BỮA TỐI CỦA CHÚA VÀ CUỘC XỬ ÁN ĐỨC GIÊ-SU
BỮA TỐI CỦA CHÚA
VÀ CUỘC XỬ ÁN ĐỨC GIÊ-SU
VÀ CUỘC XỬ ÁN ĐỨC GIÊ-SU
Hằng năm vào Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta cử hành thánh lễ Tiệc Ly để tưởng niệm việc Đức Giê-su thiết lập bí tích Thánh Thể, rửa chân cho các môn đệ và trối lại cho chúng ta giới luật yêu thương.
Thực ra, Đức Giê-su đã dùng bữa tối cuối cùng với các môn đệ vào lúc nào ? Để hiểu rõ vấn đề, tưởng cũng nên nói đến niên lịch của người Do-thái. Trong khi ngày mới của chúng ta bắt đầu vào lúc nửa đêm thì người Do-thái lại bắt đầu ngày mới vào khoảng 5 giờ chiều hôm trước. Dấu tích của tập tục này còn lưu lại trong phụng vụ Ki-tô giáo ngày nay (Kinh Chiều I, lễ vọng các đại lễ, thánh lễ Chúa nhật cử hành vào chiều thứ Bảy).
Theo Tin Mừng Gio-an thì Lễ Vượt Qua năm ấy rơi vào ngày thứ Bảy (x. Ga 19,31) và vì thế người ta ăn Chiên Vượt Qua vào chiều hôm trước, tức là thứ Sáu.
Vẫn theo Gio-an, vì Đức Giê-su sẽ chịu chết vào chiều thứ Sáu, và không thể ăn bữa tối cuối cùng với các môn đệ vào đúng ngày được, nên Người đã cử hành sớm hơn một ngày, vào chiều thứ Năm. Vì thế Gio-an đã cho biết rằng Đức Giê-su đã dùng bữa tối với các môn đệ “trước Lễ Vượt Qua” (Ga 13,1), và theo truyền thống này, chúng ta vẫn cử hành thánh lễ Tiệc Ly vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh.
Tuy đồng thuận với Gio-an về biến cố Đức Giê-su chịu chết vào chiều thứ Sáu (x. Mt 27,62 ; Mc 15,42 ; Lc 23,54) nhưng các tác giả Nhất Lãm lại khẳng định rằng Đức Giê-su đã dùng bữa tối cuối cùng với các môn đệ khi Lễ Vượt Qua đã đến.
Tin Mừng Nhất Lãm nói gì ?
Thật vậy, cả Mác-cô và Mát-thêu đều tường thuật rằng Đức Giê-su và các môn đệ đã dùng bữa tiệc ly vào “ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế Chiên Vượt Qua” (Mc 14,12 ; x. Mt 26,17). Và Lu-ca còn nói rõ hơn về thời điểm của bữa tiệc ly, từ các sự kiện trước đó như “Lễ Bánh Không Men, cũng gọi là Lễ Vượt Qua đã đến gần” (Lc 22,1), cho đến khâu chuẩn bị như “Đã đến ngày Lễ Bánh Không Men, ngày phải sát tế Chiên Vượt Qua, Đức Giê-su sai ông Phêrô với ông Gio-an đi” dọn bữa tiệc ly (Lc 22,7), rồi cả về thời khắc dùng bữa : “Khi giờ đã đến, Đức Giê-su vào bàn cùng với các tông đồ” (Lc 22,14).
Như vậy, theo các tác giả Nhất Lãm, Đức Giê-su đã dùng bữa tối cuối cùng khi đã là Lễ Vượt Qua, sau đó Người bị bắt, chịu đóng đinh và chết vào chính ngày đại lễ.
Giải pháp Qumran
Trải qua nhiều thế kỷ, các học giả tìm cách dung hoà sự khác biệt giữa ghi nhận của các tác giả Nhất Lãm cho rằng Đức Giê-su đã dùng bữa tối cuối cùng vào chính ngày Lễ Vượt Qua (ở đây hiểu là thứ Sáu), với ghi nhận của Gio-an cho rằng vào ngày hôm trước (thứ Năm), nhưng xem ra không có giải pháp nào hoàn toàn thuyết phục.
Mãi cho đến năm 1947, các văn bản Qumran được khám phá và mang lại một giải pháp mới cho vấn đề. Người có công đầu trong việc này là nữ học giả người Pháp Annie Jaubert [1].
Tưởng cũng nên nói qua xem các văn bản Qumran là gì. Đó là các bản chép tay thuộc về một thư viện cổ hồi thế kỷ I trước Công Nguyên của một cộng đoàn Do-thái giáo gọi là Nhóm Essêni. Trong các tài liệu tìm thấy, Sách Các Năm Toàn Xá, người ta sử dụng không phải chỉ một mà là hai loại niên lịch khác nhau. Loại thứ nhất là dương lịch dựa vào chu kỳ chuyển động của mặt trời, theo đó một năm có 364 ngày, đúng 52 tuần và các tháng được phân chia sao cho các đại lễ đều rơi vào thứ Tư. Vì thế, lễ mừng Năm Mới (Rosh Hashana) cũng như Lễ Lều (Sukkoth) và Lễ Vượt Qua (Peshah) đều rơi vào thứ Tư.
Nhưng tại sao loại lịch này lại đặt ngày đầu Năm Mới vào thứ Tư ? Thưa bởi vì theo sách Sáng Thế, khi Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ, thì vào ngày thứ Tư, Người đã dựng nên mặt trời, mặt trăng và các tinh tú mà khởi đi từ đó dòng thời gian đã bắt đầu.
Thay đổi niên lịch
Loại dương lịch nói trên đã được người Do-thái sử dụng qua nhiều thế kỷ. Thực vậy, trong Cựu Ước, nếu căn cứ vào các ngày tháng biên niên sử, chúng ta có thể nhận thấy rằng Lễ Vượt Qua cũng như các đại lễ khác đều rơi vào ngày thứ Tư.
Vào khoảng năm 200 trước Công Nguyên, các tư tế tại Giêrusalem đã quyết định thay đổi niên lịch và đưa vào sử dụng một loại lịch mới dựa trên sự kết hợp giữa 2 chu kỳ chuyển động của mặt trời và mặt trăng, gọi là Nhật-Nguyệt lịch. Loại lịch này chuẩn xác hơn lịch cũ, theo đó một năm có 365 ngày và các đại lễ có thể rơi vào bất kỳ ngày nào trong tuần.
Loại lịch mới này dần dần đi vào đời sống thường nhật của người Do-thái, tuy nhiên để thay thế hoàn toàn loại lịch cũ thì cần phải trải qua một thời gian dài. Điều này giải thích tại sao sau đó cả 2 thế kỷ, vào thời Đức Giê-su, mà một phần lớn dân chúng vẫn còn sử dụng lịch cũ và cử hành các đại lễ theo những ngày tháng cũ. Nhóm Essêni tại Qumran thuộc vào những người từ chối sử dụng lịch mới vì cho rằng như thế là phạm đến tính bất di bất dịch của Luật Môsê.
Nhóm Essêni vẫn tuân giữ nghiêm nhặt lịch cũ, như thấy ghi lại trong Kỷ Luật Cộng Đoàn (Manual of Discipline) : “Đừng đi trệch những gì Lời Thiên Chúa đã dạy về các thời khắc. Đừng dời các ngày tháng sớm lên và dịch chuyển các ngày lễ”.
Cả hai đều có lý
Vào thời Đức Giê-su, cả hai loại lịch cùng lưu hành : Lịch cũ thì phổ biến nơi dân chúng, theo đó thì bữa tiệc Vượt Qua luôn rơi vào thứ Tư (tức là chiều thứ Ba của chúng ta ngày nay) ; còn lịch mới thì được giới tư tế chính thức và giới thượng lưu sử dụng, theo đó Lễ Vượt Qua có thể rơi vào bất kỳ ngày nào trong tuần. Lễ Vượt Qua của năm mà Đức Giê-su chịu chết rơi vào đúng ngày thứ Bảy.
Như vậy, nếu Đức Giê-su đã ăn bữa tối cuối cùng với các môn đệ theo lịch cũ, tức là vào chiều thứ Ba là ngày mà dân chúng bắt đầu cử hành Lễ Vượt Qua thì sự dị biệt giữa các sách Tin Mừng về vấn đề này coi như được giải quyết xong. Thật thế, nếu Đức Giê-su đã ăn bữa tối cuối cùng vào chiều thứ Ba thì Tin Mừng Nhất Lãm có quyền khẳng định rằng Người đã cử hành bữa Tiệc Ly “vào chính ngày Lễ Vượt Qua” theo như lịch cũ. Trái lại, Gio-an lại nói rằng Đức Giê-su đã cử hành bữa Tiệc Ly “trước Lễ Vượt Qua” theo niên lịch chính thức. Như thế cả hai đều có lý.
Toà án Do-thái bất hợp lệ ?
Giả thuyết mới nêu trên đã được hầu hết các học giả chấp nhận mà theo đó Đức Giê-su đã chịu chết vào thứ Sáu như các sách Tin Mừng đã xác nhận, nhưng trước đó Người đã ăn bữa tối cuối cùng vào chiều thứ Ba. Giả thuyết này không chỉ giải thích sự dị biệt trong các trình thuật về bữa Tiệc Ly mà còn giải quyết cả những vấn đề khác nữa.
Vấn đề thứ nhất là khoảng thời gian của cuộc thương khó xem ra quá ngắn. Thật vậy, nếu bữa Tiệc Ly diễn ra vào thứ Năm và cuộc đóng đinh vào trưa thứ Sáu thì tất cả các sự kiện của cuộc thương khó chỉ diễn ra trong vòng 18 giờ.
Chúng ta biết rằng sau khi bị bắt tại vườn Cây Dầu, Đức Giê-su bị điệu tới nhà thượng tế Khanan nơi diễn ra cuộc thẩm vấn lần thứ nhất (x. Ga 18,19-23), rồi Người lại bị dẫn đến nhà thượng tế Caipha (x. Ga 18,24), nơi họp Thượng Hội Đồng, một thứ toà thượng thẩm, quy tụ tất cả các thượng tế, kỳ mục và luật sĩ (x. Mc 14,53). Trong phiên xử khuya khoắt này người ta cố tìm các chứng cớ buộc tội Đức Giê-su, nhưng sự việc xem ra không đơn giản bởi vì các chứng cớ lại không ăn khớp với nhau (x. Mc 14,55-59). Sau đó Đức Giê-su còn bị sỉ nhục, khạc nhổ, chế nhạo và đánh đập (x. Mc 14,65). Rạng sáng hôm sau, Thượng Hội Đồng tái nhóm với 71 thành viên (x. Mc 15,1) và quyết định xử tử Đức Giê-su.
Người La Mã xét xử
Nhưng vấn đề chưa kết thúc tại toà án Do-thái. Sau phiên toà tôn giáo, người ta lại điệu Đức Giê-su tới tổng trấn Phi-la-tô (x. Lc 23,1). Tiến trình này chắc chắn phải kéo dài. Trước hết, phải có cuộc họp giữa các thủ lãnh Do-thái với quan tổng trấn để đệ trình các cáo buộc. Tiếp đến là cuộc thẩm vấn riêng giữa Phi-la-tô và Đức Giê-su, rồi ông này tuyên bố Đức Giê-su vô tội, rồi người Do-thái lại nêu ra những chứng cứ mới tố cáo Đức Giê-su.
Để phủi tay trong vụ án Đức Giê-su, người mà Phi-la-tô cho là vô tội, ông đã giao nộp Người cho nhà cầm quyền xứ Ga-li-lê là Hê-rô-đê An-ti-pa vì Đức Giê-su là người Ga-li-lê nên thuộc thẩm quyền của vua này (x. Lc 23,7). Cuộc thẩm vấn này hẳn cũng đòi nhiều thời gian bởi vì Tin Mừng thuật lại rằng “nhà vua đã hỏi Người nhiều điều” (Lc 23,9). Cuối cùng Hêrôđê lại trả Đức Giê-su về cho Phi-la-tô (x. Lc 23,11).
Phi-la-tô lại triệu tập các thượng tế, quan toà và dân chúng. Sau khi đối thoại với Đức Giê-su một lần nữa, ông quyết định trao số phận của Người vào tay dân Do-thái khi cho họ cái quyền lựa chọn tha Ba-ra-ba hay tha Giê-su. Thêm vào đó, vợ quan Phi-la-tô còn sai người đến nói với ông rằng đứng kết án Đức Giê-su vì đêm hôm đó, trong chiêm bao, bà đã bị ám ảnh khổ sở vì cuộc xét xử này. Trước áp lực của dân chúng, Phi-la-tô đã tha Ba-ra-ba (x. Mt 27,11-26). Các sự kiện tiếp theo là đánh đòn, đội mão gai, nỗ lực cuối cùng của Phi-la-tô nhằm giải cứu Đức Giê-su, và cuối cùng là bản án và hành trình nhọc nhằn tới Núi Sọ (x. Mt 27,27-31).
Tất cả chỉ diễn ra từ đêm thứ Năm đến trưa thứ Sáu (?).
Một thời biểu khác
Tất cả các sự kiện liên quan đến cuộc khổ nạn của Đức Giê-su không thể diễn ra chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như thế được. Trái lại, sẽ hợp lý hơn khi mà thời điểm diễn ra bữa tối cuối cùng được dời lên sớm hơn :
Thứ Ba : Đức Giê-su ăn tiệc Vượt Qua vào buổi chiều, rồi Người bị bắt và điệu đến nhà thượng tế.
Thứ Tư : Ban sáng, Thượng Hội Đồng nhóm họp để nghe các cáo buộc. Đức Giê-su bị giam qua đêm.
Thứ Năm : Vào buổi sáng, Thượng Hội Đồng lại nghị án và quyết định tử hình Đức Giê-su, rồi điệu Người tới Phi-la-tô. Phi-la-tô thẩm vấn rồi giao nộp Đức Giê-su cho Hêrôđê. Đức Giê-su lại bị giam qua đêm.
Thứ Sáu : Phi-la-tô thẩm vấn lần thứ hai, cho đánh đòn, đội mão gai, tuyên án và cho dẫn đi đóng đinh vào thập giá. Khoảng 3 giờ chiều, Đức Giê-su chết trên thập giá.
Án lệ do luật định
Giả thuyết mới nói trên đã mang lại bước tiến đáng kể trong việc giải thích các sự kiện. Theo sách Mishna, một thứ sách thánh của người Do-thái, thu thập các chú giải Luật Cựu Ước, chúng ta có thể biết về những điều vi luật nếu có trong vụ án Đức Giê-su :
“Với các tội danh không dẫn tới án tử hình, việc xét xử diễn ra ban ngày, và việc tuyên án có thể vào ban đêm ; còn với các tội danh đưa tới án tử hình, việc xét xử diễn ra ban ngày, và việc tuyên án cũng phải vào ban ngày. Với các tội danh không dẫn tới án tử hình, việc tha bổng hay kết án có thể diễn ra trong cùng một ngày ; với các tội danh đưa tới án tử hình, việc tuyên bố trắng án có thể diễn ra cùng ngày hôm ấy, nhưng việc kết án thì không thể diễn ra trước ngày hôm sau. Vì lẽ ấy, các phiên toà không thể diễn ra vào ngày áp ngày sabát hay áp một ngày lễ” (Mishna, Sanhedrin 4,1).
Như vậy, luật Do-thái quy định rằng mọi cuộc xét xử đều phải tiến hành ban ngày. Vậy nếu Đức Giê-su dùng bữa tiệc ly vào chiều thứ Năm thì Thượng Hội Đồng phải nhóm họp vào ban đêm, điều này sai luật. Đàng khác, các thành viên Thượng Hội Đồng và các nhân chứng không thể nhóm họp ban đêm chỉ là để bàn bạc trong khi chưa chắc rằng Đức Giê-su đã bị bắt hay chưa. Trái lại, nếu bữa tiệc ly diễn ra vào chiều thứ Ba thì chúng ta có thể nói rằng phiên toà đã diễn ra vào thứ Tư và sáng thứ Năm.
Như trên, sách Mishna còn cấm kết án tử hình vào ngày áp ngày sabát và đại lễ. Nếu cứ tính theo thời biểu truyền thống, thì Đức Giê-su đã bị Thượng Hội Đồng Do-thái kết án tử hình vào thứ Sáu, ngày áp ngày sabát cũng là ngày áp Lễ Vượt Qua năm ấy ! Trái lại, nếu theo giả thuyết mới đã nêu, thì Đức Giê-su bị kết án vào sáng thứ Năm, tức là còn hơn một ngày nữa mới đến ngày sabát và Lễ Vượt Qua.
Để tránh các quyết định nóng vội và cảm tính, Luật còn quy định rằng không được kết án tử hình bất kỳ ai trước 24 tiếng kể từ lúc bị bắt. Theo lịch trình cũ (ngắn) thì Đức Giê-su đã bị kết án tử hình chỉ vài giờ sau khi bị bắt. Còn theo thời biểu mới (dài) thì Người bị bắt vào chiều tối thứ Ba và bị kết án vào sáng thứ Năm theo đúng quy định của Luật.
Nếu người Do-thái đã kết án Đức Giê-su vì cho rằng Người vi phạm Lề Luật thì không có lý gì họ lại xét xử một cách vi luật trầm trọng như thế !
Sự im lặng lên tiếng
Một số chi tiết khác trong Tin Mừng cũng rõ ràng ủng hộ giả thuyết cho rằng Đức Giê-su đã dùng bữa tiệc ly vào chiều thứ Ba và chịu chết vào thứ Sáu. Các Tin Mừng đều tuần tự kể lại những ngày cuối cùng của Đức Giê-su, nhưng lại không hề nói gì về hai ngày thứ Tư và thứ Năm ! Sự im lặng khó hiểu này đã khiến người ta nghĩ rằng trong hai ngày đó, Đức Giê-su đã lánh riêng ra một nơi để ở cùng các môn đệ. Nhưng bây giờ chúng ta biết rằng, hai ngày ấy, Người bị tạm giam theo đúng tiến trình của cuộc thương khó.
Truyền thống cũng ủng hộ
Giả thuyết mới nói trên còn nhận được sự ủng hộ mặc nhiên của Truyền Thống. Thật vậy, chúng ta biết rằng các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đã giữ chay vào thứ Tư và thứ Sáu. Rất có thể, tập tục này đã khởi đi từ một truyền thống cho rằng Đức Giê-su bị bắt vào thứ Tư và chịu chết vào thứ Sáu, mà việc ăn chay là nhằm tưởng niệm hai biến cố này.
Sách Didascalia Apostolorum còn cho biết thêm rằng : “Sau khi ăn tiệc Vượt Qua vào chiều thứ Ba, chúng tôi (các tông đồ) đi đến núi Cây Dầu và vào ban đêm người ta đã bắt Chúa Giê-su. Ngày hôm sau, thứ Tư, Người bị giam giữ tại nhà Thượng Tế Caipha ; cùng ngày hôm ấy, các trưởng tế nhóm họp và nghị án. Thứ Năm, họ điệu Người đến tổng trấn Phi-la-tô và đêm hôm ấy Người bị giam tại dinh tổng trấn. Sáng thứ Sáu, họ tố cáo Người trước Phi-la-tô, nhưng không đưa ra được chứng cứ nào xác thực. Họ đã làm chứng gian buộc tội Người và đòi Phi-la-tô xử tử Người. Cũng vào thứ Sáu, Người chịu đóng đinh” (cap. XXI).
Thánh Victorinô Pettau ở Stiria (+304) thì viết : “Chúa Ki-tô đã bị bắt vào ngày thứ Tư. Để tưởng niệm Người bị giam cầm, chúng tôi giữ chay ngày thứ Tư. Để tưởng niệm Người chịu chết, chúng tôi giữ chay ngày thứ Sáu”.
Thánh Êpiphaniô, giám mục Salamina (+403) cũng viết rằng : “Khi ngày thứ Tư bắt đầu, Chúa đã bị bắt và Người chịu đóng đinh vào thứ Sáu”.
Như vậy, đã tồn tại một truyền thống cổ vào khoảng thế kỷ III ủng hộ giả thuyết cho rằng Đức Giê-su đã dùng bữa tối cuối cùng của Người vào chiều thứ Ba.
Kiên trung đến cùng
Theo truyền thống Gio-an, Hội Thánh vẫn luôn tưởng niệm biến cố Tiệc Ly vào chiều thứ Năm Tuần Thánh.
Một khi chấp nhận lối giải thích mới, phải chăng Hội Thánh cần thay đổi việc cử hành phụng vụ Tuần Thánh ? Hẳn nhiên là không !
Trong đời sống Hội Thánh, phụng vụ nhằm mục đích giáo huấn chứ không phải lịch sử. Cũng như chúng ta vẫn cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 dù biết rằng đó không phải là ngày tháng lịch sử chính xác của sự kiện, thì chúng ta cũng vẫn cử hành lễ Tiệc Ly vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh.
Cuộc khổ nạn của Đức Giê-su thực tế đã diễn ra trong khoảng thời gian khá dài, mấy ngày chứ không phải chỉ mấy giờ ngắn ngủi. Điều này khẳng định rằng cái chết của Người không phải là một kết cuộc bất ngờ, do một đám đông bị kích động, nóng vội quyết định một số phận, nhưng là cả một tiến trình được sắp đặt hẳn hòi và được chuẩn nhận bởi giới lãnh đạo Do-thái, nhà cầm quyền La Mã và cả dân chúng nữa.
Bộ phim Cuộc khổ nạn của Chúa (The Passion of Christ) dù có bị phê phán là bạo lực và đẫm máu, nhưng có lẽ là gần với những gì thực tế đã diễn ra. Cuộc khổ nạn của Đức Giê-su thực ra bi thảm và hãi hùng hơn những gì chúng ta thường suy niệm. Điều này cho thấy ý chí kiên quyết của Người đi đến cùng cuộc khổ nạn, cho dù người ta đã ra sức hành hạ Người trong suốt bốn ngày ròng rã hòng đánh gục sức chịu đựng của Người.
Là môn đệ của Thầy Giê-su, chẳng lẽ chúng ta lại tự hài lòng vì một vài chốc lát mình đã nhẫn nhục tín trung ?
Vinh Hưng, O.P.
Nguồn: http://kinhthanhchomoinguoi.org
Nguồn: http://kinhthanhchomoinguoi.org
[1] Xc. Annie Jaubert, La Date de La Cène, Gabalda, Paris 1957 ; Jésus et le calendriers de Qumran, New Testament Studies, Oct. 1960.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét