Trang

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Bài chia sẻ Ngày Giỗ Tổ 6/4/2016

Bài chia sẻ Ngày Giỗ Tổ 6/4/2016

Written by Vu Dinh Binh. Posted in PHONG CÁCH SỐNG
Bài chia sẻ 20 phút Ngày Giỗ Tổ 6/4/2016
Cha giáo: Augustinô Hoàng Đức Toàn
Tự giới thiệu.
Các ông cựu chủng sinh thì chắc chắn đã biết cha. (Cha gọi cựu chủng sinh là ông bởi người trẻ nhất 41 năm trước nay chắc chắn cũng trên 50 cả rồi). Các bà vợ thì có lẽ không phải ai cũng biết, nhưng một số cũng đã biết cha. Con cháu, dâu rể thì chắc chắn nhiều người chưa biết cha. Cha là cha Toàn. Hoàng Đức Toàn, U81 rồi đây.
Vào đề
Trong phòng họp hôm nay, tuy nhỏ, nhưng có nhiều thành phần: ông bà có, cha mẹ có, vợ chồng có, con cái có, cháu chắt có. Thật khó cho cha nói về một đề tài gì với một cử tọa không đồng nhất như thế này. Vậy thì xin cho cha nói “lung tung” gặp đâu nói nấy nha! OK?
Hai tuần trước anh Minh Thành, và anh Đăng Khoa cho cha 15 phút. Thứ tư tuần trước anh Cường, đại diện vào đưa thiếp cho cha, khuyến mãi thêm 5 phút thành 20 phút. Vì quá ít thì giờ, Cha chỉ có thể quảng diễn chút ít bài giáo lý của ĐTC nói về gia đình. Nhưng có lẽ cũng nên kể chút xíu chuyện chủng viện Lê Bảo Tịnh (LBT).
Chuyện tháng Ba năm 1975, kể với các anh cựu chủng sinh, như là một đoạn băng cũ, một clip ngày xưa:
LBT 41 năm về trước: một thoáng nhìn lại.
Ngày 10.3.1975, Cách mạng đánh thị xã Banmêthuột (Bmt). Ngày 13.3.1975, hai chiếc xe tăng T54 tiến vào cổng Chủng viện Lê bảo Tịnh Bmt, bắn trực xạ 2 phát súng vào nhà nguyện và phòng bên cạnh, phòng cha Đậu, làm cha Đậu bị thương.
Ngay lập tức, bộ đội từ bốn phía bờ rào, tay cầm súng tràn vào chủng viện.
Tất cả chủng viện, từ các cha tới các chú, bị dẫn ra rừng cao su phía sau chủng viện, rồi bị dẫn đi bộ 2 ngày vào rừng sâu phía Meval.
Các cha mặc áo thâm chùng, các chú mặc civil, đi hàng một, cứ cách mươi mét là có một anh bộ đội bồng súng đi kèm. Trời nắng, khát nước, tới suối ai cũng ào xuống bốc nước uống. Tới Meval, họ cho các chú về, các cha bị bắt vào một khu riêng với các sĩ quan chế độ trước, ngủ bị trói tay một dây chung với nhau. Hai tuần lễ sau, các cha được đưa về lại chủng viện, đúng Thứ Năm Tuần Thánh.
Về chủng viện, cha xô cửa vào phòng mình. Một cảnh tượng làm cha choáng váng, đứng khựng lại: tất cả sách vở bị xé nát, vứt bừa bãi đầy nền nhà. Có một cái gì chận nơi cửa họng làm cha nghẹn ngào. Cha cẩn thận bước dần về phía bàn giấy, đứng tần ngần nhìn nền nhà.
Bỗng, cánh cửa bật mở, một anh bộ đội, đầu đội nón cối, tay cầm súng, bước nhanh vào. Anh vội vàng đóng cửa, dựng súng bên cạnh, cất mũ chào Cha: “Thưa cha cho con xưng tội”. Trước con mắt mở to ngạc nhiên của cha, anh giải thích: “Con là người công giáo, ở xứ Cầu Rầm, trước đây con hay giúp lễ cho cha Thường”. Rồi như để làm cho Cha vững tin, anh đọc một hơi những kinh latinh mà thời trước Công đồng, người giúp lễ nào cũng phải học thuộc: “Ad Deum qui laetificat juventutem meam v.v...”.
Cha cảm động giải tội cho anh. Xưng tội xong, anh vội vã chào Cha, và nói thêm một lời: “Khi con đi bộ đội, mẹ con có dặn rằng: ‘Bao giờ gặp các Cha thì phải lo mà xưng tội. Và mỗi tối, nhớ đọc 3 kinh Kính Mầng’Con không bỏ ngày nào mà không đọc 3 kinh Kính Mầng trước khi ngủ”.
Cha thương mến chúc lành cho anh và thầm nghĩ trong lòng: người thanh niên này đã không mất đức tin nhờ vâng lời mẹ dặn, đọc 3 kinh Kính Mầng mỗi tối trước khi đi ngủ.
Bài học nào chúng ta rút ra được qua câu chuyện nhỏ anh bộ đội xưng tội đó? Có 2 điều:
- Một là cha mẹ phải lo cho con cái lòng đạo đức giữ vững đức tin.
- Hai là con cái phải vâng giữ lời cha mẹ dặn bảo.
Các bậc cha mẹ lo cho con cái đủ điều. Nào là sức khỏe, nào là quần áo, ăn mặc, thuốc men, lo cho con học hành... nhưng đối với các bậc cha mẹ công giáo, điều quan tâm nhất vẫn là lo cho con cái giữ vững đức tin. Con cái thì phải xác tín rằng bố mẹ luôn muốn những gì tốt nhất cho mình. Chấm hết câu chuyện 41 năm về trước.
Tới đây Cha sẽ nói về bài giáo lý của ĐTC sau đây.
Bài giáo lý về đề tài gia đình của ĐTC:
Ba cụm từ ghi trên cửa: Xin phép Xin lỗi Cám ơn.
ĐTC Phanxicô đã nói với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm 13-5-2015. Đề tài Gia đình với ba lời viết trên cửa: Xin phép, Xin lỗi và Cám ơn.
ĐTC nói “Chúng là các từ đơn sơ, nhưng thực thi chúng thì lại không đơn sơ như thế! Chúng gói ghém một sức mạnh lớn: sức mạnh gìn giữ gia đình vượt qua hàng ngàn khó khăn và thử thách; trái lại việc thiếu chúng, từ từ mở ra các nứt rạn có thể làm cho nó sụp đổ.”
Trước nhất là từ “Xin phép”
Liên quan tới điểm này chúng ta hãy nhớ lời Chúa Giêsu nói trong sách Khải Huyền: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20). Cả Chúa cũng xin phép để vào! Chúng ta đừng quên điều đó.
Theo phong tục Việt Nam có lẽ con cái mới nói lời xin phép. Chắc chắn. Đi thưa về trình. Cho con đi chơi, cho con... Xin phép bố, xin phép mẹ cho con v,v… Đó là điều đương nhiên đối với con cái.
Nhưng Bố mẹ cũng phải có thái độ tôn trọng con cái, tôn trọng sự tự do, tôn trọng ý kiến của con cái, tuy có nhiệm vụ phải hướng dẫn con cái đi cho đúng đường, nhất là phương diện tôn giáo, đạo đức. Không dùng từ xin phép nhưng có thể nói với con là “bố, mẹ làm cái này được không?”. “Bố, mẹ làm gì đó nhé?”. Một kiểu xin phép của người trên nói với người dưới.
Rồi Vợ Chồng theo phong tục có lẽ không nói với nhau từ “xin phép”, nhưng cùng một ý nghĩa tương tự nhưng tế nhị hơn, tôn trọng nhau hơn có thể nói như là hỏi ý:“Có được không? Anh, Em làm cái này được chứ? Anh, Em bằng lòng không?”. “Mình bằng lòng cho anh xây thêm một gian nhà phía sau nhá?” v.v... Em muốn Anh cho con đi học môn giữ trẻ anh nghĩ sao?, chẳng hạn.
Tựu trung là bày tỏ lòng tôn trọng giữa vợ chồng, sự tôn trọng mà người xưa nói là “tương kính như tân”, kính trọng nhau như khách. Tránh thói gia trưởng cố cựu nơi người VN.
Từ thứ hai là “xin lỗi”.
ĐTC nói: Đây là lời khó nói, chắn chắn rồi nhưng cần thiết, đặc biệt khi người trên, cha mẹ muốn nói với con cái.
Nếu chúng ta không có khả năng xin lỗi, thì có nghĩa là chúng ta cũng không có khả năng tha thứ. Trong gia đình, nơi người ta không xin lỗi thì bắt đầu thiếu dưỡng khí, nước tù đọng. Biết bao nhiêu vết thương đối với lòng yêu mến, biết bao nhiêu xâu xé trong các gia đình bắt đầu với sự mất đi lời nói quý báu này: “Xin lỗi”. Trong cuộc sống hôn nhân người ta cãi nhau biết bao nhiêu lần... có khi đĩa chén bay nữa, nhưng cha xin cho anh chị em một lời khuyên: đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hòa với nhau. Và để làm điều đó thì chỉ cần một cử chỉ bé nhỏ, một cái vuốt ve... “đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn…”
- Vợ chồng có xin lỗi nhau không? Anh xin lỗi em, hồi chiều anh quá nóng.
- Em xin lỗi anh. Trưa nay anh đang mệt mà em không nghĩ tới.
- Bố mẹ có thể xin lỗi con cái không? Tại sao không? Phải xem việc xin lỗi sau khi làm một việc không đúng với con cái là chuyện nên làm. Con cái sẽ cảm thấy được tôn trọng, sẽ hôn lại ba mẹ.
Từ thứ ba là “cám ơn”.
ĐTC nói tiếp: “Sự tử tế và khả năng cám ơn được xem như một dấu chỉ của sự yếu đuối, có khi lại dấy lên ngờ vực. Phải chống lại khuynh hướng này ngay trong gia đình”. Chúng ta phải đòi hỏi đối với việc giáo dục sống biết ơn, nhớ ơn: phẩm giá con người và công bằng xã hội đều đi qua đó. Nếu cuộc sống gia đình lơ là lối sống này, cả cuộc sống xã hội cũng sẽ mất nó. Thế rồi, đối với một tín hữu, lòng biết ơn là trung tâm của đức tin: một Kitô hữu không biết cám ơn là một người đã quên đi tiếng nói của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ câu Chúa Giêsu hỏi khi chữa mười người phong cùi và thấy chỉ có một người trong bọn họ trở lại cám ơn (x. Lc 17, 18). Chuyện Chúa chữa 10 người phong cùi thế nào nhỉ? Kể thử coi…
Có vẻ như văn hóa cám ơn đã phát triển khá phổ biến ngoài xã hội.
Cám ơn ông taxi, ông hớt tóc, chị bán hàng…
Nhưng chưa thấy phổ biến nhất là nơi những người cao tuổi.
Trên xe buýt cụ già không cám ơn em học sinh cấp một…
Vợ chồng có cám ơn nhau không?
Bố mẹ có thể cám ơn con cái không?
Câu trả lời chắc chúng con đã có: Không những có thể mà còn phải cám ơn nữa.
ĐTC kết thúc bài huấn thị. “Ba lời chìa khóa này của gia đình là những lời đơn sơ và có lẽ ban đầu chúng khiến cho chúng ta cười. Nhưng khi chúng ta quên chúng, thì không có gì để mà cười, có đúng thế không?”
Cha thêm Từ thứ tư: “Nụ cười”.
Cha muốn xin phép ĐTC để thêm một từ thứ tư nữa trên cửa các gia đình là NỤ CƯỜI. Gia đình mà không có nụ cười là không có niềm vui. Không có niềm vui là không có hạnh phúc, chắc chắn thế. ĐTC Phanxico là mẫu gương tuyệt vời cho nụ cười, cho niềm vui. Đâu đâu chúng ta cũng thấy ĐTC cười. Ngài nói không phải là nụ cười của cô tiếp viên hàng không. Phải là nụ cười phát xuất từ con tim, thể hiện sự bình an nội tâm, hạnh phúc từ bên trong. Thông điệp đầu tay của ngài là “Niềm vui Tin Mừng”. Ngài bảo các dòng tu rằng: “Đâu có cộng đoàn tu sĩ, đó có niềm vui”.
Phải có niềm vui, thỉnh thoảng có đôi chút hài hước thì nhất định mới giữ tình yêu được lâu, như là làm mới lại tình yêu ban đầu.
Cha nhớ ông cố Hiển, bố của thầy Hương người Mỹ Dụ (Vinh Đức) rất vui tính, rất hóm hỉnh; thấy cha khen cố vui tính hay nói đùa, cố nói “con nhờ “nói nát” mà lấy được vợ đây cha ạ”. “Nói nát” tiếng Vinh có nghĩa là khôi hài, đùa vui. Gia đình cố rất hạnh phúc, luôn vui vẻ. Hài hước, hóm hỉnh đôi chút trong gia đình, cha cho đó là biệt dược để có được tình yêu, có hạnh phúc. Vợ chồng về thử đi thì biết hiệu quả. Cam đoan không hiệu quả xin trả lại tiền.
Thí dụ: Thấy vợ ăn mặc đẹp hơn thường một chút, chồng hóm hỉnh: Hôm nay mẹ đi gặp ông nào mà diện thế? - Diện để đi gặp bố thằng cu đây. Thằng cu là con anh chị. v.v… Ga lăng với nhau chút cũng hay. Làm trẻ lại tình yêu. Vui vẻ hỏi han “Sao anh về muộn thế? em mở nước nóng rồi, anh vào tắm đi” v.v... Đứa con chạy ra “Ô! ba đi làm về”. Đi làm về mệt nhọc mà thấy vợ lẳng lặng, tự nhiên mất vui. Cha nghe người ta hay nói tếu: “Ra đường thì sợ công nông, về nhà lại sợ vợ không nói gì”.
Nụ cười. Vui vẻ sẽ có hạnh phúc. Nhất định thế!
KẾT
Hết giờ rồi. Cha kết lại 20 phút nói chuyện hôm nay. Cha có 3 yêu cầu nhỏ này, muốn hỏi các gia đình chúng con có vui lòng chấp nhận không? Và nếu chấp nhận thì có vui lòng thực hành không? Có thể một số gia đình trong chúng con đã thực hành rồi nhưng cha muốn có một quyết định chung nhân kỷ niệm ngày họp mặt năm 2016 này. Ba yêu cầu của cha như sau:
- Một là BỮA CƠM CHUNG GIA ĐÌNH. Để sống tình gia đình, để giáo dục con cái trong vấn đề nhân bản. Rất quí giá. Cố hết sức để giữ lấy truyền thống tốt đẹp này của các gia đình Việt Nam.
- Hai là ĐỌC KINH TỐI CHUNG TRONG GIA ĐÌNH. Để sống đạo thực sự giữ vững đức tin. Kinh tối mươi lăm phút thôi, đừng dài, nhưng phải giữ nếu muốn là một gia đình công giáo tốt.
- Ba là MỪNG BỔN MẠNG CÁC THÀNH VIÊN TRONG GIA ĐÌNH(không phản đối mừng sinh nhật (birthday) nhưng ưu tiên mừng ngày Bổn mạng).
Cha muốn nói thêm vài lời về việc mừng bổn mạng. Cha nghĩ người công giáo nên duy trì, phát triển thói quen tốt mừng bổn mạng này.
Đẹp biết bao nếu ngày lễ bổn mạng của người bố trong gia đình, bà mẹ soạn một bữa cơm đặc biệt hơn ngày thường, để ăn mầng bổn mạng của bố.
Đẹp biết bao nếu ngày bổn mạng của người mẹ trong gia đình, anh chồng bí mật mua một bông hoa hồng hay một lọ thuốc hoa tặng vợ. Vợ mua một chiếc cà vạt mới tặng chồng. Cử chỉ ấy sẽ làm trẻ lại tình yêu vợ chồng.
Đẹp biết bao, buổi tối trước ngày lễ bổn mạng của bà mẹ, trong buổi đọc kinh gia đình, người cha nhắc nhở con cái cầu nguyện cho mẹ trong thánh lễ ngày mai.
Vui vẻ biết bao, nếu ngày lễ bổn mạng của mấy nhóc con, bố mẹ cho con một bộ đồ mới, cho con một món đồ chơi nó thích. Một chầu kem Hàn quốc cũng được, gọi là để mầng bổn mạng cho con. Việc làm đó sẽ động viên đứa trẻ rất nhiều, có thể sẽ là một kỷ niệm đẹp trong tuổi thơ của nó.
Ăn cơm chung, đọc kinh tối chung, mừng bổn mạng các thành viên trong gia đình. Đó là ba điều cha rất mong các gia đình cựu chủng sinh LBT thực hiện.
Bye chúng con tất cả.
Chúng ta kết thúc bài chia sẻ hôm nay với Kinh Lạy Cha (cầm tay nhau, ngửa mặt lên trời).
Augustinô Hoàng Đức Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét