Thiên Chúa của Ki-tô giáo là Đấng nào?
Hỏi: Con xin chào quý cha, quý thầy, con biết là câu hỏi này của con hơi “ngu”, nhưng thật sự có nhiều lúc con không biết là Thiên Chúa của người Công Giáo mình là vị Thiên Chúa như thế nào, làm sao mình biết có vị Thiên Chúa ấy mà tôn thờ? Ngài có phải là một vị thần nào đó như trong các tôn giáo khác không? Nhiều lúc đi lễ, đọc kinh, con thấy nó nhạt nhẽo thế nào ấy, vì con không biết con đi lễ để làm gì, cứ oang oang mấy câu kinh “đạo đức Chúa Trời có mười điều răn…” để làm gì, khi cầu nguyện là cầu nguyện với ai… Con xin quý cha quý thầy giải đáp giúp con. Nếu con có nói gì mạo phạm, xin quý cha quý thầy bỏ qua cho.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã chia sẻ những tâm tình của mình. Câu hỏi mà bạn đặt ra, tưởng chừng là “ngu muội” nhưng thật ra là rất sâu sắc. Chúng tôi tin rằng không phải ai cũng có một sự “phản tỉnh nhìn lại” mình như bạn. Đa phần các tín hữu Công Giáo chỉ đi lễ, đọc kinh như một thói quen, không hiểu được ý nghĩa của những gì mình đang làm. Vì không hiểu được nên cũng xảy ra nhiều trường hợp người ta đã chuyển từ niềm tin tôn giáo sang mê tín dị đoan.
Thật không dễ để có thể trả lời cho bạn một cách tường tận vấn đề, vì nó đụng chạm đến chiều sâu tâm linh của con người. Cần phải có một nền tảng triết học căn bản và đúng hơn, cần phải có một kinh nghiệm thiêng liêng và ân sủng của Chúa, ta mới có thể hiểu được. Thật ra, Kinh Tin Kính đã phác hoạ cho chúng ta biết Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa nào. Bạn có thể vừa đọc vừa suy gẫm. Nó có thể giúp bạn có được một cái nhìn tổng quan về niềm tin của mình. Dưới đây, chúng tôi chỉ xin trình bày một cách vắn tắt và xúc tích có thể nhằm giúp bạn hiểu rõ thêm một chút thôi.
Con người trực giác về Thiên Chúa
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, con người chỉ thích nghe và nói đến những gì mắt thấy tai nghe. “Tin”, đặc biệt là niềm tin tôn giáo, đã trở nên một trò cười. Con người chỉ cảm thấy an tâm về điều gì đó khi giác quan của họ có thể nắm bắt được, vì họ cho rằng nó chắc chắn hơn và sát với chân lý hơn. Những khám phá mới của khoa học đã giúp con người giải đáp những vấn đề khó hiểu mà bấy lâu nay họ cứ gán cho thế lực siêu nhiên. Sự phát triển của các khoa văn chương, khảo cổ cũng giúp giải huyền những câu chuyện bí ẩn. Điều này giúp mở mang trí tuệ của con người và làm cho họ nghĩ rằng cái gọi là niềm tin chỉ dành cho những người thiếu hiểu biết. Họ càng tin tưởng hơn vào sức mạnh của lý trí và sức khám phá của khoa học. Họ cũng bám víu hơn vào trí tuệ của mình, cho rằng mình có thể thấu suốt tất cả, hiểu biết tất cả bằng khả năng phán đoán và kiểm chứng của mình. Những gì nằm ngoài phạm vi thu nhận của giác quan hay đúng hơn là của khoa học, con người phủ nhận hết.
Thế nhưng, dù con người có khám phá ra bao nhiêu điều vĩ đại trên thế giới đi chăng nữa, họ vẫn phải thừa nhận rằng phạm vi của những gì họ biết nhỏ bé hơn rất nhiều so với những gì họ không biết. Có rất nhiều điều nằm ngoài phạm vi nắm bắt của giác quan con người. Cái mà con người không thể tri giác được không có nghĩa là nó không tồn tại. Lý trí và khả năng của con người vẫn còn quá nhỏ bé so với biết bao điều bí ẩn và huyền nhiệm vây cuốn mình. Càng khám phá thế giới, con người càng kinh ngạc về hằng hà sa số những điều vượt ngoài tầm với của trí khôn. Con người thường phải đối diện với một mâu thuẫn là: càng hiểu biết nhiều, con người càng cảm thấy mình nhỏ bé, càng mở ra nhiều, con người càng nhận thấy mình cần phải khiêm tốn hơn. Và niềm tin tôn giáo nảy sinh từ sự khiêm tốn này. Thế nhưng, dù biết là mình thấp kém và cần Đấng thần linh bảo vệ, con người lại thờ nhầm thần, tìm nhầm chỗ. Thay vì cố gắng khám phá ra Thiên Chúa, họ lại tạo ra thiên chúa cho mình từ những gì cũng tầm thường và nhỏ bé như mình, thậm chí còn thấp hơn cả mình.
Khi ý thức được sự nhỏ bé của mình, con người trực giác về một Cái Gì Đó cao cả hơn mình, là nơi để mình bám víu, tạ ơn và cầu xin sự trợ giúp. Chẳng có một nền văn minh nào hay một xã hội nào lại không có nhu cầu tâm linh này. Kể cả khi người ta tự vỗ ngực cho rằng mình giỏi giang và có quyền lực làm khuynh đảo địa cầu, tận sâu trong lòng, người ta vẫn mang một nỗi sợ vì họ biết rằng mình đang sở hữu những gì đang có trong tay, nhưng mình sẽ mất nó vào một lúc nào đó, dù mình có muốn hay không. Con người biết mình không làm chủ ngay cả với chính bản thân, rằng hơi thở, thân xác mà mình đang mang đều là của nợ của Ai Đó, mình không tạo ra nó và cũng không có đủ quyền năng để điều khiển nó theo ý mình. Nó là cái được tặng ban cho mình. Ai Đó hay Cái Gì Đó này hoàn toàn nằm bên ngoài khả năng nắm bắt của giác quan con người. Ngài là Đấng siêu vượt nhất trong tất cả những gì siêu vượt trong thế giới hữu hình lẫn vô hình. Đấng Siêu Vượt ấy có nhiều tên gọi khác nhau. Ki-tô giáo gọi Đấng ấy là Thiên Chúa.
Vị Thiên Chúa này dĩ nhiên không phải là thần mưa, thần sấm, thần mây mà chúng ta thường thấy trong các câu chuyện cổ hay trên các thước phim. Thiên Chúa không phải là một ai đó ngồi trên các tầng mây, rồi chỉ huy các đạo binh như người ta vẫn tưởng tượng. Ngài cũng không phải là một vị thần lớn và mạnh nhất trong số các vị thần cùng nhau sinh sống ở một ngọn núi thần tiên cực lạc nào đó, ngày ngày nhận cúng phẩm và lời cầu chúc của con người để rồi làm phép lạ ban ơn cho con người như một kiểu đổi chác. Ngài không phải là một ông già tồn tại hàng tỷ tỷ năm trước và còn sống tới bây giờ cho đến mãi về sau, chỉ càng ngày càng già đi chứ không chết. Ngài càng không phải là vị thần nào đó do con người lập miếu, xây đền, tôn vương mà thành. Tất cả những hình ảnh này đều do con người tưởng tượng ra. Và nếu hình dung Đấng Tối Cao theo kiểu như thế thì tôn giáo sẽ gặp nhiều rắc rối không thể giải quyết được.
Dưới góc nhìn triết học
Thiên Chúa của Ki-tô giáo là một Thiên Chúa tối cao và tuyệt hảo tự bản chất, chứ không phải một cái gì đó được người ta phong tặng cho. Ngài cũng không bị giam hãm tại một nơi nào đó như cây đa, sân đình hay thậm chí là nhà thờ.
Nhà thần học Ratzinger cho rằng hình ảnh Thiên Chúa của Ki-tô giáo có nét gần giống với Ý Niệm Tuyệt Đối trong triết học Hy Lạp hơn là thần thoại Hy Lạp. Quả vậy, trực giác tìm về một Đấng Tuyệt Đối ấy đã có từ xa xưa, và trong nền triết học Hy Lạp cổ đại, người ta đã cố gắng hướng về Đấng ấy bằng khả năng suy lý cũng như bằng con tim khao khát chân lý của mình. Họ cố gắng truy tìm Đấng ấy chứ không phải tạo ra. Người đầu tiên đáng được nói tới có lẽ là Plato. Trọng tâm học thuyết triết học của ông cho rằng thế giới hữu hình này chỉ là những cái bóng của những hình thể bất di bất dịch. Các loại cây trên trái đất này chỉ là bóng ảnh phản chiếu một hình thể “cây” đích thực tồn tại trong thế giới vô hình. Ta chẳng biết “cây” là gì, ta chỉ có thể nói “cây ổi”, “cây xoài”, “cây dừa”… Bởi thế, “ổi”, “xoài”, “dừa”… là cái thể hiện ra bên ngoài của một hình thể “cây” vô hình. “Ổi”, “xoài”, “dừa”… đều sẽ qua đi hết, nhưng “cây” thì còn mãi. Bởi thế, cái mà chúng ta thấy bằng mắt thường không thể là chân lý được. Chân lý – cái tồn tại bất biến – thuộc về phạm trù của thế giới vô hình. Từ suy luận này, Plato cho rằng Thiên Chúa, Đấng bất biến, và tối cao phải thuộc về thế giới vô hình, vì Ngài là cái gì đó thực nhất, chứ không phải là cái bóng của cái gì.
Trong các tác phẩm của mình, Plato dùng từ “Sự Thiện” và “cái Đẹp” như là cái gì đó cao vời mà ai cũng hướng tới, vì nó là chân lý. Ông ví sự Thiện có vị trí cốt yếu và quan trọng cho sự hiện hữu hệt như ánh mặt trời của thế giới hữu hình. Thật vậy, ai trong chúng ta cũng thích sự tốt lành, chứ không ai thích điều xấu xa. Xã hội nào cũng đề cao sự Thiện và lên án những điều tồi tệ, nhơ nhuốc. Có vẻ như cái Đẹp gắn liền với sự Thiện, vì cái gì tốt thì cũng đẹp. Cái Đẹp ở đây không chỉ là nét thẩm mỹ của một bức tranh hay phong cảnh gì đó, nhưng còn là một cái gì đó cao hơn, cái cuốn hút tâm hồn người ta, khiến người ta không dứt mình ra khỏi nó. Từ kinh nghiệm cá nhân, ta cũng nhận thấy mình luôn được thu hút với cái đẹp, đẹp cả người, đẹp cả nết. Chẳng ai chê cái đẹp cả. Ai cũng muốn mình đẹp, thích làm bạn với cái gì đó đẹp. Con người cũng hướng về một cái đẹp trong tâm hồn, chính là sự lương thiện, chân thật. Cái gì đúng đắn thì cũng mang lấy nét đẹp và tốt lành. Ba giá trị Chân, Thiện, Mỹ này dường như trở thành đích đến của mọi nỗ lực của con người. Nó cũng khiến cho con người có trực giác rằng dường như mình từ đó mà ra. Bởi thế, ai không hành xử theo tiêu chí chân-thiện-mỹ thì bị cho là “không phải con người”. Mà không chỉ con người, tất cả mọi loài khác cũng phảng phất đâu đó một xu hướng hướng tới những giá trị cao quý này. Rõ ràng, ta không thể chối cãi được điều này.
Aristotle (học trò của Plato) thì nói về Đấng Tuyệt Đối dưới dạng một Động Cơ Đệ Nhất. Quan niệm về Động Cơ Đệ Nhất này của ông xuất phát từ quan sát cho rằng trong tự nhiên, mọi loài đều chuyển động. Có thể là chuyển động về chất (sự thay đổi màu sắc của lá cây) hay chuyển động về lượng (sự lớn lên của cây non trở thành cây cổ thụ), hoặc chuyển động về nơi chốn (đi lại), sự chuyển động của cái “chưa là” trở thành cái “là”. Trong đó, loại chuyển động cuối cùng được ông để ý nhiều hơn. Chuyển động hiểu theo nghĩa này là sự chuyển hóa của cái tiềm năng (potential) sang cái hiện thể (actual). Tiềm năng được hiểu là cái còn ẩn tàng bên trong sự vật, chưa được bộc lộ ra nhưng có thể hay “đang chờ” được hiển hiện ra khi gặp những điều kiện thuận lợi. Còn hiện thể là sự biểu lộ ra bên ngoài của tiềm năng ấy; nó là sự kiện toàn của cái trước kia chỉ là tiềm năng.
Đối với Aristotle, một vật sẽ không thể nào chuyển động nếu không có cái khác làm chuyển động nó. Hơn nữa, tác nhân gây chuyển động vừa rồi cũng phải được gây chuyển động bởi một tác nhân khác. Mặt khác, sự chuyển động luôn luôn diễn ra vì chuyển động gắn liền với thời gian vốn là thước đo sự chuyển động; nếu có lúc nào đó không còn chuyển động thì cũng không còn thời gian, và đây là điều vô lý. Nhưng nếu cái gì cũng là cái được làm cho chuyển động thì suy lý mà nói, phải tồn tại cái gì đó vốn dĩ không chuyển động, nhưng chỉ làm cho cái khác chuyển động. Suy tư về chuyển động như thế khiến Aristotle nghĩ rằng phải có Động Cơ Đệ Nhất, một Động Cơ bất động. Về sau, chính Aristotle cho rằng Động Cơ này làm cho cái khác chuyển động bằng cách biến mình thành đích đến thu hút mọi vật trở về.
Rõ ràng, dù suy tư của Plato và Aristotle vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng ít ra nó cũng dẫn người ta đến chỗ chân nhận một Thực Thể vô hình, siêu vượt, trỗi vượt lên trên hết tất cả. Ý niệm về cái Tuyệt Đối này là do con người trực giác và dùng lý trí của mình suy tư mà tìm đến, khám phá ra, chứ không phải là cái con người tưởng tượng hay tự tạo ra như ông bụt bà tiên nào đấy. Dĩ nhiên, sự Tuyệt Đối không thể nằm trên bình diện của vật chất, vì chẳng có vật chất nào là vĩnh viễn cả. Phải có một cái gì đó làm nền tảng cho mọi sự biến đổi của vật chất khiến nó vẫn là nó trong quá trình chuyển đổi. “Cái làm nền tảng” này mang đến trong tâm trí chúng ta ý niệm về một thế giới vô hình, nơi mà giác quan không thể đụng chạm được, khoa học thực nghiệm không thể kiểm chứng được, nhưng trực giác của con người thì có thể mon men tìm đến được phần nào. Bởi thế, chỉ cần lý trí thôi, con người đã có thể tìm đến một Đấng Tối Cao, một Thiên Chúa siêu vượt trên hết mọi loài.
Thiên Chúa của Ki-tô giáo nằm trong cảnh vực này. Ngài là một Thực Thể siêu vượt trên hết mọi loài. Nói như Thánh Anselmo, Thiên Chúa là Đấng mà trên đó ta không còn có thể nghĩ đến được điều gì hơn.
Đấng Tuyệt Đối ngỏ lời với con người
Thân phận của con người quá nhỏ bé trước một Thực Thể siêu việt và vô hình mà triết học Hy Lạp cũng như lý trí con người khám phá ra. Bằng trí tưởng tượng, con người có thể mơ hồ hình dung ra một chút xíu nào đó Đấng Tuyệt Đối, nhưng con người chẳng thể nào vươn đến được với Đấng ấy. Triết học chỉ dừng lại ở việc khám phá ra Đấng Siêu Việt chứ không thể đi xa hơn. Bởi thế, Đấng Siêu Việt của các triết gia hệt như một cái gì đó quá cao xa và lạnh lùng, vì Đấng ấy vốn tự đủ trong chính bản thân mình, không cần ai và cũng không cần đụng chạm đến ai. Mọi loài khác đều phải phụ thuộc vào Ngài. Mọi loài đều bị cái Chân-Thiện-Mỹ của Ngài lôi kéo nhưng Ngài cứ trơ trơ ra đó, chẳng mảy may để ý gì đến chuyển động của mọi loài, của lịch sử, của thế giới và vũ trụ hữu hình này. Đấng ấy chẳng nói, chẳng nghe, chẳng bận tâm, chẳng giúp đỡ ai. Cho nên, giữa con người và Đấng ấy có một khoảng cách vời vợi. Con người dù có nỗ lực đến đâu vẫn mãi là loài hữu hạn, không sao tìm đến và kết hiệp được với Đấng vô hạn như thế. Cuộc hành trình tìm về cội nguồn hiện hữu của mình hoá thành một sự cố gắng trong vô vọng.
Nhưng, người Ki-tô hữu lại có một sự lạc quan rất lớn vì trong khi họ không thể tự mình vươn đến cảnh giới tối cao của vô hình mà tìm gặp Đấng Tuyệt Đối thì Đấng ấy đã chủ động hạ cố và “bắt liên lạc” với con người. Chính Kinh Thánh đã tường thuật lại cho chúng ta biết hành trình hạ mình của Thiên Chúa qua rất nhiều câu chuyện. Thiên Chúa Tối Cao đã không thể tiết lộ tên của mình vì dường như chẳng có tên nào có thể tương xứng với Ngài, chẳng một thuật ngữ nào có thể diễn tả đầy đủ về Ngài được. Đặt cho Ngài một cái tên là đã giới hạn cái Vô Hạn rồi. Đây là điều không thể! Nhưng khi tỏ mình ra với Mô-sê nơi bụi gai bốc cháy, Ngài tự xưng mình là “Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacop”, nghĩa là Ngài là Thiên Chúa của con người. Khi xưng hô như thế, Thiên Chúa tự khẳng định rằng mình có một mối tương quan với con người chứ không phải một Đấng Tuyệt Đối trơ trơ lạnh lùng, tự đủ ở chót vót trên cao. Rồi sau đó, Ngài trở thành Thiên Chúa của một dân, cùng đồng hành với họ qua những chặng đường dài của lịch sử.
Dù hạ mình, nhưng Thiên Chúa vẫn là một Đấng Tuyệt Đối, phi thời gian, siêu vượt trên tất cả. Trí óc của con người chúng ta hạn hẹp, chỉ có thể nắm bắt được những gì nằm trong không gian và thời gian. Với một Thực Thể phi thời gian như Thiên Chúa, chúng ta hoàn toàn không có một khái niệm nào. Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử con người, nhưng vẫn giữ nguyên là một Thiên Chúa vô hạn, không thể được nắm bắt cách trọn vẹn. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, thuở xa xưa, Ngài liên hệ với con người qua các trung gian như các ngôn sứ, thủ lãnh… Nhưng vào thời sau hết, Ngài đã sai Con của mình giáng thế để “viếng thăm và cứu chuộc dân Người”. Qua người Con này, Thiên Chúa và con người đã không còn xa cách.
Đến đây, một huyền nhiệm mới nữa từ Thiên Chúa được tỏ lộ cho chúng ta. Con Thiên Chúa đã làm người, sống như con người và cũng chết như con người. Nhưng Ngài lại khẳng định rằng mình cũng là Thiên Chúa và trong các bài giảng, Ngài gọi một Đấng khác trên cõi trời cao là Cha, là Thiên Chúa của mình. Rồi lần khác nữa, Ngài nhắc đến một nhân vật bí ẩn nào đó với nhiều tên gọi khác nhau: Thánh Thần, Đấng Bào Chữa… ngang hàng với mình và Chúa Cha. Trước khi về trời, Ngài đã sai các môn đệ của mình đi khắp tứ phương thiên hạ để rao giảng Tin Mừng và làm phép rửa cho muôn dân nhân danh “Cha, Con và Thánh Thần”. Như thế, hoá ra, Thiên Chúa của Kitô giáo không phải là một Thiên Chúa đơn độc, một mình. Thiên Chúa là một cộng đoàn có ba ngôi vị: Cha, Con và Thánh Thần, nhưng lại chỉ có một Chúa. Ta gọi đây là mầu nhiệm “một Chúa ba ngôi”. Chẳng ai có thể hiểu và giải thích được một cách cặn kẽ về mầu nhiệm này. Người Kitô hữu không tự nhiên “bịa” ra mầu nhiệm khó hiểu này. Giáo Hội Công Giáo biết về chân lý này nhờ mặc khải của Ngôi Con, Đấng là một trong ba ngôi, đã xuống thế làm người.
Thiên Chúa của Kitô giáo là một Đấng Siêu Việt vô hình, siêu việt trên hết mọi loài, là căn nguyên, nguồn gốc và cùng đích của mọi loài. Nhờ Ngài mà mọi sự được hiện hữu, được duy trì và phát triển. Thiên Chúa ấy chỉ có một mà thôi, nhưng gồm Cha, Con và Thánh Thần. Cha không phải là Con, hay Thánh Thần. Con không phải là Cha hay Thánh Thần. Thánh Thần không phải là Cha hay Con. Đây không phải là ba biểu hiện khác nhau hay là ba tên gọi thể hiện ba chức năng khác nhau của một Thiên Chúa nào đó. Nhưng mỗi Vị là một Thiên Chúa trọn vẹn và đầy đủ.
Trên đây chỉ là vài phác thảo ngắn gọn về Thiên Chúa. Càng đi sâu tìm hiểu về Ngài, ta càng thấy mình chẳng thể hiểu được gì. Đến với Ngài, ta cần niềm tin. Chính niềm tin sẽ mang đến cho chúng ta sự hiểu biết.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét