Trang

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2025

CHÚC PHÚC VÀ CHÚC DỮ - CN 6 TN C

 DIỄN TỪ KHAI MẠC: CHÚC PHÚC VÀ CHÚC DỮ

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN – NĂM C

(Lc 6,17.20-26)

1. Trái với Mt, Lc đặt diễn từ khai mạc của Chúa Giêsu không phải xảy ra ở trên núi, nhưng trên đồng bằng. Hơn nữa, ông không đề cập gì đến mối quan hệ giữa giáo huấn của Chúa Giêsu với Luật cũ hoặc luật tôn giáo của các luật sĩ và biệt phái. Nếu ông trình bày giáo huấn của Chúa Giêsu theo kiểu đối ngẫu, chính là để đối chiếu chống lại tinh thần thế tục. Vả lại bản văn của Lc ngắn hơn bản văn của Mt nhiều, chỉ bằng 1/3 số câu thôi. Sau cùng, trong Mt, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ bằng diễn từ trên núi trong lúc theo Lc, Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ vụ một thời gian trước khi tuyên bố diễn từ này. Do sự khác biệt về bối cảnh và cách trình bày tổng quát cũng như chi tiết, người ta tự hỏi: 2 diễn từ này phải chăng chỉ là hai cách diễn dịch từ một diễn từ nguyên thủy, hay là 2 bản văn độc lập ghi lại hai diễn từ đọc trong những hoàn cảnh và cho nhiều thính giả khác biệt?

Cho đến nay, đa số các nhà chú giải nhất trí công nhận đây là hai lối diễn dịch của cùng một diễn từ Chúa Giêsu. Và họ phân tích kỹ lưỡng hai bản văn đó để đưa ra một diễn từ nguyên thủy có lẽ đã được Chúa Giêsu công bố.

Tuy nhiên việc soạn lại một diễn từ nguyên thủy như thế thật đáng nghi ngờ. Riêng sự kiện có nhiều cách soạn lại bài diễn từ đó cũng đủ cho thấy công việc đó không mấy bảo đảm và trung thực, vì dựa trên nhiều định đề không xác đáng:

a) Định đề cho rằng Chúa Giêsu chỉ một lần công bố diễn từ khai mạc nói về các mối phúc thật.

b) Định đề cho rằng các tác giả phúc âm tự do thêm (hoặc bớt) bốn mối phúc và tự do thêm (hoặc bớt) 4 lời chúc dữ.

c) Định đề cho rằng 2 tác giả phúc âm Mt và Lc đã tham khảo cùng một bản văn chép tay chứ không dựa trên một số các thủ bản hay truyền thống truyền khẩu có ít nhiều khác biệt và thiếu sót. Bao lâu chưa giải quyết ổn thỏa các định đề trên, tốt hơn là nên xem hai diễn từ này độc lập với nhau và đừng nghĩ đến việc so sánh chúng với một diễn từ nguyên thủy nào khác. Điều tôi sẽ làm sau đây, là làm nổi bật các đặc điểm riêng của Lc so với Mt.

2. Trong các thành tố của riêng Lc, sự hiện diện của các lời “chúc dữ” là một sự kiện ý nghĩa hơn cả (sau này tôi sẽ bàn về từ ngữ “chúc dữ”, ở đây tôi tạm thời dùng chữ “chúc dữ” với tất cả dè dặt). Đối ngẫu với từng chữ của các mối phúc thật, các lời chúc dữ cho thấy Lc đã chú giải các mối phúc thật dựa trên cơ sở các mối bận tâm trong phúc âm thứ ba và Cvsđ. Bốn chữ “bây giờ” trong bản văn nói lên một khía cạnh quan trọng khác trong Lc.

I. MỐI PHÚC THẬT ĐẦU TIÊN VÀ LỜI CHÚC DỮ TƯƠNG ỨNG: NGƯỜI NGHÈO VÀ NGƯỜI GIÀU.

a) Tương quan với giáo huấn cổ truyền:

* Cựu ước:

Việc chúc dữ người giàu có: chúc dữ sự xài phí sang trọng các bất công xã hội, tinh thần vô đạo và vô luân của họ là một chủ đề rất cổ xưa. Amos đã đổ lỗi cho những người quyền thế Samaria: 4,1-3; 6,1-14; 8,4-14; so sánh với Mi 3,1-4. Chủ đề này còn được nói đến trong các sách Khôn ngoan: Gióp 31,24; Tv 49,7-8; Si 11,16tt; 40,13…

* Tân ước:

Không kể các sách phúc âm, thư thánh Giacôbê là thư lên án các người giàu có nhiều nhất. Trong 1,9-11 (so sánh với 4,14), Giacobe cảm hứng theo Is 40,6-8 tiên báo người giàu có sẽ bị triệt hạ, còn người nghèo khó sẽ được nâng lên. Giac 2,2-6 đối chiếu người nghèo với kẻ nghèo trên bình diện thế tục và xã hội. Cuối cùng Giac 5,1-6 nhắc lại những lời quở mắng mạnh mẽ của các tiên tri xưa. Đoạn văn này có lẽ đã được dùng làm cơ sở cho những lời chúc dữ trong Lc. Người giàu thường là người áp chế, kiêu ngạo vô đạo; còn người nghèo thường khiêm nhu và hướng về Thiên Chúa. Sách Khải huyền đã đối chiếu như thế giữa các người giàu có thành Smyrne (2,9).

* Các phúc âm:

Trong lời giải thích dụ ngôn người gieo giống. Các hạt giống rơi trong bụi gai tượng trưng cho các thính giả đã đón nhận lời Chúa; “nhưng các lo lắng thế tục, sự quyến rũ của giàu sang và những đam mê khác xâm chiếm họ, bóp nghẹt lời Chúa, khiến Lời không thể sinh hoa trái được” (Mt 13,22; Mc 4,19; Lc 8,14). Sự giàu có, những bận tâm do nó gây nên cũng như những khoái lạc nó tạo ra đã khiến Lời phúc âm không thể sinh hoa trái được. Vậy khốn cho các người giàu có, vì đến ngày gặt hái, người ta sẽ không gặt được gì nơi các ngươi.

Giáo huấn Chúa Giêsu (về sự khốn khổ thường phát xuất từ sự giàu có) được đặc biệt lưu ý trong bản văn kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi người thanh niên giàu có (Mc 10,17-31; Mt 19,16-30; Lc,18,18-30). Khi trả lời các yêu sách đầu tiên Chúa Giêsu đưa ra, người thanh niên giàu có trả lời đã tuân giữ mọi giới răn (Mc 10,20; Mt 19,20; Lc 18,21); do đó anh là một người giàu tốt. Nhưng ngoài việc tuân giữ các giới răn, Chúa Giêsu còn đòi anh từ bỏ thực sự (Mc 10,21 và song song). Khi anh ta từ chối, Chúa Giêsu mạnh mẽ xác quyết của cải giàu sang thực sự là một nguy hiểm: “những người giàu có khó mà vào nước Thiên Chúa…” (Mc 10,23 và song song). Khi các môn đệ hỏi: “Như thế ai sẽ được cứu rỗi? ”, Chúa Giêsu trả lời rằng người giàu có cũng có thể được cứu rỗi, nhưng nhờ phép lạ. Các câu tiếp theo (Mc 10,28-30 và song song) giới thiệu các môn đệ đã từ bỏ mọi sự vì Đức Kitô, như là hình ảnh đối ngẫu với các người giàu có bị của cải ngăn cản không thể theo Chúa Giêsu vào nước Trời.

Cựu ước và thánh Giacobe nhắm đến các sự lạm dụng của người giàu có. Còn lời chúc dữ của Chúa Giêsu xem ra nhắc đến chính của cải giàu sang, vì nó giam hãm người giàu có, là những người hầu như không thể từ bỏ và dứt khoát với của cải được. Mà sự từ bỏ này lại là điều kiện cần cho những ai muốn vào nước trời.

b) Giáo huấn của Lc:

1/ Về sự từ bỏ tuyệt đối:

Lc có khuynh hướng đưa ra những yêu sách của việc từ bỏ bằng những từ ngữ tuyệt đối. Ông trình bày việc hoàn thành từ bỏ như là điều kiện thường tình để trở thành môn đệ Chúa Giêsu.

Như đã thấy khi nghiên cứu đoản văn nói về chọn các môn đệ đầu tiên, Lc nhấn mạnh nhiều hơn Mt và Mc về việc phải từ bỏ “tất cả” (panta) để theo CGS (5,11). Trong ba đoản văn song song với Mt và Mc, ông đã nói đến sự từ bỏ “tất cả” ở những chỗ mà hai tác giả phúc âm kia không nói: ví dụ Lc 18,22 (so sánh với Mc 2,14; Mt 9,9). Ngoài 3 đoạn văn đó, có thể kể thêm Lc 6,30 (so sánh với Mt 5,42): “Hãy cho mọi kẻ kêu xin” (hãy cho: động từ ở thì hiện tại để chỉ một hành động liên tục, cho nên đó cũng là một luật sống phải thực hành luôn).

Ngoài ra có nhiều sửa đổi khác nhằm nói lên các yêu sách tận căn hơn trong Lc và Mt. Ví dụ Lc 14,26 có một thành ngữ cứng rắn hơn Mt 10,37: “Kẻ nào đến cùng Ta mà không ghét cha mẹ…”; Lc , cũng nhấn mạnh tương tự: “Hãy vác thập giá mình mỗi ngày…” (so sánh với Mt 16,24; Mc 8,34). Sau câu 14,26, Lc ghi lại hai dụ ngôn mà chỉ ông có: việc xây tháp mà ông vua trù tính có nên gây chiến hay cầu hòa (cc. 28-32). Tiếp theo là một thành ngữ riêng của Lc, như là chìa khóa để chú giải hai dụ ngôn vừa nói: “Cũng vậy, bất cứ ai trong các ông, nếu không từ bỏ tất cả của cải mình có, ắt không thể làm môn đệ Ta được”

Sách Công vụ sứ đồ cũng nhấn mạnh đến việc thực hành hoàn toàn từ bỏ đó: “Tất cả các tín hữu đều để tất cả mọi sự là của chung” (2,44.45). “không ai có vật gì là của riêng mình, nhưng giữa họ mọi sự đều là của chung…” (4,32).

2/ Về cách sử dụng tốt của cải:

Cáchs dụng tốt hệ tại ở việc phân phát của cải. Trong các bản văn kế tiếp, không còn nhấn mạnh đến sự từ bỏ, mà nhấn mạnh đến lòng quảng đại, phát xuất từ sự hoàn toàn dứt khoát (dépouillemet et désinteressement) chỉ là những kiểu dị của cùng một quan niệm về sự đối kháng giữa việc chiếm hữu của cải trần gian này với việc chiếm hữu của cải nước trời.

Hãy cho và đừng mong người đời đáp trả; phương thế chắc chắn để được Thiên Chúa tưởng thưởng (Lc 14,12-14: là câu riêng của Lc).

Hãy so sánh Lc 6,30.34-35 với Mt 5,12. Thì quá khứ aorists của Mt nhằm diễn tả một sự tình cờ; còn thì hiện tại của Lc nói lên một nguyên tắc sống thường xuyên. Ngoài ra Lc còn thêm “tất cả ai kêu xin” chứ không nói như Mt “đi kêu xin” làm nổi bật thêm ý hướng của ông. Sau cùng Lc còn thêm: đừng mong chờ nhận lại của cải. Quảng đại như thế là một cách từ bỏ của cải.

So sánh Lc 12,33 với Mt 6,19-20. Lời khuyên của Mt thuộc về bình diện ý hướng: Chúa Giêsu đối kháng nỗi lo lắng thu tích của cải trần gian chóng qua với nỗi lo lắng thu tích của cải trên trời. Còn Lc nói đến việc hoán đổi cụ thể của cải trần thế để lấy của cải trên trời. Cuối dụ ngôn người quản lý bất trung, Lc 16,9 lập lại ý tưởng đó: việc xử dụng của cải hệ tại ở việc phân phát chúng cho người nghèo để họ trở nên bạn hữu của ta và dẫn đưa ta vào hạnh phúc vĩnh cửu. Giai thoại ông Giakêu, chỉ mình Lc ghi lại, cho thấy một lối sống kiểu mẫu của nhà phú hộ không muốn bị hư mất đời đời (Lc 19,8-9).

Chỉ mình Lc ghi lại các lời Gioan Baotixita khuyên bảo những kẻ ăn năn sám hối (3,10-14). Tất cả những lời khuyên đó đều nói đến việc xử dụng tốt của cải trần thế: hãy cho. Nơi khác Lc nhấn mạnh đến nghĩa vụ bố thí: 11,41; Cvsđ 9,36; 10,2.4.31.

Tóm lại, phương thế để người giàu có có thể được hưởng hạnh phúc sau này, là quảng đại phân phát của cải cho những người nghèo khó. Điều đó giả thiết một sự từ bỏ hoàn toàn.

3/ Về nỗi khốn khổ của các người giàu có:

Dụ ngôn người phú hộ và Lazarô nghèo khó (Lc 16,19-31) làm sáng tỏ mối phúc thứ nhất và lời chúc dữ tương ứng. Dù được trình bày dưới hai thể văn khác nhau, nhưng có cùng một từ ngữ, cùng một giáo huấn. Người phú hộ mắc tội: bất công đàn áp người nghèo, thiếu bác ái với người hành khất trước cửa nhà mình. Ông là một người giàu hà tiện, chỉ biết hưởng thụ. Đối lại, người nghèo khó thật khổ sở nhưng được xem là người biết kiên nhẫn, tin tưởng vào Thiên Chúa… Khi chết, cảnh huống của hai người bị đảo lộn, sự giàu sang của cải xem ra phải bị chúc dữ, vì không được xử dụng tốt.

Dụ ngôn người điên rồ (Lc 12,16-21) khai triển cùng một chủ đề, nhưng còn đi xa hơn. Ông không lạm dụng của cải, chỉ đặt kế hoạch hưởng thụ gia sản của mình như thể chúng có khả năng tạo hạnh phúc cho ông. Câu 21 là câu đặc biệt của Lc: người phú hộ trong dụ ngôn chỉ biết thu tích của cải cho riêng mình; trái lại Chúa Giêsu đề nghị người ta “làm giàu nơi Thiên Chúa”, nghĩa là biết từ bỏ của cải, phân phát cho kẻ nghèo để nhờ đó chuẩn bị lãnh nhận kho tàng nơi Thiên Chúa.

Kinh Magnificat (Lc 1,51-53) loan báo việc đảo lộn cảnh huống đó. Người giàu có và người quyền thế của thế gian này phải khốn khổ, vì thế giới tương lai mà Đức Kitô sẽ thiết lập, sẽ làm những người ngày xưa được biệt đãi mai ngày sẽ bị mất mát.

c) Bối cảnh thời gian của phép đối ngẫu:

Trong Lc 16,21-25 để đối nghịch với thì tương lai của các động từ thể hiện lời chúc phúc hay chúc dữ, chữ “bây giờ” được thêm vào để cho thấy phép đối ngẫu (antithèse) ở đây đối nghịch thời gian hiện tại với thời gian sau khi chết. Bây giờ chính là thời kỳ đau khổ và bách hại; sau này, sau cái chết của mỗi người, là thời kỳ tuyên dương công trạng.

Bối cảnh thời gian này đã được đề cập trong các đoạn văn nói về sự khốn khổ của người giàu có. Phép đối ngẫu, trong dụ ngôn người phú hộ và Lazarô nghèo khổ, đối nghịch cuộc sống hiện tại với cuộc sống sau khi lìa trần. Cái ngoặc lịch sử quyết định, chính là cái chết của mỗi người. Viễn ảnh cánh chung học cá nhân này cũng được đề cập đến trong dụ ngôn người phú hộ lập dự án thụ hưởng gia sản của mình cũng như trong câu kết thúc dụ ngôn người quản lý bất trung (Lc 16,9). Sau hết cánh chung học cá nhân này cũng xuất hiện trong Lc 12,33 và trong lời Chúa hứa cho người trộm lành (Lc 23,43).

d) Ý nghĩa lời chúc phúc thứ nhất và lời chúc dữ tương ứng:

Trước hết cần loại bỏ những gì trái ngược với tư tưởng Lc. Ông không lên án của cải trần gian tự nó là xấu, hoặc vì nó thuộc bình diện vật chất, hoặc vì nó là kết quả của một nền văn minh hư đốn, hoặc vì ông kết án quyền tư hữu.

Trong cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, có một trào lưu đối nghịch của cải đời này với của cảiđ ời sau: Lc chỉ khai triển trào lưu tư tưởng đó và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chọn lựa một trong hai. Không thể muốn cùng một lúc cả hai thế giới. Phải chọn lựa dứt khoát: nếu muốn sự sống đời sau, phải từ bò của cải đời này. Thế mà các người giàu có đã quyết định thái độ, hay đúng hơn, và đây chính là nỗi khốn khổ của các người giàu có, của cải giàu sang đã quyết định thái độ cho họ, vì của cải đã làm cho họ bám víu vào một cuộc sống êm ả, thoải mái dựa trên cơ sở vật chất. Các người giàu có trong dụ ngôn là những người thỏa mãn với cuộc sống hiện tại, họ không nhìn xa hơn được. Đời sống hiện nay làm cho họ không còn tha thiết gì nữa, không mơ ước đến cuộc sống tương lai. Trái lại, phúc cho những người nghèo khó, vì không có gì có thể ngăn cản họ lựa chọn cuộc sống vĩnh cửu.

II. NGƯỜI ĐÓI KHÁT VÀ KẺ NO SAY:

Theo Lc, cơn đói khát liên hệ mật thiết với sự khó nghèo vật chất: các dụ ngôn tả người giàu có ăn uống no nê, còn người nghèo khó lại đói khát.

Người đó khát và kẻ no say chính là người nghèo khó và kẻ giàu sang. Do đó có cùng một giáo huấn: người đói khát chọn lựa hạnh phúc đời sau; còn kẻ no say, vì đã thỏa mãn với cuộc sống hiện tại nên gắn bó với cuộc sống trần thế này mà không để gì đến cái đang chờ đợi họ sau khi lìa trần.

III. NHỮNG NGƯỜI KHÓC VÀ NHỮNG KẺ CƯỜI:

“CƯỜI” là một đặc điểm mà trong Tân ước chỉ bản văn Giac 4,4-10 đáng được lưu ý. Thánh Giacobe ngỏ lời với “những người hai lòng” tưởng có thể sát nhập tình yêu TC với tình yêu thế tục được. Của cải đời này làm họ vui cười thỏa thích .

Sách Khải huyền (chương 18) mô tả lời than khóc của các vua chúa, thương gia, khách du lịch trước sự sụp đổ của Babilone. Thành ngữ “khóc lóc và than van” được xử dụng bốn lần: đây là việc các người giàu có khóc than của cải họ đã tiêu dùng tan nát.

Hai đoản văn song song của Giacobe và Khải huyền cũng như văn mạch của hai lời chúc phúc và hai lời chúc dữ tương ứng, soi sáng ý nghĩa lời chúc phúc thứ ba và lời chúc phúc tương ứng. Chính những kẻ giàu sang vui cười, vì đã hưởng thụ thỏa mãn của cải và khoái lạc đời này. Trái lại, người nghèo khó khóc than vì không được hưởng hạnh phúc đời này. Nỗi đau khổ làm cho họ có hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn, trong khi những người giàu có hoàn toàn thỏa mãn đời này.

IV. NHỮNG NGƯỜI BỊ LĂNG NHỤC VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CA TỤNG:

a) Điểm đối ngẫu:

Đối nghịch với việc chúc phúc các người bị bách hại, đáng lẽ phải là lời chúc dữ người bách hại. Ở đây lời chúc dữ thứ tư không nhắm đến người bách hại, mà nhắm đến kẻ được người đời tôn vinh, ca tụng.

Lời chúc dữ này cho thấy ý nghĩa Lc gán cho lời chúc phúc thứ tư không nhắm đến người bách hại, mà nhắm đến kẻ được người đời tôn vinh, ca tụng.

Lời chúc dữ này cho thấy ý nghĩa Lc gán cho lời chúc phúc thứ tư. Ông lưu tâm đến chính sự kiện bách hại. Vì thế ông đã thêm nhiều chi tiết hơn Mt (so sánh Lc 6,22 với Mt 5,11). Do đó ý nghĩa lời chúc phúc thứ tư của Lc hoàn toàn trùng hợp với ba lới chúc phúc trước: đối ngẫu giữa bị lăng nhục và được ca tụng. Điều này cho thấy Lc có nhiều kinh nghiệm về nỗi khốn khổ củng cực.

b) Khốn cho những kẻ bị người đời ca tụng:

Lc rất để ý đến sự vinh vang và thiện cảm được thể hiện qua việc kính cẩn bên ngoài. Do đó, Lc 14,7-11 (là đoản văn riêng của Lc nói về việc chọn chỗ trong các bữa tiệc) cho thấy mối bận tâm của ông về điểm này: vinh dự của người được chọn lên chỗ nhất đối nghịch với sự nhục nhã của người ngồi chỗ rốt hết. Sách Cvsđ cũng thường nói đến danh thơm tiếng tốt của một vài nhân vật.

Tuy nhiên thế gian chỉ niềm nở chào hỏi người giàu sang (Giac 2,1-4); còn người nghèo bị lăng mạ và xấu hổ đi ăn mày (Lc 16,3 so với Mc 10,42 và Mt 20,25; Lc 22,25) có một sửa đổi đầy ý nghĩa: thay vì viết “các người làm lớn thì lộng quyền”, Lc ghi “những kẻ cầm quyền thì được gọi là những vị ân nhân”.

Vậy những người được ca tụng là những người giàu sang, no say và vui cười. Dư luận quần chúng thường kính trọng những người giàu có. Họ chỉ việc xuất đầu lộ diện là được người ta niềm nở chào hỏi.

Bối cảnh thời gian của lời chúc dữ thứ tư cũng như bối cảnh thời gian của ba lời chúc dữ trước: là đối nghịch đời này với đời sau.

c) Phúc cho những người bị lăng nhục:

Lời chúc phúc thứ tư phù hợp với lòng ưu ái Lc dành cho những người khiêm nhu và bị khinh chê (1,48.51-52; 18,9-14). Vì sao các người bị khinh chê lại được biệt đãi như thế? Trái với những kẻ thỏa mãn vì đã được hưởng thụ mọi thứ họ ao ước trên đời này, những người bị khinh chê hy vọng tất cả ở đời sau.

Việc đối ngẫu tận căn giữa sự vinh quang (doxa) của người đời với vinh quang của Thiên Chúa được phúc âm thứ tư diễn tả cách rõ ràng (5,4.44; 12,43). Không thể vừa tìm kiếm vinh quang nhân thế và vinh quang Thiên Chúa. Theo thánh Gioan, tìm kiếm cái này là mất cái nọ; theo Lc, chiếm hữu cái này là mất cái kia.

V. KẾT LUẬN VỀ BÀI TRƯỚC TÁC CỦA LUCA:

Nếu Mt đã trình bày các lời chúc phúc trên bình diện luân lý (nhấn mạnh đến các thái độ nội tâm cần phải có để được Nước Trời), Lc trình bày trên bình diện xã hội. Ông đã thích nghi sứ điệp các lời chúc phúc vào các môi trường xã hội giàu, nghèo cách biệt nhau. Với tinh thần bác ái Kitô giáo, Lc có thiện cảm hơn với các người đau khổ. Đồng thời ông nhận thấy đa số các cộng đoàn Kitô hữu gồm các người nghèo khổ, bị khinh chê. Còn các người giàu sang quyền thế, chưa mấy thấm nhiễm sứ điệp hy vọng của phúc âm. Theo Lc, người giàu có xem ra bị khốn khổ, vì cuộc sống dễ dãi đã giam hãm mọi khát vọng và làm cho họ thiện cẩn không thể có cái nhìn siêu thế (supra-terrestre). Đặc quyền của người nghèo khó là không hy vọng gì vào cuộc sống trần thế. Tất cả mọi sự trong đời trần thế đều làm họ ghê tởm. Họ đã nếm chịu nỗi khổ nào mà hướng về trời? Tuy nhiên, nếu đề cập đến tình trạng xã hội của những người nghèo khó, Lc cũng không loại bỏ phương diện Mt đã gợi ra, đó là tình trạng vật chất của người nghèo khó thường làm họ có một tâm thức, một sự kiện dễ dàng hướng về Nước Trời; niềm an ủi họ sẽ được đời sau, liên hệ với Nước Trời mà Đức kitô đã đến thiết lập.

KẾT LUẬN

Nước Thiên Chúa được ban cho kẻ nghèo khó, vì thường những kẻ trắng tay mới cởi mở đón nhận Thiên Chúa, vì họ luôn đặt niềm hy vọng vào giờ Ngài sẽ thống trị, vì cái nhìn họ trong suốt, tự do, luôn ngước nhìn lên Thiên Chúa, vì họ xác tín rằng của cải, hạnh phúc trần thế, không thể bảo đảm cung ứng tất cả nhu cầu thiết yếu của họ.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Ở đây Chúa Giêsu khích lệ và an ủi các người nghèo khó. Trong suốt lịch sử của mình, Israel đã từng kinh nghiệm rằng Thiên Chúa luôn quan tâm đến kẻ nghèo hèn, người bị áp bức nếu họ trông cậy nơi Ngài. Trong thời nô lệ (ở Ai cập và lưu đày ở Babilone, Israel đã gặp nghèo đói và bị kềm kẹp, Thiên Chúa đã lưu tâm đến dân Ngài: “Chúa an ủi dân Ngài và xót thương những người cùng khốn” (Is 49,13). Thiên Chúa hướng lòng về những người nghèo đói, khổ sở lầm than “Lạy Chúa, xin hãy nghiêng tai về bên con, xin nhậm lời con; vì con nghèo nàn khổ sở” (Tv 86,1). Thiên Chúa cũng hành động tương tự như thế trong thời gian cứu độ mà Chúa Giêsu loan báo. Tin mừng được rao giảng cho người nghèo (4,8). Do đó, người nghèo thật hạnh phúc vì họ là những người đầu tiên được Chúa Cha quan phòng săn sóc và được phúc âm Chúa Kitô hướng dẫn dưỡng nuôi.

2. Tình trạng sung sướng hạnh phúc Chúa Giêsu công bố không phải là khổ sở, thiếu ăn, đói khát, dốt nát, chậm tiến, ăn mày. Trái lại, Chúa Giêsu xem các cảnh huống đó như là những cảnh huống làm con người thoái hóa, do đó phải sớm gạt bỏ: đến ngày phán xét chung thẩm, chúng ta sẽ bị phán xét theo cách thế chúng ta đã làm hầu xoa dịu các nỗi thống khổ của nhân loại (x.Mt 25), phù hợp với các giáo huấn và gương sáng của giáo hội qua mọi thời đại. Được xem là hạnh phúc, tình trạng của người dù nghèo nhưng luôn tín thác vào bàn tay quan phòng của Chúa Cha (dĩ nhiên là họ hết sức cố gắng làm việc), tình trạng của người luôn ý thức mình là con Thiên Chúa. Tóm lại, điều làm người ta dễ dàng đón nhận Nước trời, chính là sự tự do của người nghèo khó: chịu đựng các cảnh thăng trầm, bấp bênh đầy va chạm của cuộc sống mai ngày mới có thể thỏa mãn mọi thiếu thốn và khát vọng hạnh phúc của họ.

3. Những người bị bắt bớ vì đạo (theo dõi, giam tù, chèn ép, thiếu thốn mọi sự) và những người nhờ quan phòng tìm được tự do thường làm chứng rằng trong đời sống họ không có lúc nào cảm thấy được an ủi, bình thản và vui sướng cho bằng những lúv họ bị khốn khổ cùng cực. Có biết bao vị tử đạo đã vui hát khi bị giết. Hạnh phúc của người bị bách hại không phải là một hạnh phúc “bánh vẽ”. Ngay từ đời này, Thiên Chúa đã ban hạnh phúc cho những ai sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ vì Ngài.

4. Không nên phàn nàn những người có tiếng tốt là thanh liêm ngay thật, thích vụ tha nhân. Nhưng những kẻ mà Chúa Giêsu chúc dữ đó là những kẻ giàu sang được người ta nịnh bợ, tâng bốc chỉ vì họ giàu sang, quyền thế, nhiều áp lực… Họ giống các tiên tri giả, chỉ biết nói lời đường mật, nịnh hót, trấn an dân Do thái, trong lúc đang theo đuổi các ngẫu thần (x. Is 30,9tt; Giêr 23,17tt)

5. Ngay cả môn đệ, tín hữu, những người sống trong giáo hội cũng phải nghe lời chúc phúc và chúc dữ đó như thể được áp dụng cho chính mình. Phải tự vấn xem mình có sợ vì bị chúc dữ hay không. Phải luôn luôn lượng giá đúng các lời tuyên bố ngắn ngủi của Chúa Giêsu. Những lời tuyên bố đảo ngược mọi giá trị, đánh đổ mọi pháo đài con người xây lên cho mình, đó là hoàng hồn, là lời cáo chung của mọi thần tượng ta tin hằng tin tưởng. Các lời chúc phúc và chúc dữ mở cửa nước Thiên Chúa, một nước trong đó ta sẽ được mọi thứ mà của cải đời này không thể cung cấp nhưng chỉ Thiên Chúa mới có thể ban tặng khi Ngài bắt đầu thống trị.

Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét