Trang

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

NỮ VƯƠNG HỒN XÁC LÊN TRỜI




NỮ VƯƠNG HỒN XÁC LÊN TRỜI

Tác giả: 


Mỗi khi mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, đoàn con cái Mẹ nơi trần thế lại thêm một lần được chiêm ngắm hình ảnh đẹp nhất của Mẹ Maria, vẹn tuyền, trinh trong đang hưởng phúc bên ngai tòa Thiên Chúa trên Thiên Quốc. Nói hay viết về Hiền Mẫu Maria – Đấng mà các thánh Giáo  phụ đã cho rằng “De Mariam nunquam satis” (nói về Đức Maria thì không bao giờ cùng) – con cái Mẹ trên khắp địa cầu muôn đời sẽ không đủ ngôn từ để có thể diễn tả cho hết được những đức tính cao vời khôn ví của Mẹ, mà qua đó Mẹ được hưởng những ân sủng đặc biệt Thiên Chúa đã dành cho Mẹ. Chỉ với đức tin mới có thể cảm nghiệm được, quả thực Mẹ Maria đã giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử cứu rỗi nhân loại. Mẹ đã được tuyển chọn giữa muôn triệu người nữ để đón nhận Con Thiên Chúa làm người trong cung lòng trinh khiết của Mẹ. Mẹ chính là một cộng tác viên đắc lực nhất, tuyệt vời nhất của Thiên Chúa trong công trình Cứu Độ loài người.

Xuất phát từ mầu nhiệm phó thác dưới chân thập tự (Đức Giê-su Thiên Chúa phó thác đoàn con cái đang bơ vơ trên đường dương thế cho Đức Mẹ – thông qua thánh Gio-an Tông đồ – Ga 19, 26-27), Giáo Hội đã hoàn toàn tín thác vào Người Mẹ độc nhất vô song ấy. Và để xác tín, Giáo Hội đã công bố bốn tín điều cơ bản về Đức Mẹ: 1- Tín điều ĐỨC MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA; 2- Tín điều ĐỨC MARIA TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH; 3- Tín điều ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI; 4- Tín điều ĐỨC MARIA LÊN TRỜI CẢ HỒN LẪN XÁC. Ngoài ra, còn lời công bố tước hiệu ĐỨC MARIA LÀ MẸ GIÁO HỘI (được coi như tín điều thứ năm). Khi công bố những tín điều về Đức Mẹ, một mặt Giáo Hội bày tỏ lập trường dứt khoát trong đức tin nền tảng về Thiên Chúa Tình Yêu – Đấng Cứu Độ nhân loại – đã ban cho con cái trần gian một Eva mới, một Người Mẹ trên hết các người mẹ thế gian, để từ đó trả lời cho những ngụy thuyết đối nghịch (phái Thệ Phản, Ly Giáo, các bè rối...); và mặt khác, củng cố đức tin cho mọi Ki-tô hữu về một Người Mẹ diễm phúc trong hồng ân Mẹ Thiên Chúa + Mẹ Nhân Loại.

Khi người tín hữu tuyên tín Đức Maria là Đấng tinh tuyền thánh thiện siêu vượt trên hết mọi loài thụ tạo, thực tế là tuyên xưng rằng tất cả những gì làm cho Mẹ đáng chiêm ngưỡng và thán phục đều phát xuất từ lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa. Một cách cụ thể là những lời tuyên xưng xuất phát tự đáy lòng người Ki-tô hữu ấy chính là những lời tạ ơn, ca tụng và tôn vinh danh thánh Chúa Trời vì Người đã nâng một thụ tạo lên bậc trọn hảo và vinh quang nhường ấy. Để minh nhiên lời tuyên tín, xin liệt kê những tín điều mà Giáo Hội đã công bố theo thứ tự thời gian (xc Trang "Tài liệu về Mẹ Maria" – Thanhlinh.net):

1- TÍN ĐIỀU ĐỨC MARIA LÀ ME THIÊN CHÚA : Công đồng chung Ê-phê-sô, vào ngày 22-6-431, đã tuyên tín: “Tuyệt thông cho những ai không tuyên xưng rằng Đấng Emmanuel thực sự là Thiên Chúa, và bởi thế, Đức Trinh Nữ là Mẹ của Thiên Chúa (Theotokos) (vì Mẹ đã hạ sinh Ngôi Lời Thiên Chúa hóa thành nhục thể theo xác thịt)”. (DS, 252; “The Christian Faith” {TCF} trang 149).

2- TÍN ĐIỀU ĐỨC MARIA TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH : Năm 649, Công Đồng La-tê-ra-nô tuyên tín: “Khốn cho những ai không theo các vị Nghị Phụ thánh đức tuyên xưng một cách chân thực và xác đáng rằng Đức Maria, trinh nguyên và vô nhiễm, là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ đã thực sự thụ thai chính Thiên Chúa Ngôi Lời, Đấng được Thiên Chúa Ngôi Cha hạ sinh trước các kỳ thời, bởi Chúa Thánh Thần mà không cần đến hạt giống loài người, và đã sinh ra Người hoàn toàn không bị hư hại gì, tình trạng đồng trinh của Mẹ sau khi sinh con cũng không hề bị sứt mẻ”. (DS 503 ; TCF, trang 166)

3- TÍN ĐIỀU ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI : Vào ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm (8/12/1854), Đức Thánh Cha Pi-ô IX ban hành sắc lệnh “Ineffabilis Deus” long trọng tuyên bố: “Để vinh danh Ba Ngôi thánh thiện duy nhất, để tôn kính và hiển danh Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, để phấn khởi đức tin Công Giáo và phát triển Ki-tô Giáo; bằng quyền bính của Chúa Giê-su Ki-tô, của các thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, và bằng thẩm quyền của mình, Tôi tuyên xưng, công bố và xác nhận rằng: Tín lý cho rằng rất Thánh Nữ Trinh Maria, ngay từ giây phút đầu thai của mình, nhờ ơn sủng cùng với đặc ân chuyên nhất của Thiên Chúa toàn năng, và dựa vào công nghiệp của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Chuộc loài người, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội, là điều được Thiên Chúa mạc khải, vì thế, tất cả mọi tín hữu đều phải mạnh mẽ và liên lỉ tin tưởng”. (DS,  2803 ; TCF, trang 204)

4- TÍN ĐIỀU ĐỨC MARIA LÊN TRỜI CẢ HỒN LẪN XÁC : Đức Thánh Cha Pi-ô XII đã long trọng tuyên bố tín điều này qua Tông hiến "Munificentissimus Deus", vào ngày lễ Các Thánh Nam Nữ (1-11-1950): “Để tôn vinh Thiên Chúa toàn năng là Đấng đã ban muôn vàn ơn lành đặc biệt của Ngài trên Trinh Nữ Maria, để tôn kính Con Ngài là Vua muôn đời, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, để Người Mẹ cao cả của Người được hiển vinh hơn, và để toàn thể Giáo Hội hân hoan phấn khởi; bằng quyền bính của Chúa Giê-su Ki-tô, của các thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, và bằng thẩm quyền của mình, Tôi công bố, tuyên xưng và xác nhận như là một tín điều được Thiên Chúa mạc khải: Người Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Thiên Chúa, Đức Maria Trinh Nguyên, sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế của mình, đã được mang lên hưởng vinh quang trên trời cả thân xác lẫn linh hồn”. (DS 3903 ; TCF, trang 207). Cũng như ở Lộ Đức, Đức Mẹ đã hiện ra để xác nhận tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội được Đức Thánh Cha Pi-ô IX công bố thế nào, Mẹ cũng tỏ ra xác nhận tín điều Mẹ được diễm phúc Hồn Xác Lên Trời do Đức Thánh Cha Pi-ô XII công bố như vậy, khi cho ngài được thị kiến bốn lần (vào những ngày 30, 31/10 và ngày 01, 8/11/1950) hiện tượng “mặt trời nhẩy múa” (như ở Fatima ngày 13-10-1917 trước kia) (TWTAF 3, 284-287).

5- TƯỚC HIỆU ĐỨC MARIA LÀ MẸ CỦA GIÁO HỘI: Đức Thánh Cha Phao-lô VI long trọng tuyên bố ngay trong buổi họp Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II để ban hành Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (Ánh Sáng Muôn Dân) vào ngày 21/11/1964, như sau: “Khi chúng ta xét đến những liên hệ chặt chẽ gắn bó Đức Maria và Giáo Hội, như những mối liên hệ này đã được diễn đạt hết sức rõ ràng trong Hiến Chế Công Đồng này, những mối liên hệ khiến chúng ta phán quyết, trong giây phút rất long trọng này đây, đặc biệt rất thích đáng để làm mãn nguyện một ước vọng, một ước vọng chúng tôi bộc lộ ở vào lúc kết thúc buổi họp cuối này, và cũng là ước vọng của rất nhiều vị Nghị Phụ, khẩn khoản yêu cầu là trong Công Đồng đây, vai trò Từ Mẫu mà Đức Thánh Trinh Nữ Maria thực hiện đối với dân Ki-tô Giáo cần phải được công bố bằng những từ ngữ rõ ràng. Vì lý do này, chúng tôi thấy rằng, trong cuộc họp công khai này, chúng tôi phải chính thức công bố tước hiệu mà Đức Trinh Nữ Maria cần được tôn kính, tước hiệu đã được đệ xin từ nhiều nơi trong Giáo Hội hoàn vũ, và cũng là một tước hiệu đối với chúng tôi đáng chấp nhận và thỏa lòng cách đặc biệt; vì tước hiệu này mang lại một cách xác thực tuyệt vời vị trí hiển nhiên xứng hợp với Mẹ Thiên Chúa trong Giáo Hội được Công Đồng này đã công nhận. Bởi thế, để vinh danh Đức Trinh Nữ và để chúng ta được an ủi, chúng tôi tuyên bố Rất Thánh Maria là Mẹ Giáo Hội, tức là Mẹ của toàn thể Dân Ki-tô Giáo, cả giáo dân lẫn mục tử, mọi thành phần gọi Người là một Người Mẹ rất yêu dấu; và vì thế chúng tôi truyền cho toàn thể Dân Ki-tô Giáo hãy dâng lên Mẹ Thiên Chúa một niềm kính tôn hơn nữa và hãy nguyện cầu cùng Người bằng tên gọi rất ngọt ngào này”. (“Theotokos” – xb. 1988, trang 251).

Trải dài theo bề dầy 20 thế kỷ của lịch sử Giáo Hội, với những tín điều được công bố như trên, đã cho thấy cả một quá trình đấu tranh giữa một bên là các Giáo phụ chính thống và một bên là các bè rối theo các nguỵ thuyết chống lại Giáo Hội (đáng buồn là trong đó cũng có cả các Giáo sĩ). Về tín điều Mẹ Thiên Chúa, phe chống đối đã đưa ra lập luận chỉ công nhận Đức Maria là Mẹ Chúa Ki-tô (bằng thể xác), không công nhận thiên chức Mẹ Thiên Chúa, vì cho rằng Thiên Chúa sinh ra loài người thì không thể có việc loài người sinh ra Thiên Chúa được. Về tín điều Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh thì họ cho rằng dù Mẹ “không biết đến việc vợ chồng”, thì khi sinh hạ Đức Giê-su, Mẹ cũng không còn trinh nguyên nữa. Đến tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, thì họ lập luận là Nguyên tổ đã mắc tội với Thiên Chúa và tội đó đã truyền tử lưu tôn đến đời đời kiếp kiếp, thì không thể có một người là con cháu của Nguyên tổ lại không vướng tội Tổ tông được. Còn tín điều Mẹ Hồn Xác Lên Trời thì họ cho rằng đã có chuyện giấu xác Đức Mẹ (kiểu như cách nghĩ của Maria Mac-đa-la khi đi thăm mộ Chúa mà không thấy xác Đức Giê-su – Ga 20, 2), rồi phao lên Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác. Loài người từ Nguyên tổ đến nay chẳng có ai được như vậy vì thân xác chỉ là "cái vỏ bằng đất làm linh hồn ra nặng" (Kn 9, 15) mà thôi.

Cứ kể ra, mới thoạt nghe lý luận của họ thì thấy cũng có lý. Tuy nhiên, "tư tưởng đó không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mc 8, 33), vì họ đã nhìn và đánh giá sự việc bằng con mắt thịt với nhãn quan và trí khôn bất toàn của nhân loại. Họ đã quên mất một điều căn bản trong đức tin, là khi họ đã tin thật có Thiên Chúa, mà Thiên Chúa đã dựng nên cả vũ trụ và con người, thì còn việc gì khiến Người không thể làm được? Vậy thì những chuỵên họ cho là “không thể”, thì đối với Thiên Chúa, đều trở thành “có thể”. Đối với Thiên Chúa Toàn Năng Hằng Hữu trong uy quyền tối thượng, thì những chuyện ban cho Đức Mẹ được “vô nhiễm nguyên tội”, được “trinh nguyên vẹn tuyền” khi cưu mang Con Thiên Chúa làm người, được vinh thăng “hồn xác lên trời”, tất cả chỉ là chuyện nhỏ, chuyện quá nhỏ. Như vậy thì Mẹ Maria chính là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, đó là điều hiển nhiên, không cần bàn cãi.

Hiểu được như vậy, toàn thể Ki-tô hữu trên thế giới phải nghĩ gì và làm gì cho xứng với công ơn tuyệt đỉnh mà Thánh Mẫu Maria đã đồng công cùng Thiên Chúa chí tôn dành cho nhân loại? Tất nhiên không phải chỉ là những lời tuyên xưng trên môi miệng, mà phải biến những tín điều thành hành động cụ thể, vì “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 26). Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã đoái thương nhìn đến tôi tớ khiêm nhường của Chúa là Ðức Trinh Nữ Maria, và ban ân huệ tuyệt vời là cho Người làm Mẹ của Con Một Chúa nhập thể, và hôm nay còn ân thưởng cho Người vinh phúc vô song. Phần chúng con đã được Chúa thương cứu chuộc, xin Chúa nhận lời Ðức Trinh Nữ cầu thay nguyện giúp, cho chúng con cũng được hưởng vinh quang trên trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguỵên nhập lễ lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời).

“Mẹ lên trời giữa một ngày rực ánh sáng. Ðàn ca, các thánh tung hô, nhân loại vui hát mừng, vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ về thiên cung.” (“Mẹ Lên Trời” – TCCĐ). Ôi! Lạy Mẹ! Con xin hiệp cùng ca đoàn Thiên quốc, dâng lên Mẹ những vần thơ thô thiển:

MẸ LÊN TRỜI

Cả vũ trụ bỗng rùng mình chuyển động
Sấm sét gầm, rồi mưa đá chan hoà
Ánh chớp loà Đền Thiên Chúa mở ra
Và xuất hiện một Hòm Bia Giao Ước. (1)

Một Người Nữ giữa thinh không dừng bước
Chân đạp mặt trăng, khoác áo mặt trời
Triều thiên sao sáng đủ mười hai ngôi
Trùm mái tóc như vành khăn toả sáng. (2)

Bà quằn quại, vì tới ngày, tới tháng
Sắp sinh con, Bà rên siết kêu la
Bỗng từ đâu xuất hiện một Mãng Xà
Với bảy đầu và mười sừng rực lửa. (3)

Mãng xà giương oai trước mặt Người Nữ
Chờ Bà sinh, lập tức nuốt Con Bà.
Lạ lùng thay! Con trẻ mới sinh ra
Được đưa ngay lên trước Toà Vinh Hiển.(4)

Thoát khỏi nanh vuốt mãng xà nguy hiểm
Và Người Nữ vào sa mạc hoang sơ
Để từ đây muôn vạn tiếng tung hô:
“Thiên Chúa chúng ta ban ơn Cứu Độ. (5)

Giờ đây biểu dương vương quyền, uy vũ
Đức Ki-tô Con Thiên Chúa giáng trần
Cũng biểu dương quyền bính, cho phàm nhân
Được mạc khải về hồng ân Cứu Thế”. (6)

Mầu nhiệm thay! Nhờ Ngôi Lời Nhập Thể
Xua tan tội lỗi hãm hại loài nguời
Và triệt tiêu cả sự chết đời đời
Của nanh vuốt ác thần thật hiểm ác.

Người Nữ ấy cùng đồng hành cộng tác
Với Người Con trên Chính Lộ Tình Yêu
Để giờ đây hanh phúc biết bao nhiêu
Cả Hồn Xác được vinh thăng Thiên Quốc.

Chính là Mẹ được muôn vàn ơn phước
Từ nguyên sơ không mắc tội tông truyền
Hạ sinh Con Trời, Mẹ vẫn trinh nguyên
Để hiệp cùng Con đồng công cứu chuộc

Ôi! Lạy Mẹ! Dưới cõi trần nhơ nhuốc
Ngước nhìn lên ngai toà Mẹ Từ Nhân
Con khấn xin khi rũ sạch bụi trần
Được cùng Mẹ hưởng Thánh nhan Thiên Chúa.

JM. Lam Thy ĐVD.

Chú thích: (1 – 6) Xin coi “Khải Huyền” chương 11, 19; chương 12, 1-6.10).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét