Trang

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (25)

Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (25)



 NGHĨA THIÊNG LIÊNG VÀ NGHĨA TIÊN TRƯNG
Trong giờ học chương đầu sách Sáng Thế, cha giáo chú giải một cách cặn kẽ về kỳ công tạo dựng của Thiên Chúa, đặc biệt khi tạo thành loài người. Trong giờ giải lao, thầy trò vui vẻ nói chuyện. Một thầy thắc mắc làm sao ông Ađam lại có cái rốn được, vì phải cưu mang trong lòng mẹ thì mới có cái đó. Cha giáo khôi hài giải thích: Chúa dùng đất sét nhào nặn ra ông Ađam. Nhưng trước khi hà hơi thở để ban cho ông sự sống, Chúa cần kiểm tra xem đất đã khô chưa, nên Người lấy một cây que thử ấn vào bụng ông. Khi thấy đất mềm vừa đủ, Người đã ban cho ông linh hồn. Dấu vết của sự kiểm tra ấy chính là cái lỗ rốn!
Câu truyện vui phần nào cho thấy có Kitô hữu chỉ thưởng thức một “món ăn”, trong khi Chúa soạn nhiều “món ngon” trong bản văn Kinh Thánh. Như đã nói trước đây, phương pháp phê bình lịch sử được coi là không thể thiếu để “ăn” nghĩa văn tự. Tuy nhiên, phương pháp này cũng chỉ là một phần của lịch sử khoa giải thích Kinh Thánh. Ngày nay, các học giả ngày càng ý thức giá trị của cả một truyền thống giải thích Kinh Thánh hàng ngàn năm qua của Hội Thánh, từ thời các Giáo phụ đến hôm nay. Vì vậy, họ cũng nhìn nhận các “món ăn” khác trong Kinh Thánh, gọi là nghĩa thiêng liêng. Bàn tiệc Lời Chúa thật thịnh soạn![1]

NGHĨA THIÊNG LIÊNG
Định nghĩa
Nghĩa thiêng liêng của Kinh Thánh là ý nghĩa được các bản văn thánh diễn tả ra, khi đọc chúng dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần trong bối cảnh mầu nhiệm Vượt Qua và đời sống mới tuôn trào ra từ đó.
Giải thích
Chính mầu nhiệm Vượt Qua đã đem lại một bối cảnh lịch sử mới mẻ hoàn toàn, soi sáng một cách mới mẻ những bản văn Kinh Thánh cổ xưa và làm nó thay đổi ý nghĩa, hoặc làm cho các lời trong đó được hoàn tất. Một lần nữa, chúng ta thấy nhắc đến “việc đọc lại” Sách Thánh trong hoàn cảnh mới. Ví dụ: bản văn nói về dòng dõi vua Đavít sẽ ngự trên ngai vàng “cho đến muôn đời” (x. 2Sm 7,12-18) lúc đầu chỉ là một lối nói khoa trương, nhưng nay lại phải hiểu sát chữ, bởi vì “Chúa Kitô, một khi đã phục sinh từ trong cõi chết, thì không còn chết nữa” (Rm 6,9). Những ai có tinh thần cởi mở đón nhận khía cạnh năng động của các bản văn sẽ nhận thấy ở đây có một yếu tố liên tục sâu xa, đồng thời có một bước chuyển sang một bình diện khác: Chúa Kitô đang cai trị cho đến muôn đời, nhưng không phải trên ngai vàng địa giới của vua Đavít.
Tương quan giữa nghĩa thiêng liêng và nghĩa văn tự
Nghĩa thiêng liêng không được “bịa” ra cách tùy tiện nhưng luôn luôn được đặt trên nền tảng là nghĩa văn tự. Nếu không, không thể nói đến việc “hoàn tất” Sách Thánh. Thật thế, muốn có sự hoàn tất, chủ yếu phải có mối tương quan liên tục và phù hợp. Hình ảnh tia sáng chiếc đèn pin là một minh họa tốt: càng chiếu ra xa thì tia sáng càng rộng lớn hơn so với tia sáng ngay tại bóng đèn; nhưng vẫn có sự liên tục trong luồng sáng đó. Đặc biệt, đối với nghĩa thiêng liêng thì tia sáng đó còn phải được “nâng cấp” nữa, nghĩa là các tín hữu phải có một bước chuyển tiếp lên cao, đưa nghĩa văn tự của Cựu Ước đi lên một cấp độ cao hơn, để đạt đến thực tại trong Tân Ước.
Các Giáo phụ và thời Trung cổ nhấn mạnh tính thống nhất và tương tác giữa nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng, cụ thể qua bốn nghĩa như “xe tứ mã” của Chúa Thánh Thần (bài 22). Đặc biệt, tất cả các nghĩa đều dựa trên căn bản đức tin. Gia tài cao quý này vẫn được Hội Thánh hôm nay trân trọng và kêu gọi các tín hữu thực hành, để được “ăn no đủ”.
Tiêu chuẩn để xác định nghĩa thiêng liêng
Không được lẫn lộn nghĩa thiêng liêng với những giải thích chủ quan tùy tiện do trí tưởng tượng hoặc lý luận thuần túy tạo ra. Nghĩa thiêng liêng phải xuất phát từ việc đặt bản văn trong tương quan với những dữ kiện thực sự không xa lạ với bản văn, tức là biến cố Phục Sinh và sự phong phú khôn dò của biến cố đó. Đây là đỉnh cao của việc Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử dân Israel nhằm lợi ích cho toàn thể nhân loại. Nhìn chung, cách “an toàn” nhất để tìm nghĩa thiêng liêng đó là nối kết ba cấp độ của thực tại: bản văn Kinh Thánh, mầu nhiệm Vượt Qua và những hoàn cảnh hiện tại của đời sống trong Chúa Thánh Thần.

NGHĨA TIÊN TRƯNG
Định nghĩa
Nghĩa tiên trưng là nghĩa sâu xa của những thực tại được viết trong Kinh Thánh, khi chúng tiên báo những thực tại tương lai, theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Giải thích
Nghĩa tiên trưng là một phương diện của nghĩa thiêng liêng. Người ta thường cho rằng loại này không thuộc về chính Sách Thánh, nhưng thuộc về những thực tại được Sách Thánh nói tới: người, nơi chốn, biến cố,… Ví dụ: Tân Ước cho thấy là đã có những tiên trưng ám chỉ Chúa Kitô, hạn như Giôna trong bụng cá (Mt 12,40), chiên lễ Vượt Qua (Ga 1,29), con rắn đồng treo trên cây gỗ (Ga 3,14), cuộc xuất hành là một tiên trưng của bí tich Thánh Tẩy (1Cr 10,2), Ađam tượng trưng cho Chúa Kitô (Rm 5,14), hồng thủy tượng trưng cho bí tích Thánh Tẩy (1Pr 3,20-21), những điều xảy ra cho dân Israel trong sa mạc là những tiên trưng cho các tín hữu (1Cr 10,6),… Thực ra, tương quan tiên trưng thường đặt căn bản trên đường lối Sách Thánh dùng để miêu tả thực tại cổ xưa (tiếng của Aben trong St 4,10; Hr 11,4; 12,24) chứ không thuần túy trên chính thực tại ấy.
Tiêu chuẩn để xác định nghĩa tiên trưng
Không được lẫn lộn nghĩa tiên trưng với những giải thích chủ quan tùy tiện do trí tưởng tượng hoặc lý luận thuần túy tạo ra. Nghĩa tiên trưng phải xuất phát từ việc các tiên trưng quy hướng về các đối trưng (nghĩa là những thực tại tương lai mà tiên trưng ám chỉ) nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Bởi thế sự mạc khải hay là sự tiến triển trong sự hiểu biết về mạc khải là ánh sáng chắc chắn nhất để giúp ta nhận ra ý nghĩa tiên trưng. Vì vậy, hầu hết các tiên trưng được các nhà chú giải chấp nhận là những thực tại được nêu ra do Tân Ước hoặc do sự nhất trí của các Giáo phụ và của các sách phụng vụ. Ví dụ Tân Ước (thư Hípri) xem Menkixêđê như một tiên trưng của Chúa Kitô, về sau phụng vụ và lời dạy của các Giáo phụ cắt nghĩa thêm rằng bánh và rượu mà Menkixêđê tiến dâng (St 14,18) là một tiên trưng của hy lễ Thánh Thể của các tín hữu.
Một mặt, Hội Thánh luôn trân trọng giá trị riêng của bản văn Cựu Ước, vì “Lời Kinh Thánh không thể bị hủy bỏ” (Ga 10,35), cũng như mạc khải Cựu Ước tiếp tục có giá trị đối với các tín hữu (x. Rm 15,4; 1Cr 10,11), vì cội nguồn của Kitô giáo được gặp thấy trong Cựu Ước và Kitô giáo luôn được nuôi dưỡng bởi cội nguồn ấy. Nhưng mặt khác, Hội Thánh cũng coi toàn bộ kế hoạch cũ (Cựu Ước) như một tiên trưng duy nhất của đối trưng là kế hoạch mới (Tân Ước). Chẳng những các nhân vật và các sự kiện, mà cả cơ chế như lập pháp, đền thờ, vương chế trong Cựu Ước cũng đều là những tiên trưng; tất cả tiên trưng đó tập trung vào Chúa Kitô, vì chính Người đã làm cho kế hoạch cũ được hoàn tất cách quyết định.

CẦN VƯỢT QUÁ “CHỮ VIẾT”[2]
Sau khi nắm vững tính tương tác giữa các nghĩa khác nhau của Kinh Thánh như nói ở trên, các tín hữu nhất thiết phải có cuộc vượt qua từ văn tự sang thần thiêng. Quả vậy, Lời Chúa không bao giờ đơn giản hiện diện trong nghĩa văn tự. Muốn đạt tới Lời của Người, cần phải có một cuộc vượt quá và một tiến trình hiểu biết, tự để cho sự chuyển động bên trong của toàn bộ các bản văn hướng dẫn, vì thế tiến trình này cũng phải trở thành một tiến trình liên hệ đến đời sống. Như thế các tín hữu mới hiểu lý do tại sao tiến trình giải thích Kinh Thánh đáng tin cậy không bao giờ thuần túy là một tiến trình tri thức mà còn là một tiến trình liên hệ đến đời sống, đòi phải dấn thân trọn vẹn vào đời sống của Hội Thánh, hiểu như là sống “theo Thần Khí” (Gl 5,16). Một tiến trình như thế mang kịch tính sâu xa, vì trong tiến trình vượt quá này, cuộc vượt qua được thực hiện trong Thần Khí, nhất thiết gặp gỡ sự tự do của mỗi người. Đức Mẹ Maria và các Thánh, như Phaolô và Âugustinô, là những gương sáng cho các tín hữu trong việc sống trọn vẹn cuộc vượt quá này, để “không còn là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

KẾT LUẬN
Nhìn chung, để việc đọc Kinh Thánh sinh hoa kết quả gấp trăm thì cần đặt bản văn ấy trong bối cảnh toàn bộ Kinh Thánh, nghĩa là nhận ra tính thống nhất nội tại của toàn bộ Kinh Thánh (x. DV 12). Đây chính là tiêu chuẩn mang tính quyết định cho việc đọc Kinh Thánh cách đúng đắn trong đức tin; bởi vì chỉ có một Lời Chúa duy nhất đang chất vấn cuộc sống chúng ta bằng cách không ngừng mời gọi chúng ta hoán cải. Thật vậy, trọn bộ Kinh Thánh hình thành nên một Quyển Sách duy nhất và Quyển Sách duy nhất này là chính Chúa Kitô, nói về Chúa Kitô và được nên trọn trong Chúa Kitô.[3]
LM. JM. Mười Một, CSsR



[1] X. văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội ThánhCatholic Principles for Interpreting Scripture của Peter S. Williamson,189-203 và Kinh Thánh Nhập Môn của cha Norberto, 45-49.
[2] Verbum Domini, 38.
[3] Cựu Ước và Tân Ước có mối liên hệ mật thiết với nhau: Tân Ước được ẩn giấu trong Cựu Ước và Cựu Ước được biểu lộ trong Tân Ước; Tân Ước được xem như chìa khóa giải thích Cựu Ước, là sự hoàn tất Cựu Ước, còn Cựu Ước được giải thích như một lối ngõ dẫn đến Chúa Kitô. Tuy nhiên, khái niệm Kinh Thánh về sự hoàn tất là một khái niệm phức tạp, vì khái niệm này mang ba chiều kích: (1) sự tiếp nối với mạc khải Cựu Ước, (2) sự đứt đoạn, và (3) sự hoàn tất và vượt quá mạc khải Cựu Ước (x. Verbum Domini, 39-40). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét