Trang

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

VUI HỌC THÁNH KINH CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG B


VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG B
Tin Mừng thánh Máccô 13,33-37
  

33 "Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức.35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.37 Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức! "


33 Be watchful! Be alert! You do not know when the time will come.

34 It is like a man traveling abroad. He leaves home and places his servants in charge, each with his work, and orders the gatekeeper to be on the watch.

35 Watch, therefore; you do not know when the lord of the house is coming, whether in the evening, or at midnight, or at cockcrow, or in the morning.

36 May he not come suddenly and find you sleeping.

37 What I say to you, I say to all: 'Watch!'"

I. HÌNH TÔ MÀU


* Chủ đề của hình này là gì?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
* Bạn hãy ghi câu Tin Mừng thánh Máccô 13,33
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .


II. TRẮC NGHIỆM

01. Đức Giêsu kêu gọi anh em phải coi chừng, phải làm gì vì anh em không biết khi nào thời ấy đến? (Mc 13,33)
a. Cầu nguyện.
b. Tỉnh thức.
c. Tránh xa tội lỗi.
d. Tránh xa biệt phái.

02. Khi người chủ trẩy đi phương xa, để lại nhà, trao quyền cho ai? (Mc 13,34)
a. Các môn đệ.
b. Các đầy tớ.
c. Các tá điền.
d. Các tư tế.

03. Chủ nhà có thể đến vào những lúc nào? (Mc 13,35)
a. Nửa đêm.
b. Rạng sáng.
c. Lúc chập tối.
d. Cả a, b và c đúng.

04. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, biết anh em đang làm gì? (Mc 13,36)
a. Làm việc.
b. Chè chén say sưa.
c. Ngủ.
d. Tỉnh thức.

05. Điều Thầy nói với anh em, Thầy cũng nói với mọi người… … (Mc 13,37)
a. Phải canh thức.
b. Phải sám hối.
c. Phải tin vào Tin Mừng.
d. Phải cầu nguyện.


III. Ô CHỮ


Những gợi ý

01. Ai sẽ trở về bất thần bắt gặp anh em đang ngủ? (Mc 13,36)

02. Đây là lúc ông chủ có thể trở về? (Mc 13,35)

03. Ông chủ trẩy đi đâu, để lại nhà trao quyền cho các đầy tớ của mình? (Mc 13,34)

04. Anh em phải làm gì vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến? (Mc 13,35)

05. Khi người chủ trẩy đi phương xa, để lại nhà, trao quyền cho ai? (Mc 13,34)

06. Đây là lúc ông chủ có thể trở về? (Mc 13, 35)

07. Ông chủ chỉ định cho mỗi người mỗi việc, và ra lệnh cho ai phải canh thức? (Mc 13,34)

08. Điều Thầy nói với anh em, Thầy cũng nói với mọi người… … (Mc 13,37)

Hàng dọc: Chủ đề của ô chữ này là gì?

IV. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG

 "Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.
Tin Mừng thánh Máccô 13,33

GB. NGUYỄN THÁI HÙNG


Lời giải đáp
VUI HỌC THÁNH KINH
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM B

I. HÌNH TÔ MÀU

* Chủ đề :
Tỉnh Thức

* Tin Mừng thánh Máccô 13,33 :

"Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.

II. Lời giải đáp trắc nghiệm

01. b. Tỉnh thức (Mc 13,33)
02. b. Các đầy tớ (Mc 13,34)
03. d. Cả a, b và c đúng (Mc 13,35)
04. c. Ngủ (Mc 13,36)
05. a. Phải canh thức (Mc 13,37)

III. Lời giải đáp ô chữ

01. Ông chủ (Mc 13,36)
02. Nửa đêm (Mc 13,35)
03. Phương xa (Mc 13,34)
04. Canh thức (Mc 13,35)
05. Đầy tớ (Mc 13,34).
06. Chập tối (Mc 13, 35)
07. Người giữ cửa (Mc 13,34)
08. Phải canh thức (Mc 13,37).

Hàng dọc: Canh Thức

GB. NGUYỄN THÁI HÙNG



Mùa Vọng

Lm. Nguyễn Hồng Giáo OFM

Năm Phụng vụ bắt đầu với Mùa Vọng, chuẩn bị chúng ta mừng đại lễ Giáng sinh, một lễ tưng bừng nhất trong năm, xét về mặt xã hội, không những trong đạo mà cả "ngoài đời" nữa. Tôi luôn luôn biết ơn và cảm phục Giáo Hội, người mẹ hiền của chúng ta. Giáo Hội thật khôn ngoan, biết rõ lòng người. Con người có nhu cầu vui chơi và mừng lễ. Trong đời sống xã hội có biết bao nhiêu là ngày lễ, biết bao nhiêu mùa lễ và cao điểm.

Và ai cũng biết : các ngày lễ, các mùa lễ như thế không chỉ có mục đích giải trí, vui chơi mà thôi. Trong năm Phụng Vụ, Giáo Hội cũng cho ta sống nhiều mùa đại lễ, nhiều cao điểm Phụng vụ, để bồi dưỡng tinh thần chúng ta, giúp ta sống bởi sự sống của Thiên Chúa cách dồi dào, phong phú hơn. Đức Kitô tự ví mình như cây nho và chúng ta là cành. Cây nho này lại phải nẩy sinh thêm những cành mới, lại phải trở nên xanh tươi và sinh hoa kết quả qua các mùa Phụg vụ: Mùa Vọng và Giáng sinh, Mùa Chay và Phục sinh, rồi đến Mùa Thường niên.

Năm Phụng Vụ nhắc lại lịch sử Dân Chúa trong Cựu ước hoặc làm sống lại những biến cố lớn trong cuộc đời Chúa Giêsu, hoặc gợi lại gương sáng của Đức Mẹ và các thánh, nhưng đó không phải là do lòng sùng bái quá khứ, thích thú những chuyện đã qua rồi. Điều Phụng Vụ nhắm tới không phải là quá khứ nhưng là hiện tại, là đời sống ân sủng của chúng ta hôm nay. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông nối tiếp nhau không phải chỉ là lặp lại y nguyên một vòng tròn, song là điều kiện cho con người trưởng thành và sung mãn. Cũng vậy, người Kitô hữu phải chờ đợi nơi năm Phụng Vụ sự sống của Chúa ngày càng dồi dào hơn trong mình, sự sống mà họ đã nhận lãnh như một mầm mống trong Bí tích Thánh Tẩy.

Các mùa Phụng Vụ đều nhắm cùng một mục đích như nhau nhưng theo những cách thức khác nhau, cũng như tứ thời bát tiết đều là những mùa của trời đất xoay vần song không giống nhau. Vậy Mùa Vọng có gì đặc trưng ? Chúng ta cử hành gì trong mùa này ?

Một Chút Lịch Sử.

Cho đến thế kỷ thứ IV, Giáo Hội Tây phương mừng một đại lễ duy nhất là lễ Phục Sinh. Tất nhiên là có một số lễ khác song tất cả đều qui về Phục Sinh và không bao giờ long trọng bằng Phục Sinh. Đến thế kỷ thứ IV, Tây phương mới bắt đầu mừng lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12. Theo thời tiết, thì đó là kỳ đông chí, lúc mà đêm ngắn lại và ngày bắt đầu dài thêm. Vào dịp này, người ngoại giáo cử hành lễ mừng Ánh sáng. Giáo Hội đã đặt lễ Giáng sinh vào đúng ngày đó để công bố rằng chính Đức Giêsu Kitô mới thực là Ánh sáng, là Mặt trời soi sáng thế gian.

Nhưng lúc đầu Giáng sinh cũng chỉ là lễ thường thôi. Mãi đến thế kỷ thứ VI mới trở thành một đại lễ, và cũng kể từ đó, người ta mới tổ chức một thời gian chuẩn bị tương đương với Mùa Chay trước Phục sinh, và được gọi là mùa Adventô tức là Mùa Vọng như ta quen gọi ngày nay. Năm Phụng Vụ được tổ chức thành 2 chu kỳ xoay quanh 2 trung tâm là Phục sinh và Giáng sinh. Chu kỳ Giáng Sinh vươn lên từ đêm tối đến ánh sáng (như mùa đông qua mùa xuân) còn Phục Sinh thì đầm đìa trong ánh sáng chan hòa.

Tinh thần và Ý Nghĩa của Mùa Vọng.

Vọng là trông mong. Trong thời gian Mùa Vọng, Giáo Hội muốn chúng ta sống mãnh liệt hơn tâm tình khát mong Chúa đến. Nhưng Chúa đến lúc nào ? Ta biết Chúa đã đến cách nay 2000 năm, trong thận phận làm người. Mùa Vọng có mục đích đầu tiên là chuẩn bị tâm hồn ta mừng lễ Giáng sinh, tức là kỷ niệm biến cố Ngôi Hai xuống thế làm người tại Bêlem xưa. Nhưng ta cũng tuyên xưng Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét thế gian và hoàn thành công cuộc cứu độ không những đối với loài người mà còn đối vơi toàn thể vũ trụ nữa.

Mùa Vọng mời gọi chúng ta sống tích cực hướng về ngày đó mà giáo lý quen gọi là ngày cánh chung. Giữa hai lần Chúa đến ấy, còn có thể nói tới một lần nưã, đó là cuộc Chúa ngự đến cách nhiệm mầu trong tâm hồn chúng ta bằng ân sủng, như lới Kinh thánh : "Ai yêu mến Ta, thì Cha Ta sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ cư ngụ trong người ấy". Như vậy Mùa Vọng cử hành ba cuộc ngự đến. Cần nhớ tới cả ba nếu chúng ta muốn hiểu rõ nội dung của các bản văn Kinh thánh và Phụng vụ của mùa này và có được những tâm tình thích hợp. Hồng Y Newman đã viết : "Trong linh đạo Mùa Vọng, Đức Kitô xuất hiện như một người đã có mặt đó rồi, và đồng thời vẫn không ngừng được chờ mong. Và Kitô hữu sống linh đạo này như một người chờ đợi Đức Kitô."
Có thể nói chúng ta sống càng về phía trưóc. Mùa Vọng đến nhắc nhở chúng ta rằng cuộc đời ta còn dang dở và quê hương thật của ta ở trên trời. Mùa Vọng mời gọi ta nhổ trại lên đường tiến về Ngày của Chúa, ngày Chúa đến làm cho cuộc đời chúng ta cũng như toàn thể lịch sử nên sung mãn. Chính ngày đó đem lại cho cuộc sống hiện tại một hướng đi và một ý nghĩa cao cả. Vì thế nỗi chờ mong của ta cũng là một niềm hy vọng. Chúng ta chờ đợi với sự tin tưởng và nôn nóng như người vợ hiền chờ đợi người chồng mà bà đã biết, mà bà yêu mến và được yêu mến. "Đức Kitô về trời mang theo trái tim của Hội thánh. Tất cả đời sống của Hội thánh chỉ là một hành vi khao khát, hy vọng, cầu nguyện và đợi chờ" (Jean Daniélou). Lời cầu nguyện kết thúc toàn bộ Kinh thánh mà thánh Gioan Tông đồ đã đặt vào miệng Giáo Hội đang bị bách hại là : Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến !

Ba Thái Độ Sống Cụ Thể.

Theo tinh thần Mùa Vọng, sống hướng về ngày Chúa đến có thể được diễn tả trong ba thái độ cụ thể. Trước tiên là tương đối hóa hiện tại. Mọi giá trị ở đời này như của cải, danh vọng, tình yêu, gia đình, khoa học, kỹ thuật, văn hóa v.v. là những điều tốt lành mà chúng ta phải ra sức thực hiện theo thánh ý của Chúa trong hoàn cảnh sống cụ thể của mình, nhưng đó chưa phải là những cái tuyệt đối đáng cho ta coi là mục đích phải gắn bó và đeo đuổi với bất cứ giá nào. Trái lại, chúng chỉ tìm được trọn vẹn giá trị khi đối chiếu với cùng đích tối hậu, đích thực của đời ta.

Thái độ sống này làm cho ta nên khôn ngoan, sáng suốt, chừng mực và tự do. Sống hướng về ngày Chúa đến còn đòi hỏi nơi ta một thái độ thứ hai là phải cương quyết chống lại tội lỗi và sự ác nơi mình và chung quanh mình, nơi gia đình và trong xã hội. Đó là dọn đường cho Chúa ngự đến, như chúng ta thường hát trong Mùa Vọng theo lời Kinh Thánh : "Quanh co uốn cho ngay, Gồ ghề san cho phẳng, Hố sâu lấp cho đầy, Nơi cao phải bạt xuống".

Sau hết, sống hướng về ngày Chúa đến buộc ta phải tỉnh thức và luôn luôn sẵn sàng như người tôi trung: hết lòng với nhiệm vụ được trao phó, tận dụng mọi khả năng của mình để hoàn thành mọi việc theo ý chủ nhà hiện đang vắng mặt và mau mắn mở cửa đón chủ về bất cứ lúc nào.

(Viết theo J. Daniélou:
Le Mystère de l'Avent, Paris 1948)
Nguồn: giaoxubachuong

Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 2 Mùa Vọng - Năm B
Lời Chúa: Is 40, 1-5.9-11; 2Pr 3, 8-14; Mc 1, 1 - 8
Tài liệu về Lời Chúa
***********************************************
Dọn đường
Vào một buổi sáng Chúa nhật đẹp trời, Cordell, một con người bệnh tật và đau yếu, được mời đến nói chuyện tại câu lạc bộ dành cho những người khoẻ mạnh, giàu sang và gặt hái những thành công sáng chói. Anh đã mở đầu như sau: Tôi biết rằng tôi rất khác biệt với quý vị. Rồi anh trích dẫn lời thánh Phaolô: Nhưng nhờ ơn Chúa mà tôi được như thế này. Suốt 20 phút đồng hồ, anh đã nói về lòng nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện trong đời sống của anh. Và rồi anh đã kết luận: Quý vị có thể thành công trong suốt cả cuộc đời và lợi nhuận hàng năm có thể lên tới hàng triệu đồng, nhưng khi ngày giờ đến, ngày mà quý vị nhắm mắt buông tay giã từ cuộc sống và bị vùi sâu dưới lòng đất lạnh, thì quý vị sẽ chẳng khác tôi chút nào. Đó là giây phút mọi người chúng ta đều giống nhau. Tôi không cần tới những gì quý vị đang có trong cuộc sống, nhưng tôi chắc chắn rằng quý vị cần một điều mà tôi đang có đó là Đức Kitô.
Câu chuyện trên làm cho tôi thích thú, bởi vì nó rất thích hợp với bầu khí của mùa vọng. Nó mời gọi chúng ta thử kiểm điểm xem cái gì thực sự quan trọng đối với chúng ta? Cái gì chiếm địa vị ưu tiên trong cuộc sống? Và hơn nữa Đức Kitô giữ vai trò nào trong đời sống chúng ta? Trong giây phút này, Ngài có phải là thần tượng chiếm chỗ nhất trong con tim chúng ta hay không? Như trái đất xoay quanh mặt trời, thì liệu toàn bộ cuộc đời chúng ta có quy hướng về Ngài, có xoay quanh Ngài hay không?
Cũng trong chiều hướng ấy, phụng vụ lời Chúa hôm nay thôi thúc chúng ta hãy đặt lại vấn đề xem: Chúng ta đã đi đúng hay đi sai? Chúng ta đã đặt trọng tâm của cuộc sống vào đâu? Cũng như chúng ta đã xây dựng con người chúng ta trên nền tảng nào?
Tại Luân Đôn có một ngôi nhà nguyện được sử dụng để tưởng niệm những người dân đã bị thiệt mạng trong thành phố do máy bay oanh tạc thời đệ nhị thế chiến. Trong nhà nguyện có 4 cuốn sách lớn, ghi tên sáu ngàn nạn nhân. Mỗi ngày người ta mở một trang, và khi đọc những tên ấy, chúng ta không sao biết được nạn nhân là người nghèo hay giàu, da đen hay da trắng, già hay trẻ, đẹp hay xấu. Bởi vì lúc đó không còn một khác biệt nào nữa. Có chăng sự khác biệt duy nhất đó là bản chất con người mà cá nhân chúng ta đã tạo ra cho mình khi còn sống ở trần gian này. Và như thế, chúng ta phải làm gì nếu như đã không sống đúng với cách thức chúng ta phải sống. Chúng ta phải làm gì nếu như Đức Kitô thực sự đã không chiếm chỗ nhất trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta phải làm gì nếu như chúng ta chưa chuẩn bị để gặp gỡ Đức Kitô trong ngày sau hết.
Gioan Tiền Hô hôm nay đã đưa ra những việc cần phải làm ngay, đó là phải ăn năn sám hối, cải tà quy chính và làm lại cuộc đời, nghĩa là hãy dọn đường Chúa đến. Khi tôi là một em nhỏ thì thời gian như bò tới. Khi tôi là một thanh niên thì thời gian như đi tới. Khi tôi là một người trưởng thành thì thời gian như chạy tới. Khi tôi là một người già cả, thì thời gian như bay tới. Còn khi tôi cận kề với cái chết, thì tời gian như đã mất đi. Vậy chúng ta đã làm được những gì để đón mừng Chúa đến?


Người dọn đường
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Để chuẩn bị cho Con của Ngài đến trần gian, Thiên Chúa cần nhiều người dọn đường trong dòng lịch sử.
Người nổi bật nhất là Gioan.
Gioan là nhịp cầu thân thương để Đức Kitô đến gặp dân Ngài, và để dân Ngài đón nhận Đức Kitô cứu thế. Ông đã quen biết cả đôi bên và ông hạnh phúc được làm người phù rể cho đám cưới giữa Đức Kitô và dân được chọn.
Thời nào Thiên Chúa cũng cần những sứ giả, những người dọn đường, những Gioan mới.
Đó là sự khiêm tốn muôn thuở của Thiên Chúa, Ngài chẳng bao giờ đường đột đến với con người.
Hôm nay, Đức Kitô muốn đi vào thế giới của bạn: đất nước, gia đình, trường học, nơi làm việc, bạn bè... Ngài cần bạn làm người giới thiệu. Nhờ bạn, Tin Mừng được khởi đầu nơi một ai đó, như xưa Tin Mừng đã được khởi đầu nhờ Gioan.
Chúng ta cần ngắm nhìn lối sống của Gioan. Ông sống độc thân trong hoang địa, ăn châu chấu và mật ong rừng, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da. Lối sống khắc khổ ấy đã trở nên một dấu hỏi.
Gioan đã chọn lối sống phù hợp với lời ông giảng. Ông kêu gọi mọi người dọn tâm hồn để đón Đấng quyền thế hơn ông, thì chính ông đã sống như con đường thẳng. Ông mời gọi người ta sám hối, thì chính đời ông đã mang nét sám hối rồi. Bởi thế tiếng gọi của ông có sức thu hút mãnh liệt.
Biết bao người từ khắp nơi kéo đến với ông, để khiêm tốn thú tội và chịu phép rửa, nhằm chuẩn bị đón Đấng Mêsia sắp đến.
Chúng ta không thể vào hoang địa như Gioan, cũng không thể ăn mặc như ông, nhưng chắc chắn để làm chứng cho Đức Kitô hôm nay, chúng ta không thể sống y như mọi người.
Lắm khi chúng ta phải từ khước một cuộc sống dễ dãi, tiện nghi, thoải mái, để tìm kiếm một cái gì sâu xa hơn, ý nghĩa hơn. Không phải chúng ta thích lập dị, nhưng ơn gọi Kitô hữu đòi chúng ta dám lội ngược dòng với thế gian, dám sống một cách khác thường trong chính cuộc sống bình thường của ta.
Làm sao chúng ta có sức thu hút như Gioan để đưa con người hôm nay đến gặp Chúa? Chúng ta phải thay đổi lối sống mình như thế nào, để người ta tin được lời chúng ta rao giảng?
Đức Kitô hôm nay vẫn cần những người dọn đường tuyệt vời như Gioan.
Gợi Ý Chia Sẻ
Nhiều người đã không đón nhận Tin Mừng chỉ vì gương xấu của các Kitô hữu. Bạn có nhìn thấy, nghe thấy những gương xấu đó ở quanh bạn không? Làm sao để có một cuộc sám hối tập thể như Gioan đã khơi dậy?
Bạn sẽ làm gì để tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu và làm cho Ngài được mọi người yêu mến?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, sám hối không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Đấng vô tội mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gioan ban phép Rửa. Chúa đã muốn nên bạn đồng hành với phận người mỏng dòn và yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình, tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải, dám đi đến những hành động cụ thể, và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con niềm vui của Giakêu, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.


Dọn đường cho Chúa
ĐTGM. Ngô quang Kiệt
Trong một trận lũ lụt kia, nhiều du khách trên tuyến đường Bắc - Nam bị kẹt ở miền Trung. Lý do là đèo Hải Vân bị sạt lở, xe cộ không đi lại được. Nhiều đoạn đường sắt bị nước lũ cuốn đi, nên tàu Bắc - Nam cũng đành ủ rũ nằm chờ. Nhiều làng bị nước ngập, dân làng muốn thoát ra nhưng không đi được vì đường sá không còn. Nhiều đoàn cứu trợ muốn đến những làng xa xôi, nhưng không có đường đi, nên đành chịu bó tay.
Những con đường thật là quan trọng. Đường đi giúp cho người bị nạn có thể thoát ra. Đường đi giúp cho người bị nạn đón nhận được sự cứu trợ. Đường đi nối liên lạc giữa người với người. Đường sá hư hỏng làm giao thông ngừng trệ, chậm trễ việc cứu trợ, ngăn cách người với người. Muốn cho giao thông mau lẹ, muốn việc cứu trợ có kết quả, muốn cho con người gần gũi nhau, phải sửa chữa đường đi cho thật tốt.
Con đường vật lý đã cần. Nhưng con đường tâm lý còn cần hơn. Nếu con đường tâm lý bị hư hỏng thì dù có ở sát cạnh nhau, người ta cũng vẫn cứ xa nhau.
Tương tự như thế, ta cần có con đường thiêng liêng thật tốt để đón Chúa đến. Thật ra Chúa đã đến từ lâu, nhưng ta chưa đón nhận được vì con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta đã bị hư hỏng.
Tâm hồn ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.
Tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh, lợi, thú. Tâm hồn ta có những hố sâu dục vọng nặng nề thú tính.
Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình. Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.
Tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta gồ ghề vì thói lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân. Tâm hồn ta gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.
Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta. Nên hôm nay, Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi ta hãy sửa chữa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa Giêsu đến.
Hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn. Hãy bạt đi tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà. Hãy lấp đi những hố sâu đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá. Hãy uốn thẳng lại những khúc quanh giả hình. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề độc ác. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề nói hành nói xấu.
Đổi mới một con đường thì dễ, nhưng đổi mới tâm hồn không dễ chút nào. Ngoài những cố gắng bản thân, còn cần đến những phương thế. Đời sống của Thánh Gioan Baotixita đề nghị cho ta 3 phương thế rất tốt.
Phương thế thứ nhất là vào sa mạc. Sa mạc là nơi hoang vu vắng vẻ giúp ta sống cô tịch. Trong cô tịch, ta dễ chìm sâu xuống đáy lòng mình để gặp gỡ Chúa. Một mình ta diện đối diện với Chúa. Trong thân mật, Chúa sẽ dạy ta biết Thánh Ý để ta thi hành. Đức Giêsu, trước khi đi rao giảng cũng đã vào sa mạc 40 ngày để tìm Thánh Ý Chúa Cha. Sa mạc đây được hiểu là những giờ cầu nguyện riêng tư thân mật một mình ta với Chúa.
Phương thế thứ hai là mặc áo da thú. Mặc áo da thú có nghĩa là ăn mặc đơn sơ, không chải chuốt. Một tâm hồn mặc áo da thú là một tâm hồn biết sống thực với chính mình, biết nhìn nhận những yếu đuối lỗi lầm và xin Chúa tha thứ. Thái độ đơn sơ khiêm nhường như thế chính là khởi điểm để tiến lên trên con đường thánh đức.
Phương thế thứ ba là ăn châu chấu và mật ong rừng. Đây có ý nói về một đời sống khổ chế. Hãm dẹp những tính mê tật xấu, hạn chế những đòi hỏi của thân xác để bắt nó quy phục linh hồn. Giảm bớt những nhu cầu không cần thiết để bồi dưỡng đời sống tâm linh.
Thánh Gioan Baotixita đã sống theo chương trình 3 điểm này, nên Ngài đã trở thành người mở đường cho Đấng Cứu Thế. Nếu chúng ta biết áp dụng 3 phương thế ấy trong Mùa Vọng này, ta sẽ biến tâm hồn ta thành một con đường thẳng tắp cho Chúa Giáng Sinh ngự đến.
Lạy Chúa, xin cứu con khỏi mọi tội lỗi để con xứng đáng đón rước Chúa. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Con đường tâm hồn tôi có những đồi núi, vực sâu, khúc quanh nào cần sửa chữa?
2- Tôi có cần đến những phương thế của Thánh Gioan Baotixita không?
3- Tôi sẽ làm gì trong tuần này để thực hành Lời Chúa?
4- Trong bài Tin Mừng Chủ nhật thứ II Mùa Vọng này, tôi tâm đắc nhất câu nào?



Chú giải và suy niệm của Quesson
Hôm nay, chúng ta sẽ đọc trang đầu tiên của Tin Mừng theo thánh Maccô. Trong suốt năm phục vụ này, năm B, chúng ta sẽ đọc cách đặc biệt Tin Mừng Maccô.
Truyền thống thường giới thiệu Maccô như môn đệ của Phêrô. Vì thế trong trình thuật của ông, ta được nghe lại những kỷ niệm và giáo lý của vị tông đồ, đã từng mục kích Đức Giêsu. Người ta cho rằng: Tin Mừng này đã được soạn thảo tại Rôma, khoảng năm 70, và gửi cho một cộng đồng Latô gồm những người gốc ngoại giáo, chưa từng sống tại Palestine.
So sánh với ba Tin Mừng khác, Tin Mừng của thánh Maccô rất thực tế: đó là câu truyện của một người bình dân, có những nét gây thích thú. Nhưng ta đừng vội lầm, Maccô cũng là một nhà thần học, sẽ tỏ lộ cho ta cuộc khám phá dần dần của Phêrô. Suốt trong phần đầu, mọi người đều tự hỏi: “Đức Giêsu là ai!” Đức Giêsu thể hiện những hành động, nói những lời luôn đặt thành vấn đề. Nhưng thật lạ lùng. Người vẫn đặt “bí mật” trên con người mình. Mãi tới phần thứ hai của đời sống công khai, người mới từ từ thông tỏ về bản thân Người.
Khung cảnh địa lý Máccô sử dụng cũng mang tính thần học. Theo đó ông đề cao xứ Galilê, miền đất mở ngở và để đón nhận sứ điệp của Đức Giêsu, nghịch lại với Giêrusalem, thành phố luôn chối từ Đức Giêsu.. Hơn nữa đối với Maccô, biển hồ Galilê mang một ý nghĩa biểu tượng (Phêrô người thuyền chài, biết rõ từng vũng nhỏ trong hồ ông sinh sống!). Bờ hồ phía tây, là người Do Thái. Bờ hồ phía đông, là anh em dân ngoại Máccô có ý nhấn mạnh cho ta thấy, Đức Giêsu đang đi vào "miền đất ngoại giáo "... như thế khai mở "vùng truyền giáo" của Giáo Hội mà Tin Mừng ông muốn gửi tới.
Cuối cùng Tin Mừng của Maccô đượm vẻ "bi thảm”. Ba nhóm người được miêu tả trong đó. Trước hết đó là Đức Giêsu và các môn đệ của Người, luôn chung sống với nhau. Rồi tới đám dân chúng theo Đức Giêsu, nhưng không hiểu biết gì về Người. Sau hết, đó là các kẻ thù nghịch, ngay từ đầu chỉ xoi mói rình rập nhằm kết án Đức Giêsu.
Khởi đầu Tin Mừng.
Có lẽ không phải là ngẫu nhiên mà lời đầu tiên của Tin Mừng theo thánh Maccô cũng là lời đầu tiên trong Bộ Kinh thánh: 'Khởi đầu trời và đất" (St 1,1). Thánh Gioan cũng sử dụng cùng một từ đó, cũng bắt đầu Lời tựa trong Tin Mừng của ông: “Khởi đầu vẫn có Ngôi Lời" (Ga 1,1). Còn Mát-thêu và Luca, cũng gợi lên thực tại của một khởi đầu này: “Đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô " (Mt 1, 18; Lc 1 3). Như thế, cả bốn thánh sử đều gợi lên cho ta thấy, nhờ Đức Giêsu, chương trình của Thiên Chúa đã có một bước khởi đầu mới: Có thể nói, một cuộc tạo thành mới đang khởi sự. Và mỗi năm, Mùa Vọng bắt đầu, cũng là một dịp khởi đầu lại. Lạy Chúa, thế mà chúng con vẫn thích dừng chân tại chỗ để thốt lên: Đủ rồi, xin Chúa không ngừng ban lại cho chúng con tinh thần biết "khởi sự". Xin làm sống lại trong chúng con niềm hy vọng.
“Tin Mừng": Chúng ta quá quen thuộc với từ này. Nó dịch từ tiếng Hy Lạp “Evangélion”. Nhưng từ này không có ý diễn tả “một cuốn sách" hay một sự việc. Đó là Tin Mừng nước Thiên Chúa đã khơi sự trong con người của Đức Giêsu. "Tin Mừng”, đó là sự sống lại, là Phục sinh, là sự chiến thắng vĩnh viễn của sự sống? Tin Mừng phát xuất từ sấm ngôn của I-sai-a, khi ông loan báo cho những người bị lưu đày biết tình trạng khổ ái của họ sắp chấm dứt: “Hãy an ui, hãy an ủi dân Ta... Dịch vụ của nó mãn rồi. Hãy nhủ lòng cùng Giêrusalem, hãy công bố tội của nó được tha. Hãy lên núi cao, hỡi Sion, người loan Tin Mùng. Hãy gióng tiếng lên cho mạnh và loan báo: Kìa Thiên Chúa của ngươi đang đến... (Is 40,1-11). Tôi có tin tưởng như thế không? Đức tin của tôi có là một thứ gánh nặng, tôi phải vất vả đeo mang, hay là một Tin Mừng “Vui tươi”, “Tốt đẹp”, "Tuyệt diệu”.
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, con Thiên Chúa.
Ngay từ dòng đầu của Tin Mừng, Máccô đã nói ngay nếu ông muốn bàn. Những “tước hiệu" trên đây của Đức Giêsu là chìa khóa khai mở toàn bộ trình thuật của ông. Những tước hiệu đó sẽ được lặp lại vào giây phút cuối đời; khi một người "dân ngoại" nhận biết Đức Giêsu chết trên thập giá: “Quả thật người này là con Thiên Chúa" (Mc 15,39). Đó là điều ta thường gọi là một thứ “hệ luận” theo kiểu nói “Xê-mít". Đó là kiểu cách văn chương nhằm biểu thị ý nghĩa sâu xa của một câu chuyện, mà toàn bộ "bao gồm" trong hai từ được lặp đi lặp lại từ đầu đến cuối.
Giêsu... trong ngôn ngữ Do Thái muốn nói lên "Thiên Chúa cứu độ " – “Yéshouah”. Đó là một từ quen thuộc, diễn tả tính cách nhân bản, lịch sử trần thế của con người Na-za-rét. Kitô.... trong ngôn ngữ Do Thái có ý nghĩa Đấng được “Đức Chúa xức dàu": “Meshiah" Tước hiệu này biểu lộ, Đức Giêsu chính là Đấng mà toàn dân ít-ra-en mong đợi, là con cháu nhà Đa-vít, là "Vua nước Thiên Chúa”.
Con Thiên Chúa... tước hiệu cuối cùng này, chỉ mang ý nghĩa trọn vẹn, lúc Chúa sống lại: Vào thời Maccô viết Tin Mừng, các Kitô hữu đã dùng kiểu nói mạnh này để tuyên xưng đức tin vào thần tính của Đức Giêsu.
Trong sách Ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi tnrớc Con, để dọn đường cho con đến". Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi".
Một lần nữa không phải ngẫu nhiên, mà Tin Mừng Máccô bắt đầu bằng một câu trích dẫn trong Cựu ước. Đức Giêsu không phải là một “sao băng" từ một hành tinh khác mà đến. Ngài được ghi tên trong tịch sử của một dân tộc Ngài được người ta "mong chờ', "loan báo”, "chuẩn bị"... Từ sau Công đồng Vatican, bài đọc Cựu ước mà ta đọc mỗi Chúa nhật, không phải là một việc làm mới lạ của Giáo Hội hiện nay. Các Kitô hữu tiên khởi, các tín hữu của Máccô, cũng như của Mátthêu, Luca và Gioan, đã từng đọc Kinh thánh Cựu ước... và ứng dụng cho Đức Giêsu. Còn chúng ta thìn sao? Chúng ta thường phàn nàn vì không gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng ta có coi Kinh thánh như phương thế tiếp gặp Chúa chưa?”
Ta làm gì để gặp gỡ Chúa? Ta có chuẩn bị con đường cho Chúa đến không? Mùa Vọng này có thể là một thời gian để ta suy niệm lại Kinh thánh.
Ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi dân chúng chịu phép rửa, tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ tại sông Gio-đan.
Chúng ta đừng có mơ tưởng rằng, ta sẽ “gặp" được Thiên Chúa, chẳng- hạn như dịp Noen này, mà không cần phải “chuẩn bị" cho Người đến, không cần phải thanh tẩy, không cần phải làm việc để hoán cải thay đổi đời sống.
Chính Gioan Tẩy Giả không chút nể nang thính giả của ông. ông bảo họ: "Các ngươi phải thay đổi hoàn toàn nếp sống... Hãy trở lại!. Đó là ý nghĩa của từ “Metanoia" bản dịch là "hoán cải". Các người đã làm điều này sao? Giờ đây, hãy làm ngược lại. Điều xấu, điều ác mà các ngươi đã thực hiện, hãy chấm dứt ngay? Điều tốt lành như vậy mà sao các ngươi không làm, hãy bắt tay thi hành ngay đi! Phải thay đổi, cần thay đổi gấp!
Sắp tới lễ Noen rồi, mọi Kitô hữu lại được mời gọi lãnh nhận “bí tích giao hòa" để được ơn tha tội. Ngay từ bây giờ, tôi muốn chuẩn bị lãnh nhận, để nhờ bí tích đó tôi có một bước tiến đáng kể, trưởng thành và có trách nhiệm hơn. Và cũng như dân chúng xưa kia tuôn đến sông Giođan, tôi cần phải bắt đầu “nhận biết” tội lỗi mình, cách sáng suốt. Lạy Chúa xin mở rộng đôi mắt con.
Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng".
Đó là y phục tiêu biểu của những "người vùng hoang địa”, những con người du mục.
“Hoang địa"! Để tới đó theo sự lôi cuốn của Gioan Tẩy Giả, dân chúng phải rời bỏ một thế giới nào đó họ đang sống, để bước vào một thế giới khác. Lui vào "hoang địa" nghĩa là từ chối dễ dãi, tiện nghi. “Hoang địa" đó là vùng đất mở tới rất xa, là nơi không thể nhận rõ dấu vết lộ trình, là tiếng mời gọi ta dấn thân mạo hiểm? “Hoang địa" đó cũng là nơi cô tịch và yên lặng: Mời gọi ta hướng đến cuộc gặp gỡ nội tâm? ở đây ta không thể vui chơi giải trí hay lánh ẩn để kiếm tìm những việc bề ngoài, những điều xem ra giả tạo mà là nơi con người gặp lại bản thân, đối mặt với chính mình, trong tình trạng bị bóc lột trần trụi. Trong tư thế lột xác và thinh lặng này, Thiên Chúa mới có thể làm cho ta nhận ra tiếng Người: Đó là lời mời gọi ta nhận ra thực tại của bản thân, khi các mặt nạ đã được trút bỏ, trong tiếng Nga, từ “hoang địa" được dịch là “poustinia”. Và luôn luôn có những người nam cũng như nữ lui vào trong “poustinia" của họ: Cuộc gặp gỡ giữa họ với Thiên Chúa sẽ mang tính chất nào, đều phụ thuộc vào giá trị này cả. Tôi có lợi dụng Mùa Vọng này, để tạo cho mình một thời gian chính thức sống cô tịch không?
Ông loan báo: "Có một Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi. Tôi không đáng cúi xuống cởi dép cho người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần".
Gioan Tẩy Giả chỉ hiện diện tại đó để tiến dẫn một kẻ khác, một người nào đó chưa được gọi tên: “Đấng đang đến"... Đấng quyền năng nhất"... “Đấng xứng đáng nhất!... Đấng dìm trong Thánh Thần”... Nếu ta quyết định hoán cãi Thiên Chúa sẽ không là người phong kiến ngoại cuộc: Người sẽ dìm chúng ta trong Thần Khí của Người.
*******
THÁI ĐỘ CẦN CÓ ĐỂ ĐÓN NHẬN CHÚA
Charles Lamb là một văn sĩ nổi tiếng của nước Anh vào thế kỷ thứ 18. Buổi tối nọ, năm sáu văn sĩ khác tụ họp ở nhà ông để thảo luận về các đề tài văn chương. Bỗng nhiên, có người đặt vấn đề: Chúng ta sẽ làm gì nếu được gặp gỡ các danh nhân thế giới trong các thời đại đã qua. Có người gợi ý:
- Nếu giờ đây Dante bước vào phòng này?
- Giả như đêm nay có Shakespeare cùng tham gia thảo luận với chúng ta?
Charles Lamb hô to: - Tôi sẽ hân hoan giơ tay đón tiếp các vị như các hoàng đế của tư tưởng.
Cuối cùng một người nói:
- Còn nếu bây giờ Đức Kitô bước vào phòng này?
Charles Lamb nghiêm nét mặt nói:
- Dĩ nhiên tất cả chúng ta đều quỳ xuống.
Đó là thái độ đúng đắn để tiếp đón Chúa Kitô. Người khác với mọi danh nhân trong lịch sử, vì Người là Thiên Chúa.
Chúng ta vừa nghe thánh sử Maccô mở đầu sách Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Đây là một câu chuyện, nhưng là một câu chuyện đem lại ơn cứu độ. Tuy nhiên để đạt hiệu quả mong muốn chúng ta phải chuẩn bị cho mình một thái độ đặc biệt để tiếp nhận câu chuyện về Đức Kitô cùng với những lời truyền dạy của Ngài.
Đầu tiên, Đức Kitô là Thiên Chúa. Người tới trần gian như một biến cố quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Câu chuyện bắt đầu bằng những từ ngữ trang trọng giống như những lời khởi đầu toàn bộ Kinh Thánh: “Khởi đầu của Tin Mừng…”
Câu chuyện về cuộc đời Đức Kitô bắt đầu bằng lời ngôn sứ Isaia: “Có tiếng kêu nơi hoang mạc: Hãy dọn đường cho Chúa”. Đức Kitô xuất hiện muộn màng trong lịch sử, nhưng Người chính là trung tâm của lịch sử, toàn bộ Cựu Ước cốt chuẩn bị cho nhân loại đón tiếp Người. Trước khi tới trần gian, Người đã hiện diện với tư cách Thiên Chúa, nhưng chỉ khi nhân loại được dọn dẹp, được dạy dỗ, được huấn luyện bằng các biến cố lâu dài, bằng những lời mặc khải cặn kẽ, lúc ấy con người mới có đủ khả năng và tư cách tương đối xứng đáng đón nhận Chúa.
Sau khi được chuẩn bị bằng cả chiều dài lịch sử, Gioan Tiền Hô dạy chúng ta dọn dẹp chính tâm hồn mình bằng thái độ thống hối ăn năn. Nếu không cải thiện, không đổi mới hoàn toàn, ta sẽ chẳng bao giờ gặp được Đức Kitô. Để đón mừng Chúa trong lễ Giáng Sinh, chúng ta phải đổi mới ngay từ bây giờ. Những việc xấu đã từng làm phải ngưng lại. Những việc thiện còn chần chừ ngần ngại phải sẵn sàng bắt tay làm ngay.
Dọn lòng trí đón tiếp Chúa với thái độ của một người hành trình qua sa mạc. Bỏ hết xa hoa hào nhoáng, từ chối cao lương mỹ vị, sẵn sàng chay tịnh và ăn mặc đơn sơ nghèo khó.
Khi đó chúng ta mới có thể gặp được Chúa và con đường theo Chúa mới thực sự là một Tin Mừng chứ không phải một gánh nặng. Vì một khi chúng ta đã cố gắng hết sức, Chúa sẽ ban phép rửa bằng Thánh Linh, chúng ta sẽ được tràn đầy sức mạnh và hân hoan.
Xin Chúa ban Thánh Thần cho chúng con. Nhờ Người, tâm tư tình cảm chúng con được đổi mới, cũng nhờ Người, chúng con tích cực chuẩn bị đón Chúa bằng cách nghe, suy niệm và thực thi lời Chúa dạy bảo.




Tiếng kêu
ĐGM. Nguyễn Sơn Lâm
Điểm nổi bật trong các bài đọc hôm nay là tiếng kêu. Khi một âm thanh vang động, thì tiếng ấy phải phát xuất từ đâu, muốn nói gì và cho ai? Tiếng kếu chúng ta nghe hôm nay phát xuất từ Thiên Chúa qua Gioan Tiền hô loan báo cho ta một sứ điệp: "Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước để dọn đường cho con". Sứ giả Gioan chính là tiếng kêu trong sa mạc: "Hãy dọn đường cho Chúa, chỗ quanh co hãy uốn lại cho ngay thẳng" (Mc 1,1-3).
1. Tiếng kêu của Chúa
Từ ngày xưa cũng như bây giờ, Thiên Chúa vẫn làm phát xuất những tiếng kêu: qua các ngôn sứ, qua tiếng lương tâm và qua cả những trạng huống của đời sống con người. Những tiếng kêu bi thiết trầm thống của mọi thời đại đã vang tới Chúa. Phải chăng chỉ vì vậy mà Chúa mới nhắn bảo các sứ ngôn: "Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta. Hãy nói cho Yêrusalem biết rằng: nó không còn phải mang kiếp tôi đòi nữa và tội lỗi của nói đã được tha" (Is 40,2-2).
Vì thế tiếng kêu của Chúa là một tiếng kêu đặc biệt. Thông thường khi nói tới tiếng kêu, chúng ta quen nghĩ tới kêu cứu, kêu gọi, kêu cầu: kêu cứu vì mình đang lâm nguy; kêu cầu để van xin giúp đỡ; kêu gọi để nhắc bảo phải làm một cái gì. Tiếng kêu của Chúa không hàm nghĩa kêu cứu và kêu cầu, mà chỉ ngụ ý kêu gọi.
2. Chúa kêu gọi ta làm gì?
Để lay động thức tỉnh ta, bắt ta chú ý và chuẩn bị đón nhận một sứ điệp. Tiếng kêu của Gioan tiền hô giữa nơi hoang vắng tiên vàn cũng đánh thức, gây chú ý và quy tụ dân chúng để nghe ông nói.
Sứ điệp của ông cũng tương tự như những điều ngôn sứ trong sách Đệ nhị Isaia đã nói với dân Dothái vào thế kỷ VI, sau khi họ vừa thoát khỏi cảnh lưu đày ở Babylon.
Chúa đã thẳng tay trừng trị Yêrusalem, nhưng giờ đây họ không còn phải làm nô lệ nữa, và tội lỗi của họ đã được tha thứ.
Phải dọn đường cho Chúa trong sa mạc. Chỗ gập ghềnh khúc khuỷu hãy uốn lại cho ngay.
Mọi người sẽ được nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa, vì Người đến với đầy vẻ lẫm liệt oai phong.
Người lãnh đạo dân mình như mục tử chăn dắt đoàn chiên (Is 40,1-5.9-11).
Những năm tháng lưu đày đã giúp họ hồi tâm lại và nhận thức lý do đem tới đau khổ là chính tội lỗi của họ (Is 7,25-28). Từ đó nhóm dậy trong lòng họ những tâm tình sám hối, dẫn đến quyết định dứt khoát với tội lỗi.
Khi làm như thế là họ sửa sang đường lối trong tâm hồn cho ngay thẳng để đón tiếp vinh quang Chúa đến. Đó chính là điều các ngôn sứ nhắm, khi các ngài gióng lên tiếng kêu.
3. Tiếng kêu của Gioan gây nên âm hưởng nào đối với người Do Thái đương thời?
Chắc chắn, tiếng kêu ấy đã khiến họ ngỡ ngàng, băn khoăn và làm cho họ như phải đối diện với một số vấn đề thuộc phạm vi lương tâm và công bình xã hội (Lc 3,7-14). Họ đã chịu phép rửa sám hối, xin ơn tha tội để dọn tâm hồn tiếp nhận Đức Kitô.
Còn đối với chúng ta hôm nay thì sao?
Sứ điệp của sách Đệ nhị Isaia và của Gioan tiền hô vẫn thúc bách chúng ta dọn đường cho Chúa trong sa mạc, nhưng là để đón Chúa Kitô trở lại trong vinh quang. Quả vậy, kinh nghiệm sa mạc của người Dothái trong biến cố Xuất hành khỏi Aicập hướng về Đất Hứa và trên đường hồi cư từ Babylon trở về Quê Hương vẫn mang một giá trị hiện thực cho cuộc sống chúng ta hôm nay. Sa mạc trong lịch sử cứu độ mang những ý nghĩa thần học sâu xa. Chính trong sa mạc con người chịu thử thách và phải chiến đấu để trung thành với Giao ước; cũng chính trong sa mạc, con người được thanh luyện tinh tuyền để xứng đáng với Thiên Chúa trong cuộc gặp gỡ ân tình. Giáo hội hôm nay cũng phải trải qua kinh nghiệm sa mạc bằng cuộc sống chiến đấu và thử thách để minh chứng lòng trung thành với ơn gọi Kitô hữu của mình và để tự thanh luyện xứng đáng gặp lại Đức Kitô đến thiết lập Trời mới Đất mới (2P 3,13).
4. Phải chăng trời mới đất mới chỉ hình thành trong thời viễn lai?
Ngay từ bây giờ Trời mới Đất mới xuất hiện khi mỗi người thi hành sứ điệp dọn đường cho Chúa và biến cõi đời này thành nơi đáng sống hơn. Ở đó mỗi ngày một bớt dần những cảnh bất công tàn ác; ở đó nhân phẩm được kính trọng và các quyền lợi căn bản của con người được bảo đảm; và nhất là ở đó mọi người được hòa giải với Thiên Chúa và với anh em đồng loại. Như thế, vinh quang Thiên Chúa đang xuất hiện giữa thế giới loài người, vì theo thánh Irênê: "Con người là vinh quang của Thiên Chúa". Chúng ta không ngừng xây dựng Trời mới Đất mới để tiến tới ngày viên mãn rực rỡ lúc mà Đức Kitô trở lại hoàn tất lịch sử cứu độ, thu hồi vạn vật về một mối (Ep 1,10) và trao phó vương quyền cho Thiên Chúa Cha, để Người trở nên mọi sự trong mọi người. (1Cr 15,28).
Đó là viễn tượng giúp ta hiểu đúng câu nói của thánh Phêrô trong bài đọc thứ 2: "Ngày đó, các tầng trời sẽ sụp đổ tan tành, lửa, nước, ánh sáng, gió, mây đều cháy tiêu tan, và trái đất với tất cả mọi công trình xây dựng của con người đều bị thiêu đốt" (2P 3,10). Câu đó có nghĩa là chính Đức Kitô sẽ dùng năng lực Thánh Thần và lửa tình yêu nung nấu tất cả, để siêu thăng và biến đổi chúng nên rực rỡ tốt đẹp cách nhiệm mầu chứ không hủy diệt chúng. Đó sẽ là cuộc biến hình hoàn vũ, mà cuộc biến hình trên núi Tabo là dấu chỉ và khởi đầu.
Tiếng kêu của Gioan vọng lại tiếng kêu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, đang gọi ta đứng dậy, ngước mắt nhìn lên và hướng về tương lai. Viễn tượng Chúa đến trong vinh quang đem lại cho ta niềm tin, phấn khởi trong cuộc hành trình qua sa mạc của đời sống hiện tại.
Vì thế, tiếng kêu của vị tiền hô là một tiếng kêu mang đầy Hy Vọng và Niềm Vui.
***
BÀI GIẢNG
Chúa nhật hôm nay có thể gọi được là Chúa nhật của vị Tiền Hô, của Gioan Tẩy giả, của "tiếng kêu" dọn đường Chúa đến, và như thế là Chúa nhật của niềm trông đợi chứa chan hy vọng.
Chúng ta ngày nay, xét về mặt xã hội, không còn như Israel ngày xưa. Dân Chúa bấy giờ đang lầm than trong cảnh nô lệ lưu vong. Nhưng xét về nhiều phương diện khác, đời người luôn luôn có những khổ sở. Và chẳng bao giờ nhân loại thấy đã thoát khỏi lầm than, đau đớn... Luôn luôn chúng ta có một số vấn đề không làm đau khổ thể xác thì cũng làm khắc khoải tâm hồn. Và cái khổ là bao giờ những khó khăn hiện tại đối với tâm lý, cũng vẫn là những gò bó khó chịu nhất mà chúng ta muốn cựa quậy, giũ đi cho bằng hết. Trong hoàn cảnh đó tiếng kêu của vị Tiền hô đang muốn khơi lại niềm tin hun đúc niềm cậy, để mọi người chúng ta tìm lại được tinh thần chứa chan hy vọng do Tin Mừng cứu độ mang tới.
Gioan không bịa ra những nguồn tin giả dối, trần tục, vô căn cứ và miễn cho ta những nỗ lực chính đáng. Chính ông cũng không tự xưng là người sẽ giải thoát anh em. Ông chỉ cho chúng ta thấy Đấng Cứu thế đích thực, là Đức Yêsu Kitô. Nói đúng hơn, khi rao giảng, ông bảo mọi người hãy trông cậy vào Đấng sẽ đến sau, Đấng chưa ai thấy, nhưng chắc chắn sẽ đến mà ông chẳng đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Gioan không nói viển vông. Đặt niềm tin ở Sách Thánh, căn cứ vào mạc khải của Thiên Chúa, Gioan khẳng định Đấng Cứu thế không phải là phàm nhân, không hành động như các vĩ nhân trong lịch sử. Ngài đến chăn dắt đoàn chiên mình như mục tử; Ngài ẵm chiên con trên cánh tay; ôm ấp chúng vào lòng và nhẹ tay dẫn dắt các chiên mẹ.
Đấng Cứu thế chúng ta trông đợi là như thế. Ngài không có những toan tính trần gian. Ngài là một mục tử hiền lành săn sóc từng con chiên và cả đoàn chiên. Vì thế, chúng ta hãy trút bỏ não trạng trần tục khi khắc khoải đợi chờ Đức Kitô trở lại. Trong bất cứ thử thách nào Đấng Cứu chuộc chúng ta vẫn là Chúa, vì chỉ có Ngài mới đáp ứng được niềm trông cậy của ta.
Niềm trông cậy ấy tạo nên ở nơi ta một thái độ, một tác phong, một nếp sống đặc biệt. Khi người ta ao ước những sự hão huyền hay chờ đợi những giải pháp trần tục, thường người ta dành công việc cứu thế cho người khác; còn chính bản thân người ta chỉ thụ động ỷ lại và biếng nhác. Ngược lại, khi rao giảng Đấng Cứu thế là ai, thì Gioan cũng vạch ra cho mỗi người con đường phải sửa soạn có thể tiếp một vị cứu tinh như thế. Người sẽ rửa ta trong Thánh Thần. Người sẽ thánh hóa tất cả những ai sẵn sàng. Thế nên hết mọi người phải ăn năn thống hối, phải thú tội và sửa lại đường lối xưa nay. Không còn được sống quanh co, lúc thế này khi thế khác. Phải trước sau như một, thi hành một đòi hỏi của sự thánh thiện. Mọi gồ ghề ngăn trở các quan hệ tốt đẹp với tha nhân, phải bạt xuống và san phẳng đi, để tình người và lòng bác ái cứu độ của Đức Kitô đến với hết mọi người. Có như vậy, xã hội mới dần dần huynh đệ hơn, tốt đẹp hơn và chúng ta mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa trải rộng trên khắp mặt địa cầu.
Không những rao giảng, Gioan còn sống cuộc đời sám hối. Ông ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Ông mặc áo lông lạc đà và thắt lưng bằng dây da thú. Ông sống như các thánh nhân thời bấy giờ: không quan tâm đến việc trang điểm bằng các sản phẩm mỹ nghệ, không ăn dùng như những người tưởng chỉ có các thú vui ở đời này. Ngược lại, ông thấy hạnh phúc trong nếp sống gần thiên nhiên, thấy thiên nhiên như tiếng gọi trở về đời sống chất phác và chân thật. Ông coi cuộc đời phù phiếm như đã qua, và trông đợi Trời mới và Đất mới trong đó có công lý sẽ ngự trị.
Tất cả chúng ta không đang được kêu gọi đi vào một nếp sống cụ thể như thế sao? Cả một lối sống phù phiếm như đã qua rồi. Những giờ lao động tiếp xúc với thiên nhiên như đang khiến ta có một nhân-sinh-quan mới: chân thật và đơn sơ hơn. Nhiều nhân đức Phúc Âm như đang có cơ hội được thực thi dễ dàng hơn trước. Chúng ta phải bắt lấy thời cơ, nhờ ơn từ trời xuống, giúp nhau sám hối và đổi đời. Làm được như vậy, là đang san phẳng đường đi cho Chúa đến. Nói đúng hơn, Thánh Thần Chúa ở trong ta đang muốn dùng ta để thay đổi mặt đất này cho công lý ngự trị.
Thánh Thể mà chúng ta cử hành bây giờ cũng chỉ muốn thực hiện những điều đó. Đức Kitô cứu thế mời ta góp phần đời sống sám hối canh tân của chúng ta vào mầu nhiệm Tử nạn của Người, để ơn Phục sinh của Người tràn vào tâm hồn và đời sống chúng ta, dùng nếp sống đổi mới hằng ngày của ta, canh cải mặt đất này tạo nên một Trời mới Đất mới cho tất cả mọi người.
Xin anh em hãy hết mình đi vào mầu nhiệm bàn thờ với những tâm tư quyết liệt như thế.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Đức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)









Hãy dọn đường
Mark Link
Chủ đề: “Mùa vọng là thời gian để trở về với những gì nền tảng và đặt Đức Giêsu Kitô lên hàng đầu trong cuộc đời ta”.
Trong cuốn “Nội lực nơi bạn” (The power within you), Pat William ở tiểu bang Philadelphia có kể một câu chuyện đặc biệt sau đây: Năm 1980, vào một buổi trưa Chúa nhật nóng bức, một bệnh nhân trẻ bị chứng tê liệt não bộ tên là Cordell Brown đang đi bộ đến câu lạc bộ quán quân thế giới Philadelphia Phillies. Cordell bước đi hết sức khó khăn, nói năng cũng rất là khó. Ăn uống đối với anh là một bổn phận hết sức nặng nhọc. Khi thấy Cordell tới, nhiều người quay mặt đi đàng khác, hoặc cố tình không nhìn thấy anh. Đó là cách phản ứng của một số người trong hội Phillies khi thấy Cordell đi tới câu lạc bộ.
Cordell làm gì trong câu lạc bộ Phillies vậy? Anh được mời tới đó để nói chuyện với những tay ăn chơi trong một buổi nói chuyện tại nhà nguyện câu lạc bộ.
Cordell có thể nói gì với những ngôi sao màn bạc như Steve Carleton và Mike Schmit, những người sống rất xa cách với thế giới đau khổ và dị tật của anh?
Một vài người trong hội Phillies cũng tự hỏi như thế khi họ ngồi xuống để chuẩn bị nghe anh nói. Cordell bắt đầu bằng cách làm sao cho các tay ăn chơi đó cảm thấy thoải mái dễ chịu. Anh nói: "Tôi biết rằng tôi rất là khác biệt với các bạn". Rồi anh trưng đoạn thư Thánh Phaolô (1Cr. 15,10): nhưng nhờ ơn của Thiên Chúa mà tôi được như thế này. Suốt 20 phút kế đó, Cordell đã nói về lòng nhân hậu của Thiên Chúa được thể hiện trong cuộc sống của anh. Anh kết luận bằng cách trả lời cho câu hỏi này: Anh có thể nói gì với những siêu minh tinh nổi tiếng như Steve Carleton và Mike Schmit, là những người sống hết sức xa cách với thế giới của những người đau khổ tật nguyền như anh?
Cordell nói một cách rất duyên dáng: "Bạn có thể thành công suốt cả cuộc đời, và lãnh cả triệu đôla mỗi năm, nhưng khi ngày giờ đến, ngày mà người ta đóng nắp hòm quan tài của bạn lại, thì bạn sẽ chẳng khác tôi chút nào. Đó là lúc mà mọi người chúng ta đều y như nhau. Tôi không cần tới những gì các bạn đang có trong cuộc sống, nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng: các bạn cần một điều mà tôi đang có, đó là Đức Giêsu Kitô".
Tôi thích câu chuyện này vì hai lý do:
Trước hết, nó nói cho chúng ta về Mùa vọng. Nó mời gọi chúng ta trở về với những gì nền tảng. Nó mời chúng ta tự hỏi chính mình xem: Cái gì thực sự là quan trọng đối với chúng ta? Nó mời chúng ta nhìn vào những cái chúng ta phải coi là ưu tiên trong cuộc đời mình. Nhất là nó hỏi chúng ta xem Đức Giêsu Kitô có phải là ưu tiên số một trong cuộc đời của chúng ta hay không?
Và điều này dẫn chúng ta tới điểm thứ hai về câu chuyện của Cordell Brown. Nó nói với chúng ta về những bài học Thánh Kinh ngày hôm nay.
Cả ba bài đọc đều nói nói về sự cần thiết phải dọn đường cho Chúa đến. Cả ba bài đọc đều nói rằng: chúng ta không sống đúng như cái mình phải sống, thì chúng ta phải chịu trách nhiệm về điều đó.
Nói cách khác, nếu chúng ta đi sai không đúng theo căn bản, thì những bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở về với những cái nền tảng ấy.
Nếu chúng ta đặt công việc của chúng ta lên hàng đầu trước cả gia đình chúng ta, thì những bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta sửa chữa lại tình trạng ấy.
Nếu chúng ta đặt sự thành công lên trước tương quan cá nhân của chúng ta đối với Thiên Chúa, thì các bài đọc hôm nay kêu gọi chúng ta thay đổi thái độ đó.
Tại Tu viện Westminster ở Luân Đôn, có một nhà nguyện nhỏ tên là "nhà nguyện thánh Grêgôriô". Nhà nguyện này được xây lên để tưởng niệm những người dân Luân Đôn bị mất mạng vì máy bay oanh tạc thời đệ nhị thế chiến. Trong nhà nguyện có bốn cuốn sách lớn, trong đó có ghi tên 6.000 tên các nạn nhân cuộc không kích đó. Một cuốn mở ra và trên trang sách lấp lánh ánh sáng có ghi một số tên nạn nhân. Mỗi ngày người ta giở ra một trang để phơi ra một số những tên mới. Khi bạn nhìn và đọc cột tên dài ấy, bạn không sao biết được người có tên mà bạn đọc thấy nghèo hay giầu, da đen, da trắng hay da nâu, là Kitô hữu, là Do Thái hay là vô thần, gìa hay trẻ, đẹp hay xấu.
Lúc đó không còn có một khác biệt nào nữa. Lúc đó tất cả những gì xẩy ra đều tùy thuộc vào bản chất con người mà mỗi người tạo ra cho mình còn sống trên dương thế.
Câu chuyện của Cordell Brown và câu chuyện nhà nguyện Thánh Grêgoriô của Tu viện Westmister khiến chúng ta tự hỏi: chúng ta phải làm gì nếu chúng ta thấy mình đã không sống đúng như cách chúng ta phải sống? chúng ta phải làm gì nếu chúng ta nhận ra rằng chúng ta không chuẩn bị ngày giờ chết, hay chuẩn bị cho ngày Đức Giêsu tái lâm bất chấp ngày nào đến trước?
Dĩ nhiên câu trả lời là: chúng ta phải làm đúng những gì Gioan Tẩy Gỉa đã đề nghị cho dân chúng thời ông làm. Chúng ta phải sám hối, phải xin Thiên Chúa tha thứ những lỗi lầm của chúng ta. Chúng ta phải cải tà qui chánh và phải bắt đầu một cuộc sống mới. Đó là tất cả những gì Mùa vọng muốn nói đến. Đó là thời gian để chúng ta kiểm tra lại đời sống của mình và làm tất cả những thay đổi cần thiết trong đời sống.
Điều này đem chúng ta trở lại với câu chuyện đáng ghi nhớ của Cordell Brown và câu hỏi được nêu ra trong câu chuyện. Anh có thể nói gì với các siêu minh tinh như Steve Carleton và Mike Schmit, là những người sống hết sức xa cách với thế giới đau khổ tật nguyền của anh? và Cordell phải nói gì với bạn và tôi?
Cordell đã trả lời câu hỏi đó một cách duyên dáng:
"Bạn có thể thành công suốt cả cuộc đời, và lãnh cả triệu đôla mỗi năm, nhưng khi này giờ đến, ngày mà người ta đóng nắp quan tài của bạn lại, ngày đó bạn sẽ chẳng khác gì tôi chút nào. Đó là lúc mọi người chúng ta đều y như nhau. Tôi không cần tới những gì các bạn đang có trong cuộc sống, nhưng điều duy nhất tôi chắc chắn là: các bạn cần cái tôi đang có, và đó chính là Đức Giêsu Kitô".
Để kết thúc, chúng ta hãy thưởng thức một bài thơ cổ, nói về cuộc đời này chóng qua thế nào và điều gì quan trọng vào giây phút cuối cùng:
"Khi tôi là một đứa trẻ, tôi cười và khóc, thì lúc đó thấy thời gian bò tới.
"Khi tôi là một thanh niên, tôi táo bạo hơn, thì thấy thời gian đi bộ.
"Khi tôi trưởng thành, tôi là một người chững chặc, thì thấy thời gian chạy.
"Cuối cùng khi tôi bước vào tuổi chín mùi, thì thấy thời gian bay.
"Chẳng bao lâu nữa là tôi chết, lúc đó thời gian đã đi mất.
"Ôi lạy Chúa Giêsu, khi cái chết đến, thì ngoài Ngài ra, không còn gì là quan trọng nữa."


Chú giải theo Fiches Dominicales
LỜI TỰA TIN MỪNG MÁCCÔ:
TỪ GIOAN TẨY GIẢ ĐẾN ĐỨC GIÊSU
I. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. Một lịch sử mới bắt đầu
Tin Mừng thánh Maccô hôm nay bắt đầu bằng một câu không có động từ, gồm một ít tiếng được chọn lọc kỹ càng, mỗi chữ đều rất nặng nghĩa: tác giả đã cho thấy rõ trọng tâm sứ điệp của Đức Kitô và phác hoạ cho độc giả con đường đức tin.
Đó là sự "Khởi đầu”, J.Hervieux lưu ý: "Trong Kinh Thánh, sách Sáng Thế và nhiều sách khác đã bắt đầu như thế. Chắc hẳn Thánh sử muốn gợi lên rằng Đức Giêsu sẽ mở đầu một lịch sử thánh mới, một tạo dựng mới ("Tin Mừng thánh Maccô", Centurion, tr. 15).
Đó là sự khởi đầu của "Tin Mừng” (tiếng Hy Lạp: Evangile). Điều mà tiên tri Isaia đã loan báo (bài đọc 1 của Chúa nhật này) - tức "Tin Mừng” do sáng kiến của Thiên Chúa vì lợi ích cho dân Ngài - đã hoàn tất, mặc lấy xác phàm trong lịch sử loài người.
- Đó là khởi đầu Tin Mừng của Đức Giêsu, Đấng đã giảng dạy Tin Mừng này trước khi trở thành đối tượng của Tin Mừng sau khi Ngài sống lại. Hơn là một cuốn sách, hơn là một sứ điệp mừng vui, Tin Mừng này chính là Đức Giêsu.
- Thánh sử Maccô đã mặc khải về Đức Giêsu bằng hai danh hiệu đầy ý nghĩa: "Kitô", "Con Thiên Chúa".
+ "Kitô": từ mà ngày nay chúng ta không còn hiểu hết ý nghĩa nguyên thủy của nó.
M.E. Boismard lưu ý: "Lẽ ra phải đặt một dấu phẩy giữa hai từ GIÊSU và KITÔ để nhấn mạnh từ thứ hai là một danh hiệu đặt cho Đức Giêsu, đó là một danh hiệu hoàng tộc.
Từ "Kitô”, chuyển âm từ "Christos" của tiếng Hy Lạp. "Christos" dùng để dịch động từ "Meshiah" của tiếng Do thái có nghiã là "xức dầu". Động từ Do thái này cũng biến thành "Messias" trong tiếng Hy lạp. Bởi vậy, "Kitô" có nghĩa tương tự như “ Mêsia” để chỉ người được Thiên Chúa xức dầu, bằng dầu đã được hiến thánh.
Do đó, trong số những người được thánh hiến bằng dầu thánh, các vì vua mà Thiên Chúa chọn dẫn dắt dân Người chiêm một vị trí chính yếu và sau này người được xức dầu thánh chỉ còn dùng để chỉ các vì vua mà thôi.
Như vậy, nghĩa đầu tiên của từ "Kitô" có ý nói Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa xức dầu để làm vua dân Người.
Đàng khác, chúng ta sẽ thấy cảnh Đức Giêsu chiu phép rửa (1,9-11), được Maccô trình bày như là một sự đăng quang làm vua vậy. ("Giêsu, người Nagiarét”, Cerf, 1996, tr. 14-16).
"Con Thiên Chúa”: vào thời Đức Giêsu, danh hiệu này được gán cho Đấng Mêsia. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa che chở cách riêng Đấng Người nhận làm con, và giữa họ có mối dây liên hệ đặc biệt. Nhưng đối với các môn đệ, họ cần thời gian để nhân ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa trong mối tương quan có một không hai; trong Người, chính Thiên Chúa đến với nhân loại. Các ông chỉ cỏ thể nhận ra điều này sau ngày Chúa phục sinh nhờ Thánh Linh ban ơn trong ngày lễ Ngũ Tuần.
KITÔ, CON THIÊN CHÚA: hai danh hiệu trả lời trước cho câu hỏi luôn vang lên trong suốt 8 chương đầu của Tin Mừng thứ hai: "Người này là ai?”. Hai danh hiệu đã phân chia hai phần lớn của Tin Mừng này:
Phần đầu dẫn chúng ta đến lời tuyên xưng đức tin của Phêrô: Ngài là Đấng Kitô" (8, 29...).
- Phần thứ hai dẫn ta đến sự hiệp thông với niềm tin của viên sĩ quan Rôma được chứng kiến cái chết của Chúa, đã tuyên xưng: "người này thật là Con Thiên Chúa" (15,39).
- Benoit Standaert kết luận: "Phúc Âm hay Tin Mừng, chính là Đức Giêsu và với Ngài, thời đại mới bắt đầu, màn trời xé ra, Thánh Thần ngự xuống, và quyền năng Thiên Chúa thiên trung quyền lực sự dữ... Ngay những từ đầu tiên của Maccô đã là sự khai mở, từ đó xuất hiện một danh hiệu mới, một sự hiện diện mới: Đức Giêsu, Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Maccô đã nói quá đủ! Ngài chẳng còn gì để nói với chúng ta nữa. (“Tin Mừng theo thánh Maccô”, chú giải, Cerf, tr.41).
2. "Khúc dạo đầu” cho một màn kịch khác.
Ngay sau danh xưng đầy ý nghĩa trên về Đức Kitô, không một lời chuyển tiếp, thánh sử cho Gioan Tẩy Giả xuất hiện: "Và Gioan Tẩy giả đã xuất hiện trong hoang địa". Ở ngay phần đầu, đã có những trích dẫn Thánh Kinh (Xuất Hành 23,20; Mal 3,1 và 23; Is 40,3); điều đó hàm ý ghi tên Gioan Tẩy Giả vào truyền thống ngôn sứ và giới thiệu ông như "sứ giả" được Thiên Chúa sai đến "để dọn đường, như người sẽ mở đường cho Thiên Chúa đến, qua Đấng Mêsia của Ngài.
Nơi Gioan Tẩy giả thi hành sứ mệnh là "hoang địa", là nơi của Xuất Hành, là nơi vừa để chịu thử thách vừa để được mặc khối tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa, đồng thời là nơi tượng trưng cho mọi khởi đầu. Và chính vì thế, Gioan "Kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Bên giòng nước sông "Giócđanô" nơi dân Chúa đã băng qua để vào đất hứa, lời ông vang dội "khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem". Một cách nói của thánh sử để cho ta hay là tiếng gọi của con người sa mạc nay gởi đến tất cả mọi người.
Y phục ông làm ta ngạc nhiên. Y phục ấy mang ý nghĩa tượng trưng vì đó cũng là y phục của ngôn sứ Êlia. Sách Các Vua viết: “Ngài mặc áo lông lạc đà và thắt lưng bằng dây da" (1V 17,1-6; 9,5-8). Đó là cách thánh sử trình bày Gioan Tẩy Giả như một ngôn sứ Êlia, Đấng mà thời Đức Giêsu người ta tin là phải đến trước Đấng Mêsia.
Cách sống của ông rất khắc khổ, trái hẳn với cách sống của Đức Giêsu. J.Hervieux nhận xét: ‘Người không ăn bận khác thường không ăn chay, Người uống rượu và ăn thịt. Thay vì ở trong hoang địa như Gioan, Người sống trong đời thường, giữa quần chúng’ (sách đã dẫn, tr.19).
Công việc của Gioan là mở đầu thời đại mới: "Khởi đầu Tin Mừng”, và chỉ cho thấy Đấng mà Ngài có bổn phận loan báo rằng: Người đến, rồi tức khắc Gioan rút lui. ‘Đấng đến sau tôi’ – ông tuyên bố cách ngược đời, - bởi lẽ đi đằng sau ai, điều đó có nghĩa làm môn đệ của người ấy – ‘Người quyền phép hơn tôi, tôi không xứng cúi xuống cởi dây giày cho Người’. Chẳng những Gioan tuyên bố không xứng làm môn đệ của Đấng đến sau ông, mà còn cho mình không xứng làm tôi tớ của Người. Ông khẳng định rõ ràng: Phép rửa của Đức Giêsu vượt trên phép rửa của ông: "Tôi đã làm phép rửa cho anh em trong nước, phần Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”.
J. Hervieux kết luận: Sứ điệp rất rõ ràng: Gioan tự giới thiệu như là kẻ đến trước Đức Giêsu. Ông đi trước “Đấng quyền năng" hơn ông. Ông ý thức về sự thấp kém của mình. Ông phải tự hạ trước Đức Giêsu như tôi tớ trước chủ, đến nỗi không xứng cởi dây giày cho Chúa! Sau cùng và nhất là sự khác biệt chính được công nhận giữa phép rửa của Gioan và phép rửa của Đức Giêsu. Gioan đã làm phép rửa trong nước. Đức Giêsu thì làm phép rửa trong Thánh Thần. Cái độc đáo của Đấng Mêsia khi so sánh với vị tiền hô của Người, là Người nắm giữ Thần Khí (xem 1,10). Với ơn Thánh Thần mà Người sẽ ban sau khi phục sinh, Đức Giêsu đem đến ơn tha tội một cách dứt khoát (Cv 2,38).
Vì thế ngay từ trang đầu của Tin Mừng, Maccô đã đặt Gioan Tẩy Giả, sứ mệnh và phép rửa của ông vào đúng chỗ của nó. Tất cả chỉ là để loan báo và để dọn đường cho Đấng Mêsia đến. Phần sau sẽ soi sáng mối liên hệ họ hàng mật thiết giữa Gioan và Đức Giêsu, cũng như sự khác biệt sâu xa giữa hai con người này (Sách đã dẫn, tr. 19)
II. BÀI ĐỌC THÊM
1. Đáp lại lời mời gọi của Gioan, chúng ta hãy chuẩn bị đón nhận Đức Giêsu. (Mgr. L. Daloz trong: “Ngài là ai”, Declée de Brouwer, tr. 10)
"Lời công bố của Gioan Tẩy Giả như khúc dạo đầu mở màn cho Đức Giêsu, Đấng Mêsia xuất hiện. Đức Giêsu có mặt giữa những người đáp lại lời mời gọi của Gioan nơi hoang địa. Nhưng ý nghĩa của việc Chúa đến được giải thích bằng những lời của tiên tri Isaia: "Hãy dọn đường cho Chúa...". Trước khi Đức Giêsu xuất hiện, một sứ giả đã được phái đến để loan báo dọn đường cho Người. Người ta không thể đón nhận Đức Giêsu nết không có chuẩn bị trước. Người đến với những ai chấp nhận đi vào con đường hoán cải bằng cách xưng thú tội mình, chấp nhận sự đổi mới của phép rửa thống hối. Nhờ thế, chúng ta biết thêm sự cao trọng của Đấng sẽ đến. Ngài là "Đấng quyền năng hơn...", và sẽ làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần. Đây là một thái độ đón nhận, chú tâm, một thái độ hoán cải cần có để chuẩn bị gặp gỡ Đức Kitô. Ngài là người đơn sơ và nghèo khó, người anh em của chúng ta. Nhưng đằng sau dáng vẻ bề ngoài ấy, chúng ta được mời gọi tìm hiểu mầu nhiệm của Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa.
2. “Đức tin, sức mạnh đổi mới” (Mgr. Cl. Dagens trong: “Trình bày đức tin trong xã hội hôm nay”, Cerf, tr. 39-41).
Đánh giá những biến đổi đang diễn ra trong cách sống đạo của những cộng đoàn Kitô giáo không phải nhằm làm một bản tổng kết, nhưng là để nhìn nhận sức mạnh đổi mới do Chúa ban và được thể hiện nhờ việc chúng ta sống đức tin.
- Chúng ta có thể bắt đầu từ sự kiện mới mẻ sau đây: đó là sự đón tiếp và tháp tùng những tân tòng trưởng thành hay những trẻ em chưa được rửa tội học các lớp giáo lý do những bạn bè có đạo dẫn dắt. Con số những người theo học giáo lý như vậy gia tăng không ngừng. Tại sao đức tin nơi nhưng tín hữu đạo gốc lại được đổi mới nhờ những cuộc gặp gỡ này? Thưa bởi vì họ thường đồng hóa Tin Mừng với cách nhìn đời của họ, và vì họ thường có thói quen chỉ giữ lại những gì trong Tin Mừng củng cố lý tưởng nhân loại của mình. Chỉ khi va chạm với những người không thuộc nền "văn hóa công giáo", họ mới thẩm định lại sự mới mẻ nơi Mạc khải của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô và sức đổi thay của Tin Mừng. Cũng nhờ đó, họ phát hiện lại sự phong phú của truyền thống phụng vụ và tâm linh trong Kitô giáo, cũng như niềm vui được thuộc về Giáo Hội như một gia đình mới. Gia đình này không tuân theo những luật lệ của xác thịt nhưng tuân theo lời mời gọi của Thánh Thần.
Đó là cách chúng ta phải suy gẫm về những gì đã xảy ra bởi vì Lời Chúa mà các tân tòng khám phá cũng chính là Lời mà chúng ta phải đón nhận và loan báo. Chúng ta không thể phủ nhận cú sốc về niềm tin do hiện tượng trở lại này. Vả lại, cần phải tìm hiểu sâu xa hơn để nhận ra rằng sự kiện tân tòng trở lại, một hiện tượng mới mẻ, biểu lộ sự tìm kiếm đời sống tâm linh của rất nhiều người đương thời. Trong bối cảnh này, trình bày đức tin Kitô giáo không thể là một việc duy ý chí, nhưng chúng ta phải dấn thân vào công cuộc tìm kiếm này, hiểu biết nó, phân định những lời mời gọi, những cám dỗ và cả những ảo tưởng của nó nữa. Bằng những phương tiện của mình, chúng ta cũng cần khắc ghi vào đấy Mạc Khải về Đức Giêsu Kitô, Đấng đã nói với mọi người: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống".
Tương tự như vậy, chúng ta cũng nên nói đến mục vụ cho trẻ em và thanh thiếu niên. Cần phải có những thái độ sư phạm phù hợp và xác định đâu là vai trò và thẩm quyền của chứng nhân trong việc truyền giảng đức tin trong bối cảnh có sự “đứt đoạn với các truyền thống hiện nay.
Ngay cả ở đây nữa, điều chúng ta cần thực hiện không chỉ là so sánh những ý kiến khác nhau về mục vụ hay giáo dục, nhưng là hiểu biết sự phong phú của niềm tin vào Đức Kitô trong việc khai tâm đức tin cho thế hệ trẻ.
Chúng ta cũng có thể đề cập đến những phương tiện mục vụ đang được cải tiến trong Giáo Hội Pháp.
Sau cùng, chúng ta có thể chứng tỏ niềm tin vào Đức Kitô đã gợi lên và cổ xúy cuộc đấu tranh cho quyền con người thế nào, và nói rõ hơn, niềm tin ấy làm thế nào đã giúp hòa hợp được giữa đấu tranh và chiêm niệm, giữa đời sống tâm linh và dấn thân trong xã hội. Ở đây, những tương quan mâu thuẫn giữa những người bề ngoài như xa cách nhau có thể nói không còn tồn tại: Chiến sĩ công giáo tiến hành, linh mục thợ, thành viên của những công đoàn mới, hoặc đan sĩ nam nữ. Dĩ nhiên, nói vậy không có nghiã là xóa bỏ những khác biệt có thực trong những hình thức dấn thân. Nhưng xét đến động cơ sâu xa của sự dấn thân, chúng ta sẽ nhận ra những đòi hỏi như nhau: không thể sống với Đức Kitô trong thân phận tôi tớ của người mà không sống với những anh em bị xã hội loại trừ; cũng vậy, không thể sống dài lâu với những anh em bị xã hội loại trừ mà không tìm kiếm gặp gỡ Đức Kitô trong chiêm niệm. Nỗi đam mê phục vụ nhân loại hiện rõ đằng sau sự khác biệt về cách sống đức tin.
Do đó, chúng ta có thể trình bày đức tin Kitô giáo như một sức mạnh hoán cải và biến đổi thực sự cho cá nhân cũng như cho xã hội. Bởi vì, trong thực hành của Giáo hội, tin và sống đức tin giúp luôn có những sáng kiến và những đổi mới trong vô số lãnh vực.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét