Nhìn lại tương quan giữa Phẩm trật và Đặc sủng để hiệp hành
NHÌN LẠI TƯƠNG QUAN GIỮA PHẨM TRẬT VÀ ĐẶC SỦNG ĐỂ HIỆP HÀNH
Nữ tu Lê Loan
Dòng Nữ Vương Hòa Bình
WHĐ (26.11.2022) - Trong Văn thư Iuvenescit Ecclesia gửi các Giám mục của Giáo hội Công giáo về tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng đối với đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định rằng: ‘Giáo hội tự trình bày mình như “một dân được làm nên một với sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,” trong đó, mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng xuất hiện như được điều hướng vào việc tham dự trọn vẹn của các tín hữu vào sự hiệp thông và sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo hội.’[1] Trong tài liệu ‘Synodality in the Life and Mission of The Church’ (‘Tính Hiệp hành trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo hội’), Ủy ban Thần học Quốc tế trực thuộc Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng khẳng định rằng trong tiến trình hiệp hành, cần phải có một sự cổ vũ có tính quyết định đối với nguyên tắc đồng thiết yếu (co-essentiality) giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng trong Giáo hội dựa trên giáo huấn của Vatican II. Điều này kéo theo việc bao gồm các cộng đoàn thánh hiến, cả nam lẫn nữ, các phong trào và cộng đoàn giáo hội mới. Tất cả các cộng đoàn này, mà nhiều cộng đoàn trong đó đã hiện hữu nhờ sự thúc đẩy của các đặc sủng được Chúa Thánh Thần ban cho để đổi mới đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, có thể cống hiến nhiều kinh nghiệm quan trọng về cách tiếp cận hiệp hành trong đời sống hiệp thông và về sự năng động của việc phân định cộng đồng ở trung tâm của cuộc sống của họ, cũng như các kích thích để khám phá các phương pháp truyền giảng Tin Mừng mới.[2]
Trong tinh thần này, chúng ta cùng nhìn lại tương quan giữa phẩm trật và đặc sủng trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Trước khi đi vào vấn đề chính, chúng ta sẽ tìm hiểu đôi nét về đặc sủng, một chiều kích của Giáo hội dường như bị quên lãng trong những tài liệu của huấn quyền trong một thời gian khá dài, đã được Công đồng Vatican II tái khám phá.
Phẩm trật và Đặc sủng - đồng thiết yếu trong đời sống Giáo hội Vai trò của Phẩm trật đối với Đặc sủng |
Vatican II - Tái khám phá chiều kích Đặc sủng của Giáo hội
Một trong những điểm đột phá của Công đồng Vatican II là việc tái khám phá chiều kích đặc sủng của Giáo hội. Vatican II là Công đồng đầu tiên của Giáo hội đã sử dụng từ ‘charism’ (đặc sủng) trong các văn kiện của mình.[3] Tuy nhiên, trước khi từ ‘charism’ được sử dụng trong các bản văn của Công đồng thì đã có một cuộc tranh luận quyết liệt giữa các nghị phụ về đặc sủng và phận sự của chúng trong đời sống của Giáo hội.[4] Một quan điểm cho rằng đặc sủng là những ân sủng ngoại thường và kỳ diệu Thiên Chúa ban cho một số tín hữu. Quan điểm này được bảo vệ bởi Đức hồng y Ernesto Ruffini, người đã mạnh mẽ phản đối quan điểm cho rằng đặc sủng được ban rộng rãi cho các tín hữu nhờ đó, họ có thể thực hiện những đóng góp đáng kể vào việc xây dựng Giáo hội. Hơn thế nữa, Đức hồng y Ruffini còn phản đối việc sử dụng từ ‘charism’ vì sợ gây ra những ‘rối loạn’. Theo Đức hồng y Ruffini, đặc sủng đã ngừng sau năm thứ nhất của Giáo hội. Ngài lập luận rằng, ‘Đối với sự tiến bộ của Giáo hội và các việc tông đồ, chúng ta không thể cậy dựa vào những đặc sủng được ban cho các giáo dân, bởi vì đặc sủng... thì rất hiếm và rất ít trong thời đại này.’[5] Để hỗ trợ cho quan điểm của Đức hồng y Ruffini, Đức Tổng Giám mục Ermenegildo Florit cũng phản đối việc sử dụng từ ‘charism’, và gợi ý sử dụng từ ‘gifts’ thay vì ‘charisms’.[6]
Đức hồng y Léon-Joseph Suenens phản đối quan điểm trên. Ngài cho rằng đặc sủng không phải là ân sủng ngoại thường chỉ được ban cho một vài người trong cộng đồng Kitô giáo; nhưng là ân sủng mà Chúa Thánh Thần ban một cách rộng rãi cho tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Trong bài phát biểu của ngài với các nghị phụ Công đồng, Đức hồng y Suenens nhấn mạnh rằng ‘trong phép Rửa Tội, bí tích của đức tin, tất cả các Kitô hữu lãnh nhận Thánh Thần,’ Đấng ‘tỏ mình nơi Giáo hội qua vô số những món quà tinh thần của Người, món quà đó Kinh Thánh gọi là pneumatika (1Cr 12,1; 14,1) hay là charismata (Rm 12,6; 1Cr 12,4.9.28.30 ff; 1Tm 4,14; 2Tm 1,6; 1Pr 4,10).’[7] Ngài khẳng định rằng đặc sủng của Chúa Thánh Thần không chỉ bao gồm các ơn ngoại thường, gây sửng sốt. Bằng những câu hỏi, Đức hồng y Suenens mời gọi các nghị phụ hãy nhìn lại những trải nghiệm mục vụ của họ:
Không phải tất cả chúng ta đều biết rằng các giáo dân, nam cũng như nữ, trong mỗi giáo phận của chúng ta, những người mà chúng ta có thể nói được là, trong một cách nào đó, đã được Thiên Chúa kêu gọi và được phú cho những đặc sủng khác nhau của Chúa Thánh Thần sao? Cho dù trong việc dạy giáo lý, việc truyền bá Tin Mừng, hoặc trong mọi lãnh vực hoạt động công giáo hoặc trong các công tác xã hội và từ thiện? Chẳng lẽ chúng ta không biết và không nhận thấy trong kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta rằng các hành động của Chúa Thánh Thần vẫn hiện hữu và tồn tại trong Giáo hội sao?[8]
Đức hồng y Suenens lập luận rằng đặc sủng được ban cho các tín hữu trong những sinh hoạt hằng ngày của họ. Nếu không có những đặc sủng, đời sống của Giáo hội sẽ không sinh hoa trái và sẽ trở nên nghèo nàn. Ngài nói,
Đặc sủng vẫn tồn tại trong Giáo hội. Nhận ra thực tế này là điều rất quan trọng cho một cái nhìn quân bình về Giáo hội. Đặc sủng không phải chỉ là những hiện tượng ngoại thường hoặc phụ thuộc xảy ra một cách tình cờ cho Giáo hội, nhưng chính là một phần của bản chất Giáo hội. Chúng ta phải tránh việc gây ấn tượng rằng Giáo hội chỉ là một bộ máy hành chính hoàn toàn cắt đứt khỏi ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần.[9]
Đức hồng y Suenens tha thiết mời gọi các nghị phụ của Công đồng đừng nghĩ rằng các cơ cấu phẩm trật của Giáo hội không có liên quan gì với các đặc sủng của Chúa Thánh Thần.[10] Ngài nhấn mạnh rằng trong thời của Thánh Phaolô, những đặc sủng được xem là rất đỗi ‘bình thường’, đã đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của Giáo hội. Bởi vì bất kỳ hành động nào của Giáo hội mà không có ân sủng của Chúa Thánh Thần thì sẽ chẳng có giá trị gì cả.
Với niềm tin rằng Chúa Thánh Thần là trung tâm của Giáo hội và luôn luôn là một sức mạnh cho sự canh tân đổi mới của Giáo hội, Đức hồng y Suenens nài nỉ các nghị phụ của Công đồng hãy chú ý đến, và nuôi dưỡng, những đặc sủng của Chúa Thánh Thần; những đặc sủng được ban cho Giáo hội qua các tín hữu, những người không có vị trí quan trọng trong cơ chế phẩm trật của Giáo hội.[11] Sự can thiệp của Đức hồng y Suenens, cuối cùng, đã giành được sự thành công tại Công đồng. Vai trò của các đặc sủng trong đời sống của Giáo hội đã được thừa nhận, như được chứng minh trong nhiều văn bản của Công đồng, đáng chú ý nhất là trong hiến chế Lumen Gentium:
Hơn nữa, cũng chính Thánh Thần ấy, không chỉ thánh hóa và hướng dẫn Dân Thiên Chúa bằng các bí tích, các chức vụ, và trang điểm họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc các tín hữu “phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài” (1Cr 12,11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo hội như lời chép rằng: “Thánh Thần hiển hiện trong mỗi người hầu mang lại lợi ích” (1Cr 12,7). Phải lãnh nhận những đoàn sủng này, từ các ơn chói lọi nhất đến các ơn thường mà nhiều người lãnh được, với lòng tri ân và yên ủi vì các ơn đó mang ích lợi và phù hợp với nhu cầu của Giáo hội. Nhưng không nên liều lĩnh kêu nài những ơn đặc biệt, và cũng đừng vì đó mà tự đắc mong rằng việc tông đồ sinh kết quả. Những vị thủ lãnh trong Giáo hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và sự sử dụng hợp lý các ơn lạ ấy; các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải khảo sát tất cả, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để giữ lại những điều thiện hảo.[12]
Ở đây, Công đồng nêu rõ tính chất ‘gắn liền’ của các đặc sủng trong đời sống của Giáo hội. Công đồng trình bày đặc sủng như là ‘ân sủng đặc biệt' mà Chúa Thánh Thần ban phát cho các tín hữu thuộc mọi cấp bậc trong Giáo hội tùy theo ý Ngài muốn, để làm cho họ ‘có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo hội.’
Bản chất ‘đặc biệt’ của các đặc sủng xuất phát từ cách thức chúng được ban cho. Trong khi ơn thánh sủng được ban cho các tín hữu ‘thông qua các bí tích và các thừa tác của Giáo hội,’ đặc sủng được ban cho họ bởi Chúa Thánh Thần ‘như Người muốn’ (1Cr 12,11). Cụm từ ‘như Người muốn’ diễn tả các sáng kiến tự do của Chúa Thánh Thần. Đó là, các đặc sủng được ban trực tiếp cho các tín hữu mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của các phẩm trật trong Hội Thánh, và chúng được ban cho một người hoặc cho một số người cách đặc biệt, và không phải tất cả mọi người được ban trong cùng một cách. Những đặc sủng này bao gồm từ ơn rất đặc biệt đến ơn thật đơn sơ và được ban rộng rãi cho nhiều người.
Theo dòng lịch sử của Giáo hội, bên cạnh những đặc sủng được ban cho các cá nhân, chúng ta còn nhận thấy có những đặc sủng được ban cho một nhóm Kitô hữu để cùng thể hiện một cách công khai những sáng kiến của Chúa Thánh Thần. Nét riêng biệt của các đặc sủng này là ‘đặc sủng nhóm’, được thể hiện nơi các dòng tu, tu hội với những quy luật chặt chẽ hay các hội đoàn, phong trào tự phát, các nhóm cầu nguyện và các cộng đồng mới.
Đặc biệt, Công đồng đã đưa một sự phân biệt và liên kết rõ ràng giữa phẩm trật và đặc sủng trong bản văn. Một mặt, đề cập đến ‘các bí tích và thừa tác vụ’, và mặt khác là ‘các ân sủng đặc biệt’ hoặc đặc sủng; cả hai đều đồng thiết yếu trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Chúng ta cùng tìm hiểu.
Phẩm trật và Đặc sủng - đồng thiết yếu trong đời sống Giáo hội
Công đồng Vatican II đã mở ra một hướng mới về giáo hội học - Giáo hội được hình thành, nuôi dưỡng và phát triển bởi cả hồng ân phẩm trật và đặc sủng.[13] Một số thần học gia đã giúp chúng ta hiểu thêm về vấn đề này. Theo cha Karl Rahner, từ ban đầu không có sự đối lập giữa cơ chế phẩm trật và đặc sủng trong Giáo hội, ‘cả trong các bản văn Tân Ước và trong thực tế.’[14] Cùng quan điểm với cha Rahner, Đức hồng y Albert Vanhoye tuyên bố rằng charisma của thánh Phaolô không bao giờ mâu thuẫn với cơ chế phẩm trật.[15] Thánh Phaolô không bao giờ đặt đặc sủng ở một bên và cơ chế phẩm trật ở bên khác, nhưng xác quyết rằng trong Giáo hội, Thiên Chúa đã thiết lập một hệ thống tổ chức cơ cấu phẩm trật cùng với muôn ngàn đặc sủng (1Cr 12,28). Đức hồng y Suenens cũng xác quyết rằng ‘lịch sử Giáo hội lúc khai sinh từng bước cho thấy trong Giáo hội không có sự tách biệt giữa “tổ chức Giáo hội” và “Chúa Thánh Thần”, vì Chúa Thánh Thần là linh hồn và là sự sống của Giáo hội.’[16]
Tuy nhiên, rất tiếc là vào giai đoạn đầu của thế kỷ XX, ‘các nghiên cứu về giáo hội học trong Giáo hội Công giáo Rôma đã tập trung vào các hệ thống cơ cấu phẩm trật được thành lập bởi Chúa Kitô và nhấn mạnh sự khác biệt cơ bản giữa giáo sĩ và giáo dân' nên ‘đặc sủng đã bị coi như là điều thứ yếu hoặc tạm thời.’[17] Theo quan điểm này, Giáo hội được xem như là do Đức Kitô thiết lập với các cơ cấu phẩm trật; và khi các cơ cấu đã được thiết lập xong thì Chúa Thánh Thần mới xuất hiện ‘để thúc đẩy và làm cho các cơ cấu này sống động.’ Đức hồng y Suenens cảnh báo rằng ‘Quan niệm như thế khiến người ta tưởng rằng Thánh Thần thuộc về giai đoạn hai trong việc thiết lập Giáo hội. Đâu phải thế! Thánh Thần, cũng như Đức Kitô, đã lập nên Giáo hội.’[18]
Cha Yves Congar khẳng định rằng Chúa Thánh Thần là Đấng ‘đồng thiết lập (co-institute) Giáo hội’ với Chúa Giêsu.[19] Như vậy, ‘Giáo hội là kết quả sứ mệnh của hai Ngôi Vị Thiên Chúa: sứ mệnh của Ngôi Con nhập thể và sứ mệnh của Ngôi Thánh Thần được gởi đến cho Ngôi Con để cộng đồng nhân loại của các tín hữu trở nên thân thể Đức Kitô và nên bí tích phổ quát của ơn cứu độ.’[20] Nếu Giáo hội là kết quả từ sứ mệnh của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và nếu công việc của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần luôn kết hợp chặt chẽ với nhau thì hồng ân phẩm trật và đặc sủng cũng phải kết hợp chặt chẽ với nhau. Ở đây, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, khi còn là Hồng y Joseph Ratzinger đã đưa ra một sự phân biệt và liên kết chặt chẽ giữa những điều mà ngài gọi là ‘lãnh vực Kitô-nhập thể’ và ‘lãnh vực Thần Khí-đặc sủng’; nói cách khác, giữa cơ chế phẩm trật (các thừa tác vụ và bí tích) và các đặc sủng trong đời sống của Giáo hội. Ngài xác quyết rằng ‘bí tích thuộc về lãnh vực Kitô-nhập thể, cần được bổ sung bởi lãnh vực Thần Khí-đặc sủng.’[21] Theo đó, đặc sủng là một phần thiết yếu và bền vững của đời sống Giáo hội cũng như thể chế của nó vậy. Như vậy, sự tăng trưởng và phát triển đời sống của Giáo hội cũng như việc thi hành sứ mệnh của Giáo hội không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào việc thiết lập các thừa tác vụ và các bí tích, mà còn phụ thuộc vào các đặc sủng - những quà tặng nhưng không và không thể đoán trước của Chúa Thánh Thần, Đấng không bị giới hạn trong các ‘kênh’ được thiết lập trước.
Đức hồng y Suenens giải thích rằng ‘Giáo hội “có cơ cấu” trước tiên không phải là một thực tại pháp lý mà là một thực tại bí tích. Thánh Thần ngự xuống trên những kẻ được Thầy Chí Thánh ủy nhiệm;[22] các đặc sủng không phải là những hiện tượng ngoại vi hay ngẫu nhiên trong đời sống Giáo hội, mà ngược lại chúng có tầm quan trọng thiết yếu đối với việc xây dựng nhiệm thể Đức Kitô.
Đừng bao giờ quên rằng Giáo hội không thể hiện hữu nếu thiếu chiều kích đặc sủng. Phủ nhận chiều kích này không chỉ làm nghèo Giáo hội mà còn phủ nhận luôn cả sự hiện hữu của Giáo hội. Không có chiều kích này, Giáo hội không phải chỉ bị mất một bộ phận nào đó của mình, giống như một người bị mất bàn tay, nhưng sẽ không còn là Giáo hội nữa, vì chính yếu tính của Giáo hội sẽ bị tiêu hủy.[23]
Tương tự như thế, cha Rahner khẳng định rằng cùng với các bí tích và cơ cấu phẩm trật, đặc sủng là điều cần thiết cho đời sống của Giáo hội.[24] Một mặt, Giáo hội đóng vai trò là người chuyển thông những ân huệ của Chúa Thánh Thần qua các bí tích. Mặt khác, ‘các yếu tố thể chế trong Giáo hội... được bao phủ bởi các đặc sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn làm cho Giáo hội trở thành một hệ thống mở ra đến một tương lai nơi mà chỉ một mình Thiên Chúa có thể sắp xếp và định đoạt.’[25] Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc đồng thiết yếu của các hồng ân này: ‘Trong Giáo hội, không hề có xung đột hay đối lập giữa chiều kích thể chế và chiều kích đặc sủng, mà các phong trào là một biểu hiện quan trọng. Cả hai chiều kích này đều đồng thiết yếu với kết cấu thần linh của Giáo hội do Chúa Giêsu thiết lập, vì cả hai cùng giúp làm cho mầu nhiệm Chúa Kitô và công trình cứu độ của Người hiện diện trên thế giới.’[26]
Từ những tìm hiểu trên chúng ta có thể nói rằng mặc dù đặc sủng khác với phẩm trật bởi vì chúng tùy thuộc vào sáng kiến tự do của Chúa Thánh Thần, Đấng ban phát chúng ‘như Người muốn’; sự khác biệt này không có nghĩa là đặc sủng và phẩm trật đối chọi nhau. Cả hồng ân đặc sủng và hồng ân phẩm trật đều phát xuất từ Chúa Thánh Thần,[27] nên cả hai có mối tương quan hỗ tương sâu đậm với nhau để làm cho Giáo hội sống và sống dồi dào. Một điều thú vị cần lưu ý ở đây là chính các phẩm trật cũng mang tính đặc sủng, như Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã giải thích: ‘Trong Giáo hội, các định chế thiết yếu cũng đều có tính đặc sủng và quả thực, các đặc sủng, cách này hay cách khác, đều phải được định chế hóa để có được sự đồng nhất và liên tục. Do đó, cả hai chiều kích đều bắt nguồn từ cùng một Chúa Thánh Thần vì cùng một Nhiệm Thể Chúa Kitô, và cùng làm cho mầu nhiệm và công trình cứu rỗi của Chúa Kitô hiện diện trên thế giới.’[28]
Như vậy, phẩm trật và đặc sủng đồng thiết yếu trong đời sống của Giáo hội vì cả hai đều nhằm xây dựng Giáo hội, nhiệm thể Chúa Kitô. Trong khi phẩm trật do Chúa Giêsu thiết lập là hồng ân được ban qua bí tích truyền chức ‘để chăn dắt và phát triển Dân Thiên Chúa luôn mãi’ hầu ‘mọi người trong đoàn Dân Thiên Chúa đang thực sự hưởng nhận phẩm giá Kitô hữu, có thể đạt đến ơn cứu độ;’[29] thì đặc sủng là ‘ân sủng đặc biệt' mà Chúa Thánh Thần ban phát cho các tín hữu thuộc mọi cấp bậc trong Giáo hội tùy theo ý Ngài muốn, để làm cho họ ‘có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo hội.’[30]
Ở đây cần nói thêm rằng, như là ‘men’, các đặc sủng làm cho Giáo hội thực sự là ‘Giáo hội’.[31] Tuy nhiên chất ‘men’ này có thể gây hỗn loạn nếu chúng không hòa nhập vào hệ thống cơ cấu phẩm trật của Giáo hội; cũng thế, nếu không có chất ‘men’ này thì cơ cấu phẩm trật của Giáo hội sẽ trở nên khô khan, máy móc và thiếu sức sống. Như thế, trong khi những hồng ân phẩm trật giúp cho Giáo hội đi trong trật tự, hồng ân đặc sủng làm cho Giáo hội linh hoạt và sống động. Nói cách khác, đời sống của Giáo hội sẽ mạnh khỏe, sức sống của Giáo hội sẽ dồi dào nếu hai chiều kích đồng thiết yếu này luôn tùy thuộc và hỗ trợ lẫn nhau.
Vậy thì phẩm trật và đặc sủng tùy thuộc và hỗ trợ lẫn nhau như thế nào? Trong bản văn Lumen Gentium 12, Công đồng sử dụng cụm từ ‘như Người muốn', diễn tả các sáng kiến tự do của Chúa Thánh Thần; các đặc sủng được ban trực tiếp cho các tín hữu mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của các phẩm trật trong Hội Thánh. Nhưng tiếp theo đó Công đồng lại nói: ‘Những vị thủ lãnh trong Giáo hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và sự sử dụng hợp lý các ơn lạ ấy; các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải khảo sát tất cả.’ Như vậy, ở đây Công đồng cho thấy vai trò của phẩm trật đối với đặc sủng. Vai trò này là gì, chúng ta cùng tìm hiểu.
Vai trò của Phẩm trật đối với Đặc sủng
Theo Thánh Phaolô, mỗi đặc sủng đều có vai trò riêng của mình trong việc xây dựng Giáo hội và sự phân định thần khí là một trong những đặc sủng (1Cr 12,10). Theo Hiến chế Gaudium et Spes, toàn thể Dân Chúa, cả mục tử lẫn giáo dân, đều có nhiệm vụ phân định những dấu hiệu của thời đại.[32] Tuy nhiên, theo Hiến chế Lumen Gentium, phán quyết về tính xác thực của các đặc sủng thuộc về những người có trách nhiệm trong Giáo hội, tức là, Đức giáo hoàng và các Giám mục.
Là một thực thể hữu hình trên trần gian, Giáo hội ‘được tổ chức như một cộng đồng xã hội.’[33] Cũng như bao cộng đồng xã hội khác, ‘Giáo hội cũng cần có quy chế để xác định căn tính cũng như sự hiệp nhất của mình... Cơ cấu phẩm trật của Giáo hội, vốn có mầm mống từ chính Đức Kitô và được hình thành trong thời các tông đồ, là nhằm bảo đảm căn tính và sự hiệp nhất đó của Giáo hội như là cộng thể những con người trần thế.’[34] Và quyền thẩm định về tính xác thực của các đặc sủng là một trong các chức năng của những vị thuộc phẩm trật trong Giáo hội. Đây là đặc sủng được ban cho các ngài, như Ủy ban Thần học Quốc tế đã xác quyết: ‘Thẩm quyền của các Mục tử là đặc sủng của Thánh Thần Chúa Kitô, Đấng là Đầu, để xây dựng toàn bộ Thân Thể, chứ không phải là một chức năng được ủy nhiệm và đại diện cho dân chúng.’[35]
Liên quan đến vấn đề này, Đức giáo hoàng Phanxicô giải thích rằng tính hiệp hành, như là một yếu tố cấu thành Giáo hội, sẽ cung cấp cho chúng ta một cái khung giải thích thích hợp nhất để hiểu thừa tác vụ của các phẩm trật trong lãnh vực này. Đức giáo hoàng trình bày Giáo hội như ‘một kim tự tháp ngược’, bao gồm toàn thể Dân Thiên Chúa trong đó, người kế vị Thánh Phêrô, có thừa tác vụ chuyên biệt. Nét độc đáo của kim tự tháp này là đỉnh của nó lại nằm ở dưới đáy. Đức giáo hoàng nói:
Chúa Giêsu đã thành lập Giáo hội bằng cách đặt một tông đồ đoàn đứng đầu Giáo hội, trong đó Thánh Tông đồ Phêrô là “đá tảng” (x. Mt 16,18), là người phải “củng cố” các anh em của mình trong đức tin (x. Lc 22,32). Nhưng trong Giáo hội này, như trong một kim tự tháp ngược, đầu nằm dưới chân đế. Do đó, những người thực thi quyền bính được gọi là “thừa tác viên”, vì, theo nghĩa gốc của từ ngữ, họ là người chót nhất trong tất cả. Chính trong việc phục vụ dân Thiên Chúa, mỗi giám mục - đối với đoàn chiên được ủy thác - trở nên người đại diện của Chúa Kitô (vicarius Christí), Đấng đã cúi xuống rửa chân cho các Tông đồ trong bữa Tiệc ly (x. Ga 13, 1-15). Và ở một góc độ tương tự, người kế vị của Thánh Phêrô không là gì khác, nếu không phải là tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa (servus servorum Dei).
Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó! Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, hôm qua, hôm nay và mãi mãi, quyền bính duy nhất là quyền bính phục vụ.[36]
Như vậy, khi Thánh Phaolô đặt đặc sủng tông đồ đứng đầu danh sách các đặc sủng trong Giáo hội: ‘Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy…’ (1Cr 12, 28-30), cũng như khi Công đồng Vaticanô II khẳng định: ‘Trong các ân huệ của Thánh Thần, ân sủng ban cho các Tông đồ đứng hàng đầu: chính Chúa Thánh Thần đặt dưới quyền các ngài cả những người lãnh nhận các đoàn sủng (1Cr 14),’[37] là Thánh Phaolô và Công đồng đều có ý nói về đặc sủng phục vụ của các phẩm trật.
Trong đặc sủng phục vụ này bao gồm trách nhiệm phân định đặc sủng, bởi vì, ‘sẽ là một sai lầm nếu chúng ta cho rằng đặc sủng luôn được ban cho một cách bừa bãi và không thể đoán trước, mà không quan tâm đến trách nhiệm phân định của các Đấng Bản quyền.’[38] Tuy nhiên, nhiệm vụ của những người có trách nhiệm không phải là áp đặt quyền hành trên những đặc sủng, nhưng là để nhận biết và phân định chúng một cách chính xác, đồng thời khuyến khích những người nhận, đó là, tất cả các tín hữu, biết sử dụng chúng một cách hiệu quả. Nhiệm vụ này thật không dễ dàng, nó đòi hỏi một sự phân định khôn ngoan và khéo léo giữa sự tôn trọng quyền tự do hành động của Chúa Thánh Thần và quyền bính trong Giáo hội.
Một trong những tiêu chuẩn để phân định tính xác thực của các đặc sủng là sự hiệp nhất. ‘Chúa Thánh Thần quy tụ cộng đồng (x. 1Cr 12,4; Ep 4,4; 12,6). Nếu, với đặc sủng của mình, có người chia rẽ cộng đồng, làm tan rã hoặc tạo ra một bầu khí chia rẽ và hận thù trong cộng đồng, thì đặc sủng của người đó bị mất đi bản chất của nó và trở thành một điều kỳ dị. Nếu không có sự hợp nhất, đặc sủng trở thành sự phá hoại cộng đồng... Đặc sủng là đặc sủng khi nó liên kết với Thánh Thần của sự hiệp nhất. Đặc sủng, như vậy, ở ngoài tầm với của con người. Nó luôn luôn là ân sủng, ơn được ban nhưng không. Một cá nhân nhận được đặc sủng và chỉ có thể sử dụng đặc sủng ấy một cách hợp pháp khi đặc sủng đó được công nhận là đã được nhận từ và được ban bởi Thánh Thần.’[39] Như vậy, đặc sủng được ban cho vì sự thăng tiến của Giáo hội và cho sự hiệp nhất của nó. Sự đa dạng của các đặc sủng không được làm hại đến sự hiệp nhất của Giáo hội. Một ‘đặc sủng' mà được xác minh là gây ra những xung đột hoặc gây chia rẽ trong Giáo hội thì không thể được coi là đặc sủng của Chúa Thánh Thần.
Tính hiệp nhất của đặc sủng được biểu hiện qua sự phục vụ. Đây là nét thiết yếu để nhận ra sự xác thực của một đặc sủng. Một đặc sủng đích thực không biểu hiện qua các phép lạ nhưng qua sự phục vụ. Đặc sủng phải được sử dụng để phục vụ cộng đồng một cách có ý thức và trách nhiệm.[40] Nói cách khác, đặc sủng ‘luôn luôn được nhìn nhận như là sự phục vụ ..., như là những quà tặng cho một thân thể, được ban cho, xuyên qua các chi thể “vì lợi ích chung”.’[41] Tuy nhiên, trong việc phục vụ vì lợi ích chung, đặc sủng được ban không chỉ giới hạn trong việc xây dựng cộng đồng Giáo hội; chúng phải được vượt qua các ranh giới chật hẹp và những quan niệm đóng khung để phục vụ những nhu cầu của xã hội và thế giới.
Hơn nữa, tính hiệp nhất của đặc sủng còn được biểu hiện qua tình yêu, niềm vui và bình an, là những hoa trái của Chúa Thánh Thần (Gl 5,22). Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: ‘Mỗi món quà của Chúa Thánh Thần nuôi dưỡng và làm cho tình yêu được tăng trưởng, cả trong chính cá nhân người lãnh nhận và trong cộng đồng, và do đó nó tạo ra niềm vui và bình an. Nếu một đặc sủng gây rắc rối và hoang mang, điều này có nghĩa rằng hoặc là nó không phải là một đặc sủng đích thực hoặc là nó đã không được sử dụng một cách đúng đắn.’[42]
Ở đây, chúng ta thấy rằng Giáo hội phải rất cẩn thận khi đưa ra các điều kiện để phân định các đặc sủng, bởi vì Chúa Thánh Thần có quyền ‘thổi’ nơi Người muốn, khi Người muốn và bất cứ lúc nào Người muốn. Theo Đức hồng y Suenens, ‘Khi chúng ta tin rằng một nguồn cảm hứng đến với chúng ta từ Chúa Thánh Thần, chúng ta phải làm theo nó: những gì xảy ra sau đó không phải là trách nhiệm của chúng ta.’[43] Các vị mục tử có nghĩa vụ kiểm chứng và thông báo cho giáo dân của họ về tính chân thực của những đặc sủng và sự đáng tin của những người tuyên bố rằng họ đã nhận được đặc sủng. Điều này được áp dụng đặc biệt trong trường hợp những đặc sủng ngoại thường.[44] Các mục tử nên tuân theo hướng dẫn của Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica, ‘Xem xét mọi điều’ (5,21), nhưng ‘Đừng dập tắt Thánh Thần’ (5,19). Nói cách khác, bởi vì các đặc sủng đến từ sáng kiến tự do của Chúa Thánh Thần, các phẩm trật của Giáo hội không tạo ra đặc sủng; nhiệm vụ của các ngài là nhận ra, chào đón, liên kết các đặc sủng vào sự hiệp thông của Giáo hội và làm cho chúng được triển nở để cùng nhau thi hành sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho Giáo hội.
Phẩm trật và Đặc sủng - cùng thi hành một Sứ mệnh
Từ Công đồng Vatican II đã có sự chuyển biến trong nhận thức về sứ mệnh của Giáo hội, theo đó sứ mệnh của Giáo hội được hiểu là phát xuất từ sứ mệnh của Thiên Chúa (Missio Dei). Chính vì sứ mệnh của Thiên Chúa mà Giáo hội hiện hữu trên thế giới này và vì thế, Giáo hội là cánh tay nối dài của sứ mệnh của Thiên Chúa. Đã có sự thay đổi dần dần từ mô hình một Giáo hội phẩm trật của Công đồng Trentô đến mô hình một Giáo hội ‘hiệp thông’. Qua bí tích Rửa Tội, tất cả các thành viên của Giáo hội được trở thành con cái của Thiên Chúa, được trở nên môn đệ của Chúa Giêsu Kitô và được mời gọi tham gia vào một sứ mệnh duy nhất mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho Giáo hội: đó là loan báo và làm chứng cho Nước Thiên Chúa; đây là ơn gọi phổ quát dành cho tất cả các Kitô hữu thuộc mọi bậc sống trong Giáo hội.
Cũng qua bí tích Rửa Tội, tất cả các Kitô hữu đều được nhận lãnh ‘đặc sủng gốc’ - ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, họ được bước vào một đời sống mới, ‘đời sống Kitô hữu’ và được tiếp nhận vào cộng đồng Giáo hội; chia sẻ cùng một ơn gọi Kitô hữu. Rồi từ nơi đó, họ lại được mời gọi sống ơn gọi cụ thể của mỗi người trong những bậc sống khác nhau - giáo dân, tu sĩ hay giáo sĩ.[45] Từ ‘đặc sủng gốc’ này tuôn chảy ra tất cả các đặc sủng khác tùy theo ơn gọi của mỗi thành viên trong cộng đồng Giáo hội. Lịch sử thần học về đặc sủng và phong trào canh tân đặc sủng Thánh Linh trong Giáo hội cho thấy rằng, những đặc sủng luôn xuất hiện như một cái gì đó thật mới mẻ, tươi trẻ và đáng ngạc nhiên; bởi vì đặc sủng đến từ Chúa Thánh Thần, Đấng ‘luôn luôn tạo ra những bất ngờ.’[46] Người là ‘một vị khách nghịch ngợm, làm náo động những định kiến nơi Người đến và cách Người hành động.’[47] Như là biểu hiện sự tự do tuyệt đối của Thánh Thần, các đặc sủng mang nhiều hình thức khác nhau, hầu đáp ứng cho các nhu cầu đa dạng của Giáo hội và xã hội.
Chính qua các bậc sống và thừa tác vụ khác nhau mà Giáo hội cống hiến cho các tín hữu những phương tiện để đáp lại lời mời gọi mà Thiên Chúa dành cho mỗi người. Lời mời gọi này, đối với mỗi Kitô hữu, hệ tại nơi cuộc sống theo đặc sủng mà họ đã nhận được. Do đó, ‘tất cả những người đã chịu phép Thánh tẩy, những người tham gia vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô, “khi thi hành các đặc sủng đa dạng và phong phú Chúa ban cho theo ơn gọi và thừa tác vụ của họ,” đều là những chủ thể tích cực loan báo Tin Mừng, trong tư cách cá nhân cũng như với tư cách toàn thể dân Chúa.’[48]
Như vậy, trong giới hạn của ngôn ngữ loài người khi diễn tả về mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta có thể nói rằng toàn thể Giáo hội của Chúa được ủy thác với một sứ mệnh duy nhất, đó là sống và loan báo tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại và toàn thể tạo thành được thể hiện nơi cuộc sống và mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh của Chúa Giêsu. Trong tinh thần hiệp thông của những người con Thiên Chúa, tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều có quyền và trách nhiệm phục vụ cho sứ mệnh duy nhất này, mỗi người sẽ thi hành theo một cách đặc biệt - chung hay riêng - tùy theo bậc sống và đặc sủng mà họ đã lãnh nhận.
Thay lời kết
Nếu, như Thánh Irenaeus đã nói, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là ‘đôi bàn tay' của Chúa Cha,[49] thì chúng ta cũng có thể nói rằng các hồng ân phẩm trật và đặc sủng là đôi bàn tay của Giáo hội. Trong khi cùng nhau thi hành một sứ mệnh duy nhất mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo hội, nếu đôi bàn tay này, với những đặc tính khác biệt được nhận ra và trân quý, được phối hợp chặt chẽ và hòa điệu nhịp nhàng với nhau, nhưng không mất đi bản sắc riêng của mình, thì chắc chắn đời sống của Giáo hội sẽ rất phong phú và trở nên một chứng tá sống động cho sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần thế này. Nhờ đó, Danh Chúa sẽ được rạng rỡ vinh quang và con người sẽ được hạnh phúc như lòng Chúa mong ước. Một khi Thiên Chúa được vinh danh và con người được hạnh phúc thì ắt hẳn con đường hiệp hành sẽ trở nên khả thi, sẽ rất “đông vui” và sẽ không còn đâu xa.
Để Thiên Chúa được “biết hơn, tin hơn và yêu mến hơn.”[50]
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 130 (Tháng 7 & 8 năm 2022)
[1] Congregation for the Doctrine of the Faith, Letter Iuvenescit Ecclesia to the Bishops of the Catholic Church, regarding the Relationship between Hierarchical and Charismatic Gifts in the Life and the Mission of the Church (15.5.2016), 13.
[2] International Theological Commission, “Synodality in the Life and Mission of The Church” (02.3.2018), 74.
[3] John W. O’Malley, What Happened at Vatican II (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2008), 11.
[4] Cuộc tranh luận diễn ra vào tháng 10 năm 1963. Xin xem thêm chi tiết trong Acta Synodalia Concilii Vaticani II, II/III (Vatican City, 1972), 175-178.
[6] Floyd Anderson, ed., Council Day Book Vatican II, Session I-II (Washington, DC: The Author, 1962–1965), 208.
[7] Léon-Joseph Suenens, “The Charismatic Dimension of the Church,” trong Council Speeches of Vatican II, biên tập bởi Yves Congar, Hans Küng và Daniel O’Hanlon (London: Sheed and Ward, 1964), 18-19.
[14] Karl Rahner, “Charism,” in Encyclopedia of Theology: The Concise Sacramentum Mundi, biên tập bởi Karl Rahner (London: Burns & Oates, 1975), 184.
[15] Albert Vanhoye, “The Biblical Question of ‘Charisms’ after Vatican II,” trong Vatican II: Assessment and Perspectives Twenty-five Years After (1962–1987), vol. 1, biên tập bởi René Latourelle (New York/Mahwah, NJ: Paulist Press, 1988), 462.
[16] Léon-Joseph Suenens, “Thánh Thần, Hơi Thở sống động của Giáo hội,” trong Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo hội, Q. 1, Nguyễn Đăng Trúc chuyển dịch (Định Hướng Tùng Thư, 2003), https://www.thanhlinh.net/node/8711
[17] Enrique Nardoni, “Charism in the Early Church since Rudolph Sohm: An Ecumenical Challenge,” Theological Studies 53 (1992), 654.
[19] Yves Congar, The Word and the Spirit, David Smith chuyển dịch (London: Geoffrey Chapman, 1983), 78–83.
[25] Karl Rahner, “Observations on the Factor of the Charismatic in the Church,” trong Theological Investigations, vol. 12 (New York: Seabury, 1974), 94.
[26] John Paul II, “Message for the World Congress of Ecclesial Movements and New Communities” (27 May 1998), số 5.
[28] Benedict XVI, “Address to the Members of Communion and Liberation Movement on the 25th Anniversary of Its Pontifical Recognition” (24 March 2007).
[31] John C. Haughey, “Charisms: An Ecclesiological Exploration,” trong Retrieving Charisms for the Twenty-First Century, biên tập bởi Doris Donnelly (Collegeville, MN: Liturgical Press, 1999), 5.
[34] Nguyễn Hai Tính, Giáo Lý Tổng Quan và Diễn Giải: Phần Tín Lý của Sách Giáo Lý (Đồng Nai: Đồng Nai, 2020), 63.
[36] Francis, “Ceremony Commemorating the 50th Anniversary of the Institution of the Synod of Bishops,” (17.10.2015).
[38] Avery Dulles,“The Charism of the New Evangelizer,” trongRetrieving Charisms for the Twenty-First Century, biên tập bởi Doris Donnelly (Collegeville, MN: Liturgical Press, 1999), 34–35.
[39] Leonardo Boff, Church: Charism and Power, Liberation Theology and the Institutional Church, chuyển dịch bởi John W. Diercksmeier (New York: Crossroad, 1985), 161.
[41] James D.G. Dunn, Jesus and the Spirit: A Study of the Religious and Charismatic Experience of Jesus and the First Christians as Reflected in the New Testament (London: SCM Press, 1975), 264.
[43] Léon Joseph Suenens, Memories and Hopes, chuyển dịch bởi Elena French (Dublin: Veritas, 1992), 65.
[45] Antonio Maria Sicari, “Ecclesial Movements: A New Framework for Ancient Charisms,” Communio 29 (Summer 2002), 295. Cụm từ ‘đặc sủng gốc’ được dịch từ cụm từ ‘original charism’ của Sicari.
[47] Doris Donnelly, “Introduction,” trong Retrieving Charisms for the TwentyFirst Century, biên tập bởi Doris Donnelly (Collegeville, MN: Liturgical Press, 1999), x.
[48] Tài liệu chuẩn bị THĐGM 2023, “Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ,” số 12.
[50] Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai, “Bài giảng ngày thiết lập Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình” (31.5.1969).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét