CÁC GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH CÁC SÁCH TIN MỪNG
Hỏi: Nếu nói rằng các Phúc Âm không phải là những tường thuật đúng như vậy về sứ vụ của Đức Giêsu và không phải là loại tiểu sử, thì các sách ấy là gì? Phải hiểu thế nào về các sách ấy?
Trả lời: Sau đây là câu trả lời của cha Raymond Brown.
Câu trả lời của tôi tuy hơi dài nhưng phù hợp với lập trường chính thức của Giáo Hội Công Giáo La Mã. Đầu tiên có ba giai đoạn trong sự hình thành truyền thuyết về Đức Giêsu mà đã dẫn đến các Phúc Âm.
Trong GIAI ĐOẠN MỘT, tiến trình này được bắt đầu với cuộc đời công khai của Đức Giêsu: thời kỳ hoạt động trong vùng Galilê và lân cận, là nơi Người giảng dậy và chữa lành. Đức Giêsu thi hành những điều rất nổi tiếng và rao giảng sứ điệp, vì vậy các môn đệ (nhất là những ai cùng đi với Người, trong số đó sau này được gọi là tông đồ) đã nghe và thấy những gì Người nói và thi hành. Cần nhấn mạnh rằng những lời giảng và hành động của Đức Giêsu là của một người Do Thái ở Galilê sống trong giai đoạn một phần ba đầu của thế kỷ I; kiểu cách Người nói, những khó khăn Người đối phó, các từ vựng và quan điểm là của một người Do Thái ở Galilê vào thời gian đặc biệt đó. Nhiều thất bại để hiểu Đức Giêsu và những áp dụng sai lầm các tư tưởng của Người xuất phát từ sự kiện rằng người ta đưa Người ra khỏi thời gian và không gian và tưởng tượng rằng Người đang đương đầu với những vấn đề mà Người chưa bao giờ gặp.
GIAI ĐOẠN HAI trong sự phát triển truyền thuyết Đức Giêsu mà sau đó hình thành các Phúc Âm bao gồm giai đoạn rao giảng xảy ra sau cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Nếu phải xác định thời gian cho các giai đoạn này, tôi cho là Giai Đoạn Hai thuộc một phần ba thứ hai của thế kỷ I. Những ai đã nghe và thấy Đức Giêsu, nói chung họ chấp nhận Người và được vững tin qua sự phục sinh và tin vào Người dưới nhiều danh hiệu (Mêsia/Kitô, Chúa, Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa, v.v.). Khi nói về Người, họ khai triển những gì họ được nghe và thấy dưới ảnh hưởng của đức tin mà họ đang có, nó soi sáng cho họ thấy những điều quan trọng của các biến cố trong quá khứ. Do đó, việc phúc trình không còn là những dữ kiện đơn giản, không thêu dệt mà Chúa Giêsu đã nói và đã làm. Thay vào đó, các phúc trình được đức tin soi sáng mà người rao giảng muốn chia sẻ.
Điều không thể tránh là những người không được nghe và thấy tận mắt Đức Giêsu cũng góp phần rao giảng mà nó độc lập với những gì họ nhận được từ các người chứng nguyên thuỷ, vì vậy sự rao giảng là một tổng hợp các tường thuật của nhân chứng và không phải nhân chứng.
Ngoài sự phong phú hoá bởi đức tin và sự gia nhập của những người không phải là nhân chứng thứ nhất, một yếu tố khác nữa là sự cần thiết phải thay đổi lời rao giảng để phù hợp với một thành phần khán giả mới. Nếu Đức Giêsu là một người Do Thái ở Galilê của phần đầu thế kỷ I, Phúc Âm được rao giảng trong các thành phố cho người Do Thái và Dân Ngoại ở thành phố; sau cùng được rao giảng bằng tiếng Hy Lạp, là một ngôn ngữ mà Đức Giêsu không thường dùng ở Galilê (nếu thực sự Người có dùng). Tất cả điều này ảnh hưởng đến việc chuyển dịch các từ theo nghĩa rộng để làm cho sứ điệp dễ hiểu và sống động cho các khán giả mới khi phát triển truyền thuyết Phúc Âm.
GIAI ĐOẠN BA bao gồm những văn bản thực sự của các Phúc Âm như chúng ta biết. Tôi sẽ định thời gian của giai đoạn này là một phần ba sau cùng của thế kỷ I, với phúc âm Máccô khoảng năm 70, Mátthêu và Luca trong khoảng 80-90, và Gioan trong thập niên 90—tất cả những điều này chỉ là sự xấp xỉ, trước hay sau mười năm. Các phần đoạn về truyền thuyết Đức Giêsu có lẽ đã được viết xuống trước khi các thánh sử hình thành Phúc Âm, nhưng các văn bản tiền-Phúc Âm này không còn được lưu truyền cho chúng ta. Một yếu tố then chốt để hiểu Giai Đoạn Ba là hầu như không một thánh sử nào là nhân chứng về sứ vụ của Đức Giêsu. Tất cả họ là thành phần mà chúng ta có thể gọi là thế hệ Kitô Hữu thứ hai: họ nghe về Đức Giêsu từ người khác và sắp xếp các truyền thuyết họ nhận được thành một cuốn Phúc Âm. Sự hiểu biết này giúp chúng ta tránh khỏi những sai lầm từng làm bối rối một số người truyền giáo vì nghĩ rằng các thánh sử viết lại những gì tai nghe mắt thấy. Tỉ như T. Gioan viết rằng Đức Giêsu thanh tẩy Đền Thờ vào lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng trong chương 2, trong khi T. Mátthêu lại cho rằng cuối sứ vụ trong chương 21. Chúng ta không nhất thiết phải phán đoán các Phúc Âm theo thứ tự thời gian. Mỗi thánh sử sắp xếp sự kiện theo sự hiểu biết của mình về Đức Giêsu và muốn trình bầy Đức Giêsu theo phương cách đáp ứng với nhu cầu tinh thần của cộng đoàn mà họ muốn nhắn gửi. Vì vậy cá nhân các thánh sử xuất hiện như các tác giả trọn vẹn về Phúc Âm, họ chia sẻ, khai triển, cắt tỉa truyền thuyết, và như các thần học gia chính thức, họ định hướng truyền thuyết đó theo một mục tiêu nhất định.
Vì vậy để trả lời chung về câu hỏi các Phúc Âm là gì, tôi sẽ diễn tả Phúc Âm như một sự cô đọng từ truyền thuyết về Đức Giêsu, gồm những lời nói, hành động, sự thống khổ, sự chết, và sự phục sinh của Người. Sự cô đọng này được sắp xếp, chọn lọc, và tái định hình bởi một thánh sử sống trong một phần ba sau cùng của thế kỷ I để đáp ứng với nhu cầu tinh thần của độc giả Kitô Hữu mà họ đối diện. Đó là lý do tại sao tài liệu của Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng Rôma, mà từ đó tôi vẽ ra ba giai đoạn, có thể định giá các Phúc Âm có tính cách lịch sử nhưng không như một tường thuật chính xác theo trí nhớ hoặc theo nghĩa đen.
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét