Mùa Chay và Tuần Thánh, tìm hiểu : ý nghĩa năm dấu thánh Padre Pio
Lm. Hoành Sơn, S.J.
Hiện tượng Padre Pio
Để được truy phong hiển thánh, đòi phải có mấy phép lạ. Nơi một số thánh “chuyên gia phép lạ” (thaumaturge), như An tôn hay Vinh sơn, phép lạ có cả chùm ấy, có ngay sinh thời các ngài. Nhưng chắc hẳn không ai mà ở họ, phép lạ lại đa dạng như nơi Padre Pio. Như thấu thị (clairvoyance) để nhìn thấu tâm tư và thấy rõ quá khứ của kẻ nào đó. Như tiên tri để đọc được tương lai của một số người. Như phân thân (bilocation), tuy ở trong nhà dòng đấy, mà vẫn có mặt đồng thời ở nhà bệnh nhân để cứu họ. Như phát quang và bốc hương từ thương tích của mình. Như không ăn mà không giảm ký, bệnh lao thời kỳ cuối mà sống vẫn lâu, thân nhiệt vọt tớI 45-50 độ C, mà không xỉu, không chết…Và lạ hơn hết, đó là Năm (thậm chí Bảy) dấu thánh rỉ máu suốt ngày đêm, mà băng bó chữa chạy hết cách không thuyên giảm, để rồi không trị liệu nữa cũng chẳng làm độc và mưng mủ bao giờ…, điều khiến giáo sư S. Mancini thuộc đại học Lausanne phải thốt lên, rằng đây là “một trong những nhân vật dị thường nhất của thế kỷ (XX) chúng ta”[1].
Dị thường đến nỗi, cả trong lẫn ngoài Công giáo, nhiều ngành khoa học phải nhảy vô nghiên cứu. Những sách và bài báo viết về cha không đếm xuể. Lại có những người như Alberto del Fante, luật sư và nhà báo, Tam điểm và vô thần, sau khi đã thóa mạ cha liên hồi trên tờ Italia laica (Nước Ý thế tục) ở Florence, được ngài cứu giúp một cách quảng đại và thần kỳ, đã bỏ hết đến ở hẳn San Giovanni Rotondo để thu thập cứ liệu về các phép lạ (cùng với chứng cứ, tên tuổI và địa chỉ), nhờ đó viết nên hai bộ sách, xuất bản dưới nhan đề “Vì lịch sử”[2] và“Những sự kiện mới” .
Riêng về Năm dấu thánh (chưa kể hai dấu phụ : dấu vác thánh giá ở vai, dấu phạt trượng ở lưng), bác sĩ Romanelli, được bác sĩ Bignami vô tín ngưỡng (giáo sư bệnh học thuộc ĐạI học Rôma) từ Rôma đến tiếp tay, sau 15 tháng khám nghiệm và chữa trị công phu, đã phải viết bản tường trình chi tiết như sau:
“Những vết thương ở tay Padre Pio được phủ dưới một lớp màng (membrane) mỏng mầu hồng hồng. Không chỗ nào dính máu (sanguinolent), không sưng do phản ứng viêm mô (réaction inflammatoire des tissus).
“Tôi tin, thậm chí xác tín, rằng các vết thương ấy sâu. Dùng ngón tay bóp thử, tôi cảm nhận một khoảng trống xuyên suốt bề dày bàn tay.
“Tôi không thể bóp mạnh để xem các ngón tay tôi có dính vào nhau không, bởi lẽ làm thế, như mọi sức ép, đều làm người bệnh rất đau đớn.
“Dẫu sao, tôi cũng bóp thử rất nhiều lần cả sáng lẫn chiều, và phải thú nhận rằng, lần nào cũng thấy y như thế.
“Các vết thương bàn chân cũng phô bày cùng những đặc điểm như ở bàn tay, có điều do bề dày của bàn chân, tôi không dám làm cùng một xét nghiệm như ở bàn tay.
“Vết thương cạnh sườn là một vết cắt thẳng, song song với những xương sườn, dài khoảng bảy, tám phân, nó cứa vào những mô mềm, với một chiều sâu khó lường và chảy máu nhiều. Thứ máu này có hết mọi đặc tính của máu động mạch, và miệng vết thương cho thấy đây là một vết thương sâu.
“Các mô bao quanh vết thương không cho thấy có phản ứng viêm nào cả, và khẽ chạm vô cũng đau rồi. Tôi đã thăm cha Piô năm lần trong vòng 15 tháng, và dầu nhận thấy có đôi chút thay đổI, tôi cũng không tìm ra được một công thức bệnh lý nào cho phép xếp loại những vết thương ấy.”
Bác sĩ càng sửng sốt hơn nữa khi mà, dù băng thuốc kỹ lưỡng đến đâu, vết thương cũng không thấy thuyên giảm, mà để lâu đến đâu, cũng không thấy làm độc. Cuối cùng, cả bác sĩ Festa (một trong những bác sĩ nổI tiếng của Rôma), bắt đầu ngờ có giả mạo như nhiều đồng nghiệp khác, cũng phảI nhìn nhận : Thứ thương tích này vượt ra ngoài tầm nghiên cứu và hiểu biết của khoa học.[3]
Thế nhưng, đã trót thì phảI trét, người ta bèn lôi cha Piô tới bệnh viện, cho xét nghiệm lục phủ ngũ tạng thật kỹ. Lạ lùng thay! Chẳng tìm thấy triệu chứng của bất cứ bệnh nộI ttương, bệnh ở thần kinh hay bất kỳ chỗ nào, thậm chí bệnh lao thời kỳ cuối xưa kia cũng không để lại dấu vết nữa.[4]
Tuy y học bó tay rồi, nhưng những ngành như tâm lý vẫn muốn tìm ra một giải thích “tự nhiên”. Giáo sư Sylvia Mancini cho rằng đây là một hiện tượng siêu tâm lý (métapsychique) : do tác động của nghi lễ đi đôi vớI cảm thức huyền thoại và bầu khí cuồng nhiệt của đám đông tín đồ mà, như trong một thôi miên huyền dị, cha Piô đã nhái dạng (mimoumai) đau đớn của Đức Giêsu, sự nhái dạng ấy mạnh đến nỗi hiện thể ngay cả ở thân xác.
Như đã trình bày trong CGvDT số 123, tôi cho rằng quả có một nhái dạng nào đó, nhưng không do tác động của bầu khí bên ngoài cho bằng do sức mạnh của sự hiệp nhất bên trong, ở vô thức, giữa hồn cha Piô với Chúa Giêsu dưới mầu nhiệm khổ nạn. Chính kinh nghiệm sẵn có ở vô thức ấy, cộng với lòng khát khao mãnh liệt được cùng Chúa gánh tộI thiên hạ, lòng khát khao được trợ lực bởi tác động Chúa Thánh Thần, đã khiến cha Piô nhái dạng Đức Giêsu trên thập giá một cách rất hoàn mỹ. Nên đây là phép lạ hoán chuyển (transfert) từ trong ra ngoài, từ tâm lý sang thể lý, từ Chúa sang cha Piô. Phép lạ bên ngoài chỉ là để giữ cho vết thương khỏi làm mủ và không phương hạI đến sức khỏe sinh lý và tâm lý của cha Piô, thế thôi.
Vậy đâu là ý nghĩa Năm dấu thánh Padre Pio ?
Đúng là do Trời làm, từ cái căn bản sẵn có ở bề sâu vô thức. Nhưng tại sao lạI làm như thế thay vì thế khác, cùng với biết bao điều kỳ bí đi kèm chúng góp phần làm nên Hiện tượng Padre Pio, với tiếng vang tràn xa khỏi biên giới nước Ý?
Maria Winowska, tác giả cuốn sách nổi tiếng Le Fou de Notre-Dame (Kẻ điên vì Đức Bà), giải thưởng (rất cao quý) Hàn lâm viện Pháp, đã phải lặn lội tới San Giovanni Rotondo khảo sát công phu trước khi viết nên cuốn Chân dung thật của Padre Pio… (Le vrai visage du Padre Pio o.f.m.c : Prêtre et Apôtre), trong đó bà cố tìm hiểu con người và tâm hồn cha Piô. Theo bà, cha chỉ là “một linh mục cầu nguyện” và một mục tử tận tâm vớI bầy chiên. Nhưng bà không giải thích vì sao có hiện tượng in Năm dấu thánh thay vì những phép lạ khác chúng thừa sức kéo loài ngườI sẵn máu Hêrodê hám lạ đến sa vô lưới cha Piô. Vâng, nếu Chúa chọn phép lạ chính yếu là Năm dấu thánh, mà mục tiêu là Đền tội thay, thì hẳn là Chúa muốn gửi đến cho chúng ta một thông điệp chuyên biệt thông qua Năm dấu thánh ấy.
Vậy làm thế nào để đọc ra thông điệp đây? Chắc phải dựa vào chính tâm tình, ý nghĩ và kinh nghiệm nội tâm cha Piô. Về mặt này, chúng ta có sẵn Nhật ký của cha, cùng vớI những bức thư cha gửi cho cha linh hướng, gửi cho các con thiêng liêng, và hai bài viết ngắn của chính ngài. Về bài viết thì, may thay, Winowska có ghi lạI nguyên văn gần hết cả hai. Còn về Nhật ký và thư từ thiêng liêng thì bà cũng như mấy sử gia khác[5] chỉ có trích dẫn từng đoạn thôi. Dẫu sao, như thế cũng đủ. Ngoài ra, còn có nghiên cứu của giáo sư Mancini đăng trên Revue de l’Histoire des Religions, trong đó giáo sư nhắc đến một số sự kiện có ý nghĩa, mà Winowska và người khác bỏ qua vì không coi là quan trọng.
Cách chữa bệnh của cha Piô chẳng hạn là cách làm kỳ lạ có một không hai trên đời : cha chữa bằng cách chịu đau thay người bệnh. Nghĩa là hậu quả (đau đớn) của bệnh chuyển từ người bệnh sang cha. Cách làm mà Mancini cho là đặc trưng của “con người từ tính (magnétique)”, hút vô mình những gì cảm thấy nơi người khác. Và đây cũng là cách “đồng công cứu chuộc vớI Chúa” của cha Piô, điều mà Mancini gọi là “sự nhái dạng” (mimêsis).
Trước hết là “sự chuộc tội” từng người, chuộc theo kiểu “có vay thì có trả”. Nghĩa là để cứu một linh hồn tội lỗi, cha chịu thay người ấy sự trừng phạt họ đáng chịu vì tội, như cha thú nhận trong một số bức thư :
-“Cha đã mua con bằng chính máu cha” (Winowska, sđd. tr. 76)
-“Con không thiếu sự cầu nguyện của cha đâu, vì sao cha có thể quên con được, con là người mà cha phải trả giá bằng biết bao hi sinh, là người mà cha đã sinh ra cho Thiên Chúa trong nỗi đau đớn cùng cực.” (sđd. tr.80)
Đó là phương thức cứu thế gian mà Đức Piô XII cũng đề nghị trong thông điệp của Ngài, theo sau lời than thở của Đức Mẹ ở Fatima ngày 13-6-1917:
-“Biết bao linh hồn đang sa hỏa ngục, thế mà không có ai hi sinh cầu nguyện cho họ cả.”
Chính thông điệp Fatima đã tác động mạnh vào tâm hồn cha Piô, và cha đã dâng mình đền thay cho thế giới tội lỗi trong ngày lễ Thánh Thể 1918, để rồi ngày 5-8 cha bị “đâm xuyên qua linh hồn”, và ngày 20-9 cùng năm cha tiếp nhận Năm dấu thánh với sự rỉ máu thấy rõ các ngày thứ sáu hằng tuần, vào lúc ba giờ chiều, giờ Chúa chịu chết. Vào những năm đầu của Năm dấu thánh, cha đau đớn ghê gớm, như được gián tiếp tiết lộ qua thư từ hồi đó:
-“Cha tiếc vì không thể trả lời từng điểm các câu con hỏi. Từ ba ngày nay cha bệnh, và ra khỏi giường chỉ để viết thư cho con.”
-“Xin đừng quên kẻ đang vác thánh giá thay cho mọi người.”
-“Xin hãy cầu cho linh hồn cha, để cha khỏi mất nó trong cơn thử thách khủng khiếp này.”
Rõ ràng đây là một đau đớn khủng khiếp, nó đi đôi với kinh nghiệm (huyền bí) Đêm tối, cùng với một trong những cám dỗ (của Satan) thường xảy ra trong giai đoạn Đêm tối[6] như thế.
Không biết rằng, trước thông điệp Fatima (và thông điệp Đức Piô XII), cha Piô có say mê Chúa Giêsu ở tư thế khổ nạn hay không, nhưng tác phẩm chính mà cha để lại cho chúng ta, bài Suy niệm rất cảm động về Hấp hối thánh[7], do cha sáng tác trước năm 1924, nói lên rất rõ niềm say mê thánh giá. Niềm say mê này cũng tìm thấy ở câu cha cho in vô mặt sau tấm ảnh phân phát năm 1935 nhân ngày kỷ niệm thụ phong linh mục :
-“Ôi Giêsu, nạn nhân của con và tình yêu của con, hãy biến con thành bàn thờ Thập giá Chúa, thành chén vàng Máu Thánh Chúa, thành lễ toàn thiêu của tình yêu và nguyện cầu cho con và những ngườI thân yêu của con. Hãy khiến con thành hóa thân Chúa Giêsu cho các con thiêng liêng của con, những người ở gần cũng như ở xa.”
Cha Piô rất yêu Chúa Giêsu và muốn nên một với Ngài, và đây là xu hướng của mọi tâm hồn sùng đạo chân chính. Thế nhưng hầu hết chỉ muốn nên giống Chúa cách chung chung vậy thôi. Cũng có những tôn sùng hướng về Nhập thể như của Charles de Foulcaud (yêu Giêsu Nadaret), như của Tiên sa Hài nhi Giêsu (yêu Chúa bé bỏng), như của I Nhã Loyola (năng huyền nghiệm về Nhân tính Chúa và được ơn hiểu sâu xa về mầu nhiệm Nhập thể). Tuy thế, đã yêu Chúa, hẳn là ai nấy đều mong chịu khổ vì Chúa, khổ với Chúa, như Phaolô “không hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Chúa Giêsu Kytô” (Gal.6.14), như I Nhã Loyola thôi thúc người ta chọn túng nghèo và sỉ nhục với Thầy (Linh thao: Ba loại khiêm nhường: Loại ba),như Margarita Maria Alacoque huyền kiến Thánh Tâm đau khổ vì tội lỗi loài người, như những thánh nhân muốn hứng chịu vào mình hậu quả sự công minh của Chúa. Thế nhưng chắc hẳn không ai tôn sùng Chúa đau khổ -nhất là được Chúa chọn cho nhái dạng thập giá mình- một cách hoàn mỹ như cha Piô. Nhất là nhái dạng Chúa đau khổ trong ý nghĩa “gánh tội thiên hạ” như thế. Chả thế mà cha chữa bệnh bằng cách đau đớn thay, cha giải thoát khỏi tội bằng cách chịu trừng phạt thay tội nhân. Đúng đây là con người thích hợp nhất để Chúa tuyển làm hóa thân của Ngài (alter Christus), dưới dạng Đấng Cứu chuộc (Redemptor), Cứu đấy, nhưng Cứu bằng cách Chuộc, nghĩa là trả giá bằng chính mình.
Đức Giêsu Đấng chuộc tội
Nhưng tại sao Con Thiên Chúa thành người, để cứu người lại phải trả giá bằng cái chết như vậy, Thiên Chúa Cha há chẳng nghiêm khắc quá hay sao? Cũng như tại sao chỉ một tội nặng mà phải sa hỏa ngục đời đời, cái án có nặng quá hay không?
Để trả lời câu hỏI thứ hai, phải quan niệm lại về tội theo đúng Kytô giáo.
Trong cái nhìn đúng Kytô giáo, tội không chỉ là vết nhơ của tôi, cũng không chỉ do vi phạm một khoản luật. Tội phải được nhìn trong quan hệ Cha-con và Chúa-tôi. Anh đánh chửi một ngườI già trên đường phố thì chỉ bị chê trách và phạt vi cảnh thôi, chứ chửi đánh bố mẹ anh thì theo luật Hồng đức (điều 475), anh phải bị phát vãng, thậm chí xử giảo nữa. Nghĩa là tội tăng giảm tùy đôi bên quan hệ thế nào.
Thế mà Thiên Chúa lại không chỉ là vua và cha của anh. Ngài là Vua trên mọi vua, là Đấng sáng tạo nên anh. Ngài còn là Sự Thiện viết hoa, khiến cho mọi tội lỗi đều xúc phạm trực tiếp đến Ngài. Thiên Chúa cũng là Cha viết hoa khi mà mọi phụ tính (paternitas) đều do Ngài mà phát xuất. Sinh ra ta từ hư vô, Ngài đặt vào trong ta định mệnh siêu nhiên (để ta được hạnh phúc trong Ngài sau cuộc đời dương thế), rồI khi ta tội lỗi, Ngài lại sai Con một đến chịu chết cứu ta, khiến ta thành con Ngài nơi Con Ngài thành người. Thế mà ta vẫn ngang nhiên xúc phạm đến Ngài! Nhìn trong tương quan liên bản vị (interpersonnel) thâm sâu như thế, tội hẳn phải lộ rõ như một phản bội : phản bội Chúa và Cha, phản bội tình yêu thương vô bờ bến của Ngài.
Có nhìn tội trong quan hệ yêu thương như thế, ta mới hiểu tội lớn đến đâu, và cái giá phải trả sẽ thành vô giá vậy. Vâng, tình yêu chỉ có thể đáp đền bằng tình yêu. Mà đã yêu thì không còn tính toán. Nên đền tạ trong tình yêu cũng chỉ có thể bằng một hi sinh không giới hạn. Bởi thế, đứng vào vị trí loài người để đền tạ thay, Chúa Giêsu không thể không đi vào thứ hi sinh tột cùng là cái chết. Và kèm theo cái chết thể xác là cái chết tâm hồn, nó thiêng liêng hơn, nhưng cũng thấm thía hơn, và đây là đau khổ, sự tột cùng của đau khổ :
-“Linh hồn Thầy đau buồn đến chết !” (Mt.26.38…)
Khủng khiếp nhất của cái chết tâm hồn ấy là kinh nghiệm xa lìa Cha, Cha vốn là lẽ sống của Chúa:
-“Cha ôi! Cha ôi! Sao nỡ bỏ con!” (Mt.27.46)
Đúng là sự ruồng bỏ loài người tội lỗi đã từ loài ngườI di hoán sang Chúa. Và đây không phảI là cảm nhận tự nhiên suông, nhưng siêu nhiên, huyền nhiệm, vớI sức mạnh bội tăng ghê gớm của huyền nhiệm. Quả thật nơi ý thức Chúa luôn có một huyền nghiệm kéo dài, kể từ lúc Chúa thành người. Trước hết là kinh nghiệm về Cha, và về mình với tư cách là Con Thiên Chúa, là một với Cha :”Cha với Ta, chúng ta là một” (Gio.10.30). Huyền nghiệm thường hằng, ngay cả trong đời sống thường, thì đây là Hôn nhân thiêng liêng trong từ vựng thánh Tiên sa Avila.
Chính vì phải trả cái giá lớn đến thế để cứu ta, nên Chúa yêu ta và gìn giữ đệ tử Ngài như con ngươi mắt mình (Gio.17.12). Và để nhắc nhở điều ấy cho loài người hiểu mà tránh xa tội lỗi, Chúa đã liên tiếp chọn người đón nhận Năm dấu thánh để nhái dạng Ngài dưới hình thức khổ nạn.
Không chỉ máu Chúa Giêsu
Cứu độ Kitô giáo là thứ cứu độ nhái dạng. Chúng ta phải nên một với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Thập giá, như thánh Phaolô nói (Rom.6.3-6) ), để cũng sẽ nên một với Ngài trong mầu nhiệm Phục sinh (Rom.6.5). Chính nhờ đó mà Kitô hữu kéo dài Ngài trong thời gian và nới rông Ngài trong không gian thành Huyền thân của Ngài. Vâng, “Chúa Kitô toàn bộ” (Le Christ total) còn bao gồm cả Giáo hội, cả chúng ta trong đó nữa. Và cái chết của Chúa cũng lây lan sang chúng ta thành cái chết của chúng ta, để mỗI người, bằng những hi sinh của mình, “bù vào những gì còn thiếu cho khổ nạn Chúa Kytô, vì Huyền thân của Ngài là Giáo hội” (Col.1.24). Một khi chúng ta tự nguyện tiếp nhận hi sinh như thế, chúng ta đã tham dự vào khổ nạn của Ngài, để Ngài có thể tiếp tục đau khổ nơi đau khổ của chúng ta, vì sự cứu độ của chúng ta, như thánh Augustin nói khi giải thích thánh vịnh 102 (101).
Đúng như thánh Augustin nói, khi chúng ta đau khổ, chính là Chúa Giêsu đau khổ nơi khổ đau của chúng ta, bởi sở dĩ Chúa sinh ra là để gánh lấy tội lỗi và những đau khổ của loài người, đau khổ được nhìn trong viễn cảnh cái chết toàn diện và khổ đau toàn diện ở chỗ chúng xứng với sự trừng phạt của Thiên Chúa. Vâng, phải nhìn trong viễn ảnh KHỔ XỨNG TỘI ẤY, chúng ta mới hiểu tại sao, sau khi đã kể về các phép lạ Chúa làm để giải thoát dân chúng khỏi Satan và bệnh tật rồi, Phúc Âm Matthiêu lại kết bằng một giải thích bất ngờ khó hiểu:”Để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói : Người đã mang lấy các tật nguyền và gánh lấy các bệnh của chúng ta” (Mt.8.17).
Không phải chỉ một số nhỏ phải “bù vào”, mà hết thảy cần “vác thánh giá” dù bằng những hi sinh nhỏ bé, bởi lý do ngay khi chịu Phép rửa, chúng ta đã được chôn táng với Chúa Kytô, nghĩa là được ghi dấu thánh giá rồi. Riêng một số nhỏ sẽ được chọn để nhái dạng Chúa chịu đóng đinh một cách đặc biệt : những vị được in Năm dấu thánh, những người hiến thân cho sự công mình của Chúa, hay dâng mình chịu khổ để đền tạ Thánh Tâm.
Sự nhái dạng Đức Giêsu khổ nạn của cha Piô, bằng cách gánh lấy hình phạt của mỗi linh hồn được cha cứu hẳn còn mang thêm ý nghĩa : đi kèm giá máu của Chúa phải có thêm giá máu “bù vào” của chúng ta ! Nhờ thế mà chúng ta thành người thân của nhau, khi mà mỗi người được sinh ra trong đau đớn của nhiều người khác:
-“Các con nhỏ bé mà cha đã sinh lại…”(Gal.4.19)
-“Cha đã mua con bằng chính máu cha.” (Cha Piô)
Đối vớI các tội nhân nói chung, cha Piô được in Năm dấu thánh là vì họ, bởi lẽ để được ân huệ này, cha đã hiến thân đền tội thế giới trong ngày lễ Mình Thánh 1918 với ý hướng “kéo về phía mình mọi hình phạt các tội nhân đáng chịu.”
Khổ nghiệm cha Piô và sức thánh hóa đối với bản thân cha
Khổ nghiệm cha Piô đã mang lại sự cứu độ thiêng liêng cho rất nhiều người. Nhưng thử hỏi, khổ nghiệm ấy có ích gì cho chính cha Piô hay không, nghĩa là nó có thánh hóa ngài hay không, và thánh hóa bằng cách nào?
Dĩ nhiên là mỗi hi sinh đều có ích rất nhiều trong tu tâm dưỡng tính. Và càng đồng hóa với Chúa chịu nạn thì sẽ càng thành một với Chúa trong mầu nhiệm Phục sinh (Rom.6.5). LạI nếu quên mình để cứu người, thì đó là thực thi đức Ái đỉnh cao. Thế nhưng khổ nghiệm cha Piô sẽ xuất hiện như phương thế thánh hóa tuyệt mỹ nếu chúng ta thêm vào đó chữ Huyền. Vâng, sự thánh hóa đỉnh cao luôn có tính thụ động hay thiên phú, nghĩa là do Chúa Thánh Thần trực tiếp làm, nhờ đó mặc cảm cái Tôi mới được tẩy bỏ tận gốc và đức Ái đạt tới nhiệt độ cao nhất, sự tinh thuần nhất[8].
Quả thật, khổ nghiệm Padre Pio là huyền khổ nghiệm. Trước hết, vì cuộc sống cha Piô hình như diễn ra thường xuyên trong cảnh giới siêu nhiên. Ngay từ hồi trẻ, Cha đã tiếp xúc quá nhiều vớI các sức mạnh bóng tốI : ma quỷ rất hay hiện ra và đánh đập cha. Và sau khi làm linh mục rồi, ngay từ 1914, mới 27 tuổI, các thư từ linh hướng cha viết cho thấy rõ ngài là bậc thầy về đời sống huyền nhiệm[9]. Còn về Năm dấu thánh, thì cha đã tiếp nhận chúng trong chính huyền nghiệm an tĩnh (quiétude)[10], như cha thú nhận với cha linh hướng như sau:
-“…trên cung thánh, trong một an tĩnh giống như giấc ngủ êm. Mọi cảm quan bên ngoài và bên trong con, cả những khiếu năng tinh thần (facultés de l’esprit) nữa, đều trong một sự an tĩnh (quiétude) khó tả. Một tĩnh lặng bao trùm lên con và con buông mình vào một trống không trọn vẹn…con thấy trước mắt một nhân vật huyền bí…Nhân vật nói trên biến khỏI mắt con, và con thấy tay chân và ngực con bị thủng và chảy máu.”[11]
*
Thật ra, như tôi đã trình bày, sự nhái dạng Chúa đóng đinh của cha Piô không phải phép lạ từ ngoài, mà phép lạ từ trong. Ngay từ bề sâu tối vô thức, mỗi Kytô hữu đã nên một với Chúa Kytô dưới cả ba mầu nhiệm Nhập thể, Thánh giá, Phục sinh, với Nhập thể làm nền cho hai yếu tố kia, với Phục sinh mới chỉ trong mầm mống nơi sự sống mới nó phát triển dần về hướng phục sinh trọn vẹn. Còn Thập giá là mầu nhiệm đang hiện thể trong cuộc sống thế trần này. Phép lạ chỉ là ở chỗ khiến cho Thập giá được hiện thể ngay trên cả cơ thể cha Piô. Từ trong (tức từ nền tảng là huyền nghiệm vô thức) đi ra trong siêu nhiên, nên khổ nghiệm này chính là huyền khổ nghiệm vậy. Nhất là vì ba năm trước đó, ngày 20-9-1915, Năm dấu thánh đã có mặt rồi, nhưng vô hình, khi mà cha cảm thấy đau nhói và rát ngay chính ở những chỗ ấy[12]. Và kinh nghiệm ấy cũng tiến triển về hướng tốt, trên bình diện thánh thiện, như huyền nghiệm nói chung. Quả thật, huyền khổ nghiệm cha Piô đã bắt đầu với Đêm tối, hay đi đôi với thứ Đêm tối nó thanh tẩy cách khủng khiếp nhất, như cha thú nhận khi xin cầu cho “để khỏi mất linh hồn”. Và trong những năm đầu, nhất là khi Năm dấu còn vô hình, nó làm nên một trong những thành phần của “Đêm tốI huyền nhiệm”[13]. Thế nhưng rồi về cuối, tuy đau đớn vẫn thế, nhưng nét mặt cha tươi hẳn lên : hai mấu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh đã dung hợp được với nhau. Y như Chúa Giêsu, bắt đầu còn “linh hồn Thầy đau buồn đến chết được”, nhưng rồi về cuối có thể bình tĩnh nhận định:” Tất cả đã hoàn thành” và buông mình trong tay Cha thân mến: ”Con phó linh hồn con trong tay Cha”.
Quả thật, huyền nghiệm thánh hóa ở chỗ nó xóa bỏ hết mặc cảm cái Tôi và khiến hồn kết hiệp đặc biệt sâu xa, ngày càng sâu xa hơn với Chúa, khiến con đường huyền nghiệm được gọi là Via unitiva (Giai đoạn hiệp nhất). Huyền khổ nghiệm, ở chỗ nó khiến ta nên một hoàn hảo với Chúa chịu đóng đinh trong đức Ái, cũng khiến sự Phục sinh của Chúa ngày càng hiển định (actuée) thêm nơi con người chúng ta.
Sáng tác của cha Piô: “Suy niệm về Hấp hối thánh”
“………………………………
“Lạy Chúa Giêsu, lòng con quá ư xúc động khi nghĩ rằng, vì yêu thương chúng con, Chúa đã tới đón nhận khổ hình Thập giá. Chúa dạy chúng con : không tình yêu nào lớn hơn là của kẻ hiến mạng sống vì người mà mình yêu thương. Nay đã đến lúc Chúa đóng ấn trên lời nói ấy bằng gương của chính mình. “……………………
“Khi đến Vườn, Chúa dặn đệ tử: -Anh em ở lại đây. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa cám dỗ! …………..
“Thúc dục họ như thế rồi, Chúa đi xa bằng khoảng cách ném một viên đá, và Ngài phục xuống đất. Cõi lòng Chúa chìm trong một biển cả đắng cay và sầu muộn vô biên.
“Trời đã muộn. Đêm mờ nhạt đầy bòng tối rợn rùng. Mặt trăng trông như nhuốm máu. Gió lay động tàng cây và xói buốt đến xương. Vạn vật dường như run rẩy trong một nỗi sợ sệt bí ẩn !
“………………………
“Này đây Chúa Giêsu đã tới nơi cầu nguyện. Ngài lột bỏ khỏi Nhân tính cái sức mạnh mà Nhân tính ấy có quyền hưởng do kết hiệp với Ngôi vị Thiên Chúa. Chúa dìm nghỉm Nhân tính Ngài trong hố thẳm của buồn sầu, lo sợ, đọa đầy……….
“Ngài nhìn thấy trước mọi khốn khổ sắp tới.
“Ngài nhìn thấy Giuđa, sứ đồ của Ngài, mà Ngài thương yêu biết bao, hắn bán rẻ Ngài chỉ vì mấy đồng bạc.. Này đây hắn đương trên đường tới Vườn Dầu để phản bội, để nộp Ngài! Thế mà, chỉ mới đây thôi, há chẳng phải chính hắn đã được nuôi dưỡng bằng Thịt và Máu Ngài ? Và quỳ dưới chân hắn, Ngài đã rửa chân cho hắn, đã áp chặt chân hắn vào ngực, đã hôn lên chân ấy ? Còn gì nữa mà Ngài chưa làm để ngăn hắn trên bờ vực của phạm thánh, hay ít là để khiến hắn ăn năn ? Mà không, hắn vẫn lao mình vào sự tự hủy…Và Chúa Giêsu khóc.
“Chúa thấy mình bị lôi đi trên đường phố Giêrusalem, nơi mà chỉ mấy bữa trước đây thôi, người ta còn tung hô Ngài là Cứu Chúa. Chúa thấy mình bị vả mặt trước Thượng tế. Ngài nghe người ta gào lên :”Giết hắn đi !”, giết Ngài, tác giả của Sự sống, bị lôi đi như một rúm giẻ rách hết từ tòa án này lại đến pháp đình kia.
“Dân chúng, dân của Chúa, mà Ngài yêu thương biết bao, mà Ngài đổ cho biết bao ân huệ, dân ấy la ó chống Ngài, lớn tiếng đòi giết Ngài, mà giết cách nào chứ ? Giết treo cổ trên thập tự ! Ngài nghe chúng vu cáo Ngài. Ngài thấy mình bị phạt trượng, bị độI vương miện bằng gai, được bái kính như một ông vua giả.
“Ngài thấy mình bị lên án treo cổ, đang leo đỉnh Can va, oằn người đi dưới sức nặng, và Ngài lảo đảo, quỵ xuống…
“Và này đây Chúa đã tới đồi Calvariô, bị lột trần, đặt trên thập tự, bị đóng đinh không chút xót thương, bị dựng đứng lên trước đất và trời. Ngài bị treo lủng lẳng vào mấy cái đinh, thở hổn hển dưới sự tra tấn kinh hoàng ấy………”
“Ngài thấy cổ khô, thấy ruột gan đảo lộn vì một cái khát ghê gớm, mà để thỏa mãn chỉ có chút giấm và mật đắng.
“Ngài thấy Cha bỏ rơi và Mẹ ch ìm trong đau khổ.
“Và cuối cùng là một cái chết nhục nhã giữa hai kẻ cắp
“…………………………………………………….
“Như đã tới đáy vực khổ đau. Chúa sấp mình dưới đất, trước sự uy nghi của Cha. Gương mặt thánh của Đấng Người-Thiên Chúa với huyền kiến vinh phúc nay bám đầy bụi đất, chẳng ra hình dạng gì nữa….
“Chúa Giêsu gượng dậy, hướng về trời một cái nhìn van vỉ : Ngài giơ tay lên và cầu nguyện. Ngài nài xin Cha đang ngoảnh mặt làm ngơ. Ngài cầu nguyện với niềm tin con thảo, Ngài biết rõ chỗ đứng của mình. Ngài biết mình là nạn nhân, thay mặt cả loài người đang phơi mình trước cơn giận dữ của một Thiên Chúa bị lăng mạ. Ngài biết chỉ Ngài mới thỏa mãn được sự Công minh vô biên, chỉ Ngài mới làm hòa được thụ tạo với Đấng Hóa công của nó. Ngài muốn. Ngài van nài. Thế nhưng con nguời Ngài lại đang bị nghiền nát, đúng là nghiền nát, không hơn không kém. Nhân tính Ngài vùng cựa trước một hi sinh lớn đến vậy. Nhưng tinh thấn Ngài thì sẵn sàng cho hiến tế, và cuộc đấu tranh cứ thế tiếp tục.
“……………………………………………
“Trong cơn hấp hối, Chúa Giêsu gào lên vớI Cha :”Nếu có thể, xin lấy đi chén (đắng) này”. Đây là tiếng kêu của bản tính bị dày vò nó kêu cứu với Trời cao trong tin tưởng… Sự khốn đốn khiến Chúa van xin cứu giúp và an ủi, nhưng lòng thương xót, muốn đem chúng con về với Cha, lại khiến Chúa nói ra :”Nhưng đừng theo ý con, mà ý Cha !”
“Cõi lòng Chúa tan nát rất cần sự an ủi. Thế là Chúa đứng dậy từ từ, lảo đảo bước mấy bước về phía đệ tử : ít là còn họ, bạn thân và tri kỷ, họ có thể hiểu Ngài và chia sẻ nỗi khốn đốn của Ngài…
“Nhưng Chúa thấy họ ngủ mê mệt. Và thốt nhiên, Ngài cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi ! -“Simông à, anh ngủ sao ?” Ngài nói nhẹ nhàng với Phêrô. Anh ta, chỉ mới đây thôi, còn nói quyết sẽ theo Thầy tới chết ?
“Chúa quay về phía mấy đồ đệ khác :-”Các anh không thể thức với Thầy một giờ hay sao?” Một lần nữa Chúa quên nỗI khổ của mình mà nghĩ đến nỗI nguy của họ :-”Hãy thức và cầu nguyện để khỏi sa cám dỗ !”
“……………………………………………….
“Nhưng họ vẫn ngủ say, gần như chẳng nghe thấy gì.
“Nhưng họ vẫn ngủ say, gần như chẳng nghe thấy gì.
-“Ôi Giêsu của con, hỏi có mấy tâm hồn quảng đại, cảm động trước lời thở than của Chúa mà đến làm bạn với Ngài trong Vườn Giệtsimani, mà chia sẻ nỗi đắng cay, niềm sợ lo đến chết được như thế của Thầy mình! Hỏi có bao trái tim qua các thế kỷ đã quảng đại đáp lại lời kêu mời của Chúa ! Ước chi họ có thể an ủi Chúa, và chung chịu nỗi khốn cùng với Chúa, do đó cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài! Ước chi chính con đây được kể vào số những người ấy, chính con có thể chia sẻ đôi chút gánh nặng tâm tư của Thầy mình !”
*
“Đức Giêsu trở về chỗ cầu nguyện trước đó, và lúc này, một cuốn phim đáng sợ hơn bắt đầu diễn ra trước mắt Ngài. Và đây là tội lỗi của chúng ta, tội trong mọi chi tiết của chúng phơi bầy ra trước Ngài. Phạm tội là những kẻ quá bình thường. Mà xúc phạm lại quá lớn đối với một Thiên Chúa uy nghi. Chúa nhìn rõ mọI bỉ ổi, tục tĩu, báng bổ chúng làm dơ nhớp các quả tim và miệng lưỡi được dựng nên cốt để ca tụng vinh quang Thiên Chúa. Ngài nhìn rõ những phạm thánh chúng bôi nhọ linh mục và tín đồ. Nhìn rõ sự lạm dụng quái gở các bí tích Chúa lập để cứu vớt của chúng ta, bí tích ấy đang trở thành nguyên nhân sự đọa lạc của chúng ta.
“Thế mà Chúa phải mang lấy vào thân tất cả vũng bùn hôi thối ấy của loài người sa đọa. Và Chúa phải đến trình diện trước sự thánh thiện của Cha trong tình trạng như thế. Chúa phảiđền từng tội riêng biệt và trả lại cho Cha tất cả vinh quang bị che khuất. Để cứu tội nhân, Chúa phải đi xuống đáy vũng bùn nói trên.
“Thế cũng chưa đủ. Như một cơn sóng khổng lồ, vũng bùn ấy vây bọc Chúa, dìm nghỉm, bóp nghẹt Ngài. Và bây giờ Chúa đã tới trước Cha, đối diện với Cha, Vị Thiên Chúa công thẳng, Vị Ba lần thánh; đứng trước Vị ấy, Chúa oằn oại dưới sức nặng tội lỗi, trở thành đồng bọn với các tội nhân. Đo lường sao được sự kinh tởm khủng khiếp của Ngài…?
“Chất chứa hết lên lưng mình, Chúa sụm xuống và rên rỉ dưới sức nặng sự Công minh Thiên Chúa, đối mặt với Cha, Đấng đã cho phép Con mình hiến thân làm nạn nhân vì tội lỗi thế giới, do đó trở thành “đáng nguyền rủa”.
“Sự trong trắng của Ngài run lên dưới sức nặng ô nhục; thế nhưng cùng lúc Chúa cũng nhìn thấy Cha bị xúc phạm và kẻ có tội bị lên án…Hai sức mạnh, hai mối tình đối đầu nhau trong lòng Ngài. Và sự công bình bị xúc phạm đã thắng thế. Thế nhưng, quang cảnh đáng thương tâm biết bao! Cái Con người mang trong mình mọi nhơ nhuốc của chúng ta, vâng, cái Sự Thánh thiện do bản chất ấy bị đồng hóa (bên ngoài) với các phạm nhân…và Chúa run như tầu lá trước gió.
“Để đương đầu với cơn hấp hối đáng sợ này, Chúa dìm mình vào cầu nguyện. Sấp mình trước sự Uy nghi của Thiên Chúa Cha, Ngài thưa :-”Lạy Cha, xin lấy đi chén này !” Như thể nói rằng :-”Lạy Cha, con mong muốn vinh quang Cha ! Con cũng mong muốn sự Công minh Cha được thực hiện. Và con muốn làm hòa nhân loại với Cha. Nhưng không phải với cái giá này ! Bởi con là Thánh Thiện do bản chất, con không thể nhuốc nhơ lây thế này bởi tội lỗi dược, ồ không…không thể như vậy ! Lạy Cha là Đấng có khả năng làm tất cả, xin Cha hãy lấy đi khỏi con chén này, và tìm một cách cứu vớt khác trong kho tàng minh trí vô lượng của Cha. Dù sao, nếu Cha không muốn, xin cứ làm theo ý cha, chứ không phải ý con !
[1] Xx. Mimétisme et rite: de la…à la phénoménologie de Padre Pio, trong tạp chí Revue de l’Histoire des religions, Juil.-Sept. 2004, tr. 341.
[2] Xx. Maria Winowska, Le vrai visage du Padre Pio, Lib. Arthème Fayard, Paris, 1955, tr. 115-117.
[3] Xx. Winowska, sđd., tr. 81-83.
[4] Sđd., tr. 83.
[5] Như Pascal P. Parente, Père Pio, premier prêtre stigmatisé, do R. Virrion dịch.
[6] Cám dỗ mất tin tưởng (cám dỗ đức tin) khiến có thể muốn tự tử.
[7] Chúng tôi sẽ trích dịch ở cuốI bài báo.
[8] Xx. Hoành Sơn, Thần học thiêng liêng tập II, in lần 2, tr. 720-732.
[9] Xx. Winowska, sđd., tr. 68-71.
[10] Có lẽ an tĩnh ở độ cao nhất, tương đương vớI hoàn hiệp , thậm chí xuất thần.
[11] Xx. Hoành Sơn, sđd., tr. 46; Mancicini, sđd. tr. 345.
[12] Xx. Parente, sđd., tr. 44.
[13] Parente, sđd., tr.44.
http://dongten.net/noidung/10403
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét