Trang

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2024

CN 19 TN B - Chú giải của Noel Quesson.

 Chú giải của Noel Quesson.

BÁNH HẰNG SỐNG

Người Do Thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giêsu đã nói: “Tôi là bánh từ trời xuống”.

Họ nói: “ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?”

Theo truyền thống thiêng liêng qua mọi thời đại, chúng ta có thể nghĩ rằng không có một chi tiết nào trong Thánh Kinh là vô ích hay tầm thường. Nếu những “thính giả đầu tiên” của Đức Giêsu đã “phản đối” khi họ nghe nói về “Thánh Lễ” chắc điều này phải có ý nghĩa. Không phải chỉ có ngày nay con người mới khước từ Mầu nhiệm Trung tâm của đức tin. Sự khước từ hiện nay của nhiều người trẻ cũng như người trưởng thành không phải là một chuyện mới mẻ: việc này đã bắt đầu từ thời Đức Giêsu, khi chính Người đã giảng giải và dạy giáo lý! Trước hết chúng ta hãy khiêm tốn nhận biết lời xác quyết của Đức Giêsu thật to lớn. Chúng ta nên nhìn nhận rằng người, không tin không phải là một kẻ bất bình thường. Họ sống theo “lý trí” của con người một cách hoàn toàn tự nhiên. Điều này càng nhấn mạnh đến tính cách đặc biệt của đức tin; đức tin không chỉ giới hạn vào những quan điểm hợp lý mà thôi. “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống”. Đây là cao vọng chưa từng thấy của một người thợ mộc thấp bé ở làng bên cạnh, mà người ta biết rõ cha mẹ . Đức Gỉêsu đã phản ứng thế nào, hôm đó (và hôm nay) trước sự khước từ “bánh bởi trời”?

Đức Giêsu bảo họ: “Các ông đừng có xầm xì với nhau! Chẳng ai đến với Tôi được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy. và Tôi, Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”.

Ngay từ đầu, Đức Giêsu đã đứng trên một bình diện khác với lý trí của con người. Đó là điều mà chúng ta thường gọi là “ân sủng” hay nói cách khác, đó là sáng kiến của Thiên Chúa. Đức Giêsu nói, cần phải có sự soi sáng bên trong của Thiên Chúa là đức tin, để thấu ‘hiểu được những việc của Thiên Chúa, để “đến với Đức Gíêsu”. Chỉ có Chúa mới có thể nói về Chúa. Đấng siêu việt không phải là một thực tại nhỏ bé nằm trong tầm hiểu của bộ óc con người hay của máy móc khoa học: Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác, vượt cao hơn tất cả. Hãy để cho Chúa dạy bảo chúng ta. Phải đón nhận “Lời Chúa”, lời từ một nơi khác đến với chúng ta.

Có lẽ chúng ta chưa nghe Đức Giêsu nói cách đầy đủ. Hỡi bạn trẻ, bạn cho rằng Thánh lễ “chẳng có gì hấp dẫn”, bạn hãy ra khỏi chân trời nhỏ bé của bạn, hãy bước vào cuộc phiêu lưu. Trước tiên, Thánh lễ không bao giờ là một hiện tượng văn hóa, xã hội hay mỹ thuật. Thánh lễ là mầu nhiệm của “sự hiện diện”, tiếng Hêbrơ gọi là “Shekinnar” có nghĩa là “sự cư ngụ thực sự” của Thiên Chúa siêu việt trên địa cầu của chúng ta.

Bạn tìm cái gì khi bạn đi dự lễ? Nhạc “bình ca” hay nhạc “tân thời”? Chỗ nương tựa để bạn bảo thủ cương vị của mình cách an toàn, hay hứng khởi giúp bạn dấn thân đổi mới? Những bầu khí đó không phải là vô ích. Nhưng Đức Giêsu nói với chúng ta rằng Chúa là Đấng chúng ta phải tìm kiếm. Đến với Đức Giêsu là một “hồng phúc của Thiên Chúa”. Một thứ ân sủng: “Bạn hãy đưa tay ra, hỡi người anh em, hãy mở rộng bàn tay hãy đón nhận Man-na, đón nhận lời Chúa”.

Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Cha, thì sẽ đến với Tôi.

Đức Giêsu có một tư tưởng rất tinh tế. Không, lao vào một cuộc tranh cãi thần học nào, không bút chiến. Người khẳng định:

– Vai trò ưu tiên của “ân sủng”, một sáng kiến của Chúa mà chúng ta phải nhận lãnh.

Vai trò cốt yếu của tự do, đặc chất của con người, luôn đòi hỏi một nỗ lực. Chính Chúa Cha “lôi kéo”, “dạy bảo” và “đề nghị”. Nhưng con người có thể “lắng nghe” và đáp lại hay bịt kín lỗ tai và từ chối.

Chỉ có những kẻ nào ưng thuận “lắng nghe lời dạy của Chúa Cha” mới có thể bước vào mầu nhiệm “Bánh hằng sống”. Nhưng ta sẽ sai lầm nếu chỉ hiểu câu nói của Đức Giêsu theo nghĩa hẹp. Vì thế Đức Giêsu đã nói: “Có một số người được Chúa Cha lôi kéo đến đón nhận ân sủng”. Người vừa nhấn mạnh: “Tất cả họ đều được Thiên Chúa dạy dỗ”. Do đó sự khác biệt trong thái độ, chính là sự khác biệt trong cách lắng nghe. Về phía Chúa, ân sủng được ban cho tất cả mọi người. Nhưng về phía con người tự do, họ có thể chối từ Thiên Chúa. “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón tiếp” (Ga 1,11).

Lạy Chúa chúng con đang chờ đón Chúa. Này, đây đôi tay chúng con đang giang rộng…

Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.

Một cách rõ ràng, Đức Giêsu muốn mang đến cho chúng ta một cái gì khác hơn là một ý thức hệ, một thứ luân lý, mỹ thuật hay chính, trị. “Ngôi vị Thiên Chúa” đã đột nhập trong lịch sử nhân loại: Người khẳng định, Người từ Thiên Chúa mà đến, và là “Đấng duy nhất” biết rõ về Thiên Chúa. Người là sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa trong thế giới chúng ta. Vậy chúng ta chớ ngạc nhiên khi thấy Thánh lễ thật kỳ diệu lạ lùng. Đó là nơi gặp gỡ của Đấng vô hình, của Đấng tuyệt đối, của Thiên Chúa. Đó là cuộc phiêu lưu tuyệt vời đòi phải vượt qua những quan điểm thông thường nhân loại, Thánh lễ là một “lỗ hổng”… một sự mở rộng nhiệm mầu u nới bức tường lý trí hay lý luận của chúng ta: Thánh lễ có thể đưa chúng ta vào lãnh vực rất bí ẩn của Thiên Chúa.

Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ.

Đức Giêsu không dè giữ lời nói. Người đặt hàng rào chắn rất cao. Vượt qua được khó khăn đó, để gặp gỡ Chúa, thành tích của ta thật là hiển hách. Văn sĩ Peguy nói: Bí tích Thánh Thể, Bánh hằng sống, không phải là những chuyện tầm thường ngang tầm tay chúng ta. Phải tìm kiếm vượt trên những gì hữu hình. Không ai đã thầy bao giờ. Vậy để thấy rõ hơn có lẽ chúng ta sẽ nhắm hẳn mắt lại, tránh mọi sự chia trí trong thế giới hữu hình, để tập trung vào cái vô hình.

Ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.

Đây là những lời nói lạ kỳ, hầu như không chấp nhận được khi ta biết rằng những lời này đã được một người có vẻ như mọi người, nói lên vào một ngày kia, bên bờ một hồ nhỏ tại Ca-phác-na-um trên hành tinh chúng ta. Sự việc Thiên Chúa đột nhập trong con người, đã gây ra ngạc nhiên biết bao. Ngạc nhiên như việc “sáng tạo đầu tiên từ hư không”.

Chúng ta hãy để ý thì hiện tại: “Họ có sự sống đời đời” và thì tương lai: “Tôi sẽ cho người ấy sống lại”.

Tôi là bánh trường sinh.

Ở đây chúng ta gặp lại sự khẳng định mạnh mẽ của Thánh kinh, định nghĩa Thiên Chúa như là “Đấng hiện hữu YAHVEH”. Đó là 4 chữ không xóa nhòa được, chỉ có 4 phụ âm (vì tiếng Hêbrơ chỉ viết có phụ âm) mà không một người Do Thái nào dám đọc 4 chữ này, người Do Thái thay thế 4 chữ này bằng Adonai, (Đức Chúa). Còn Chúa Giêsu thì dám nói: “Tôi hiện hữu”, “Tôi là Bánh hằng sống”.

Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.

Ở đây chỉ đặt vấn đề “sự sống”. Sau khi đã nói về “Bánh ban sự sống” (o artos tès zoès) bây giờ Đức Giêsu nói về “Bánh hằng sống” (o artos ozôn). Cuốn sách đầu tiên của Bộ Kinh Thánh (Sáng Thế 3,22) khẳng định con người (‘Ađam’ trong tiếng Hêbrơ) đã được tạo nên để sống vĩnh cửu do “cây hằng sống” mà con người có thể ăn những trái thần thiêng của cây này. Và cuốn sách mạc khải cuối cùng (Khải Huyền) khẳng định khi việc sáng tạo chấm dứt, sẽ không có sự chết nữa. “Ta sẽ cho kẻ chiến thắng ăn cây hằng sống trong vườn của Thiên Chúa”. Đó là sự lặp lại và là sự thành công trong chương trình ban đầu của Thiên Chúa.

Do đó Chúa Giêsu đã khẳng định với những nông dân Galilê thời xưa, cũng như với chúng ta ngày nay rằng, sự “bất tử”, sự sống không chết “này nhờ đức tin” đã được ban cho những người, không còn phải ăn “cây hằng sống”, nữa mà là “bánh hằng sống”: Là chính Đức Giêsu. Ta có thể thắc mắc, những kẻ rước Mình Thánh Đức Giêsu cũng đã chết như mọi người? Nhưng rõ ràng ta không còn ở trong phạm vi nhân loại nữa nghĩa là trong lãnh vực các sự vật “hữu hình”: Không ai đã thấy cái “vô hình” không ai có thể chứng minh là không có một “sự sống” vô hình. Điều đó không thuộc lãnh vực “lý trí”. Nhưng tại sao chúng ta không để cho “Chúa Cha dạy bảo”? Tại sao chúng ta lại không tin Người?

Từ chối sự “dâng hiến” siêu việt này, là đánh mất ngay từ bây giờ sự sống vô hình, là tự phó mình cho hư không, cho tính hữu hạn thuộc bản chất tự nhiên của con người: “Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra thì là xác thịt” (Ga 3,6). Tại sao Thiên Chúa lại không can thiệp để “ban cho” chúng ta sự sống, tuyệt đối vĩnh cửu của Người?

Lạy Chúa này đây tay chúng con đang giơ cao để đón nhận hồng ân đó.

Và bánh Tôi sẽ ban tặng chính là thịt Tôi để cho thế gian được sống.

An sủng của Thiên Chúa, tự nó là vô hình, nhưng đã trở nên hữu hình trong Chúa Giêsu Kitô. Tinh yêu của Thiên Chúa, phi thường, nhưng ẩn dấu, đã tự tỏ lộ ra và trở nên “cảm thấy được”; đó là Chúa Giêsu bị đóng đinh, là Thịt và Máu của Người đã được hiến tế. Ngôi Lời Thiên Chúa đã không chỉ nói với chúng ta bằng lời mà còn bằng hành động: “Trao hiến thịt mình, phó nộp thân mình, đó là dấu chỉ tình yêu trọn vẹn .

Chúng ta hãy đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa đang ban Thịt Máu Người cho chúng ta và trở nên sự sống cho chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét