Cảnh Đời Này và Cảnh Đời Sau
Khi nghĩ về những người đã qua đời, tự nhiên tôi nghĩ tới chính tôi.
Trong Phụng vụ, tháng 11 quen được gọi là tháng cầu cho những người đã qua đời.
Khi nghĩ về những người đã qua đời, tự nhiên tôi nghĩ tới chính tôi. Tới lúc nào đó, tôi cũng sẽ từ giã đời này, để sang đời sau.
Cảnh đời sau rất khác cảnh đời này. Thiết tưởng chúng ta cần biết sự khác biệt đó. Sự hiểu biết này, tuy vắn gọn, cũng sẽ là chân lý quan trọng. Quan trọng cho những người ta chăm sóc, nhưng nhất là quan trọng cho chính bản thân ta.
Chúng ta hãy tìm hiểu chân lý này trong Phúc Âm. Phúc Âm có nhiều chỗ nhắc tới chân lý này.
Ở đây, tôi chỉ xin đưa ra Phúc Âm thánh Mátthêu và thánh Luca. Trong hai Phúc Âm này, tôi chỉ chọn mấy dụ ngôn, Chúa Giêsu đề cập đến cảnh đời này và cảnh đời sau.
1/ Cảnh đời này không phân biệt rõ cái tốt cái xấu.
a) Dụ ngôn thứ nhất là dụ ngôn về khu đất gieo trồng (x. Mt 13,18-23).
Khu đất này có chỗ cỏ mọc kín,
có chỗ đầy sỏi đá,
có chỗ um tùm gai góc,
có chỗ bằng phẳng, mịn màng.
Người gieo giống gieo vãi hạt giống trên khắp khu đất ấy. Nhưng, khi phát triển, các chỗ khác nhau của khu đất phát triển khác nhau. Không đồng đều. Rất lộn xộn. Cảnh đó không đẹp. Nhưng người chủ đất cứ để vậy. Sau mới tính.
b) Dụ ngôn thứ hai là dụ ngôn ruộng lúa có cỏ lùng (x. Mt 13,24-30).
Chủ nhà gieo toàn lúa tốt trong ruộng. Nhưng ban đêm, kẻ xấu lẻn vào rắc các loại cỏ xấu. Lúa cũng mọc lên. Các loại cỏ xấu cũng mọc lên. Hơn nữa, các loại cỏ này cũng được thừa hưởng phân bón nước non dành cho lúa.
Thế là lúa tốt sống chung với cỏ xấu. Cả hai cùng tươi tốt. Cảnh đó không hay. Nhưng người chủ cứ để vậy. Sau mới tính.
c) Dụ ngôn thứ ba là dụ ngôn chiếc lưới (x. Mt 13,47-50).
Chủ sai người đi chài cá. Chài bằng lưới. Lưới này bắt được nhiều thứ cá. Có cá tốt. Có cá không tốt. Cá tốt sống chung với cá xấu, thậm chí cá tốt cũng sống chung với rắn, ốc, đỉa. Cảnh đó lộn xộn. Nhưng chủ bảo người chài cứ để vậy mà chài. Sau mới tính.
d) Dụ ngôn thứ bốn là dụ ngôn ông phú hộ và người hành khất Ladarô (x. Lc 16,19-31).
Ông phú hộ sống quá sung sướng. Người hành khất sống quá nghèo khổ. Hai người không xa nhau về địa lý, nhưng rất xa nhau về bậc thang xã hội. Có thể nhiều người tưởng ông phú hộ được Chúa thương đặc biệt. Biết đâu chính ông cũng nghĩ thế.
Cảnh phân hoá đó thực ra rất khó coi. Nhưng rồi cũng quen. Chẳng mấy ai đặt vấn đề. Chúa cứ để vậy. Sau mới tính.
Qua 4 dụ ngôn trên đây, chúng ta thấy cảnh đời này là rất đa dạng. Dạng tốt có. Dạng xấu có. Chúng xen lẫn vào nhau. Nhiều khi khó phân biệt. Thậm chí, nhiều cái tốt bị đánh giá là xấu. Và ngược lại.
Nhưng sự xáo trộn sẽ không kéo dài mãi mãi. Đời sau sẽ phân biệt rõ ràng công minh.
2/ Cảnh đời sau sẽ có sự phân biệt rõ ràng công minh.
Trong dụ ngôn khu đất gieo trồng, đời sau Chúa sẽ phân biệt rõ cho mọi người thấy: Chỗ nào là đất tốt, chỗ nào là đất xấu. Chúa còn phân biệt đến từng chi tiết. Có chỗ một hạt sinh thêm được 100, có chỗ một hạt sinh thêm được 60, có chỗ một hạt sinh thêm được 30 (x. Mt 13,23).
Trong dụ ngôn cỏ lùng, đời sau Chúa phân biệt với giọng tuyên án: Cỏ lùng bị gom lại, bó thành bó và đem đốt đi. Còn lúa thì thu lại, đem vào lẫm (x. Mt 13,30).
Trong dụ ngôn chiếc lưới, đời sau Chúa phân biệt rất kỹ: Cá tốt thì giữ lại, cá xấu thì bỏ đi (x. Mt 13,48-50). Trong dụ ngôn người phú hộ và người hành khất, đời sau Chúa cho thấy một sự phân biệt rất bất ngờ: Người phú hộ phải ném xuống biển lửa. Còn người hành khất lại được hạnh phúc bên các tổ phụ dân Chúa trên cõi trường sinh (x. Lc 16,23).
* * * * *
Một cái nhìn sơ qua về những gì Chúa dạy trong 4 dụ ngôn trên cho tôi thấy:
1. Tôi phải khiêm nhường chấp nhận thực tế của cảnh đời này, mà Chúa muốn để vậy. Cảnh đời này ở trong Giáo Hội ta, trong địa phương ta, trong gia đình ta, trong chính bản thân ta. Thực tế đó luôn pha trộn ánh sáng và bóng tối, cái tốt và cái xấu. Khiêm nhường chấp nhận thực tế đó không có nghĩa là cứ để vậy, tới đâu thì tới, nhưng là luôn kiên trì phấn đấu làm tròn bổn phận Chúa trao giữa những thăng trầm và xáo trộn. Đời này là nơi thử thách, là chiến trường giữa thiện và ác.
2. Tôi nên khiêm nhường đặt niềm tin vào sự phán đoán sau cùng của Chúa về thực tế của cảnh đời hôm nay. Tốt hay xấu thực sự thì chỉ Chúa có quyền phân biệt rõ. Biết đâu có những người, mà thế gian coi thường như người hành khất Ladarô, bà goá nghèo (x. Mc 12,41-44), lại được Chúa khen thưởng, vì họ tốt. Còn người mà thế gian trọng vọng lại có thể bị Chúa loại bỏ, vì họ ham hưởng thụ, thiếu tình liên đới.
3. Tôi phải khiêm nhường biết trước sự phân định của Chúa ở đời sau là dứt khoát. Không có sơ thẩm, phúc thẩm. Không có thay đổi. Vì thế, tôi phải hết sức tỉnh thức và khiêm nhường, sống thực hành Lời Chúa ở đời này. Chứ lúc ra trước toà Chúa, tôi muốn chữa mình, sẽ quá muộn.
4. Tôi phải khiêm nhường biết trước là sự phân định của Chúa ở đời sau sẽ có nhiều bất ngờ. Có người bé nhỏ âm thầm chỉ là chút muối, sẽ được Chúa thưởng, vì góp phần đổi mới lòng người. Có người lớn lao như cây vả um tùm, nhưng sẽ bị loại, vì không sinh trái (x. Mt 21,18-22), hoặc nhận được nhiều nén bạc nhưng không sinh lời (x. Mt 25,14-30).
Xin Chúa nhân lành thương dẫn đưa chúng ta đến những sự thực cứu rỗi, và gắn bó với Đấng Cứu độ. Đấng Cứu độ là chính Chúa Giêsu. “Người là đường, là sự thực và là sự sống” (Ga 14,6).
+ Giám Mục GB Bùi Tuần
http://www.giaoly.org/vn/c%E1%BA%A3nh-d%E1%BB%9Di-nay-va-c%E1%BA%A3nh-d%E1%BB%9Di-sau/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét