Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Bài 18: BÍ TÍCH

Phần III – PHỤNG VỤ - Bài 18: BÍ TÍCH


 


        Trước khi đọc tiếp, bạn hãy suy nghĩ và hoàn tất hai câu sau đây:
1.      Tôi hiểu từ ngữ bí tích nghĩa là…
2.      “Khi Giáo Hội rửa tội, đó là chính Đức Ki-tô rửa tội.”  Tôi đồng ý hoặc không đồng ý, vì…

SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA


        Thánh Phan-xi-cô thường đi dạo bộ rồi gọi mặt trời là anh, mặt trăng là chị.  Có phải Phan-xi-cô “mát dây” rồi chăng?  Hay chúng ta kỳ dị vì không làm như vậy?
        Học hỏi qua khoa học Tây phương, chúng ta được dạy cần biết phân biệt muôn vật khác nhau thế nào.  Còn Phan-xi-cô, được đào tạo trong một môi trường khác, lại thấy mọi vật giống nhau.  Thí dụ Phan-xi-cô được huấn luyện để thấy mặt trời và mặt trăng cùng do bàn tay Thiên Chúa tạo dựng, giống như chúng ta là công trình do bàn tay Chúa.  Nơi chúng, có một phần của Thiên Chúa, chúng ta cũng thế.  Chúng là một phần tử trong gia đình Thiên Chúa, thì chúng ta cũng vậy.  Do đó chúng ta gọi chúng là anh và chị.  Chúng làm cho Thiên Chúa hiện diện trong vũ trụ, chúng ta cũng làm như thế.
        Mặt khác, Phan-xi-cô nhận thấy loài người có một điều đặc biệt mà các tạo vật khác không có.  Thiên Chúa phán:  “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1:26).  Và Thiên Chúa đã làm như vậy.
        Kết quả là loài người có một chút đặc biệt của Thiên Chúa nơi họ mà mặt trời lẫn mặt trăng đều không có.  Vậy con người giúp cho sự hiện diện của Thiên Chúa thể hiện một cách đặc biệt, khác với cách của mặt trời mặt trăng.
        Phan-xi-cô còn nhận thấy một điều khác nữa.  Cho dù loài người giúp cho sự hiện diện của Thiên Chúa thể hiện một cách đặc biệt, thì vẫn còn một cách đáng kể hơn, hết sức độc đáo và hoàn hảo để nói lên sự hiện diện của Ngài.

Đức Giê-su làm cho Thiên Chúa hiện diện một cách độc đáo


        Đức Giê-su là sự hiện diện đầy đủ của Thiên Chúa trong thế giới.  Đức Giê-su nói:  “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9).  Do đó, cách Đức Giê-su làm cho Thiên Chúa hiện diện vượt trên mọi cách khác, thực siêu việt không tưởng tượng nổi.
        Chúng ta hãy suy nghĩ như thế này:  Tựa như tổng thống đại diện cho quốc gia, hoặc như Đức Giáo Hoàng đại diện cho Giáo Hội, thì cũng vậy, Đức Giê-su đại diện cho Thiên Chúa.
        Chúng ta nói “cũng vậy” là vì cả tổng thống lẫn Đức Giáo Hoàng chỉ là những vị đại diện có giới hạn.  Các ngài không thể hoàn toàn giống như những thực tại mà các ngài thay mặt cho.  Còn Đức Giê-su thì Ngài hoàn toàn ngang hàng với Thiên Chúa.  Thánh Phao-lô đã nói về Đức Giê-su:  “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1:15).  Do đó, Ngài làm cho Thiên Chúa hiện diện một cách độc đáo và hoàn hảo nhất.

SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC GIÊ-SU


        Khi sắp rời trần gian để về cùng Chúa Cha, Đức Giê-su đã nói với môn đệ Ngài:  “Thầy sẽ không để anh em mồ côi.  Thầy đến cùng anh em” (Ga 14:18).  Rồi ngay trong ngày lên trời về cùng Chúa Cha, Ngài đã an ủi họ:  “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).
        Những lời này của Đức Giê-su là những điều quan trọng nhất Ngài đã nói ra, bởi vì chúng cho thấy một chân lý tuyệt diệu.

Giáo Hội làm cho Đức Giê-su hiện diện


        Những lời Đức Giê-su cho chúng ta thấy ngay cả khi Ngài không còn hiện diện bằng thân xác tại trần gian này thì Ngài sẽ hiện diện bằng một cách khác.  Bản chất đích thực của sự hiện diện này vẫn còn là một điều mầu nhiệm đối với các môn đệ Ngài cho đến ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống.  Sau đó Chúa Thánh Thần xuống trên họ và dẫn dắt họ hiểu hết sự thật (Ga 16:13).
        Bỗng chốc tất cả những gì Đức Giê-su đã nói với họ đều trở nên rõ ràng.  Họ bắt đầu hiểu bản chất sự hiện diện mới của Ngài nơi trần gian.  Họ bắt đầu thấy rõ Đức Giê-su hiện diện trong và qua các môn đệ Ngài – tức là Giáo Hội (Mt 16:18).  Cùng với Đức Giê-su, họ làm thành một thân thể (1 Cr 12:12-27).  Hãy nhớ lại sứ điệp gửi cho Phao-lô khi ông trở lại:  “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Phao-lô hỏi:  “Thưa Ngài, Ngài là ai?”  Chúa trả lời:  “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9:4-5).
        Điều mặc khải ấy đã giúp Phao-lô ý thức sâu xa rằng Đức Giê-su và các môn đệ Ngài làm thành một thân thể, với Đức Giê-su là đầu (Cl 1:18).  Bách hại môn đệ Ngài là bách hại chính Ngài.
        Nhưng Đức Giê-su không chỉ hiện diện trong Giáo Hội một cách thụ động đâu.

Đức Giê-su hành động qua Giáo Hội


        Vào ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Giê-su còn đi xa hơn việc hiện diện trong thế giới qua các môn đệ Ngài.  Ngài bắt đầu hành động qua họ.  Họ trở nên cánh tay, đôi chân, miệng lưỡi và trái tim mới của Ngài.  Họ trở thành phương thế để Đức Giê-su đến với mọi người.
        Giờ đây các môn đệ của Đức Giê-su bắt đầu hiểu ý nghĩa trọn vẹn những lời Ngài nói:  “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10:16). Đức Giê-su muốn họ hiểu như vậy khi họ đi thi hành lệnh truyền của Ngài để giảng dạy, bởi vì không phải là họ giảng dạy mà chính Đức Giê-su giảng dạy.  Không phải là họ chữa lành mà chính Đức Giê-su chữa lành qua họ.  Như vậy, thấy người ta bỡ ngỡ sau khi Phê-rô chữa lành một người què, ông liền nói:  “Thưa đồng bào Ít-ra-en, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi?” (Cv 3:12).  Rồi Phê-rô nói rằng chính do quyền năng của Đức Giê-su hoạt động qua các ngài mà người què kia bước đi được ( xem Cv 3:16).
        Như thế chúng ta đi tới kết luận thứ hai.  Bắt đầu từ khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Giê-su không chỉ hiện diện trong thế giới qua Giáo Hội, mà Người còn hành động qua Giáo Hội.  Bởi vậy sau này thánh Augustinô có thể nói: “Khi Giáo Hội rửa tội là chính Đức Ki-tô rửa tội.”

Một số hành động được gọi là bí tích


        Trải qua thời gian, các môn đệ Đức Giê-su nhận ra rằng một số hành động – như việc xức dầu cho bệnh nhân (Mc 6:13), rửa tội bằng nước (Ga 3:5), và ăn bánh Thánh Thể (1 Cr 11:26) – là những hành động hết sức đặc biệt.  Rồi khi họ thực thi những hành động đó thì Đức Giê-su đã hành động trong và qua Giáo Hội một cách hết sức đặc biệt.
        Do đó các môn đệ của Đức Giê-su bắt đầu gọi những hành đôäng đầy ý nghĩa ấy bằng một từ đặc biệt:  bí tích.
        Việc sử dụng từ này đầu tiên gặp thấy trong những tác phẩm của văn hào Tertulianô, một Ki-tô hữu vào thế kỷ thứ ba.  Ông so sánh việc rửa tội với bí tích mà người Rô-ma dùng để nhận những người được tuyển mộ vào quân đội Rô-ma.  Cũng thế, bí tích rửa tội đem Ki-tô hữu nhập vào thân thể mầu nhiệm Đức Ki-tô.
        Từ này thật là tuyệt diệu.  Tuy nhiên lại bất hạnh vì một số Ki-tô hữu bắt đầu áp dụng từ này một cách bừa bãi vào những hành động ít quan trọng của Giáo Hội. Đã có thời người ta soạn ra một danh sách gồm khoảng ba mươi hành động của Giáo Hội mà người ta gọi là những bí tích.
        Nhưng rồi Giáo Hội đã giới hạn lại, chỉ dùng từ ấy cho “bảy bí tích” mà thôi.
        Vậy từ bí tích không phải là tiếng chính Đức Giê-su đã sử dụng.  Ngay trong Kinh Thánh cũng không gặp từ ấy. Từ Ba Ngôi cũng không có trong Kinh Thánh.  Những từ này chỉ dần dần xuất hiện nơi những môn đệ của Đức Giê-su để diễn tả một số thực tại và chân lý quan trọng về đức tin của họ.

GẶP GỠ ĐỨC KI-TÔ


        Một người nào đó đã nói:  “Bí tích xóa đi thời gian và cho chúng ta được gặp Đức Ki-tô ngay trong thời đại chúng ta, hệt như những người trong thời Tin Mừng đã gặp Ngài.”
        Qua bí tích, Đức Giê-su tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta, tha thứ cho chúng ta, chữa lành chúng ta, tựa như Ngài đã làm cho những người trong thời Tin Mừng.  Đức Giê-su tiếp tục đến với dân chúng hôm nay cũng như Ngài đã đến với những người ngày xưa trên các nẻo đường cát bụi xứ Ga-li-lê.
        Như Đức Giê-su đã hành động trong thời Tin Mừng qua những hành vi trần thế của thân xác Ngài, thì Ngài cũng hành động trong thời chúng ta qua những hành vi bí tích của thân thể mầu nhiệm Ngài là Giáo Hội.

Bí tích còn hơn cả dấu hiệu


        Cần minh định tại sao Ki-tô hữu thời xưa lại sử dụng từ bí tích để nói về những hành động đặc biệt này, chứ không dùng từ dấu hiệu hoặc biểu tượng.
        Một dấu hiệu chỉ nói lên được một chiều kích.  Nó mới nói về chính nó thôi.  Thí dụ, một dấu hiệu ngừng chỉ là một hình vẽ ra lệnh mà người ta đồng ý dùng làm phương tiện thông đạt.  Chúng ta dùng mầu đỏ để thông đạt mệnh lệnh hãy dừng lại.  Việc chọn mầu đỏ nói lên tính cách nghiêm ngặt của mệnh lệnh.  Tự bản chất chẳng có liên hệ gì giữa mầu đỏ với từ hãy dừng lại.  Không có gì là tinh tế đối với một dấu hiệu.  Nó chỉ về chính nó và nó nói lên ý nghĩa chúng ta muốn nó nói lên thôi.

Bí tích còn hơn cả biểu tượng


        Một biểu tượng có hai chiều kích.  Biểu tượng chỉ về một điều gì khác ngoài nó ra.  Nó còn hơn cả một hình vẽ ra lệnh để dùng thông đạt.  Biểu tượng tạo nên một móc nối tự nhiên giữa một vật và ý nghĩa nó nói lên.  Một họa sĩ vẽ giọt nước mắt trên khuôn mặt của Đức Giê-su để tượng trưng cho sự buồn đau.  Có mối liên hệ tự nhiên giữa giọt nước mắt và sự buồn đau.
        Giọt nước mắt chỉ về con người yêu thương đằng sau khuôn mặt ấy.  Theo nghĩa này, một biểu tượng có hai chiều kích.

Bí tích làm cho Đức Giê-su hiện diện


        Một bí tích có ba chiều kích.  Bí tích vượt ra ngoài chính nó, đến vô cùng tận và không thể bị giới hạn trong tư tưởng.  Một bí tích nói lên sự hiện diện của thực tại nó chỉ về.
        Thí dụ, một biểu tượng vẽ trên khuôn mặt Đức Giê-su chỉ diễn tả một con người đầy yêu thương và ưu ái.  Nhưng bí tích thì đi xa hơn nhiều.  Nó diễn tả sự hiện diện thực sự của con người Đức Giê-su đầy yêu thương và ưu ái.  Do đó, nó có ba chiều kích.

Giáo Hội cử hành bảy bí tích


        Như đã nói trước đây, từ bí tích đã từng bị sử dụng bừa bãi để nói về nhiều hành động của Giáo Hội.  Tuy nhiên dần dần từ ấy đã được dành riêng cho “bảy bí tích.”  Các bí tích được sắp thành nhóm như sau:
        Bí tích khai tâm (dẫn nhập):     Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể
        Bí tích chữa lành:           Giải tội (Hòa giải), Xức dầu bệnh nhân
        Bí tích ơn gọi:                       Hôn phối, Truyền chức.
        Mỗi bí tích đều đem chúng ta đến gặp gỡ Đức Giê-su trong một cách thế đặc biệt và để cho Ngài đi vào cuộc đời chúng ta một cách độc đáo.
        Bí tích Rửa tội và Thêm sức đưa chúng ta nhập vào cộng đồng môn đệ Đức Giê-su.  Bí tích Thánh Thể đưa tiến trình dẫn nhập tới tột đỉnh và là cuộc gặp gỡ thân mật nhất với Đức Giê-su.
        Bí tích Giải tội cử hành việc Đức Giê-su tha thứ cho chúng ta sau khi chúng ta vấp phạm nhưng biết đáp lại lời gọi đến với Chúa và anh chị em.  Bí tích Xức dầu bệnh nhân đem lại cho chúng ta quyền năng chữa lành đặc biệt của Đức Giê-su những khi chúng ta đau yếu nặng.
        Bí tích Hôn phối nối kết hai người lại trong sự kết hợp phản ảnh sự kết hợp giữa Đức Giê-su và các môn đệ Ngài (Ep 5:28-29).  Đó cũng là sự kết hợp giúp xây dựng Giáo Hội.  Sau cùng, bí tích Truyền chức tuyển chọn những giám mục, linh mục và phó tế để đặc biệt phục vụ trong cộng đồng môn đệ Đức Giê-su.
        Điều này đưa chúng ta tới hai điểm minh định sau đây:

Giáo Hội là bí tích nền tảng


        Trước hết Giáo Hội thường được gọi là một bí tích.  Giáo Hội có cái tên như vậy vì đó chính là đường lối Đức Giê-su dùng để tiếp tục hiện diện và hoạt động trong thế giới.  “Bảy bí tích” chỉ là “bảy phương thức đặc biệt” Đức Giê-su hoạt động qua Giáo Hội hôm nay.
        Có lẽ để tránh lẫn lộn nên Giáo Hội được gọi là bí tích “nền tảng” hoặc “căn bản” để phân biệt với bảy bí tích kia.
        Điều này đưa chúng ta tới minh định thứ nhì.

Bí tích được định nghĩa nhiều cách


        Đôi khi bạn nghe hoặc thấy định nghĩa bí tích là “dấu hiệu bề ngoài được Đức Ki-tô thiết lập để ban ơn sủng.”  Định nghĩa này sẽ làm bạn hài lòng nếu được hiểu đúng cách.
        Bí tích là những dấu hiệu bề ngoài.  Nói khác đi, chúng là những hành động có thể cảm nhận được như việc đổ nước, xức dầu, hoặc ăn uống.
        Bí tích cũng được Đức Ki-tô thiết lập.  Tuy nhiên chúng được thiết lập không theo cách một số người lầm tưởng.  Đức Giê-su đã không dừng lại sau khi xức dầu một bệnh nhân để nói:  “Những gì Ta vừa mới làm là để thiết lập bí tích Xức dầu bệnh nhân.”
        Nhưng thực ra Đức Giê-su đã dẫn các môn đệ Ngài đến việc dùng những cử chỉ thực tiễn như xức dầu, đổ nước… để làm cho một thực tại vô hình, thiêng liêng trở nên thấy được, sờ được, cảm nhận được bằng giác quan.  Việc Đức Giê-su đã thiết lập bí tích được hiểu theo nghĩa sự hiện diện và năng lực của bí tích thể hiện tại đây và lúc này chính là do Đức Giê-su mà tới.
        Có người so sánh việc Đức Giê-su thiết lập bí tích với việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ.  Chúng ta không biết những chi tiết của việc sắp đặt và tạo vật trong vũ trụ làm sao mà có.  Nhưng chúng ta biết chắc mỗi tạo vật đều do Thiên Chúa mà có.  Hơn nữa chính Thiên Chúa, tại đây và lúc này, đang tiếp tục cho mỗi tạo vật được hiện hữu.  Cũng vậy, bí tích xuất phát và tồn tại từ cuộc đời và hoạt động của Đức Giê-su.
        Sau cùng, bí tích ban ân sủng cho những ai trung thành lãnh nhận.  Qua bí tích và qua đức tin cũng như sự cộng tác của người nhận lãnh bí tích, các Ki-tô hữu trung thành được kết hợp chặt chẽ với Đức Ki-tô trong một cách thức độc đáo và trao đổi sức sống.

ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH


        1.  Chúng ta là những tạo vật đặc biệt        Thánh Vịnh 8               
        2.  Nên một với Đức Giê-su                      Công Vụ Tông Đồ 9:1-9  
        3.  Nguồn sống của chúng ta            Gio-an 15:1-8              
        4.  Chúng ta cần đến nhau                      1 Cô-rin-tô 12:12-21      
        5.  “Ngài xức lên mắt tôi.”                       Gio-an 9:1-12              

THẢO LUẬN


        1.  Bạn hiểu thế nào về định nghĩa bí tích là dấu hiệu bề ngoài do Đức Ki-tô thiết lập để ban ân sủng?
        2.  Giáo Hội là một bí tích.  Bạn hiểu thế nào?  Còn bạn, bạn có phải là một bí tích không?  Nếu có thì bạn nói lên được những gì?

CHIA SẺ


        1.  Hãy thảo luận những tư tưởng sau đây:
        -  “Sự hiện diện hữu hình của Đấng Cứu Thế đã chuyển thành bí tích.”  (Thánh Giáo Hoàng Lê-ô I)
        -  “Chúa Ki-tô hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong hành động phụng vụ.” (CĐ Vatican II)
        -  “Như hạt dẻ tuy che khuất nhưng lại nói lên sự hiện diện của một cây dẻ, thì cũng vậy, bí tích che khuất nhưng tỏ lộ sự hiện diện của Đức Ki-tô.”  (Vô danh)
        2.  Bạn hãy để ý mặt sau của tờ giấy bạc một Mỹ-kim.  Con mắt ở bên trên kim tự tháp là biểu tượng cho Thiên Chúa theo nghĩa nào?  Kim tự tháp biểu tượng cho Chúa Ba Ngôi theo nghĩa nào?  Con phượng hoàng có ý nghĩa gì?  Những mũi tên?  Ngành ô-liu?  Tại sao bạn nghĩ rằng con phượng hoàng quay mặt về ngành ô-liu hơn là về những mũi tên?
        3.  Tại sao những cử chỉ như bắt tay, ôm hôn hoặc cho quà tặng thường biểu lộ nhiều hơn là lời nói?  Hiểu điều này thế nào về những bí tích mà Đức Giê-su ban cho Giáo Hội?
        4.  Bạn muốn lãnh nhận bí tích nào nhất?  Tại sao?  Hoặc không?  Tại sao?

Tác giả: Mark Link, S.J. Chuyển ngữ: Lm Trần đình Nhi
Nguồn: The Catholic Vision III – 18

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét