WHĐ (09/02/2025) - Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa, có nam có nữ (St 1,27); nghĩa là người nam và người nữ được dựng nên một cách khác biệt về phái tính với nét độc đáo của mỗi phái. Với nét độc đáo của mình, mỗi phái được trao ban một thiên chức riêng. Tự bản chất, người nữ được trao ban thiên chức làm mẹ. Cấu trúc sinh học của người nữ được hình thành với vai trò tiếp nhận sự sống, cung cấp môi trường thật hoàn chỉnh cho một sự sống mới hình thành và triển nở trong chính cung lòng họ. Điều này được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II xác định trong Mulieris Dignitatem rằng thiên chức làm mẹ của người nữ ‘hàm chứa sự sẵn sàng đón nhận một con người mới: đó là vai trò thực sự của người nữ.’[1] Theo Đức Thánh cha, người nữ được trao ban thiên chức làm mẹ, không chỉ về thể lý mà cả về tinh thần. Thiên chức này, vốn nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng đã ủy thác con người cho người nữ một cách rất đặc biệt, là một đặc sủng được ban cho người nữ cách riêng và cho Giáo hội cách chung để thi hành sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo hội trước khi Người trở về với Chúa Cha. Với mục đích khám phá thiên chức làm mẹ như là đặc sủng của người nữ trong đời sống Giáo hội, trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu những biểu hiện của đặc sủng này: trước tiên là làm mẹ theo thể lý của người nữ, tiếp đến là làm mẹ theo nghĩa thiêng liêng hay còn gọi là mẹ tinh thần, và cuối cùng thiên chức làm mẹ như là thiên tư của nữ giới.

Làm Mẹ thể lý

Trong Mulieris Dignitatem, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II xác định những đặc điểm thiết yếu về thiên chức làm mẹ của người nữ. Người nữ tiếp nhận con người được giao phó cho mình và cộng tác trực tiếp vào sự phát triển của con người mà họ chịu trách nhiệm. Thiên Chúa trao phó con người cho người nữ cách đặc biệt. ‘Đương nhiên Thiên Chúa trao con người cho tất cả và cho từng người; nhưng chính sự trao phó này nhắm vào người nữ cách đặc biệt – chính vì nữ tính của họ – và điều này xác định cách đặc biệt về ơn gọi của họ.’[2]

Kiểu trao phó này khởi đi trong trật tự tình yêu. Ngay từ đầu, ‘người nữ đã được kêu gọi để yêu và được yêu.’[3] Thiên chức làm mẹ của người nữ ‘gắn chặt với tình yêu mà họ nhận được do chính nữ tính của mình; đồng thời với tình yêu mà họ trao ban.’[4] Trong kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa, ‘người nữ là nơi mà trật tự tình yêu trong thế giới con người được tạo dựng đâm rễ đầu tiên. Trật tự tình yêu này thuộc về đời sống nội tại của Ba Ngôi.’[5] Trật tự tình yêu này đã đi vào thế giới qua một người nữ, với sự đồng ý của Đức Maria thành Nazareth. Tương tự như vậy, mỗi con người đi vào thế giới qua một người nữ, người đầu tiên chấp nhận và chào đón sự sống mới đó: ‘Người mẹ đón nhận và mang trong mình một con người khác, giúp nó lớn lên và nhường cho nó một chỗ thích hợp trong cung lòng mình, tôn trọng nó trong sự khác biệt của nó.’[6]

Thật vậy, ‘làm mẹ ngay từ đầu bao hàm một sự cởi mở đặc biệt đối với một con người mới: và đây chính là “phần” của người nữ. Trong sự cởi mở này, khi thụ thai và sinh con, người nữ “khám phá chính mình qua việc chân thành hiến thân”.’ Mặc dù cả người nam lẫn người nữ đều thông dự vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa trong việc ‘trao ban một sự sống mới,’ nhưng chức làm mẹ của người nữ cấu tạo “phần” đặc biệt trong chức phụ mẫu chung này, và là phần đòi hỏi nhất. Chức làm cha làm mẹ – cho dẫu thuộc về cả hai – vẫn được thể hiện cách tròn đầy hơn nơi người nữ, nhất là trong giai đoạn tiền sinh sản. Chính người nữ trực tiếp “trả giá” cho việc cùng sinh sản này, vốn hấp thụ theo nghĩa đen các năng lực cả thể xác và tinh thần của họ. Vì thế người nam phải ý thức đầy đủ rằng trong chức phụ mẫu chung, người nam có món nợ đặc biệt đối với người nữ. Không một dự án “bình quyền” nào giữa nam và nữ có giá trị trừ khi nó tính đến thực tế này một cách đầy đủ.[7]

Chức làm mẹ được liên kết với ‘cấu trúc riêng của người nữ và với chiều kích cá nhân của việc hiến trao,’ đặc biệt trong giai đoạn mang thai. Việc làm mẹ bao gồm ‘một sự hiệp thông đặc biệt với mầu nhiệm sự sống,’ vì nó phát triển trong cung lòng người nữ.

Sự tiếp xúc độc đáo với một con người mới đang phát triển bên trong người nữ làm nảy sinh một thái độ đối với con người – không chỉ đối với đứa con của mình, nhưng còn đối với mọi con người – điều này đánh dấu sâu đậm nhân cách của người nữ. Người ta thường cho rằng nữ giới có khả năng chú ý đến người khác hơn nam giới và việc làm mẹ phát triển khuynh hướng này nhiều hơn. Người nam – ngay cả khi chia sẻ tất cả vai trò làm cha mẹ – vẫn luôn “ở ngoài” quá trình mang thai và sinh con; về nhiều mặt, người cha phải học cách “làm cha” của chính mình từ người mẹ.[8]

Như vậy, việc sinh hạ đứa trẻ cần có sự đóng góp của cả cha và mẹ. Nhưng ‘sự đóng góp của người mẹ mang tính quyết định trong việc đặt nền móng cho nhân cách của một con người mới.’[9]

Cùng với việc sinh hạ, vai trò của người cha và người mẹ trong việc nuôi dạy con cái đều rất quan trọng và không thể thay thế được. Đối với người mẹ, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã khẳng định: ‘Trong việc nuôi dạy con cái các bà mẹ có một vai trò đặc biệt quan trọng. Qua mối quan hệ đặc biệt gắn kết người mẹ với đứa con, đặc biệt trong những năm đầu đời, người mẹ mang lại cho đứa trẻ cảm giác an toàn và tin tưởng mà nếu không có điều đó, đứa trẻ sẽ khó phát triển đúng bản sắc cá nhân của mình và cũng khó thiết lập các mối quan hệ tích cực và hiệu quả với những người khác.’[10] Lời khẳng định này dựa trên nhận thức rằng Thiên Chúa ‘trao phó con người một cách đặc biệt’ cho người nữ. Tuy nhiên, điều này không được hiểu theo nghĩa độc quyền, mà đúng hơn là theo logic của các vai trò bổ sung trong ơn gọi chung để yêu thương, vốn mời gọi người cha và người mẹ đồng lòng và cùng nhau nuôi dạy con cái.

Làm Mẹ tinh thần

Thiên chức làm mẹ của người nữ không chỉ gắn kết với hôn nhân gia đình. Nói cách khác, làm mẹ không chỉ mang tính thể lý. Bộ Giáo Lý Đức Tin, trong Văn thư gửi Các Giám mục của Giáo hội Công giáo về Sự Cộng tác giữa Nam giới và Nữ giới trong Giáo hội và trên Thế giới đã khẳng định:

Mặc dù thiên chức làm mẹ là yếu tố then chốt trong bản sắc của nữ giới, điều này không có nghĩa là người nữ chỉ được lưu tâm đến từ góc độ duy nhất là việc sinh sản theo thể lý. … Sự trinh khiết bác bỏ bất kỳ nỗ lực nào nhằm trói buộc người nữ vào số phận sinh học đơn thuần. Cũng như sự trinh khiết nhận được từ việc làm mẹ thể lý cái nhìn sâu sắc rằng không có ơn gọi Kitô giáo nào loại trừ việc hiến thân cụ thể cho người khác, thì làm mẹ thể lý cũng nhận được từ sự trinh khiết một cái nhìn sâu sắc về chiều kích thiêng liêng căn bản của nó: đó là, không chỉ có sự trao ban sự sống thể lý mà người khác có thể thực sự tồn tại. Điều này có nghĩa là thiên chức làm mẹ cũng có thể tìm thấy những hình thức thể hiện trọn vẹn ở nơi không có sự sinh sản thể lý.[11]

Trong Mulieris Dignitatem, khi bàn về sự trinh khiết của người nữ, Đức Gioan Phaolô II đã liên kết trinh khiết với tình mẫu tử thiêng liêng, vì trinh khiết không làm mất đi những đặc tính làm mẹ của người nữ.[12] Điều này thật thú vị vì Đức Thánh cha xác nhận bản tính làm mẹ mà tất cả người nữ đều có, bất kể họ ở trong bậc sống nào. Ngài khẳng định rằng cũng như tình yêu phu thê giữa một người nam và một người nữ khiến họ cởi mở để yêu thương người khác, đặc biệt là con cái của họ, tình yêu phu thê giữa người trinh nữ và Đức Kitô cũng mở họ ra với người khác. Qua tình mẫu tử thiêng liêng, một trinh nữ cũng sẵn sàng hiến thân qua việc chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.[13] Như vậy, mỗi người nữ đều là một người mẹ tiềm năng, dù họ có trở thành mẹ về mặt sinh học hay không, vì bản chất của việc làm mẹ không nằm ở những yếu tố thuần túy sinh học. Trong giới hạn của bài viết, ở đây chúng ta chỉ đề cập đến vai trò làm mẹ thiêng liêng của các nữ tu, nhưng thiết nghĩ có thể áp dụng cho mọi người nữ, vì ngay cả người mẹ theo thể lý cũng phải trở thành người mẹ tinh thần của đứa con của mình (vì có những người mẹ chỉ sinh con ra nhưng không nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng).

Trong đời sống hôn nhân gia đình, người nữ là vợ để làm mẹ. Tương tự như thế, trong đời sống tu trì, các nữ tu, qua việc hiến thân chính mình ‘cho Chúa Giêsu trong một sự kết hiệp duy nhất và vĩnh viễn thể hiện qua việc không kết hôn với bất cứ ai khác,’[14] sẽ ‘đón nhận từ Người khả năng sinh nở, để rồi sinh ra những con cái của Thiên Chúa, đồng thời làm cho ân sủng phát triển trong họ.’[15] Thật vậy, tính chất đời sống độc thân thánh hiến vì Nước Trời của các tu sĩ, cách riêng của các nữ tu, là đặc trưng của một tình yêu hướng tới việc sinh hoa kết trái. Khi người nữ tu khám phá đúng vai trò của mình trong hôn ước thánh với Đức Kitô và thể hiện vai trò này trong cách sống của mình bằng một tình yêu của người vợ, bằng một sự gắn bó riêng tư, họ sẽ đón nhận từ Đức Kitô khả năng sinh sản thuộc lãnh vực siêu nhiên trong sự thông phần với toàn thể Giáo hội… Khả năng sinh sản này, tự bản chất, là vô hình, bởi vì nó thuộc lãnh vực siêu nhiên và hệ tại việc ban phát và làm phát triển sự sống thần linh nơi các linh hồn. Dù giác quan không đạt thấu, nhưng một thiên chức làm mẹ như thế lại càng sâu xa hơn.[16]

Như vậy, bằng đời sống độc thân thánh hiến vì Nước Trời, các nữ tu tự nguyện từ bỏ đời sống hôn nhân gia đình, và qua đó từ bỏ luôn vai trò làm mẹ theo thể lý. Đức Gioan Phaolô II khẳng định rằng, ‘Việc từ bỏ cách làm mẹ như vậy đối với tâm hồn người nữ là một hiến dâng lớn lao,’ sẽ chuẩn bị cho người nữ tu một kinh nghiệm về chức làm mẹ cách khác: chức làm mẹ ‘theo tinh thần.’[17]

Nói cách khác, nếu người nữ tu mang bản chất của người nữ là hướng đến chỗ làm mẹ, thì họ càng rất thích hợp để tham dự vào chức làm mẹ thiêng liêng và ‘trong sự tham dự này, họ sẽ đạt tới một sự triển nở sung mãn về mặt thiêng liêng.’[18] Vì ‘liên kết với Đức Kitô, Đấng Cứu Độ của mọi người và từng người, nên tình yêu phu phụ với tiềm năng mẫu tính ẩn giấu trong trái tim người nữ tu, vị hôn thê đồng trinh của Đức Kitô, luôn sẵn sàng mở ra cho mọi người và từng người.’[19] Điều này được thể hiện nơi đời sống của các nữ tu sống đời tông đồ cũng như đời sống chiêm niệm; họ thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng của mình một cách khác nhau tùy theo lối sống của họ. Như Mulieris Dignitatem diễn tả:

Tình mẫu tử thiêng liêng thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, trong đời sống của các nữ tu, những người sống theo đặc sủng và các quy luật của nhiều hội dòng sống đời hoạt động tông đồ khác nhau, tình mẫu tử này có thể thể hiện như sự quan tâm đến con người, đặc biệt là những người túng thiếu nhất: người đau yếu, người khuyết tật, người bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, người già yếu, trẻ em, thanh thiếu niên, tù nhân và nói chung là những người sống bên lề xã hội. Bằng cách này, người nữ thánh hiến tìm được Vị Hôn Phu của mình, khác biệt và duy nhất nơi mỗi người, theo lời Người đã nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).[20]

Như vậy, làm mẹ tinh thần đòi hỏi sự quan tâm đến toàn bộ con người chứ không chỉ là tâm hồn. Điều này khiến người mẹ tinh thần nhìn thấy và khám phá những khía cạnh tâm linh trong những thứ có vẻ chẳng ‘tâm linh’ chút nào. Nếu ý định làm một điều gì đó xuất phát từ tình yêu – tình yêu dành cho Thiên Chúa và tình yêu dành cho người lân cận – thì tất cả những công việc xem ra chẳng ‘tâm linh’ chút nào thực sự mang tính tâm linh. Ngoài ra, những công việc có vẻ ‘không tâm linh’ đó sẽ được coi là hành vi thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng của người nữ nếu họ để Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ thực hiện những công việc đó theo cách của Người.

Thiên chức Làm Mẹ - Thiên tư của nữ giới

Theo Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, thiên chức làm mẹ là ‘thiên tư của nữ giới’, một khả năng chân thành trao tặng chính mình cho người khác của người nữ. Làm mẹ thể lý hay tinh thần đều là một ‘sự hiến dâng’ cách đặc biệt của người nữ. Đây là nét biểu hiện đặc biệt của đặc sủng ‘thiên chức làm mẹ’. Đức Thánh cha xác định phần quan trọng trong đặc tính của tất cả các người nữ khi họ sống tình yêu phu thê, cả theo thể lý và tinh thần, đó là nó ‘luôn bao hàm sự sẵn sàng đặc biệt để tuôn đổ ra vì lợi ích của những ai đến trong phạm vi hoạt động của họ.’[21] Trong khi trong Mulieris Dignitatem, Đức Thánh cha chỉ đề cập đến nguồn gốc thiên hướng của nữ giới là vì lợi ích của người khác, thì trong cuốn Love and Responsibility (Tình Yêu và Trách Nhiệm), một cuốn sách ngài viết với tư cách là Karol Wojtyla, nguồn gốc này được nói rõ hơn một chút.[22] Ngài giải thích rằng thông thường do sự rụng trứng từ lúc dậy thì đến thời kỳ mãn kinh, cơ thể của người nữ sẵn sàng đón nhận sự sống mới nhiều lần, ngay cả khi người nữ ấy không bao giờ mang thai.[23] Ân huệ của việc rụng trứng được lặp đi lặp lại này khiến người nữ khác với người nam trong việc mở ra và tự hiến mình cho người khác.

Mặc dù cấu trúc sinh lý của người nữ được định hướng một cách tự nhiên về thiên chức làm mẹ, nhưng không chỉ hạn chế trong lãnh vực này. Bởi vì thiên chức làm mẹ được liên kết trọn vẹn với con người của người nữ và với việc hiến trao bản thân của họ.[24] Trên tất cả, khả năng mở ra và tự hiến mình cho tha nhân khởi đi từ việc người nữ ‘nhìn con người bằng trái tim’ của mình.[25] Trái tim của người nữ được in dấu sự trực giác và nhạy cảm đặc biệt giúp họ không chỉ xác định được nhu cầu của người khác nhưng còn đồng cảm với thân phận con người theo cách của một người mẹ. Khi nói về trực giác của người nữ, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã viết:

Trực giác này gắn liền với khả năng thể chất của người nữ để mang lại sự sống. Dù thể hiện ra bên ngoài hay vẫn còn tiềm ẩn, khả năng này là một thực tế cấu thành nên nhân cách của người nữ một cách sâu sắc. Nó cho phép họ trưởng thành nhanh chóng và mang đến một ý thức về sự nghiêm túc của cuộc sống cũng như trách nhiệm của nó. Sự ý thức cũng như sự tôn trọng đối với những gì cụ thể phát triển nơi họ, trái ngược với sự trừu tượng vốn thường gây tai hại cho sự tồn tại của cá nhân và xã hội.[26]

Khi đề cập đến sự nhạy cảm của người nữ, Đức Gioan Phaolô II cho rằng nhờ những thiên hướng về tinh thần và tình cảm, người nữ dễ dàng bước vào các mối quan hệ cá nhân hơn, và do đó, hầu như một cách tự phát, trở nên nhạy cảm với bất kỳ tình huống nào, đặc biệt đối với con người. Sự nhạy cảm bẩm sinh này chỉ có thể hiện nhờ tình yêu. Như đã đề cập ở trên, trong trật tự tình yêu của cuộc tạo dựng, người nữ đứng hàng đầu. ‘Trật tự tình yêu thuộc về đời sống nội tại của Thiên Chúa, đời sống của Ba ngôi.’ Trật tự tình yêu nhất thiết là trật tự của công bình và yêu thương và ‘phẩm giá của người nữ được đo lường bằng trật tự tình yêu.’

Chỉ có con người mới có thể yêu và chỉ có con người mới có thể được yêu… Con người phải được yêu thương, bởi vì chỉ có tình yêu mới xứng đáng với điều làm nên con người… Trong bối cảnh rộng lớn và đa dạng này, người nữ thể hiện một giá trị đặc biệt bởi thực tế mỗi người nữ là một ngôi vị, và đồng thời, là một ngôi vị cụ thể, do chính nữ tính của mình. Điều này liên quan đến mỗi và mọi người nữ, không phụ thuộc vào bối cảnh văn hóa nơi họ sống và không phụ thuộc vào các đặc điểm tinh thần, tâm lý và thể chất của họ, chẳng hạn như tuổi tác, nền giáo dục, sức khỏe, công việc, đã kết hôn hay sống độc thân.[27]

Sự nhạy cảm trong tình yêu phát xuất từ trái tim ban cho người nữ một ‘sức mạnh đạo đức và tinh thần’ vốn ‘gắn liền với nhận thức rằng Thiên Chúa trao phó con người cho họ cách đặc biệt… Người nữ mạnh mẽ vì nhận thức được sự trao phó này, mạnh mẽ vì Thiên Chúa “trao phó” con người cho họ, trong mọi lúc và bằng mọi cách, ngay cả trong những tình huống phân biệt đối xử xã hội mà người nữ có thể thấy mình trong đó.’[28] Sự nhạy cảm là nét ‘đặc trưng cho nữ tính’ của người nữ.[29] Tuy nhiên, người nữ phải lưu ý rằng ‘sự nhạy cảm của mình không được khuất phục trước cám dỗ ích kỷ chiếm hữu, và phải dùng nó để phục vụ tình yêu đích thực. Trong những điều kiện này, người nữ cống hiến hết mình, ở mọi nơi [họ] đều thêm vào chút hào phóng, dịu dàng và niềm vui cho cuộc sống.’[30]

Bắt đầu từ những mối quan hệ hằng ngày với mọi người, bằng những hành động dựa trên thiên hướng nữ giới của mình, người nữ ‘thể hiện một kiểu làm mẹ đầy cảm xúc, văn hóa và tinh thần, có giá trị vô giá đối với sự phát triển của các cá nhân và tương lai của xã hội.’[31] Chính người nữ là những người ‘ngay cả trong những hoàn cảnh tuyệt vọng nhất, như đã được lịch sử trong quá khứ và hiện tại chứng thực, vẫn sở hữu một khả năng phi thường để kiên trì trong nghịch cảnh, giữ cho cuộc sống tiếp diễn ngay cả trong những tình huống cực đoan.’[32] Như Đức Thánh cha Phanxicô đã khẳng định:

Thực vậy, người nữ biết cách liên kết mọi người lại với nhau bằng sự dịu dàng… Với khả năng trắc ẩn độc đáo, với trực giác nhạy bén, và với thiên hướng tự nhiên là “quan tâm”, người nữ có thể, một cách xuất sắc, vừa là “trí tuệ và trái tim vốn yêu thương và hiệp nhất” đối với xã hội, vừa mang lại tình yêu ở những nơi thiếu vắng tình yêu, cũng như mang lại tính nhân văn ở những nơi con người đang tìm kiếm căn tính đích thực của mình.[33]

Trong Bức Thư gửi các Người Nữ, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã mời gọi các người nữ hãy ‘mang sự phong phú của nhạy cảm, trực giác, lòng quảng đại và trung thành của mình vào trái tim của gia đình và của toàn xã hội.’[34] Đức Thánh cha nhìn nhận sự cần thiết và sức mạnh của thiên hướng nữ giới trong việc vun trồng một ‘nền văn minh tình thương’ và một nền văn hóa sự sống.[35] Theo Đức Thánh cha, việc đem trật tự tình yêu vào các mối quan hệ giữa các cá nhân và đời sống xã hội là lĩnh vực mà người nữ tìm thấy một vị trí thích hợp và không thể thay thế. Ngài đánh thức năng lực này của người nữ để ‘nhân bản hóa’ xã hội, như ngài đã viết: ‘Sự hiện diện nhiều hơn của người nữ trong xã hội sẽ rất quý giá, bởi vì nó sẽ góp phần làm cho thấy rõ những mâu thuẫn của một xã hội được tổ chức dựa trên những tiêu chuẩn thuần túy hiệu năng và sản xuất, đồng thời nó sẽ buộc chúng ta tái lập những hệ thống nhằm ưu tiên cho tiến trình nhân bản hóa đánh dấu “nền văn minh tình thương”.’[36]

Điều hết sức cần thiết là phải cẩn thận suy ngẫm và hiểu rõ ‘thiên tư của người nữ’ để thiên tư này được thể hiện đầy đủ hơn trong đời sống gia đình, Giáo hội và toàn xã hội.[37]

“Thiên tư của người nữ” phải được đề cao đúng mức, không chỉ được thể hiện bởi những người nữ vĩ đại và nổi tiếng trong quá khứ hay hiện tại, mà còn bởi những người nữ bình thường, thể hiện thiên tư của mình để phục vụ người khác trong cuộc sống hằng ngày. Thật vậy, khi hiến thân mình cho người khác trong cuộc sống hằng ngày, người nữ thực hiện ơn gọi sâu xa nhất của mình. Có lẽ người nữ dễ dàng nhìn nhận con người hơn người nam, bởi vì họ nhìn con người bằng trái tim của mình. Họ nhìn những con người một cách độc lập với các hệ thống tư tưởng hoặc chính trị khác nhau. Họ nhìn người khác trong sự vĩ đại và hạn chế của người đó; họ cố gắng đến gần và giúp đỡ người khác. Bằng cách này, kế hoạch nền tảng của Đấng Tạo Hóa được thực hiện trong lịch sử nhân loại và vẻ đẹp – không chỉ thể lý mà trên hết là tinh thần – mà Thiên Chúa đã ban cho con người ngay từ đầu, không ngừng được biểu lộ, trong sự đa dạng của các ơn gọi, đặc biệt là đối với người nữ.[38]

Những người nữ, bằng cách hiến dâng trọn vẹn bản thân mình cho gia đình và xã hội, thể hiện vai trò làm mẹ của họ không chỉ trong mà còn ngoài gia đình của họ. Đề cập đến sự phù hợp của người nữ trong việc đồng hành, phục vụ và hỗ trợ nhân loại, Đức Gioan Phaolô II khẳng định rằng mặc dù người nữ đã góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học công nghệ, chính trị, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội…, nhưng quan trọng hơn là chiều kích đạo đức, liên quan đến các mối quan hệ giữa con người và các giá trị tinh thần. Trong chiều kích này, ‘vốn thường phát triển một cách kín đáo, bắt đầu từ những mối quan hệ hằng ngày giữa con người với nhau, đặc biệt trong gia đình, xã hội chắc chắn mang ơn “thiên tư của người nữ” rất nhiều.’[39] Đức Thánh cha đã tiên báo: ‘Đời sống của Giáo hội trong Thiên niên kỷ thứ ba chắc chắn sẽ không thiếu những biểu hiện mới mẻ và đáng ngạc nhiên của “thiên hướng nữ giới.’[40]

Trong thông điệp Evangelium Vitae, Đức Gioan Phaolô II nài xin người nữ hãy phát triển thiên tư của họ vì lợi ích của xã hội và Giáo hội. Ngài lập luận rằng điều cốt yếu đối với văn hóa là người nữ phải làm những công việc cần thiết trong lĩnh vực ơn gọi của họ:

Trước tiên, người nữ học và sau đó dạy người khác rằng các mối quan hệ giữa con người với nhau là chân thực nếu họ sẵn sàng chấp nhận người khác: một người được công nhận và yêu thương vì phẩm giá xuất phát từ việc là một con người chứ không phải từ những yếu tố khác, chẳng hạn như sự hữu ích, sức mạnh, trí thông minh, sắc đẹp hay sức khỏe. Đây là sự đóng góp cơ bản mà Giáo hội và nhân loại mong đợi nơi người nữ. Và đó là điều kiện tiên quyết không thể thiếu cho một sự thay đổi văn hóa đích thực.[41]

Tuy nhiên, trước khi người nữ có thể mở ra và trao ban chính mình cho người khác, họ cần nhận ra vẻ đẹp, mầu nhiệm và sức mạnh của bản chất và ơn gọi nữ tính mà từ đó thiên hướng nữ giới của họ tuôn trào. Một khi người nữ nhận ra vẻ đẹp, mầu nhiệm và sứ mệnh của mình với tư cách là người nữ, họ sẽ có thể bảo vệ và phát huy thiên hướng nữ giới của mình trong gia đình cũng như trong xã hội và Giáo hội. Khi nói về việc giáo dục nữ giới về nữ tính của mình, Edith Stein đã sử dụng ví dụ về một khu vườn để đưa ra cách thức đào tạo cơ bản:

Giống như những hạt giống của các loại cây có một hình thể bên trong, khiến hạt này mọc lên thành cây thông, hạt kia thành cây sồi, cũng vậy, mỗi con người đều có một hình thể bên trong riêng biệt mà mọi nền giáo dục từ bên ngoài phải tôn trọng và hỗ trợ sự chuyển động của nó hướng tới hình thức xác định, nhân cách trưởng thành, phát triển đầy đủ.[42]

Trong phạm vi mà người nữ phát triển nhân cách của mình và trở nên trưởng thành, họ sẽ có thể hiến trao bản thân và những ân huệ cá nhân của mình, tức là thiên hướng nữ giới của họ, cho tha nhân. Qua sự hướng nội đầy ý nghĩa của trái tim, tâm hồn người nữ sẽ bộc lộ sự rộng mở, yên ổn, ấm áp, tự chủ hay độc lập, trống rỗng hay vị tha, làm chủ bản thân một cách hài hòa. Bản chất của người nữ được xác định bởi ơn gọi làm mẹ của họ.

Vì vậy, tâm hồn người nữ phải “mở rộng” và cởi mở với mọi người; phải “yên ổn” để không một ngọn lửa yếu ớt nào bị gió bão dập tắt; phải “ấm áp” để không làm tê liệt những nụ hoa mỏng manh; phải “trong sáng” để không có sâu bọ nào trú ngụ trong các ngóc ngách và hốc tối; phải “khép kín” để không sự xâm lược nào từ bên ngoài có thể gây nguy hiểm cho đời sống nội tâm; phải “làm rỗng” để cuộc sống không liên quan gì đến mình có thể có chỗ ở trong đó; cuối cùng phải là “chủ nhân của chính nó” và của cả thân xác, nhờ đó toàn bộ con người có thể sẵn sàng đáp ứng mọi tiếng gọi. Đây là hình ảnh lý tưởng về hình thái của người nữ. Tâm hồn của người nữ đầu tiên được hình thành vì mục đích này, và tâm hồn của Mẹ Thiên Chúa cũng vậy. Nơi tất cả những người nữ khác kể từ sự sa ngã, đều có một phôi thai phát triển như vậy, nhưng nó cần được chăm sóc đặc biệt nếu không muốn bị chết ngạt giữa đám cỏ dại mọc xung quanh.[43]

Cần lưu ý rằng khi tìm kiếm những biểu hiện của thiên chức làm mẹ nơi thiên hướng nữ giới, trước hết chúng ta hãy nhìn vào Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, là mẫu mực hoàn hảo nhất và vượt trội nhất. Bản thân nữ tính là một mối liên kết đặc biệt với Đức Maria mà mọi người nữ đều có thể thiết lập. Khi nhìn vào Mẹ Maria, ‘người nữ khám phá ra nơi Mẹ bí quyết sống nữ tính của mình một cách có phẩm giá và sự viên mãn đích thực của chính mình.’ Cũng vậy, dưới ánh sáng của Mẹ Maria, Giáo hội ‘nhìn thấy nơi người nữ những phản ánh của một vẻ đẹp vốn phản ánh những tình cảm cao cả nhất mà trái tim con người có thể có được.’[44] Quả thật, nơi con người của Đức Maria, ‘Giáo hội nhìn thấy sự biểu hiện đầy đủ nhất của “thiên hướng nữ giới” và tìm thấy nguồn cảm hứng bất tận. Đức Maria tự nhận mình là “nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38). Nhờ vâng phục Lời Chúa, Mẹ đã đón nhận ơn gọi cao cả nhưng không hề dễ dàng là làm vợ và mẹ trong gia đình ở Nazareth. Hiến thân phục vụ Thiên Chúa, Mẹ cũng hiến thân phục vụ con người: phục vụ tình yêu.’[45] 

Thay lời kết

Mỗi người nữ đều là một người mẹ tiềm năng, dù có làm mẹ về mặt sinh học hay không, vì bản chất làm mẹ không chỉ nằm ở những yếu tố thuần tuý sinh học. Thiên chức làm mẹ của người nữ là trao ban sự sống trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Đây là một nhiệm vụ sinh động, là thiên tư của mọi người nữ, và chính là đặc sủng mà người nữ được trao ban để mang vào cuộc sống trong bất cứ vị trí nào; trong gia đình, xã hội hay Giáo hội. Bất cứ nơi nào người nữ hiện diện, nếu họ thể hiện thiên chức làm mẹ cách sáng tạo, họ có thể góp phần xây dựng ‘nền văn minh tình thương’.

Không có tham vọng trình bày tất cả những biểu hiện của đặc sủng được ban cho người nữ, bài viết này chỉ trình bày một vài biểu hiện qua những phẩm chất vốn có nơi người nữ; nếu những phẩm chất này bị loại bỏ thì đặc sủng của người nữ sẽ bị đánh mất và nhân loại có thể bị phát triển khập khễnh một chiều. Bởi vì ‘đặc sủng là “ân sủng đặc biệt” mà Chúa Thánh Thần ban phát cho các tín hữu thuộc mọi cấp bậc trong Giáo hội tùy theo ý Ngài muốn, để làm cho họ “có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo hội”,’[46] nên người nữ phải tìm kiếm sự thành toàn của mình với tư cách là người nữ trong sự hội nhập hài hòa (nhưng không đánh mất chính mình) và hiệu quả với người nam, dựa trên sự thừa nhận và tôn trọng các đặc sủng khác nhau được ban tặng, để cùng nhau thi hành sứ mệnh phổ quát của Giáo hội.

‘Người phụ nữ đảm đang’
là chỗ dựa không thể thay thế được
và là nguồn sức mạnh tinh thần cho tha nhân.[47]

Nt. Lê Loan, Dòng Nữ Vương Hoà Bình

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 143 (Tháng 9 & 10 năm 2024)

______

[1] John Paul II, Apostolic Letter Mulieris Dignitatem on the Dignity and Vocation of Women on the Occasion of the Marian Year (15.8.1988), 18.

[2] John Paul II, Mulieris Dignitatem, 30.

[3] John Paul II, Mulieris Dignitatem, 20.

[4] John Paul II, Mulieris Dignitatem, 30.

[5] John Paul II, Mulieris Dignitatem, 29.

[6] John Paul II, Encyclical Evangelium Vitae to the Bishops, Priests and Deacons, Men and Women religious, lay Faithful and all People of Good Will on the Value and Inviolability of Human Life (25.3.1995), 99.

[7] John Paul II, Mulieris Dignitatem, 18.

[8] John Paul II, Mulieris Dignitatem, 18.

[9] John Paul II, Mulieris Dignitatem, 18.

[10] John Paul II, “Women: Teachers of Peace,” World Day of Peace Message (01.01.1995), 6.

[11] Congregation for the Doctrine of the Faith, Letter to the Bishops of the Catholic Church on the Collaboration of Men and Women in the Church and in the World (31.5.2004), 13.

[12] John Paul II, Mulieris Dignitatem, 21.

[13] John Paul II, Mulieris Dignitatem, 21.

[14] Sandra M. Schneiders, Selling All: Commitment, Consecrated Celibacy, and Community in Catholic Religious Life (New York/Mahwah, NJ: Paulist Press, 2001), 10.

[15] J. Galot, “Thiên Chức Làm Mẹ của Đức Maria trong phạm vi Ân Sủng,” http://catechesis.net/index.php/than-hoc/tin-ly/mau-nhiem-duc-maria/2437-thien-chuc-lam-me-cua-duc-maria-trong-pham-vi-an-sung

[16] Galot, “Thiên Chức Làm Mẹ của Đức Maria trong phạm vi Ân Sủng.”

[17] John Paul II, Mulieris Dignitatem, 21.

[18] Galot, “Thiên Chức Làm Mẹ của Đức Maria trong phạm vi Ân Sủng.”

[19] John Paul II, Mulieris Dignitatem, 21.

[20] John Paul II, Mulieris Dignitatem, 21.

[21] John Paul II, Mulieris Dignitatem, 21.

[22] Karol Wojtyła, Love and Responsibility (San Francisco: Ignatius Press, 1993), 106–07.

[23] Wojtyła, Love and Responsibility, 279–83.

[24] John Paul II, Mulieris Dignitatem, 18.

[25] John Paul II, Pastoral Letter Letter to Women (29.6.1995), 12.

[26] Congregation for the Doctrine of the Faith, Letter to the Bishops of the Catholic Church on the Collaboration of Men and Women in the Church and in the World, 13.

[27] John Paul II, Mulieris Dignitatem, 29.

[28] John Paul II, Mulieris Dignitatem, 30.

[29] John Paul II, Mulieris Dignitatem, 16.

[30] John Paul II, “Society and Church Need Genius of Woman,” Angelus (23.7.1995), no. 2.

[31] John Paul II, Letter to Women, 9.

[32] Congregation for the Doctrine of the Faith, Letter to the Bishops of the Catholic Church on the Collaboration of Men and Women in the Church and in the World, 13.

[33] Francis, “Women in the Church: Artisans of Humanity.” Address to Participants in an International Inter-University Conference (07.3.2024).

[34] John Paul II, Letter to Women, 2.

[35] x. John Paul II, Letter to Women, 4; John Paul II, Mulieris Dignitatem, 29, 30.

[36] John Paul II, Letter to Women, 4.

[37] John Paul II, Letter to Women, 10.

[38] John Paul II, Letter to Women, 12.

[39] John Paul II, Letter to Women, 9.

[40] John Paul II, Letter to Women, 11.

[41] John Paul II, Evangelium Vitae, 99.

[42] Edith Stein, Essays on Woman, Lucy Gelber and Romaeus Leuven ed., Freda Mary Oben trans. (Washington, D.C.: ICS Publications, 1996), 130. 

[43] Stein, Essays on Woman, 132–133. 

[44] John Paul II, Encyclical Redemptoris Mater on the Blessed Virgin Mary in the life of the Pilgrim Church (25.3.1987), 46.

[45] John Paul II, Letter to Women, 10.

[46] Lê Loan, “Nhìn Lại Tương Quan giữa Phẩm Trật và Đặc Sủng để Hiệp Hành,” Hiệp Thông 130 (Tháng 7 & 8, 2022), 44–45. Xem Lumen Gentium, 12.

[47] Gioan Phaolô II, Mulieris Dignitatem, 30.