Trang

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Thứ Tư sau Chúa Nhật 16 Quanh Năm

Thứ Tư sau Chúa Nhật 16 Quanh Năm

  
Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 1, 1. 4-10
"Ta đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc".
Khởi đầu sách Tiên tri Giêrêmia.
Lời của Giêrêmia, con trai của Helcia, thuộc gia tộc tư tế định cư ở Anathoth, thuộc lãnh thổ Bengiamin.
Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: "Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi, Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc". Và tôi đã thưa lại: "A, a, lạy Chúa là Thiên Chúa, con đâu có biết ăn nói, vì con còn con nít". Nhưng Chúa phán cùng tôi rằng: "Ngươi đừng nói: Con là con nít, vì ngươi sẽ đi đến với những kẻ Ta sẽ sai ngươi đi; ngươi sẽ nói mọi điều Ta sẽ truyền dạy ngươi nói. Ngươi đừng sợ họ, vì Ta sẽ ở với ngươi để bảo vệ ngươi". Chúa phán như thế. Và Chúa giơ tay sờ miệng tôi mà nói với tôi rằng: "Ðây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Ðây hôm nay Ta ban quyền cho ngươi trên các dân tộc và trên các vương quốc, để ngươi lật đổ và đập phá, phân tán và tiêu diệt, xây dựng và vun trồng".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 70, 1-2. 3-4a. 5-6ab. 15ab và 17
Ðáp: Lạy Chúa, miệng con sẽ kể ra ơn Ngài giúp đỡ (x. c. 15).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời. Theo đức công minh Chúa, xin cứu nguy và giải thoát con, xin ghé tai về bên con và giải cứu. - Ðáp.
2) Xin trở nên thạch động để con dung thân, và chiến lũy vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Ðá tảng, là chiến lũy của con. Lạy Chúa con, xin cứu con khỏi tay đứa ác. - Ðáp.
3) Bởi Ngài là Ðấng con mong đợi, thân lạy Chúa; lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con tự hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa; từ trong thai mẫu, Chúa là Ðấng bảo vệ con. - Ðáp.
4) Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể những sự lạ của Ngài. - Ðáp.
  
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 13, 1-9
"Nó sinh hoa kết quả gấp trăm".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói:
"Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên nó khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt được sáu mươi, hạt ba mươi. Ai có tai để nghe, thì hãy nghe".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Hạt Giống Lời Chúa
Một em bé 13 tuổi bị phong cùi và bị xua đuổi ra khỏi làng, có nhà truyền giáo nọ đưa em về nhà nuôi dưỡng, săn sóc. Cảm động trước tấm lòng tốt của nhà truyền giáo, em bé hỏi:
- Tại sao ông quan tâm lo lắng cho tôi như vậy?
Nhà truyền giáo trả lời:
- Bởi vì Thiên Chúa là Cha đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh Ngài. Ngài yêu thương chúng ta và muốn chúng ta yêu thương liên đới với nhau. Ngài đã sai Con Một Ngài là Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian để dạy mỗi người chúng ta sống xứng đáng với phẩm giá con người, vì thế vâng lời Ngài dạy, cha săn sóc cho con.
Từ đó, em bé này không bao giờ quên được cử chỉ yêu thương của nhà truyền giáo. Chẳng những thế, em còn xin làm môn đệ Chúa Giêsu và dùng thời gian còn lại để săn sóc cho những người phong cùi khác tại trung tâm của nhà truyền giáo.
"Vâng lời Chúa dạy, tôi săn sóc phục vụ anh chị em". Ðó là điều Thiên Chúa, qua hình ảnh của người gieo giống trong Tin Mừng hôm nay mong đợi nơi những môn đệ Chúa Kitô, những kẻ đã lãnh nhận hạt giống ân sủng và Lời Chúa trong cuộc đời của mình. Câu chuyện trên đây là một trong muôn vàn sự kiện cụ thể để chứng minh Lời Chúa qua các thế hệ phải trổ sinh hoa trái tốt đẹp trong lịch sử cuộc đời con người. Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện công việc của Ngài, nhưng nhiều khi chính con người từ chối chấp nhận Ngài và làm cho hạt giống ân sủng và Lời Chúa không trổ sinh được.
Người Kitô hữu chúng ta có thể biến những cánh đồng xã hội thành những cánh đồng tốt tươi, hoặc làm cho chúng trở thành những cánh đồng hoang, cỏ lác mọc um tùm. Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta ý thức bổn phận làm cho hạt giống Lời Chúa trổ sinh hoa trái tốt đẹp, có sức biến đổi cuộc đời mình và làm chứng cho tình yêu Chúa nơi những người chúng ta gặp gỡ.
Veritas Asia


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần 16 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Jer 1:1, 4-10; Mt 13:1-9

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời Chúa và sứ vụ tiên tri.

Khi suy nghĩ về tiềm năng của một hạt giống, một người sẽ ngạc nhiên vô cùng về tiềm năng của nó. Ví dụ, một hạt giống lúa mì trong điều kiện tốt. Khi nó lớn lên, trổ đòng, và trở thành cây lúa, nó có thể sinh ra hàng trăm hạt khác; từ hàng trăm hạt này có tiềm năng sinh ra cả hàng trăm ngàn hạt khác; và cứ thế tiếp tục cho đến vô tận. Ai là người đã cho một hạt giống lúa mì có tiềm năng vô hạn như thế? Người có niềm tin nơi Thiên Chúa nhận ra chính Ngài đã dựng nên và trao những hạt giống này vào tay con người để họ có bánh ăn mọi ngày trong cuộc sống. Suy tư tương tự như thế có thể áp dụng cho hạt giống Lời Chúa trong lãnh vực tinh thần.
Các bài đọc hôm nay và hai ngày kế tiếp muốn gợi nên những suy tư về hạt giống Lời Chúa, về người gieo hạt, và về bổn phận của con người phải chuẩn bị để hạt giống Lời Chúa sinh hoa kết quả cho con người. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah tường thuật ơn gọi làm ngôn sứ của chính ông. Jeremiah muốn nhấn mạnh Thiên Chúa là Người đã lựa chọn, thánh hóa, và sai ông đi để nói những Lời của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói với dân một dụ ngôn quan trọng về tiềm năng và sức mạnh của Lời Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: “Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói.”

1.1/ Thiên Chúa chọn và trao cho Jeremiah sứ vụ làm tiên tri của Ngài: Sứ vụ ngôn sứ là do bởi Thiên Chúa, Ngài chọn những người Ngài sẽ sai đi chứ không phải ai muốn là được. Thiên Chúa mặc khải cho Jeremiah biết Ngài đã chọn ông làm ngôn sứ trước khi ông được tạo thành trong bụng mẹ: “Ta đã biết ngươi trước khi ngươi được tạo thành trong lòng mẹ; Ta đã thánh hiến ngươi trước khi ngươi sinh ra; và Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc.”
Bổn phận của ngôn sứ là đi bất cứ nơi nào Chúa sai tới và nói tất cả những gì Chúa truyền cho nói. Khi Jeremiah nói lên sự thiếu khả năng về ăn nói của mình, Thiên Chúa củng cố tinh thần ông và hứa Ngài sẽ luôn ở với ông: “Đừng nói tôi chỉ là cậu bé, vì ngươi sẽ đi tới tất cả những ai Ta sẽ sai ngươi tới, và ngươi sẽ nói tất cả những gì Ta truyền cho ngươi nói. Đừng sợ họ, vì Ta luôn ở với ngươi và bảo vệ ngươi.”

1.2/ Lời của tiên tri nói là Lời Chúa, và sức mạnh của những Lời này: Rồi Đức Chúa giơ tay chạm vào miệng Jeremiah mà phán: "Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng."
Theo thông lệ của những người Cận Đông và ngay cả thế giới chúng ta, người được sai đi là người đại diện cho chủ nhân. Vì thế, đón tiếp người được sai đi là đón tiếp chính chủ nhân; từ chối người được sai đi là từ chối chính chủ nhân. Những lời của ngôn sứ nói nhân danh Thiên Chúa không còn là của ông, mà là của chính Thiên Chúa, vì ông là sứ giả của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng theo thông lệ này khi Ngài nói: “Ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Cha Thầy, Đấng đã sai Thầy.”
Lời Chúa không phải là những lời nói chơi, vô bổ, hay không có mục đích. Ngôn sứ Isaiah đã so sánh Lời Chúa “như nước mưa và tuyết, chúng sẽ không trở lên trời sau khi đã thấm nhuần đất đai, làm cho đất được phì nhiêu, cho người có cơm bánh ăn, và cho nhà nông có hạt giống để trồng; cũng vậy Lời Chúa sẽ không trở về với Chúa cho tới khi đạt mục đích Chúa mong muốn” (Isa 55:10-11).
Sức mạnh của Lời Chúa được minh định rõ ràng trong những Lời của Thiên Chúa phán với Jeremiah: “có thể nhổ lên hay kéo xuống, có thể phá hủy hay trục xuất, có thể xây dựng hay vun trồng.” Những lời được phán ra từ miệng các tiên tri sẽ trở thành hiện thực vì đó là Lời của Chúa. Các ngôn sứ nói Jerusalem sẽ xụp đổ, nhà vua và các quan sẽ bị lưu đầy; nhưng Thiên Chúa sẽ cho trở về, Đền Thờ Jerusalem sẽ được tái thiết… Tất cả những điều này đã được ứng nghiệm như lịch sử Cựu Ước đã chứng minh.

2/ Phúc Âm: Tầm quan trọng của Lời Chúa qua dụ ngôn người gieo giống.

2.1/ Các bài giảng bằng dụ ngôn: Trình thuật hôm nay bắt đầu phần bài giảng thứ ba trong năm bài giảng mà thánh Matthew đã xếp đặt những lời giảng của Chúa Giêsu, theo như Ngũ Thư của Cựu Ước. Phần thứ ba này cũng được gọi là “những bài giảng bằng dụ ngôn.”
Vùng Biển Hồ, nhất là vùng Jezreel, Bashan và Gilead, là nơi rất thích hợp cho việc trồng lúa mì; nên chúng ta có thể nói khán giả của Chúa Giêsu, nếu không hành nghề ngư phủ, cũng là những nông dân. Họ không lạ lẫm gì với việc gieo giống và có thể hiểu ngay theo nghĩa đen những gì Chúa Giêsu muốn nói.

2.2/ Mục đích của Chúa Giêsu: Qua dụ ngôn “Người Gieo Giống,” Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến tiềm năng của Lời Chúa và tâm hồn con người nơi mà Lời Chúa được gieo vào.
Như người gieo giống ra đi gieo hạt, không phải hạt giống nào cũng có cơ hội phát triển tối đa tiềm năng của chúng; nhưng chỉ có những hạt giống rơi vào những thửa ruộng đã được cầy bừa cẩn thận, đất tốt và có nước nhiều. Những hạt giống rơi xuống bên vệ đường sẽ không có cơ hội thối rữa đi, vì chim trời đến ăn mất. Những hạt giống rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Hạt rơi trên đất tốt cũng cho những kết quả khác nhau: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.
Cũng tương tự như vậy cho hạt giống Lời Chúa. Chúa Giêsu hay các ngôn sứ cũng rao giảng Lời Chúa cho mọi người. Lời Chúa tuy có sức mạnh vô hạn: chỉ lối cho kẻ lạc đường, sửa dạy kẻ mê muội, thanh tẩy các tội lỗi con người, giúp tập tành các nhân đức để càng ngày càng trở nên tinh tuyền thánh thiện; nhưng nó sẽ không thể làm những điều này nơi những kẻ cứng lòng không thèm nghe, những người hững lờ lạnh nhạt, những người quá mê mải sự thế gian đến nỗi không còn thời giờ để học hỏi Lời Chúa!

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Lời Chúa đến từ Thiên Chúa và có tiềm năng vô hạn để biến đổi tâm hồn con người. Chúng ta có chịu học hỏi để Lời Chúa biến đổi chúng ta theo kế hoạch của Thiên Chúa?
- Chúng ta đều mang trong mình sứ vụ ngôn sứ của Thiên Chúa khi chịu bí tích Rửa Tội. Chúng ta đã chu toàn sứ vụ của người gieo giống ra đi gieo Lời Chúa cho muôn người?
- Được sai đi để nói những gì Chúa truyền. Chúng ta có nói những gì Chúa truyền hay chỉ nói những gì chúng ta nghĩ? Hay chúng ta chỉ nói những gì làm hài lòng người nghe?
Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 16 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 13,1-9

* Đặt trong sơ đồ chung của Mt :
Trong chương 13 (Từ hôm nay đến Thứ Sáu tuần 17), Thánh Mat-thêu gom chung 7 dụ ngôn qua đó Chúa Giêsu dạy người ta hiểu về Nước Trời.
Trước những lời Chúa Giêsu giải thích về Nước Trời bằng hình thức dụ ngôn, thính giả phải chọn lựa dứt khoát : hoặc nghe rồi đem ra thực hành để được gia nhập Nước Trời thật, hoặc chỉ nghe suông rồi bỏ qua và do đó không được vào.

A. Hạt giống...
Đây là phần đầu của dụ ngôn người gieo giống : chính câu chuyện dụ ngôn (ngày mai là phần thứ hai, Chúa Giêsu sẽ giải thích lý do tại sao Ngài giảng bằng dụ ngôn ; và ngày mốt là phần thứ ba Ngài sẽ giải thích ý nghĩa của dụ ngôn này).
Trong câu chuyện dụ ngôn này, ta hãy chú ý vài chi tiết ban đầu :
- Người gieo giống này rất phung phí, gieo hạt giống ở khắp nơi, kể cả những nơi mà hy vọng nẩy mầm không bao nhiêu : Thiên Chúa rất quảng đại trong việc ban Lời Ngài cho chúng ta.
- Có 4 loại đất nhưng 3 loại đã thất bại : Lời Chúa có kết quả hay không còn tuỳ vào cách đón nhận và đáp ứng của con người.

B.... nẩy mầm.
1. Chúa Giêsu đã dùng việc gieo giống, tức là một sinh hoạt rất bình thường và gần gũi, để trình bày giáo lý của Ngài. Muốn thế, Ngài phải có một cái nhìn và sự suy nghĩ rất sâu sắc về những việc bình thường ấy.
Tất cả những việc bình thường hằng ngày đều có thể trở thành đề tài cho tôi chiêm ngưỡng và rút ra những bài học bổ ích. Xin Chúa cho con có cái nhìn chiêm ngưỡng và thiện chí muốn học hỏi từ những việc bình thường.
2. Người gieo giống đã gieo hạt giống khắp nơi, một cách có thể nói là phung phí. Hàng ngày và hàng tuần, Chúa cũng ban Lời Chúa cho tôi một cách rất là quảng đại : khi tôi dự Thánh Lễ, khi tôi nghe giảng, khi tôi đọc Sách đạo đức, khi tôi nguyện gẫm, khi tôi nghe huấn đức, khi tôi học v.v.
Cám ơn về lòng quảng đại của Chúa.
3. Dụ ngôn đầu tiên trong loạt dụ ngôn về Nước Trời là một dụ ngôn về Lời Chúa. Lời Chúa rất quan trọng, cần thiết và hữu ích cho đời sống thiêng liêng. Tôi có ý thức điều này không ?
4. Trong vườn, một gốc nho héo úa giữa bao cây xanh tươi mơn mởn. Tưới bao nhiêu phân cũng chẳng thấy khá hơn. Cuối cùng, người chủ đào gốc lên xem, thì thấy có miếng gỗ nằm chắn ngang gốc nho.
Có lẽ đời ta cũng vậy. Nếu không đâm rễ sâu vào lòng đất là Lời Chúa, đời ta cũng sẽ tàn úa. (Góp nhặt)
5. “Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt nên sinh hoa kết quả, hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13,8)
Trong Tin Mừng, các thánh sử chẳng bao giờ nói đến Chúa cười. Tuy nhiên con vẫn thầm nghĩ rằng Chúa biết cười. Chúa đã cười khi còn là con trẻ ở Nadarét. Chúa đã cười khi còn là một thiếu niên nghịch ngợm. Chúa đã biết cười rất hân hoan trong lời tạ ơn Cha, và có lẽ trong tiệc cưới rộn rã cùng với các môn đệ. Chúa đã hát, đã vỗ tay, đã chúc mừng… Con cũng bắt gặp nụ cười kín đáo của Chúa trong hình ảnh người gieo giống hôm nay. Cho dù có hạt bị chim trời ăn mất, có hạt bị héo khô, có hạt bị chết nghẹt… nhưng người gieo giống vẫn đầy lạc quan hy vọng để nhìn thất, để mỉm cười trước đồng lúa chín vàng.
Lạy Chúa, giữa những thành bại của cuộc sống, xin luôn khơi dậy trong con niềm hy vọng, lạc quan. (Hosanna)

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét