Để ngạc nhiên trước điều kỳ diệu hằng ngày
ĐỂ NGẠC NHIÊN TRƯỚC ĐIỀU KỲ DIỆU HẰNG NGÀY
Rae Oliver
& Bridget McCartney Nohara
WHĐ (24.11.2022) - “Người không còn có thể dừng lại để ngạc nhiên và cảm nhận điều kỳ diệu, thì coi như đã chết; vì mắt họ đã nhắm nghiền” – Albert Einstein
Cảm giác ngạc nhiên là cảm giác kinh ngạc và ngưỡng mộ giống như một đứa trẻ trước trạng thái tự nhiên của thế giới. Hiện nay, trong bối cảnh của lối sống bận rộn, vội vã, và lo toan nhiều thứ, chúng ta không cho phép mình thi vị hoá cuộc sống và coi việc trải nghiệm về cảnh vật, âm thanh, là điều xa xỉ. Nhưng việc dành chút thời gian để dừng lại và tìm kiếm điều kỳ diệu trong bất kỳ thời điểm nào có thể giúp chúng ta khám phá ra những cách riêng để nuôi dưỡng món quà của sự ngạc nhiên và kính sợ, bắt nguồn từ đức tin cao quý của chúng ta.
Nơi mà nền văn hóa nói rằng “hãy thi vị hóa cuộc sống của bạn”, thì Giáo hội - nhờ Chúa Thánh Thần - nói rằng “hãy để mình được đong đầy với món quà của sự ngạc nhiên và kính sợ”.
Bằng việc nuôi dưỡng món quà của sự ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu trong cuộc sống, chúng ta có thể cảm nhận được sự bình an sâu sắc hơn, có được những mối tương quan trọn vẹn hơn khi biết nhìn vượt lên trên bản thân để nhận thức rõ hơn dấu ấn và vinh quang Thiên Chúa bao trùm mọi sự.
Khi lãnh nhận bí tích Thêm sức, chúng ta được đón nhận 7 ơn Chúa Thánh Thần, trong đó có ơn biết ngạc nhiên và kính sợ. Những ơn này, như Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo giải thích, nhằm mục đích “giúp chúng ta tiến sâu hơn vào ơn làm con cái Thiên Chúa, tháp nhập chúng ta cách mật thiết hơn vào Đức Ki-tô, làm cho dây liên kết với Hội Thánh được chặt chẽ hơn, gắn bó thiết thực hơn với sứ mạng của Hội Thánh và giúp chúng ta làm chứng cho đức tin Ki-tô Giáo bằng lời nói và việc làm” (GLCG, 1316).
Khi học cách dùng những hồng ân này, chúng ta có thể tôn vinh Thiên Chúa, cảm nhận được sự viên mãn trong cuộc sống, và mời gọi người khác cũng làm như vậy.
Làm sao để chúng ta có thể trải nghiệm sự ngạc nhiên trước điều kỳ diệu trong cuộc sống? Sau đây là một vài gợi ý giúp chúng ta thực hiện điều đó.
1. Hãy bước ra ngoài nhìn ngắm thiên nhiên
Khi còn nhỏ, chúng ta dễ dàng bị thu hút bởi cảnh vật, âm thanh, màu sắc và thích thú dừng lại để khám phá ra một cái gì đó mới lạ hoặc hấp dẫn. Là người lớn, thay vì dừng lại để quan sát về cảm nhận sự mới lạ ấy, chúng ta ngoảnh mặt đi và vội vã tiếp tục ngày sống của mình.
Do đó, để duy trì cảm giác ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu, trước hết, chúng ta hãy chú ý đến vẻ đẹp của thiên nhiên, dù đó là cảnh sắc của bình minh, tiếng chim hót líu lo, những nụ hoa hé nở; những tiếng róc rách của dòng nước, cảnh hoàng hôn, làn gió mát của buổi trăng thanh,… Khi dừng lại để chỉ tận hưởng mùi thơm của bông hoa dại, chúng ta sẽ có thể bắt đầu nhìn thế giới bằng con mắt của một đứa trẻ với sự ngạc nhiên và thích thú. Chúng ta luôn có đủ thời gian và không gian để được khuấy động bởi sự ngạc nhiên và nhận ra rằng mọi tạo vật như đều cất tiếng ngợi khen sự uy phong của Thiên Chúa!
Thật thế, khi ra đi ngoài và ngắm cảnh thiên nhiên, chúng ta ngay lập tức được bao quanh bởi công trình sáng tạo của Thiên Chúa và được mời trải nghiệm sự hiện diện của Ngài một cách rõ nét và mật thiết.
Như Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 26. 1. 2000:
Vì vậy, khi chiêm ngắm vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi trong công trình sáng tạo, con người phải suy niệm, ngợi khen và tái khám phá lại điều kỳ diệu. Trong xã hội đương đại, con người trở nên thờ ơ “không phải vì thiếu những điều kỳ diệu, mà vì thiếu sự ngạc nhiên” (G.K. Chesterton). Đối với người tín hữu, chiêm ngắm tạo vật cũng là lắng nghe một sứ điệp, một tiếng nói nghịch lý và thầm lặng, như ‘Thánh vịnh mặt trời’ cho thấy: ‘Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển (Tv 19,1-5).
Thiên nhiên do đó trở thành một phúc âm nói với chúng ta về Thiên Chúa: ‘Vì các thụ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Ðấng tạo thành’ (Kn 13, 5). Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng “từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người” (Rm 1, 20). Nhưng khả năng chiêm nghiệm và hiểu biết này, khám phá ra sự hiện diện siêu việt nơi các tạo vật cũng phải dẫn chúng ta đến việc tái khám phá mối tương quan thân thích của chúng ta với trái đất, mối tương quan mà chúng ta đã được liên kết kể từ khi chúng ta được tạo thành (St 2, 7). Đây chính là mục tiêu mà Cựu Ước mong muốn cho Năm Thánh, trong thời gian của năm toàn xá, khi đất đai được nghỉ ngơi và con người sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng (Lv 25, 11-12).
Như Thánh Têrêsa đã viết trong cuốn Một tâm hồn,
Em nhớ lại những ngày cha thường đưa chúng ta đến nhà lều; những chi tiết nhỏ nhất cũng gây ấn tượng trong trái tim em! Em đặc biệt nhớ lại những lần đi dạo vào ngày Chúa nhật khi mẹ thường đi cùng chúng ta. Em vẫn còn cảm nhận được những ấn tượng sâu sắc và thơ mộng đã nảy sinh trong tâm hồn em khi nhìn thấy những cánh đồng đầy hoa ngô và đủ loại hoa dại. Em đã yêu những không gian rộng mở. Không gian và những cây linh sam khổng lồ, cành xoè xuống đất, để lại trong lòng em một ấn tượng tương tự như ấn tượng mà em trải nghiệm hôm nay khi ngắm nhìn thiên nhiên.
2. Hãy nhìn nhận người khác
Chúng ta có thể nhận ra điều kỳ diệu nơi người đang ở trước mặt mình. Liệu đã có bao giờ chúng ta tìm thấy sự hiện diện của Đức Kitô nơi anh chị em mình sống chung với hoặc mình gặp gỡ mỗi ngày chưa?
Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa cho chúng ta có thể cảm nhận được “những cuộc gặp gỡ thánh thiêng” mỗi ngày. Nhờ đó, chúng ta có thể quan tâm đến những người mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống thường nhật của mình. Để rồi, chúng ta nhận ra rằng, Đức Kitô đang hành động có chủ đích nơi bất cứ ai mà chúng ta gặp, dù là cố tình hay vô ý.
Nếu nhìn nhận những người xung quanh, chúng ta có thể trở thành bình chứa niềm vui của Đức Kitô, như Thánh Têrêsa Calcutta có một cách đơn giản để làm điều này, “Mỗi khi bạn mỉm cười với ai đó, thì đó là một hành động yêu thương, một món quà, một điều tốt đẹp bạn dành cho họ”.
3. Hãy đánh giá cao những điều nhỏ bé
Nền văn hóa chạy theo tốc độ hiện nay thường không khuyến khích ưu tiên những điều nhỏ nhặt nếu chúng không phải là hoạt động “năng suất” cao. Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy, chúng ta có xu hướng rơi vào lối mòn và cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ giống nhau, lặp đi lặp lại với sự hờ hững, thậm chí vô cảm.
Sự ngạc nhiên giúp chúng ta lưu tâm đến ngay cả những điều nhỏ nhặt hơn trong cuộc sống và thúc đẩy chúng ta muốn khám phá thêm về thế giới xung quanh. Giống như một đứa trẻ với sự tò mò, chúng ta dễ mở lòng để học hỏi về mọi thứ và cảm thấy hạnh phúc từ những điều mà bình thường chúng ta dễ dàng bỏ qua.
Khi biết ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu của cuộc sống, chúng ta được thôi thúc bước ra khỏi vùng an toàn để khám phá bên ngoài sự đều đặn hàng ngày; biết tận dụng tối đa thời gian của mình cách trọn vẹn hơn; và nhận ra tiềm năng của từng khoảnh khắc cuộc sống như là một món quà với nhiều cơ hội.
Nếu chúng ta thích nghe nhạc, thích đọc sách, thích vẽ tranh, thích nấu nướng, thích may vá, thích trò chuyện điện thoại với bạn bè, … Những sở thích này chắc chắn nằm trong trái tim chúng ta có lý do. Do đó, chúng ta hãy thực hiện chúng và cảm nhận niềm vui sâu thẳm trong tâm hồn mình, và gắn những niềm vui ấy vào những phút giây quý giá trong ngày.
Thật thế, càng làm những gì mình yêu thích, chúng ta càng biết mình là ai. Chúng ta được nuôi dưỡng và đổi mới bởi những hoạt động này, và có thể tìm thấy Chúa ở đó, giữa sự ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu nhỏ bé.
4. Hãy gặp gỡ Đức Kitô
Sự ngạc nhiên trước điều kỳ diệu lớn nhất trong đời sống đức tin đó là chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô trong Thánh Lễ, trong Bí Tích Thánh Thể, và trong giờ Chầu Thánh Thể. Như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã lưu ý trong Thông điệp Ecclesia de Sacramentia,
“Giống như người phụ nữ đã xức dầu cho Chúa Giêsu ở Bêtania, Giáo hội không sợ 'sự phung phí', cống hiến hết khả năng của mình để bày tỏ sự kinh ngạc và tôn thờ của mình trước món quà vô song là Bí tích Thánh Thể”.
Việc nhìn lại mỗi ngày sống sẽ giúp chúng ta khám phá ra những cách thế riêng để nuôi dưỡng hồng ân của sự ngạc nhiên và kính sợ. Cuộc sống bình thường sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn khi chúng ta nhận thức rõ hơn về sự hiện diện của Thần Khí nơi tạo vật, nơi người khác, và ngay trong tâm hồn mình.
Như Thánh Gianna Molla đã nói,
“Bí mật của hạnh phúc là sống từng giây phút và tạ ơn Thiên Chúa vì tất cả những gì mà vì lòng nhân hậu, Ngài đã gửi đến cho chúng ta ngày này qua ngày khác”.
Biết ngạc nhiên và tìm kiếm điều kỳ diệu mỗi ngày không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong tình yêu quan phòng, Thiên Chúa có thể ban ân sủng và làm nên những điều kỳ diệu, ngay cả trong những tình huống ngoài sự hình dung và mong đợi của chúng ta. Điều này cho thấy rằng, một khi biết mở lòng mình trước những điều kỳ diệu ngay trong những gì là nhỏ bé, giản dị, đời thường nhất, chúng ta có cơ hội để thoát khỏi thói quen cố hữu, biết mở rộng tâm trí và phát triển thành một con người toàn diện hơn. Và nhất là, chúng ta khiêm tốn để nhận ra rằng Thiên Chúa đã phải trao đi biết bao nhiêu yêu thương, để chúng ta được như mình là trong thế giới này, và đến lượt, chúng ta cũng sẽ phải sống trọn vẹn như mình là, và quảng đại trao ban yêu thương như vậy.
Xin Thần Khí Chúa đến và lấp đầy tâm hồn chúng con với sự ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu trong từng giây phút của cuộc đời chúng con.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: virtuesforlife.com;
và ncregister.com (20. 11. 2022)
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/de-ngac-nhien-truoc-dieu-ky-dieu-hang-ngay-48837
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét