Trang

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

''Cảm Thức Đức Tin Trong Đời Sống Giáo Hội'' (3) (từ số 22-33)

Nguyên văn tài liệu ''Cảm Thức Đức Tin Trong Đời Sống Giáo Hội'' (3)


2. Sự phát triển của ý niệm cảm thức đức tin và chỗ đứng của nó trong lịch sử Giáo Hội

22. Ý niệm sensus fidelium (cảm thức của các tín hữu) bắt đầu được khai triển cách chi tiết và được sử dụng cách có hệ thống hơn vào thời phong trào Cải Cách, mặc dù vai trò dứt khoát của consensus fidelium (đồng cảm thức của các tín hữu) trong việc biện phân và trong việc khai triển học lý liên quan tới tín lý và luân lý vốn đã được nhìn nhận từ thời giáo phụ và trung cổ. Tuy nhiên, điều vẫn còn cần là phải chú ý nhiều hơn tới vai trò chuyên biệt của người giáo dân trong lãnh vực này. Vấn đề này chỉ được đặc biệt chú ý kể từ thế kỷ 19 trở đi. 

a) Thời giáo phụ

23. Các giáo phụ và các nhà thần học của mấy thế kỷ đầu coi đức tin của toàn thể Giáo Hội như một điểm qui chiếu chắc chắn để biện phân nội dung của Truyền Thống tông đồ. Xác tín của họ về tính chắc chắn và thậm chí cả tính vô ngộ của việc toàn thể Giáo Hội biện phân về đức tin và luân lý này được phát biểu trong ngữ cảnh tranh cãi. Các ngài bác bỏ những điều mới lạ rất nguy hiểm do các người lạc giáo đưa ra nhằm so sánh những mới lạ này với những điều được mọi Giáo Hội chủ trương và thực hành (8). Đối với Tertulianô (khoảng các năm 160-225), sự kiện mọi Giáo Hội đều có cùng một đức tin làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Kitô và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần; những ai lầm lạc quả đã từ bỏ đức tin của toàn thể Giáo Hội (9). Đối với Thánh Augustinô (354-430), toàn thể Giáo Hội, “từ các giám mục tới những người tầm thường nhất trong các tín hữu” đều làm chứng cho sự thật (10). Việc đồng thuận phổ quát của các Kitô hữu luôn hành xử như một qui tắc chắc chắn để xác định đức tin tông truyền: “Securus judicat orbis terrarum [phán đoán của cả thế giới luôn chắc chắn]” (11). John Cassian (khoảng các năm 360-435) chủ trương rằng sự đồng thuận phổ quát của các tín hữu là một luận điểm đủ để bác bỏ những người lạc giáo (12) và Thánh Vincent thành Lérins (qua đời năm 445) đề xuất qui tắc cho rằng đức tin được tuân giữ khắp nơi, mọi thời, và bởi mọi người (quod ubique, quod semper, quod ab omnibus creditum est) (13).

24. Để giải quyết các tranh cãi giữa các tín hữu, các giáo phụ không những nại tới niềm tin chung mà còn nại tới truyền thống thực hành lâu đời nữa. Thánh Giêrôm (khoảng năm 345-420), chẳng hạn, tìm được sự biện minh cho việc tôn kính di hài các thánh trong các thực hành của các vị giám mục và của giáo dân (14) còn Thánh Epiphaniô (khoảng năm 315-403), khi bênh vực đức đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ, đã hỏi liệu có ai dám kêu tên ngài mà không thêm tước “đồng trinh” hay không (15). 

25. Chứng từ của thời giáo phụ chủ yếu quan tâm tới việc làm chứng có tính tiên tri của dân Chúa như một toàn thể, một điều chắc chắn có đặc tính khách quan. Như một toàn thể, các người tin không thể sai lầm trong các vấn đề thuộc đức tin, vì họ đã lãnh nhận việc xức dầu từ Chúa Kitô, tức Chúa Thánh Thần được hứa ban, Đấng trang bị để họ biện phân sự thật. Một số giáo phụ cũng suy tư về khả năng chủ quan của các Kitô Hữu: được đức tin sinh động hóa và được Chúa Thánh Thần ngự bên trong, họ có khả năng duy trì học lý chân thực trong Giáo Hội và bác bỏ sai lạc. Thánh Augustinô, chẳng hạn, lưu ý tới điềm vừa rồi khi ngài quả quyết rằng Chúa Kitô, “thầy dạy nội tâm”, giúp người giáo dân cũng như các mục tử của họ không những lãnh nhận chân lý mạc khải mà còn tán thành chân lý này và thông truyền nó nữa (16). 

26. Trong năm thế kỷ đầu tiên, đức tin của Giáo Hội như một toàn thể tỏ ra có tính quyết định đối với việc xác định ra qui điển Thánh Kinh và các học lý quan trọng khác, như về thần tính Chúa Kitô, về việc trọn đời đồng trinh và chức mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, và việc tôn kính và khẩn cầu các thánh. Như Chân Phúc John Newman (1801-1890) từng nhận định, trong một số trường hợp, đức tin của người giáo dân đã đóng một vai trò chủ yếu. Điển hình rõ ràng nhất là trong cuộc tranh cãi thời danh với phái Ariô trong thế kỷ thứ tư. Lạc giáo này bị lên án tại Công Đồng Nixêa (năm 325), tại đây, thần tính của Chúa Giêsu Kitô đã được định tín. Tuy nhiên, từ đó tới Công Đồng Constantinốp (năm 381), vẫn có sự không chắc chắn nơi các giám mục. Trong thời kỳ này, “truyền thống thần linh chủ trương Giáo Hội vô ngộ được tín hữu giáo dân tuyên xưng và duy trì nhiều hơn hàng giám mục nhiều”. “Lúc đó, các chức năng của ‘Giáo Hội giảng dạy’ bị tạm thời đình chỉ. Giám mục đoàn lúc ấy thất bại trong việc tuyên xưng đức tin của mình. Họ nói lung tung, người này chống lại người kia; sau Nixêa, không còn gì là chứng từ chắc chắn, bất biến, nhất quán nữa, như thế đến cả gần 60 năm” (17). 

b) Thời trung cổ

27. Chân Phúc Newman cũng nhận định rằng “ở thời sau đó, khi các tu sĩ bác học Dòng Bênêđíctô của Đức [Rabanus Maurus, khoảng 780-856] và của Pháp [Ratramnus, chết khoảng năm 870] bối rối trong việc phát biểu học lý về Sự Hiện Diện Thực Sự, thì Paschasius [khoảng 790 - 860], nhờ được giáo dân hỗ trợ, đã mạnh mẽ chủ trương học lý này (18). Một điều tương tự đã xẩy ra với tín điều do Đức GH Bênêđíctô XII tuyên bố trong tông hiến Benedictus Deus (1336), về việc hưởng vinh phúc (beatific vision) mà linh hồn đã được hưởng sau khi qua luyện ngục và trước ngày phán xét (19): “truyền thống, mà dựa vào đó, việc định tín này được thực hiện, đã được biểu lộ trong sự đồng thuận của các tín hữu, với một sự minh bạch mà truyền thừa giám mục vốn không cung cấp được, cho dù nhiều vị là ‘Sancti Patres ab ipsis Apostolorum temporibus’ (bậc thánh phụ từ chính thời các tông đồ). Phần lớn công lao được gán cho ‘cảm thức của các tín hữu’; không ai hỏi ý kiến và lời bàn của họ cả, nhưng chứng từ của họ đã được thu thập, tâm tư của họ đã được tham khảo, và tôi dám nói rằng sự nôn nóng của họ được nể vì” (20). Việc khai triển liên tục nơi các tín hữu giáo dân đối với niềm tin và sự tôn sùng (mầu nhiệm) Vô Nhiễm Thai của Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, dù bị một số nhà thần học chống đối, là một điển hình khác cho thấy vai trò của cảm thức các tín hữu trong thời trung cổ. 

28. Các tiến sĩ kinh viện vốn nhìn nhận rằng Giáo Hội, vì là congregatio fidelium (hợp đoàn các tín hữu), nên không thể sai lầm trong các vấn đề đức tin vì hợp đoàn này được Thiên Chúa giảng dạy, luôn kết hợp với Chúa Kitô là đầu của mình, và được Chúa Thánh Thần ngụ cư bên trong. Thánh Tôma Aquinô, chẳng hạn, lấy điều này làm tiền đề dựa vào cơ sở này: Giáo Hội hoàn vũ được cai quản bởi Chúa Thánh Thần, Đấng dạy Giáo Hội “mọi sự thật” như lời Chúa Giêsu hứa (Ga 16:13) (21). Ngài biết rằng đức tin của Giáo Hội hoàn vũ được các vị giáo phẩm phát biểu một cách có thẩm quyền (22) nhưng ngài cũng đặc biệt lưu ý tới bản năng đức tin có tính bản thân của từng tín hữu, điều được ngài thăm dò trong tương quan với nhân đức đối thần tin.

c) Thời Cải Cách và thời hậu Cải Cách

29. Thách thức do các nhà cải cách thế kỷ 16 đặt ra đòi phải chú ý một cách mới mẻ tới sensus fidei fidelium (cảm thức đức tin của các tín hữu), và do đó, việc bàn luận có hệ thống đầu tiên về nó đã được thực hiện. Các nhà cải cách nhấn mạnh tới tính tối thượng của lời Thiên Chúa trong Sách Thánh (Scriptura sola) và chức linh mục của tín hữu. Theo quan điểm của họ, chứng từ bên trong của Chúa Thánh Thần đủ ban cho mọi người đã lãnh nhận phép rửa khả năng tự mình giải thích lời Thiên Chúa; tuy nhiên, xác tín này không làm họ lùi bước trước việc giảng dạy trong các công đồng và ấn hành các sách giáo lý để huấn giáo tín hữu. Các học lý của họ đặt nghi vấn đối với vai trò và tư thế của Thánh Truyền, thẩm quyền giảng dạy của Đức Giáo Hoàng và của các giám mục, và tính vô ngộ của các công đồng. Để trả lời chủ trương của họ rằng lời hứa hiện diện của Chúa Giêsu và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đã được ban cho toàn thể Giáo Hội, không riêng cho nhóm Mười Hai, mà cho mọi tín hữu (23), các nhà thần học Công Giáo đã tiến tới việc giải thích trọn vẹn hơn việc các mục tử phục vụ đức tin của tín hữu ra sao. Trong diễn trình giải thích này, họ chú ý nhiều hơn tới thẩm quyền giảng dạy của hàng giáo phẩm. 

30. Các nhà thần học của phong trào cải cách Công Giáo, nhờ bồi đắp các cố gắng trước đây trong việc khai triển nền Giáo Hội học hệ thống, đã tiếp tục bàn tới vấn đề mạc khải, các nguồn mạc khải và thế giá của chúng. Thoạt đầu, họ trả lời các chỉ trích của các nhà cải cách về một số học lý, bằng cách nại tới tính vô ngộ của toàn thể Giáo Hội, cả giáo dân lẫn giáo sĩ, in credendo (khi tin) (24). Thực vậy, Công Đồng Trent nhiều lần nại tới phán đoán của toàn thể Giáo Hội để bênh vực các khoản bị tranh cãi trong tín lý Công Giáo. Sắc lệnh của công đồng này về Bí Tích Thánh Thể (năm 1551), chẳng hạn, đã chuyên biệt nại tới “cảm thức phổ quát của Giáo Hội” [universum Ecclesiae sensum] (25). 

31. Melchior Cano (1509-1560), người từng tham dự Công Đồng, đã đưa ra khảo luận chi tiết đầu tiên về cảm thức đức tin của các tín hữu (sensus fidei fidelium) để bênh vực việc người Công Giáo tôn kính sức mạnh được chứng minh của Thánh Truyền trong suy luận thần học. Trong khảo luận tựa là De locis theologicis (1564) (các chủ đề thần học) (26), ngài nhận diện sự đồng thuận chung của các tín hữu hiện thời như là một trong 4 tiêu chuẩn để xác định liệu một hoc lý hay một thực hành nào đó có thuộc về truyền thống tông đồ hay không (27). Trong chương về thẩm quyền của Giáo Hội liên quan tới tín lý, ngài cho rằng đức tin của Giáo Hội không thể sai lạc vì Giáo Hội là Hiền Thê (Hs 2; 1Cor 11:2) và là Thân Thể Chúa Kitô (Eph 5), và vì Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn Giáo Hội (Ga 14:16, 26) (28). Cano cũng nhận định rằng hạn từ “Giáo Hội” đôi khi chỉ mọi tín hữu, bao gồm cả các mục tử, nhưng đôi khi chỉ các nhà lãnh đạo và các mục tử (principes et pastores), vì các ngài cũng có Chúa Thánh Thần (29). Ngài dùng chữ này theo nghĩa đầu khi quả quyết rằng đức tin của Giáo Hội không thể sai lầm, Giáo Hội không thể bị lừa đảo khi tin và tính vô ngộ không phải chỉ thuộc Giáo Hội của những thời đã qua mà cả của Giáo Hội hiện tại nữa. Ngài dùng hạn từ “Giáo Hội” theo nghĩa thứ hai khi dạy rằng các mục tử của Giáo Hội không sai lầm khi đưa ra các phán đoán có thế giá về tín lý, vì các ngài được Chúa Thánh Thần phù trợ trong nhiệm vụ này (Eph 4:; 1Tm 3) (30).

32. Thánh Robert Bellarmine (1542-1621), khi bênh vực đức tin Công Giáo chống lại các chỉ trích của Phái Cải Cách, đã lấy Giáo Hội hữu hình, hay “tính phổ quát của mọi tín hữu”, làm điểm khởi hành. Đối với ngài, mọi điều tín hữu coi như nói về đức tin (de fide), và mọi điều các giám mục dạy như thuộc về đức tin, đều nhất thiết đúng và cần phải tin (31). Ngài chủ trương rằng các công đồng của Giáo Hội không thể sai lầm vì chúng có sự đồng thuận này của Giáo Hội phổ quát” (consensus Ecclesiae universalis) (32). 

33. Các nhà thần học khác thời hậu Triđentinô tiếp tục khẳng nhận tính vô ngộ của Ecclesia (hiểu như toàn thể Giáo Hội, bao gồm các mục tử) in credendo (khi tin), nhưng họ bắt đầu phân biệt một cách sắc nét các vai trò “Giáo Hội giảng dạy” và “Giáo Hội học hỏi”. Việc nhấn mạnh trước đây tới tính vô ngộ “tích cực” của Ecclesia in credendo dần dần bị thay thế bởi việc nhấn mạnh tới vai tò tích cực của Ecclesia docens (Giáo Hội giảng dạy). Cũng từ đó, người ta hay nói rằng Ecclesia discens (Giáo Hội học hỏi) chỉ có được thứ vô ngộ tiêu cực mà thôi.

Còn tiếp
______________________________________________________________________________________________________________________

(8) Yves M.-J. Congar nhận diện một số vấn nạn học lý trong đó cảm thức của các tín hữu được sử dụng trong Jalons pour une Théologie du Laïcat (Paris: Éditions du Cerf, 1953), 450-53; Bản dịch tiếng Anh: Lay People in the Church: A Study for a Theology of Lay People (London: Chapman, 1965), Phụ Lục II: “Cảm Thức Của Các Tín Hữu” trong các giáo phụ, 465-67.

(9) Tertullianô, De praescriptione haereticorum, 21 và 28, CCSL 1, các trang 202-203 và 209.
(10) Thánh Augustinô, De praedestinatione sanctorum, XIV, 27 (PL 44, 980). Ngài nói điều này có ý chỉ tính hợp qui điển của Sách Khôn Ngoan.
(11) Thánh Augustinô, Contra epistolam Parmeniani, III, 24 (PL 43, 101). Xem De baptismo, IV, xxiv, 31 (PL 43, 174) (liên quan tới việc rửa tội trẻ sơ sinh): “Quod universa tenet Ecclesia, nec conciliis institutum, sed semper retentum est, nonnisi auctoritate apostolica traditum rectissime creditur”. 
(12) Cassian, De incarnatione Christi, I, 6 (PL 50, 29-30): “Sufficere ergo solus nunc ad confutandum haeresim deberet consensus omnium, quia in dubitatae veritatis manifestatio est auctoritas universorum”. 
(13) Thánh Vincent thành Lérins, Commonitorium II, 5 (CCSL, 64, tr.149). 
(14) Thánh Giêrôm, Adversus Vigilantium 5 (CCSL 79C, tr.11-13).
(15) Thánh Epiphaniô thành Salamis, Panarion haereticorum, 78, 6; Die griechischen christlichen Schriftsteller der ersten Jahrhunderte, Epiphanius, Bd 3, tr.456.
(16) Thánh Augustinô, In Iohannis Evangelium tractatus, XX, 3 (CCSL 36, tr.204); Ennaratio in psalmum 120, 7 (PL 37, 1611).
(17) Chân phúc John Henry Newman, On Consulting the Faithful in Matters of Doctrine, John Coulson chủ biên và viết dẫn nhập (London: Geoffrey Chapman, 1961), các tr.75-101; ở các tr. 75 và 77. Cũng nên xem cuốn The Arians of the Fourth Century của ngài (1833; xuất bản lần thứ ba, 1871). Cha Congar phát biểu một số thận trọng đối với việc sử dụng lối phân tích vấn đề này của Chân Phúc Newman; xem, Congar,Jalons pour une Théologie du Laïcat, tr.395; Bản dịch tiếng Anh: Lay People in the Church, các tr.285-6.
(18) Newman, On Consulting the Faithful, tr.104.
(19) Xem DH 1000.
(20) Newman, On Consulting the Faithful, tr.70. 
(21) Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, IIa-IIae, q.1, a.9, s.c.; IIIa, q.83, a.5, s.c. (liên quan tới phụng vụ Thánh Lễ); Quodl. IX, q.8 (liên quan tới việc phong thánh). Cũng nên xem Thánh Bonaventura, Commentaria in IV librum Sententiarum, d.4, p.2, dub. 2 (Opera omnia, vol.4, Quaracchi, 1889, tr.105): “[Fides Ecclesiae militantis] quamvis possit deficere in aliquibus personis specialiter, generaliter tamen numquam deficit nec deficiet, iuxta illud Matthaei ultimo: “Ecce ego vobiscum sum usque ad consumationem saeculi”’; d.18, p.2, a. un. q.4 (p.490). Trong Summa theologiae, IIa-IIae, q.2, a.6, ad 3, St Thánh Tôma liên kết việc Giáo Hội hoàn vũ không thể sai lầm với lời Chúa Giêsu hứa với Thánh Phêrô rằng đức tin của ngài sẽ không sai lầm (Lc 22:32) 
(22) Summa theologiae, IIa-IIae, q.1, a.10; q.11, a.2, ad 3.
(23) Xem Martin Luther, De captivitate Babylonica ecclesiae praecludium, WA 6, 566-567, và John Calvin, Institutio christianae religionis, IV, 8, 11; các lời hứa của Chúa Kitô được tìm thấy tại Mt 28:19 và Ga 14: 16, 17. 
(24) Xem Gustav Thils, L’Infaillibilité du Peuple chrétien ‘in credendo’: Notes de théologie post-tridentine (Paris: Desclée de Brouwer, 1963).
(25) DH 1637; cũng nên xem DH 1726. Muốn có các kiểu nói tương đương, xin xem Yves M.-J. Congar, La Tradition et les traditions, II. Essai théologique (Paris: Fayard, 1963), các tr.82-83; Bản dịch tiếng Anh Tradition and Traditions (London: Burns & Oates, 1966), 315-17.
(26) De locis theologicis, Juan Belda Plans chủ biên (Madrid, 2006). Cano liệt kê 10 chủ đề: Thánh Kinh, các truyền thống Chúa Kitô và các tông đồ, Giáo Hội Công iáo, Công Đồng, Giáo Hội Rôma, các giáo phụ, thần học kinh viện, lý trí tự nhiên, các nhà triết học, lịch sử con người. 
(27) De locis theol., Bk. IV, ch. 3 (Plans biên tập., tr.117). ‘Si quidquam est nunc in Ecclesia communi fidelium consensione probatum, quod tamen humana potestas efficere non potuit, id ex apostolorum traditione necessario derivatum est.’
(28) De locis theol., Bk. I, ch. 4 (các tr.144-46). 
(29) De locis theol., Bk. I, ch. 4 (tr.149): ‘Non solum Ecclesia universalis, id est, collectio omnium fidelium hunc veritatis spiritum semper habet, sed eundem habent etiam Ecclesiae principes et pastores’. Trong Sách VI, Cano khẳng định thẩm quyền của Giám Mục Rôma khi ngài định tín một tín điều ex cathedra.
(30) De locis theol., Bk. I, ch. 4 (các tr.150-51): ‘Priores itaque conclusiones illud astruebant, quicquid ecclesia, hoc est, omnium fidelium concio teneret, id verum esse. Haec autem illud affirmat pastores ecclesiae doctores in fide errare non posse, sed quicquid fidelem populum docent, quod ad Christi fidem attineat, esse verissimum.’
(31) Robert Bellarmine, De controversiis christianae fidei (Venice, 1721), II, I, lib.3, cap.14: ‘Et cum dicimus Ecclesiam non posse errare, id intelligimus tam de universitate fidelium quam de universitate Episcoporum, ita ut sensus sit eius propositionis, ecclesia non potest errare, idest, id quod tenent omnes fideles tanquam de fide, necessario est verum et de fide; et similiter id quod docent omnes Episcopi tanquam ad fidem pertinens, necessario est verum et de fide’ (tr.73). 
(32) De controversiis II, I, lib.2, cap.2: ‘Concilium generale repraesentat Ecclesiam universam, et proinde consensum habet Ecclesiae universalis; quare si Ecclesia non potest errare, neque Concilium oecumenicum, legitimum et approbatum, potest errare’ (tr.28).

Vũ Văn An7/14/2014(vietcatholic)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét