Lời chứng của Đức Giê-su và của Chúa Cha trong Tin Mừng Gio-an
Ở cấp độ trình thuật, qua bản văn tác giả mời gọi độc giả xác tín vào “lời chứng” và việc “làm chứng” của Đức Giê-su và của Chúa Cha.
Nội dung
I. Dẫn nhập
II. Lời chứng của Đức Giê-su ở 3,11.32-33
1. “Lời chứng” và “làm chứng” ở 3,11
2. “Lời chứng” và “làm chứng” ở 3,32-33
III. Lời chứng của Đức Giê-su và Cha ở ch. 5 và ch. 8
1. Bản văn 5,30-40 và 8,13-19
a) Ga 5,30-40
b) Ga 8,13-19
c) So sánh giữa 5,30-40 và 8,13-19
2. Lời chứng của Đức Giê-su không thật (5,31) hay thật (8,14a)?
a) Nguồn gốc câu: “làm chứng về mình thì không thật”
b) Ga 5,31 và 8,14 trong mạch văn 5,30-40 và 8,13-19
3. Lời chứng của Chúa Cha (5,31-32.37-38)
4. Lời chứng của hai người (8,17-18)
5. Nội dung lời chứng về Đức Giê-su
6. Những kẻ chống đối không đón nhận lời chứng
IV. Kết luận
I. Dẫn nhập
Bài viết “‘Lời chứng’ (marturia) và ‘làm chứng’ (martureô) trong Tin Mừng Gio-an” đã trình bày khái quát về đề tài này và liệt kê số lần danh từ “marturia” và động từ “martureô”. Những bài viết khác đã trình bày chi tiết hơn về lời chứng của Gio-an Tẩy Giả và của môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Bài viết này sẽ tập trung phân tích lời chứng của Đức Giê-su và của Chúa Cha. Các lời chứng này tìm thấy trong Tin Mừng Gio-an như sau:
Lời chứng của Đức Giê-su trình bày bằng danh từ “marturia” (lời chứng) xuất hiện 6 lần ở 3,11.32.33; 5,31; 8,13.14 và bằng động từ “martureô” (làm chứng) xuất hiện 10 lần ở 3,11.32; 4,44; 5,31; 7,7; 8,13.14.18a; 13,21; 18,37.
Đề tài này được nói đến trong các chương sau:
- Ch. 3 (5 lần): 3,11.32.33 (danh từ: marturia), 3,11.32 (động từ: martureô).
- Ch. 4 (1 lần): 4,44 (động từ).
- Ch. 5 (2 lần): 5,31a (động từ); 5,31b (danh từ).
- Ch. 7 (1 lần): 7,7 (động từ).
- Ch. 8 (5 lần): 8,13.14 (danh từ); 8,13.14.18a (động từ).
- Ch. 13 (1 lần): 13,21 (động từ).
- Ch. 18 (1 lần): 18,37 (động từ).
Như thế, đề tài “lời chứng” và “làm chứng” của Đức Giê-su xuất hiện chủ yếu trong Sách Các Dấu Lạ (Ga 1–12): 14 lần. Trong phần Sách Giờ Tôn Vinh (Ga 13–21) chỉ có 2 lần động từ “martureô” ở 13,21; 18,37.
Lời chứng của Chúa Cha trình bày bằng danh từ “marturia” (lời chứng) xuất hiện 2 lần ở 5,34; 8,17 và bằng động từ “martureô” (làm chứng), 4 lần ở 5,32a.32b.37; 8,18b. Đề tài này chỉ được thấy ở hai chương:
- Ch. 5 (4 lần): 5,34 (danh từ: marturia); 5,32a.32b.37 (động từ: martureô).
- Ch. 8 (2 lần): 8,17 (danh từ); 8,18b (động từ).
Dựa vào những lần danh từ “lời chứng” (marturia) và động từ “làm chứng” (martureô) xuất hiện trên đây bài viết sẽ tìm hiểu đề tài này qua hai mục lớn: (I) Lời chứng của Đức Giê-su ở Ga 3, (II) Lời chứng của Đức Giê-su và Chúa Cha ở Ga 5 và 8. Còn việc làm chứng của Đức Giê-su ở các chương 4; 7; 13; 18, trong mỗi chương chỉ xuất hiện 1 lần động từ “martureô” ở 4,44; 7,7; 13,21; 18,37. Những câu này sẽ được phân tích trong một bài viết khác.
II. Lời chứng của Đức Giê-su ở 3,11.32-33
Trong Ga 3, lời chứng của Đức Giê-su được chính Người nói với Ni-cô-đê-mô ở 3,11. Còn ở 3,32-33 là thuộc về đoạn văn Gio-an Tẩy Giả nói về lời chứng của Đức Giê-su. Các trích dẫn Tin Mừng lấy trong: Bản văn Gio-an, Tin Mừng và ba thư, Hy Lạp – Việt.
1. “Lời chứng” và “làm chứng” ở 3,11
Sau khi Đức Giê-su mặc khải cho Ni-cô-đê-mô biết: “Nếu ai không được sinh ra một lần nữa, thì không thể thấy vương quốc Thiên Chúa” (3,3), Ni-cô-đê-mô đã hiểu lầm về lời nói của Đức Giê-su. Người đã giải thích ở 3,5-7, nhưng Ni-cô-đê-mô vẫn chưa hiểu, ông ấy nói với Đức Giê-su ở 3,9: “Làm sao những điều ấy có thể xảy ra được?” Lần này, Đức Giê-su trả lời Ni-cô-đê-mô bằng hai câu hỏi khác ở 3,10.12. Giữa hai câu hỏi này là lời Đức Giê-su nói về lời chứng của Người, điều lạ lùng là Đức Giê-su dùng đại từ ngôi thứ nhất số nhiều: “chúng tôi” (3,11). Người thuật chuyện kể ở 3,10-12: “10 Đức Giê-su trả lời và nói với ông [Ni-cô-đê-mô]: ‘Ông là bậc thầy của Ít-ra-en, mà không biết những điều ấy sao? 11 A-men, a-men, Tôi nói cho ông: Điều chúng tôi đã biết, chúng tôi nói và điều chúng tôi đã thấy, chúng tôi làm chứng (marturoumen), và lời chứng (marturian) của chúng tôi, các ông không đón nhận. 12 Nếu những chuyện dưới đất Tôi nói với các ông mà các ông không tin, thì nếu Tôi nói với các ông về những chuyện trên trời làm sao các ông tin?’” (3,10-12). Kể từ 3,10, nhân vật Ni-cô-đê-mô không còn lên tiếng trong trình thuật nữa. Đoạn văn tiếp theo (3,13-21) là phần độc thoại của Đức Giê-su về sứ vụ của Người với ba ý chính: (1) Nguồn gốc của Người (3,13-14), (2) Cách thức Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Người dành cho thế gian (3,16-17) và (3) Sự xét xử dành cho những ai không tin vào Đức Giê-su (3,18-21).
Việc Đức Giê-su dùng đại từ ngôi thứ nhất số nhiều (chúng tôi) ở 3,11 có thể hiểu: “lời chứng” và hành động “làm chứng” của Đức Giê-su được đồng hóa với “lời chứng” và “làm chứng” của cộng đoàn các môn đệ. Nói cách khác, Đức Giê-su đứng về phía cộng đoàn, với đại từ “chúng tôi”, Đức Giê-su nói thay cộng đoàn người tin. Còn Ni-cô-đê-mô, ông được xem là đại diện cho những người Do Thái, nên Đức Giê-su dùng đại từ ngôi thứ hai số nhiều: “các ông” để nói với ông ấy ở 3,11.
Ý mở đầu ở 3,11 gợi đến lời rao giảng của Đức Giê-su và của các môn đệ, Đức Giê-su nói ở 3,11b: “Điều chúng tôi đã biết, chúng tôi nói.” Ý tiếp theo là việc làm chứng của Đức Giê-su và của cộng đoàn dựa trên những điều đã “thấy”, Người nói tiếp ở 3,11c: “Điều chúng tôi đã thấy, chúng tôi làm chứng.” Cuối cùng Đức Giê-su nói đến sự khước từ lời chứng của những người Do Thái mà Ni-cô-đê-mô là người đại diện, Đức Giê-su nói ở 3,11d: “Lời chứng của chúng tôi, các ông không đón nhận.” Sự khước từ này sẽ được làm rõ trong nội dung sách Tin Mừng qua sự xung đột và chống đối của những người Pha-ri-sêu, những người Do Thái và các thượng tế.
2. “Lời chứng” và “làm chứng” ở Ga 3,32-33
Đề tài lời chứng của Đức Giê-su ở 3,32-33 thuộc về diễn từ độc thoại của Gio-an Tẩy Giả (3,31-36), ông nói về nguồn gốc và sứ vụ của Đức Giê-su với các môn đệ của mình. (Xem mục 3. “Gio-an làm chứng về Đức Giê-su ở 3,31-36” trong bài viết: “‘Lời chứng’ và ‘làm chứng’ của Gio-an Tẩy Giả trong Tin Mừng Gio-an). Gio-an Tẩy Giả mở đầu lời chứng về Đức Giê-su ở 3,31-33: “31 Đấng đến từ trên thì ở trên tất cả; kẻ bởi đất thì thuộc về đất và nói chuyện thuộc về đất. Đấng đến bởi trời [thì ở trên tất cả]; 32 điều Người đã thấy và đã nghe, Người làm chứng về điều ấy, và lời chứng của Người chẳng ai đón nhận. 33 Ai đón nhận lời chứng của Người thì xác nhận rằng: Thiên Chúa thì chân thật.”
Ở 3,32, Gio-an Tẩy Giả nói về lời chứng của Đức Giê-su như là “Đấng đến từ trên” (3,31a), “Đấng đến bởi trời” (3,31c). Lời chứng của Đấng này dựa trên những gì “đã thấy” và “đã nghe”, Gio-an nói ở 3,32a: “Điều Người đã thấy và đã nghe, Người làm chứng về điều ấy.” Đây là điều Đức Giê-su “đã thấy” và “đã nghe” từ nơi Cha của Người như Người khẳng địnhvới những người Do-thái ở 8,26: “Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; và Tôi, những điều Tôi đã nghe nơi Người, Tôi nói những điều đó trong thế gian.” Cuối sứ vụ công khai, Đức Giê-su tóm kết sứ vụ của Người ở 12,49-50: “49 Vì chính Tôi đã không nói tự mình, nhưng là Cha, Đấng đã sai Tôi, Chính Người cho Tôi mệnh lệnh để Tôi nói điều gì và tuyên bố điều gì. 50 Và Tôi biết rằng: Mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy những điều Tôi nói,thì như Cha đã nói với Tôi thế nào, Tôi nói như vậy.” Trước khi bước vào cuộc Thương Khó, Đức Giê-su nhắc lại ý tưởng trên với các môn đệ ở 14,24: “Ai không yêu mến Thầy thìkhông giữ những lời của Thầy; và lời mà anh em nghe không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy.” Như thế, tất cả những gì Đức Giê-su mặc khải và làm chứng là dựa trên những gì Người “đã thấy” và “đã nghe” từ nơi Cha.
Vế thứ hai của 3,32 là 3,32b, song song với 3,11c, cùng nói về sự khước từ lời chứng, Gio-an nói ở 3,32b: “Lời chứng của Người chẳng ai đón nhận.” Tuy vậy, câu tiếp theo (3,33) nói về “lời chứng của Đức Giê-su” theo hướng tích cực: “Ai đón nhận lời chứng của Người thì xác nhận rằng: Thiên Chúa thì chân thật” (3,33). Kiểu hành văn đối lập giữa “đón nhận” hay “không đón nhận”, “tin” hay “không tin”, “hư mất” hay “được cứu”, “bị xét xử” hay “không bị xét xử” là đặc thù của Tin Mừng Gio-an. Những cặp đối lập này xuất hiện trong lời chứng của Đức Giê-su ở 3,13-21 và của Gio-an Tẩy Giả ở 3,31-36. Chẳng hạn Đức Giê-su nói ở 3,18: “Ai tin vào Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa.” Còn Gio-an Tẩy Giả, ông kết thúc lời chứng ở 3,36: “Ai tin vào Con thì có sự sống đời đời; còn ai không vâng phục Con thì sẽ không thấy sự sống, nhưng sự thịnh nộ của Thiên Chúa ở lại trên kẻ ấy.”
III. Lời chứng của Đức Giê-su và Cha ở ch. 5 và ch. 8
Đề tài “lời chứng” và “làm chứng” của Đức Giê-su và Chúa Cha được thuật lại trong hai đoạn văn: 5,30-40 và 8,13-19. Điểm chung của hai đoạn văn này là cùng nói về các đề tài “xét xử” (krinô), “lời chứng” (martureô) và “làm chứng” (marturia). Phần này sẽ trình bày 6 mục: (1) Bản văn 5,30-40 và 8,13-19, (2) Lời chứng của Đức Giê-su không thật (5,31) hay thật (8,14a)? (3) Lời chứng của Chúa Cha (5,31-32.37-38), (4) Lời chứng của hai người (8,17-18), (5) Nội dung lời chứng về Đức Giê-su, (6) Những kẻ chống đối không đón nhận lời chứng.
1. Bản văn 5,30-40 và 8,13-19
Phần dưới đây trích dẫn hai đoạn văn 5,30-40 và 8,13-19 và trình bày bản văn dưới dạng cấu trúc theo các tiểu đoạn.
a) Ga 5,30-40
Đoạn văn 5,30-40 thuộc phần diễn từ độc thoại của Đức Giê-su nói với những người Do Thái (5,19-47) và cấu trúc thành 6 tiểu đoạn:
(1) 5,30: Đức Giê-su xét xử công minh.
“30 Tôi (Đức Giê-su) không thể làm điều gì tự mình. Tôi xét xử theo như Tôi nghe, và sự xét xử của Tôi là công minh, vì Tôi không tìm kiếm ý của Tôi nhưng là ý của Đấng đã sai Tôi.”
(2) 5,31-32: Chúa Cha làm chứng về Đức Giê-su (// 5,37-38).
“31 Nếu Tôi làm chứng về chính mình thì lời chứng của Tôi không thật. 32 Có Đấng khác là Đấng làm chứng về Tôi và Tôi biết rằng: Lời chứng mà Người làm chứng về Tôi là thật.”
(3) 5,33-35: Gio-an Tẩy Giả làm chứng cho sự thật.
“33 Chính các ông (những người Do Thái) đã cử người đến với Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. 34 Phần Tôi, Tôi không nhận lời chứng do người phàm, nhưng Tôi nói những điều này để chính các ông được cứu. 35 Ông ấy là ngọn đèn được thắp lên và toả sáng, chính các ông đã muốn hoan hỷ một thời gian trong ánh sáng của ông ấy.”
(4) 5,36: Việc Đức Giê-su làm, làm chứng về Người.
“36 Nhưng Tôi, Tôi có lời chứng lớn hơn lời chứng của Gio-an, đó là những việc mà Cha đã ban cho Tôi để Tôi hoàn thành chúng. Chính những việc Tôi làm, làm chứng về Tôi rằng: Cha đã sai Tôi.”
(5) 5,37-38: Chúa Cha làm chứng về Đức Giê-su (// 5,32).
“37 Và Cha, Đấng đã sai Tôi, chính Người đã làm chứng về Tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng của Người, cũng chẳng thấy tôn nhan của Người; 38 và các ông không có lời của Người ở lại trong các ông, vì Đấng Người đã sai đến, chính các ông không tin vào Đấng ấy.”
(6) 5,39-40: Kinh Thánh là lời chứng về Đức Giê-su.
“39 Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì chính các ông nghĩ rằng trong đó có sự sống đời đời. Chính Kinh Thánh là những lời chứng về Tôi, 40 và các ông không muốn đến với Tôi để có sự sống.”
b) Ga 8,13-19
Đoạn văn 8,13-19 thuộc phần tranh luận giữa Đức Giê-su và những người Pha-ri-sêu (8,12-30) và được cấu trúc với 4 tiểu đoạn:
(1) 8,13-14: Lời chứng của Đức Giê-su là thật.
“13 Những người Pha-ri-sêu nói với Người (Đức Giê-su): ‘Ông làm chứng cho chính mình; lời chứng của Ông là không thật.’ 14 Đức Giê-su trả lời và nói với họ: ‘Nếu chính Tôi làm chứng về mình lời chứng của Tôi là thật, bởi vì Tôi biết Tôi từ đâu tới và Tôi đi đâu. Nhưng các ông, các ông không biết Tôi từ đâu tới và Tôi đi đâu.’”
(2) 8,15-16: Xét đoán của Đức Giê-su là thật.
“15 Các ông (những người Pha-ri-sêu), các ông xét đoán theo người phàm, phần Tôi, Tôi không xét đoán ai cả. 16 Mà nếu chính Tôi xét đoán, sự xét đoán của Tôi là thật, vì không chỉ một mình Tôi, nhưng Tôi và Cha, Đấng đã sai Tôi.”
(3) 8,17-18: Lời chứng của hai người.
“17 Trong Lề Luật của các ông có chép rằng: ‘Lời chứng của hai người là thật.’ 18 Chính Tôi là người làm chứng về mình, và Cha, Đấng đã sai Tôi, làm chứng về Tôi.”
(4) 8,19: Người Pha-ri-sêu không biết Đức Giê-su và Cha.
“19 Vậy họ (những người Pha-ri-sêu) nói với Người: ‘Cha của Ông ở đâu?’ Đức Giê-su trả lời: ‘Các ông không biết Tôi, cũng chẳng biết Cha của Tôi. Nếu các ông biết Tôi, các ông cũng biết Cha của Tôi.’”
c) So sánh giữa 5,30-40 và 8,13-19
Những chi tiết giống nhau và khác nhau trong hai đoạn văn 5,30-40 và 8,13-19 được trình bày qua bảng sau:
Đoạn văn 5,30-40 không nhấn mạnh “lời chứng của Đức Giê-su” (5,31) mà tập trung vào các “lời chứng về Đức Giê-su”. Đó là lời chứng của Chúa Cha (5,32.37-38), lời chứng của Gio-an Tẩy Giả (5,33-35), lời chứng qua những việc Đức Giê-su làm (5,36) và lời chứng của Kinh Thánh (5,39). Còn đoạn văn Ga 8,13-19 lại nhấn mạnh đến lời chứng của hai người: Lời chứng của Đức Giê-su và của Chúa Cha. Bảng trên đây cho biết những chi tiết giống nhau và khác nhau trong hai đoạn văn 5,30-40 và 8,13-19 và có thể xếp thành ba nhóm:
(I) Ba đề tài chung của hai đoạn văn 5,30-40 và 8,13-19.
1) Sự xét xử và xét đoán của Đức Giê-su là công minh và đúng theo sự thật (5,30 // 8,15-16). Danh từ “krisis” và động từ “krinô” tiếng Hy Lạp có ba nghĩa: “xét xử”, “kết án”, “xét đoán”, hiểu theo nghĩa nào còn tùy mạch văn. Ở 5,30 có nghĩa “xét xử” và ở 8,15-16 có thể hiểu theo nghĩa “xét đoán”.
2) Lời chứng của Chúa Cha (5,31-32; 37-38 // 8,17-18).
3) Những kẻ chống đối Đức Giê-su (những người Do Thái và những người Pha-ri-sêu) “không có” và “không biết” nhiều điều liên quan đến Chúa Cha và Đức Giê-su (5,37b.38.40; 8,14c.19). (Xem phân tích dưới đây ở mục “6. Những kẻ chống đối không đón nhận lời chứng”).
(II) Sáu chi tiết riêng của đoạn văn 5,30-40:
1) Đức Giê-su không làm chứng về mình (5,31).
2) Nhắc lại lời chứng của Gio-an Tẩy Giả (5,33-35).
3) Việc Đức Giê-su làm, làm chứng về Người (5,36).
4) Kinh Thánh là lời chứng về Đức Giê-su (5,39).
5) Những người Do Thái đã không bao giờ nghe tiếng Chúa Cha, cũng chẳng thấy tôn nhan Người (5,37b).
6) Những người Do Thái không có lời của Chúa Cha nơi mình, vì họ không tin vào Đấng Người đã sai đến (5,38).
(III) Sáu ý tưởng riêng của đoạn văn 8,13-19:
1) Đức Giê-su làm chứng về Người và lời chứng của Người là thật (8,13-14a).
2) Đức Giê-su biết Người từ đâu tới và đi đâu (8,14b).
3) Lời chứng của hai người theo quy định Lề Luật: Đức Giê-su và Chúa Cha (8,17-18).
4) Những người Pha-ri-sêu không biết Đức Giê-su từ đâu tới và đi đâu (8,14c).
5) Những người Pha-ri-sêu không biết Cha của Đức Giê-su ở đâu (8,19a).
6) Những người Pha-ri-sêu không biết Chúa Cha và Đức Giê-su (8,19b).
Trong hai đoạn văn 5,30-40 và 8,13-19 trên đây, có hai câu nói của Đức Giê-su (5,31; 8,14a) xem ra mâu thuẫn nhau. Câu hỏi đặt ra là lời chứng của Đức Giê-su không thật (5,31) hay thật (8,14a)?
2. Lời chứng của Đức Giê-su không thật (5,31) hay thật (8,14a)?
Trong đoạn văn 5,30-40, Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 5,31-32: “31 Nếu Tôi làm chứng về chính mình thì lời chứng của Tôi không thật. 32 Có Đấng khác là Đấng làm chứng về Tôi và Tôi biết rằng: Lời chứng mà Người làm chứng về Tôi là thật”, sau đó Đức Giê-su liệt kê một loạt lời chứng về Người (5,32-40). Trong đoạn văn 8,13-19, những người Pha-ri-sêu sử dụng câu Đức Giê-su nói ở 5,31 để chất vấn Người. Họ nói với Đức Giê-su ở 8,13: “Ông làm chứng cho chính mình; lời chứng của Ông là không thật.” Lần này, Đức Giê-su trả lời những người Pha-ri-sêu ở 8,14: “Nếu chính Tôi làm chứng về mình lời chứng của Tôi là thật, bởi vì Tôi biết Tôi từ đâu tới và Tôi đi đâu. Nhưng các ông, các ông không biết Tôi từ đâu tới và Tôi đi đâu.”
Như vậy, lời Đức Giê-su nói ở 5,31 và 8,14a đặt ra câu hỏi: Lời chứng của Đức Giê-su về mình là “không thật” (5,31) hay “thật” (8,14a)? Ở 5,31, Đức Giê-su nói: “Nếu Tôi làm chứng về chính mình thì lời chứng của Tôi không thật” (5,31), nhưng ở 8,14a Người lại nói: “Nếu chính Tôi làm chứng về mình lời chứng của Tôi là thật.” Giải thích thế nào về hai lời nói trái ngược này? Để trả lời câu hỏi này cần tìm hiểu (a) nguồn gốc câu: “Làm chứng về chính mình thì không thật” và (b) đặt 5,31; 8,14a trong mạch văn của 5,30-40; 8,13-19.
a) Nguồn gốc câu: “làm chứng về mình thì không thật”
Lời Đức Giê-su ở 5,31: “Nếu Tôi làm chứng về chính mình thì lời chứng của Tôi không thật” gợi lại một số khoản luật trong Cựu Ước (Đnl 17,6; 19,15; Ds 35,30). Theo Sách Đệ Nhị Luật (Đnl 17,2-7), ai vi phạm Giao Ước, thờ lạy tà thần sẽ bị xử tử. Cách thức tiến hành được mô tả ở Đnl 17,6: “Căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay ba nhân chứng, mà người đáng chết sẽ bị xử tử; người ấy sẽ không bị xử tử nếu chỉ căn cứ vào lời của một nhân chứng.” (Các trích dẫn Cựu Ước lấy theo bản dịch Kinh Thánh, ấn bản 2011 của Nhóm Phiên Dịch CGKPV). Sách Đệ Nhị Luật chỉ thị về việc làm chứng trong những tranh tụng trước tòa ở Đnl 19,15: “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ một tội một lỗi nào; về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét.” Ai làm chứng gian (Đnl 19,18b) sẽ bị xử phạt theo cách: “Anh em sẽ xử với nó, như nó đã định xử với anh em mình” (Đnl 19,19a). Sách Dân Số quy định ở Ds 35,30: “Trong mọi trường hợp đánh chết người, người ta sẽ dựa vào lời khai của các chứng nhân mà xử tử kẻ sát nhân. Nhưng lời khai của một chứng nhân duy nhất sẽ không thể làm cho ai bị kết án tử hình.” Như thế, theo Cựu Ước, lời của một nhân chứng thì chưa đủ giá trị để buộc tội. Tuy nhiên những trích dẫn Cựu Ước trên đây là trường hợp làm chứng về người khác, chứ không phải “làm chứng về chính mình” như Đức Giê-su đã nói ở Ga 5,31; 8,13-14.
Có thể lời nói của Đức Giê-su về “làm chứng về chính mình” ở Ga 5,31 và được những người Pha-ri-sêu lặp lại ở 8,13, gợi đến một số câu trong văn chương Do Thái. Mishnah Ketubot, chương 2 câu 9 viết: “không ai có thể làm chứng cho chính mình (No one may testify regarding himself).” (Xem http://www.emishnah.com/sedarim.html). Trong bộ Talmud Babylon, tract Rosh Hashana (HaSahanah), chương 3 đoạn 1 viết: “Một cá nhân không thể căn cứ trên chính mình (An individual is not authorized by himself).” (Xemhttp://halakhah.com/). Nếu đặt lời nói của Đức Giê-su ở 5,31 và 8,14a trong mạch văn có thể hiểu ý nghĩa của chúng.
b) Ga 5,31 và 8,14 trong mạch văn 5,30-40 và 8,13-19
Ở 5,31, lời Đức Giê-su nói: “Nếu Tôi làm chứng về chính mình thì lời chứng của Tôi không thật” đặt trong bối cảnh quan niệm Do Thái thời đó và đã được xác định trong Cựu Ước và trong văn chương Do Thái. Dựa trên quy định của Lề Luật, Đức Giê-su đưa ra một loạt lời chứng về Người: Lời chứng của Chúa Cha (5,32.37-38), lời chứng của Gio-an Tẩy Giả (5,33-35), lời chứng qua những việc Đức Giê-su làm (5,36) và lời chứng trong Kinh Thánh (5,39).
Ngược lại ở 8,13, những người Pha-ri-sêu chất vấn Đức Giê-su bằng câu chính Đức Giê-su đã nói với những người Do Thái ở 5,31. Họ nói với Đức Giê-su: “Ông làm chứng cho chính mình; lời chứng của Ông là không thật” (8,13). Đức Giê-su trả lời ngược lại với lời Người đã nói ở 5,31. Người trả lời họ: “Nếu chính Tôi làm chứng về mình lời chứng của Tôi là thật, bởi vì Tôi biết Tôi từ đâu tới và Tôi đi đâu. Nhưng các ông, các ông không biết Tôi từ đâu tới và Tôi đi đâu” (8,14). Lý do “lời chứng của Đức Giê-su là thật” là vì Đức Giê-su biết Người từ đâu tới và sẽ đi đâu (8,14b); còn những người Pha-ri-sêu thì không biết Đức Giê-su từ đâu tới và đi đâu (8,14c), nên họ chỉ xét đoán theo người phàm (8,15a). Như vậy, chỉ một mình Đức Giê-su là người có thể làm chứng về chính mình và lời chứng của Người là thật, vì Người có nguồn gốc thần linh. Đức Giê-su là Đấng từ trời xuống và Người sẽ lại lên trời như Người đã nói ở 3,13: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Đấng từ trời xuống là Con Người” (x. 3,31).
Tóm lại, khi Đức Giê-su nói: “Nếu Tôi làm chứng về chính mình thì lời chứng của Tôi không thật” (5,31) là nói trong trường hợp khái quát áp dụng cho tất cả mọi người. Còn khi Đức Giê-su nói: “Nếu chính Tôi làm chứng về mình lời chứng của Tôi là thật” (8,14a) là nói về trường hợp đặc thù, chỉ áp dụng cho Đức Giê-su mà thôi. Lời chứng của Đức Giê-su về mình là thật, bởi vì Người là Đấng Thiên Chúa sai đến để nói lời Thiên Chúa. Nói cách khác, khi nói đến các lời chứng ở 5,30-39, Đức Giê-su nói với tư cách là “con người”, còn khi nói đến lời chứng của Người và của Chúa Cha ở 8,13-19, Đức Giê-su nói với tư cách là “Con Một Thiên Chúa là Đấng hằng ở nơi cung lòng Cha” (1,18b). Trong viễn cảnh này, Đức Giê-su nói về lời chứng của hai người ở 8,17-18: Lời chứng của Đức Giê-su và Chúa Cha. Trước khi phân tích lời chứng này, phần tiếp theo sẽ tìm hiểu lời chứng của Chúa Cha về Đức Giê-su ở 5,31-32.37-38.
3. Lời chứng của Chúa Cha (5,31-32.37-38)
Trong đoạn văn 5,30-40, Đức Giê-su không làm chứng về chính mình mà nói đến những lời chứng khác. Trong đó, lời chứng quan trọng là lời chứng của Chúa Cha. Đức Giê-su nói với những người Do Thái ở 5,31-32: “31 Nếu Tôi làm chứng về chính mình thì lời chứng của Tôi không thật. 32 Có Đấng khác là Đấng làm chứng về Tôi và Tôi biết rằng: Lời chứng mà Người làm chứng về Tôi là thật.” “Đấng khác” ở 5,32a sẽ được làm sáng tỏ ở 5,37a. Đó là Chúa Cha, Đấng đã sai Đức Giê-su đến như Đức Giê-su khẳng định ở 5,37a: “Cha, Đấng đã sai Tôi, chính Người đã làm chứng về Tôi.” Ở 5,32b, Đức Giê-su xác nhận lời chứng của Cha của Người là đúng sự thật khi nói: “Tôi biết rằng: Lời chứng mà Người làm chứng về Tôi là thật” (5,32b). Như thế, đoạn văn 5,30-40 nhấn mạnh uy thế lời chứng của Chúa Cha về Đức Giê-su. Còn trong đoạn văn 8,13-19 nhấn mạnh đến lời chứng của hai người.
4. Lời chứng của hai người (8,17-18)
Đoạn văn 8,17-18 triển khai ý tưởng lời chứng của hai người theo quy định trong các bản văn Cựu Ước trích dẫn trên đây (Đnl 17,6; 19,15; Ds 35,30). Trước hết Đức Giê-su cho biết tại sao Người làm chứng về chính mình và lời chứng của Người là lời chứng thật. Xem mục 2 trên đây: “Lời chứng của Đức Giê-su không thật (5,31) hay thật (8,14a)?”. Kế đến, Đức Giê-su dựa trên quy định của Lề Luật, Người nói với những người Pha-ri-sêu ở 8,17-18: “17 Trong Lề Luật của các ông có chép rằng: ‘Lời chứng của hai người là thật.’ 18 Chính Tôi là người làm chứng về mình, và Cha, Đấng đã sai Tôi, làm chứng về Tôi.” Các bản văn Đnl 17,6; 19,15 và Ds 35,30 khẳng định lời chứng của hai người thì có giá trị. Ở đây lời chứng của Đức Giê-su và lời chứng của Chúa Cha không phải là hai lời chứng của hai người phàm mà là lời chứng của Thiên Chúa và của Con Thiên Chúa. Vì thế, mức độ tin cậy là tuyệt đối. Người phàm có thể làm chứng gian để hại nhau, nhưng lời chứng của Thiên Chúa và Đấng Người sai đến thì chân thật và luôn phù hợp với sự thật.
5. Nội dung lời chứng về Đức Giê-su
Hai đoạn văn 5,30-40 và 8,13-19 tập trung vào tính xác thực của lời chứng nên không nói nhiều về nội dung lời chứng. Lời chứng của Đức Giê-su là thật (8,14a), lời chứng của Chúa Cha là thật (5,32b). Còn Gio-an Tẩy Giả, ông là người “làm chứng cho sự thật” (5,33b). Đức Giê-su còn nói đến lời chứng qua những việc Người làm (5,36) và lời chứng của Kinh Thánh (5,39). Tất cả các nhân vật trên và những điều này làm chứng về Đức Giê-su.
Tuy nhiên có thể nhận ra nội dung lời chứng qua cụm từ “những việc Đức Giê-su làm” ở 5,36c. Đức Giê-su xác định nguồn gốc “những việc” (les œuvres) làm chứng về Người ở 5,36b: “Đó là những việc mà Cha đã ban cho Tôi để Tôi hoàn thành chúng.” Như thế, đây không phải là “công việc riêng của Đức Giê-su” mà là “công việc của Chúa Cha”, chính Chúa Cha đã trao cho Đức Giê-su công việc của Người và trong sứ vụ công khai, Đức Giê-su là người thực hiện những công việc đó. Những việc Đức Giê-su thực hiện, làm chứng rằng Chúa Cha đã sai Người đến thế gian như Đức Giê-su khẳng định ở 5,36c: “Chính những việc Tôi làm, làm chứng về Tôi rằng: Cha đã sai Tôi.”
Tóm lại, trong bối cảnh trực tiếp của 5,36, nội dung lời chứng về Đức Giê-su nhằm khẳng định hai điều: (1) Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su, và (2) Chúa Cha là Đấng sai Đức Giê-su đến thế gian để hoàn thành công việc của Chúa Cha. Theo nghĩa rộng trong toàn bộ Tin Mừng Gio-an, nội dung lời chứng về Đức Giê-su là tất cả những gì sách Tin Mừng này trình bày về căn tính, nguồn gốc và sứ vụ của Người. Nghĩa là tất cả những gì Đức Giê-su đã nói và đã làm, cùng với tất cả những gì tác giả nói về Đức Giê-su trong sách Tin Mừng đều là những lời xác thực và đáng tin cậy.
6. Những kẻ chống đối không đón nhận lời chứng
Đề tài lời chứng trong hai đoạn văn 5,30-40 và 8,13-19 đặt trong bối cảnh tranh luận với những kẻ chống đối Đức Giê-su (những người Do Thái và những người Pha-ri-sêu). Đoạn văn 5,30-40 là một phần diễn từ của Đức Giê-su nói với những người Do Thái (5,19-47), họ là những người đang tìm cách giết Đức Giê-su (5,18). Thật vậy, sau khi Đức Giê-su chữa lành người bị bệnh 38 năm tại hồ nước Bết-da-tha vào ngày sa-bát (5,1-9), người thuật chuyện cho biết thái độ của những người Do Thái về Đức Giê-su ở 5,18: “Vậy, vì điều này, những người Do Thái lại càng tìm Người để giết, vì Người không chỉ phá ngày sa-bát, nhưng còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa.” Tiếp theo là diễn từ độc thoại dài của Đức Giê-su với những người Do Thái (5,19-47), trong đó có đoạn văn về các lời chứng (5,30-40).
Trong ch. 8, đoạn văn 8,12-59 gồm hai cuộc tranh luận: (1) Tranh luận thứ nhất giữa Đức Giê-su với những người Pha-ri-sêu (8,12-30), (2) Tranh luận thứ hai giữa Đức Giê-su với những người Do Thái (8,31-59). Những cuộc tranh luận trên diễn ra ngày càng gay gắt và kết thúc bằng hành động ném đá Đức Giê-su. Ch 8 kết thúc như sau: “Họ (những người Do Thái) liền lượm đá để ném Người (Đức Giê-su). Nhưng Đức Giê-su ẩn mình và đi ra khỏi Đền Thờ” (8,59). Bầu khí tranh luận và xung đột này giải thích tại sao những kẻ chống đối đã không đón nhận lời chứng của Đức Giê-su (xem mục II. Lời chứng của Đức Giê-su ở 3,11.32-33). Trong bối cảnh tranh luận về mặc khải của Đức Giê-su về lời chứng và về căn tính thần linh của Người, Người cho biết tình trạng của những kẻ chống đối trong hai đoạn văn 5,30-40 và 8,13-19. Hai đoạn văn này cho thấy những kẻ chống đối (những người Do Thái và những người Pha-ri-sêu) thiếu mười điều sau:
(1) KHÔNG NGHE tiếng Chúa Cha (5,37b).
(2) KHÔNG THẤY tôn nhan Chúa Cha (5,37c).
(3) KHÔNG CÓ lời Chúa Cha ở lại trong mình (5,38a).
(4) KHÔNG TIN vào Đấng Chúa Cha sai đến (5,38b).
(5) KHÔNG MUỐN đến với Đức Giê-su để có sự sống (5,40).
(6) KHÔNG BIẾT Đức Giê-su từ đâu tới (8,14e).
(7) KHÔNG BIẾT Đức Giê-su sẽ đi đâu (8,14f).
(8) KHÔNG BIẾT Cha của Đức Giê-su ở đâu (8,19a).
(9) KHÔNG BIẾT Chúa Cha (8,19b).
(10) KHÔNG BIẾT Đức Giê-su (8,19c).
Như thế, những kẻ chống đối Đức Giê-su (những người Do Thái và những người Pha-ri-sêu trong Tin Mừng Gio-an) đã “không nghe”, “không thấy”, “không có”, “không tin”, “không muốn” và “không biết” những điều căn bản trên đây. Không biết nhiều điều như thế, thiếu sót nhiều điều như thế, thì không ngạc nhiên khi họ không đón nhận lời chứng của Người và tìm cách giết Người.
Những lời kết tội trên đây cần được hiểu theo hướng tích cực, đó là những lời giáo huấn và mặc khải. Nghĩa là Đức Giê-su cho những kẻ chống đối biết tại sao họ không hiểu giáo huấn của Người và không đón nhận mặc khải về căn tính và nguồn gốc thần linh của Người. Qua đó, Đức Giê-su mời gọi các nhân vật trong câu chuyện, nhất là người thuật chuyện mời gọi độc giả nhận ra Thiên Chúa là ai và Đức Giê-su là ai, nhờ đó biết đón nhận lời chứng Đức Giê-su, đón nhận giáo huấn của Đức Giê-su và tin vào Người.
IV. Kết luận
Bài viết đã tìm hiểu những đoạn văn nói về “lời chứng” và “làm chứng” của Đức Giê-su và của Chúa Cha. Trước hết là lời chứng của Đức Giê-su ở 3,11 và 3,32-33. Đức Giê-su làm chứng về điều Người “đã thấy” và “đã nghe” từ nơi Cha của Người. Nghĩa là qua lời nói và việc làm của Đức Giê-su, Người thực hiện công việc Cha giao phó (5,36). Lời chứng của Đức Giê-su không được nói đến trong đoạn văn 5,30-40, bởi vì theo thuyền thống Do Thái “người làm chứng về chính mình thì không thật” (5,31). Từ đó, Đức Giê-su đưa ra một loạt lời chứng về Người: Lời chứng của Gio-an Tẩy Giả (5,33-35), lời chứng qua những việc Đức Giê-su làm (5,36), lời chứng của Kinh Thánh (5,39), đặc biệt bản văn nhấn mạnh lời chứng của Chúa Cha về Đức Giê-su ở 5,31-32 và 5,37-38.
Sang đoạn văn 8,13-19, Đức Giê-su lại cho biết: nếu Người làm chứng về chính mình, lời chứng của Người là thật, bởi vì Đức Giê-su biết Người từ đâu tới và đi đâu (x. 8,13-14). Theo Lề Luật quy định: “Lời chứng của hai người là thật” và hai người làm chứng cho Đức Giê-su: (1) Chính Đức Giê-su làm chứng về mình và lời chứng của Người là thật (8,14a.18a) và (2) Chúa Cha, Đấng đã sai Đức Giê-su, làm chứng về Người (8,18b) và lời chứng của Chúa Cha là thật (5,32b). Đây là lời chứng của Thiên Chúa và của Con Thiên Chúa chứ không phải của người phàm, nên lời chứng này xác thực và đáng tin cậy.
Trong cả hai đoạn văn nói về lời chứng của Đức Giê-su và của Chúa Cha (5,30-40; 8,13-19), đều gặp sự khước từ của những kẻ chống đối. Ở 3,11.32-33, lời chứng của Đức Giê-su không được đón nhận. Lý do những kẻ chống đối không đón nhận lời chứng của Đức Giê-su là vì họ đã “không nghe”, “không thấy”, “không có”, “không tin”, “không muốn” và “không biết” (xem “10 không” trên đây). Giọng văn tranh luận trong Tin Mừng Gio-an nhằm mục đích giáo huấn. Qua những lời nói mạnh mẽ, Đức Giê-su mời gọi những kẻ chống đối nhận ra sự thiếu sót của họ, nhờ đó họ có thể mở lòng đón nhận sự sống đích thực Đức Giê-su ban tặng cho những ai tin vào Người. Ở cấp độ trình thuật, qua bản văn tác giả mời gọi độc giả xác tín vào “lời chứng” và việc “làm chứng” của Đức Giê-su và của Chúa Cha. Từ đó lắng nghe và đón nhận giáo huấn của Đức Giê-su như là “lương thực trường tồn cho sự sống đời đời” (6,27b).
Bài viết này chưa tìm hiểu đề tài: “Kinh Thánh làm chứng về Đức Giê-su” (5,39). Thật ra liên hệ giữa Tin Mừng Gio-an và Kinh Thánh là đề tài rộng lớn, nên lời chứng của Kinh Thánh được tìm hiểu trong các bài viết khác./.
Bài viết tiếng Pháp:
Tác giả: Giu-se LÊ MINH THÔNG, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Ngày 19 tháng 07 năm 2014.
Ghi chú:
Tác giả chịu trách nhiệm nội dung bài viết, vì thế, xin các trang web đăng lại cho hiển thị ngày tháng, nguồn bài viết và đừng chỉnh sửa hay cắt bớt nội dung. Cảm ơn.
Bài viết này đã đăng ngày 19/10/2013 trên Blog http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/ với tựa đề: “‘Lời chứng’ và ‘làm chứng’ của Đức Giê-su và của Chúa Cha trong Tin Mừng Gio-an.” Nhân dịp viết bài này bằng tiếng Pháp: “Le témoignage de Jésus et du Père dans l’Évangile de Jean”, bài tiếng Việt được trình bày lại với tựa đề mới: “Lời chứng của Đức Giê-su và của Chúa Cha trong Tin Mừng Gio-an” và đề ngày mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét