương mẫu, Ngài còn cao trọng hơn vì đã là Đấng cứu nhân loại. Cô đã nhận ra điều đó bởi Chúa và trong Chúa. Ðối với cô, Chúa Giêsu xứng đáng với tất cả tình yêu và sự sùng kính của cô. Cô đã thực hiện điều mà sau này thánh Phaolô đã nói: “Tôi coi tất cả mọi sự như đã thua lỗ bất lợi, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi chấp nhận thua lỗ mọi sự và coi là phân bón tất cả, để được Ðức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự công chính riêng của tôi, sự công chính dựa vào lề luật, nhưng là sự công chính nhờ lòng tin vào Ðức Kitô, sự công chính tự Thiên Chúa ban xuống cho lòng tin.” (Phi-lip-pê 3:8-9)
Cũng như Maria, người ta có thể dâng cả cuộc đời cho Chúa Kitô để rồi lại nhận ra sự sống thật mà Chúa trao tặng lại quí giá dường bao. Ngược lại, Giu-đa, kẻ đã sống kề cận bên Chúa suốt ba năm trời, chứng kiến bao nhiêu phép lạ Chúa đã làm, nhất là biết được tình thương bao la của Chúa. Thế mà ông ta vẫn phản bội Chúa! Giu-đa đã sống bằng lương tâm thế tục, hay đúng hơn ông ta đã để cho dục vọng chế ngự thay vì mở lòng đón nhận sự dạy dỗ và linh ứng của Chúa Giêsu. Người ta đã sống bằng dục vọng khi người ta sống ngoài ân sủng và ơn khôn ngoan trong Chúa. Một người sống ngoài ơn Chúa, không sớm thì muộn con tim của người ấy sẽ trở nên khô cằn, lương tâm trong sáng trở nên lu mờ rồi đưa đến lầm lẫn, ngay cả cái “tính bổn thiện” từ thuở sinh ra cũng bị tàn lụi dần, con người của anh/chị ta sẽ trở nên mảnh đất màu mỡ cho Satan xâm nhập.
Qua gương của Giu-đa, người ta có thể học được bài học rằng ngay cả những người qua vẻ bề ngoài tưởng như rất “đạo đức”, “thánh thiện”, nhưng những người ấy vẫn có thể sống ngoài ơn Chúa nếu họ không mở lòng lắng nghe tiếng Chúa và đón nhận ơn sủng của Ngài. Thánh Phaolô đã nhắn nhủ các giáo hữu thành Roma: “Vì vậy một người sẽ trở nên thù nghịch với Thiên Chúa khi người ấy sống theo dục vọng của mình mà không tuân theo lề luật của Chúa, và thật ra người ấy cũng không thể tuân theo được. Những ai sống theo dục vọng của mình thì không thể làm hài lòng Thiên Chúa.” (Rom. 8:7-8)
Ðể tránh trở thành một Giu-đa khác, người ta phải làm sự chọn lựa, ÐỨNG VỀ PHÍA CHÚA, ÐẶT TRỌNG TÂM CỦA ÐỜI SỐNG HẰNG NGÀY VÀO CHÚA từ buổi tinh sương khi thức dậy và luôn luôn trong ngày. Qua việc minh chứng chân lý của Kinh Thánh, “chúng ta cùng chết với Ngài để rồi cùng Ngài sống lại” (Rôma 6:8), chúng ta có thể ngăn cản được sự tấn công của Satan, kẻ làm cho con tim của chúng ta trở nên chai đá, lơ là với Chúa và cuối cùng phản bội lại Ngài.
Giu-đa đã phản bội Đức Kitô vì ông ta đã không để cho chân lý của Chúa thay đổi mình. Một người sống trong chân lý của Chúa sẽ luôn luôn được một lương tâm chân chính và sự bình an trong tâm hồn, qua những hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Ngược lại, nếu chiều theo dục vọng, người ta sẽ trở nên bất an, không hạnh phúc, rồi cuối cùng trở nên vong thân và mất Chúa mãi mãi.
LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng (tổng hợp)
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét