Trang

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

BÀI 79 –TỰ TRỌNG NHƯNG ĐỪNG TỰ ÁI

 

BÀI 79 HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH


BÀI 79 HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH
BÀI 79
HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH –TỰ TRỌNG NHƯNG ĐỪNG TỰ ÁI
 
1. LỜI CHÚA : Chúa phán : Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).
2. CÂU CHUYỆN : TRÁNH TỰ ÁI CAO KHI ĐƯỢC NHẮC BẢO.
Một bác nông dân nghèo khó, quanh năm phải làm ruộng vất vả mà vẫn chẳng đủ ăn. Một hôm bác tâm sự với mấy người bạn như sau :
“Gia đình tôi có một thằng con trai. Hai vợ chồng cố gắng tiết kiệm để lấy tiền cho con ăn học lên đến hết cấp 3. Sau đó do không thi đậu được vào đại học, nên nó phải ở nhà phụ giúp gia đình lo việc đồng áng. Trong số họ hàng nhà tôi có anh con ông bác ruột đang làm giám đốc một doanh nghiệp nhỏ ở miền Nam, nghe biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, anh ta đã bằng lòng cho đứa em là con trai tôi vào miền Nam học việc. Thằng con tôi tính tình ham chơi nên thường bê trễ công việc, khiến ông anh giám đốc phải nhiều lần nhắc bảo. Một hôm do vi phạm kỷ luật nên nó bị anh la rầy : “Chú muốn làm việc với anh thì phải làm đàng hòang. Còn nếu không thì chú ra ngoài kiếm việc khác mà làm”. Câu nói của ông anh khiến con tôi chạm tự ái, nên ngay chiều hôm ấy, nó đã dọn đồ ra khỏi chỗ làm và đến nay đang làm phu khuân vác tại một công ty khác khổ cực”.
Khi nghe xong câu chuyện của nhà bác, mọi người trong phòng đều thở dài. Hầu như ai cũng cho rằng anh con trai của bác quyết định bỏ đi như vậy là đúng. Một người phát biểu : “Nếu là tôi, có lẽ tôi cũng không thèm ở lại chỗ của người anh giám đốc  làm gì !”. Người khác lại chêm vào : “Hắn ta đã nói như thế thì dù có các vàng tôi cũng không thèm ở lại !”....
3. SUY NIỆM :
 
1) Phân biệt sự giống và khác nhau giữa tự trọng và tự ái cao : 
TỰ TRỌNG VỚI TỰ ÁI có vẻ giống nhau vì đối tượng nhắm tới đều là bản thân mỗi người chúng ta. Hầu như ai cũng đều muốn được người khác quý mến và tôn trọng. Nhưng tự trọng và tự ái lại hòan tòan khác nhau : 
TỰ TRỌNG là một phẩm chất tốt đẹp của một người : Luôn tôn trọng phẩm giá và nhân cách của mình. Bất cứ ai cũng cần có lòng tự trọng. Nếu để mất đi lòng tự trọng, là sẽ bị vong thân, mất luôn phẩm giá của bản thân mình.
TỰ ÁI CAO là thói xấu cần loại trừ, do quá yêu bản thân và đề cao “cái tôi” của mình, nên dễ tức giận khi bị ai đó coi thường, và thường hay phản ứng lại. Người tự ái cao do kiêu ngạo nên không muốn nghe lời góp ý của người khác và luôn cảm thấy mình bị không được tôn trọng. Người tự ái cao do tính nóng nảy nên dễ gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến tranh cãi đánh lộn nhau, nếu không biết làm chủ tính nóng của mình.
Chẳng hạn : Anh con trai của bác nông dân trong câu chuyện trên do tự ái cao đã  cảm thấy chạm tự ái khi bị ông anh giám đốc quở trách, nên thay vì nhận lỗi tu sửa khuyết điểm, lại tỏ thái độ tức giận và bỏ đi làm chỗ khác. Hậu quả là bản thân phải làm phu khuân vác vất vả không tương lai, và còn đánh mất tình cảm anh em.
2) Tự trọng và tự ái tuy khác nhau nhưng lại liên quan với nhau : 
- Để giữ được lòng tự trọng thì trước tiên người ta phải biết kiềm chế tính tự ái cao, đồng thời phải khiêm tốn tiếp thu các lời khuyên bảo của người trên để ngày một hoàn thiện về nhân cách hơn.
Một người biết yêu mình và cố bảo vệ danh dự là người có lòng “tự trọng” đáng quíSự tự trọng sẽ giúp người ta tránh làm điều xấu để khỏi bị khinh thường và luôn làm điều tốt để được người khác tôn trọng.
4. THẢO LUẬN : Qua câu chuyện trên, bạn sẽ làm gì để tập tính tự trọng và tránh thói tự ái cao trong sinh hoạt hằng ngày và trong giao tiếp xã hội ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết luôn ứng xử với tinh thần tự trọng để gây thiện cảm với tha nhân. Cho chúng con tránh thói tự ái cao, để khỏi gây hậu quả tai hại. Xin cho chúng con biết luôn ứng xử khiêm tốn, nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân, và  quyết tâm thực hành theo châm ngôn : “Hãy tự trọng nhưng tránh tự ái”, để ngày một hoàn thiện về nhân cách, trở nên con thảo của Chúa Cha và nên chứng nhân tình yêu của Chúa trước mặt người đời.- AMEN.
 LM ĐAN VINH – HHTM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét