Trang

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

TÁC GIẢ PHÚC ÂM LÀ NHÂN CHỨNG NHÃN TIỀN? Thắc Mắc KT 25

TÁC GIẢ PHÚC ÂM LÀ NHÂN CHỨNG NHÃN TIỀN?





Hỏi: Cha nói rằng các thánh sử không phải là nhân chứng. Chúng con được dậy rằng T. Mátthêu và Gioan đã viết các Phúc Âm, và những người này chắc chắn là nhân chứng cho sứ vụ của Đức Giêsu.

Trả lời: Sau đây là câu trả lời của cha Raymond Brown. 

Đó là một phản ứng tôi thường thấy nơi người Công Giáo và là một phản ứng dễ hiểu bởi vì chúng tôi được dậy bảo về những nhận biết ấy đúng như vậy, tối thiểu cho đến khoảng 1960. Trong đầu thập niên 1960 Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hội La Mã đưa ra câu trả lời chính thức cho một số câu hỏi được phát sinh nhờ việc phát triển phê bình kinh thánh một cách uyên bác, nhất là trong giới Tin Lành. Uỷ ban cả quyết rằng, về cơ bản, Phúc Âm xuất hiện đầu tiên trong Tân Ước tiêu biểu cho công trình của Mátthêu, một người trong nhóm Mười Hai, và Phúc Âm Thứ Tư là công trình của Gioan, một người trong nhóm Mười Hai.

Tuy nhiên, vào giữa thập niên 1960, vị thư ký của chính uỷ ban này giải thích rằng, giờ đây người Công Giáo có hoàn toàn tự do đối với những sắc lệnh đó, trừ khi họ đụng đến đức tin và luân lý. Điều đó có nghĩa rằng trong khi sự giảng dậy lúc đầu của Công Giáo về căn tính của thánh sử bị ràng buộc bởi một câu trả lời chính thức của giáo hội, điều đó không còn nữa. Bây giờ người Công Giáo được tự do như bất cứ ai để biểu lộ quan điểm của mình về căn tính của các thánh sử. Nhân tiện, có ít nhiều bối rối khi công khai thay đổi một lập trường được củng cố mạnh mẽ, điều đó cho thấy sự nguy hiểm khi viện dẫn thẩm quyền giáo hội để giải quyết những thắc mắc có tính cách khoa học – không phải thắc mắc về học thuyết nhưng về tác giả, ngày tháng, và cách cấu tạo. Đức tin và luân lý là khu vực giới hạn mà trong đó Thần Khí dẫn dắt giáo hội.

Trong giới phê bình kinh thánh hiện nay, có khoảng 95% cho rằng các thánh sử không phải là những người chứng kiến sứ vụ của Đức Giêsu. Sắc lệnh năm 1964 của Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng La Mã đã không đi vào vấn đề căn tính của các thánh sử, tuy nó đã diễn tả rất rõ ràng là họ khác với những người rao giảng trong Giai Đoạn Hai, và vì vậy ngầm tạo ra sự phân biệt giữa thánh sử và người rao giảng, một số người này từng đồng hành với Đức Giêsu. Tuy nhiên tôi phải cảnh giác quý vị rằng giáo hội từng tiếp tục và sẽ tiếp tục dùng sự định danh cổ xưa là “tông đồ và người thời tông đồ” để mô tả tác giả của các Phúc Âm, không phải để giảng dậy rằng họ là những nhân chứng, nhưng để nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa công trình của họ và tính cách tông đồ nhân chứng.

Tôi muốn nói thêm về sự định danh mà quý vị tìm thấy trong Tân Ước, tỉ như “Phúc Âm Theo Thánh Mátthêu” là kết quả của sự nghiên cứu vào cuối thế kỷ thứ hai khi muốn nhận biết tác giả của những cuốn mà không có sự định rõ. Không thánh sử nào cho biết họ là ai. Trong các Phúc Âm, cuốn Phúc Âm Thứ Tư có sự nhận biết một nhân chứng, “người môn đệ mà Đức Giêsu yêu mến,” (Gioan 21:24), nhưng sau đó Phúc Âm này không bao giờ cho biết người môn đệ mà Đức Giêsu yêu mến là ai. Trong thế kỷ đầu tiên, nếu đặt câu hỏi “Phúc Âm này là của ai?”, có lẽ yếu tố then chốt để biết là những gì được viết ở ngay đầu Phúc Âm mà bây giờ chúng ta thường cho là Phúc Âm Theo T. Máccô. Thánh sử đó viết “Khởi đầu Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét