Trang

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Lễ Trọng.

Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.
Lễ Trọng.
Ngày thế giới cầu cho hoà bình.


Bài Ðọc I: Ds 6, 22-27

"Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel và Ta sẽ chúc lành cho chúng".

Trích sách Dân Số.

Chúa phán cùng Môsê rằng: "Hãy nói với Aaron và con cái nó rằng: Các ngươi hãy chúc lành cho con cái Israel; hãy nói với chúng thế này: "Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con". Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel, và Ta sẽ chúc lành cho chúng".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8

Ðáp: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con (c. 2a).

Xướng: 1) Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con; xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ. - Ðáp.

2) Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu. - Ðáp.

3) Chư dân, hãy ca tụng Ngài; thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Gl 4, 4-7
"Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, khi đã tới lúc thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử. Sở dĩ vì anh em được làm con, Thiên Chúa đã sai Thần Trí của Con Ngài vào tâm hồn chúng ta, kêu lên rằng: "Abba!", nghĩa là "Lạy Cha!" Thế nên, bạn không còn phải là tôi tớ, nhưng là con; mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Dt 1, 1-2

Alleluia, alleluia! - Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 2, 16-21
"Họ đã gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi... và tám ngày sau người ta gọi tên Người là Giêsu".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.

Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Tâm Tình Hòa Bình

Những bài Kinh Thánh chúng ta vừa nghe đọc cho thấy Lễ này có nhiều khía cạnh. Từ ngàn xưa khi mừng Lễ Chúa Giáng Sinh, Dân Chúa vẫn chú tâm đến Ðức Mẹ và không ngớt chiêm ngưỡng khuôn mặt của Người nơi máng cỏ. Có thể nói, Mùa Giáng sinh cũng là mùa lễ Ðức Mẹ. Nhưng riêng ngày 1 tháng Giêng hôm nay, Phụng vụ nhiều khi lúng tún: khi thì chú trọng đến việc cắt bì và đặt tên cho Hài Nhi, khi lại muốn tôn kính đặc biệt Ðức Thánh Mẫu. Ðức Phaolô VI lại thêm cho ngày này một ý nghĩa xã hội và đặt tên là Ngày Hòa Bình Thế Giới. Suy nghĩ của chúng ta có lẽ nên bao gồm cả ba khía cạnh đó để Ngày Lễ hôm nay được cử hành một cách phong phú.

1. Cắt Bì Và Ðặt Tên Cho Hài Nhi

Trong Thánh Lễ Nửa Ðêm Giáng sinh, Phụng vụ đọc cho ta nghe bài Tin Mừng Luca. Tác giả thuật lại câu chuyện Chúa ra đời một cách chính xác khiến ta thấy rõ lịch sử tính của Tin Mừng. Nhưng Luca đã dùng một từ ngữ, mà những người có kiến thức đạo đức nông cạn đã không hiểu gì. Luca nói: Ðức Maria đã sinh con đầu lòng, lấy khăn bọc lại rồi đặt vào máng cỏ. Có người đã nói: vì sao lại nói là "con đầu lòng"? Ðức Maria có sinh người con nào khác nữa đâu! Tốt hơn và chính xác hơn nên nói là "Con Một". Suy nghĩ như thế cũng đúng thôi, và khoa học đấy,nhưng lại không đạo đức như Luca là một tác giả Sách Thánh. Chữ "Con đầu lòng" dùng trong Tin Mừng gợi lên nhiều âm vang trong Cựu Ước, đặc biệt các đoạn sách liên quan tới việc Chúa đưa dân ra khỏi Aicập. Ngày ấy, thần sứ nhà Trời đã đi qua nước này và giết hết các con trai đầu lòng người Aicập và bỏ qua các con trai đầu lòng người Dothái. Từ đó, cả dân được cứu vớt được coi như con đầu lòng của Chúa và mọi con trai đầu lòng người Dothái phải được hiến thánh cho Ngài để trở thành của Ngài, đến nỗi gia đình phải dâng một đôi chim hay một con chiên nhỏ cho Ðền Thờ để thế lại rồi mới được đem đứa con đầu lòng về lại gia đình.

Vậy, khi dùng từ ngữ "con trai đầu lòng" để nói về Hài Nhi mà Ðức Maria vừa sinh ra, Luca muốn cho chúng ta nhìn thấy ngay Hài Nhi về phương diện đạo đức. Ðây là Hài Nhi thánh, Hài Nhi của dân thánh, Hài Nhi được hiến thánh, là Con của Thiên Chúa. Nhất là Luca đã viết trong bài Truyền tin rằng: Thánh Thần đến phủ bóng trên Ðức Maria; nên Trẻ Người sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Thế nên Luca đã không dùng từ ngữ "Con Một" để nói về Hài Nhi Ðức Maria vừa sinh ra; ông đã dùng từ ngữ "con đầu lòng" để bao trùm máng cỏ trong một bầu khí thánh thiện đạo đức.

Và chúng ta cũng phải nhìn việc cắt bì và đặt Tên cho Hài Nhi trong bầu khí thánh thiện đạo đức ấy. Mọi ý nghĩa tò mò đều không xứng đáng. Người Dothái cử hành ngày thứ 8 này sau khi đứa trẻ sinh ra, một cách thánh thiện lạ lùng. Họ ý thức đâu là buổi lễ liên kết gia đình, dòng dõi họ vào Giao ước; họ được gắn liền với Thiên Chúa để Yavê là Chúa của họ và họ là dân và con của Ngài ở giữa mọi dân khác chỉ là dân ngoại. Gia đình Hài Nhi ở Bêlem còn cử hành ngày hôm nay đạo đức hơn nữa. Vì cả Yuse lẫn Maria sẽ phải đặt Tên cho Con Trẻ là Yêsu, như thiên thần đã dạy. Làm công việc này là vâng theo Ý Chúa, là thực hiện chương trình cứu độ của Ngài. Ngày hôm nay đáng dùng để suy nghĩ về các Ngài và đặc biệt về Ðức Maria.

2. Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa

Còn tước hiệu nào hợp hơn để nói về Ðức Maria trong hoàn cảnh này bằng tước hiệu Mẹ Thiên Chúa? Dĩ nhiên những lạc giáo ở những thế kỷ III-IV đã khiến Phụng vụ nhấn mạnh đến khía cạnh này. Nhưng như vậy cũng chỉ đúng với sự thật thôi! Nhìn Ðức Maria nơi máng cỏ, ai không thấy Người là Mẹ? Và sở dĩ máng cỏ được chúng ta chú ý và các thế hệ loài người nhìn ngắm, là vì Hài Nhi nằm đó không phải là một trẻ thường. Cả Luca, cả Yoan và cả Matthêô chỉ nói về Hài Nhi này như là một Trẻ Thánh. Luca dù tả chính xác câu chuyện Chúa sinh ra với những chi tiết thật cụ thể, vẫn gọi Hài Nhi là "con đầu lòng" như chúng ta đã nói ở trên và vẫn thêm cả một khúc trong bài tường thuật để làm nổi bật tính cách thần linh trong việc Giáng sinh này. Yoan thì rõ ràng xác định: Hài Nhi chính là Ngôi Lời trở thành nhục thể. Và chúng ta cử hành Phụng vụ Giáng sinh để cùng với các thiên thần trên trời thờ lạy người Con mà Chúa Cha vừa sinh ra ở đời. Vậy, Hài Nhi nơi máng cỏ đã là Ðấng Thánh, là Con Thiên Chúa và là chính Ngôi Lời Thiên Chúa hóa thân làm người, thì Ðức Maria, mẹ Người, cũng thật là Thánh Mẫu và là Mẹ Thiên Chúa.

Ðừng sợ tước hiệu này xúc phạm đến Thiên Chúa Cao Cả. Ngài đã chấp nhận giáng trần để trở nên như chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi; Ngài chấp nhận mọi luật lệ sinh sống, đau khổ và tử nạn, thì tại sao ta lại sợ nói phạm đến Ngài khi bảo Ngài là con của một người mẹ? Ngài đã gọi chúng ta là anh em và muốn là bạn hữu của mọi người; và chúng ta lấy đó làm vinh dự, thì chúng ta càng không có lý khi không muốn tuyên xưng Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Suy nghĩ kỹ, chúng ta chỉ có thể thấy đây là một vinh dự lớn lao cho một người trong loài người chúng ta. Chúng ta phải hân hoan chúc tụng Mẹ là Ðấng đầy ơn phúc. Chúng ta cảm mến Mẹ và nhất là muốn theo gương Mẹ để có tâm hồn, tâm tình và thái độ đạo đức như Mẹ.

3. Tâm Tình Hòa Bình

Trong bài Tin Mừng Luca hôm nay, Mẹ hiện ra như là một từ mẫu ghi sâu tất cả những điều về Con và suy đi nghĩ lại trong lòng. Chúng ta quen nhìn thái độ ấy một cách đạo đức và có lý để coi Mẹ như là gương mẫu về sự chiêm niệm và cầu nguyện. Nhưng chúng ta cũng đừng quên nhìn thái độ ấy một cách tự nhiên hơn, để thấy Ðức Maria là một bà mẹ như hết mọi bà mẹ, ghi nhớ tất cả những điều gì về Con và gẫm suy những điều đó trong lòng. Quả thật, người mẹ nào không tự hỏi về tương lai của đứa con? Bất cứ dấu hiệu nào cũng khiến người mẹ suy nghĩ. Ðức Maria không suy đi nghĩ lại sao được khi thấy các mục đồng đến thăm và kể chuyện về việc các thiên thần hiện ra ban đêm? Và Người có thể nào không suy nghĩ về tiếng "Yêsu" mà từ nay theo lệnh sứ thần, Người sẽ dùng để gọi Con mình. Chính sứ thần đã giải thích trong buổi Truyền tin: "Bà sẽ gọi Con Trẻ là Yêsu. 
Người sẽ làm lớn và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Chính Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vua Ðavit cha Người và Người sẽ cai trị trong nhà Yacob đến muôn đời". Những lời đó không đơn sơ dễ hiểu. Nội dung chắc chắn vô cùng phong phú. Maria dĩ nhiên phải suy đi nghĩ lại.

Hôm nay các mục đồng lại kể thêm về các lời của thiên sứ. Hài Nhi trong máng cỏ sẽ là Cứu Thế, nên các thiên thần đã xướng ca: Vinh quang Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương. Như vậy, Yêsu Con của Ðức Maria thực hiện lời tiên tri hứa cùng nhà Ðavít. Người sẽ đem lại hòa bình cho Dân Chúa và vinh quang cho Chúa Trời. Ðức Maria hôm nay gẫm suy những điều ấy. Và Ðức Phaolô VI khuyên ta hằng năm hãy dùng Ngày Ðầu Năm Dương lịch này để suy nghĩ về hòa bình thế giới.

Chúng ta đã ra khỏi những năm chiến tranh. Chúng ta vẫn còn nhiệm vụ phải suy nghĩ về hòa bình. Hòa bình không phải chỉ là hết chiến tranh. Hòa bình còn là xây dựng bình đẳng, ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc nữa. Phần tích cực có thể nói còn gồm nhiều mặt hơn phần tiêu cực là hết chiến tranh. Vả lại hết chiến tranh cũng phải là đã hết những hậu quả của chiến tranh là những thương tích, đổ vỡ vật chất và tinh thần. Chúng ta phải cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới. Chúng ta còn có nhiệm vụ quốc tế và công giáo. Hòa bình hạnh phúc phải là khí thở của mọi người trên thế giới.

Chúng ta đóng góp được gì? Hãy suy nghĩ hòa bình như Ðức Maria hằng suy đi nghĩ lại. Người suy nghĩ về Danh "Yêsu", có nghĩa là Cứu Thế. Danh đó phải được kêu cầu trên con cái loài người, như bài sách Dân số nói, để phước lộc được đổ xuống trên các dân. Và phước lộc phong phú cụ thể là chính Thánh Thần yêu mến mà Thiên Chúa muốn đổ xuống lòng mọi người, như lời thư Galát nói, để khi chúng ta gọi Chúa là Cha thì thấy mình là anh em với nhau.

Nhưng làm sao có thể kêu cầu Danh Chúa Yêsu mang lại hòa bình như thế, khi không bắt chước Ðức Maria mà kêu Danh ấy với tất cả lòng yêu mến dấn thân. Mỗi lần Ðức Maria gọi tên Yêsu, Người muốn hiến thân để cùng cứu thế. Ðiều đó thật chắc chắn! Ðiều đó nhắc nhở ta là Kitô hữu phải hiến thân cứu đời, tức là quên mình để sống vì hạnh phúc của xã hội. Yêu hòa bình thì phải xây dựng công bình bác ái; phải kiến tạo bình đẳng, ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc; phải dứt khoát với mọi hình thức vinh thân phì gia, sống chết mặc bay miễn là cái tôi ích kỷ được thỏa mãn. Như vậy, hòa bình đòi phấn đấu và đấu tranh để tiêu diệt các xấu và phát triển cái tốt. Rất nhiều công tác cụ thể đang ở tầm tay mỗi người. Hết thảy chúng ta hãy tích cực để chúng ta không chỉ nói hòa bình nhưng muốn xây hòa bình.

Chúng ta sẽ đáp lại nguyện vọng của Ðức Phaolô VI khi đặt tên cho ngày hôm nay là Ngày Hòa Bình Thế Giới. Chúng ta sẽ bắt chước Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, hôm nay suy nghĩ về Danh Ðức Yêsu, muốn hiến thân cùng cứu thế với Người. Chúng ta sẽ thể hiện ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể sắp cử hành, khi đem thân, đem máu mình ra để hủy diệt cái cũ, xây dựng cái mới cho muôn người được cứu độ.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Ngày 1 tháng 1, Lễ Mẹ Thiên Chúa, Năm ABC
Bài đọcNum 6:22-27; Gal 4:4-7; Lk 2:16-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời chúc lành tốt đẹp nhất của Năm Mới.

Trong Ngày Đầu Năm, chúng ta có thói quen chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, tùy vào những gì mà người khác muốn nghe; chẳng hạn, đối với các thương gia: phú quí, thịnh đạt; đối với các sinh viên sắp ra trường: thành công và thắng lợi trên đường công danh; đối với nhà nông: mùa màng trù phú; đối với người bệnh: sức khỏe lành mạnh. Nhưng đâu là lời chúc tốt đẹp và hòan hảo nhất của Ngày Đầu Năm? Các tín hữu tin đó là lời chúc có được Thiên Chúa; lý do của niềm tin này: có Chúa là có tất cả. Hơn nữa, chưa chắc có được những gì người khác chúc là đã tốt lành, chẳng hạn như được trúng số mà gia đình tan nát; nhưng nếu được những gì Thiên Chúa ban, chắc chắn sẽ tốt lành cho người lãnh nhận, vì Ngài biết con người cần gì.

Các Bài đọc của Ngày Đầu Năm tập trung trong các ơn lành đến từ Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa dạy cho Aaron biết cách chúc lành cho con cái Israel: phải nhân danh Thiên Chúa, phải xin Thiên Chúa tươi mặt nhìn đến và dủ lòng thương, phải xin Thiên Chúa ghé mắt nhìn đến và ban bình an. Trong Bài Đọc II, Thiên Chúa đã tỏ tình yêu của Ngài qua Mầu Nhiệm Nhập Thể: Ngài không những giải thóat con người khỏi tội, ban cho con người diễm phúc được làm nghĩa tử, và còn ban Thánh Thần để thúc đẩy con người gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi! Trong Phúc Âm, Thiên Chúa đã ban cho con người, đại diện qua Thánh Giuse, Đức Mẹ Maria, và các Mục-đồng được nhìn thấy Mặt của Thiên Chúa. Vì thế, khi con người có được Thiên Chúa, được Ngài đóai thương nhìn tới, con người sẽ không còn thiếu một ân huệ nào nữa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lời chúc tốt đẹp nhất: Xin Thiên Chúa đóai thương nhìn tới anh em!

1.1/ Phải nhân danh Thiên Chúa mà chúc lành: Đức Chúa phán với ông Moses: "Hãy nói với Aaron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Israel, anh em hãy nói thế này: "Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em!””

Theo truyền thống Do-Thái, tên là người. Danh của Thiên Chúa, Yaweh, đồng nhất với lòng thương xót, sự tốt lành, và sự bình an. Khi Thiên Chúa hiện ra với ông Moses, Người đã mặc khải tên này cho Moses. Khi chúng ta lấy tên ai để kêu cầu, chúng ta muốn đặt những lời cầu xin dưới sự bảo trợ của người đó; chẳng hạn, khi chúng ta kết thúc lời cầu xin bằng câu: “chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen;” là chúng ta đặt lời cầu dưới sự bảo trợ của Đức Kitô. Trong đọan văn hôm nay, Thiên Chúa cũng bảo đảm điều này: “Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng.”

1.2/ Xin Thiên Chúa ghé mặt nhìn tới: “Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!" Truyền thống Do-Thái tin: Chúa nhìn thấy con người, nhưng con người không thể nhìn thấy Thiên Chúa. Ai nhìn thấy Thiên Chúa sẽ phải chết. Khi Chúa nhìn đến ai, người đó được Ngài chúc lành; ví dụ, Mẹ Maria ca ngợi Thiên Chúa: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đóai thương nhìn tới.” Ngược lại, khi Thiên Chúa ngỏanh mặt đi, hay nhìn đến với nét mặt không tươi, người đó bị chúc dữ.

2/ Bài đọc II: Chúa Giêsu làm cho con người nên công chính trước mặt Thiên Chúa.

2.1/ Thiên Chúa cho Con của Người nhập thể để cứu chúng ta khỏi Lề Luật: “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.”

Tại sao phải cứu con người thóat khỏi Lề Luật? Vì Lề Luật mà con người phạm tội, không chu tòan những gì Lề Luật dạy. Hậu quả của tội là sự chết. Con người không thể nên công chính trước mặt Thiên Chúa bằng Lề Luật. Để cứu con người thóat khỏi sự chết, hậu quả của Lề Luật, Thiên Chúa đã cho Người Con nhập thể trong cung lòng một con người, Đức Mẹ Maria, để sinh ra làm người. Chính Người Con này sẽ gánh tất cả tội cho con người; vì thế, con người có thể trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Khi Người Con cất đi mọi tội, Ngài đã vô hiệu hóa Lề Luật - làm cho Lề Luật không còn giam hãm con người nữa.

2.2/ Thiên Chúa nhận chúng ta làm nghĩa tử qua Chúa Giêsu: Không những chỉ giải phóng con người khỏi tội, Chúa Giêsu còn ban cho con người muôn vàn ân phúc qua Mầu Nhiệm Nhập Thể. Thánh Phaolô nói: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Abba, Cha ơi!" Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.”

(1) Ơn làm con Thiên Chúa: Nhờ Chúa Giêsu, con người trở thành những người con của Thiên Chúa bằng niềm tin vào Đức Kitô, như Thánh Gioan nói: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Jn 1:12-13). Đã là con, cũng là người thừa kế. Con người được thừa hưởng tất cả những gì Thiên Chúa ban qua Đức Kitô, nhất là ơn được sống đời đời.

(2) Các ơn của Chúa Thánh Thần: Để có thể tin vào Đức Kitô, và gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi! con người phải được Chúa Thánh Thần tác động. Nếu đã có Thánh Thần, con người sẽ không thiếu những ơn lành của Ngài, cách cụ thể là 7 ơn của Chúa Thánh Thần.

3/ Phúc Âm: Các Mục-đồng đến thờ lạy Hài Nhi.

3.1/ Ba phản ứng của các Mục-đồng: Sau khi được các Thiên-thần loan báo Tin Mừng, các Mục đồng đã đáp lại bằng 3 phản ứng:

(1) Họ đi tìm và đã thấy: Trình thuật kể: “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp Bà Maria, Ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.” Con người chúng ta cũng phải hối hả và nhiệt thành như các Mục-đồng trong việc tìm kiếm Thiên Chúa; vì nếu không lên đường đi tìm, làm sao chúng ta có thể thấy Ngài được. Yếu điểm của nhiều người chúng ta là nhiệt thành tìm kiếm mọi điều, nhưng không nhiệt thành trong việc tìm kiếm và học hỏi về Thiên Chúa. Với một thái độ như thế, không lạ gì khi chúng ta vẫn còn xa cách Thiên Chúa vạn dặm!

(2) Họ tôn vinh ca tụng tình yêu Thiên Chúa: “Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.” Không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui của người đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa. Các Mục-đồng chắc chắn đã được Hài Nhi cho cảm nghiệm được tình yêu này, khi họ chiêm ngắm Ngài. Chúng ta đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa khi chiêm ngắm Hài Nhi trong máng cỏ chưa?

(3) Phải rao giảng và làm chứng cho tình yêu này: “Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.” Một khi đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, con người trở thành khí cụ ca rao tình yêu của Thiên Chúa cho muôn người. Thánh Phanxicô Khó Khăn chỉ có thể hát lên “Kinh Hòa Bình” sau khi đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho ngài. Nếu các tín hữu đều phản ứng như các Mục-đồng hôm nay, chẳng mấy chốc mọi con người trong thế giới này sẽ cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa.

3.2/ Mẹ Maria ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy để suy đi nghĩ lại trong lòng: Một gương sáng Đức Mẹ dạy cho con người: đứng trước Mầu Nhiệm Nhập Thể, chúng ta đừng nói nhiều, nhưng hãy ghi nhận mọi sự kiện xảy ra và suy niệm trong lòng. Như một con người, có rất nhiều điều Mẹ có thể hỏi và kêu ca trách Thiên Chúa trong ngày sinh của Chúa Giêsu; chẳng hạn: Con Thiên Chúa mà lại sinh ra trong cảnh khó nghèo như vậy sao? Uy quyền của Thiên Chúa đâu mà để cho Con Ngài mới sinh ra đã phải chạy nạn rồi? Không phải chỉ lúc sinh con, nhưng trong suốt cả cuộc đời, Mẹ đã chứng kiến cuộc sống của Chúa Giêsu: khi thì rất uy quyền làm các phép lạ như tại tiệc cưới Cana, khi thì cô đơn bại trận như lúc sinh thì trên Thánh Giá. Mẹ có thể hỏi Thiên Chúa những lý do tại sao, nhưng Mẹ đã chọn sự thinh lặng và hòan tòan tin tưởng vào Kế Họach và tình yêu của Thiên Chúa cho gia đình Mẹ.

3.3/ Đặt tên cho con trẻ là Jesus: Tên Jesus trong tiếng Do-Thái có nghĩa là “Jaweh cứu thóat,” đó là tên mà Sứ-thần đã truyền đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ (Lk 1:31). Trong Cựu-Ước, cũng có một nhân vật mang tên này là Thủ Lãnh Joshua. Ông được chọn để thay Moses mang dân vào Đất Hứa (Num 13:6). Giống như Joshua, Chúa Giêsu cũng được Chúa Cha tuyển chọn để cứu nhân lọai khỏi tội, và mang họ đế cuộc sống đời đời trên Thiên Đàng. Khi ban cho chúng ta Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã sống đúng với Danh của Ngài là Thiên Chúa Thương Xót.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Trong Ngày Đầu Năm, chúng ta hãy dùng danh Đức Kitô mà chúc cho nhau được Thiên Chúa đóai thương nhìn tới.
- Vì Thiên Chúa đóai thương, nên Người ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài, để gánh tội và để cho chúng ta thành những người con của Ngài.

- Thuở xưa, con người không được phép nhìn mặt Thiên Chúa; nhưng qua Biến Cố Nhập Thể, con người có thể chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa qua khuôn mặt của Chúa Hài Nhi.

- Với nền kinh tế bấp bênh của thế giới và của quốc gia chúng ta đang định cư, chúng ta không biết tương lai sẽ thế nào; nhưng chúng ta biết chắc chắn một điều: “những người được Thiên Chúa đóai thương, sẽ chẳng thiếu chi những điều tốt lành và bình an.”

- Cầu chúc quí khán giả khắp nơi luôn hăng hái nhiệt thành trong việc học hỏi Lời Chúa, và luôn sống trong tình yêu và ơn thánh của Ngài. Chúng con cầu xin nhờ Danh Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.



Chia sẻ của Lm Lê minh Thông

Đoạn Tin Mừng Lc 2,6b-20 vẽ lên ba bức tranh chính: (1) Đức Ma-ri-a hạ sinh Đức Giê-su ở Bê-lem. (2) Chuyện những người chăn chiên được báo tin và tìm đến gặp Hài Nhi. (3) Lời ca ngợi Thiên Chúa của các sứ thần.
Xin chia sẻ câu chuyện về những người chăn chiên trong bức tranh thứ hai, liên quan đến các động từ “nghe”, “thấy”, “nói” và “tôn vinh Thiên Chúa”. Có thể hành trình của những người chăn chiên cũng là hành trình trở thành môn đệ Đức Giê-su qua mọi thời đại.

Bức tranh về nhân vật những người chăn chiên thật sinh động. Sứ điệp mà sứ thần dành cho những người chăn chiên là audio-visuel, nghĩa là vừa nghe bằng tai vừa thấy bằng mắt.

Trước hết những người chăn chiên thấy sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả, khiến họ kinh khiếp hãi hùng (2,9). Kế đến là họ nghe lời sứ thần với hai ý. Một là báo tin vui: Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít. Thứ đến là dấu chỉ để nhận ra Hài Nhi: 
“Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (2,12). Như thế, lời loan báo của sứ thần không phải chỉ để nghe cho biết, nhưng là một sứ điệp có khả năng biến “sợ hãi” thành “niềm vui”, có khả năng biến “lời nói” thành “hành động”: đứng dậy và lên đường.

Đáp trả lời mời gọi, những người chăn chiên bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết” (2,15). Họ đã “gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (2,16) như lời sứ thần loan báo. Nhờ kiểm chứng “lời đã nghe” bằng “mắt” đã thấy”, những người chăn chiên xác tín sự kiện đã xảy ra, từ đó trình thuật chuyển sang đề tài đối thoại với ba khía cạnh:
1) Đối thoại với người khác. Những người chăn chiên đã kể lại những điều họ đã nghe sứ thần Chúa nói với mình về Hài Nhi.

2) Đối thoại với chính mình qua hình ảnh Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng. Tự đối thoại với chính mình bằng cách sống với biến cố, tự đặt câu hỏi và tìm câu trả lời để hiểu ý nghĩa của biến cố.

3) Đối thoại với Thiên Chúa bằng cách “tôn vinh và ca tụng” (2,20) như những người chăn chiên đã làm.

Câu kết cho thấy điểm nhấn của câu chuyện: “Các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (2,20). Nhắc lại những gì đã thấy và lời loan báo để kết câu chuyện, làm lộ ra ý nghĩa trình thuật nhắm tới:
Thấy vinh quang Chúa, nghe tin vui và dấu chỉ của sứ thần, vội vã lên đường; khi đã gặp thì kể cho mọi người biết và rồi lại ra đi tôn vinh Thiên Chúa.

Đó là hành trình của người tin, hành trình trở thành môn đệ Đức Giê-su. Nghe, biết, đón nhận, tin vào Người để rồi ra đi chia sẻ cho người khác và không ngừng ca tụng tình thương của Thiên Chúa dành cho loài người.

Người chăn chiên là hạng người thấp nhất trong xã hội, nhưng họ lại là người được loan báo tin vui trước hết. Không những Thiên Chúa không loại trừ một ai mà Người còn dành ưu ái cho hạng người thấp nhất trong xã hội. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ thất vọng về chính mình hay nghĩ là Chúa bỏ rơi mình. Thực ra, chỉ có con người bỏ rơi Thiên Chúa chứ Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người.

Đoạn Tin Mừng Lc 2,6b-20 gợi lại hành trình trở thành người môn đệ và hành trình sứ vụ của chúng ta. Xin cho chúng ta biết cách nhìn để thấy những gì đã và đang xảy ra trong lịch sử; biết cách lắng nghe Lời mặc khải để đón nhận tin vui trọng đại cho loài người, để từ đó xác tín và lên đường, hân hoan loan báo tin vui và cất lời ca tụng Thiên Chúa như những người chăn chiên đã làm. Để được như thế, ước gì chúng ta luôn suy đi nghĩ lại trong lòng giáo huấn của Đức Giê-su trong suốt hành trình làm người, như Mẹ đã làm.

Lm. Anthiny  ĐINH MINH TIÊN, OP.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét