Trang

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Hành trình Thương Khó (13): Hai bóng hình trên đồi vắng

Hành trình Thương Khó (13): Hai bóng hình trên đồi vắng

mẹCác bạn trẻ thân mến,
Chiều hôm ấy, màu tang tóc phủ ngập cả không gian. Cả núi đồi khoác lên một nỗi u buồn thê lương sầu tủi. Áng mây chiều chẳng buồn trôi. Chút tia nắng vàng vọt yếu ớt cuối ngày cũng cố hướng về Canvê mà nhỏ lệ. Hẳn là có nhiều người hiện diện nơi đây ngày hôm ấy, nhưng dường như chỉ có hai con tim bị đâm thâu.
Một người bị treo trên kia. Thân hình cường tráng năm xưa không còn nữa. Từng vết thương lăn tăn những dòng máu chảy ra không ngừng. Cả thân mình không còn chút sức sống. Những mũi đinh ghim chặt Người vào cây gỗ. Vòng gai nhọn đính vào đầu chẳng chịu rơi ra. Khắp nơi là những thương tích vì đòn roi tàn nhẫn. Đôi mắt có phần mờ đi vì đêm dài thức trắng và những mỏi mệt trên đường. Hai tay giang ra như muốn ôm trọn cả vũ trụ. Đầu gục xuống để đáp tiếng xin vâng. Hai chân rệu rã vì leo đèo mệt mỏi giờ được yên nghỉ bởi cây đinh vô tình nơi thánh giá. Cái đau đớn thể xác giày xéo Người còn chất chứa thêm biết bao những ghen tuông, thù hằn, mưu mô của thế lực sự ác. Cây thánh giá đứng chơ vơ giữa trời, là tâm điểm cho bao người nhìn lên chiêm ngắm, là biểu tượng của tình yêu cao cả của Thiên Chúa dành cho con người. Tất cả tội lỗi của con người được gom hết vào thân thể Người, một lần đền thay cho tất cả, một cái chết có sức rửa sạch tất cả.
Một người đứng dưới cây thập giá. Mắt nhìn lên con với một lòng quả cảm thâm sâu. Trước mặt Mẹ đây là người con yêu dấu, bao nhiêu năm qua chưa bao giờ làm Mẹ phiền lòng, là đứa con trai bé bỏng đã từng nằm gọn trong vòng tay Mẹ khi còn bé, đã từng được Mẹ chăm bẵm cho miếng ăn, giấc ngủ, đã từng làm Mẹ hoảng hốt khi ở lại Đền Thờ năm 12 tuổi, đã suốt hơn 30 năm qua ngày từng ngày chia sẻ cuộc sống với Mẹ. Có nỗi đau đớn nào lớn hơn đau đớn của một người mẹ thấy người con hiếu thảo mình đứt ruột sinh ra đang quằn quại trong đau đớn, dần dần chết đi mà mình không thể làm gì được? Người ta đang sỉ nhục con Mẹ, ấy là người ta cũng đang sỉ nhục chính Mẹ. Người ta đánh đòn con Mẹ, ấy là người ta đang đánh vào xác thân Mẹ. Lời tiên tri năm xưa của cụ Simêon đã thành sự. Lời xin vâng năm xưa của Mẹ đã lên đến đỉnh điểm. Con Mẹ chết đi thì cũng là Mẹ chết đi!
Cũng như Giêsu, Mẹ không gào thét lên một cách điên cuồng để đấu tranh hay để phản đối. Mẹ chỉ im lặng, tiếp tục ghi tạc những gì đang xảy ra với mình, suy đi nghĩ lại trong lòng như Mẹ vẫn hay làm từ khi còn bé. Những gì Chúa làm trước mắt Mẹ bấy lâu nay thường không khớp với những gì Mẹ vẫn tưởng. Việc Chúa chọn Mẹ – một thiếu nữ thôn quê bình thường, nghèo nàn – làm mẹ Đấng Cứu Thế đã là một sự khác lạ trong cách hành xử của Thiên Chúa rồi. Sau đó là chuyện Chúa sinh ra ở nơi chuồng bò hôi hám, bị người ta bỏ rơi, xua đuổi, bị người ta truy giết, phải trốn sang Ai Cập, rồi sinh sống hơn 30 năm bình thường như bao thanh niên khác, chẳng có gì nổi bật, chẳng có gì khác người, hay xuất chúng… Bấy nhiêu sự kiện ấy dần dần tái hiện lại trong Mẹ. Câu nói của Giêsu khi mới 12 tuổi “cha mẹ không biết là con phải làm việc của Cha con sao” (x. Lc 2,49) đã khiến Mẹ hiểu rằng Mẹ không thể giữ Giêsu cho riêng mình. Giêsu biết mình đang làm gì, và những gì Giêsu làm là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Ngay cả những gì đang diễn ra trước mắt Mẹ đây: một cuộc hành hình tàn độc và bất công, ấy cũng là cách mà Thiên Chúa dùng để cứu độ nhân thế, như lời hứa của Người. Mẹ không hiểu gì hết, nhưng Mẹ vẫn tin tưởng vào những gì Chúa cho xảy đến với mình. Mẹ cố gắng đọc cho ra những hàm ý ẩn sâu trong đó, chứ không vội vàng hành xử một cách bộc trực theo cảm xúc nhất thời.
Nhưng nỗi đau của Giêsu và của Mẹ không chỉ đến từ những đòn roi thể xác và xúc phạm tinh thần như vậy. Nỗi buồn sâu thẳm đến với họ trong giây phút này chính là thái độ chai lỳ của con người dành cho họ. Chẳng bao giờ con người chịu nhìn nhận quyền năng và tình yêu vô biên của Thiên Chúa mà quay lại với Người. Họ cứ luôn cố chấp với những mưu toan của họ. Họ vẫn cứ luôn nghĩ họ là chúa tể của muôn loài. Họ vẫn cứ thích sống trong tăm tối của tội lỗi, bất chấp bao lời cảnh báo của Thiên Chúa. Họ hả hê với chút của cải và quyền lực họ có được, và quyết tâm dùng mọi thủ đoạn để bảo vệ nó. Trước tình yêu tự hiến của Thiên Chúa, họ vẫn đóng mình lại, không chịu để trái tim được mềm ra để cảm nghiệm, để chiêm ngắm. Họ thích bóng tối hơn, thích khom lưng, thích làm nô lệ cho tội lỗi hơn. Họ một mực chối từ Thiên Chúa, muốn loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình… Mũi giáo đâm vào trái tim Giêsu và Maria, chưa hẳn là tội lỗi con người, nhưng hơn hết, đó là thái độ ngoan cố, không chịu nhìn nhận tội và vẫn nhất quyết không chịu thay đổi cuộc sống của mình.
Rốt cuộc, chỉ còn lại hai bóng hình đơn côi trên đồi vắng. Cả hai đều đau đớn, nhưng cả hai đều nói tiếng xin vâng. Cả hai đều vô tội, nhưng lại bị đối xử như là những người tội lỗi nhất. Cả hai đều cúi đầu đón nhận hết tất cả xảy đến cho mình, chỉ mong chờ một điều gì duy nhất là khi đêm qua đi, ánh bình minh của ơn cứu độ sẽ dọi xuống trên trần gian, xua tan đi hết những ngóc ngách tối tăm trong tâm trí con người, sưởi ấm hơn những giá lạnh của con người. Một trời mới đất mới, một vườn Địa Đàng mới được trổ sinh.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

http://dongten.net/noidung/31964

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét