Trang

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Thư gửi anh Giuđa Iscariot

Thư gửi anh Giuđa Iscariot


Giuđa Iscariot có lẽ anh rất buồn, có biết bao người nhắc tên anh như một lời nguyền rủa hay khinh bỉ. Khi anh ra khỏi phòng tiệc trời đã tối. Cái tối trời của dự định trao nộp chính Thầy.
Bao nhiêu năm theo Thầy, anh cũng đã từng thấy những điều tốt lành Thầy đã làm, anh cũng như bao môn đệ khác, hy vọng được chia vào vương quyền nào đó khi Thầy lên nắm quyền. Một khát vọng rất người của anh, anh không khéo che giấu, nên vì thế anh bán nộp chính Thầy. Anh đã quyết định đẩy đưa Thầy đến chỗ bày tỏ vương quyền của Thầy khi đến cùng đường sự chết. Cái tối trời của lòng tham vọng đã che mờ mắt lương tâm của anh, giá bán Thầy chỉ bằng giá của một người nô lệ, không chắc vì anh đã tham tiền cho bằng sự tham quyền. Sự ước ao quyền vị ấy đâu chỉ riêng anh mới có mà các môn đệ khác cũng thế. Sự mù tối của tâm hồn muốn chiếm được địa vị cao khiến có người môn đệ đi lối đường cửa sau, như trường hợp bà mẹ của hai người con ông Dê-bê-đê đến xin Thầy chia vương quyền.
Sự tối trời mà Gioan đã ghi chép lại có phần nào mang sắc thái diễn tả của tâm hồn người Á Đông, khi người ta nói đến sự mê muội. Sự tối trời cũng như sự tối lòng của các môn đệ. Đã hẳn nhiều lần Thầy đã nói với các môn đệ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20, 26), tiếc thay lời nói ấy cũng như giọt nước đọng trên những chiếc lá, mau khô đi vì nắng lên. Con người đam mê danh vọng có sự mờ tối của lối đường, họ không nhìn thấy nhau, không nhìn thấy gì khác ngoài quyền lực. Giuđa anh cũng thế, không ai dám bỏ cả cuộc đời cuộc đời mình cho những điều được coi là sự điên rồ của Thập Giá, nếu chưa hiểu hết lối đường ấy dẫn mình đi tới đâu. Phêrô tuyên tín khi Thầy sắp ra đi mạnh mẽ như thế nào, khi nói: “dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi chăng nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26, 33). Lời nói ấy chưa kịp nguội đi, thì đã bắt đầu bội phản. Sự bội phản của con người cũng dễ như trở bàn tay. Nếu không đi qua vấp ngã làm sao có thể khẳng định với lòng mình, để gọi Đức Giêsu “Là Thầy và là Chúa”. Sự vấp ngã của anh Giuđa, cũng là do tối trời vậy thôi.
Anh Giuđa giao nộp Thầy, để Thầy mau sớm tỏ bày vinh quang, cái nóng hổi của lòng nhiệt thành khi chưa hiểu biết hết vị Thầy, cũng là cái vấp ngã. Giống như Phêrô thay mặt cho các anh em của mình vừa tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16), để rồi cũng lại ngăn cản ngay khi Thầy báo cuộc thương khó lần thứ nhất: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16, 22). Sự nóng vội cũng là sự tối trời mà người ta thường nói “tối mặt, tối mày”. Cái tối trời của lòng nhiệt thành, khi anh trách Maria lấy dầu thơm để xức chân Thầy mà không lấy cho tặng người nghèo. Việc làm của tình yêu đáp trả là một việc làm xem ra vô lý, nhưng lại là việc làm đầy ý nghĩa. Có lẽ anh chưa bao giờ cảm nghiệm sự bao dung của Thầy, có thể vì anh vô tình không nghe lời Thầy trách khẽ: “người nghèo, thì anh em luôn có bên cạnh; còn Thầy anh em không có mãi đâu” (Ga 12, 8). Đâu biết lần xức dầu này là lần báo trước ngày mai táng Thầy trong mộ. Anh tối trời nên anh vẫn vô tình trước lời Thầy loan báo.
Ba mươi đồng anh quăng trả lại cho người mua chuộc, giống như Phêrô nghe tiếng gà gáy và chợt tỉnh lời Thầy loan báo: “Nội đêm nay gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy 3 lần” (Mt 26, 34). Giống như mọi người, anh Giuđa, cũng chợt tỉnh như khi trong bàn tiệc, khi Thầy báo có người trong anh em sẽ nộp Thầy. “Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?” (Mt 26, 22). Một câu hỏi giật mình cho các môn đệ chứ chẳng riêng anh, trong thâm tâm của anh chắc có lẽ buồn khi nghe chính Thầy trả lời: “chính anh nói đó” (Mt 26, 25). Buồn quá phải không anh, ba năm theo Thầy đổi lấy ba mươi đồng bạc thôi sao. Thế mà đâu chỉ riêng anh, bao người theo Thầy cũng mong đổi chác được cái này và cái kia chứ đâu tìm kiếm chính Thầy. Sự bội phản của con người là điểm tìm kiếm thấp hèn ấy, sự tối trời cũng là điểm u mê ấy.
Cuối cùng khi nghĩ về anh Giuđa, tôi cũng chỉ tiếc cho anh, không thấy được lòng bao dung của Thầy. Phêrô gặp được ánh mắt của Thầy để giật mình thống hối, các môn đệ khác, người về quê thì gặp đấng Phục Sinh bẻ bánh, người khác ở lại cầu nguyện cũng gặp Đấng Phục Sinh hiện ra giữa họ. Riêng anh cái tối trời của thân phận đeo đuổi tới cùng để kết liễu đời mình bằng chiếc thòng lọng. Đã bao lần theo Thầy, chẳng lẽ không thấy được lòng thương xót của Thầy? Có lẽ có mà chỉ là quên chưa bao giờ anh thực hành lời Thầy dạy. Chính sự quên ấy, giống như cuộc đời chuẩn bị một chiếc thòng lọng để kết thúc đời mình trong vô vọng. Người không thực hành Lời Thầy, là người đem theo sự tuyệt vọng dệt thành chiếc thòng lọng, phải không anh? Và tôi nhớ lại lời Thầy nhắc: “Tại sao anh em gọi Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’, mà anh em không làm điều Thầy dậy?” (Lc 6, 46).
Bao giờ cũng đầy u mê phải không anh, mải đi tìm danh lợi cho mình, để rồi u mê giữa thiện và ác, u mê giữa tình thân yêu của đồng loại. Phải chăng việc loại trừ nhau là sự u mê điên rồ nhất mà lại thường phạm nhất? Bằng nhiều cách, con người đè bẹp nhau để sống, một lời vu oan, một lời chê bai, một câu nói đầy ác ý.., có biết bao những vô tình mỗi ngày nhằm hạ bệ anh chị em, những người sống chung quanh mình. Khi loại trừ lẫn nhau người ta đang tự loại chính mình, những kết cấu của sự sụp đổ cá nhân bắt nguồn từ việc khai trừ lẫn nhau. Không bao giờ có thể đứng vững khi chính mình đang phá đổ những tương quan, mù loà với sự hiện diện của anh chị em.
Ai cũng vấp ngã nhưng mình anh kết thúc sự vấp ngã cách tuyệt vọng. Tôi cũng tự nhủ, lối đường tuyệt vọng ấy cũng là con đường của tôi, nếu tôi không bắt đầu thực hành yêu thương như Thầy đã yêu thương. Sự mù loà về Tình Yêu là sự tối trời đáng sợ hơn cả. Tình yêu khám phá ra niềm hy vọng, và mở lối cho anh em, phải không anh. Tình Yêu Thập Giá trả lời câu hỏi đó và để nhắc nhở mình: “Hãy Yêu như Giêsu”.
Với những suy tư ấy, bước vào mùa chay này, ước mong Giêsu mở cho con đôi mắt tình yêu, để sự tối trời của tâm hồn, của cuộc đời có ánh sáng của Người soi lối.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét