Trang

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

Tư tưỏng và việc đào tạo trí thức của Đức Phanxicô

Tư tưỏng và việc đào tạo trí thức của Đức Phanxicô

Giới thiệu cuốn sách của ông Massimo Borghesi về cuộc đời Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Ngày mùng 9 tháng 11 vừa qua ông Massimo Borghesi đã phổ biến cuốn sách tựa đề “Đức Jorge Mario Bergoglio. Một tiểu sử trí thức. Biện chứng và thần bí” do nhà xuất bản Jaca Book ấn hành. Cuốn sách tưởng nhớ ông Alberto Methol Ferré,  tư tưởng gia người Uruguay, qua đời năm 2009. Sau đây chúng tôi xin gửi đến quý vị nội dung lời giới thiệu của tác giả và vài nhận xét của ông Guzman Carriquiry, thư ký Uỷ ban giáo hoàng đặc trách về châu Mỹ Latinh, được đăng trên báo Quan Sát Viên Roma của Toà Thánh số ra ngày mùng 6 tháng 11 vừa qua.

Tác giả Massimo Borghesi cho biết tư tưởng viết một cuốn sách về việc đào tạo trí thức của Đức Jorge Mario Bergoglio đã nảy sinh vì hai lý do. Lý do thứ nhất là sự kiện có  những người chỉ trích chuyên nghiệp, các thần học gia của giờ cuối cùng cho rằng Đức Giáo Hoàng người châu mỹ la tinh không có được sự chuẩn bị thần học triết học thích hợp để thi hành sứ vụ  Người kế vị Thánh Phêrô. Cuốn sách nhằm trả lời cho các lập trường có tính thời thượng, trộn lẫn với liều lượng nặng của sự ngạo mạn và ngu dốt. Lý do thứ hai là việc khám phá ra  nhân tố ý niệm về cuộc sống dựa trên một sự căng thẳng giữa các đối kháng, dựa trên biện chứng mâu thuẫn của các chống đối, tựa như trong quan niệm của thần học gia Romano Guardini. Khi đọc Thông điệp Niềm Vui Phúc Âm chúng ta nhận ra mô thức xã hội lồng khung trên ba cặp ý niệm đối kháng: tràn đầy và hạn hẹp, ý tưởng và thực tại; toàn cầu hoá và địa phương hoá. Đây cũng là điều có thể nhận ra trong các bài học của vị giám tỉnh trẻ tuổi của dòng Tên trong hậu thập niên 1960, khi ngài áp dụng vào bối cảnh đảo điên của quê hương Argentina bị chia rẽ giữa chế độ độc tài quân phiệt và chiến tranh cách mạng du kích, mô thức của một cực trong trường hợp này đã trở thành bệnh hoạn, không có khả năng đưa ra giải pháp cho các vấn đề. Đây cũng là mâu thuẫn gọi hỏi Giáo Hội và dòng Tên, cả hai đều bị chia rẽ trong nội bộ.

Như vậy mô thức biện chứng này trong suy  tư của Đức Bergoglio đến từ đâu? Chắc chắn không phải từ Romano Guardini, mà triết thuyết sẽ chỉ trở thành quan trọng đối với cha Bergoglio trong năm 1986, khi ngài viết luận án tiến sĩ tại Franfurt bên Đức, nhưng không bao giờ trình. Vậy cha đã rút tiả ra ý tưởng nền tảng của các đối kháng đích thật, không tách rời, chỉ huy cuộc sống cá nhân, xã hội và giáo hội từ đâu? Các bút tích và các tiểu sử của ngài không cho phép chúng ta trả lời câu hỏi này. Vì thế chỉ có cách là hỏi thẳng ngài mà thôi.

** Và rất may ông Guzman Carriquiry đã có thể gửi cho Đức Phanxicô một loạt các câu hỏi liên quan tới tư tưởng, các thầy dậy và việc đào tạo Đức Bergoglio. Xét vì công việc bận rộn của Đức Giáo Hoàng ông Carriquiry đã không hy vọng nhận được câu trả lời. Nhất là vì thái độ không tin tưởng của Đức Phanxicô đối với thế giới trí thức, thường ưa thích trò chơi trừu tượng tách rời khỏi thực tại và lịch sử. Thế nhưng Đức Phanxicô đã trả lời ông Carriquiry trong 4 tài liệu audio giữa tháng giêng và tháng ba, giải thích các nền tảng tư tưởng và việc đào tạo tinh thần của ngài. Việc minh giải đầu tiên và nền tảng là tầm quan trọng của việc đọc hiểu các thập niên 1960 đã nhiều lần được lập lại trong cuốn sách của linh mục Gaston Fessard, dòng Tên, tựa đề “Biện chứng Linh thao của thánh Ignazio thành Loyola”. Cha Fessard đã là một trong các nhà trí thức dòng Tên nổi tiếng nhất của hậu bán thế kỷ XX.

Cha Fessard là bạn của linh mục học giả Henri de Lubac, cũng dòng Tên; và cùng với cha de Lubac cha Fessard đã là nhân vật chính của Trường phái thần học Lyon. Chính nó là sợi chỉ dẫn đường thống nhất tư tưởng đa diện của Đức Bergoglio. Được gợi hứng bởi nhà văn Maurice Blondel cha Fessard cống hiến cho mọi người một đọc hiểu biện chứng, đối kháng về linh đạo của thánh Ignazio căng thẳng giữa ơn thánh và sự tự do, giữa cái lớn lao vô tận và sự nhỏ bé vô tận. Ý tưởng về công giáo như là sự trùng hợp của các đối chọi, là tổng hợp sinh động của các trục đối chọi nhau. Nó cũng chính là ý tưởng của thần học gia chuyên viên giáo hội học Adam Moehler, được linh mục Erich Przywara và linh mục De Lubac lấy lại. Và tư tưởng cuộc sống như sự căng thẳng chúng ta cũng tìm thấy trong học giả Romano Guardini, và điều này cũng giải thích tại sao cha Bergoglio đã chọn đề tài này cho luận án tiến sĩ. Học giả Guardini không phải là điểm khởi đầu suy tư của Đức Bergoglio, nhưng nó diễn tả một xác nhận quan trọng và một việc rộng mở các chân trời. Vì thế suy tư của Đức Giáo Hoàng tương lai được đặt để trong một khung cảnh của một cột trụ chính xác của tư tưởng công giáo giữa thế kỷ XIX và thế kỷ XX. Điều này phát xuất từ các thần học gia Moehler, Guardini, Przywara, de Lubac và Fessard.

Một trụ tư tưởng hiểu Giáo Hội như là dụng cụ, qua đó mầu nhiệm của Thiên Chúa hiệp nhất tất cả những gì xem ra không thể quy tụ được trên bình diện thiên nhiên. Một sự hiệp nhất duy trì các khác biệt mà không yêu sách huỷ bỏ chúng. Trong nước Argentina của các thập niên 1970 Đức Bergolgio không phải là người duy nhất có quan điểm như vậy, nhưng ngài chia sẻ quan niệm với triết gia công giáo người Uruguay nổi tiếng là Alberto Methol Ferré. Ông Ferré diễn tả một tư tưởng triết học biện chứng của thánh Toma Aquino tuỳ thuộc thần học gia Gaston Fessard.

** Triết gia Methol Ferré và cha Bergolgio đã gặp nhau hồi năm 1979 trong hội nghị của Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh triệu tập tại Puebla. Cả hai chia sẻ các viễn tượng lý tưởng và niềm hy vọng liên quan tới việc canh tân Giáo Hội châu Mỹ Latinh. Cả hai vị đều là những người thăng tiến nền “thần học nhân dân”, là phiên bản Argentina của nền “thần học giải phóng”, kết hợp việc ưu tiên chọn lựa người nghèo và việc tái khám phá đức tin bình dân, cũng như minh bạch khước từ ý thức hệ mác xít. Cả hai đều cầu mong quê hương to lớn của châu Mỹ Latinh ở trong một tương quan căng thẳng xây dựng với các quốc gia khác.

Đức Bergoglio rất quý trọng ý tưởng địa lý chính trị giáo hội và nòng cốt tử tưởng của triết gia Ferré, vì nó giống tư tưởng của ngài. Đức Bergoglio không chỉ chia sẻ với ông mô thức biện chứng, mà cả việc lựa chọn đối với luân lý đạo đức thần học của thần học gia Hans Urs von Balthasar, đối với sự hiệp nhất của các giá trị siêu việt “chân thiện mỹ” trong việc khẳng định hữu thể và đối với quyền tối thượng dành cho vẻ đẹp, chứng tá, trong sự thông truyền sự thật. Từ đó sự hiệp nhất của lòng thương xót và sự thật, sự căng thẳng hiệp nhất không thể loại bỏ được, mà cả các thần học gia truyền thống và tân tiến đã không hiểu. Như thế, tiểu sử trí thức của Đức Jorge Mario Bergoglio cho phép bước vào trong phòng thí nghiệm tư tưởng của Đức Phanxicô, và minh giải một cách gián tiếp cái luận lý giáo hội hướng dẫn triều đại của ngài. Chính điều này minh giải sự nhậy cảm của Đức Phanxicô đối với chứng tá xã hội trước các vấn đề nghèo đói, chiến tranh, khí hậu thay đổi, môi sinh. Đồng thời Đức Phanxicô cũng là một nhà thần bí theo gương thánh Ignazio, một kitô hữu ý thức việc dành chỗ nhất cho ơn thánh trên mọi hoạt động của con người; ý thức rằng “Thiên Chúa luôn luôn lớn lao hơn”. Theo chân phước linh mục Pierre Favre kitô hữu là người “chiêm niệm trong hoạt động”, là người sống sự hiệp nhất trong các đối chọi. Cuộc sống kitô di chuyển giữa trời và đất, là một căng thẳng không tìm ra giải pháp trong một hệ thống, nhưng chỉ tìm ra giải pháp trong Mầu Nhiệm hướng dẫn lịch sử.

Sau đây là một số nhận định của ông Guzman Carriquiry, thư ký Ủy ban giáo hoàng châu Mỹ Latinh, về cuốn sách của ông Massimo Borghesi. Trước hết là khả năng của tác giả trong việc thu thập các nguồn tài liệu và cống hiến cho người đọc một cái nhìn có hệ thống sâu rộng liên quan tới bối cảnh văn hoá và các ảnh hưởng trí thức góp phần tạo nên con người và tư tưởng của Đức Jorge Mario Bergoglio, bao gồm kinh nghiệm mục vụ, thần bí và trí thức. Đức Phanxicô là người không thích khoe khoang các khả năng và tài khéo của mình. Ngài ghét các khuynh hướng trí thức trừu tượng, luôn luôn bị cám dỗ bởi một trôi giạt ý thức hệ; ngài không ưa các bức tường đóng kín và làm cho con người lo ra rời bỏ tương quan với Thiên Chúa và dân Chúa. Còn hơn thế nữa trong các bài giảng, bài giáo lý hay sứ điệp Đức Phanxicô không thích đưa vào các phát triển thần học, nếu chúng không ngắn gọn, thích  hợp và được thông truyền một cách đơn sơ. Ngài muốn luôn luôn dành ưu tiên cho “văn phạm của sự đơn sơ” - nhưng không bao giờ là sự ngây ngô – trong kiểu diễn tả trực tiếp và chân thực của ngài, thông truyền để lôi cuốn tất cả mọi người và từng người, và đi tới con tim của tất cả những ai lắng nghe ngài, tại bất cứ đâu và cho dù họ có mức độ giáo đục và đạo tạo thế nào đi nữa. Sự đơn sơ của ngài là điểm tới giả thiết sự phức tạp của một tư tưởng sâu xa và độc đáo.

** Nhiều người nghi ngờ kiểu truyền thông của vị tân Giáo Hoàng, nhiều môi trường giáo hội và trí thức khác không tin tưởng đối với một vị “giáo hoàng châu mỹ latinh”, thích bình dị, bị coi như không ở trên độ cao của các tiêu chuẩn âu châu. Những chỉ trích này chứng minh cho thấy chúng vô cảm đối với vòng tay ôm đại đồng và các nhắc nhớ có tính cách tinh tuyền tin mừng của Đức Phanxicô. Họ đóng kín trong một Âu châu già nua, nơi còn nóng các than hồng của ngọn lửa lớn đã từng là ngọn lửa của truyền thống tốt đẹp nhất của nó, nhưng ngày nay không còn sinh con cái nữa: không con cái chúng ta đang ở trong mùa đông dân số tại Âu châu – cũng không có các trào lưu trí thức mới, các phong trào mới, các chân trời chính trị mới mở đường cho một số phận của niềm hy vọng. Chúng như các “tiến sĩ luật” hỏi có điều gì mới mẻ phát xuất từ Nadarét, từ một người “con của bác thợ mộc”. Trong trường hợp này Nadarét ám chỉ miền Nam bán cầu.

Liên quan tới khung cảnh này điểm son của cuốn sách là đặt để Đức Bergoglio vào bên trong một truyền thống trí thức phong phú, tìm được các gốc rễ của nó bên Argentina và sự phong phú của nó trong cuộc đối thoại sít sao biết tiến hành cùng với các trào lưu phong phú nhất của Công giáo Âu châu. Dĩ nhiên là Đức Bergoglio là người Argentina, nhưng đồng thời đối với các tác giả việc đạo tạo của ngài và các đọc hiểu quy chiếu, ngài cũng là một người âu châu sâu đậm. Ngài là “cây cầu nối hai châu lục” với nhau. Cuốn sách của tác giả Massimo Borghesi hữu ích, vì nó cống hiến một khung cảnh phong phú ngoại thường, cho thấy các cột trụ văn hoá và trí thức giao thoa nơi con người của vị Giáo Hoàng tương lai, và làm thành nền soi sáng cho huấn quyền và hành động mục vụ của ngài. Khi còn theo học triết và thần học tại trường San Miguel, sinh viên Bergoglio đã để cho ý niệm biện chứng về thực tại chín mùi với sự trợ giúp của linh mục giáo sư Miguel Ángel Fiorito và việc đọc hiểu Linh thao của thánh Ignazio, mà các linh mục dòng Tên như Gaston Fessard và Karl Heinz Crumbach đề nghị. Chính từ đó nảy sinh ra việc tái khám phá thần bí dòng Tên, và đánh giá cao gương mặt của linh mục Pierre Favre được đọc hiểu bởi linh mục Michel de Certeau chuyên viên nhân chủng học, ngữ học và sử học.

** Quan niệm biện chứng sẽ tỏ ra quý báu, khi cha Bergoglio trở thành Giám tình dòng Tên tại Argentina, trong các năm 1970, và dấn thân trong một cái nhìn tổng hợp về Dòng, về Giáo Hội, về xã hội, và tránh được sự mâu thuẫn xâu xé giữa những người theo chế độ quân phiệt độc tài và những người cách mạnh phò mác xít. Cũng chính cái nhìn biện chứng này dẫn đưa cha tới cuộc gặp gỡ bà Amelia Podetti, nữ triết gia sắc bén nhất tại Argentina trong thập niên 1970, và Alberto Methol Ferré nhà trí thức công giáo châu mỹ latinh quan trọng nhất hậu bán thế kỷ XX. Suy tư của Đức Bergoglio bắt nguồn từ truyền thống tư tường dòng Tên. Qua đó tác giả Borghesi cho thấy sợi chỉ hướng dẫn tư tưởng của Đức Phanxicô, mà các nhà nghiên cứu không nhận ra sự hiện diện của nó. Và điều này cũng giải thích phần lớn các tố cáo của những người thù nghịch với đường lối triều đại của ngài, đã không ngần ngại tố cáo Đức Phanxicô là ít được chuẩn bị trên bình diện thần học và triết học.

Công của tác giả Borghesi là đã đưa cái nhìn lý tưởng của Đức Bergoglio vào trong bối cảnh lịch sử, giáo hội và chính trị tại Argentina vào các thập niên 1970-1980. Như thế, chúng ta có thể hiểu phán đoán đặc biệt của ngài đối với chế độ của tổng thống Peron, việc ngài phê bình nền thần học chính trị khởi đầu từ một chân trời theo tư tưởng của thánh Agostino. Nó cũng minh giải thiện cảm của ngài đối với nền thần học nhân dân, là trào lưu của nền thần học giải phóng, được soạn thảo lại  bởi trường phái Rio della Plata, qua đó việc ưu tiên lựa chọn người nghèo như được khẳng định trong tài liệu Puebla (1970) của Giáo Hội châu mỹ latinh kết hiệp với việc mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa mác xít. Trường phái thần học này sẽ để dấu vết của nó trong các tài liệu Puebla và Aparecida (2007) với sự đóng góp của các thần học gia Lucio Jera, Rafael Tello, Justino Farrell, Juan Carlos Scannone và Carlos Galli. Trường phái này cũng có công lớn trong việc đánh giá tích cực lòng đạo đức bình dân, là một đề tài Đức Bergoglio rất ưa thích. Đồng thời ngài cũng rất chú ý tới chiều kích gặp gỡ của chứng tá kitô trong chân trời tục hoá của các thành phố lớn. Từ đó phát triển trong các năm cuối cùng này phạm trù vẻ đẹp trong sự hiệp nhất với sự thiện và sự  thật, nghĩa là chân thiện mỹ. Suy tư này bắt nguồn từ việc đọc thần học gia Hans Urs von Balthasar.
Linh Tiến Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét