Trang

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Không được làm các ngẫu thần!

Không được làm các ngẫu thần!
Thư gửi Bạn Hiền 19
 
Atlanta, ngày 7 tháng 7 năm 2014
 
Bạn thân mến,
 
Sau khi dẫn dân Do Thái ra khỏi đất Ai Cập, đến Núi Sinai, Thiên Chúa ban cho họ 10 điều răn, điều thứ nhất nói: Xuất Hành 20:2-5: (2) “Ta là Thiên Chúa, Chúa của các ngươi, là người đem các ngươi ra khỏi Ðất Ai Cập, ra khỏi vòng nô lệ. (3) Ngoài Ta ra các ngươi sẽ không được có chúa nào khác. (4) Không được làm ngẫu thần nào hoặc những gì giống như bất cứ vật gì trên trời, trên mặt đất ở dưới, hay trong lòng nước dưới đất; (5) các ngươi không được kính bái chúng hoặc phụng sự chúng. [(2) “I am the Lord your God, who brought you out of the land of Egypt, out of the house of slavery. (3) You shall not have other gods beside me. (4) You shall not make for yourself an idol or the likeness of anything in the heavens above or on the earth below or in the waters beneath the earth; (5) you shall not bow down before them or serve them.]
 
Sách Lê Vi viết (19:4): “Không được quay mặt bước theo các ngẫu thần (idols), cũng không được đúc chúa nào cho các ngươi. Vì chính Ta là Thiên Chúa, Chúa các ngươi.” (“Do not turn aside to idols, nor make molten gods for yourselves. I, the Lord, am your God.”); 26:1: “Không được làm ngẫu thần nào cho các ngươi. Các ngươi cũng không được dựng hình ảnh mà các ngươi khắc hay ngẫu thần bằng đá cho các ngươi, các ngươi cũng không được chưng bày tượng đá mà các ngươi khắc cho việc tôn thờ trong địa hạt các ngươi; vì Ta là Thiên Chúa, Chúa các ngươi. (“Do not make idols for yourselves. You shall not erect a carved image or a sacred stone for yourselves, nor shall you set up a carved stone for workship in your land; for I’m the Lord your God.”)
 
Sách Thứ Luật cũng viết: 4:15,16,23: (15) Bởi các ngươi đã không thấy bất cứ một hình ảnh nào trong ngày mà Thiên Chúa nói với các ngươi từ giữa đống lửa tại Horeb, các ngươi phải rất cẩn thận (16) đừng có hành xử cách bất chính mà đi chưng diện các ngẫu thần tượng trưng cho bất cứ hình thù nào cho các ngươi, cho dù hình thù ấy là của người nam hay nữ. (23) Vì thế, các ngươi phải cẩn thận, bằng không các ngươi sẽ quên giao ước mà Thiên Chúa, Chúa các ngươi, đã thiết lập với các ngươi, rồi vi phạm lệnh truyền của Người mà đi chưng diện cho các ngẫu thần dù trong bất cứ hình dạng nào. [(15) Because you saw no form at all on the day The Lord spoke to you at Horeb from the misdt of the fire, be strickly on your guard (16) not to act corruptly by fashioning an idol for yourselves to represent any figure, whether it be in the form of a man or women.” (23) “Be careful, therefore, lest you forget the covenent which the Lord, your God, has made with you, and fashion for yourselves against his command an idol in any form whatsoever.”]
 
Và thưa bạn, đó là lề luật liên quan đến vấn đề ngẫu thần mà Thiên Chúa ban cho dân riêng của Người. Dựa vào luật này, và dựa vào việc người Công giáo thờ lạy ảnh tượng Thiên Chúa, thờ lạy Thánh Thể Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể; dựa vào việc người Công giáo chưng bày, kính bái ảnh tượng Ðức Trinh Nữ Maria, các thiên thần, và toàn thể các thánh; nhiều người cho là người Công giáo vi phạm luật này của Chúa cách trầm trọng. Nhưng người Công Giáo có vi phạm luật này của Thiên Chúa hay không? Chúng ta hãy tìm hiểu.
 
Trước hết, một cách rõ ràng, theo luật này, Chúa cấm không được có, không được làm các ngẫu thần (idols) dưới bất cứ hình dạng nào; mà cũng không không được kính bái, không được phụng sự, không được thờ lạy các ngẫu thần (idols) này dưới bất cứ hình thức nào. Kế đến chúng ta phải hiểu ngẫu thần (idol) nghĩa là gì? Theo Webster’s Encyclopedic Unabridged Dictionary of The English Language thì chữ idol có tất cả 6 nghĩa. Nghĩa thứ 2 là ý nghĩa của chữ idol khi dùng trong Kinh Thánh, và chữ này, khi dùng trong Kinh Thánh, lại có hai nghĩa: a- an image of a deity other than God. b- the deity itself. Có nghĩa là: a- hình ảnh của một thần linh nào không phải là Thiên Chúa. b- một thần linh nào đó.
 
Vậy đem ý nghĩa của chữ ngẫu thần (idol) vào luật của Chúa ở trên thì Thiên Chúa chỉ cấm dân của Người không được có, không được làm, không được kính bái, không được phụng sự, và không được thờ lạy ảnh tượng của bất cứ một thần linh nào không phải là Thiên Chúa chứ Thiên Chúa không cấm việc làm ảnh tượng của chính Người. Thiên Chúa cũng không cấm làm hay khắc các ảnh tượng khác nếu chúng ta không kính bái, không phụng sự, không thờ lạy các ảnh tượng đó. Nếu luật trên của Thiên Chúa áp dụng cho cả những trường hợp không phải là để kính bái, phụng sự, và thờ lạy thì, trên thế gian này, không mấy ai, và không quốc gia nào là không phạm luật trên vì hầu như nhà nào, quốc gia nào cũng có hình, ảnh, hay tượng dùng để trang hoàng, để ghi nhớ các vĩ nhân, các anh hùng tử sĩ và thân nhân họ hàng của mình. Vì thế, nếu chúng ta đọc cho kỹ, hiểu cho đúng thì luật trên của Thiên Chúa chỉ áp dụng khi chúng ta có, làm, hay khắc ảnh tượng của các thần linh không phải là Thiên Chúa để kinh bái, phụng sự, hay thờ lạy chúng. Ðiều này quả là không sai lầm và hiển nhiên vì Thiên Chúa tạo dựng chúng ta là để chúng ta thờ phượng phụng sự Người; vì thế, mọi hành vi tôn thờ quy về Thiên Chúa phải là đúng. Chính Thiên Chúa đã  truyền cho Ông Môisen làm và đặt tượng hai thiên thần cherubin trên nắp Hòm Bia Thiên Chúa và nhiều nơi khác, Exodus 25:18; 26:1,31,33. Trong Sách Các Vua, quyển 1, chương 6, Vua Solomon cũng đặt tượng và khắc hình các cherubin, nhiều cây cọ (Palm trees), và hoa trong đền thờ; ông cũng dùng vàng và nhiều gỗ quý trong việc trang hoàng đền thờ Thiên Chúa. Trong sách Khởi Nguyên 28:18, Ông Jacob cũng dựng một cột thánh (sacred pillar) bằng đá để ghi nhớ Thiên Chúa. Exodus 24:4, Ông Môisen cũng xây một bàn thờ để tôn thờ Thiên Chúa và dựng 12 cột đá thánh tượng trưng cho 12 chi tộc Israel tại chân Núi Sinai. Sách Các Vua quyển 1 chương 7:21-26, Vua Solomon đúc và đặt biển nước (molten sea) trên 12 con bò bằng đồng để tượng trưng cho 12 chi tộc Israel. Như vậy, một lần nữa, thật hiển nhiên là Thiên Chúa không cấm việc làm và dùng các ảnh tượng cho việc thờ lạy phụng sự Người. Người cũng không cấm làm và dùng ảnh, tượng các thụ tạo mà chính người đã tạo dựng trong việc tôn vinh Người. Nhưng người cấm, tuyệt đối, không được thờ lạy, phụng sự các ngẫu thần khác vì Người là Thiên Chúa duy nhất; ngoài Người ra thì không có chúa nào khác mà cũng chẳng có thần linh nào khác.
 
Trong thời Cựu Ước, dân Do Thái đã không làm ảnh tượng Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã chỉ tỏ hiện với họ nhiều lần trong những đám mây, cột lửa, khói, và tiếng sấm như được viết trong Sách Thứ Luật 4:15: “Bởi các ngươi đã không thấy bất cứ một hình ảnh nào trong ngày mà Thiên Chúa nói với các ngươi từ giữa đống lửa tại Horeb,...” Thêm vào đó, Thiên Chúa cũng chưa tỏ (Reveal) cho dân Do Thái biết, con người được tạo dựng nên như hình ảnh Thiên Chúa là như thế nào, và vì thế, nếu như dân Do Thái có muốn làm ảnh tượng Thiên Chúa thì họ cũng không biết phải làm ra sao. Dù vậy, Thiên Chúa đã ở giữa dân Do Thái bằng chính Lời của Người, là 10 điều răn, trong Hòm Bia Thiên Chúa.
 
Bước sang Tân Ước, Chúa Giêsu đã giải thích cho chúng ta ‘được tạo dựng nên như hình ảnh Thiên Chúa’ là như thế nào khi Người phán, Gioan 14:9, “Ai thấy Ta là thấy Cha Ta.” Nhờ thế, dân Do Thái và chúng ta mới hiểu được, cách rõ ràng, hình ảnh Thiên Chúa là hình ảnh nào. Hình ảnh đó, thưa bạn, chính là chúng ta, và như thế, mỗi một người chúng ta là một ‘tấm hình’ của Cha chúng ta trên trời. Xin đọc Thư gởi Bạn Hiền 3. Trong suốt cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu và nhất là trong ba năm rao giảng, Chúa Giêsu không để lại một chữ nào, nhưng Người lại là người đầu tiên để lại cho chúng hình của Thiên Chúa, hình của chính Người khi Người in gương mặt của Nguời trên khăn Bà Veronica. Giáo Hội Công Giáo làm ảnh tượng, vẽ và khắc hình ảnh Thiên Chúa là dựa vào việc làm này của Chúa Giêsu. Dựa vào lời Chúa phán: “Ai thấy Ta là thấy Cha Ta.” Dựa vào việc Chúa tạo dựng chúng ta nên như hình ảnh Người. Dựa vào những gì Thiên Chúa truyền cho Ông Môisen và Vua Solomon phải làm trong việc làm Hòm Bia Thiên Chúa, và việc xây cất đền thánh của Người. Như vậy, khi làm và khắc ảnh tượng Thiên Chúa, Giáo hội Công giáo và người Công giáo không hề vi phạm luật cấm không được có, không được làm, không được kính bái, không được phụng sự, không được thờ lạy các ngẫu thần dưới hay trong bất cứ hình dạng nào.
 
Việc sùng kính các thánh nam nữ và Mẹ Maria cũng vậy, cũng không vi phạm luật cấm trên. Nhưng để hiểu được điều này, chúng ta phải trở lại việc Vua Solomon xây cất đền thờ Thiên Chúa. Quyển 1 Sách Các Vua 5:19: Vua Solomon nói với Hiram vua xứ Tyre: “Vì vậy tôi quyết tâm xây một căn nhà cho danh thánh Thiên Chúa, là Thiên Chúa của tôi, vì Người đã nói với David cha tôi: Con ngươi, kẻ ta sẽ đặt trên ngai để kế vị ngươi, chính nó sẽ xây nhà cho danh ta.” Xin xem Sách Các Vua quyển 1 chương 6 để biết chi tiết xây cất. Một cách tổng quát, căn nhà mà Vua Solomon xây cất cho danh thánh Thiên Chúa có ba phần rõ rệt. Toàn thể bên trong ngôi nhà dài 60 cubits, rộng 20 cubits, và cao 30 cubits (mỗi cubit dài khoảng một cánh tay). Trước ngôi nhà có một phòng ngoài dài 10 cubits và rộng bằng ngôi nhà. Ngôi nhà được chia làm hai phần, phía cuối là cung thánh, dài 20 cubits. Như vậy, khi bước vào căn nhà cho danh thánh Thiên Chúa này, bạn phải đi qua phòng ngoài , dài 10 cubits, rồi đến phòng trong, dài 40 cubits, sau cùng là cung thánh dài 20 cubits, và còn nhiều phòng khác ở xung quanh ngôi nhà. Chỗ ngăn chia cung thánh và phòng trong là những tấm ván che bằng gỗ tuyết tùng và có nhiều cửa bằng gỗ thông. Cung thánh được chia thành hai tầng, tầng dưới cao 20 cubits là nơi có Hòm Bia Thiên Chúa, trong đó là hai bia đá khắc 10 điều răn hay Lời Chúa. Phía trước Hòm Bia Thiên Chúa, về phía phòng ngoài có một bàn thờ. Ðể tỏ lòng tôn kính và để bày tỏ hình ảnh sự vinh quang Thiên Chúa, Vua Solomon trang hoàng các cửa sổ bằng những bức màn che, và cho khắc hình tượng các thiên thần cherubim, các loại dây leo, các cây cọ trên tất cả những bức tường lót gỗ tuyết tùng bên trong căn nhà. Ðặc biệt, Vua Solomon cho dát vàng bàn thờ, toàn thể phía trong cung thánh, và đặt tượng hai thiên thần cherubin xòe cánh dài đủ để che hết chiều ngang căn phòng.
 
Trở lại Samuel  Quyển 2, 7:4-17, ta thấy, khi Vua David ngỏ ý muốn xây cất một căn nhà cho danh Thiên Chúa thì Thiên Chúa không nhậm lời ông, nhưng Thiên Chúa cho Vua David biết trước, Solomon con ông sẽ làm việc này. Tại sao vậy? Tại sao Thiên Chúa lại cho biết trước là Vua Solomon sẽ xây đền thờ cho Người? Thưa có hai lý do: Thứ nhất là để cho dân Do Thái và chúng ta biết, đền thờ mà Vua Solomon xây cho danh Thiên Chúa là đền thờ thật, là đền thờ đẹp lòng Chúa, là đền thờ được xây cất theo như ý Chúa bởi người mà chính Chúa chỉ định. Thưa hai là để nhờ vào căn nhà mà Vua Solomon xây cất này, căn nhà kiểu mẫu cho đền thờ Thiên Chúa trong Cựu Ước, chúng ta mới thấy được đền thờ nào đích thực là đền thờ Thiên Chúa trong Tân Ước. Vì thế, thưa bạn, giống như đền thờ Thiên Chúa trong Cựu Ước, đền thờ Thiên Chúa trong Tân Ước cũng phải có ba phần rõ rệt. Từ ngoài vào trong, thứ nhất, đền thờ thật của Thiên Chúa thì phải có tiền sảnh là nơi giáo dân và vị chủ lễ hay lễ đoàn tụ họp để chuẩn bị cho việc thờ phượng. Thứ hai, phòng trong, là nơi giáo dân tụ họp để thờ phượng. Và thứ ba là cung thánh, là nơi vị chủ tế dâng của lễ hiến tế lên Thiên Chúa. Trên cung thánh của đền thờ Tân Ước phải có một bàn thờ hiến tế, và phía sau bàn thờ cũng phải có Hòm Bia Thiên Chúa hay Nhà Tạm là nơi Thiên Chúa ngự giữa chúng ta. Sau cùng, nơi Chúa ngự trị thì phải có triều thần thiên quốc, các thiên thần, và các thánh nam nữ chầu chực đêm ngày. Vì thế, ngôi nhà nào không xây cất theo mô hình này, không có bàn thờ, không có Hòm Bia Thiên Chúa, không có tượng ảnh triều thần thiên quốc, không có các thiên thần và các thánh nam nữ chầu chực thì ngôi nhà đó không phải là đền thờ Thiên Chúa.
 
Vậy đền thờ Thiên Chúa của Tân Ước là đền thờ nào? Thưa chính là Ðền thờ Thánh Phêrô, Vatican và tất cả các nhà thờ Công giáo. Xin lưu ý, đền thờ tên là Thánh Phêrô chứ không phải đền thờ để thờ Thánh Phêrô.
 
Ðiểm đầu tiên chúng ta phải lưu ý đến Ðền thờ Thánh Phêrô tiên khởi là đền thờ này cũng được xây cất bởi một hoàng đế, Hoàng đế Constantine. Nhưng tuy cả hai đền thờ trong Cựu Ước và Tân Ước đều do vua trần gian xây cất, và đều được xây cất làm nhà cho thánh danh Thiên Chúa, có bốn điểm khác nhau rõ rệt giữa đền thờ Cựu và đền thờ Tân Ước:
 
1. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa ở giữa dân Người bằng Lời của Người là 10 điều răn được khắc trên hai bia đá đặt giữa cung thánh trong đền thờ. Bước sang Tân Ước, chẳng những là Lời Chúa ở giữa muôn dân mà chính Ngôi Lời, là Chúa Giêsu, luôn ngự thật giữa chúng ta trong Phép Thánh Thể.
 
2. Hòm Bia Thiên Chúa trong Cựu Ước là hòm bia làm bằng gỗ keo (acacia wood), dát vàng cả trong lẫn ngoài, do con người đóng theo lệnh Thiên Chúa. Hòm bia Thiên Chúa của Tân Ước là hòm bia do chính tay Chúa Cha tác tạo cho con chí ái của Người. Hòm Bia này chính thật là Mẹ Maria trinh khiết vẹn toàn. Ai tin Thiên Chúa là Ðấng Toàn Năng thì người ấy cũng tin Mẹ Maria là thụ tạo tuyệt vời không tì ố của Thiên Chúa. Bởi Thiên Chúa yêu thương thế gian đến có thể ban Con Một của Người cho thế gian thì Người cũng phải yêu thương con một của mình đến độ Người không thể không tác tạo một hòm bia, một người mẹ vô nhiễm, tuyệt hảo, hoàn toàn thánh thiện cho con của mình. Ðây là lý do mà chúng ta phải tôn vinh, phải kính bái Mẹ Maria cách đặc biệt. Thêm vào đó, vì Mẹ maria là Hòm Bia Thiên Chúa nên chỗ nào có Chúa Giêsu thì chỗ ấy có Mẹ Thánh Người. Nói cách khác, chỗ nào có Mẹ Maria thì chỗ ấy thực sự có Chúa Giêsu hiện diện. Làm sao bạn có thể quỳ lạy Chúa Giêsu mà không quỳ lạy Hòm Bia mà Người ngự trị ở bên trong? Xin bạn tìm đọc Thư gởi Bạn Hiền 16.
 
3. Trong đền thờ Cựu Ước, chầu chực xung quanh Hòm Bia Thiên Chúa là các thiên thần cherubim. Trong đền thờ Tân ước, chầu chực xung quanh Hòm Bia Thiên Chúa cũng là các thiên thần nhưng lại có thêm các thánh nam nữ. Nếu bạn tôn kính đền thờ Thiên Chúa là nơi Chúa Ngự thì bạn cũng phải tôn kính những gì thuộc về đền thờ của Người. Các thiên thần luôn luôn chầu chực xung quanh Thiên Chúa, bạn là ai mà dám chê bai ảnh tượng của các ngài? Các thánh nam nữ cũng vậy. Chầu chực xung quanh Thiên Chúa, các ngài không ngừng thờ lạy, tung hô, chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa, và cầu bầu cho chúng ta. Là thụ tạo thấp hèn còn trong vòng tội lỗi như chúng ta lại cả gan xỉ vả ảnh tượng các ngài là ngẫu tượng (idols) hay sao? Sau cùng,
 
4. Trong đền thờ Cựu Ước, cung thánh và phòng trong được ngăn chia bằng tấm màn che bằng ván gỗ tuyết tùng. Khi Chúa Giêsu sinh thì trên thánh giá, màn che này, màn che trước bàn thờ, bị xé làm đôi để mở cửa cho muôn dân đến với Người. Vì vậy, đền thờ Tân Ước không có màn này và muôn dân, ai cũng được mời vào kính bái, chầu chực, và thờ lạy Chúa Giêsu thật sự hiện diện trong Phép Thánh Thể.
 
Trong bốn điểm khác biệt giữa hai đền thờ Cựu và Tân Ước ở trên, Phép Thánh Thể là điểm chính mà các anh em Tin Lành dựa vào để gán cho người Công Giáo tội thờ phượng ngẫu thần (idol). Nhưng các anh em Tin Lành thân mến, anh em có tin Thiên Chúa là Ngôi Lời, lời nào Người phán thì lời đó phải nên như Người phán không? Nếu có thì sao anh em lại không tin bánh thật sự trở nên Mình Chúa Kitô khi Người cầm lấy bánh trong tay mà phán: “Này là mình Thầy”? Sao anh em không tin rượu đã thật sự trở nên Máu Thánh Chúa Kitô khi người cầm chén rượu trong tay mà phán: “Này là máu Thầy”? Không tin như vậy thì chẳng phải là anh em tự mâu thuẫn với đức tin của anh em hay sao? Còn nếu anh em dựa vào lời giải thích của Martin Luther mà tin là bánh và rượu đã thực sự trở nên Mình và Máu Chúa Kitô, nhưng chỉ trở nên như vậy khi chính Chúa Kitô làm trong bữa tiệc ly mà thôi, còn khi các linh mục thi hành lệnh truyền, “Hãy làm việc này mà nhớ đến thầy.” mà làm như vậy trong Thánh Lễ thì bánh và rượu không thể trở nên Mình vá Máu Chúa Kitô được. Vậy tôi xin được hỏi: Anh em có tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa toàn năng không? Nếu anh em tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa toàn năng thì anh em cũng phải tin những ai được Chúa Giêsu chọn để thi hành lệnh Người cũng phải làm được điều mà Người truyền cho họ phải làm chứ? Nếu chỉ có Chúa Giêsu làm mới thành thì như vậy là Người bị giới hạn; mà nếu Người bị giới hạn thì Người không thể là Thiên Chúa toàn năng được. Khi ra đi rao giảng và trừ quỷ, các tông đồ đã chẳng làm như vậy theo lệnh Chúa Giêsu truyền hay sao? Khi làm phép dìm thì anh em làm theo lệnh của ai vậy? Nếu anh em làm theo lệnh Chúa Giêsu thì phép dìm của anh em có thành không? Nếu không thì tại sao anh em làm? Còn nếu có thì tại sao anh em không bảo, phải là Chúa Kitô làm mới thành?
 
Anh em thân mến, một trong những điều Chúa Giêsu dạy chúng ta xin khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha là: ‘Xin Cha cho chúng con bánh (lương thực) hằng ngày’ (‘Give us this day our daily bread’). Bánh hằng ngày đây là bánh nào? Bánh hằng ngày đây không thể là bánh hay hư nát, không thể là cơm gạo chúng ta nấu hằng ngày vì Chúa Giêsu phán, Gioan 6:27: “Ðừng tìm kiếm của ăn hay hư nát mà hãy tìm của ăn đem lại sự sống đời đời...” Chúa Giêsu không thể bảo chúng ta là hãy tìm kiếm của ăn đem lại sự sống đời đời rồi lại dạy chúng ta, khi cầu nguyện, hãy xin cho được của ăn hay hư nát. Không! Chúa Giêsu không thể tự mâu thuẫn như vậy được. Bởi thế, bánh hằng ngày ở đây phải là bánh đem lại sự sống đời đời, là bánh mà chính Chúa Giêsu cho chúng ta biết, Gioan 6:27,35,51,54: (27) “Ðừng lao nhọc cho của ăn hay hư nát mà cho của ăn bền vững muôn đời, của ăn do Con Người ban cho các ngươi. Nơi Ngài, Thiên Chúa là Cha đã đóng ấn tín của mình.” (35) “Ta là bánh hằng sống, ai đến với ta sẽ không bao giờ đói, ai tin vào ta sẽ không bao giờ khát.”  (51) “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời; bánh ta ban chính là thịt ta để thế gian được sống.”, (54) “Ai ăn thịt ta và uống máu ta thì có sự sống đời đời, và ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết.” Anh em thấy chưa, Chúa Giêsu nói rõ ràng, “... ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời; ...” Vậy nếu Chúa Giêsu nói như vậy mà lại không ban Bánh này cho chúng ta thì lời của Người đâu có giá trị gì? Nhưng Người là Ngôi Lời và Người đã thật sự ban Bánh Hằng Sống từ trời xuống này cho chúng ta; Bánh ấy chính là Phép Thánh Thể, và bạn không thể tìm được Bánh này ngoài Thánh Lễ. Thật đúng như vậy, thưa bạn, Thánh Lễ là nơi duy nhất để bạn có thể đón nhận cả Bánh Hằng Sống lẫn Lời Hằng Sống. Bạn phải tìm cho được Bánh này. Bạn cũng cần tìm đọc Thư gởi Bạn Hiền 13 để bạn có thể hiểu ý nghĩa của Thánh Lễ cách sâu đậm hơn.
 
Sau cùng, để kết thúc bài này, xin bạn đừng quên chúng ta chỉ là hình ảnh Thiên Chúa. Vì là hình ảnh của đấng là thần khí và vô hình nên chúng ta chỉ có thể hiểu được những gì là hình ảnh của Ngài. Chúng ta cũng chỉ có thể thấy được sự hiện diện thật của Ngài ở giữa chúng ta, qua những phương tiện thích hợp với thân xác chúng ta mà Người dùng, để chúng ta có thể thấy được mà thôi. Ðền thờ Thiên Chúa ở trần gian này cũng thế, là đền thờ thật, nhưng là đền thờ thật trong cõi hữu hình và là hình ảnh đền thờ Thiên Chúa trong cõi vô hình. Nếu bạn tin là có đền thờ Thiên Chúa trong cõi vô hình, nơi đó triều thần thiên quốc, các thiên thần và toàn thể các thánh nam nữ không ngừng chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, tôn vinh và thờ lạy Thiên Chúa; thì bạn cũng thấy được hình ảnh đền thờ ấy ở giữa chúng ta trong cõi hữu hình. Có thấy được đền thờ Thiên Chúa ở trần gian thì bạn mới có thể kết hợp với toàn thể triều thần thiên quốc mà thờ lạy và dâng lên Thiên Chúa những lời chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, và tôn vinh. Còn nếu bạn thấy đền thờ Thiên Chúa ở trần gian, nhưng thay vì bước vào để tôn thờ thì bạn lại đứng ngoài mà nhạo cười, bạn không tiếc lời bôi bác Mẹ Thánh Chúa, bạn xỉ nhục hình ảnh các thiên thần, các thánh nam nữ và triều thần thiên quốc, bạn gọi các ngài là ngẫu thần (idols) thì bạn có can đảm đến gặp các ngài mặt đối mặt không?

Phép Thánh Thể cũng vậy. Thiên Chúa ban cho bạn đầy đủ chứng cớ để bạn tin. Tất cả mọi lý lẽ đều đưa bạn đến Thiên Chúa thật trong Phép Thánh Thể để bạn được cứu, xin bạn đừng cứng lòng. Bạn tự cho mình là người tin vào Kinh Thánh; nếu bạn thật sự tin vào Kinh Thánh thì xin bạn nghe đây. Chúa phán với Ông Adong, St 2:17: “Ngoại trừ cây biết lành biết dữ. Ngươi không được ăn trái cây này; ngày nào ngươi ăn trái cây đó ngươi sẽ phải chết.” Ông Adong không nghe lời Chúa nên ông đã ăn và phải chết. Là con cháu chúng ta ai cũng phải chết, nhưng Chúa phán với chúng ta, Gio 6:54: “Ai ăn thịt ta và uống máu ta thì có sự sống đời đời, và ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết.” Bạn có nghe lời Chúa không? Há bạn lại không thấy là vì ăn mà con người phải chết thì cũng vì ăn mà con người được sống hay sao?
 
Xin Thiên Chúa là Cha toàn năng chúc phúc và dẫn đưa bạn và mọi người trong gia đình bạn đến sự sống muôn đời.
 
Thân ái kính chào trong Chúa và Mẹ Maria,
 
Giuse Phạm Văn Tuyến
Giuse Phạm Văn Tuyến
http://www.truyen-tin.net/ViewNewsDetail.aspx?tabid=73&NewsPK=16520

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét