Trang

Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

Ý niệm tiếp nhận và văn hóa phò đồng tính

Ý niệm tiếp nhận và văn hóa phò đồng tính
Vũ Văn An
 

Những người phò văn hóa đồng tính trong Giáo Hội Công Giáo đang dựa vào ý niệm tiếp nhận để bênh vực lập trường của mình.

Họ cho rằng một giáo huấn sẽ mất tính chính đáng khi chưa được tiếp nhận. Những người này cũng cho rằng việc chống đối hay bất đồng mục vụ đối với giáo huấn của huấn quyền đủ để cấu thành một bất tiếp nhận và do đó triệt tiêu giá trị của huấn quyền.

Về khía cạnh này, không ai đủ tư cách bằng Cha Yves Congar, cha đẻ của học lý tiếp nhận và là người vì học lý này đã bị trù dập rất nhiều cho tới khi được Đức Gioan XXIII vực dậy và mời vào tham dự Công Đồng Vatican II trong tư cách thần học gia hàng đầu. Theo cha, không phải việc tiếp nhận tạo nên tính chính đáng cho một giáo huấn, mà là các thẩm quyền nâng đỡ nó. Cha cũng chống lại quan điểm coi việc chống đối hay bất đồng một giáo huấn làm cho giáo huấn này thành vô hiệu.

Những người chủ trương như thế quên mất nguyên tắc sau đây: tác phong tội lỗi, thay vì vô hiệu hóa các qui phạm luân lý, chính là lý do khiến phải có các qui phạm luân lý. Sự lấn lướt của tội ác bạo hành không vô hiệu hóa các qui phạm luân lý nhằm chống lại tội ác bạo hành này.

Thực ra, lý thuyết hay học lý tiếp nhận có nhiều hình thức, tùy theo ta tiếp nhận điều chi, tiếp nhận trong bối cảnh nào. Thí dụ tiếp nhận một điều luật, có khác với tiếp nhận một tín điều, một giáo huấn, một giáo lý hay một thỏa thuận đại kết.

Tiếp nhận trong phạm vi luật lệ

Ý niệm tiếp nhận dễ hiểu hơn cả khi bàn tới nó trong lãnh vực luật lệ, là lãnh vực nhiều người coi phần đóng góp của con người trội hơn. Về phương diện này, Gratian, người được coi như cha đẻ của khoa giáo luật, trong tác phẩm Decretum (khoảng năm 1140), từng viết rằng: “Luật được thiết lập (instituted) khi chúng được công bố và được xác nhận (confirmed) khi chúng được chấp nhận bởi việc thực hành của những người dùng nó”.

Thành thử theo Gratian, việc làm luật là một diễn trình hai bước: luật được soạn thảo và công bố bởi 1 thẩm quyền hợp pháp, người sử dụng xác nhận bằng cách thực hành nó.

Các giáo luật gia sau Gratian phần lớn cũng nhấn mạnh đến hai khía cạnh trên trong diễn trình luật lệ. Nhưng trong số các luật gia này, tác giả của Glossa Palatina (khoảng năm 1215) nói rằng xác nhận luật bằng cách thực hành nó là xác nhận de facto (trên thực tế); chứ de jure (trên nguyên tắc), luật đã được xác nhận bởi chính việc thiết lập ra nó. Sự phân biệt này sau đó đã được nhiều giáo luật gia ủng hộ.

Việc xác nhận trên thực tế không hẳn tạo nên tính chính đáng của luật cho bằng tính hữu hiệu của nó. Một cách mô tả diễn trình thiết lập luật lệ là: nó được dẫn khởi khi được một thẩm quyền hợp lệ công bố, nhưng có hiệu lực đầy đủ, có tính bắt buộc trọn vẹn khi được các chủ thể tiếp nhận. Như thế, nó có hai bình diện hiện hữu. Giống một thảo chương vi tính, nó được thiết kế và tung ra thị trường, nhưng nó chỉ thực sự hữu hiệu khi “nhóm người sử dụng” (user group) thực sự sử dụng nó.

Tiếp nhận là vấn đề sinh lực, sức sống. Một luật lệ mới ban hành rất có thể hoàn toàn hợp lệ, nhưng nó chưa có sức lực hay chưa có ảnh hưởng tích cực trong đời sống của cộng đồng. Nó vẫn chưa gây hiệu quả thực sự nào trên tác phong của người ta.

Có tác giả ví một luật mới được công bố nhưng chưa được tiếp nhận như một cuộc hôn nhân chưa hoàn hợp. Giáo luật các điều 1055-1060, 1141 và 1142 định rằng một cuộc hôn nhân thành hiệu, kể cả theo nghĩa bí tích, cũng có thể được giải tiêu nếu chưa được hoàn hợp bằng tác động vợ chồng. Sự ưng thuận tạo nên hôn nhân, nhưng sự phối hợp này không được coi là trọn vẹn cho tới khi được hoàn hợp về thể xác. Cũng thế, hành vi luật pháp bắt đầu là một luật, nhưng chỉ được kể là được thiết lập trọn vẹn khi đem ra thực hành.

Tuy nhiên, trước nhất phải lưu ý tới sự kiện này: nói tới luật Giáo Hội là nói theo lối loại suy (analogy). Nó khác với luật đời hơn là giống luật đời. Lý do hiển nhiên là vì Giáo Hội là một cộng đồng khác xa với một nhà nước. Giáo Hội khác xa nhà nước về nguồn gốc, mục tiêu, lịch sử, bản sắc, năng động tính nội tại và số phận cùng đích. Trong Giáo Hội, luật lệ có một mục tiêu khác: đã đành là chúng được dùng để duy trì trật tự và bảo vệ quyền lợi bản thân, nhưng mục tiêu tối hậu của nó là ích lợi thiêng liêng, là tình yêu hỗ tương giữa các chi thể, là sự cứu rỗi đời đời của họ. Nguồn gốc thẩm quyền trong Giáo Hội là uy quyền của Chúa Phục Sinh và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần; những nguồn gốc này chỉ được nhìn nhận bởi người có đức tin mà thôi. Khoa giáo luật vì thế là một khoa thần học, không phải là một khoa pháp chế (juridical). Các nguyên lý của nó rút từ mạc khải thánh và truyền thống Giáo Hội. Các nhà giáo luật học là các thừa tác viên trong Giáo Hội, không phải các luật sư. Giáo Hội là một hiệp hội tự ý, tự nguyện. Không ai bị cưỡng bức trở thành hội viên. Nó là một cộng đồng tạo thành bởi cam kết tự do.

Điều thứ hai: trong hôn nhân, việc chưa hoàn hợp về thể xác không đương nhiên đánh đổ tính thành hiệu (validity) của hôn nhân. Muốn đánh đổ nó, phải có một hành vi tích cực của giáo hoàng. Do đó, việc không tiếp nhận luật của cộng đồng không hẳn có hiệu lực pháp lý y như việc cộng đồng tiếp nhận nó. Tưởng nên phân biệt hai từ ngữ quan trọng ở đây: một là thành hiệu hay thành sự (validity) hai là hữu hiệu hay có hiệu quả (effectiveness). Một số tác giả dùng hai từ ngữ này một cách không phân biệt, xem ra hơi tùy tiện. Ở đây, dựa vào bản chất bí tích, người ta có thể có ý niệm rõ hơn một chút: bí tích thành hiệu khi được thừa tác viên có thẩm quyền cử hành, bất kể thừa tác viên này xấu hay tốt, một nguyên tắc thường được gọi là ex opere operato (do việc làm được thực hiện). Nhưng muốn có hiệu quả thì người nhận bí tích phải có ý hướng tốt. Không có sự tiếp nhận của người có ý hướng tốt, thì diễn trình bí tích chưa hoàn hảo. Nhưng người tiếp nhận không có ý hướng tốt, nghĩa là không muốn tiếp nhận, vẫn không đánh đổ được tính thành sự của bí tích. Thiển nghĩ luật thành hiệu (có hiệu lực pháp lý) khi được thẩm quyền hợp pháp công bố. Luật đem lại hiệu quả khi được cộng đồng tiếp nhận đem ra thực hành. Không có sự tiếp nhận này, luật không vô hiệu lực (invalid) nhưng vô hiệu quả (ineffective).

Tiếp nhận và cảm thức đức tin

Trong Giáo Hội, tiếp nhận không phải chỉ là tiếp nhận luật lệ, còn nhiều hình thức tiếp nhận khác nữa, như tiếp nhận giáo huấn của Giáo Hội, nhất là các giáo huấn bất khả ngộ, như các giáo huấn về hôn nhân và dâm ô. Thành thử ta phải tìm hiểu ý niệm tiếp nhận trong một đồng văn bao quát hơn. Đồng văn này chính là cảm thức đức tin.

Thực vậy, sở dĩ Giáo Hội nhấn mạnh tới khía cạnh tiếp nhận là vì Giáo Hội xác tín rằng người tín hữu nào cũng có cảm thức đức tin. Xác tín này dựa vào thư thứ nhất của Thánh Gioan: “anh em đã được Đấng Thánh xức dầu cho, và tất cả anh em đều được hiểu biết”, “việc xức dầu mà anh em đã nhận được (từ Chúa Kitô) đang ở trong anh em, và anh em không cần bất cứ ai dạy dỗ anh em nữa”, “việc Người xức dầu cho anh em đã dạy anh em mọi điều rồi” (1Ga 2:20, 27).

Tài liệu Cảm Thức Đức Tin Trong Đời Sống Giáo Hội của Ủy Ban Thần học Quốc Tế, trực thuộc Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, năm 2014, quả quyết rằng: “tín hữu có được một bản năng đối với chân lý của Tin Mừng, bản năng này giúp họ khả năng nhận biết và tán thành học lý và thực hành Kitô Giáo chân chính, và bác bỏ những gì là sai lầm. Vì được nối kết với hồng ân đức tin từ trong nội tại, bản năng siêu nhiên này được gọi là cảm thức đức tin (sensus fidei)” (số 2).

Ở số 3, văn kiện trên xác nhận rằng: “cảm thức đức tin được phản ảnh nơi sự đồng thuận của người đã nhận phép rửa trong việc qui phục tín lý đức tin hay một yếu tố nào đó của giáo lý hành động Kitô Giáo (Christian praxis). Sự đồng thuận (consensus) này đóng một vai trò sống còn trong Giáo Hội: sự đồng thuận của các tín hữu (consensus fidelium) là tiêu chuẩn chắc chắn để ta xác nhận liệu một học lý hay một thực hành đặc thù nào đó có thuộc đức tin tông truyền hay không”.

Vấn đề đặt ra là: điều gì xẩy ra khi không có sự đồng thuận này, nói cách khác khi không có sự tiếp nhận một học lý hay một thực hành từ phía tín hữu?

Trước khi trả lời câu hỏi trên, văn kiện đề cập tới mối tương quan giữa cảm thức đức tin và huấn quyền. Điều đầu tiên là huấn quyền lắng nghe cảm thức đức tin. Khía cạnh này liên tục diễn ra trong Giáo Hội, như trước khi định tín một cách vô ngộ cả mầu nhiệm Vô Nhiễm Thai của Trinh Nữ Diễm Phúc Maria lẫn mầu nhiệm ngài được triệu cả hồn lẫn xác về trời, chẳng hạn, một tham khảo sâu rộng với các tín hữu đã được thực hiện theo ý muốn minh nhiên của các vị giáo hoàng những lúc đó. Về phương diện này, không công thức nào bất hủ bằng công thức: lex orandi, lex credendi (luật cầu là luật tin).

Ngược lại, huấn quyền nuôi dưỡng, biện phân và phán kết cảm thức của các tín hữu, vì huấn quyền gồm những vị “đã lãnh nhận charisma veritatis certum (đặc sủng chân lý chắc chắn] (Dei Verbum 8) .

Không gì diễn tả hay hơn sự tương tác trên cho bằng ý niệm hiệp thông. Chính trong sự hiệp thông này mà diễn trình tiếp nhận đã diễn ra.

Văn kiện định nghĩa tiếp nhận như sau: “một diễn trình trong đó, nhờ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, dân Chúa nhận ra các trực giác hay các thông tuệ (insights) và tích hợp chúng thành những khuôn mẫu và cơ cấu cho đời sống và việc thờ phượng của mình, bằng cách chấp nhận chứng tá mới của chân lý và các hình thức phát biểu tương ứng về nó, vì chân nhận rằng chúng phù hợp với truyền thống tông đồ… Nhờ cảm thức đức tin mà họ vốn sở hữu, các tín hữu nhận ra chân lý của điều được giảng dạy và trung thành nắm giữ nó” (số 79).

Và trong số 80, văn kiện đề cập thẳng tới hoàn cảnh gặp khó khăn hay chống đối: “trong những hoàn cảnh này, đòi hỏi đôi bên phải có hành động thích đáng. Các tín hữu phải suy nghĩ về giáo huấn được ban hành, bằng cách hết sức cố gắng để hiểu nó và chấp nhận nó. Như một nguyên tắc, chống đối giáo huấn của huấn quyền là điều không thể đi đôi với cảm thức đức tin chân chính. Cũng thế, huấn quyền cũng phải suy nghĩ về giáo huấn đã ban hành và xét xem liệu có cần phải soi sáng thêm hay phát biểu lại để thông truyền sứ điệp chủ yếu một cách hữu hiệu hơn không. Các cố gắng hỗ tương này trong những lúc gặp khó khăn tự chúng nói lên sự hiệp thông vốn có tính chủ yếu đối với đời sống Giáo Hội, và cả lòng mong ước được Chúa Thánh Thần ban ơn, Đấng luôn hướng dẫn Giáo Hội ‘trong mọi chân lý’ (Ga 16:13)”.

Như thế, không tiếp nhận là hạn từ dường như không thích hợp. Trong Giáo Hội người ta thường chỉ nói tới “tiếp nhận” và “chưa tiếp nhận”, chứ không nói tới “không tiếp nhận” vì tiếp nhận không chỉ một hành động mà là chỉ một diễn trình, có thể lâu dài, nhưng với cố gắng của cả hai phía trong tình hiệp thông và cầu nguyện, thì sẽ có tiếp nhận. Hơn nữa, cả hai phía cùng được một Thần Trí thúc đẩy thì không thể nào lại không có đồng thuận.

Mặt khác, thiên hướng (disposition) của người tiếp nhận là điều chủ yếu trong diễn trình tiếp nhận. Diễn trình biện phân được triều giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh càng làm cho các thiên hướng trở thành quan yếu hơn vì thiếu chúng, biện phân không thể nào đúng hướng được. Vậy để tham gia chân thực vào cảm thức đức tin, tín hữu cần có những thiên hướng nào?

Văn kiện của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế liệt kê một số thiên hướng sau đây:

a) Tham gia đời sống Giáo Hội: tích cực tham dự phụng vụ, thường xuyên lãnh nhận các bí tích, tích cực dấn thân vào sứ vụ và các tác vụ (diakonia) của Giáo Hội... Tóm lại, sentire cum ecclesia (cảm nhận với Giáo Hội), tức đồng cảm nhận, đồng cảm thức và đồng tri nhận một cách hòa điệu với Giáo Hội.

b) Lắng nghe lời Thiên Chúa: Gắn bó với Thánh Kinh và Thánh Truyền.

c) Cởi mở đối với lý trí: Phải yêu Thiên Chúa “với hết trí khôn ngươi” (Mc 12:30).

d) Gắn bó với huấn quyền: “Bất cứ ai lắng nghe các con là lắng nghe Thầy, và bất cứ ai bác bỏ các con là bác bỏ Thầy, và bất cứ ai bác bỏ Thầy là bác bỏ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10:16).

e) Thánh thiện: thánh thiện là tham dự vào đời sống Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là duy trì tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người lân cận với nhau, là vâng phục thánh ý Thiên Chúa và dấn thân phục vụ đồng loại nhân bản của mình. Trong lịch sử Giáo Hội, các thánh là những người đem ánh sáng của cảm thức đức tin.

f) Tìm cách xây dựng Giáo Hội: Xây dựng Giáo Hội có nghĩa là tìm cách khám phá ra và khai triển các ơn phúc của riêng mình và giúp người khác khám phá ra và khai triển các đặc sủng của họ, sửa chữa các thất bại của họ, và chấp nhận việc được sửa chữa, trong tinh thần bác ái Kitô Giáo, cùng làm việc và cầu nguyện với họ, chia sẻ các hân hoan và các đau buồn của họ (xem 1Cor 12:12, 26).

Thành thử khi nói chưa tiếp nhận thì cần phải hỏi những người chưa tiếp nhận là ai để cố gắng đồng hành của ta giúp họ một cách hữu hiệu trong việc tham dự diễn trình tiếp nhận. Phải dựa vào thiên hướng người chưa tiếp nhận chứ không dựa vào số đông người chưa tiếp nhận.

Chính vì thế, văn kiện của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế có tiểu mục “Cảm thức đức tin và công luận” (các số 113-119).

Trước nhất, công luận được liên kết với việc ra đời và phát triển của nền dân chủ đại biểu: quyền lực chính trị có được sự hợp pháp của nó từ dân, nên dân phải lên tiếng nói rõ các suy nghĩ của mình, còn quyền lực chính trị thì phải lưu tâm tới các suy nghĩ này khi thi hành việc cai trị. Giáo Hội đánh giá các giá trị nhân bản và luân lý cao vốn được nền dân chủ tán thành, nhưng tự mình, Giáo Hội không bị cấu trúc theo các nguyên tắc của xã hội chính trị thế tục. Vì là mầu nhiệm hiệp thông nhân loại với Thiên Chúa, Giáo Hội tiếp nhận hiến pháp của mình từ Chúa Kitô. Chính từ nơi Người, Giáo Hội lãnh nhận được cơ cấu bên trong của mình cũng như các nguyên tắc cai quản. Do đó, trong Giáo Hội, công luận không thể đóng vai trò quyết định mà nó vốn đóng trong các xã hội chính trị, là các xã hội vốn phải dựa vào nguyên tắc chủ quyền toàn dân, dù nó có một vai trò thích đáng bên trong Giáo Hội.

Thứ hai, Giáo Hội hoan nghênh các cuộc tranh luận của công luận về mình, coi chúng như một biểu hiện của tự do tôn giáo. Mọi người được tự do phê bình hay ủng hộ Giáo Hội. Thực vậy, Giáo Hội thừa nhận rằng phê bình ngay thẳng và xây dựng có thể giúp Giáo Hội nhìn các vấn đề rõ ràng hơn và tìm ra được nhiều giải pháp tốt hơn…

Thứ ba, ngày nay trong Giáo Hội, tiếng nói của người giáo dân được nghe thường xuyên hơn, đôi khi là tiếng nói bảo thủ đôi lúc là tiếng nói cấp tiến, nhưng nói chung, đều tham gia một cách xây dựng vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội.

Nhưng điều rõ ràng là không thể đồng hóa cảm thức đức tin với công luận hay ý kiến đa số. Hai thực tại này không hề như nhau. Xin trích nguyên văn lời lẽ của văn kiện:

a) Trước nhất, cảm thức đức tin hiển nhiên có liên hệ với đức tin, mà đức tin vốn là một ơn phúc, không nhất thiết ai cũng có được, thành thử cảm thức đức tin chắc chắn không thể giống như công luận trong xã hội nói chung. Rồi còn điều này nữa: dù đức tin, theo lẽ đương nhiên, là nhân tố hàng đầu để hợp nhất các chi thể của Giáo Hội, nhưng rất nhiều ảnh hưởng khác nhau, kết hợp lại, đã lên khuôn cho các quan điểm của Kitô hữu đang sống giữa lòng xã hội hiện đại. Do đó, như cuộc thảo luận trên đây về các thiên hướng đã mặc nhiên cho thấy, cảm thức đức tin cũng không thể được đồng nhất hóa với công luận hay ý kiến đa số trong Giáo Hội. Đức tin, chứ không phải ý kiến, là tập chú cần thiết. Ý kiến thường chỉ là những phát biểu, hay thay đổi và nhất thời, nói lên tâm tính hay ước muốn của một nhóm người hay một nền văn hóa nào đó, trong khi đức tin là tiếng vang dội của Tin Mừng duy nhất vốn có giá trị cho mọi nơi và mọi thời.

b) Trong lịch sử dân Chúa, thường không phải đa số mà đúng hơn thiểu số mới thực sự sống và làm chứng cho đức tin. Cựu Ước từng biết tới số tín hữu “thánh thiện còn sót lại”, đôi khi rất ít so với vua chúa, tư tế và phần đông người Do Thái. Chính Kitô Giáo cũng đã bắt đầu như một thiểu số rất nhỏ, bị nhà cầm quyền đổ lỗi và bách hại. Trong lịch sử Giáo Hội, các phong trào sống Tin Mừng như Dòng Phanxicô và dòng Đa Minh, hay sau này, Dòng Tên, đều đã bắt đầu như những nhóm nhỏ bị nhiều giám mục và thần học gia đối xử cách nghi ngờ. Ngày nay, tại nhiều nước, các Kitô hữu phải sống dưới áp lực nặng nề của nhiều tôn giáo khác hay nhiều ý thức hệ duy tục, buộc họ phải lãng quên chân lý đức tin và làm suy yếu các biên giới của cộng đồng Giáo Hội. Cho nên, điều hết sức quan trọng là phải biện phân và lắng nghe tiếng nói của "những người bé nhỏ biết tin” (Mc 9:42).

Chắc chắn một điều: ta cần phân biệt cảm thức đức tin với công luận hay ý kiến đa số, do đó, phát sinh nhu cầu phải nhận diện các thiên hướng cần thiết cho việc tham dự vào cảm thức đức tin, như những thiên hướng đã được khai triển trên đây. Tuy thế, chính toàn thể dân Chúa tuyên xưng và sống đức tin chân thực, trong sự hợp nhất nội bộ. Huấn quyền và thần học phải làm việc không ngừng nhằm đổi mới việc trình bày đức tin trong các hoàn cảnh khác nhau, bằng cách đối chất, nếu cần, các ý niệm nổi bật trong chân lý Kitô Giáo với chân lý đích thực của Tin Mừng, nhưng cần phải nhớ rằng kinh nghiệm của Giáo Hội vốn chứng tỏ rằng đôi khi chân lý đức tin chỉ được duy trì không do cố gắng của các nhà thần học hay giáo huấn của đa số các giám mục mà là trong tâm hồn các tín hữu.

Nói như thế không có nghĩa là Giáo Hội bất cần công luận. Ủy Ban Thần Học Quốc Tế không quên quảng diễn khía cạnh này: “Trong Giáo Hội, công luận là một hình thức quan trọng của diễn trình thông đạt.Vì là một cơ thể sống động, Giáo Hội cần công luận để duy trì việc cho và nhận giữa các chi thể của mình. Không có hình thức này, Giáo Hội không thể tiến triển về tư tưởng và hành động. Sự tán thành việc trao đổi tư tưởng và ý kiến cách công khai trong Giáo Hội đã được ban hành sau Vatican II không lâu, chính là dựa vào giáo huấn của Công Đồng về cảm thức đức tin và tình yêu Kitô Giáo, và các tín hữu được mạnh mẽ khuyến khích tham dự tích cực vào việc trao đổi công khai này (số 124).

Trên thực tế, nhiều định chế đã được thiết lập, qua đó, người tín hữu đóng góp các nhận định của mình: các hội đồng đặc thù, các công đồng giáo phận, các hội đồng mục vụ… Tất cả chỉ để nói lên xác tín sâu sắc của Giáo Hội vào cảm thức đức tin, tin rằng mọi tín hữu đều có bản năng tiếp nhận giáo huấn của Giáo Hội vốn phát sinh từ và hỗ trợ Thánh Kinh và Thánh Truyền.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét