Bánh Thánh Thể
Bài đọc 1 trích sách Châm Ngôn: “Hãy đến mà ăn bánh của ta,
và uống rượu do ta pha chế”. Theo lời sách Châm Ngôn, bánh và rượu đây là Đức
Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan được “thiên cách hóa” như chính Thiên Chúa: “đừng
ngây thơ dại khờ nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu
biết”.
Tin Mừng thánh Gioan chương 6 cho thấy Chúa Giêsu Kitô chính
là Đức Khôn Ngoan Nhập Thể, là Bánh Hằng Sống, “Ai ăn bánh này sẽ được sống
muôn đời”.
Trang Tin Mừng hôm nay là đỉnh cao của mạc khải Đức Khôn
Ngoan Nhập Thể trở thành Bánh Thánh Thể.
Chúa Giêsu khẳng định: “Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi
đây, để cho thế gian được sống”. Người Do thái phản ứng và tranh luận sôi nổi:
“Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”.
Chúa Giêsu giải thích và khẳng định thêm: “Ai ăn thịt và uống
máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau
hết”.
Chúa Giêsu cho biết hiệu năng khi “ăn thịt và uống máu” là
được kết hiệp mật thiết với Chúa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong
tôi và tôi ở lại trong người ấy”.
Chúa Giêsu nhắc lại hiệu lực của manna cũ để so sánh với hiệu
năng của Manna mới: “Tổ tiên các ngươi đã ăn mana và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ
được sống muôn đời”.
Những lời Chúa Giêsu giảng dạy mạc khải rõ ràng về Bí Tích
Thánh Thể.
Bí Tích Thánh Thể được Chúa tiên báo trong tiệc cưới Cana,
được hứa ban cho dân ở Caphanaum.
Bí Tích Thánh Thể được Chúa thiết lập trong Tiệc Ly: “Đang
khi ngồi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các
môn đệ và phán:Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Ta sẽ bị nộp vì
các con.Cùng một thể thức ấy, Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các môn đệ và
nói:Tất cả hãy cầm lấy mà uống vì này là chén máu Ta, máu giao ước sẽ đổ ra cho
các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.
(Mt 26,26-29).
Bí Tích Thánh Thể được Chúa cử hành đầu tiên tại làng quê
Emmau “Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho họ. Và họ đã nhận
ra Người đã Phục sinh” (Lc 24,13-35).
Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội, là lương thực thiêng
liêng cho đời sống và là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của người tín hữu chúng
ta.
Thánh Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và
giữa con người với nhau.
Thánh Thể chính là Tặng Phẩm Thần Linh mà Thiên Chúa trao
cho nhân loại.
Lịch sử cứu độ là lịch sử hồng ân và là lịch sử tình yêu tự
hiến của Thiên Chúa. Cao điểm của lịch sử này là Thập Giá Đức Kitô. Thập Giá là
tột đỉnh hy sinh của Thiên Chúa. Thập Giá biểu lộ tình yêu điên rồ của Thiên
Chúa. Thập Giá cũng là tột đỉnh hy sinh của Đức Kitô, Đấng đã hạ mình vâng phục
Chúa Cha cho đến chết và chết trên Thập Giá. Thập giá là cao điểm tình yêu tự
hiến của Chúa Kitô.
Tình yêu sâu thẳm và khôn dò của Thiên Chúa biểu lộ nơi Thập
Giá Đức Kitô là tình yêu vượt thời gian. Tình yêu tự hiến của Đức Kitô biểu lộ
bằng cái chết cũng vượt thời gian. Chúa Kitô chỉ tự hiến một lần, tự hiến trọn
vẹn thay cho mọi lần. Chúa đã biểu lộ điều này trong bữa Tiệc Ly. Từ đó, Bí
Tích Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, là trọng tâm và là tột đỉnh
của sinh hoạt Giáo Hội. Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Không có Thánh Thể thì
không có Giáo Hội. Giáo hội là thân mình gồm nhiều người ăn cùng một tấm bánh
là thân mình Đức Kitô (1 Cor10,17). Như thế bàn tiệc Thánh Thể là nguồn mạch của
yêu thương, cảm thông và hiệp nhất.
Giáo hội luôn định tín rằng: dù chỉ một miếng bánh nhỏ, khi
đã được Truyền Phép, vẫn chứa đựng cả thân xác, linh hồn và thần tính của Đức
Kitô. Chúng ta có Đức Kitô nguyên vẹn và cụ thể. Chính Chúa Thánh Thần Kitô hóa
bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Khi linh mục, thừa
tác viên của Giáo hội, thay mặt Chúa Kitô đọc Lời Truyền Phép. Lời Truyền Phép
mà linh mục đọc không phải là một câu thần chú có một ma lực biến bánh và rượu
thành Mình và Máu Chúa Kitô, giống như linh mục có quyền trên Chúa Kitô, khiến
Chúa đến thì Ngài phải đến. Lời Truyền Phép chính là Lời Chúa Kitô, Lời mà Chúa
Kitô muốn nói qua môi miệng của linh mục. Chúa Kitô đã chọn một số người để họ
lập lại y nguyên Lời Truyền Phép của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy “khoảng
cách” giữa linh mục và Đức Kitô, khiến Lời Truyền Phép trở nên “công hiệu”, làm
cho nội dung của Lời trở thành hiện thực. Sau Truyền Phép bánh không còn là
bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa. Đã có
một sự thay đổi, sự thay đổi ấy là thay đổi bản thể hay “biến thể”. Đây là công
việc của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là công việc của người phàm, dù người ấy
là linh mục. Vì ý thức điều đó, Giáo hội thiết tha khẩn cầu trước lúc linh mục
Truyền Phép:
– “Chúng con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa
của lễ này, để biến thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con” (Kinh
Nguyện Thánh Thể II).
– “Lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha, cũng nhờ Chúa
Thánh Thần, mà thánh hóa của lễ chúng con dâng hiến Cha đây, để trở nên Mình và
Máu Đức Giêsu Kitô, con Cha, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể III).
– “Lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những
của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con” (Kinh Nguyện
Thánh Thể IV).
Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện thực sự giữa
chúng ta, trong hình bánh và rượu. Điều đó không có nghĩa là Đức Kitô không hiện
diện thực sự bằng những cách khác, như hiện diện qua lời Kinh Thánh, hiện diện
trong Giáo hội, hiện diện nơi những người nghèo khổ, hiện diện giữa hai hoặc ba
người họp nhau cầu nguyện (Mt 18, 20). Tất cả những cách hiện diện đó đều là hiện
diện thực. Có điều khác là: Đức Kitô không đồng hóa với lời Kinh thánh, Lời
Kinh thánh được đọc lên không là bản thân Đức Kitô; Đức Kitô cũng không đồng
hóa với người nghèo, vì người nghèo không là bản thân Đức Kitô, dù Ngài đã nói:
“Ta đói các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi cho uống…” (Mt 25, 35- 36). Trái lại
nơi Bí Tích Thánh Thể, sau Lời Truyền Phép, bánh và rượu là Đức Kitô, là bản
thân Ngài, là bản thể Ngài, là Mình và Máu Ngài. Trong Bí Tích Thánh Thể, sự hiện
diện của Đức Kitô có một chiều sâu hữu thể mà không nơi nào có. Sự hiện diện
đích thực và đặc biệt này của Đức Kitô là kết quả của một sự thay đổi mà tác động
thay đổi chính là công việc của Chúa Thánh Thần làm khi linh mục đọc Lời Truyền
Phép. (x.simonhoadalat.com, Tặng phẩm Thần Linh, ĐGM Bùi Văn Đọc).
Bí Tích Thánh Thể là sáng kiến của tình yêu. Tình yêu luôn
có những sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu. “Thiên Chúa đã yêu thế gian nỗi ban
chính Con Một…” (Ga 3, 16) và Con Một là Chúa Giêsu đã yêu cho đến cùng, đã lập
Bí tích Thánh Thể để ở với con người luôn mãi.
Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần
thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu có thể tầm thường,
nhưng lại là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống con người hàng
ngày. Chúa Giêsu đã muốn trở nên những gì cần thiết và gần gũi đó. Người muốn
bánh và rượu trở nên thịt máu của Người. Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho
bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã trở
thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Vật chất
đã trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh.
Trước tình yêu bao la của Thiên Chúa, thánh Phaolô trong bài
đọc 2 khuyên các tín hữu: “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha”, đồng thời: “Hãy sống
như người khôn ngoan, biết tận dụng thời gian hiện tại…hãy tìm hiểu đâu là ý
Chúa…hãy thấm nhuần Thần Khí”. Ý Thiên Chúa muốn chúng ta sống yêu thương như
Chúa Giêsu Kitô đã yêu thương.
Mình và Máu Chúa Kitô là hồng ân vô giá, chúng ta đón nhận để
có sự sống thần linh của Chúa. Tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt
nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, chúng ta
nên quỳ gối trước Thánh Thể, chúng ta có thể học được nhiều điều từ Bí Tích
Tình Yêu.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét